*
Tôi quen chị vào một ngày đầu năm Quý Tỵ, dịp Meister Nam mời đến võ đường của anh nhậu nhẹt và thưởng thức các tiết mục văn nghệ ngẫu hứng, do anh chị em khu vực Leipzig thực hiện.
Tôi và ca sỹ Việt Hà đến hơi bị muộn. Bước chân vào Halle, không chỉ tôi mà cả Việt Hà cũng phải sững người lại, bởi một người đàn bà hát có giọng khàn lạ đang say sưa thả hồn trên sân khấu. Và nếu không có bàn tay cứng như sắt của Nam Võ từ phía sau bóp mạnh vào bả vai, có lẽ tôi còn đứng lặng, chắn giữa cửa ra vào cho đến khi chị hát xong.
-Nghệt mặt ra rồi phải không? Hạ, nguyên cô giáo dạy nhạc, cùng quê Bắc Ninh, tôi đã nhiều lần kể với ông…
Vâng! Sự xáo động ấy trong tôi, không hẳn vì đứng trước người đàn bà đằm thắm đang ở độ chín lại. Nhưng nhạc và lời ca chị viết với giọng hát truyền cảm, như kể lại câu chuyện của đời mình, làm tôi xúc động mạnh…
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Quan Họ, nhưng chị bảo, ngay từ nhỏ chỉ thích nghe chứ không có duyên với nó. Có lẽ do chất giọng khàn đục của chị không hợp với giai điệu, lời ca mượt mà của Quan Họ chăng? Tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào đoàn ca múa của tỉnh, nhưng chị đã từ chối và thi vào trường sư phạm âm nhạc. Sau mấy năm đèn sách, chị về dạy nhạc ở một trường trung học của một thị xã ven biển. Năm sau chị lập gia đình. Chồng chị là bạn học thời sư phạm, nhưng dạy mãi trên mạn ngược.
Đứa con ra đời, chuyển chồng về gần là nhu cầu bức thiết của chị. Nhưng gái một con… và hát hay đàn giỏi, ngon như một bữa tiệc trước những con mắt thú đang đói mồi, mỗi lần chị lên sở hay về trường nộp đơn từ. Sự mặc cả, ngã giá ấy trong môi trường giáo dục, của những kẻ luôn có vẻ bề ngoài cao đạo, chị thấy chẳng khác kiểu hàng tôm, hàng cá là bao.
***
Màn đêm ở vùng biển dường như cũng buông chậm hơn. Những tia nắng dìu dịu cuối ngày chợt bùng cháy lên, đỏ như vệt máu đang nhỏ xuống biển. Chân trời thẫm một màu xanh, cong cong như một chiếc bát khổng lồ úp xuống mặt nước. Một vài chiếc thuyền đang kéo buồm, chòng chành trong cái mầu xanh ấy, hướng về phía đất liền. Có những con sóng tung lên, như vồ lấy đàn hải âu đang sải cánh về phía bên kia dải nắng.
Con phố nhỏ rộn lên tiếng ngư dân và những con thuyền vừa cập bến. Gió từ ngoài khơi thổi mạnh và rát hơn làm chị khẽ rùng mình. Quàng vội cho con chiếc áo khoác và chị đứng dậy, định về, nghe chị giáo vụ gọi giật lại:
-Ông giám đốc sở nhắn tìm em, gặp bàn về việc thuyên chuyển của chú ấy. Ổng đang đợi ở nhà hàng Cánh Buồm, về thay quần áo, để con chị trông cho.
Lưỡng lự, định không đi, song nghĩ đến công việc của chồng, chị đành phải tới.
Trời chưa tối hẳn, nhà hàng còn vắng khách. Mấy em chân dài ngồi dàn hàng ngang, phì phèo đốt thuốc trước cửa ra vào. Chưa kịp hỏi, bà chủ đã đon đả kéo tay chị, miệng xởi lởi, đồng chí giám đốc sở đang chờ ở phòng riêng, tầng trên.
