Nhân Vật Quan Công
Thái Quốc Mưu
Quan công, tức Quan Vũ, tự Quan Vân Trường, hiệu Trường Sinh - một nhân vật thật, được hư cấu trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa. Do lòng hoài Hán, La Quán Trung đã bịa ra nhiều chuyện phi lý tâng bốc nhân vật nầy tột đỉnh.
Đa số, người Việt chúng ta chỉ biết và thần tượng hóa nhân vật Quan công qua ngòi bút phù phép của La Quán Trung. Nên, có nhiều chuyện hoàn toàn bịa đặt mà người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa tin và tưởng đó là sự thật.
Thực tế, chẳng mấy ai biết sự thật về Quan công.
Quan công sanh tại Giải Lương, quận Hà Đông. Có thuyết nói ông sinh tại Bồ Châu, lại có thuyết nói ông quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc.
Trong chính sử không xác định cũng không loại trừ các giả thuyết đó. Theo Quan Đế Minh Thánh Kinh, cụ cố nội Quan Vũ là Quan Long Phùng, ông nội Quan Vũ là Quan Thẩm, tự là Vấn Chi, cha ông là Quan Nghị, tự là Đạo Viễn.
1400. Cũng có giả thuyết ông sinh năm 1328 và mất năm 1398.
Ngoài ra, khi Tam Quốc Diễn Nghĩa ra đời, giới độc giả bình dân cùng thời La Quán Trung kiến thức kém, lại nghe theo lời của những kẻ cố ý lộng giả thành chân, từ chỗ Quan công “Ông (họ) Quan”, biến thành ông “Quan Công = ông họ Quan mang tước Công. Gọi tắt là Quan Công”. Đây là một trong những hình thức “SAI dùng lâu thành ĐÚNG!”.
Quan công vốn hàn vi, phải bán đậu phụ (tào hủ nước đường, nghĩa là ngày ngày gánh hai thùng gỗ, một đầu có bếp than để hâm nóng tàu hủ, đầu kia để chén bát và nước rửa) mưu sinh. Và, phải đẩy xe chở hàng thuê cho người buôn bán, không được học cả văn lẫn võ. Nhưng, La Quán Trung lại mô tả, “Quan công được học cả văn lẫn võ” mà không nghe nói ai là thầy dạy võ, và ai là người dạy chữ nghĩa cho ông ta. Do đó, nhiều học giả ngày nay nghĩ La Quán Trung, thần tượng hóa nhân vật Quan Vân Trường, để đưa tới ý đồ: “Đây là một nhân vật văn võ song toàn”.
Về bản chất, Quan công được La Quán Trung “ca” là người trung liệt, tiết tháo, vũ dũng, hào hiệp, ghét kẻ ác, thường bênh vực người yếu. Nhưng,…
Theo nhận xét riêng của người viết bài nầy, Quan công chỉ là một tướng võ biền, hữu dõng vô mưu, tính khí kiêu căng, ngạo mạn, kém văn hóa, thủ đoạn vặt, anh hùng rơm, thất tín, hẹp hòi, ích kỷ, bất tuân quân lệnh và hay lộng ngôn,… Chúng tôi sẽ chứng minh sau.
Nhờ thiên phú Quan công có được thể lực sung mãn, cường tráng, có sức mạnh (song, chưa phải là vô địch), bản chất du côn, ngang tàn, anh hùng rơm,... tuy hay giúp kẻ yếu hèn, chống phường hung bạo. Vì vậy, mới gây án giết người, phải lẫn trốn, tha phương cầu thực.
Trên đường trốn tránh lệnh tầm nã về tội sát nhân, Quan công lưu lạc nhiều nơi, cuối cùng gặp Trương Phi và Lưu Bị ở quận Trác. Ba người hợp ý, uống máu ăn thề kết nghĩa anh em, ở trong một khu vườn đào (Đào viên). Từ đó dựng thành câu chuyện “Đào Viên Kết Nghĩa”. Trong bộ chánh sử Tam Quốc Chí của sử gia Trần Thọ xác định không hề có chuyện Đào Viên Kết Nghĩa, đó chỉ là hư cấu của La Quán Trung. Trong ba nhân vậy đó, thì Lưu Bị là kẻ sửa, bán giày, dệt chiếu, Quan công bán tào phù, đẩy xe thuê, chỉ có Trương Phi là người giàu có, từng làm chủ điền viên, trang trại, là người có học cả văn lẫn võ và hội họa. Trương Phi viết chữ rất đẹp, có tài vẽ tranh, nhất là tranh mỹ nữ.
Trong thời Lưu Bị, Quan công, được xem là một trong năm vị tướng tài của Thục Hán, được cho là đứng đầu trong ngũ hổ tướng, gồm: Quan công, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu.
Thực tế tài cán của năm người không ngang ngửa nhau. Tuy mỗi người có một sở đoản, sở trường riêng (Quan công chỉ có sức mạnh, không biết võ nghệ). Tuy nhiên, xét cặn kẽ, Quan công còn thua xa Triệu Vân (Triệu Tử Long) về võ công, nhân cách, đức độ, tài thao lược, kiến thức… Triệu Vân trên Quan công cả cái đầu, là nhân vật trí dũng song toàn.
Quan công qua mô tả của cây viết La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thì mình cao 9 thước (= 2.00m) râu năm chòm dài thuột, mặt đỏ như gấc, mắt phượng, mày tằm,… tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao, nặng 82 cân (= 49kgs), cỡi ngựa xích thố.
Do lòng hoài Hán cực đoan, mù quáng tác giả La Quán Trung đặt vào tay Quan công cây đại đao nặng 49kgs, để nảy sinh hình ảnh giả tưởng buồn cười. Khi ra trận vì đao quá nặng nên Quan công phải khệ nệ ôm cây đao lảo đảo bước từng bước, từng bước chậm chạp… thì làm thế nào vung cây đao 49kgs khi đối đầu với giặc?
Điểm sai thứ hai là, từ thời Tam Quốc 190-280, trở về trước, chỉ có 5 loại bảo đao: Thiết đao, Cương Đao, Nhu Cương Đao, Thanh Cương Đao, Bảo Đao.
Quan công cũng chưa từng sử dụng một trong năm loại bảo đao nầy. Nói chi đến Thanh Long Yển Nguyệt Đao, chưa hề xuất hiện vào thời Tam Quốc (220-280).
Sau thời Tam Quốc gần bảy trăm năm (700 - chính xác 680 năm, đến đời Tống (960-1279) loại đao Thanh Long Yển Nguyệt mới xuất hiện lần đầu.
