LẠI BÀN VỀ KỊCH BẢN XẠO TRONG THƠ
Bài viết Một Kịch Bản thơ "Xạo" - mới xuất xưởng được hơn nửa ngày thì tôi nhận được tin nhắn qua Messenger của cô giáo Diên Hồng Dương:
“Anh Nhi Pham kết bạn em đi rồi đọc bài phản hồi ạ. Cảm ơn anh. Có gì đừng buồn nha.”
Chưa biết bài phản hồi mạnh bạo đến cỡ nào, nhưng đọc tin nhắn lịch sự dễ thương như thế tôi đã có cảm tình. Sau khi đọc bài Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ ‘Xạo’” của cô giáo, tôi càng có cảm tình hơn vì thái độ hiền dịu, lời lẽ nhẹ nhàng, nhã nhặn, và đặc biệt, một tấm lòng yêu mến văn chương tha thiết.
Vì thế tôi viết bài này không để tranh biện thắng thua mà chỉ để làm rõ một số khác biệt trong cách nhận xét, đánh giá thơ ca giữa cô giáo và tôi. Và dĩ nhiên kết luận sau cùng sẽ là của độc giả.
Sự Xuất Hiện Của Kịch Bản
Đã làm thơ, khi chữ nghĩa cùng với cảm xúc tuôn ra, chúng phải “chảy” về một hướng nào đó, bằng một “con kênh” nào đó. Con kênh có thể có trước, cũng có thể xuất hiện cùng thời điểm lúc chữ nghĩa và cảm xúc tuôn ra. (Trường hợp sau thì thơ dễ có hồn hơn). Trong thực tế, ít ai từ lúc cầm bút viết những chữ đầu tiên của bài thơ cho đến khi buông bút là có “đứa con tinh thần” chào đời. Có khi ngày hôm sau, tuần sau, nhiều trường hợp còn lâu hơn nữa, phải quay trở lại tiếp tục công việc đang bỏ dở. Lúc ấy, đoạn sau phải viết sao cho ăn khớp với đoạn trước và phải phù hợp với bức tranh toàn cảnh của bài thơ.
Có điều chắc chắn rằng khi bài thơ hoàn tất, cả thi sĩ và người đọc sẽ nhận ra – có thể độ hiển thị khác nhau - hình ảnh của con kênh đó. Đó chính là bố cục mà riêng tôi có khi gọi là thế trận chữ nghĩa, hoặc kịch bản của bài thơ. Để bạn đọc mới tiện theo dõi, tôi xin lập lại một đoạn trong bài viết trước:
Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt; nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện. Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết. Là một người làm thơ, thú thật, tôi cũng có một số lần làm như vậy. Chưa có sự đồng thuận của tất cả những người làm thơ, nhưng tôi nghĩ những xê dịch, điều chỉnh chút ít ấy có thể chấp nhận được.
Nhưng đôi khi có những kịch bản bị xê dịch quá nhiều, đi đến chỗ không hợp tình, hợp lý. Độc giả sẽ cho rằng thi sĩ “xạo”, và bài thơ thất bại.
Một Số Trường Hợp Xạo Gần Giống Kịch Bản “Tình Yêu Không Lời”
Bài Học Đầu Cho Con
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ... (Đỗ Trung Quân)
Ngay ở đoạn đầu tác giả cho đứa bé hỏi mẹ 2 câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: quê hương.
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
và:
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích rất hay, rất tuyệt. Dựa vào ngôn ngữ từ 2 câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé.
Nhưng nhìn lại cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con” - có nghĩa là đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một bậc.
Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi “nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác.
Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý trí bước vào đạo diễn một kịch bản “ba xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào. Chắc người đọc có thể thấy ngay là cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero. (Lời Bình Ngắn, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com)
Chú thích
Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có 2 câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài thơ gốc nhiều. Tiếc rằng đoạn cuối “bị biên tập” nên có cái giọng xấc xược, bố láo làm bực mình rất đông người Việt hải ngoại.