Thật ra chị mới gặp giám đốc vài ba lần, khi thì chỉnh huấn, lúc văn nghệ của ngành. Lần gần đây nhất, chị mang đơn xin thuyên chuyển của chồng đề nghị đồng chí Đốc giúp đỡ. Lần nào đồng chí Đốc cũng bắt tay thật chặt với cái cười tươi rói. Lần này đồng chí Đốc còn ra tận hành lang đón chị. Chị vừa ngồi xuống, đồng chí Đốc đã kêu người mang đồ ăn đồ uống lên. Như một chiếc lò xo, chị bật đứng dậy, miệng lắp bắp… Đồng chí Đốc cắt ngang:
-Em cứ ngồi xuống, ăn uống một chút đã, công việc bàn sau.
Chị còn đang bối rối, thức ăn, bia rượu đã mang lên đầy bàn. Rất điệu nghệ, đồng chí Đốc với tay mở chai sâm banh. Tiếng nút nổ, tiếng cười của đồng chí Đốc hòa vào nhau, nghe dòn tan.
Khấp khới cả hai con mắt, đồng chí Đốc đẩy ly rượu về phía chị. Sợ đồng chí Đốc phật ý, chị cầm ly rượu đưa vội lên môi, rồi từ từ đặt xuống bàn. Đồng chí Đốc ân cần gắp đầy thức ăn vào bát, giục chị ăn. Hơi thu người lại, chị sợ, một con tính thoáng chạy trong đầu, bữa ăn sang trọng này có lẽ bằng cả một năm lương của chị chứ chẳng chơi.
Đồng chí Đốc ép mãi, chị chấm mút lấy lệ… Ừng ực một hồi, đồng chí Đốc đã giải quyết gần xong đám rượu bia ở trên bàn. Mặt đồng chí đã phừng lên, hai con mắt ngầu ngầu, giựt giựt. Lúc này, đồng chí Đốc trở về con người thật của mình:
-Công việc của chồng em anh đã thu xếp xong. Tiền anh không cần, nhưng hôm nay anh có chuyện buồn. Nếu như đêm nay em ở lại đây với anh, sáng thứ hai em qua phòng anh nhận quyết định tiếp nhận. Sau đó anh sẽ bố trí cho chồng em về một trường nào đó, quanh thị xã này thôi.
Nghe những lời này từ miệng của kẻ chuyên giảng đạo đức cho các lớp tập huấn giáo viên toàn tỉnh, chị cứ ngỡ mình đang xem màn hề chèo trên sân khấu. Lợm giọng quá, nhưng chị cố bóp chặt cổ họng mình:
-Muộn rồi, xin phép giám đốc, em phải về vì còn cháu nhỏ ở nhà.
-Em nghĩ kỹ chưa, đơn xin việc ở phòng anh xếp còn cao hơn núi đấy!
Chị im lặng, định đứng dậy. Đồng chí Đốc bảo, khoan đã, tý nữa tiện xe, anh đưa về. Rồi đồng chí Đốc gọi bà chủ, cho hai ly nước tráng miệng và tính tiền. Chỉ một loáng thôi, đã thấy tự tay bà chủ bê hai ly nước cam vắt vàng óng lên. Một hơi, đồng chí Đốc uống cạn và giục chị uống cho mát rồi về.
Cầm ly nước, chị uống một ngụm cho phải phép và đứng dậy. Chưa ra đến cửa đã thấy chóng mặt, quay cuồng, vịn chặt vào cánh cửa, nhưng chị không thể đứng lên được nữa….
Khi chị tỉnh dậy, trời đã gần sáng, chị lờ mờ nhận ra mình đang nằm trên chiếc xô- pha đặt giữa phòng. Một lúc sau chị mới cựa quậy được và có cảm giác thật nhớp nháp, nhầy nhụa, áo mặc ngược, quần cài lộn cúc. Lắng lại một giây, chị chợt hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Chị vùng dậy, lao ra, giật mạnh cửa, cắm đầu chạy… Trước mặt đã là biển, chị vẫn từ từ đi ra nơi có con thuyền nhỏ bé đang dập dờn trong cái mênh mông sóng nước của những người thợ câu đêm. Trăng cuối tháng thoắt ẩn, thoắt hiện, bàng bạc như như kẻ vô tình. Sóng đập vào mặt, có lúc nhấc bổng lên rồi lại dìm chị xuống.