Nhà Tống được xem là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành ra tiền giấy, là nhà nước Trung Quốc đầu tiên đã thành lập nên lực lượng hải quân thường trực lâu dài. Triều đại này đã chứng kiến việc lần đầu tiên sử dụng thuốc súng, cũng như nhận thức về cách sử dụng la bàn. Và, từ đó phương thức sản xuất vũ khí tân tiến hơn, nhờ vậy, mới có khả năng chế tạo Thanh Long Yển Nguyệt Đao. Trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu thời Tống có tranh vẽ mô tả loại bảo đao nầy.
Các sử gia hiện nay cho rằng triều Tống hưng thịnh bằng hoặc hơn triều đại Nhà Đường. Ngoài ra, trong các thư tịch lịch sử Trung Quốc, thời Tam Quốc không có nhân vật nào sử dụng vũ khí có tên gọi Thanh Long Yển Nguyệt Đao.
Để chứng minh Quan Vũ chưa từng dùng Thanh Long Yển Nguyệt Đao. Và, có thể ông ta chỉ dùng một trong các loại Bát Xà Mâu - một loại vũ khí cùng loại với thương cán dài, lưỡi xoắn, uốn cong như hình con rắn (tiếng Hán: con rắn gọi là xà). Theo từ điển Hán Việt Thiều Chữu thì loại nào biến từ thương mà ra, có hình thù quái lạ thì gọi là MÂU.
Trong đoạn văn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả La Quán Trung mô tả, trích: “… Quan Vũ "thúc ngựa ĐÂM (Nhan) Lương giữa vạn quân" (ngưng trích).
Qua đoạn văn trên cho thấy Quan công chỉ có thể dùng Bát Xá Mâu hoặc thương từ xa thúc ngựa tới, mới ĐÂM được Nhan Lương. Trong khi, Thanh Long Yển Nguyệt Đao, thường dùng để chém, chặt, vì rất khó đâm.
NHỮNG CÁI YẾU CỦA QUAN CÔNG:
* Mưu lược kém cỏi:
- Sách Thục ký chép rằng: “Một lần Lưu Bị cùng đi săn với Tào Tháo, Quan Vũ lén khuyên Lưu Bị nên nhân lúc mọi người hỗn loạn mà giết Tào Tháo, nhưng Lưu Bị không nghe vì tình thế không cho phép manh động.” (ngưng trích).
Điều nầy cho ta thấy cái nhìn chiến lược của Quan công còn thua xa Lưu Bị. Phần khác, chứng minh Quan công không có tư cách của một dũng tướng anh hùng, mà là bản chất thấp hèn của phường thảo khấu. Đã đi săn chung với Tào Tháo, ít ra giữa Tháo và Bị cũng có một sự gắn bó nào đó, mà Quan công muốn giết Tháo chứng tỏ bản tính y hèn hạ vô cùng.
- Tháng 9 năm 198, Tào Tháo và Lưu Bị hợp sức mang quân đến đánh Từ châu để trừ Lã Bố. Quan Vũ theo dự trận này. Quân Tào vây thành đến tháng 10 năm đó, Lã Bố khốn cùng phải chạy lên lầu Bạch Môn. Trong khi đó, Quan công đã để lộ…
1)- Bản chất thấp hèn, chấp nhận làm điều hạ tiện:
Sách Thục Ký chép rằng: “Trong bước đường cùng, Lã Bố đã mang vợ mình đến chỗ (dâng cho) Quan Vũ để lấy lòng ông, hy vọng ông nói giúp với Tào Tháo. Quan Vũ hỏi Tào Tháo rằng (ông ta, tức Quan công) có nhận người đàn bà nầy được không, Tào Tháo nói rằng được! Nhưng sau đó Quan Vũ hỏi thêm mấy lần nữa khiến Tào Tháo cảm thấy hứng thú BÈN SAI ông (Quan công) mang vợ Lã Bố tới. Khi Quan Vũ mang vợ Lã Bố đến cho Tào Tháo, Tào ưng ý và giữ lại chỗ mình.” (có nghĩa là không cho Quan công đem về làm vợ hay hầu thiếp)
Đoạn văn trên đây cho thấy (như trong câu chuyện) hành vi của Quan công kém cỏi dưới mức bình thường, nếu Quan công là kẻ chính nhân quân tử, chắc chắn ông ta sẽ:
- Không nhận vợ người (vợ Lã Bố) làm của hối lộ cho mình (Quan công).
- Không hạ mình làm chuyện “dắt gái” dâng cho Tào Tháo.
- Việc Quan công hỏi Tào Tháo năm lần, bảy lần chẳng khác nào khuyến khích Tào Tháo hãy dung nạp vợ của người khác đã dâng cho ông ta, nhưng rồi hắn đem vợ của người ta (vợ Lữ Bố) đi dâng cho chủ mới (Tào Tháo) với ý đồ mưu cầu lợi lộc cá nhân! Thật vô liêm sỉ! Thử hỏi, hành vi của Quan công có xứng đáng là hành động của người có đầy đủ tiết, liệt, trung, hiếu không?
2- Phản chúa, phản bạn, vong thề:
- Đầu năm 200, Tào Tháo chia quân chuẩn bị đi đánh Từ Châu. Lưu Bị biết mình thế yếu bèn sai người đi cầu cứu Viên Thiệu nhưng Thiệu chần chừ không ra quân. Tào Tháo gấp rút tiến đánh Từ châu. Vài ngàn quân của Lưu Bị không chống nổi, bị thua tan tác. Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam, gia quyến Lưu Bị đều bị bắt; Quan Vũ không có đường chạy, phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương.
Làm tướng thua trận, bỏ chủ (là Lưu Bị) mà người chủ đó đã từng uống máu ăn thề sinh tử có nhau, nhưng đến khi cùng đường, lại hàng giặc, vong thề, bội ước, tham sống, sợ chết chẳng khác gì kẻ thất phu hạ tiện… Trong bước khốn cùng Quan công đã thể hiện bản chất thấp hèn của kẻ tham sanh quý tử, bất chấp khí tiết anh hùng, sự trung thành của kẻ bề tôi. Ngoài ra đã bội ước vong thề với bằng hữu…
3)- Háo thắng, bỏ đại nghĩa, ham hố, tranh giành địa vị:
- Khi Mã Siêu (về sau là một trong ngũ hổ tướng của Lưu Bị) mới quy hàng Thục Hán, Quan công đang trấn nhậm Kinh Châu, hay tin, liền vội viết thư cho Chư Cát Lượng (Khổng Minh), sai người ngày đêm cấp tốc về trao cho Khổng Minh, đòi về tranh tài cao thấp với Mã Siêu để phân thắng bại. Vốn là một mưu sĩ, Khổng Minh biết ngay ý đồ của Quan công, liền viết thư phúc đáp trong đó phải vỗ về Quan công và ca ngợi: “Mã Siêu tuy có giỏi, nhưng làm sao qua được ông là kẻ “tài nghệ tuyệt luân”. Quan công hả dạ, mặt mày hớn hở, liền vừa vuốt râu vừa cười thỏa mãn, thốt lên: “Khổng Minh thật hiểu ý ta!”