Thư Cho Vợ Hiền
Nhạc sĩ Song Ngọc (trước năm 75) có sáng tác bản nhạc Thư Cho Vợ Hiền nói về tâm tình của một người lính VNCH – qua lá thư - gởi về người vợ ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Nỗi nhớ thương rất thật của người chồng, người cha khiến nhiều khán thính giả thời đó mủi lòng thương cảm. Nhưng trong lúc “điều chỉnh” nội dung câu chuyện của bản nhạc, nhạc sĩ đã đi quá lố khi ông viết:
“Còn nhớ con mình ngày đó tháng chưa tròn anh đặt tên chúng mình. Giờ con biết đọc hay chưa? Hay nhắc tên ba hoài để em nhớ thương thêm.”
Ở miền Nam lúc ấy ngoài địa phương quân, nghĩa quân – trú đóng ở địa phương, gần nhà, việc về phép thăm gia đình khá dễ dàng – còn có những đơn vị chủ lực – vùng hoạt động rộng lớn hơn, phép tắc cho binh sĩ hạn chế hơn (vì xa xôi, đi lại khó khăn). Nhưng mỗi người lính, theo quy định, mỗi năm đều có phép thường niên – 7 ngày phép, 2 ngày đường. Ngoài ra, còn có phép thưởng, phép đặc biệt vào những dịp ốm đau, hiếu hỉ, tang chế trong gia đình. Cũng có khi vì chiến trận, hành quân, việc đi phép bị trì hoãn, nhưng sau đợt hành quân quyền lợi phép tắc của người lính lại được thực hiên.
Nhạc sĩ muốn kéo dài thời gian xa cách để nỗi nhớ thương thêm sâu nặng, bản nhạc thêm phần tha thiết. Nhưng từ lúc “tháng chưa tròn” cho đến khi “bìết đọc hay chưa?” dài khoảng 6, 7 năm – quá xa cách với thực tế. Ông đã mắc lỗi “xạo với khán thính giả” Nghe đến đoạn này một người bạn cùng đơn vị (với tôi) buột miệng nói đùa “Cũng may lão chỉ nói ‘biết đọc’ chứ nếu cũng vần ấy mà dùng chữ khác thì ‘bỏ mẹ’. Đúng là lão này muốn nâng bi chế độ mà nâng không khéo nên thành bóp dế.’” (Lời Bình Ngắn, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com)
Cô DHD thấy đấy! Ngay cả những thi sĩ, nhạc sĩ nổi danh, nếu không cẩn thận, cũng mắc phải cái lỗi Xạo như nhà thơ Phạm Trung Dũng của chúng ta.
Về Bài Viết Của Diên Hồng Dương
Trở lại bài viết “Có Cái Gì Đó Sai Sai …” DHD, thể hiện chức năng cô giáo - chỉ ra rất nhiều điểm liên quan đến “kỹ thuật thơ” - đặc biệt trường hợp thi sĩ nói “khoa trương (thậm xưng)” không phải vì xạo mà vì thể hiện một biện pháp tu từ, một thủ pháp nghệ thuật nào đó.
khi sáng tạo nghệ thuật, người ta dùng các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, khoa trương ( thậm xưng), nói giảm, ước lệ, tượng trưng... để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật.
Sau đó DHD đặt câu hỏi:
“Hà cớ gì anh Nhi lại xâm phạm quyền tự do sắp xếp bố cục cho bài thơ anh Phạm Trung Dũng rồi bình là thời gian và tình tiết không hợp lý, nói nặng hơn là xạo ? Anh có chủ quan quá không vậy?”
Và đưa ra nhận xét.
“trong mắt tôi thì anh có vẻ ác cảm với bài thơ của Phạm Trung Dũng và nhận xét có gì sai sai..về cách viết của nhà thơ lẫn cô giáo phê bình cho bài thơ”.
