Đọc "Tình Đầu Tiên" Trong Thơ PXH. Hoài Hương
(Bút danh mới: HOÀI HƯƠNG XƯA) - Châu Thạch
TÌNH ĐẦU TIÊN
Em áo tím nữ sinh Đồng Khánh,
Anh Nam sinh trường Khải Định hơi xa,
Rưá mà giờ tan học mới vưà ra,
Răng đã thấy Anh thập thò ngoài cổng.
Anh theo đuôi, làm em lo chi lạ,
Sợ bạn bè mách Má biết, thì răng?
Anh gởi thư bảo Em đẹp như trăng,
Anh nỏ thiệt,em răng mà đẹp rứa?
Tuổi 15, em chỉ là con nhỏ,
Má hồng hồng, môi đỏ, đẹp chi mô.
Anh bảo rằng em xinh xắn ngây thơ,
Nói em nhỏ, răng theo em như bóng?
Nước sông Hương dưới chân cầu gợn sóng,
Em thẹn thùng, tay lóng ngóng nón bài thơ,
Anh nhìn em, răng nhìn ngẩn nhìn ngơ?
Làm em dị, phải ngó lơ chỗ khác.
Hoa ngọc lan gió đưa hương thơm ngát,
Aó tím dài khép nép sợ gió bay.
Gần đến nhà, răng chẳng chịu đi ngay,
Để Cha biết, Mạ hay, em chết chắc.
Thư tình Anh trao đã dày 1 xấp.
Lời học trò ,ngớ ngẩn thật dễ thương,
Ba năm sau, khi phượng rực sân trường
Mình chia biệt 2 phương trời thăm thăm.
Con đường xưa vắng anh,sao trống vắng,
Gió Trường Tiền thêm lạnh lúc trường tan.
Giở thư xưa,em nước mắt vòng quanh.
Tình thơ dại bây giờ thành kỷ niệm.
Anh dấn thân vào cuộc đời chinh chiến,
Đã hy sinh trong 1 chuyến hành quân,
Đêm từng đêm em rơi lệ âm thầm,
Thương xót mãi,tình đầu tiên tan vỡ.
Con đường xưa em đi mà cứ ngỡ,
Anh đứng chờ trong áo trận cài hoa.
Rồi bóng anh mỗi lúc mỗi rời xa.
Mình em đứng,lệ nhạt nhoà thương tiếc.
PHX.Hoài Huơng
Lời Bình: Châu Thạch
Chỉ cần mở google, đánh cụm từ “Thơ tình xứ Huế” rồi Enter thì máy vi tính sẽ nổi lên hàng trăm bài thơ về tình yêu học trò xứ Huế có ý tứ và có ngôn từ na ná nhau. Điều đó không có nghĩa là các tác giả đạo thơ nhau, bởi vì đố ai nói đến Huế mà không nói đến Sông Hương, Núi Ngự, Trường Tiền..., và nói đến tình yêu xứ Huế mà không nhắc đến trường Đồng Khách, bến đò Thừa Phủ, những con đường thân quen cũng như tiếng nói nhu mì đầy âm sắc của các cô gái Huế dễ thương, miễn là sự bố cục, cấu tứ, chuyển ý của mỗi bài thơ khác nhau và tác giả tạo cho mình một vẽ hay riêng cuống hút người đọc là đủ quá rồi. Nhà thơ PHX. Hoài Hương ( Bút hiệu mới là Hoàn Hương Xưa) cũng vậy. Nhà thơ đã khéo léo vận dụng tiếng địa phương xứ Huế để diễn đạt trong thơ mình một mối tình học trò tan vỡ mà có lẽ đã có hàng trăm kịch bản như thế. Cái hay của bài thơ “Tình Đầu Tiên” là nó vẫn hay giữa hàng trăm bài thơ hay từ trước. Bài thơ như cô gái đẹp Đồng Khánh vẫn nổi trội dầu đi giữa bầy nữ sinh từng là hoa khôi, á hậu của trường.