“Khổng Minh thật hiểu ý ta!”, đó là lời Quan công khen người (khen Khổng Minh), nhưng Quan công nào biết, lời “khen” ấy có khác nào ông ta tự mắng vào mặt mình là kẻ háo thắng, lòng dạ hẹp hòi, muốn tranh chấp những chuyện nhỏ nhặt mà bỏ cả đại sự, là rời Kinh Châu về đấu với Mã Siêu.
4)- Và là kẻ lộng ngôn:
Năm 215, khi Quan công đang phòng thủ để ngăn trở Tào Ngụy cướp thành. Tào Tháo nghĩ nên kết hợp với Tôn Quyền, sai người hẹn với Tôn Quyền đồng tấn công Kinh Châu để hóa giải hận thù giữa hai nước Ngụy (Tào Tháo) và Ngô (Tôn Quyền).
Trong khi ấy, Lưu Bị nhận thấy binh lực Thục Hán yếu kém, nên nghĩ cách nhượng bộ Tôn Quyền, bèn đề nghị trao cho Đông Ngô ba quận Quế Dương, Linh Lăng và Trường Sa. Ngược lại, phía Tôn Quyền (Đông Ngô) giao Nam Quận lại cho Thục Hán. Do đó, Tôn Quyền với Thục Hán chánh thức giảng hòa và cả hai bên đều đồng ý phân lại ranh giới đất Kinh Châu. Phía Đông Ngô, tướng Trình Phổ giao quận Giang Lăng cho Quan công. Xong, Trình Phổ đến Giang Hạ nhận chức Thái Thú.
Nhân sự trao đổi ấy, Tôn Quyền muốn bắt tay chặt chẽ với Lưu Bị, đồng thời muốn giao hảo tốt với Quan công để kéo dài tình hòa ước. Và, nhất là để liên minh chống nước Ngụy (Tào Tháo).
Trước đó 6 năm - tức năm 209, Lưu Bị cưới em gái của Tôn Quyền là Tôn Thượng Hương về làm phu nhân, nhưng cả Tôn Quyền cùng Lưu Bị đều xem cuộc hôn nhân đó nhằm phục vụ lợi ích đất nước, vì vậy, cuộc hôn nhân đổ vỡ. Năm 213, Tôn phu nhân trở về Đông Ngô.
Trước khi quyết định bỏ Thục hợp cùng Tào. Tôn Quyền phái sứ giả đến cầu hôn con gái Quan công cho con trai mình, để xem thử ý của Quan công như thế nào. Không ngờ vốn kẻ võ biền, không biết và không đặt quyền lợi Thục Hán lên trên. Quan công chẳng những không chấp nhận mà còn mạt sát Tôn Quyền trước mặt sứ giả nhà Ngô: “Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử”. Chính sự lộng ngôn nầy về sau đã đưa Quan công vào cõi chết.
“Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử”. Quan công tự cho ông ta là giống nòi hổ, tức dòng tộc thượng đẳng, còn dòng giống của Tôn Quyền chỉ là loài chó, nghĩa là dòng tộc hạ cấp. Nhưng, thực tế “Ai hổ? Ai chó” đây?
Thới trai trẻ Quan công chỉ là anh chàng ngày ngày đẩy xe chở hàng hòa thuê và gánh tào hủ mềm (còn gọi là đậu phụ) ăn với nước đường đi bán để mưu sinh. Thì Tôn Quyền cùng Tôn Sách 175 – 200, là con của Tôn Kiên một viên tướng thời Hán mạt.
Tôn Kiên, 155-191, tên tự là Văn Đài, làm Thái Thú trường Sa, hạ tướng của Viên Thuật. Khi dẫn quân đi đánh Ích Châu, Lưu Biểu sai bộ hạ là Hoàng Tổ bắn chết ở Hiện Sơn (ngoại thành, thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc ngày nay), ông là người đặt nền móng xây dựng nước Đông Ngô thời Tam Quốc. Lúc đó, Tôn Sách mười sáu tuổi còn Tôn Quyền mới lên mười.
Sau khi Tôn Kiên chết, Tôn Sách, 175 - 200 đem thi hài phụ thân ông về Khúc A (ngày nay thuộc Giang Tô), để chôn cất trước khi tiến về Đan Dương (nay là Tuyên Thành, An Huy), tại đó cậu của ông là Ngô Cảnh đang làm thái thú.
Khi ở với người Cậu, Tôn Sách lập ra một đội quân nhỏ vài trăm người. Lực lượng nhỏ này là quá yếu ớt để ông có thể thiết lập quyền lực riêng cho chính mình. Ông trốn người cậu về đầu Viên Thuật. Dưới trướng của Viên Thuật, Tôn Sách bị Viên Thuật gạt nhiều lần (phần chữ nghiêng dưới đây trích nguyên văn từ Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư). Trích:
“Viên Thuật rất có ấn tượng về Tôn Sách và thường than vãn rằng ông không có người con trai nào được như Tôn Sách. Ông nầy cũng trao lại các đơn vị quân đội trước đây thuộc quyền Tôn Kiên cho Tôn Sách.
Ban đầu, Viên Thuật hứa sẽ cho Tôn Sách làm thái thú Cửu Giang nếu ông đánh được quận này. Tuy nhiên khi Tôn Sách hạ thành, Viên Thuật lại giao chức Thái thú cho Trần Kỷ.
“Sau đó, khi Viên Thuật bị từ chối khi muốn vay một lượng lương thực lớn từ thái thú Lư Giang là Lục Khang, bèn sai Tôn Sách tấn công Lư Giang. Viên Thuật hứa sẽ cho Tôn Sách làm thái thú Lư Giang nếu ông thành công. Tuy nhiên, khi Tôn Sách chiếm được Lư Giang thì Viên Thuật một lần nữa lại quên lời và giao chức vụ này cho Lưu Huân và chỉ cho ông làm Hoài Nghĩa hiệu úy. Ấm ức trước việc đó, Tôn Sách đã có ý định rời bỏ Viên Thuật vì nhớ tới tư thù cũ đồng thời ông này cũng là một kẻ không giữ lời hứa”.
Trong khi đó, Lưu Do được quyền thần Lý Thôi nhân danh Hán Hiến Đế bổ nhiệm làm Thứ sử Dương Châu, ngày nay là miền nam Giang Tô, miền nam An Huy, Giang Tây, Chiết Giang và Phúc Kiến, đã chiếm Khúc A đóng bản doanh cũ là Thọ Xuân, ngày nay là huyện Thọ, An Huy, đã bị Viên Thuật chiếm giữ.
