Nov 21, 2024

Truyện dài

Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 7] “Sắc bất ba đào…”
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 01:14:03 AM, May 30, 2017 * Số lần xem: 2408
Hình ảnh
#1


Thiếu úy Ra là người khá bộp chộp.

Hôm tôi xuống Vàm Rầy, mới sáng sớm, thấy “phông màn” còn giăng lung tung ở nhà lồng chợ, bèn hỏi ông ta: “Có gánh cải lương nào về hát á?”

Không trả lời câu tôi hỏi, thiếu úy Ra nói:

-“Cô đào đẹp lắm, còn trẻ măng, giọng không thua chi Lệ Thủy”.

Một lúc, tôi hiểu thêm về “truyền thống hát bội miền Tây Nam Bộ”. Điều mà tôi tưởng là “chết” rồi, tức là “Hát bội giữa rừng” trong “Hương Rừng Cà Mâu” của Sơn Nam đã theo Sơn Nam “đi” rồi, thì nó vẫn còn đấy, chỉ khác một điều là không cần phải quây đăng chung quanh mấy cái xuồng của khán giả để tránh cá sấu như ngày xưa mà thôi. Súng đạn mấy chục năm rồi, cá sấu nào mà còn!

Gánh hát bội di chuyển đến đây bằng ghe, thay vì bằng xe hơi như các gánh cải lương lớn ở Saigon. Chiếc ghe bầu chở đủ: “phông”, màn, đào, kép. Phía sau ghe là nơi sinh hoạt của gia đình ông bầu gánh. Kép và đào phụ chia nhau phần trước.

Gánh hát không đủ sức để ghé hát ở các thành phố lớn như Cần Thơ, Rạch Giá, Long Xuyên. Nó chỉ có thể ghé lại ở các thị trấn hay các xã lỵ nhỏ, khán giả đã ít mà lại nghèo, hát vài ba đêm rồi nổ máy Kohler đi tới một xã khác, sống qua ngày. Gánh “sống giang” mà! (1)

Tôi không rõ những người theo các gánh hát nầy vì sinh kế hay vì cái “nghiệp”. Không đi sâu vào đời sống của họ, khó biết được. Nếu vì cái “nghiệp” mà làm đào kép thì đó cũng là một cái “lạ” trong nhiều cái “lạ” của cuộc đời ô trọc nầy. “Máu truyền thống” của ông tổ Đào Duy Từ khó bỏ đi được!

&

Tôi ngồi uống cà-phê ngay gian đầu tiên dãy nhà bên hông nhà lồng chợ, quên bẵng lời tán thán của thiếu úy Ra về cô đào vừa trẻ vừa đẹp mà thiếu úy Ra ca tụng không hết lời sáng nay. Một lát sau, tôi thấy ông bầu, một người đàn ông đứng tuổi vừa ốm vừa đen từ chiếc ghe hát bội đi lên cùng một cô gái còn trẻ lắm, đáng tuổi con ông ta.

Để tránh cho họ uống cà-phê được tự nhiên – tôi đoán chừng họ vừa thức dậy và cùng nhau đi uống cà-phê – tôi giả quay mặt nhìn ra đường, làm như không thấy họ.

Thiếu úy Ra nói nhỏ bên tôi:

-“Đại úy, cô đào chánh đấy.”

Tôi hỏi (theo ý của thiếu úy Ra nói hồi nãy, vẫn không nhìn lui):

-“Đẹp lắm hả?”

Thiếu úy Ra im lặng, không nói gì.

Tò mò, tôi từ từ quay mặt nhìn lui.

Đó là một “con nhỏ” – còn trẻ như thiếu úy Ra nói – nhưng da đen ngăm ngăm, tóc tai bù xù – có phải mới ngủ dậy chưa kịp chải hay sao – mặc cái bà-ba màu xanh lục đã phai, quần đen nhăn nhúm. Cô ta ngồi gác một chân lên ghế. Khi ấy, có một cô gái khác, bồng tới cho cô ta một em bé đang khóc. Cô ta đưa tay đỡ em bé, rồi kéo vạt áo trước lên cho con bú.

Hình ảnh trông thiệt… nản.

Tôi cười, nói nhỏ với thiếu úy Ra:

-“Trông như con “mọi Miên”; giữa chợ mà còn vạch vú cho con bú nữa chớ!”

Thiếu úy ra vẫn cứ cải chính:

-“Tối hôm qua nó đẹp lắm mà, ai cũng khen, mặt nó trắng bóc.”

Tôi nói đùa:

-“Ông bắt thằng cha bầu gánh, truy tố nó tội “dụ dỗ gái vị thành niên” là vừa.”

Nói như thế là vì theo kinh nghiệm, mấy đứa con gái nhà quê thiệt thà, ham vui, ham làm đào, ham ca hát, dễ bị mấy anh kép, mấy ông bầu gánh dụ dỗ bỏ nhà đi theo là việc thường xảy ra.

Tôi bỏ đi.

&

Vậy mà cả xã xôn xao vì việc con Lý bỏ nhà đi theo gánh cải lương từ Saigon về hát ở Rạch Giá.

Mấy hôm trước, vì công việc, tôi ra Rạch Giá. Buổi chiều, tôi với cả “bọn” làm việc ở Bộ Chỉ Huy Tỉnh, rủ nhau ăn nhậu ở nhà hàng Thanh Thúy. Đây là “khổ nạn” của tôi. Tôi đang làm “xếp pô-lít” trên khu vực đường buôn lậu từ Hà Tiên đi Rạch Giá, Saigon, nên “anh” nào cũng nghĩ cái ghế tôi ngồi là ngon ăn, khi nào về Rạch Giá cả “bọn” bắt tôi đãi một chầu.

