Nov 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Khi người vợ lính ra đi.
Vũ Văn Lộc * đăng lúc 06:46:08 PM, Jun 08, 2017 * Số lần xem: 1355
Hình ảnh
#1

Chuyển tin tháng 6.

 

Thấm thoát đã nửa năm 2017.. Ở Hoa Kỳ vừa mới qua năm 2016 bầu cử tổng thống rất sôi nổi, bây giờ lại nửa năm của nhiệm kỳ đầu mà tình hình chính trị vẫn sôi nổi.  Xin tạm nghỉ chuyện chính trường để tôi gửi các bạn hai đề tài tháng 6. Bài tạp ghi tôi viết để tưởng nhớ một gia đình thân hữu của chúng tôi đã ra đi.  Anh Chồng hiền lành mất trước. Người vợ vừa ra đi. Chị là người vợ lính chúng tôi rất kính trọng. Trong tình quen biết riêng là một chuyện. Nhưng người phụ nữ này đã giúp chúng tôi góp phần xây dựng Viện Bảo tàng. Bài viết có cả lời cảm ơn ân nhân của Việt Museum. Xin các bạn đọc , hãy đọc dùm tôi.

                 

       Khi người vợ lính ra đi.


Giao Chỉ, San Jose.  


Khóa Cương Quyết Đà Lạt của chúng tôi năm 1954 vào trường có 300 sinh viên. Kỳ họp khóa 2004 kỷ niệm 50 năm còn 70 người tham dự. Thời gian trôi qua. Dù sống ở Hoa Kỳ nhưng quân số cũng rơi rụng dần dần. Chị Ngô Quang Thiều và anh Vũ Thượng Đôn nói rằng đang bị đau nặng. Sẽ sớm từ giã anh em. Nhưng phương ngôn đã có câu. Sinh hữu hạn, tử bất kỳ. ai ngờ anh Ngô Quang Thiều lại đi trước. Rồi đến chị Vũ Thượng Đôn. Anh Thiều là người hiền lành nhất khóa lại ra đi sớm vào năm 2005. Mười ba năm sau, cuối tháng 5-2017 vừa qua, chúng tôi xuống Nam CA làm lễ tưởng niệm cho chị Ngô Quang Thiều. Cũng lại thêm một lần họp khóa. Dù chẳng còn lại bao nhiêu. Bài này viết cho cô Lương thị Lạc là vợ anh Thiều. Dù là người vợ hiền của khóa sĩ quan chúng tôi, nhưng chị thực sự là người vợ lính nhảy dù của tiểu đoàn 6 Mũ Đỏ. Từ khi lấy chồng gần 20 năm dài nhà ở trại gia binh. Anh chị có 5 người con. Tất cả đều sinh ra và lớn lên trong trại lính  Vũng Tàu. Các cháu Cẩm Tú, Quang Đoài, Đan Thanh, Cẩm Hương và Nhật Tú. Tên các em như lấy từ bài Đường Thi trong thư viện. Trưởng thành trong trại lính cùng gia đình binh sĩ. Chứng kiến các anh chiến binh Mũ đỏ ra đi khi trời vừa sáng và đón những di hài từ chiến trường trở về. Bây giờ hơn 40 năm sau các bạn cùng khóa chúng tôi chia buồn cùng những đứa con anh chị từ bốn phương trời đoàn tụ trong ngày đưa tiễn mẹ về với cha. Tháng 5 là ngày của mẹ vừa qua, Tháng 6 là ngày của cha chưa đến. Tháng 5 vào ngày Memorial Day các con quỳ lạy mẹ bên mộ phần của cha. Rồi những cánh chim non của trại gia binh Vũng tàu ngày xưa sẽ lại bay đi bốn phương trời. Cẩm Tú, Quang Đoài về Nevada. Đan Thanh trở lại Nữu Ước. Cẩm Hương theo chồng về Paris. Chỉ còn cô Út Nhật Tú ở lại quận Cam. Cũng như biết bao tuổi trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ được nuôi dưỡng trong tay người vợ Lính, đến khi trưởng thành đám con thân yêu trở thành công dân của thế giới. Gặp lại các con cháu của khóa chúng tôi lần này, xin nhắc lại cái chết của anh Bắc Kỳ, Ngô Quang Thiều, để những đứa con của người vợ lính ghi công ơn của bà mẹ Nam Kỳ. Nàng đã nuôi cả chồng lẫn con trong suốt 50 năm. Câu chuyện rất cũ tuyên dương người vợ lính bình thường đã vươn lên từ một trại gia binh để hoàn tất sứ mạng của bà mẹ Việt Nam làm dâu Bắc Kỳ rất muộn màng ngay cả sau khi người chồng đã ra đi.  Ngày 9 tháng 7 năm 2005 có một người lính nhẩy dù ra đi, tang lễ cử hành tại miền Nam California. Các chiến binh mũ đỏ khiêng quan tài. Phần lớn đều là bạn cùng khóa một thời oanh liệt. Đa số đều là sĩ quan của tiểu đoàn 6 nhẩy dù Việt Nam. Đại tá Vũ thế Quang, từ DC. Đại tá Phạm huy Sảnh từ Seattle. Trung tá Nguyễn Thế Thứ, trung tá Ngô Lê Tĩnh, trung tá Cung cùng ở quận Cam và trung tá Hoàng Thọ, San Diego. Nguyễn Hữu Luyện về từ Boston. Đại tá Phạm văn Chung, nguyên lữ đoàn trưởng TQLC hướng dẫn toán chào kính. Thiếu tướng Trần văn Nhật, tư lệnh sư đoàn 2 bộ binh đọc điếu văn. Rất nhiều bạn cùng khóa Cương Quyết 2, Đà Lạt. Người ra đi là thiếu úy Ngô Quang Thiều, tác giả thiên ký sự Mũ đỏ lênh đênh. Tại sao chiến hữu lại từ các nơi về bầy tỏ tấm lòng ưu ái như vậy. Vì người ra đi là bạn quân trường trẻ trung nhất, hiền lành nhất, tử tế nhất và cũng lênh đênh nhất.  Bởi vì ông có người vợ hết sức quảng giao và hiền thục.   Ông Thiều quê ở làng Quế Lâm, Kiến An, Hải Phòng, Bắc Việt. Ông vào võ bị Đà Lạt 1954, số phận lênh đênh, ra trường cấp trung sĩ. Trong khi các bạn cùng khóa ra trường thiếu úy và lên đến đại tá, chuẩn tướng thì ông Thiều mất 21 năm mới lên cấp thiếu úy. Suốt cuộc đời quân ngũ ông phục vụ cho một tiểu đoàn. Đó là tiểu đoàn 6 nhẩy dù tại Vũng Tàu. Dù là trung sĩ, hay thiếu úy, chức vụ lâu dài nhất của ông vẫn là sĩ quan thường vụ tiểu đoàn. Vì vậy khi ông qua đời, các bạn cùng khóa đã về khiêng quan tài của thầy Master tiểu đoàn 6 nhẩy dù. Ông nhập ngũ 1954 sau trận đánh Bình Xuyên, mũ đỏ Ngô Quang Thiều được đề cử trong toán nhẩy dù nhận vòng hoa chiến thắng. Cô nữ sinh Sài Gòn xuất thân từ Tha La xóm đạo Tây Ninh là người đẹp trao hoa. Rồi tình Bắc duyên Nam. Ngày 10 tháng 12-1960 anh Thiều kết duyên cùng cô nữ sinh áo trắng.  Chị Lạc, gần 20 năm theo chồng trong đời sống gia binh, thêm gần 30 năm xây dựng gia đình tỵ nạn. Một lòng chung thủy, quán xuyến gia đình 5 con với một chồng. Từ trại gia binh Vũng Tầu lên đến các chung cư cao ốc Nữu Ước. Ba mươi năm dài tại Mỹ, vợ chồng bên nhau, nuôi con trưởng thành.  