Lưu Do sau đó đã buộc Ngô Cảnh phải lui về phía tây, dọc theo sông Dương Tử tới Lịch Dương (ngày nay là huyện Hòa, An Huy). Tuy nhiên, Viên Thuật cho rằng mình mới là thái thú hợp pháp và sai Ngô Cảnh cùng anh họ của Tôn Sách là Tôn Bí tấn công Lưu Do. Hơn một năm, họ không thể phá vỡ sự phòng ngự của Lưu Do. Tôn Sách bèn đề nghị Viên Thuật cho ông đem quân tới hỗ trợ họ.
Đánh bại Lưu Do
Mặc dù Viên Thuật biết rằng Tôn Sách có ý định ra đi, nhưng ông ta tin rằng Tôn Sách không thể đánh bại Lưu Do. Vì thế ông ta đã đồng ý cho Tôn Sách đem khoảng 1.000 bộ binh cùng một lực lượng nhỏ kỵ binh đi. Cùng với vài trăm người tình nguyện theo mình, Tôn Sách tiến tới Lịch Dương, tại đây ông đã tăng cường được sức mạnh của mình lên tới trên 5.000 quân, nhờ thu được nhiều hào kiệt vùng Giang Đông.
Sau đó Tôn Sách bắt đầu tấn công dọc theo sông Dương Tử và chiếm đóng vị trí chiến lược Ngưu Chử, ngày nay ở tây nam Mã An Sơn, An Huy, vào năm 195.
Về sau, hai đồng minh của Lưu Do từ Bành Thành và Hạ Bì kéo xuống phía nam để giúp Lưu Do. Tôn Sách quyết định tấn công một trong hai đoàn quân nầy do Trách Dung chỉ huy, ông nầy đóng quân tại Mạt Lăng. Sau khi bị thất bại trong mấy trận đầu, Trách Dung lui vào phòng ngự và từ chối giao đấu trên chiến trường. Tôn Sách đưa quân lên phía bắc và tấn công Tiết Lễ. Mặc dù Tiết Lễ nhanh chóng thua trận và bỏ chạy, nhưng bộ hạ của Lưu Do là Phàn Năng và những người khác đã tập hợp lực lượng của mình và tấn công Tôn Sách tại Ngưu Chử.
Quay về, Tôn Sách đánh bại Phàn Năng và giữ được Ngưu Chử. Sau đó ông lại tấn công Trách Dung. Tuy nhiên, ông bị dính tên vào đùi. Quay về Ngưu Chử, ông cho loan tin giả là đã bị giết chết trong trận đánh vừa qua. Trách Dung tin điều đó và đem quân tấn công. Tôn Sách lừa cho quân của Trách Dung vào ổ mai phục và tiêu diệt đội quân này. Khi Trách Dung biết rằng Tôn Sách còn sống thì ông ta lại càng tăng cường phòng ngự.
Tôn Sách sau đó tạm thời bỏ qua kế hoạch tấn công Trách Dung và tập trung lực lượng vào Khúc A. Sau khi toàn bộ khu vực xung quanh lần lượt bị Tôn Sách chiếm đóng thì Lưu Do đã bỏ thành và chạy về phía nam tới Dự Chương, ngày nay là Nam Xương, Giang Tây và sau đó chết tại đây.
Chiếm Cối Kê và Đan Dương
Do Tôn Sách giữ vững kỷ luật trong quân đội của mình nên ông đã thu được sự ủng hộ của người dân khu vực và thu được nhiều người có tài năng, như Trần Vũ, Chu Thái, Tưởng Khâm, Trương Chiêu, Trương Hoành và Lã Phạm v.v… Sau đó ông lấn sâu vào Dương Châu và chiếm Cối Kê (ngày nay là Thiệu Hưng), Chiết Giang, thái thú Hội Kê là Vương Lãng phải bỏ chạy. Tôn Sách lấy Cối Kê làm căn cứ của mình và đánh bại đội quân thổ phỉ của Nghiêm Bạch Hổ ở Ngô Quận. Nghiêm Bạch Hổ sai em trai là Nghiêm Dư tới giảng hòa với Tôn Sách và chia đôi vùng Giang Đông, nhưng Tôn Sách không đồng ý và tự tay giết chết sứ giả. Do Nghiêm Dư là chiến binh dũng mãnh nhất trong số những người của Nghiêm Bạch Hổ, nên cái chết của ông nầy đã làm họ lo sợ và nhanh chóng bị đánh tan.
Chiến dịch của Tôn Sách, từ khi chiếm Ngưu Chử cho đến khi chiếm toàn bộ khu vực đông nam sông Dương Tử, chỉ mất chưa tới 1 năm. Sau đó ông đánh bại và nhận được sự phục tùng của Tổ Lãng, thái thú Đan Dương, và Thái Sử Từ, thủ lĩnh đám tàn quân của Lưu Do. Ông sai Thái Sử Từ đi thu thập hết tàn quân Lưu Do, quan tâm tới gia quyến Lưu Do và thăm dò Thái thú Dự Chương là Hoa Hâm. Khi được biết Hoa Hâm không có ý định chống đối, Tôn Sách quay sang mặt trận bình định người Sơn Việt.
Những người của bộ lạc Sơn Việt thì lại không dễ dàng như vậy. Để chống lại những cuộc nổi dậy liên tục của người Sơn Việt trong nhiều năm sau đó, Tôn Sách đã cho Hạ Tề làm chỉ huy một đội quân để chinh phục người Sơn Việt. Hạ Tề sau nầy trở thành một viên tướng giành được thắng lợi lớn, trên thực tế, việc Tôn Sách bổ nhiệm ông là bước đi đầu tiên rất quan trọng trong việc nhà nước Đông Ngô chinh phục các bộ lạc Sơn Việt nầy. Ngoại trừ đội quân tuy rải rác nhưng còn đông của Nghiêm Bạch Hổ ra, thì vùng đất phía nam sông Dương Tử về cơ bản đã được hòa bình.
Năm 197, Viên Thuật tự xưng làm hoàng đế, hiệu là Trọng Thị. Sau khi bị Lã Bố đánh bại, Viên Thuật có gửi thư cho Tôn Sách để mượn quân. Trong thư gửi trả lời Viên Thuật, Tôn Sách đã cự tuyệt và cắt đứt mọi quan hệ với ông ta.
Trong cố gắng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Tôn Sách, một lãnh chúa mới nổi là Tào Tháo. Sau đó Tháo đề cử ông vào chức vụ Thảo nghịch tướng quân và tước phong là Ngô hầu.