Sau vụ bắt hơn hai ký lô bạch phiến, tôi có tiền thưởng và một “chiến công bội tinh”, nhưng cấp trên mới đề nghị chứ tiền đã có đâu, vậy mà cả “bọn” làm như tôi cất tiền đầy túi trước lẫn túi sau không bằng. Có người còn vạch bóp tôi, moi cho hết tiền chẳn, tiền lẻ trong đó mà lấy, khiến nhiều khi tôi phải dấu tiền trong bít tất mới có đủ tiền trả cho nhà hàng.

Hôm đó, ăn nhậu xong, mấy chả còn yêu cầu đi coi cải lương – Gánh hát gì đó, tôi không để ý tên gì, có kép chánh là Thành Được.

Hôm sau, tôi về; được mấy bữa thì nghe tin con Lý bỏ nhà theo gánh hát rồi. Dân trong xã thắc mắc, không rõ con Lý mê hát, mê làm đào cải lương hay mê anh kép nào.

Mê gì thì nó cũng đã đi rồi!

Người ta nói con Lý đẹp không thua gì Thẩm Thúy Hằng. Và người ta cũng tự hào về việc xứ của họ có đứa con gái đẹp như thế.

Nghĩ cũng phải. Cha nó là một ông Tây lai, ổng có mẹ Việt. Mẹ nó là một cô “đầu gà đít vịt”, tức là Miên lai Tầu, cũng nức danh một thời trước khi về làm vợ ông Tay lai đẹp trai.

Từ những cái đẹp về cha mẹ như thế, cấu tạo nên một con Lý không thể xấu xí được. Có thể nó thông minh nữa đấy. Hình như tôi có đọc môt cuốn sách hay bài báo nào đó, nói rằng những người có “dòng máu quốc tế” thường là những người thông minh, không cần phải trai hay gái.

Tôi từng gặp con Lý một hai lần trước khi nó bỏ nhà đi. Cũng như mọi người, thấy con Lý đẹp, và tôi cũng đã ghẹo nó vài câu cho vui, như mọi người thấy gái đẹp vậy thôi.

Nhớ hôm tôi uống cà-phê với thiếu úy Ra ở quán cà-phê chúng tôi thường ngồi thì con Lý đi ra quán mua cái gì đó. Thấy nó, thiếu úy Ra gọi: “Lý”.

Nó đi tới, hỏi, rất lễ phép:

-“Thiếu úy kêu em.”

Thiếu úy Ra nói:

-“Em ngồi uống cà-phê. Ông đại úy mới về làm việc ở đây.” Nói xong, thiếu úy Ra đưa tay chỉ tôi.

Tôi nói:

-“Em có gì vội không, ngồi uống cà-phê rồi về.”

Cô ta ngồi xuống ghế bên cạnh thiếu úy Ra, nhưng từ chối, không chịu uống gì cả, mặc dù thiếu úy Ra hỏi đi, mời lại mấy lần.

Bấy giờ tôi nhìn kỹ cô ta hơn, và… ngạc nhiên. Tại sao ở nhà quê lại có người đẹp như thế nầy nhỉ? Đẹp quá chừng, có thể ngang với… vợ tôi. Vợ tôi cũng sinh trưởng ở nhà quê, nhưng làng cô ấy kế cận tỉnh lỵ, nên không khác dân thành phố chút nào. Còn như con Lý nầy, sinh ra lớn lên ở một xã mà từ đây ra tới thị xã Rạch Giá cũng phải mất nửa ngày đường.

Tôi bỗng nhớ tới nhà văn Đình Ngân, giáo sư Việt Văn của tôi khi tôi học lớp đệ lục với ông. Có lần ông nói với bọn học sinh chúng tôi: “Nên lấy vợ nhà quê, thiệt thà hơn dân thành phố.” Và ông ta cưới môt cô ở quê ông làm vợ thật. Cưới xong, ông phải dạy cho vợ đánh vần quốc ngữ a, b, c… như “cô Tú huyện Thanh Vân”, trong bài hát “Cô Tú” của Nguyễn Long Châu vậy.

Tôi đã có vợ, con. Tôi không nghĩ lung tung, nhưng vì con Lý đẹp thật nên hôm đó tôi nói đùa, bằng cái giọng Huế của tôi:

-“Tháng năm rồi, qua mùa hạ rồi, mà hoa còn nở đẹp quá hỉ?”

-“Hoa nào đâu!” thiếu úy Ra thật thà hỏi.

Tôi cười:

-“Hoa Lý đó!”

Hai người ấy cùng cười. Tôi nói:

-“Hoa Lý đẹp thiệt! Lý à!”

Cô ta cười:

-“Đại úy đừng khen, em mắc cở.”

Tôi lại đùa:

-“Mắc cở nhưng mà ưa khen.”

Rồi tôi hát nho nhỏ, bằng giọng Nam: “Ban ngày thì mắc cở, tối ở quên “dìa.”

Hai người kia nghe hát, đều cười vui.

Từ hồi đi lính, bỏ cái vỏ thầy giáo, mặc áo “trây-di”, tôi thường có cách ghẹo gái như vậy. Cô nào ghét tôi mới là chuyện lạ.

Thiếu úy Ra nói:

-“Ông thầy có cách chọc gái hay thiệt. Cô ta nhìn ông hoài kìa.”