Rồi những cánh chim non bay khắp bốn phương trời. Những đứa con của anh chị là thành quả của một gia đình nhỏ bé gửi cho thế hệ tương lai. Tháng 3 năm 2004 khóa Cương quyết Đà Lạt hội ngộ 50 năm tại Quận Cam. Chị Ngô Quang Thiều nay đã là phụ tá quản trị viên cho một hãng chuyên về tài chánh và đầu tư danh tiếng tại Nữu Ước. Chị lên sân khấu choàng lại vòng hoa tình cảm cho người chồng yêu dấu. Năm sau tháng 7-2005 thì anh Thiều ra đi, mũ đỏ lênh đênh đã về miền vĩnh cữu. Chôn cất xong tháng 8 năm 2005 chị Thiều cùng các con về lại Kiến An chính thức làm lễ 49 ngày cho chồng. Nhân danh nàng dâu Nam Kỳ từ Tha La xóm đạo chị về họp mặt với đại gia đình họ Ngô.  Năm 1954 Ngô Quang Thiều ra đi để lại cha mẹ, mười anh em, hàng trăm bà con xa gần. Trải qua 21 năm chia lìa Nam Bắc, rồi sau đó đến 1975 xa cách cả đại dương. Hình ảnh anh Thiều mờ dần trong lòng người họ Ngô tại Quế Lâm. Bây giờ thay thế bằng hình ảnh nàng dâu Nam Kỳ. Từ đó, mỗi năm vào tháng 7, lại có cô Việt kiều Sài Gòn từ Mỹ về làng Quế Lâm, tỉnh Kiến An làm giỗ cho chồng.. Năm 2007, bà Thiều đã đưa tất cả anh chị em vào thăm Saigon.  Đi thăm dinh Độc lập, nơi xưa kia chị Thiều đã sống những ngày thơ ấu trong sở nội dịch phủ tổng thống. Đi thăm Vũng Tàu nơi tiểu đoàn 6 nhẩy dù của Ngô Quang Thiều đóng quân. Những cậu em, cô em của anh Thiều dù đã ngoài sáu lăm bẩy chục nhưng suốt đời chưa ra khỏi lũy tre xanh, nay được chị dâu Sài Gòn cho đi máy bay lên chín từng mây vào thăm xứ Nam Kỳ, ra tắm biển Vũng Tầu, chợt thấy thương ông anh mũ đỏ biết chừng nào.  Bà Thiều kể lại cuộc đời lênh đênh của một người làm vợ lính nhẩy dù 45 năm từ trại gia binh Vũng Tàu đến miền đất mới Hoa Kỳ. Tại Nữu Ước, bà làm nhân viên tài chính cho hãng danh tiếng, nhưng vẫn không quên trách nhiệm làm dâu họ Ngô sau gần 60 năm cách biệt. Thiếu úy Ngô Quang Thiều, tiểu đoàn 6 nhẩy dù khi ra đi đã để lại một tình khúc bất hủ thể hiện tình đầu trở thành tình cuối. Từ khúc khải hoàn ca khi choàng vòng hoa chiến thắng trận Rừng Sát tại Sài Gòn cho đến tiếng kèn truy điệu tại nghĩa trang Westminster tại Cali. Tình Bắc duyên Nam, số phận tình cờ, hạnh phúc lênh đênh, chung thủy một đời và lưu luyến chia tay. Người vợ làm tròn bổn phận khi sống bên nhau và làm tròn bổn phận khi chồng đã ra đi. Làm vợ, làm mẹ và làm dâu rất muộn  màng ..Bây giờ người vợ lính ra đi. Những đứa con trong tang lễ đưa mẹ về với cha. Khóa chúng tôi, trước sau rồi sẽ chẳng còn ai, nhưng đàn con cháu, dù ở bốn phương trời mãi mãi vẫn nhớ về những bà mẹ một thời là vợ chiến binh...  

Giao Chỉ, San Jose.    

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.