Năm 199, Tôn Sách đang trên đường đem quân tấn công Hoàng Tổ tại Hạ Khẩu (ngày nay là Hán Khẩu), Vũ Hán, Hồ Bắc, thì nhận được tin, Viên Thuật đã chết, lực lượng phân hóa làm hai. Em họ là Viên Dận thì đem theo quan tài Viên Thuật và quân đội họ Viên đến Hoãn Thành (ngày nay là huyện Tiềm Sơn, An Huy), nương tựa vào Thái thú Lư Giang là Lưu Huân vốn được Viên Thuật phong; còn bộ tướng của Thuật là Trương Huân và trưởng sử Dương Hoằng bỏ Thọ Xuân đến địa bàn của Tôn Sách định theo hàng, nhưng Thái thú Lư Giang là Lưu Huân lại chặn đường họ giết chết để cướp của và quân chúng.
Tôn Sách rất hận Lưu Huân về chức Thái thú Lư Giang khi Viên Thuật còn sống, nhưng ngoài mặt vẫn đi lại, và đề nghị Lưu Huân đi Thượng Diên, đánh các dòng họ đóng cửa địa bàn không thuần phục. Lưu Huân lúc đó cũng không đủ lương thực nuôi quân, bèn mang quân tới Hải Hôn, phía đông của huyện Vĩnh Tu, Cửu Giang, (Giang Tây ngày nay, và Thự Liêu). Tôn Sách bèn cùng Chu Du mang 2 vạn quân đánh tập kích vào quận Lư Giang, chiếm được Hoãn Thành, tiếp quản toàn bộ số quân cũ của Viên Thuật khoảng 30.000 người.
Tại Hoãn Thành, Tôn Sách và Chu Du gặp hai tiểu thư đẹp nổi tiếng là con của Kiều công và lấy làm vợ: Tôn Sách lấy Đại Kiều, Chu Du lấy Tiểu Kiều.
Nghe tin căn cứ bị mất, Lưu Huân chạy về phía tây và tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoàng Tổ. Hoàng Tổ gửi 5.000 thủy quân thiện chiến tới giúp Lưu Huân. Tôn Sách đánh bại Lưu Huân khiến Huân phải chạy về phía bắc đầu hàng Tào Tháo. Tôn Sách thu được trên 2.000 quân cùng 1.000 tàu thuyền của Lưu Huân rồi cùng Chu Du tiến quân đánh Hoàng Tổ, bắt sống 2000 quân Lư Giang và 1000 chiếc thuyền.
Đuổi được Lưu Huân, Tôn Sách và Chu Du quay sang đánh Hoàng Tổ. Hai bên đánh một trận lớn ở gần Vũ Xương. Mặc dù đã được tăng cường thêm quân từ phía Lưu Biểu, nhưng Hoàng Tổ vẫn bại trận.
Tôn Sách xua quân sang quận Dự Chương, sai Ngu Phiên vào thành dụ Hoa Hâm. Hoa Hâm đầu hàng nộp thành. Tôn Sách rất kính trọng Hoa Hâm, đối đãi như thượng khách.
Tôn Sách vào năm 199 đã chiếm được toàn bộ miền nam Trung Quốc. Dương châu mà ông cai quản gồm có 5 quận: Lư Giang, Ngô Quận, Cối Kê, Đan Dương, Dự Chương. Ông lấy một phần quận Dự Chương tách ra lập quận thứ 6 là quận Lư Lăng.
Do bị đe dọa ở phía bắc là Viên Thiệu nên chưa thể chia sẻ sự quan tâm của mình, vì thế Tào Tháo cố gắng tăng cường liên minh với Tôn Sách bằng cách gả cháu gái của mình cho em Tôn Sách là Tôn Khuông. Đến lượt mình, Tôn Sách cũng đồng ý gả con gái của Tôn Bôn (tự Phần) cho con trai của Tào Tháo là Tào Chương.
Thái thú cũ của Ngô Quận, phía nam của Tô Châu ngày nay, Giang Tô là Hứa Cống đã từ lâu chống lại Tôn Sách. Hứa Cống gửi mật thư về cho Hán Hiến Đế, khuyên vua nên triệu hồi Tôn Sách về kinh do ông cảm nhận rằng Tôn Sách là một anh hùng có thể sánh với Hạng Vũ và là quá nguy hiểm để cho phép Tôn Sách chiếm giữ lãnh thổ. Tuy nhiên, bức mật thư đã bị các quan lại nhiều cảm tình với Tôn Sách chặn lại, Tôn Sách mời Hứa Cống tới và giết chết. Những người trung thành với Hứa Cống sau đó chờ đợi cơ hội trả thù.
Năm 200, Tào Tháo đánh trận quyết định với Viên Thiệu tại Quan Độ, dọc theo bờ sông Hoàng Hà, để tiến tới kinh đô và căn cứ của ông ta tại Hứa Xương vào tình thế ít được bảo vệ. Người ta cho rằng Tôn Sách đã vạch ra kế hoạch tấn công Hứa Xương dưới ngọn cờ giải cứu Hán Hiến Đế, khi đó đang bị Tào Tháo kiểm soát gắt gao. Công việc chuẩn bị cho cuộc tấn công đang diễn ra thì Tôn Sách rơi vào nơi phục kích của 3 bộ hạ cũ của Hứa Cống trong một cuộc đi săn đơn độc.
Một trong số ba người nầy đã kịp bắn một mũi tên trúng má Tôn Sách trước khi người của Tôn Sách kịp đến và giết chết những kẻ ám sát. Về cái chết của Tôn Sách có nhiều giả thuyết khác nhau. Một giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là ông ta chết ngay trong đêm đó.
Một giả thuyết khác cho rằng Tôn Sách còn sống thêm được một thời gian nữa. Các thầy thuốc nói với Tôn Sách là ông cần phải nghỉ ngơi 100 ngày để vết thương được bình phục, nhưng một hôm Tôn Sách nhìn vào trong gương và khi nhìn thấy vết sẹo đã điên tiết lên và đập vỡ bàn. Chuyển động mạnh đã làm vết thương vỡ ra và ông chết trong đêm đó.
Mặc dù khi đó có một con trai chưa sinh ra, nhưng Tôn Sách đã truyền lại di sản cho em trai là Tôn Quyền. Năm 222, khi Tôn Quyền tự xưng làm hoàng đế đầu tiên của Đông Ngô, ông đã phong Tôn Sách làm Trường Sa Hoàn Vương.
Dòng dõi Tôn Sách được kế tiếp bằng con trai sinh ra sau khi cha mất là Tôn Thiệu, và có ít nhất là hai (có thể là ba) con gái, một người lấy Chu Kỷ, người kia lấy Cố Thiệu, và người sau nữa thì lấy Lục Tốn.
Tôn Thiệu sinh được một con trai là Tôn Phụng, sau nầy bị Tôn Hạo tử hình với tội danh được gán cho là phản bội. Thực tế là do ông nầy rất nổi tiếng” (ngưng trích).