Ngửa mặt lên nhìn vòm trời lần cuối, chị thấy ngôi Sao Biển đang nghiêng về bờ cát, cháy rực lên. Và trong gió hình như có tiếng trẻ thơ vọng lại làm chị giật mình. Chị vội quay người lại, có con sóng bốc chị ném thẳng vào bờ…
Phiên tòa xử vụ chị kiện đồng chí tỉnh ủy viên, giám đốc sở giáo dục đào tạo tội hiếp dâm diễn ra chóng vánh. Nhân chứng từ chị giáo vụ cho đến bà chủ nhà hàng khẳng định, chị là người chủ động mời đồng chí Đốc đến. Khi chị có thái độ không đúng mực, đồng chí Đốc đã giải thích phân tích tường tận và ngay sau đó đồng chí đã ra về. Biên bản khám nghiệm của bác sỹ, xác định như đinh đóng cột, thể trạng chị lúc đó hoàn toàn bình thường, không hề bị tổn thương mảy may.
Vậy là từ nguyên cáo, chị trở thành bị cáo, can tội dùng tiền, tình mua chuộc cán bộ lãnh đạo, trục lợi cá nhân. Mức án giành cho kẻ vu cáo, nói xấu cán bộ lãnh đạo ít nhất cũng phải sáu tháng tù. Nhưng xét hoàn cảnh chị con còn nhỏ và người bị hại (đồng chí Đốc) có làm đơn xin tòa giảm án, nên cho hưởng án treo.
Cũng trong ngày, chị nhận được quyết định đuổi việc vì không còn đủ đạo đức, nhân cách để đứng trên bục giảng.
Ngày hôm sau, báo chí đồng loạt đăng tin ca ngợi đồng chí Đốc, một con người liêm chính, có tấm lòng nhân đạo, vị tha. Dư luận từ trong đến ngoài, từ cán bộ đảng viên cấp cao đến các em chân dài, đạo chích, đâm thuê chém mướn đều bái phục, tôn đồng chí Đốc là sư phụ của sư phụ. Chiếc ghế phó chủ tịch tỉnh, phụ trách mảng văn hóa giáo dục, ai dám tranh với đồng chí Đốc?
Mẹ chị lành như đất, cả đời chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, ít khi ra khỏi làng. Ấy vậy mà không hiểu mấy ngày nay bà lại bất thường giở chứng, sáng sáng cứ nhìn lên bàn thờ, nơi có cái bằng Tổ Quốc Ghi Công, lầm bầm lẩm bẩm:
-Không hiểu cái thằng Mỹ nó ở tận đẩu tận đâu đến đây làm gì. Nghe các bố hô hào, bao xương máu đổ ra đánh cho nó phải cút. Đến bây giờ lại mang kiệu rước nó vào. Giời đất ơi! Vậy thì chồng con tôi chết oan chết uổng cả rồi…
Đất làng chị đang trồng lúa, trồng màu bị chính quyền thu hồi, giao cho các ông chủ mới làm khu công nghiệp đợt đầu tiên ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận, nên giá đền bù rẻ như bèo. Nông dân vật vờ không việc làm, trai gái trong làng trôi dạt khắp nơi. Mẹ chị cả ngày đi ra đi vào đâm cáu gắt, ra ngõ chửi đổng. Hôm sau bà đi ăn giỗ làng bên về, dù đã khuya nhưng vẫn kéo chị vào buồng thì thầm:
-Hạnh con cậu Ba vừa tốt nghiệp cấp ba, sắp sang Đức làm ăn, qua ngả Nga và Ba Lan. Cậu Ba bảo, nếu con muốn, đi cùng cho có chị có em. Mình nộp tiền, giấy tờ họ lo toàn bộ. Mẹ nghĩ kỹ rồi, dù con không tù tội, giờ cũng khó xin việc, huống hồ lý lịch của con thế này không nơi nào nhận đâu. Con không phải lo. Tiền bán đất với sổ tiết kiệm tiền tử tuất của bố và anh con cũng đủ. Còn con bé để ở nhà mẹ lo. Sau này ổn định sẽ đón chồng, con sang. Nếu đi, con phải thuyết phục chồng con thôi. Con hãy nghĩ kỹ, với con bây giờ, nơi này chỉ để thương để nhớ, chứ không còn là nơi để sống…
Chị không ngờ mẹ có được đi học ngày nào đâu, nhưng suy nghĩ, hiểu biết, tính toán đâu ra đấy như vậy.