Mở đầu bài thơ ta đã thấy ngay cái phong cách chơn chất, thật thà của cô nữ sinh Đồng Khánh:
Em áo tím nữ sinh Đồng Khánh,
Anh Nam sinh trường Khải Định hơi xa,
Rưá mà giờ tan học mới vưà ra,
Răng đã thấy Anh thập thò ngoài cổng.
Cái hay của vế thơ nầy là cô gái không trách yêu người tình như bao tác giả khác, cô chỉ thắc mắc cái điều mà cô đã biết vì sao. Hai ngôi trường xa nhau mà giờ tan học nào cũng thấy chàng trai đứng chờ ngoài cổng. Việc nầy rất bình thường đối với biết bao cuộc tình học trò nhưng tác giả đã vận dụng nó vào trong sự ngạc nhiên thơ ngây của cô nữ sinh Đồng Khánh, làm cho ngay ở vế đầu, thơ không chỉ làm xuất hiện hình ảnh hai người tình mà còn làm xuất hiện cá tính cách học trò của họ. Đọc thơ ta thấy được vẽ đẹp của hình ảnh, của tâm hồn thư sinh ngay từ buổi ban đầu.
Qua vế thứ hai là hết cả những lời thỏ thẻ quá ngây thơ, quá bé bỏng, đến độ ta tưởng tượng nó tinh khôi như một tờ giấy trắng:
Anh theo đuôi, làm em lo chi lạ,
Sợ bạn bè mách Má biết, thì răng?
Anh gởi thư bảo Em đẹp như trăng,
Anh nỏ thiệt,em răng mà đẹp rứa?
Đọc các cụm từ “em lo chi lạ”, “em răng mà đẹp rứa” làm ta dễ liên nghĩ đến những tà áo dài bay trong gió của đất Thần Kinh. Lời nói của họ cũng vậy, nhẹ như tà áo dài vừa thanh vừa lịch vừa đài các, lại tô thắm cho cả khung trời. Bằng hai cụm từ nhấn mạnh như thế, tác giả bài thơ đã làm cho khổ thơ phơi bày được tâm hồn cô nữ sinh Đồng khánh. Người đọc từ lời nói cúa cô đã yêu mến cô vì thấy được tâm hồn cô thanh tao, thơ ngây và non nớt.
Ba khổ thơ kế tiếp cô gái nói về mình hay đúng ta, tác giả kể lại nhưng điêu cô gái nhớ về hai đứa:
Tuổi 15, em chỉ là con nhỏ,
Má hồng hồng, môi đỏ, đẹp chi mô.
Anh bảo rằng em xinh xắn ngây thơ,
Nói em nhỏ, răng theo em như bóng?
Nước sông Hương dưới chân cầu gợn sóng,
Em thẹn thùng, tay lóng ngóng nón bài thơ,
Anh nhìn em, răng nhìn ngẩn nhìn ngơ?
Làm em dị, phải ngó lơ chỗ khác.
Hoa ngọc lan gió đưa hương thơm ngát,
Aó tím dài khép nép sợ gió bay.
Gần đến nhà, răng chẳng chịu đi ngay,
Để Cha biết, Mạ hay, em chết chắc.
