Nov 21, 2024

Truyện ngắn

Cái Ao
Võ Quốc Tuấn * đăng lúc 04:16:43 PM, Jun 09, 2017 * Số lần xem: 1147
Hình ảnh
#1



                             Cái Ao


***

Do yêu cầu công việc, buộc tôi phải chuyển công tác về trường mới và định cư ở cạnh nhà lão. Để thiết lập mối quan hệ láng giềng, có món gì ngon tôi cũng thường hay mang sang biếu lão. Thỉnh thoảng cũng uống rượu trò chuyện. Trong tiệc rượu lão vẫn thường khuyên tôi đừng quá tin người vì người hay tráo trở. Nghĩ lão từng trải đời nên tôi cũng “ Vâng” vì cho là thận trọng vẫn tốt hơn. Nhưng nghĩ cũng lạ. Ngày giỗ hay tết lễ, lão mời tôi sang chơi, đến lúc nhập tiệc rồi cũng chỉ thấy có tôi với lão và một đứa vài đứa con, rể trong gia đình. Tôi tự nghĩ: “ Tại lão thanh cao quá nên xa lánh mọi người hay tại mọi người xa lánh lão vì lão quá ích kỉ?”. Sống  lâu, rồi dần dần tôi cũng tìm được câu trả lời…

***

Bán đất cho tôi rồi, lão ôm tiền giữ khư khư gửi tiết kiệm. Lão bảo: “ Để phòng khi đau ốm lúc tuổi già. Chia hết cho con, chắc gì nó nuôi mình! Lúc ấy… có tiền… thì họa may!”. Chao ôi, sao mà tội nghiệp lão đến thế! Đến con lão, lão còn chưa tin thì sao tin người ngoài được chứ? Lão xử như thế với con mà bắt nó có hiếu với lão cũng khó! Thế là mang tiếng là cha con nhưng dường như mạnh ai nấy sống. Vợ chồng thằng út ở chung nhà, đến bữa cơm, thức ăn còn phải ăn riêng (với lí do, có con nhỏ?!). Thế là, hàng tháng, ngoài tiền lãi ngân hàng được đôi chút, lão phải bôn ba, cật lực bằng đủ thứ nghề, theo mùa vụ: nuôi vịt chạy đồng, mua ve chai, mua bán gà, vịt, chó, thậm chí là bò để trang trải thuốc thang, thức ăn, thức uống,.. cho vợ chồng già. Ở cái tuổi của lão, người ta phải được an nghỉ, hưởng phúc tuổi già, vui với hạnh phúc của con cháu. Còn lão sao vì tiền mà lão lại khổ như thế?

À! Thì ra, lão có một quá khứ chẳng đáng để tự hào nên khiến lão như thế. Anh em lão sống trong cảnh nghèo khổ từ thuở bé, lại chịu cảnh con dòng nên thiếu tình thương của người thân. Họ phải tự bươn chải để kiếm sống. Chính lẽ ấy đã hình thành nên tính cánh rõ nét ở lão: rất coi trọng đồng tiền. Lão xem trọng nó với tất cả mọi người, thậm chí với các con của lão. Và vì trọng đồng tiền nên lão trọng luôn cái gì có thể kiếm ra tiền, và cả cái gì không dùng tiền mà vẫn có được. Thế là sinh ra lòng tham.

Mà phải khen lão tài. Lão hơn người ở cái miệng hay than và cái tâm cá nhân chủ nghĩa. Chuyện không lão nói có, chuyện có nói không như thường, miễn sao mà lão được lợi! Lão thấy cái gì ai bỏ cũng xin; nếu bán, lão mua giá rẻ mạt, rồi khi bán thì cái chi cũng đắt. Đặc biệt là tài “lấn đất” của lão đáng liệt vào hàng cao thủ: Ruộng liền với người thì lão đào ao sát bờ ranh, chỉ vài năm, mé ao lão đã sang qua ruộng người( bờ ranh lở hết xuống ao rồi!); vườn liền vườn thì lão trồng dừa sát ranh để hút dinh dưỡng bên đất người mà quả thì lão nhận. Không phải người ta ngu như lão tưởng. Người ở quê, đất không thiếu. Nhưng họ nghĩ một vài cây dừa cũng chẳng đủ làm giàu; một hai tấc đất cũng chẳng đủ chôn nấm mồ; giành giật nhau, thưa gởi nhau chỉ để thiên hạ chê cười, nên họ lặng thinh…