Chị đến Nga vào một chiều mùa hè. Chiếc xe buýt cà tàng đã chờ nhóm hơn chục người của chị ở cửa sân bay. Qua ô cửa sổ nhỏ, chị thấy xe đang lướt nhanh qua những cánh đồng lúa mì mênh mông đang vào mùa gặt. Những cánh rừng bạch dương xanh ngát hai bên như miên man ôm chặt lấy con đường, có những lúc mở ra trảng đồng hoang tím đầy hoa dại.
Con đường bồng bềnh, vồng lên chùng xuống, chui qua khoảng rừng thông tối sẫm tưởng như nuốt chửng cả đoàn xe đang nối đuôi nhau chạy vào thành phố.
Ngày còn ngồi trên nghế nhà trường chị đã được đọc, học những tác phẩm đồ sộ, những bài thơ lãng mạn, với những cuộc tình say đắm lòng người của các thi hào nước Nga. Nên ai mà chẳng ước mơ được một lần đặt chân lên xứ sở Bạch Dương diệu kỳ này. Hôm nay chị đã đến được với các cụ Tolstoi, Pushkin, Gorky…nhưng điều kỳ diệu ấy đã phải đóng lại trong tâm khảm của kẻ đang trên đường trốn chạy với một tương lai vô định, mịt mù.
Xe quẹo vào cổng khu nhà tập thể cũ của một nhà máy, dường như đã bỏ hoang nhiều năm. Thấy cổng còn khóa, lái xe người Nga to như con gấu lầu bầu chửi thề. Một lúc sau có người Việt chân tập tễnh đủng đỉnh đi ra mở và khóa cổng.
Xe lùi vào căn hộ trong cùng, cửa có thanh sắt chắn ngang, to như cổ tay. Sau khi thu hết hộ chiếu, người ta mở cửa sau xe, lùa tất cả vào. Mọi người nháo nhác định hỏi. Người đàn ông Việt rất nhã nhặn khi còn ở sân bay, trừng mắt:
-Im lặng! Ở lại đây chờ. Loạng quạng bọn Cớm đến xúc cả đi đấy. Sẽ có người mang đồ ăn đến.
Cả đám chị đang định thần đã thấy lố nhố một đám người đi ra. Họ là nhóm người vừa đến trước mấy ngày, đang chờ đi tiếp. Trong ánh sáng mờ mờ của cây đèn cầy, chị thấy căn hộ khá rộng, có nhiều phòng, nhưng cửa sổ đều bịt kín và sơn đen nên tối tăm và bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Một chị nói tiếng Nghệ An kéo tay chị và Hạnh vào phòng bảo, bên trong còn một cái đệm, vào nằm chung cho đỡ sợ. Trong phòng còn mấy cô gái trẻ mặt mũi phờ phạc, vô hồn, hai mắt sưng đỏ. Chị Nghệ An nghiến răng, chỉ tay vào Hạnh, nói:
-Tổ cha tụi nó, chưa đóng tiền thì nói ngon, nói ngọt. Sang đến đây bị tụi nó nhốt vô cái nhà không điện, không nước. Đàn bà con gái, thích lúc nào chúng lôi ra hãm hiếp lúc ấy. Lũ bất nhân thất đức này se có lúc bị quả báo thôi. Mà những người mới phải chuẩn bị tinh thần. Tối nay thế nào tụi nó cũng đến lôi đi đấy, nhất là con bé này.
Hạnh sợ quá gục vào vai chị khóc sụt sịt. Biết thế này, các vàng em cũng chẳng đi. Chị cũng đang run lên, nhưng cố nói cứng an ủi Hạnh. Phóng lao phải theo lao em ạ, đến đâu hay đến đó.
Chị Nghệ An đưa cho hai người mấy ca nước và bảo lấy khăn lau mặt, lau người cho tỉnh táo. Nước bẩn đổ cả vào sô, để dùng khi đi nhà cầu. Cả chục con người, mấy ngày nay chúng mới chở cho vài phuy nước.
Chiều tối, có hai người đàn bà mặt mũi phấn son nhòe nhoẹt mở cửa, vứt toẹt thùng các tông đựng bánh mì, thịt hộp và mấy bịch nước dưới sàn nhà, ngó nghiêng một lúc rồi bỏ đi.