Tôi lại đùa bằng cái giọng Huế:

-“Nhìn mô?”

Rồi tôi vui vui giảng giải:

-“Có nhiều cách chọc gái. Một là theo cách “ba trợn”, nghĩa là chọc cho nó ghét mình, nguýt háy mình, nhưng mà “dính” đấy. “Ghét của nào trời trao của ấy” mà. Cách thứ hai là “Anh chẳng nói…” là mình liếc chừng đối tượng mà không nói gì nhiều. Lâu lâu thả vài câu nhẹ nhàng mà hay ho, chí lí. Cách đó, người Huế gọi là “Thả giọng trầm nhiều nỗi mê man”, mê man là yêu say đắm đấy…”

Xong, tôi ngồi im, nhắp một ngụm cà-phê.

Một lúc, tuồng như đang chờ mà thấy tôi không nói gì, con Lý nôn nóng hỏi:

-“Còn cách thứ ba đại úy?”

-“Cách thứ ba là do trời sinh; là người con trai phải có tài gì đó: hát hay, ca cải lương ngọt…”

-“Còn một cách nữa?” Con Lý lại nôn nóng hỏi.

-“Ấy là cách thứ tư; nhưng người ta không luyện tập được. Đó là tính vui, tính khôi hài. Mình nói ra môt câu ai nấy đều cười… Làm cho người ta vui cũng là một cách “cua” gái.”

Con Lý nói:

-“Cả bốn cách đó, đối với em đều không có hiệu quả.”

-“Tôi quên nói với cô một điều: danh vọng, lon lá, tiền bạc. Đó không phải là tình yêu. Tình yêu không so đo, không tính hơn thiệt. “Cho rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu!” mà tình yêu con mẹ gì.”

Cả ba chúng tôi đều ngồi im, sau tiếng chưởi thề của tôi.

Một lúc, con Lý nói:

-“Mai mốt mà đại úy mở trường dạy “cua”, chắc tụi thanh niên theo học đông lắm.”

-“Cô nói đúng đấy, mai mốt hòa bình, bỏ đời lính, tôi đâu có sợ thất nghiệp. Tôi về mở trường dạy… “cua” gái!”

Chúng tôi lại cười.

Mấy hôm sau, khi tôi đang ở Vàm Rầy thì gặp con Lý mang hai giỏ hàng cá lóc khô. Nó tính đem ra chợ Rạch Giá bán cho được giá, vừa ra tới đường một lúc thì có chiếc xe hàng từ hướng Hà Tiên chạy tới. Tôi nói với con Lý: “Đi theo tôi.”

Tôi ra đứng bên cạnh chiếc xe vừa ngừng lại, ngang cửa sổ tài xế, nói với ông ta:

-“Cho tôi gởi cô nầy đi Rạch Giá.”

Tôi không biết ông tài xế nghĩ gì, nhưng ông vội vàng biểu anh “lơ xe” xách hai gói hàng lên xe cho cô ta, đồng thời, ông chọn một chỗ ngồi tốt bên cạnh ông. Khi con Lý lên xe, ông vồn vã nói: “Cô ngồi đây.” Con Lý đã đẹp, lại thấy tôi đích thân gởi cô ta cho tài xế, hành khách nhìn nó có vẻ tò mò.

Sau đó, gặp tôi, con Lý cám ơn: “Bữa đó em đã khỏi trả tiền xe, mà còn được chú tài xế sai “lơ xe” xách hàng cho. Đã thiệt. Em mà đã vậy, huống gì “bà Trưởng”, sướng quá héng.”

Dân chúng địa phương thường gọi tôi là “ông Trưởng”, vợ tôi là “bà Trưởng”.

&

Con Lý bỏ nhà đi được hơn nửa năm thì nó lại về. Bây giờ thì nó “huy hoàng” lắm.

Nó về bằng xe taxi, cùng với một vali quần áo cho ba mẹ nó. Hôm sau, ba mẹ thay áo quần mới đẹp đẽ, giày vớ đàng hoàng, lại có chiếc xe lăn cho ba nó – ông bị cụt chân phải trong chiến tranh, thời ông theo “Nam bộ Kháng chiến”. Nó dìu mẹ nó, tài xế taxi thì đẩy xe lăn cho cha nó. Nó dời gia đình đi Saigon, bỏ lại xứ Vàm Rầy quê mùa, nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả trường học, trạm y tế, nơi mà nó sinh ra ở đấy, trải qua một thời thơ ấu, một thời niên thiếu với nhiều nỗi đắng cay. Người ta ai cũng mừng cho nó, cho cha mẹ nó.

Có điều tiếc, đẹp như thế, muốn thoát ra khỏi cảnh cơ cực ở xứ sở bùn lầy nước đọng nầy, nó phải làm vợ bé một ông Tầu già giàu có ở Chợ Lớn.

Nó cùng cha mẹ đi thăm từng nhà, từ nhà nầy qua nhà khác, chúc phúc cho nhau…

Khi nó lên xe, nhiều người ra tận xe tiễn gia đình nó đi. Xe rú ga chạy, để lại phía sau một đám bụi mù…

Hôm sau, khi về Vàm Rầy, nghe tin nó đi rồi, tôi cũng… bâng khuâng.