Trả Lời Câu Hỏi
Nhà thơ Phạm Trung Dũng, khi sáng tác Tình Yêu Không Lời, có toàn quyền sắp xếp bố cục bài thơ. Không ai, vì bất cứ lý do gì, có thể xía vào, xâm phạm cái quyền tự do ấy của anh. Nhưng khi bài thơ, bằng cách này hay cách khác, được ra mắt người đọc thì nó như một cô gái giữa chợ. Ông đi qua, bà đi lại đều có quyền ngắm nghía, buông lời bình phẩm. Cô giáo Diên Hồng Dương thích bài thơ và đã viết một bài bình với những lời khen đầy ưu ái. Đó là quyền của cô giáo. Đến lượt tôi đọc bài thơ thấy ý chính của kịch bản thơ không hợp tình hợp lý - đến mức có thể nói là xạo – viết mấy lời nhận xét thì đó cũng là quyền của tôi
.
Nhưng nhận xét của tôi đâu đã phải là kết luận chung cuộc. Tác giả hoặc những người đọc khác, nếu không đồng ý, có thể thoải mái nhảy ra lên tiếng. Cô giáo DHD chất vấn tôi, cho là tôi “chủ quan quá” khi “xâm phạm quyền tự do sắp xếp bố cục của bài thơ” là cô đã hơi bị sai – không, phải nói là sai rất lớn – vì đã không nắm vững điểm sơ đẳng nhất nhưng là then chốt trong mối tương quan giữa Sáng Tác và Phê Bình.
Có Thủ Pháp Ẩn Dụ, Thậm Xưng, Ước Lệ, Tượng Trưng Trong Bài Thơ TYKL?
Theo cô giáo DHD thì trong khá nhiều trường hợp, nói quá lố, nói xạo trong thơ không những không thể bị chê trách mà còn đáng được tuyên dương vì đã sử dụng một biện pháp tu từ nào đó “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật.” Tôi hoàn toàn đồng ý với cô giáo về điểm này. Nhưng hình như cô giáo đã quên chỉ ra cái biện pháp tu từ nào đó được sử dụng trong bài thơ Tình Yêu Không Lời để chứng minh luận điểm của mình. Báo hại tôi đã phải đọc lại bài thơ một cách chậm rãi hai lần nữa đễ tìm giùm cô giáo. Nhưng đáng buồn là tôi đã phí công vô ích.
Tôi hoàn toàn không thấy bóng dáng của ẩn dụ, thậm xưng, ước lệ, tượng trưng … trong bài thơ.
Tôi chỉ thấy đây là một bài thơ tự sự. Tác giả đã kể lại lớp lang mối tình lãng mạn của mình (đại danh từ Tôi) với cô gái câm điếc. Có điều khi tứ thơ đang tuôn chảy chàng đã vô tình để kịch bản của bài thơ xô lệch đến chỗ bất hợp tình hợp lý.
Cũng như cô giáo, tôi ngưỡng mộ cái lãng mạn, dễ thương của tứ thơ trong Tình Yêu Không Lời. Nhưng khác với cô giáo, kịch bản thơ xạo, với tôi, là một lỗi rất nặng của thi sĩ, làm giảm giá trị của bài thơ rất nhiều – và trong trường hợp này, bài thơ không những thất bại thảm hại mà lại còn ít nhiều có tính xúc phạm vì đã xạo một cách trắng trợn, xem thường người đọc.
Với Bài Học Đầu Cho Con, chỉ cần thay cái tựa (như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã làm khi phổ nhạc bài thơ) là bóng dáng của chữ Xạo biến mất và bài thơ trở thành những bức tranh thơ tuyệt đẹp.
Với Thư Cho Vợ Hiền, chỉ cần thay chữ “đọc” bằng chữ “bò” hoặc quá lắm là chữ “chạy” thì chúng ta sẽ có một bản nhạc tình đằm thắm thiết tha.