Dù rất đói nhưng chẳng ai muốn lấy đồ ăn. Mãi sau có mấy anh lớn tuổi ở phòng bên bê thùng đi phân phát cho từng người:
-Cố gắng ăn lấy sức để đi tiếp. Những người ở nhà đang hy vọng vào cả chúng ta đấy!
Đêm đã muộn, mọi người vẫn không ngủ được. Những câu chuyện bán đất bán nhà, vay nợ cầm cố, lấy tiền để đặt cược cho chuyến đi này cứ dài mãi không dứt…
Có tiếng cửa mở, mấy cô gái trẻ co rúm người lại. Hạnh ôm chặt, rúc đầu vào ngực chị. Ánh đèn pin loang loáng rồi dừng lại ở phòng chị. Mờ mờ thấy ba, bốn thằng mặt mày bặm trợn, không biết say rượu hay say thuốc, đi cũng giựt, đứng cũng giựt giựt như lên đồng, giọng nhừa nhựa:
-Mấy đứa vừa đến chiều nay đâu? Theo chúng tao lên phòng Chef làm việc.
Im lặng đến nghet thở. Chúng sục vào từng phòng, rọi đèn vào mặt từng người. Lôi thốc chị và Hạnh ra, miệng chúng lải nhải, hai con này còn trẻ, còn chuyến này toàn những con già.
Chị và Hạnh ghì người lại, ôm chặt nhau:
-Giấy tờ chúng tôi đầy đủ, tiền bạc đã đưa. Giờ này không đi đâu hết.
Hai thằng đi đầu, thằng cầm tay chị, thằng cầm tay Hạnh giật mạnh, lôi đi xềnh xệch.
Hai thằng đi sau dựng hai cô gái nhóm đã đến trước dậy, bắt đi cùng. Tiếng các cô khóc ré lên như tiếng mèo đêm.
Hạnh khóc không thành tiếng, bố mẹ ơi, cứu con.
Biết không thể chống được bọn này, chị van chúng đừng mang Hạnh đi, vì nó hãy còn trẻ con. Chị Nghệ An cũng chạy ra bảo, chúng mày tha cho con bé này đi, còn hai cô gái kia đã bị hành cả đêm hôm qua, giờ có còn ra hồn người nữa đâu…
Chị chưa nói hết lời đã bị một thằng giơ chân đạp thẳng vào người:
-Con già này mà còn nói nữa bố lôi ra cho chó chơi bây giờ.
Mấy anh người Hải Phòng đi cùng đoàn chị ra cản lại:
-Các ông là người dẫn đường hay là kẻ cướp, hiếp dâm đây?
Bốn thằng cùng rút súng ra, dí vào đầu các anh:
-Đ.M. Chúng mày muốn đi tiếp sang Ba Lan, Đức hay muốn xuống âm phủ?
Chúng lôi bốn phụ nữ vào phòng bảo vệ của nhà máy cũ. Đây có lẽ là nơi ăn ngủ sinh hoạt hàng ngày của bọn đầu trâu mặt ngựa được thuê trông coi trạm trung chuyển này. Quần áo bát đĩa chai lọ bẩn thỉu vương vãi, lăn lóc trên tấm thảm cháy lem nhem. Cửa ra vào được làm từ mấy miếng ván ghép lại.
Đè nghiến cả bốn người xuống thảm, như những con thú hoang, chúng lao vào …
Chị không còn cảm giác. Hạnh giãy dụa khóc thét lên gọi mẹ. Hai cô gái bên cạnh cắn chặt môi, mắt mở trừng trừng…
***
Chị phải dỗ mãi Hạnh mới chịu ăn trở lại, nhưng tinh thần cô hết sức hoảng loạn. Một tuần rồi hai tuần phải sống như vậy, trước mặt Hạnh chị phải cố giấu những giọt nước mắt của mình.
Gần sáng, có tiếng mở cửa rồi có tiếng nói quen quen của người đàn ông hôm đón ở sân bay. Mọi người bật dậy, ùa cả ra:
-Tất cả vệ sinh cá nhân, chuẩn bị vượt sang Belarus đến biên giới Ba Lan. Một tiếng nữa xe đến đón.
Không biết sẽ đi đến đâu và như thế nào, nhưng nghe được thoát khỏi cái địa ngục trần gian này chị thấy như có thêm sức mạnh.