&

Tôi vẫn thường xuống Vàm Rầy vì công việc. Trong phạm vi trách nhiệm của tôi có 9 xã, xã Vàm Rầy, tức Đức Phương là xã tương đối phức tạp nhất, dĩ nhiên là về an ninh, so với các xã khác như Tín Đạo, xã của “Ba đời Cộng Sản” như tôi nói đùa nhưng đúng với thực tế, xã An Hòa của núi Trầu, xã Dương Hòa, tên nôm na là Ba Hòn, là con đường xâm nhập của Việt Cộng từ Phú Quốc vào, hay xã Bình Trị, nơi có núi Hòn Chông, là căn cứ chống Pháp của Nguyễn Trung Trực hồi thế kỷ 19… Có dịp tôi sẽ nói rõ thêm về sau.

Mấy đứa con gái trong xóm Vàm Rầy lần hồi bỏ xứ đi hết. Con Hòa lên Saigon, có thể theo chân chị nó mà đi Mỹ, con sáu Lánh bỏ vào bưng theo Việt Cộng để trả mối hận bị con tư Sậm hiếp dâm mà không kêu ca vào đâu được. Con Lý, đẹp nhất xứ, cũng đã lên Saigon, lấy một chú Ba Tầu già nào đó, giàu sụ, để thoát khỏi cuộc đời nghèo khó ở xứ nầy.

Tôi thường cùng thiếu úy Kiệt, thiếu úy Chiếu, xã trưởng Ngô Văn Àn và trưởng ấp Đực theo dõi các “đối tượng” giao liên, để biết tin tức Việt Cộng ở trong bưng và “giải hóa hạ tầng cơ sở Cộng Sản” – danh từ Phượng Hoàng – Tụi cán bộ kinh tài thu thuế các xe máy cày, những người làm ruộng, đánh cá ở trong rừng sâu. Quan trọng nhất vẫn là việc quân Cộng Sản di chuyển trên đường giây 1C. “Bộ đội” Cộng Sản từ phía Bắc vào Kampuchia, rồi theo con đường nầy qua mật khu Trà Tiên để về Chương Thiện. Mặc dù Hiệp định Paris đã ký kết, nhưng quân Cộng Sản di chuyển trên con đường giao liên nầy ngày càng đông, càng nhiều, chứng tỏ Cộng Sản không từ bỏ mưu đồ đánh chiếm toàn cõi Miền Nam Việt Nam.

Mặc dù tướng Nam, tư lệnh Quân khu IV, ra lệnh phải gắt gao ngăn chận Việt Cộng “vượt tuyến” ở Cây Số 15, khiến nhiều khi quân Việt Cộng phải khựng lại trong rừng tràm; nhưng rồi chúng vẫn cứ tiến quân, cố sống cố chết vượt qua cái núi thắt họng ở cây số 15. Trong rừng tràm, chúng xuất hiện, rồi di chuyển mất dạng. Chúng tôi vẫn theo dõi chúng, báo cho phía quân sự  để họ có biện pháp giải trừ bằng những đơn vị lớn.

&

Khoảng gần một năm sau, con Lý lại về Vàm Rầy: Ba nó vừa qua đời ở Saigon. Theo lời dặn của ba nó, nó thiêu cốt “ông già”, đem về gởi ở chùa làng. Đợi khi mẹ qua đời nốt, cũng thiêu xác rồi đem tro cốt của cha mẹ, chôn ở nghĩa địa của làng, nơi phần mộ của thằng Chói mà con Hòa đã đem về chôn ở đấy.

Vậy là nghĩa trang càng ngày càng dày… Mai đây còn ai nữa không?

Nó nhắn với thiếu úy Chiếu rằng nó muốn gặp tôi.

Tôi nói với thiếu úy Chiếu, ngày mai tôi đi họp ở tỉnh. Tôi sẽ gặp nó khi đi ngang Vàm Rầy.

Con Lý ngồi chờ tôi trong quá cà-phê kế nhà lồng chợ, thấy xe tôi từ xa tới, nó chạy ra. Tôi lái xe, thấy nó, dừng xe lại. Nó hỏi:

-“Đại ca” đi Rạch-Giá?”

Tôi cười:

-“Dân Saigon có khác, cô phong cho tôi chức “đại ca” hồi nào dzậy?”

-“Có khi em thấy người ta gọi đại úy là “đại bàng” nên em nói chơi! Được không?” Nó vừa nói vừa cười.

-“Gì cũng được. Tôi vẫn là tôi. Khi nào đi hành quân, qua máy truyền tin, binh sĩ mới gọi tôi là “đại bàng” để ngụy danh.” Tôi giải thích.

-“Việt Cộng không dễ lừa đâu!” Cô ta lại nói.

Tôi hỏi:

-“Bữa ni gặp tôi có chuyện chi không?”

Con Lý trả lời, rất tự nhiên:

-“Em muốn đi Rạch Giá với đại úy.”

Tôi không trả lời, tính toán. Một lúc tôi nói:

-“Tôi đón cô ở đây không tiện đâu. Cô đi bộ qua bên kia cầu, chút xíu nữa, tôi qua đó, cùng đi.”