Họ lặng thinh thì lão càng lấn tới. Mà sự đời thường như vậy. Khi lòng tham đã lớn hơn lòng thương thì họ bất chấp cả tình thân. Lão lại cư xử như thế với cháu ruột của lão. Không may cho lão là thằng này cũng chẳng vừa. Lão thuê người đào con ao cách ranh thằng cháu chỉ hai tấc để nuôi cá (nhưng thực ra là lão muốn lấn ao). Cá lão vừa thả xong, thằng cháu thuê xe cuốc móc một cái ao to hơn, sâu hơn, vách thẳng hơn cũng cách ranh hai tấc liền kề đó, thả cua đồng nuôi chơi. Lão đứng ngồi không yên, lên tiếng:

-         Bây!…Bây… đào ao như vậy mà coi được hả Thắng?

Nó đáp:

- Sao lại không được, cậu? Nếu không, sao cậu đào được! Mà chỉ một cái thôi đâu! Cái ở sau ruộng, ao cậu qua khỏi cột móc con gần nửa mét rồi cậu thấy không? Rồi hàng dừa của cậu che mất gần tầm đất ruộng của con rồi, sao cậu làm được chứ!

Lão nhảy tưng tưng như con trẻ bị giật quà; tay đụng gì, lão ném nấy; miệng thì chửi mắng om sòm, thô tục: nào là “quân ăn cướp”, “ quân mất dạy”; nào là “ quân chó đẻ, trâu sanh”,…Ôi thôi! Bao nhiêu thứ thậm tệ bị lão lôi ra chửi hết. Tôi khuyên ngăn, lão cũng chẳng thôi…

Chưa hết mùa mưa. Cái bờ mỏng manh chỉ bốn tấc đất sao chịu nổi lớp cua đào, lớp sạt lở?  Mới đó đã chẳng còn thấy bờ. Lão đã cố lấy lưới ngăn nhưng vô ích. Sự ngăn cách giữa hai con ao đã chấm dứt bằng một chiếc ao chung, rộng hơn khi chiếc lưới bị ngã rạp vì không được vững chân. Điều này cũng đồng nghĩa với khoảng cách tình cảm của cậu cháu hắn ngày một lớn thêm. Chỉ có những con cá, con cua được giao lưu, vui vẻ với nhau. Trông chúng sao hòa thuận, ấm áp quá! 

***

   … Nhà tôi và lão liền kề. Sau những ngày khỏi bệnh vì tức thằng cháu, lão hay sang tâm sự với tôi, chê trách nó đủ điều.Tôi chỉ “Vâng”, chỉ gật cho xong chuyện. Thú thật, tôi biết rõ rồi và đang cố tìm cơ hội khuyên lão. Lão cũng từng đối xử với tôi như thế, nhưng tôi thấy thương lão hơn là giận. Lão trồng cây xoài, được cái gốc bên lão, hơn nửa tán cây thuộc bên sân tôi rồi. Nhưng nghĩ, một khoảng sân nhỏ cũng chẳng trồng được gì; mình không trồng mà được hưởng bóng mát trong những ngày hè oi bức cũng là phước rồi, nên cũng lấy làm vui mặc dù vợ có hơi bực khi quét lá. Cái ao ranh của lão- lão đào trước lúc bán cho tôi- cũng được tôi sang lấp khi cất nhà( tôi có đề nghị và lão đồng ý) nên giờ liền nhau, rất dễ qua lại. Và xem chừng như lão quý tôi lắm!