Hơn hai mươi con người được nhồi lên chiếc xe đông lạnh kín mít, chỉ được đục mấy lỗ thông hơi nhỏ dưới sàn.
Lúc lên xe, người dẫn đường đưa cho họ mấy cái xô để dùng đi vệ sinh và dặn, không được để người ốm yếu ngồi gần lỗ thông hơi, lỡ ngủ quên đè kín lỗ thì chết ngạt cả lũ.
Có lẽ bóng tối và ngập chìm trong sợ hãi khiến không một ai còn có cảm giác ngột ngạt, hôi thối hay những nhu cầu sinh hóa hằng ngày của con người nữa.
Cứ gà gật nửa tỉnh nửa mê, chẳng biết ngày hay đêm, đường còn xa hay gần, khi tỉnh dậy chị đã thấy mình nằm cạnh Hạnh và mấy người nữa. Chị đang ngơ ngác thì có mấy người đàn ông vào bảo, đã tới biên giới Ba Lan, nhưng bọn em bị ngất cả nên phải khiêng vào đây, còn mọi người ngồi cả ngoài kia. Gần đây có con suối nhỏ, các em nên thay nhau đi tắm rửa.
Trạm trung chuyển này là ngôi nhà sát biên giới, cách xa khu dân cư và hình như cảnh sát biên phòng cũng đã được mua chuộc nên sinh hoạt có vẻ khá thoải mái. Chỉ có người Belarus bảo vệ và mấy người Việt hằng ngày mang đồ ăn đến, đôi khi còn có cả cơm nên sức khỏe, tinh thần của mọi người hồi phục khá nhanh.
***
Tối ngày thứ năm, mọi người bất ngờ được báo, phải vượt biên giới sang Ba Lan ngay trong đêm. Dẫn đường là hai người Belarus đối xử với mọi người khá tốt. Đoàn người phải đi bộ qua một cánh rừng già, lá mục dày có chỗ thụt chân đến đầu gối. Mấy giờ sau, tất cả họ cũng mò mẫm ra được bờ suối.
Nếu được phép, người nào cũng muốn nhảy xuống tắm cho đỡ dơ và ngứa rát vì muỗi đốt. Bên kia đã là đất Ba Lan. Con suối nước chảy không xiết, nhưng khá sâu và rộng, người dẫn đường phải bơm thuyền cao su, lộn đi lộn lại chở mấy chuyến. Người dẫn đường ra hiệu, nghỉ ngơi lấy sức, rồi tất cả phải chạy thật nhanh qua cánh đồng lúa mì, có một chiếc xe buýt của công ty du lịch chờ ở đó.
Chị cắm đầu chạy, những cây lúa mì bị dạt ra bởi những người chạy trước bật lại, đập vào mặt như roi quất. Có những cây bị nằm rạp xuống cuốn vào chân giật chị ngã sấp mặt xuống ruộng. Chưa có cảm giác đau, chị vùng dậy chạy tiếp …
Chị có lẽ là người cuối cùng đến đích. Đầu gối chùng xuống, tim đập thình thình, mắt hoa lên, chị không thể bước lên được cửa xe. Một anh cầm tay chị kéo giật lên. Khi nhìn thấy Hạnh đang ngồi thở hổn hển, chị mới gục xuống.
Xe tới chợ người Việt ở sân vận động, trời đã gần sáng. Người, hàng hóa ra vào tấp nập. Phần đông đã có người nhà đón, số còn lại đi sang Đức, phải chờ. Chị và Hạnh được người ta cho ở chung với mấy người đang phụ bán hàng ngoài chợ. Cùng cảnh, nên họ cảm thông, thường nấu nướng cùng nhau ăn uống hay dẫn chị và Hạnh ra chợ cho đỡ buồn, đỡ nhớ nhà.
Đến giờ nghĩ lai, chị bảo, nếu như không có hai tuần ở lại Warszawa và được sự chăm sóc, an ủi của các chị bán hàng ngoài chợ, chắc chắn chị đã không đủ sức lực và tinh thần để vượt biên vào Đức, khổ và gian nan gấp nhiều lần so với từ Belarus vào Ba Lan.