Nghe tôi nói xong, con Lý vội vàng cầm xách tay đi qua cầu. Nhìn nó, tôi có vài suy nghĩ: Áo dài màu hoàng yến, quần trắng ống rộng, giày cao gót, che dù, cũng màu vàng. Những nét quê mùa của cô gái nghèo cách nay hơn một năm đã biến mất trên con người cô ta. Tôi cũng thấy bâng khuâng, nên vui cho cô ta thoát đời nghèo khổ, hay buồn vì những gì thay đổi trên con người cô? Còn tâm hồn thì sao? Đó mới là điều quan trọng. Và tôi thấy xót xa cho những đứa con gái ở chốn quê mùa… Bao giờ thì “ánh sáng văn minh” mới chiếu rọi tới xóm quê mùa nầy, như điều mơ ước của Hoàng Đạo trong “Con Đường Sáng”, cuốn truyện viết ra gần năm mươi năm nay. Năm mươi năm qua rồi, nước Việt Nam cũng vẫn vậy hay nghèo khỏ hơn? Tôi lại nhớ tới một đoạn văn trong “Xóm Giếng ngày xưa” của Tô Hoài mà nhà văn Đình Ngân dạy tôi khi tôi học lớp đệ lục với ông, ở Quảng Trị: “Ngoài kia, qua một lớp vườn hoang là cánh đồng bao la. Buổi chiều, trẻ con thả diều; người lớn thong thả dạo mát. Cuộc đời êm đềm không một chút đổi thay như trong tranh vẽ.”

Tôi không ưa cái gì “không một chút đổi thay”. Nhân loại văn minh, đang đi tới. Người Việt Nam cũng phải đi tới. Cũng phải có điện, có xe cộ, có máy cày, có tiện nghi, có áo quần đẹp… không thì đất nước chúng ta sẽ trở lui với thời kỳ… đồ đá.

&

Tôi vẫn cầm lái xe của tôi. Con Lý ngồi ghế bên cạnh. Cũng trên ghế đó, trung sĩ Thành ngồi ké phía ngoài, tay vẫn lăm cây súng M-18. Trong suốt đoạn đường dài khoảng năm mươi cây số nầy, Việt Cộng có thể xuất hiện bất thần, nhất là ở những đoạn vắng, hai bên chỉ có lùm bụi um tùm.

Nghĩ tới cuộc chiến tranh nầy, tôi vừa thấy buồn cười vừa thấy vô lý. Tuy “họ” ở trong rừng sâu – như tôi từng nói với ông phó quận – “bọn nó luôn luôn tìm cách giết mình; mình cũng chực, chờ diệt cho được tụi nó”. Để làm gì? Để “nhân danh” cái gì? Để bảo vệ cái gì? Để bảo vệ nhân dân, nhưng rõ ràng ở đây, ở cái xóm Vàm Rầy nầy, dân chúng chỉ là nạn nhân: “nạn nhân chiến tranh”, “nạn nhân chiến cuộc”, “nạn nhân Cộng Sản”, nạn nhân của cả hai bên mà người dân không kêu cứu vào đâu được. Ai, bên nào, còn chút lòng thương người, thương đồng loại thì người dân được nhờ. Còn không thì họ đành cắn răng chịu đựng. Có một điều rất rõ, lòng thương người chỉ có ở những người có học, có văn hóa, có truyền thống dân tộc; còn những người được dạy lòng hận thù: hận thù giai cấp, hận thù giàu nghèo, hận thù vì hận thù thì ở họ không có chút lòng thương người. Người dân quê chỉ cúi đầu gánh chịu sự đàn áp, đày đọa, giết chóc, bóc lột…

&

Tôi và con Lý vui vẻ chuyện trò. Nghĩ tới chuyện nó lấy ông chồng Ba Tầu già, tôi hỏi đùa:

-“Nói thiệt nghe! Tui có những mấy ông thiếu úy trẻ tuổi đẹp trai, nhắm bộ không có ông nào lọt vào mắt xanh của em hay sao mà em lên Saigon “dzớt” một chú Ba Tầu?”

Con Lý cười:

-“Sao lại không? Đại úy thử điểm mặt từng ông đi rồi em nói cho nghe.”

Tôi nói:

“Chín ông thì sáu ông có vợ con rồi, còn ba ông chưa vợ, em nghĩ sao?”

-“Ông nào?” Con Lý hỏi.

-“Thiếu úy Nhâm, xã Bình Trị.” Tôi nói tới ông thứ nhất.

Con Lý cười:

-“Ông nầy chơi bời lắm. Con gái sợ mấy ông nầy. Ham chơi, bỏ vợ con.” Con Lý bình phẩm.

-“Không phải vậy đâu. Ông nầy tu xuất, tu tới thầy ba thầy tư gì đó mới xuất khỏi nhà dòng, đi lính. Bất quá ông gỡ gạc chút ít, cho bù với mấy năm “túng bấn” trong nhà tu thôi à. Xong rồi, ông lại hiền từ. Ông ấy ngoan lắm, tui rầy hoài, chỉ cười.” Tôi giải thích.

Rồi tôi hỏi tiếp:

-“Thiếu úy Sơn, xã An Hòa? Ông nầy đẹp trai nhất!”

-“Cao ráo, sáng sủa, miệng hay cười dễ thương, nhưng mà…” Con Lý nhận xét.

Tôi cướp lời:

-“Nhưng mà sao?”

-“Ông nầy không có trái tim, không có chiều sâu, khi nào cũng khơi khơi…” Con Lý phê bình thiếu úy Sơn.

-“Em nói đúng đấy. Vì nó khơi khơi mà trung sĩ Lê Bình Thạnh bỏ mạng. Đau lắm. Không phải là Sở Khanh, nhưng nó coi đời “như con bướm lượn vành mà chơi.” Hôm ra mắt đảng Dân Chủ ở Rạch Giá, cả chục con gái đi theo nó ra ngoài đó, tui cự cho một trận… Còn thiếu úy Huệ.” Tôi hỏi.

-“Thiếu úy Huệ là số một, hơi lùn nhưng tướng ngon lành, trầm tĩnh, điềm đạm, ôn hòa, thương người…” con Lý nói.

-“Tui cứ nghĩ tương lai nó sáng lạn lắm, ai ngờ chết trẻ.” Tôi tỏ ý thương tiếc.