***
Tôn Sách vốn là một người uy vũ vẹn toàn, được người đương thời phong là, “Tiểu Bá Vương”, để sánh vai cùng Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Nhờ đó, việc chiêu tập quân binh nhanh chóng, sớm trở thành đội quân hùng mạnh, đánh đâu thắng đó, chiếm cứ vùng Giang Đông và trở thành một viên tướng kỳ tài, là một lãnh chúa trong thời cuối nhà Đông Hán.
***
Tôn Quyền, tự Trọng Mưu, sinh ngày 5 tháng 7 năm 182, mất 21 tháng 5 252, tại Phú Xuân, Ngô Quận. Lên nối nghiệp, Tôn Quyền từ bỏ vai trò Lãnh Chúa của cha, anh. Ông tổ chức hành chánh, đặt quan cai trị, thiết lập triều đình tự xưng là Ngô Đại Đế. Hậu duệ của Tôn Quyền gọi ông bằng Ngô Thái Tổ. Ở Đông Ngô, Tôn Quyền trở thành thủy tổ của thể chế quân chủ đầu tiên ở nước nầy.
Qua gia phả của Tôn Quyền, cha từng làm Thái Thú, anh từng làm lãnh chúa, đánh đâu thắng đó, bản thân Tôn Quyền ngang hàng với Lưu Bị. Vậy mà, vì tình giao hảo, khi cầu hôn cho con, Quan công dám lộng ngôn miệt thị: “Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử”.
Vậy thì, anh chàng gánh tào phụ đi bán dạo, đẩy xe chở hàng thuê như Quan công mang tội giết người (dù là giết tên du côn) trở thành tên tội phạm, trên đường bôn ba đào tẩu, dịp may được kết bạn và làm tôi thần cho Lưu Bị. Hắn vừa bất tài vừa không có kiến thức, bản chất lại tự cao, tự đại, kiêu căng, ngạo mạn… thì chúng ta nên xếp Quan công thuộc hạng người nào đây?
Theo Ngô thư - Lục Tốn truyện: “Khi Mi Phương và Phó Sĩ Nhân cùng Quan công trấn giữ Kinh Châu. Hai người nầy luôn bị Quan công khinh thường. Một lần xuất chinh, Mi Phương với Phó Sĩ Nhân sơ suất trong quân nhu, Quan công đe dọa khi trở về sẽ trị tội. Khiến hai tướng ngày đêm lo sợ, nhân dịp đó Tôn Quyền chiêu dụ, hai tướng Mi Phương, Phó Sĩ Nhân liền quy hàng Ngô. Giúp Tôn Quyền chiếm Kinh Châu không mất một giọt máu.”
Điều mà La Quán Trung cố tạo ra hình ảnh một Quan công “Thập Toàn, Thập Mỹ” chỉ là một hình ảnh không bao giờ có. Nhưng nó tác động cho nhân gian dựng nên một thần tượng và thánh hóa Quan công trở thành Võ Thánh Quan Vân Trường - Một danh dự cho một kẻ mà ngày nay sử sách không tìm ra một điều để có thể trọng vọng ông ta.
Ở đây, người viết xin hỏi: Một kẻ bại trận khom mình đầu giặc một cách hèn hạ, phản chủ, phản bạn như Quan công có xứng đáng để hậu thế tôn thờ hay không? Thế mà, không thiếu những kẻ trong giống nòi Việt tôn thờ tên giặc Hán ấy. Đau nào hơn? Ngu nào bằng?
***
Lật trang sách cũ, tổ tiên ta từng có rất nhiều đại anh hùng dân tộc như Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Lợi, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Nguyễn Trãi, … và vô số anh hùng hữu danh và vô danh khác. Thế mà, chỉ vì đầu óc vọng ngoại, nên không ít kẻ trong chúng ta bị giặc xăm lược đầu độc, để rồi chẳng biết gì về anh hùng dân tộc đất nước mình, từng chống ngoại xăm, giữ gìn đất nước quê hương. Cho nên, ngày nay, tuổi trẻ ở trong, ngoài nước, dường như chẳng biết gì về lịch sử tiền nhân của dân tộc ta.
Không cần phải là những đại anh hùng dân tộc như những vị anh hùng nêu trên. Chỉ cần đem tiểu tướng Lê Lai ra so sánh, ai cũng có thể nhìn nhận ra rằng Lê Lai vượt xa Quan công về tinh thần yêu nước và tinh thần hy sinh của người chiến sĩ vì quốc gia đại sự.
Ai trong chúng ta cũng biết, khi Đức Bình Định Vương Lê Lợi bị giặc Minh vây hãm ở Chí Linh, trong tình thế nguy ngập. Khi ấy, chắc chắn Lê Lai hiểu được rằng, nếu mình mặc long bào giả vua để gạt giặc thù đang bao vây nghiêm ngặt thì không thể nào thoát chết. Thế mà, người chiến sĩ của dân tộc Việt vẫn hiên ngang cáo lỗi cùng trời đất, xin Đức Vua cho mặc hoàng bào xông ra trận đề nhận cái chết hầu cứu Vua.
Còn Quan công?
Hắn từng hưởng lộc Lưu Bị, vậy mà trong lúc Lưu Bị gặp cơn hiểm nghèo, vợ con bị quân Ngụy bắt hết, hắn chẳng nghĩ ra điều gì để có thể giúp Lưu Bị. Ngược lại, do bản tính thấp hèn, tham sống, sợ chết vội vàng chạy đến hàng Tào Tháo, để được an thân.
Và, nếu chỉ viết bài nầy với mục đích chỉ để nói lên những sai lầm của Quan công, thì tôi – Thái Quốc Mưu, có thể tiếp tục viết, vạch ra vô vàn những sai lầm khác của hắn ta. Tôi xin tạm ngưng nơi đây và xin coi như tạm đủ để nói lên mục đích của người viết.
Mục đích của tôi, viết, vạch ra những yếu kém của Quan công không phải nhằm để “tố khổ” ông ta. Mà, để cảnh tỉnh những người cùng mang dòng máu dân tộc Việt Nam hãy tỉnh ngộ, hãy xóa bỏ đầu óc vọng ngoại,… để hướng về những anh hùng dân tộc của non sông đất nước mình.
Những ai đã từng đặt bàn, thờ Quan công, nên xét lại việc làm của mình đúng hay sai?
***
Còn chuyện ngày nay?
Ở đây người viết, xin thưa, khi viêát tập Tạp Văn nầy, tôi đã 78 tuổi rồi, cái tuổi mà mọi tham vọng không còn nữa. Cho nên tôi xin đặt hai thể chế chính trị Việt Nam Cộng Hòa và Nước Cộng Hòa Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa ra ngoài bài viết.
