Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Châu Thạch: Cảm nỗi non tan trong bài thơ “Trên Đỉnh Chon Von”
Châu Thạch * đăng lúc 11:43:28 PM, Jun 28, 2017 * Số lần xem: 1579
Hình ảnh
#1

 
                

Châu Thạch: Cảm nỗi non tan trong
bài thơ
Trên Đỉnh Chon Von

của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt.

Lời Bình Châu Thạch

 

Trên Đỉnh Chon Von -

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

Ngồi trên đỉnh núi ngắm vầng trăng
Đọc những dòng thơ tặng chị Hằng
Thử vạch mây xanh tìm ý mộng
Và đào tuyết trắng kiếm mầm văn
Thấm niềm thác vỡ than nhân thế
Cảm nỗi non tan khóc đất bằng
Nơi cõi chon von cao chất ngất
Trời gần sao vẫn buốt hơn băng./.

 

Lời bìnhChâu Thạch

Tôi đã đọc hàng ngàn bài Đường thi và viết lời bình cũng gần trăm bài, nhưng có lẽ “Trên Đỉnh Chon Von” của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt cho tôi có cảm tưởng đây là một bài thơ đột phá cái võ bọc cứng nhắc của thơ Đường. Cái võ bọc ấy khiến cho mỗi bài thơ Đường dường như một đoá hoa không nở hết. Bài thơ cho tôi nhớ đến “Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan. Ở đây Hạ Thái Trần Quốc Phiệt cũng mang tâm trạng ấy nhưng ông không đứng ở lưng đèo mà đứng tận trên đỉnh chon von của một ngọn núi nơi miền giá lạnh. Chỉ cái đầu đề “Trên Đỉnh Chon Von” đủ mở ra trước mắt ta một bầu trời bao la và một khung cảnh núi non hùng vĩ. Tự điển giải thích “chon von” là trơ trọi trên cao, không có chỗ dựa chắc chắn. Vậy thì người đứng trên đỉnh chon von chắc chắn sẽ cảm thấy cô đơn, và cô đơn ấy sẽ trở nên cùng tận nếu chỉ đứng một mình với đầy tâm trạng  trong lòng.

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt ngồi trên đỉnh chon von để làm gì? Hãy đọc hai câu thơ mở đầu sẽ hiểu:

 

Ngồi trên đỉnh núi ngắm vầng trăng
Đọc những dòng thơ tặng chị Hằng

 

Hai câu thơ mở đầu cho ta tất cả sự sảng khoái của tâm hồn. Ta sẽ thấy đẹp biết bao hình ảnh người thi sĩ ngồi giữa thiên nhiên hùng vĩ đọc thơ cho trăng nghe. Thi sĩ đời nầy thường đọc thơ bên bàn rượu, trong phòng trà, hay cùng lắm bên vỉa hè nào đó có xe cộ đi qua. Thi sĩ đời nầy mấy ai lên núi cao đọc thơ? Đến các nhà tu hành cũng xuống núi kiếm tiền huống chi là thi sĩ. Nhưng đọc hai câu thơ trên hồn ta quay lại với sự lãng mạn của một thời xa xưa, thời các đạo sĩ, ẩn sĩ còn trên núi cao, hay một thời “lên non tìm động hoa vàng’ của Phạm Thiên Thư ở thế kỷ trước. Đọc hai câu thơ trên ta cũng cảm ơn đời, vì sự xô bồ của đời nay chưa cuốn hút hết kẻ sĩ, vẫn còn nhà thơ lên đỉnh chon von đọc thơ cùng trăng gió, nghĩa là đời nay không hẳn chìm trong cõi tục, còn có kẻ muốn làm tiên.

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt muốn làm tiên, mà cao hơn nữa không phải một thứ tiên biết biến hoá. Nhà thơ chỉ muốn làm một thứ tiên lạ kỳ, một thứ tiên chỉ đào tuyết vạch mây để nhặt thơ. Lạ lùng thay, nhà thơ tìm tài sản trong tuyết và mây, thứ tài sản quý giá mà nơi thấp không có, phải lên đỉnh chon von mới tìm thấy được:

Thử vạch mây xanh tìm ý mộng
Và đào tuyết trắng kiếm mầm văn

Vế luận của bài Đường thi cho ta thấy gì? Thấy nhà thơ lặn lội đi tìm cái đẹp, đi tìm cái niềm vui thư thái cho tâm hồn. Lên cao để nhìn thiên nhiên, tìm thơ trong thiên nhiên là tìm “nguồn trong trẻo vô biên” là tìm “sợi dây quyến luyến” của Hàn Mạc Tử để hoà nhập vào chân lý vô vi của Lão Tử. Trong mây có mộng, trong tuyết có mầm văn, phải vạch ra và đào lên để tìm là một tư duy nẩy mầm thơ đẹp. Tác giả đào cái ý đó , vạch cái tứ đó nằm tiềm tàn trong đầu mình cũng quý hiếm chẳng khác chi mộng trong mây và mầm văn trong tuyết mà nhà thơ đã khám phá tuyệt vời, đưa vào thơ tuyệt hảo.