-“Đại úy biết không! Em khóc mấy đêm vì cái chết của thiếu úy Huệ đó. Sau nầy, em quyết định bỏ xứ mà đi là vì cái chết của anh ấy!” Con Lý nói.

-“Em yêu anh ta nhiều dzậy?” Tôi hỏi.

-“Đã có gì đâu. Con gái ở xứ quê mùa như em, dù đẹp dù xấu, gặp một người như thiếu úy Huệ là lý tưởng. Em biết gia đình con Liêu Tú Oanh ở Kiên Lương cũng muốn chọn anh ấy cho con gái, nhưng em tin em giành được. Hôm đem xác ông từ trong Cuộc ra, đưa lên xe, em nghĩ thế là hết. Ở cái xứ Vzàm Rầy nầy, không bao giờ xuất hiện một người thứ hai như anh Huệ. Xong rồi, em quyết định đi. Tuổi trẻ như thế là xong; bây giờ nghĩ tới cha mẹ thôi, không nghĩ tới mình nữa. Đó là lý do em lấy chồng Tầu giàu có. Đem cái sắc đẹp của mình mà đổi một đời ấm no cho cha mẹ.”

Tôi làm thinh, nhìn thẳng con đường trước mặt, lặng lẽ cho xe chạy, nghĩ tới lời nói của cô gái, thấy buồn!

Một lúc sau, con Lý nói:

-“Đại úy biết ba em nói gì không?”

-“Nói gì? Nói về tui?” Tôi hỏi.

-“Nói chung, không riêng gì đại úy.” Con Lý nói.

-“Ba em nói sao?” Tôi hỏi.

-“Ba em nói mấy ông nầy chống Việt Cộng mà không tìm hiểu gì về Việt Cọng hết?”

-“Chết rồi.” Tôi nói. “Sao ba em lại nói thế?”

-“Ba em nói là ba em biết hết mấy người ở trong bưng, biết rất rõ, mà chẳng ai hỏi ông một tiếng.”

Tôi trầm ngâm. Trong “Hồ sơ trận liệt” tôi có đủ tên tuổi chức vụ, hoạt động của từng cán bộ Việt Cộng trong bưng. Sao ông ta lại nói thế.

Một lúc, tôi hỏi:

-“Ba em biết gì về Ba Vốn, tự Lèo không?”

-“Sao không! Em cũng biết huống gì ba em. Ông nầy xưa đi lính Bảo An, bị thương, về làm kinh tài xã cho Quốc Gia. Cờ bạc thâm tiền xã, trốn vô bưng, theo trỏng.” Con Lý nói.

-“Tôi cũng biết như vậy. Chắc ba em biết rõ hơn?” Tôi hỏi.

-“Ba em là cấp chỉ huy cũ của họ mà, biết cá tính, thói quen từng người. Ba em nói phải biết như vậy mới chống họ được. Theo thói quen họ mà tìm họ.” Con Lý nói.

-“Phải đó em.” Ba em nói đúng.

-“Ba em nói không biết mùa thì làm sao mà đánh giặc.” Con Lý nói.

-“Biết mùa là sao?” Tôi hỏi.

-“Là “giặc mùa” đó. “Mùa cày” là mấy chả đi thu thuế máy cày. “Mùa lúa”, mấy chả thu thuế nông nghiệp. Biết họ đi thu thuế thì theo họ đó mà đánh. Chắc ăn trăm phần trăm.”

Tôi nhớ hôm tôi gặp “phối trí viên” ở bộ Chỉ Huy Tỉnh. Nói chuyện với y, tôi thấy rõ ràng người Mỹ không rành về Việt Cộng như mình. Người Việt hiểu người Việt hơn. Nhưng Mỹ làm việc khoa học hơn. Họ thiết lập “phóng đồ” về hoạt động một “đối tượng” nào đó, vẽ lên “phóng đồ” sự xuất hiện liên tục của “đối tượng”. Nhờ đó, có thể đoán biết ý đồ của “đối tượng” để lập kế hoạch phục kích. Tôi học cách làm đó mà phát hiện hoạt động của Tư Ngọc, cán bộ kinh tài xã, Trần Chí Tài, phó bí thư kiêm kinh tài huyện Hà Tiên. Từ những tin tức đó, các lực lượng đặc biệt địa phương “giải hóa” được hai đối tượng nầy.

Tôi cũng nhớ hôm trung tá Đ. H. Dung, thuộc “Ủy ban Phụng Hoàng” Quân Khu đến thanh tra tôi. Ông gọi tôi đón ông ở Tri Tôn, ranh giới địa đầu của quận tôi. Khi ông mới dừng xe, tôi đứng sát xe đưa tay chào ông. Cứ ngồi trên xe Jeep, ông hỏi: “Chỉ tiêu giải hóa hạ tầng cơ sở” của anh quí nầy là ai?” Nhờ làm việc theo cách khoa học của người Mỹ, tôi nhớ hết tên và hoạt động của từng cán bộ Việt Cộng địa phương. Kể xong tên từng đối tượng và hoạt động của chúng, tôi “kéo” ông ta vào phòng hành quân, chỉ trên bản đồ những vị trí đối tượng xuất hiện và trình bày kế hoạch giải hóa. Vừa nói xong, mới hơn nửa tiếng, ông vỗ vai tôi, cười bắt tay tôi rồi khen, trước khi lên xe ra về: “Được lắm! Được lắm. Biết hết như vậy là tốt lắm. Chúc anh có kết quả.”