Nhưng trường hợp Tình Yêu Không Lời thì khác. Nhà thơ Phạm Trung Dũng đã sử dụng gần như toàn bộ bài thơ (24 trên tổng số 26 câu) để tạo nên cái kịch bản xạo đó. Nó đã trở thành cái giá chống của bài thơ. Đụng đến cái giá chống đó bài thơ sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Về Nhận Xét Của Cô Giáo
Cô giáo viết:
“trong mắt tôi thì anh có vẻ ác cảm với bài thơ của Phạm Trung Dũng và nhận xét có gì sai sai..về cách viết của nhà thơ lẫn cô giáo phê bình cho bài thơ”
.
Tôi không biết nhà thơ Phạm Trung Dũng là ai và bài thơ Tình Yêu Không Lời tôi chỉ được đọc mới đây qua bài viết của cô giáo. Sau khi đọc bài thơ, nhận ra cái kịch bản xạo trắng trợn của nó, tôi không có chút ấn tượng và nghĩ sớm muộn gì nó sẽ đi vào quên lãng. Nhưng đọc lời bình rồi lại xem qua tiểu sử, học vấn và nghề nghiệp của cô giáo, tôi bắt đầu thấy … sợ. Một người có kiến thức rộng, được làm việc đúng chuyên môn lại hết lòng yêu thích văn chương như cô giáo mà lại lẫn lộn giữa sự giả trá bình thường và cách nói thậm xưng (khoa trương) đầy nghệ thuật, rồi đem “vòng nguyệt quế” trao cho Tinh Yêu Không Lời thì nguy hiểm quá. Càng nguy hiểm hơn nữa là cô giáo đã dùng khả năng diễn đạt và nhiệt tình của mình – qua bài bình - truyền cái sự lầm lẫn ấy cho lớp trẻ.
Đọc Một Kịch Bản Thơ “Xạo” của tôi trên FB, bạn Le Tran đã viết một bình luận như sau:
Đúng là một kịch bản thơ vụng về. Tác giả bài thơ cố ý gây 'bất ngờ" trong thi phẩm "cô gái câm" này nhưng hoàn toàn thất bại khi người đọc đã soi đôi mắt "chiếu yêu" vào câu chuyện tình. Cám ơn chú Nhi Pham đã vạch rõ chân tướng kỹ xảo 'đà đao' vô lối của bài thơ mà rất ít người đọc để ý.
Kết Luận
Khi cô giáo Diên Hồng Dương - người đã học ngữ văn tại Đại Học Sư Phạm TPHCM và giảng dạy tại CĐSP Tây Ninh – viết “Vậy nên tôi vẫn khẳng định Tình Yêu Không Lời là một bài thơ hay” tôi hiểu ngay đó không phải là lời phát biểu hời hợt, thiếu chín chắn. Cô đã có lý do, có chỗ dựa vững chắc nào đó, để tin như thế. Bởi vậy tôi xin dùng phần kết luận – cũng là mục đích của bài viết này - để nhắn với các bạn trẻ yêu thơ mấy lời tâm huyết.
Tôi có đứa cháu họ lấy phải thằng chồng “nói dối như cuội” lại có tính trăng hoa, có lần dan díu với người đàn bà khác bị vợ bắt gặp. Nó tâm sự: Cháu chán lắm, muốn bỏ ngay lập tức nhưng lại sợ khổ lây đến con cái. Rồi còn tài sản, công việc làm ăn đang thuận lợi …, chia tay là đổ xuống sông, xuống biển hết.
Bỏ rơi một bài thơ dở không nhiêu khê và đau đớn như cắt đứt một cuộc tình. Nếu bạn có đủ kiến thức để nhận biết bài thơ mình đã một thời hết lòng yêu mến là bài thơ dở, hãy mạnh dạn “nghỉ chơi” với nó. Hãy dành chỗ trống trong tâm hồn – thường là có giới hạn - để chứa những bài thơ hay hơn, đẹp hơn, độc đáo hơn đang chờ bạn ở phía trước. Trình độ thưởng thức thơ của bạn qua mỗi lần “nghỉ chơi” như vậy sẽ được tăng tiến và tâm hồn bạn, nhờ thế, sẽ tự bay lên một tầm cao mới.