***

Hôm nay, lão sang nhà tôi chơi. Như lệ thường, tôi pha bình trà ngon, với mấy con tép khô để nhấm. Thấy có cơ hội, tôi khuyên lão:

- Con có điều này muốn nói thật lòng với ông, nhưng xin ông đừng giận. Ở đời, có ai sống hoài để ăn của được đâu! Con và ông rồi cũng chết. Hơn nữa, ông đã 67 tuổi rồi, sao phải khổ vì tiền như thế? Sao ông không sống vui, an nhàn lúc tuổi già có hay hơn không! Mọi việc, cứ để con cháu lo liệu. Thử nghĩ lúc nhắm mắt, xuôi tay, ông con mình mang theo được gì ngoài tấm thân tàn? Có ai chôn được hơn một nấm mồ đâu mà phải tranh giành cho nhiều đất?

Lão đáp trong bực tức:

- Tôi từng này tuổi rồi mà không ngờ lại thua đau thằng Thắng như vậy. Thiệt lòng tôi uất quá! Mấy kí cá giống của tôi nó ăn sạch hết rồi, còn mẹ gì! Dừa của tôi ngoài bờ, gần ruộng nó, nó cũng phá. Tôi định rồi, tôi cũng kêu xe cuốc, phá bỏ bờ dừa- liếp gần nhà nó- làm thành cái ao sâu, thử xem nhà nó đứng vững được bao lâu? – Nói xong, tay lão vừa run run vừa bưng tách trà, uống.

Đã nhiều lần tiếp chuyện với lão và nhiều người khác như vậy rồi, tôi rút ra được bài học: Đừng nói lí lẽ với người không hiểu lí lẽ, nếu không muốn mất thời gian. Tôi đáp:   

- Không được! Nếu làm thế, nhà anh Thắng sập xuống ao, ông phải bồi thường. Không những thế, ông chắc chắn còn bị truy cứu theo pháp luật…

Không đợi ông kịp phản ứng, tôi tiếp:

- Hơn nữa,việc đào ao, ông đã sai trước, thì trách anh Thắng sao được! Ông xem, nếu ngày trước, con cũng như anh Thắng, không những không lấp con ao này- tôi chỉ con ao mà tôi đã lấp cho ông, lúc bơm cát cất nhà- mà còn đào sâu, rộng thêm, thì giờ này, ông con mình có tới lui được với nhau, uống trà thân thích như thế này không? Hay ông sẽ bị ngăn cách bởi hai cái ao lớn ở hai bên nhà và xem chúng ngày càng lở rộng thêm? Rồi con, ông, anh Thắng cứ tranh nhau nạo vét mãi thì nơi này có còn nhà nữa hay không? Hay thành sông, thành biển? Ngoài kia là sông thật, khó đến được với nhau, người ta còn phải bắc cầu để nối liền tình cảm con người đôi bờ; còn ta đang là đất liền sao lại muốn ngăn cách nhau?

Vừa lúc ấy, đứa cháu nội ông bên nhà cất tiếng gọi ông:

-         Ông nội ơi! Người ta mua chó con…

Như ngại vì chuyện mua bán không đáng, ông cảm ơn tôi đã tiếp chuyện và ra về vội vã hay vội vì lẫn tránh những câu hỏi của tôi, cũng không rõ nữa!?...

***

Mấy ngày sau, tôi lấy làm lạ khi thấy lão điềm tĩnh hơn khi ra bờ ao cho cá ăn. Và đặc biệt một điều là lão thường xuyên quét dọn vườn hơn, những thứ như lá cây, thân chuối, đến những thứ vứt đi khác, những mô đất cao, những ki đá gạch vụn lão đều dồn hết xuống ao đó.

Thì ra… lão đang cố gắng… nối lại cái ao trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời.

                                 Trà Vinh: 10/6/2017

                                  Võ Quốc Tuấn

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.