Bây giờ, trước câu nói của con Lý, tôi lại chưng hửng. Tôi nói:

-“Ba em rành họ dữ vậy.”

-“Anh không biết ba em với “Chú Út” theo Việt Minh từ thời “Nam Bộ Kháng Chiến” à?” Con Lý nói.

-“Tui không biết thiệt đấy! Biết thì hôm tìm mộ “Chú Út”, tui đi tìm ba em rồi.” Tôi thành thật nói.

-“Hồi đó, ba em với Chú Út theo kháng chiến. Chú Út tử trận, ít lâu sau ba em bị thương, mất một chân, ba em bỏ kháng chiến. Không bỏ thì họ cũng loại thôi anh à. Ba em nói vậy.”

-“Sao vậy?” Tôi hỏi.

-“Tây lai, mà lại có học, con chủ điền. Ai người ta cho theo.”

Tôi lại im lặng.

-“Ba em còn mơ kháng chiến lắm. Về ở ngoài kinh nầy, có vợ, nhưng lòng ông thì hướng về những ngày đánh Tây nên ông buồn lắm. Tàn tật, tài sản mất hết, ông sống nhờ mẹ em, qua ngày. Em thương ông lắm.” Con Lý tâm sự chuyện nhà.

-“Hồi trẻ ông có đi học?” Tôi hỏi.

-“Ông học ở Saigon với Chú Út. Chiến tranh xảy ra, hai ông rủ nhau về quê, tham gia kháng chiến.” Con Lý nói.

Một lúc, nó hỏi:

-“Anh có nghĩ là em thuộc thơ không?”

-“Thơ gì?” Tôi hỏi.

Không trả lời tôi, con Lý đọc:

“Áo chàng đỏ tựa ráng pha,

                        Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”

Tôi nói to, ngạc nhiên: “Chinh Phụ Ngâm”. Ai dạy em?”

-“Ba em chớ ai! Ổng kể hồi ở Saigon, ông học với ông Kỳ, em không biết họ ông thầy nầy. Ông kể ông thầy dạy hay lắm. Vào lớp, ông đọc một hơi hết câu thơ nầy tiếp câu thơ khác. Khi nào có câu khó, ông thầy mới dừng lại giảng. Học trò mê lắm.” Con Lý kể chuyện ba nó.

-“Em có mê không?” Tôi hỏi.

-“Sao không? Mùa hè, ông treo võng nằm đầu hè. Buổi chiều, ông đong đưa cái võng, đọc thơ, nhiều bài hay lắm.”

Quả thật tôi có định kiến với cái xứ quê mùa, đâu có thể có những người như thế nầy. Trong “Tình báo Nhân dân”, vai trò những người nầy là quan trọng lắm mà tôi không biết. Những người phe Quốc Gia không khai thác, không xử dụng.

&

Ra tới Rạch Giá, khi tôi dừng xe lại trước Bộ Chỉ Huy Tỉnh, con Lý nghiêng về phía tôi, nói nhỏ vào tai:

“Mai em mới đi Saigon, tối nay, đại úy ở lại với em.”

Giao tay lái cho tài xế Thành, tôi nói:

-“Anh đưa cô Lý tới khách sạn Tân Hòa, lấy một phòng cho cô ấy. Bốn giờ, tới đây đón tôi.” Xong, tôi đi vào trong.

Chiều hôm đó, tôi trốn mấy người bạn, về đưa con Lý đi ăn tiệm. Xong, về lại khách sạn.

Tôi và con Lý nằm với nhau trên giường. Lấy tay chống đầu cho cao lên, tôi nhìn vào mặt con Lý, nói:

-“Em đẹp thiệt. Không ngờ ở Vàm Rầy có cô con gái đẹp như vầy!”

-“Thật không?” Con Lý hỏi lại.

-“Cả xã ai không nghĩ vậy. Bộ anh xạo sao?” Tôi cố cãi.

-“Anh là ghê lắm. Anh nói ai cũng nghe. Sợ anh luôn.” Con Lý nhận xét về tôi.

-“Tính anh hay đùa. Thường thì anh ưa nói cho người ta vui thôi. Thành ra, nhiều người ưa. Phải không?” Tôi nói.

-“Đó là cái nguy hiểm cho anh. Anh biết không?” Con Lý nói.

-“Anh không hiểu!” Tôi trả lời.

-“Người ta” ở trong bưng, người ta sợ người nào được cảm tình của dân. Nguy hiểm cho họ. Cỡ như thiếu úy Ra, không ai ưa, thành ra họ không sợ. Ba em nhận xét như vậy đấy!” Con Lý giải thích.

Tôi nằm im. Không vui! Đây cũng là một mặt nào đó trong “tình báo nhân dân” của cuộc chiến tranh vô lý nầy. Người miền Nam thì “chiến đấu bảo vệ tự do”. Cũng là một cách nói, lại là một sự thật. Trong khi điều người dân quê mong muốn là được yên ổn làm ăn. Họ biết gì về tự do hay không tự do, miễn sao chính quyền đừng làm khó dễ họ trong việc sinh sống hàng ngày, và bom đạn đừng xảy ra trong xứ sở của họ. Cái họ muốn là no ấm. Và ngay cả những người dân ở địa phương nầy trốn vào trong bưng cũng chẳng có lý tưởng gì cả. Họ cũng muốn được bình yên làm ăn. Rồi vì một duyên cớ nào đó, họ phải trốn vào trong kia.

Nghĩ tới đó, tôi hỏi con Lý:

-“Mấy lâu nay em có nghe tin gì sáu Lánh không?”