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com
PHỤ LỤC
CÓ GÌ ĐÓ SAI SAI...TRONG BÀI PHÊ BÌNH "MỘT KỊCH BẢN THƠ " XẠO"
_____________________________
__________
Hôm nay là sinh nhật con gái tôi. Đang post ảnh, tình cờ lướt qua face book đọc được một bài bình khá thú vị của nhà phê bình Phạm Nhi. Vấn đề là bàn đến bài thơ của nhà thơ Phạm Trung Dũng và có liên quan đến một phần bài bình thơ của tôi cho tác phẩm rất hay: " Tình yêu không lời". Tôi xin phép anh Phạm Nhi cho tôi góp vài lời nhận xét. Nếu có chi không hài lòng mong anh bỏ qua. Chúng ta cùng nhau xác định: góp ý là để tiến bộ cho việc cảm nhận văn chương trong sáng cả hai phía nhé!
Thứ nhất, tôi rất thích cách nói thẳng suy nghĩ của anh thể hiện ở tựa đề: " Một kịch bản thơ xạo". Tựa đề rất hút độc giả nha. Nếu ai đi qua mà không dừng lại thì đúng là vô cảm. Nó buộc người đọc phải tò mò đi vào bài viết và phải đọc đến hết bài xem kịch bản nào xạo? Tại sao xạo ? Và xạo như vậy có hại ai không? Nhân nói chữ Xạo thì tôi cũng chợt nhớ Vũ Bằng. Ông có viết một quyển sách nói về nghề Văn và người viết Văn qua kinh nghiệm của mình: " Bốn mươi năm nói láo", không biết anh Phạm Nhi đã đọc quyển này chưa? Nếu nhìn chữ láo, hay xạo theo quan điểm của Vũ Bằng thì cũng không có gì quá đáng, bởi lẽ Vũ Bằng xem việc hư cấu trong nghệ thuật xét cho cùng là không giống y chang cuộc đời.
Thường một tác phẩm nghê thuật có giá trị cao bao giờ nó cũng gợi cho bạn đọc suy nghĩ, liên tưởng và có một cái nhìn đẹp và mở rộng về cuộc sống. Cuộc sống vốn dĩ mang lại cho người ta sự đơn điệu về vòng quay của thời gian 24h, hết ngày này qua ngày khác, hay đơn điệu về không gian theo kiểu đùa" Vân Tiên cõng mẹ trở ra... rồi cõng mẹ trở vô...", quanh quẩn đến chóng mặt... nên khi sáng tạo nghệ thuật, người ta dùng các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, khoa trương ( thậm xưng), nói giảm, ước lệ, tượng trưng... để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết về nỗi nhớ có câu:
" Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê"
Ba thu làm sao dọn lại trong một ngày? Thời gian này là thời gian phi lý tính, thời gian của tâm trạng, lấy ý từ một câu trong Kinh Thi: " Nhất nhật bất kiến như tam thu hề". Hổng lẽ đọc Truyện Kiều đến đây, phán cho Nguyễn Du một câu là miêu tả xạo? Thơ vốn dĩ cô đọng, đâu cần phải nói chi tiết đến từng mi li mét để làm rõ tại sao tác giả viết thế này mà không viết thế kia cho logic.