Ba vế thơ nầy hay nhất ở những câu “Nói em nhỏ, răng theo em như bóng?”, “ Anh nhìn em, sao nhìn ngẩn nhìn ngơ/ Làm em dị, phải ngó lơ chổ khác”, “Gần đến nhà, răng chẳng chịu đi ngay/ Đễ Cha biết, mạ hay, em chết chắc”. Những câu thơ nầy vừa rặc tiếng Huế, vừa bộc lộ toàn bộ tính cách của một cô gái Huế tuy e ấp, kín đáo nhưng chỉ dấu cái khôn ngoan chớ không phải là khờ. Câu hỏi “Nói em nhỏ, răng theo em như bóng?” chắc chắc làm chàng trai liếu lưởi, cho thấy cô nữ sinh láu lỉnh cũng không vừa. Cả ba vế thơ gói trọn một cuộc tình tuổi thơ. Tuổi thơ là tuổi của thơ ngây,thơ mộng, nên thơ và tuổi ấy đã đi vào thơ với tất cả hương vị ngọt ngào tinh khiết của nó. Nhà thơ PHX.Hoài Hương tức Hoài Hương Xưa đã dựng lại cái tuổi thơ đó hiện lại trong thơ của mình, với ngôn từ của mình, với tứ thơ của mình, với phong cách riêng của mình mà tôi nghĩ nó có phần nổi trội hơn những bài thơ có sẳn. Điều đó không lạ vì nhà xây sau thường đẹp hơn nhà xây trước vậy.
Những khổ thơ kế tiếp là “nỗi buồn chiến tranh” mà hàng vạn thanh niên thời ấy đã nhận, nó đau gắp trăm lần chuyện “những đồi hoa sim”, gấp ngàn lần chuyện “Lan và điệp” đã đi vào văn học:
Thư tình Anh trao đã dày 1 xấp.
Lời học trò, ngớ ngẩn thật dễ thương,
Ba năm sau, khi phượng rực sân trường
Mình chia biệt 2 phương trời thăm thăm.
Con đường xưa vắng anh,sao trống vắng,
Gió Trường Tiền thêm lạnh lúc trường tan.
Giở thư xưa, em nước mắt vòng quanh.
Tình thơ dại bây giờ thành kỷ niệm.
Anh dấn thân vào cuộc đời chinh chiến,
Đã hy sinh trong 1 chuyến hành quân,
Đêm từng đêm em rơi lệ âm thầm,
Thương xót mãi,tình đầu tiên tan vỡ.
Con đường xưa em đi mà cứ ngỡ,
Anh đứng chờ trong áo trận cài hoa.
Rồi bóng anh mỗi lúc mỗi rời xa.
Mình em đứng, lệ nhạt nhoà thương tiếc.
Đoạn cuối cuộc tình nầy chắc chắn không xa lạ với người đọc sách, nhưng cũng chắc chắn không làm cho người không cảm động, và cũng có thể làm cho nhiều người rơi lệ. Cái hay của bài thơ ở đây là ý đã có nhiều, tứ đã có nhiều từ những tác giả đi trước nhưng phải làm cho mới bởi ngôn từ của riêng mình. Nếu tác giả không vận dụng ngôn từ làm cho câu chuyện thành riêng của mình thì dế bị kết tội đạo thơ ngay. PHX. Hoài Hương đã không vấp điều gì từ ý, tứ, bố cục, ngôn từ của bài thơ bởi vì tôi đoán được bài thơ được xuất phát hoàn toàn bới cảm xúc của tâm hồn chị.
Thơ PXH. Hoài Hương hay Hoài Hương Xưa thường mượt mà, trôi chảy và trình bày mạch lạc câu chuyện. Điều đó khiến thơ chị ngâm lên hay phổ nhạc thì tuyệt hay nhưng lại khiến cho người bình thơ như tôi không còn gì để nói bởi nhà thơ đã bộc bạch hết lòng mình trên trang giấy. Cũng vì lẽ ấy mà tôi cảm kích thơ chị đã lâu, đọc thơ chị đã nhiều và nước mắt cũng đã rơi vì thơ chị nhiều lần, từng làm bốn bài thơ tặng chị nhưng bây giờ mới bình thơ của chị lần đầu. Nhưng cần chi, lời bình đã có rất nhiều từ độc giả khắp nơi yêu thơ Hoài Hương Xưa gởi đến từng ngày cho chị, đã có sẵn trong lòng thi hữu trân trọng, cảm mến một nhân vật có nhân cách thơ và nhân cách người trọn vẹn. Thơ Hoài Hương Xưa được yêu mến trong và ngoài nước đã từ lâu rồi mà ./.
Châu Thạch