Xuống nhà ga Halbestadt, chị và Hạnh đang lò dò, ngó nghiêng, xem có người Việt nào để hỏi đường vào trại tị nạn, thì không hiểu mấy người cảnh sát từ đâu ra, đã đứng ngay trước mặt. Khi cảnh sát kiểm tra, chị và Hạnh chỉ có tờ giấy duy nhất ghi địa chỉ của trại tỵ nạn trong người. Người cảnh sát gọi điện cho ai đó một lúc, rồi ra hiệu cho chị và Hạnh lên xe. Tưởng họ chở vào tù rồi trả về Việt Nam, Hạnh sợ quá khóc ré lên. Người cảnh sát nói một tràng, rồi cười vỗ nhẹ vào vai Hạnh…
Sau khi cảnh sát bàn giao cho trại tỵ nạn, chị và Hạnh được làm giấy tờ và nhận phòng. Sáng hôm sau, người phiên dịch đưa chị và Hạnh đi phỏng vấn và kiểm tra sức khỏe, sau đó nhận quần áo và tiền tiêu vặt.
Chị được cấp giấy phép tự do đi lại tất cả các thành phố trong bang. Bước đầu khá thuận lợi làm chị giảm đi nỗi đau vừa trải qua, nhưng nỗi nhớ chồng con và gia đình lại quằn quại thêm, khiến chị nhiều đêm mất ngủ.
Tháng sau chị và Hạnh cùng được chuyển về thành phố Halle, nơi định cư mới. Nơi này là khu nhà lắp ghép, trước khi chị đến đã có nhiều tị nạn người Việt và các nước khác đang ở đó. Được mấy hôm, không hiểu sao chị và Hạnh lại được gọi đi khám sức khỏe một lần nữa.
Trời hình như chưa vào thu. Nhưng có một vài cơn gió nhẹ, cuốn theo những chiếc lá còn xanh bay đi, làm cho lòng người day dứt, bồi hồi tựa như vừa đánh rơi một cái gì đó mà không thể gọi thành tên. Khi ánh nắng vẫn còn đậu trên những giọt sương mai trong từng kẽ lá, mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, người phiên dịch đi cùng hai nhân viên y tế gõ cửa vào phòng chị.
Người phiên dịch bảo, Hạnh bị mắc bệnh, cần phải chuyển ngay về bệnh viện Magdeburg điều trị, xe đang chờ ở ngoài. Chị có linh cảm chẳng lành, nhưng Hạnh lại hồn nhiên dọn quần áo như thể chuyển trại vậy. Chiều chị phiên dịch quay lại, chị gặng hỏi, chị phiên dịch bảo:
-Nếu em không phải là người nhà duy nhất của Hạnh thì chị không dám nói. Nhưng em phải thật bình tĩnh. Hạnh bị nhiễm HIV từ vài ba tháng trước đây, trùng với thời gian các em bị hãm hiếp ở Nga, như các em đã khai trong hồ sơ. Rất may cho em…
Chị phiên dịch cứ nói, nhưng chị chẳng nghe được gì nữa, hai chân từ từ khụyu xuống…
Theo đề nghị của Hạnh, hôm sau xe của Caritas đón chị đến bệnh viện. Mới có mấy ngày, mà trông Hạnh sọm hẳn đi, hai mắt đỏ hoe, sâu hoắm. Chị ôm chầm lấy Hạnh qua lớp áo choàng của bệnh viện. Hạnh không còn một chút sinh lực nào, người rũ xuống. Rất lâu, nhưng không ai nói được câu nào, chỉ có nước mắt và nước mắt.
Lúc chị về, Hạnh chỉ nói em rất nhớ nhà, khi nào em chết, chị cố gắng mang em về quê cho gần bố mẹ em, chị nhé.
Chị ngoái lại bảo, đừng có nói gở, yên tâm chữa bệnh, chị sẽ đến thăm em thường xuyên.
Không ngờ, đó là lần cuối cùng chị gặp Hạnh. Có lẽ không có gì đáng sợ bằng sự chờ đợi cái chết. Hạnh lại còn quá trẻ, không thể chịu nổi cú sốc đến quá nhanh, quá bất ngờ như vậy. Hạnh tự giải thoát bằng cách lao mình từ tầng tư xuống đất vào lúc trời gần sáng, ngay trong khuôn viên của bệnh viện. Vậy là tấm hình Hạnh chụp, chưa kịp làm thẻ tạm trú, nay đã thành ảnh thờ.