Ở đây, tôi chỉ đưa ra cái ý chí kiêu hùng, cái tinh thần dũng cảm và cái khí tiết giàu anh hùng tính của những con người xứng đáng là con dân nước Việt của cả hai thể chế chánh trị.
Tôi muốn nói về các trận hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa.
* Phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:
- Ngoài Ngụy Văn Thà, Trung Tá Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Hạm trưởng HQ-10, còn có 74 binh sỹ khác tử thương. Trong đó, chỉ riêng HQ-10 có 63 chiến sĩ hy sinh bao gồm:
- Hạm trưởng Ngụy Văn Thà / HQ-4 có 3 người chiến sĩ hy sinh / HQ-5 có 3 chiến sĩ tử vong và 16 chiến sĩ bị thương / HQ-16 có 2 chiến sĩ tử vong / Và, lực lượng Người Nhái có 4 chiến sĩ hy sinh.
Nguồn tin bán chánh thức từ giặc Tàu kể lại, cho biết, không kể những chiến sĩ bị giặc Tàu bắt làm tù binh thì, tất cả 75 chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều chiến đấu anh dũng và hy sinh trước hỏa lực mạnh hơn gấp vài chục lần của Hải Quân ta.
Cũng theo nguồn tin trên, khi lặn vào bờ, Thượng sĩ Người Nhái Đinh Hữu Từ, bị giặc Tàu phát hiện, chúng bắn anh trọng thương và kêu gọi đầu hàng, người chiến sĩ Người Nhái dũng cảm gật đầu giả vờ chấp nhận rồi kín đáo ém trái lựu đạn đã mở chốt an toàn đặt dưới lưng, giặc kéo đến… bất nhờ Thượng sĩ Đinh Hữu Từ lăn vội người qua một bên cho quả lựu đạn được cài dưới lưng anh phát nổ. Thân xác và máu anh hòa cùng xác và máu ba, bốn tên giặc Tàu làm phân bón quê hương ta!
Dưới đây là danh sách cách chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trong trận chiến với giặc Tàu, tại hải đảo Hoàng Sa. (trích từ báo Thanh Niên Online, trong nước):
1. Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba, HQ-10
2. Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba, HQ-10
3. Hải quân Đại úy Vũ Văn Bang, HQ-10
4. Hạ sĩ Cơ khí Trần Văn Bảy, HQ-10
5. Thượng sĩ nhất quản nội trưởng Trọng pháo Châu, HQ-10 6. Trung sĩ nhất Vô tuyến Phan Tiến Chung, HQ-10
7. Hạ sĩ Giám lộ Nguyễn Xuân Cường, HQ-10.
8. Hạ sĩ Điện khí Trần Văn Cường, HQ-10.
9. Trung sĩ Trần Văn Đảm, HQ-10.
10. Hạ sĩ nhất Vận chuyển Nguyễn Thành Danh, H-Q4.
11. Hạ sĩ Vận chuyển Trương Hồng Đào, HQ-10.
12. Hạ sĩ nhất đoàn viên, Trần Văn Định, HQ-10.
13. Trung úy Người Nhái Lê Văn Đơn, Người Nhái.
14. Hạ sĩ Cơ khí Nguyễn Văn Đông, HQ-10.
15. Hải quân Trung úy, Phạm Văn Đông, HQ-10.
16. Hải quân Trung úy Nguyễn Văn Đồng, HQ-5.
17. Trung sĩ Trọng pháo… Đức, HQ-10.
18. Thủy thủ nhất Trọng pháo, Nguyễn Văn Đức, HQ-10.
19. Trung sĩ Thám xuất, Lê Anh Dũng. HQ-10.
20. Hạ sĩ Quản kho. Nguyễn Văn Duyên, HQ-16.
21. Thượng sĩ điện tử Nguyễn Phú Hảo, HQ-5.
22. Hạ sĩ điện khí Nguyễn Ngọc Hòa, HQ-10.
23. Hạ sĩ Giám lộ Nguyễn Văn Hoàng (trẻ nhất), HQ-10.
24. Hải quân Trung úy Cơ khí Vũ Đình Huân, HQ-10.
25. Hạ sĩ Trọng pháo Phan Văn Hùng, HQ-10.
26. Thượng sĩ nhất Điện khí Võ Thế Kiệt, HQ-10.
27. Thượng sĩ Vận chuyển Hoàng Ngọc Lễ, già nhất, HQ-10 28. Thủy thủ nhất Thám xuất Phạm Văn Lèo, HQ-10.
29. Thượng sĩ nhất Cơ khí Phan Tấn Liêng, HQ-10.
30. Hạ sĩ Trọng pháo Nguyễn Văn Lợi, HQ-10.
31. Thủy thủ nhất Cơ khí Dương Văn Lợi, HQ-10.
32. Hạ sĩ Người Nhái Đỗ Văn Long, Người Nhái.
33. Trung sĩ Điện khí Lai Viết Luận, HQ-10.
34. Hạ sĩ nhất Cơ khí Đinh Hoàng Mai, HQ-10.
35. Hạ sĩ nhất Trọng pháo Nguyễn Quang Mến, HQ-10.
36. Hạ sĩ nhất Cơ khí, Trần Văn Mộng, HQ-10.
37. Trung sĩ Trọng pháo… Nam, HQ-10.
38. Thủy thủ nhất Trọng pháo Nguyễn Văn Nghĩa, HQ-10. 39. Trung sĩ Giám lộ Ngô Văn Ơn, HQ-10.
40. Hạ sĩ Phòng tai Nguyễn Văn Phương, HQ-10.
41. Thủy thủ nhất Phòng tai Nguyễn Hữu Phương, HQ-10.
42. Thượng sĩ nhất Trọng pháo Nguyễn Đình Quang, HQ-5.
43. Thủy thủ nhất Trọng pháo Lý Phùng Quy, HQ-10.
44. Trung sĩ Cơ khí Phạm Văn Quý, HQ-10.
45. Trung sĩ Trọng pháo Huỳnh Kim Sang, HQ-10.
46. Hạ sĩ nhất Vận chuyển Ngô Sáu, HQ-10.
47. Trung sĩ Cơ khí Nguyễn Tấn Sĩ, HQ-10.
48. Thủy thủ Trọng pháo Thi Văn Sinh, HQ-10.
49. Trung sĩ Vận chuyển Ngô Tấn Sơn, HQ-10.
50. Hạ sĩ nhất Vận chuyển Lê Văn Tây, HQ-10
51. Hải quân Trung tá - Hạm trưởng Ngụy Văn Thà, HQ-10.
52. Hải quân Đại úy Hàng hải Huỳnh Duy Thạch, HQ-10.
53. Hạ sĩ Trọng pháo Nguyễn Văn Thân, HQ-10.
54. Thủy thủ Điện tử … Thanh, HQ-10.
55. Hải quân Trung úy Ngô Chí Thành, HQ-10.
56. Hạ sĩ Phòng tai Trần Văn Thêm, HQ-10.
57. Hạ sĩ Phòng tai Phan Văn Thép, HQ-10.
58. Hạ sĩ nhất Vận chuyển Lương Thanh Thú, HQ-10.
59. Thượng sĩ Điện tử … Thọ, HQ-10.
60. Thủy thủ nhất Vô tuyến Phạm Văn Thu, HQ-10.
61. Thủy thủ nhất Điện tử Đinh Văn Thục, HQ-10.
62. Trung sĩ Giám lộ Vương Thương, HQ-10.
63. Thủy thủ Nguyễn Văn Tiến, Người nhái.
64. Hải quân Thiếu tá Hạm phó Nguyễn Thành Trí, HQ-10. 65. Trung sĩ Trọng pháo Nguyễn Thành Trọng, HQ-10.
66. Hạ sĩ Vận chuyển Huỳnh Công Trứ, HQ-10.
67. Thượng sĩ Đinh Hữu Từ, Người Nhái.
68. Trung sĩ Quản kho Nguyễn Văn Tuân, HQ-10.
69. Thủy thủ nhất Cơ khí Châu Túy Tuấn, HQ-10.
70. Biệt hải Nguyễn Văn Vượng, HQ-4.
71. Hải quân trung úy Nguyễn Phúc Xá, HQ-10.
72. Trung sĩ Trọng pháo Nguyễn Vĩnh Xuân, HQ-10.
73. Trung sĩ Điện tử Nguyễn Quang Xuân, HQ-10.
74. Trung sĩ Điện khí … Xuân, HQ-16.
Sau đây là danh sách một vài, trong 64 chiến sĩ trong Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu và đã hy sinh trong trận chiến chống giặc Tàu, xâm lược hải đảo Gạc Ma, Trường Sa:
1. Thiếu úy Trần văn Phương (có báo viết Trần Đình Phương), sinh 1965 - Quảng Bình, Sĩ Quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
2. Trung Tá Trần Đức Thông, sinh 1944, Thái Bình, Phó lữ đoàn trưởng 146.
3. Đại úy Vũ Phi Trừ, sinh 1957 - Thanh Hóa, thuyền trưởng HQ-604.
4. Thiếu tá Vũ Huy Lễ, sinh 1946 - Thái Bình, thuyền trưởng HQ-505.
5. Nguyễn Văn Lanh, sinh 1966 - Quảng Bình, chiến sỹ công binh E83 và khoảng 60 chiến sĩ Hải Quân tử trận khác...
Trong trận chiến ở Gạc Ma, Trường Sa đất nước ta đã mất tất cả 64 người con yêu của Tổ Quốc. Họ, cương quyết thà chết chứ không đầu hàng giặc thù xâm lược. Họ thật sự là những anh hùng của dân tộc Việt, xứng đáng là con cháu của vua Lê Thánh Tôn, thà chết chứ không để một tấc đất của tổ tiên ta lọt vào tay giặc thù phương Bắc.
Đặc biệt, khi chết, người chiến binh kiêu hùng Thiếu úy Trần Văn Phương (Trần Đình Phương) vẫn giữ khí tiết oai hùng của người chiến binh Việt Nam.
Sau khi bị địch bắn trọng thương, anh vẫn đứng sừng sững, uy nghi, giữ vững và giương cao ngọn cờ tung bay, như một thiên thần khiến địch quân phải rụng rời, khiếp vía bỏ chạy. Cuối cùng anh từ từ quỵ xuống!
Trong trận Gạc Ma, Trần văn Phương chỉ là một sĩ quan cấp úy, trên anh, còn nhiều sĩ quan khác, như Trung tá Trần Đức Thông, sinh 1944 - Thái Bình,… Anh rất xứng đáng nhận danh hiệu anh hùng đã được chánh quyền Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tuyên dương tinh thần dũng cảm.
Ngoài Trung Tá Trần Đức Thông và Thiếu Úy Trần Văn Phương (Trần Đình Phương), còn có trên 60 chiến binh trong Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bị tử vong.
Đáng tiếc, người viết không tìm ra danh sách tên tuổi của những chiến binh oai hùng đó. Thật đáng buồn!
Tôi, Thái Quốc Mưu, thành thật xin lỗi tất cả các gia đình của những anh hùng mà tôi tạm thời xin được gọi là “những anh hùng vô danh trong trận chiến chống giặc Tàu trên hải đảo Gạc Ma, Trường Sa”.
Tôi viết về những chiến sĩ của trận chiến Hoàng Sa và Trường Sa là để nêu danh những anh hùng dân tộc của Tổ Quốc Việt Nam. Xin những ai khi đọc không hài lòng khi thấy tôi viết trang trọng về những anh hùng Hải Quân trong Quân Đội Nhân Dân cảm thông, là, tôi chỉ viết về những anh hùng dân tộc Việt Nam mà thôi. Xin đừng nghĩ thêm khác hơn.
- Tôi thành kính nguyện cầu hồn thiêng sông núi đưa anh linh tất cả các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và tất cả những chiến binh của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, dũng cảm, hy sinh cho Tổ Quốc thân yêu được sớm về nơi an nghĩ vĩnh hằng.
- Tôi thành tâm nguyện cầu anh linh tất cả các anh sớm gặp nhau nơi góc trời Nam, để cùng nắm tay nhau phù hộ chúng tôi, những người còn sống luôn giữ vững tinh thần chiến đấu dũng cảm với kẻ thù phương Bắc, để đem an bình lại cho non sông đất nước và dân tộc chúng ta!
- Tôi thanh tâm cầu nguyện cho dân tộc, cho đất nước chúng ta, thoát khỏi hiểm họa chiến tranh. Để dân tộc ta luôn được sống trong an bình hoan lạc.
Để tạm kết thúc bài nầy, tôi xin kính gởi đến tất cả những ai làcon dân Đất Việt một dòng tâm huyết:
“Non Sông Tổ Quốc Cao Hơn Hết,
Hãy Đặt Lên Trên Mọi Vấn Đề.”
Mong thay!
Atlanta, Georgia, USA
Nov. 09, 2016
Thái Quốc Mưu
Tài liệu tham khảo có trích đoạn:
- Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung
- Tam Quốc Chí - Chính Sử và Thục Chí của Trần Thọ.
- Tướng soái cổ đại Trung Hoa
- Bách Khoa Tự Điển Toàn Thư
- http://thanhnien.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-chien-hoang-sa/danh-sach-cac-quan-nhan-viet-nam-cong-hoa-hi-sinh-trong-hai-chien-hoang-sa-1974-5837.html.
- Trí Thức Trẻ.