-“Cũng nghe mấy người đi “làm đồng” kể lại thôi. Vào trỏng thì họ gặp nó. Nó cũng hiền mà anh.” Con Lý trả lời.

-“Anh vẫn oán thằng cha dự thẩm. Thằng chả ham tiền mà vô tình đẩy người ta theo Việt Cộng. Anh thường nghĩ, nếu không có vụ con tư Sậm làm bậy nó mà nó bị oan ức, chắc nó không vô trỏng đâu. Phải không?” Tôi nói.

-“Thôi chuyện qua rồi anh, chuyện xứ em, nhức đầu lắm. Nói chuyện khác đi.” Con Lý đề nghị.

Tôi đưa mắt nhìn nó. Nó mặc cái áo ngủ mỏng, thân hình lồ lộ. Tôi đưa một bàn tay thoa lên bụng nó, hát đùa:

“Bây giờ, mấy tháng rồi hỡi em…”

-“Em không có con với ông ba Tầu đâu. Em mà có con trai giống ổng chắc em nản lắm. Giống anh thì được.”

-“Giống anh?” Tôi cười. “Giống anh là chết anh đó.” Tôi cười nói.

-“Em đẻ thì em nuôi. Không bắt vạ anh đâu. Đừng lo. Nhưng mà anh biết không…” Con Lý bỏ lửng câu nói.

-“Biết cái gì?” Tôi hỏi.

-“Người ta yêu nhau mà lấy được nhau thì hạnh phúc phải không?” Con Lý hỏi.

-“Cũng có thể, như anh với cô ấy chẳng hạn.” Tôi trả lời.

-“Vợ anh?”

-“Chớ ai vô đây. Anh với cô ấy yêu nhau ba năm mới làm đám cưới. Sống với nhau mười mấy năm nay. Hồi còn đi dạy, lương thầy giáo không dư giả gì, vợ chồng cũng êm ấm. Khi anh đi lính, khi đơn vị nầy, khi đổi nơi khác. Nơi nào cô ấy cũng đem con đi theo, vừa lo cho chồng, vừa lo cho con. Chưa bao giơ anh thấy cái gì không vừa lòng.”

-“Ba năm mới cưới? Sao lâu dzậy?” Con Lý hỏi.

-“Nhà nghèo mà em. Ba anh đi kháng chiến, rồi chết trên chiến khu. Anh lớn lên, mồ côi cha, học hành xong, phải lo các em ăn học. Xong rồi, mới cưới vợ. Người Trung mà em.” Tôi trình bày hoàn cảnh tôi.

-“Người Nam không dzậy đâu anh.” Con Lý nhận xét.

-“Đời sống trong Nam khác em à!” Tôi nói.

Một lúc, tôi nói tiếp:

-“Trong đời sống vợ chồng, người Nam họ cũng trọng cái nghĩa hơn tiền tài.”

-“Em không hiểu!” Con Lý nói.

Tôi đọc câu ca dao Nam Bộ:

“Một mai thiếp có xa chàng,

                        Đôi bông thiếp trả, con chằng thiếp xin.”

Người ta cần đứa con.” Tôi nói tiếp.

-“Em cũng vậy. Nếu có con với anh, anh đừng hòng bắt con em.”

Một chốc, tôi nói:

-“Em cũng lãng mạn dữ!”

-“Em ưa cải lương! Bộ anh nghĩ cải lương không lãng mạn à?” Con Lý nói.

-“Về phong cách, cải lương giống hát bội, nhưng tuồng tích, nhất là tuồng mới, mấy ông soạn giả bây giờ vừa có cái lãng mạn của văn chương hiện đại, vừa có cái đạo lý của tuồng tích hát bội cũ, nhưng “xuống xề” thì anh mê lắm.” Nói xong, tôi cười.

Bỗng con Lý hỏi tôi:

-“Anh biết trong các bài hát bây giờ, bài nào lãng mạn nhứt không?”

-“Chịu.” Tôi trả lời.

-“Em thích bài “Mùa thu cho em” lắm.” Rồi con Lý hát nho nhỏ:

“Em có nghe mùa thu cho ai nức nở…”

            -“Tiếp đi, bác tài!” Tôi nói đùa.

“Nắng úa, dệt mi em…”

Khi nó hát tới câu “Nhạt môi, môi em thơm nồng…” thì tôi hôn nó. Nó hôn lại và không hát nữa. Tôi ngừng hôn, nói đùa: “Chết cha quên rồi!”

Con Lý hỏi:

-“Quên cái gì?”

-“Ham hôn nhau, quên hát là quên luôn… ông Ngô Thụy Miên.”

-“Anh thì thôi.” Nói xong, nó ôm chặt tôi.

Khi đang ở trên bụng nó, tôi hỏi:

-“Khi ông ba Tầu muốn ngủ với em, ổng nói sao?”

-“Sao?” Con Lý hỏi, ngạc nhiên.

-“Ông nói câu tiếng Việt còn ngọng: “Cho ngộ “(l)ụ” một cái. Phải không?”

-“Khi nào anh cũng giởn. Em xô xuống giường bây giờ.”

Nói thế, nhưng con Lý lại ôm chặt tôi./

hoànglonghải

(1)-“Sống giang” là hát xong một đêm, sáng dông”!

 
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 1] Mộ Cũ
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 2] Quả lựu đạn 
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 3] Danh Sơn
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 4] Ông dự “bẩn”
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 5] Cha con l 
Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 6] Tha hương ngộ cố tri

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.