Câu chuyện trong thơ cũng vậy, đâu phải nhất nhất phải theo kịch bản thực tế. Câu chuyện là cái cớ để bộc lộ tâm tình. Nó có thể hợp lý, có thể phi lý và lãng mạn đến bất thường vẫn chấp nhận được vì nó là nghệ thuật chứ không phải đời thực. Xem tranh cách điệu hổng lẽ phán cho một câu: " Họa sĩ vẽ thiếu nét?"Xem một vở diễn trên sân khấu thấy diễn viên cầm cái roi mà bảo con ngựa không lẽ cho diễn viên bị tâm thần? Mọi sự quy ước nằm trong ý tưởng của nghệ thuật nhằm diễn tả một hiện thực cách điệu mang tính nhân văn đi kèm sắc thái biểu cảm có giá trị thẩm mỹ cao.
Quay trở lại " Tình yêu không lời" của Phạm Trung Dũng, những vấn đề mà nhà phê bình Phạm Nhi thắc mắc tôi thấy anh quá chi li và cảm nhận quá đơn giản theo kiểu máy móc của Toán học, một cộng một phải luôn bằng hai. Đó là sự áp đặt xúc phạm đến sáng tạo cá nhân của nhà thơ Phạm Trung Dũng. Anh đã hiểu hết dụng ý người sáng tác chưa mà phán cho người ta là xạo? Bất kỳ ai khi họ viết một cái gì họ đều đủ trình độ phản biện những ai công kích họ. Tôi nghĩ về điều này nhà thơ Phạm Trung Dũng dư sức trả lời. Và cũng dễ trả lời bởi vì Phạm Trung Dũng rất giỏi về Lý luận văn chương. Hà cớ gì anh Nhi lại xâm phạm quyền tự do sắp xếp bố cục cho bài thơ anh Phạm Trung Dũng rồi bình là thời gian và tình tiết không hợp lý, nói nặng hơn là xạo ? Anh có chủ quan quá không vậy? Anh có nhớ một bài ca dao xưa:"lổ mũi em mười tám gánh lông..." không? Trên đời có cái lổ mũi nào như vậy không? Vậy mà thơ cũng có vậy. Chuyện yêu đương thi vị thì phải tạo cho chàng trai ở trọ cạnh nhà cô câm sự ngờ nghệch, trong sáng đến phi lý để dẫn đến tình yêu lãng mạn là một thủ pháp vẽ mây nẩy trăng thôi. Nói vòng vo để tạo chất kịch tính, để thoát ly cái quy trình đời thường là chuyện thường thôi mà..
.
Thứ hai, anh cho rằng tôi dũng cảm khi bình bài thơ xạo là anh lại sai. Tôi yêu cái chất nhân văn của tình yêu không lời và tôi bình. Tôi hoàn toàn biết đó là kịch bản nghệ thuật mà anh. Và có lẽ anh không hiểu được nỗi khổ của người câm nên anh cho rằng bài thơ giống như chuyện yêu đương bình thường, chỉ khác chút nhân vật cô gái bị câm. Tôi từng sống gần người câm một thời gian dài mà không biết họ câm. Tôi dạy ở nhà máy Việt Nam Mộc bài, gặp nhiều cô câm được nhận vào làm. Các cô chỉ cười không nói... đến lúc sau này gọi đứng lên phát biểu thì mới bật ngửa... Họ không có tình yêu vì đâu có ai yêu người câm, dù họ rất đẹp, lại siêng nữa... Nên khi đọc bài thơ, tôi xúc động ở tình cảm thánh thiện của chàng trai. Đưa một người ngố đến với một người câm, sự cách điệu nghệ thuật đã tạo ra một đôi lứa lý tưởng và hoàn hảo.
Vậy nên tôi vẫn khẳng định " Tình yêu không lời " là một bài thơ hay. Trong mắt anh Phạm Nhi có thể tôi bị sập hầm nhưng ngược lại trong mắt tôi thì anh có vẻ ác cảm với bài thơ của Phạm Trung Dũng và nhận xét có gì sai sai..về cách viết của nhà thơ lẫn cô giáo phê bình cho bài thơ " Tình yêu không lời"
.
Cảm ơn anh Phạm Nhi đã giúp tôi nhớ lại một bài thơ hay.
Diên Hồng Dương