Sau cái chết của Hạnh, chị phải vào bệnh viện nằm mấy tuần. Tưởng không đứng dậy nổi, nhưng nghĩ đến sự hy vọng của gia đình với mình, với Hạnh, chị lại gượng dậy.
Chưa được phép làm việc, chị đi làm chui làm lậu. Bất kể công việc gì, ở đâu, cứ có người thuê, chị cũng múc. Công việc phụ dọn, bán hàng vải ngoài chợ giời Leipzig, chị trụ được lâu nhất.
Làm được hơn năm, ki cóp được khoản tiền, chị lại phải lo mua “đểu”, lấy một ông chồng người Đức, để hợp thức hóa giấy tờ ở lại, khi bị bác đơn tị nạn, nhận giấy trục xuất về nước. Việc thuyết phục ông chồng thật ở nhà ly hôn đểu, quả thật khó ngoài sức tưởng tượng của chị. Nhùng nhằng mấy tháng, ông chồng thật mới chịu hiểu, thông cảm và gửi giấy tờ sang.
Số chị quả thật đắng cay, vất vả. Ông chồng đểu, bình thường lành như đất, khi có chút bia rượu, dù đã nhận tiền của chị, nhưng cứ đòi làm chồng thật. Nửa đêm, hắn khật khừ bấm chuông, đập cửa. Cả ngày đứng rét ngoài trời âm cả chục độ, về nhà chui vào chăn, vẫn thấy rét từ trong rét ra, chị mệt quá, đuổi. Hắn lỳ ra, xông thẳng vào bế thốc chị lên. Chị giãy giụa, chống cự, hắn như con trâu húc mả…
Lần đó, hàng xóm phải gọi xe cấp cứu chở chị đến bệnh viện. Trải qua nhiều lần như vậy, bác sỹ bảo, khả năng sinh đẻ của chị không còn nữa. Uất ức là thế, nhiều lần bệnh viện gọi điện cho cảnh sát, nhưng cái thẻ cư trú còn lơ lửng trên đầu, nên chị phải im lặng…
Đêm muộn, câu chuyện của chị, người đàn bà hát, dường như chưa đến đoạn kết, nhưng bị cắt ngang, bởi con gái chị đến. Nó bảo, vừa từ Berlin về thẳng đây(Halle của bác Nam võ) hát với mẹ cho vui. Chị cười, may cũng còn có nó, cháu đang học năm thứ ba, trường TU Berlin. Chị hẹn, hôm nào rảnh, vào chợ, chơi.
Gian hàng của chị rộng rãi, nằm trên vị trí khá thuận tiện của khu chợ người Việt ở Leipzig. Sau tết, chợ vắng khách, chị và mấy người giúp việc đang kiểm tra, dọn dẹp lại hàng hóa, chuẩn bị cho vụ hè. Tôi hỏi, ông xã đâu mà chị phải khiêng vác thế này. Không trả lời ngay, chị lấy nước, kéo ghế mời tôi.
Sau khi nhận được thẻ cư trú vô thời hạn, chị tìm mọi cách đưa con và ông chồng đang vật vờ trên mạn ngược đi sang theo diện đoàn tụ. Yên tâm chuyện gia đình, chị dồn và vay tiền, quyết tâm thuê lại gian hàng trong chợ. Hơn chục năm vật lộn với nó, chị mới có cơ ngơi và như ngày nay.
Chị nói về chồng với nét mặt chẳng vui, cũng chẳng ra buồn. Ngày mới sang còn đói rách thì chẳng sao, bây giờ có tiền, hắn đâm trái chứng, trái tật, suốt ngày ca cẩm không có con trai để nối dõi.
Mấy tháng nay hắn về Việt Nam để kiếm thằng con trai đây. Với chị bây giờ, mọi cái đều đơn giản, không còn quan trọng nữa…
Lúc tôi đứng dậy ra về, chị bảo kể câu chuyện trên với tôi giống như một sự giãi bày, để mong có được sự đồng cảm. Nếu sắp tới, chị có ghi lại một chút quá khứ ấy bằng nhạc, đề nghị tôi viết cho phần lời.
Vâng, tôi nhất định sẽ giúp trong khả năng của mình.