Rồi thì nhà thơ đi ngược lại phương pháp sáng tác Đường thi mà đời xưa đã dạy cho thi sĩ đến đời nay. Đường thi ở câu luận là phải mở rộng ý thơ, bàn sâu vào cái đầu đề đã đặt ở trên, nghĩa là phải làm cho “Trên Đỉnh Chon Von” đầy thơ và đầy mộng hơn nữa như vế mở, vế trạng của bài thơ vừa đề cập đến. Không! Nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt không làm như thế, ông quay ngoắt 180 độ, đưa bài thơ từ sự an tịnh thư thái tâm hồn bước qua vực thẳm, vực thẳm của nỗi đau buồn, khóc than và rên xiết: 

Thấm niềm thác vỡ than nhân thế
Cảm nỗi non tan khóc đất bằng 

Ta thấy rằng bà Huyện Thanh Quan qua Đèo Ngang, nhìn thấy cảnh khô cằn của “cây chen đá/ Lá chen hoa/ Tiều vài chú/ rợ mấy nhà” thì chạnh lòng “ nhớ nước/ Thương nhà” là đúng quy luật Đường thi. Ở đây Hạ Thái đang “Ngắm vầng trăng” đọc thơ “tặng chị Hằng, đang “vạch mây tìm mộng”, “đào tuyết kiếm mầm văn” thì bng nhiên bi luy “than nhân thế” và “khóc đất bằng”. Như thế, bài thơ có nghịch lý hay chăng? Không. Bài thơ không nghịch lý mà còn độc đáo vô cùng, mở ra một chân trời mới cho phương pháp Đường thi với những ai cứ khư khư, câu nệ theo cái luật từ thời xa xưa để lại. Đọc tiểu sử bà Huyện Thanh Quan, ta biết bà có cái tâm trạng hoài Lê, nhưng cái tâm trạng của bà chỉ hướng về quá khứ của cha ông mà bà không tường tận mấy. Do đó nổi hoài cảm của bà nhẹ nhàng khơi dậy theo trình tự đối cảnh sinh tình. Hạ Thái Trần Quốc Phiệt không thế, nhà thơ là người trong thời cuộc, vết thương hằn sâu trong tim vỡ ra, rỉ máu bất kỳ lúc nào, kể cả khi đang vui hay lúc mình đang thụ hưởng. Đứng trước trời bao la, núi non hùng vĩ và sự cô đơn trên đỉnh chon von, tầm mắt nhà thơ phóng xa và quê nhà bỗng hiện lên trong tâm tưởng. Cơn đau vụt đến, đất trời hiện hữu không còn nữa, thay vào đó một đất trời xa xưa với thác vỡ, với non tan hiện ra làm quặn thắt tâm hồn. Ai đã từng bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ quê hương đi lưu lạc xứ người có lẽ không lạ gì những phút đau thương như thế. Hạ Thái Trần Quốc Phiệt làm thơ hiện thực, không phải thứ hiện thực phơi bày lộ liểu sự kiện xảy ra, mà là diễn tả thực tế biến chuyển hiện tại trong lòng mình, tài tình làm cho nỗi đau của chính mình, của thế hệ mình hiện hữu giữa đất trời cao rộng, nên cũng cao rộng như đất trời. 

Vế chót bài thơ tác giả cô đọng đất trời vào một điểm. Điểm ấy là điểm đứng của tác giả mà cũng là điểm đau trong lòng mình:

 Nơi cõi chon von cao chất ngất
Trời gần sao vẫn buốt hơn băng./. 

Phải hiểu rằng tác giả đứng một mình. Một mình nơi cõi chon von cao chất ngất để nghĩ về quê hương, về sơn hà thì cái chon von ấy, cái chất ngất ấy không còn biết tới cảnh vật quanh mình, nó gậm nhấm ở trong lòng mình. Trời gần mà không nóng, mà buốt hơn băng, chứng tỏ băng cũng ở trong lòng mình. Hai câu thơ ném con người lên đỉnh cao, đỉnh cao của cô đơn, đỉnh cao của bi thương, xoá trọn vầng trăng bàng bạc, xoá trọn mây xanh và tuyết trắng quanh mình. Tất cả khung cảnh nên thơ giờ đây đã biến đi đâu mất. Trong hồn tác giả hiện nay chỉ còn có quê hương, quê hương với “non tan” và “thác vỡ”.

Người trong thơ thì thế nhưng người đọc thơ thì khác. Người đọc thơ sẽ thấy trăng, thấy mây, thấy núi và thấy một bóng người trên đỉnh chon von như người vọng phu hoá đá. Hình tượng trong thơ sầu biết bao mà đẹp biết bao. Hình tượng trong thơ là hình ảnh của triệu con người ra đi bỏ nước, lên cao để vọng về cố quốc, khóc âm thầm cùng gió cùng trăng cùng mây và nước mắt nuốt vào lòng sẽ buốt giá hơn băng.

Đây là một bài Đường thi có chủ đề chính mà người viết xin đặt tên là “Cảm nỗi non tan” (non là quê hương là xứ sở) mà nhà thơ đã mượn cảnh “Trên núi chon von” để bày tỏ lòng mình. Bài thơ ngắn như một miếng vải nhỏ nhưng lại có phép thuật trùm lên vạn vật, nơi có khung cảnh nên thơ hùng vĩ và nơi có quê hương xa xôi với cảnh điêu tàn. Bài thơ chính là nỗi lòng, là niềm đau có thực của tác giả được khéo léo đem khóc ở một khung trời lãng mạn làm cho tiếng thơ bay trong tuyết, bay trong trăng, bay trong bầu trời lồng lộng, làm cho nỗi đau đó long lanh ánh sáng  đẹp vô cùng./.

                                                  Châu Thạch



 

 


 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.