Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 6] Tha hương ngộ cố tri
-“Ông coi cái nầy cho kỹ mà lo cho “đồng hương trọ trẹ” của ông.”
Ông thiếu tá quận trưởng Sầm Long vừa nói vừa chọc quê tôi, tay thì đưa cho tôi văn thư từ tỉnh gởi xuống, nói về việc chuẩn bị nơi định cư cho đồng bào di dân Quảng Trị, quê hương tôi.
Quận Long nói tiếp:
-“Tôi dân tác chiến, ông với ông phó quận hai người bàn bạc với nhau, trình lên cho tỉnh.”
Đọc văn thư xong, tôi hiểu đại khái, chính phủ, nói rõ ra là phó thủ tướng Phan Quang Đán, phụ trách chương trình “khẩn hoang lập ấp” ra lệnh cho chính quyền địa phương chuẩn bị một khu vực rộng để đưa khoảng năm ngàn đồng bào tỵ nạn Quảng Trị vào định cư ở tỉnh Kiên Giang. Tỉnh dự trù đưa về cho quận của tôi phụ trách.
Việc nầy tôi biết từ lâu, cũng phức tạp.
Đầu tiên là việc “thiết lập hàng rào điện tử Mc Namara”.
Khoảng năm 1965, khi Mỹ thiết lập “hàng rào điện tử Mc Namara” dọc theo bờ Nam sông Bến Hải – còn gọi là sông Hiền Lương – thì vùng nầy bị “bạch hóa” (danh từ hồi đó). Có nghĩa là dân các xã vùng nầy bị đuổi đi sạch, nói văn hoa là cho “tái định cư” ở nơi khác, chưa biết ở nơi đâu.
Vì việc riêng, tôi đi Saigon và xin gặp giáo sư Vũ Quốc Thúc, bấy giờ ông đang phụ trách “chương trình Stanley – Thúc” là chương trình “phát triển kinh tế hậu chiến”. Ông cũng đang chuẩn bị ra tranh cử Thượng Nghị Viện, thụ ủy liên danh “Sư Tử Cầm Bút” mà tôi sẽ làm đại diện cho liên danh “của ông Thầy” tại Huế và Thừa Thiên. Qua quan hệ đó, tôi biết thêm, “nhóm Nam Kỳ quốc” không đồng ý cho đồng bào Quảng Trị, vùng bị “bạch hóa” định cư ở “đồng bằng miền Tây Nam Bộ”. Khi giáo sư Vũ Quốc Thúc nêu ý kiến đất miền Nam còn rộng, thì “họ” bảo, đất còn rộng cũng để dành cho con cháu người miền Nam, không thể cho người miền Trung vào lập nghiệp được.
Không muốn “sinh chuyện”, nên số đồng bào trên, thay vì định cư ở vùng đồng bằng phía Nam thì họ được định cư ở Cam Lộ, Bình Giả… Chỉ ở miền Đông, không xuống tới miền Tây.
Có lẽ bây giờ tình hình đã thay đổi, hay đây là quyết định của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, không “ai” dám phản đối, nên mới có việc tôi phải chuẩn bị đón đồng bào “Quảng Trị tui” ở quận Kiên Lương nầy.
Gặp ông phó quận Nguyễn Đức Nghiêm xong, nhiều đêm, trước khi ngủ, tôi suy nghĩ không ít về việc định cư nầy. Đây là đồng bào cố hương mà, dửng dưng sao được. Sau đó, tôi tới văn phòng ông phó Nghiêm, và bàn bạc với nhau, trước khi vẽ ra một họa đồ, cùng với bản tường trình, trình cho tỉnh trưởng Kiên Giang.
Tôi nói với ông phó Nghiêm:
-“Chắc ngoài tỉnh họ giao khoán cho mình. Mình vạch chương trình, kế hoạch ngon lành thì họ OK thôi. Không ai lưu tâm nhiều đến việc nầy đâu.”
Ông phó Nghiêm đồng ý với tôi.
Tôi nói với ông phó Nghiêm:
-“Từng làm việc ở Kiên Tân, là Cái Sắn, tôi có vài nhận xét.”
Phó Nghiêm nói:
-“Đại úy nói đi.”
-“Có ba tiêu chuẩn căn bản. Thứ nhất là về kinh tế. Dân ngoài tôi phần nhiều là nông dân. Vậy cho họ định cư ở đây, trước hết là phải có đất cho họ làm ruộng.”
-“Đồng ý.” Phó Nghiêm nói.
-“Thứ hai, sinh hoạt văn hóa: Phải dựng trường học, nhà thờ, chùa. Đó những cái tối thiểu.”
-“Đồng ý”. Phó Nghiêm nhìn tôi cười cười.
-“Thứ ba là kinh tế: Chợ búa, giao thông, cả hai đường bộ và đường thủy.”
-“Ngon lành.” Phó Nghiêm lại nhìn tôi cười. Rồi lại hỏi tôi:
-“Ba cái đó đồng ý. Nhưng còn một cái nữa.”
-“Cái nầy ông phó nói, tui hiểu rồi. Nhưng cái nầy là của tui. Ông phó muốn nói về an ninh phải không?”
-“Y chang!” Ông ta lại cười.
Tôi nói:
-“Tất cả các dinh điền, khu trù mật, khu định cư thời ông Diệm, đều có tính cách “chiến lược quân sự” hết. Làm việc ở Cái Sắn, và… đi nhiều, tôi nhận thấy tính cách nầy rõ lắm. Có điều lạ, trong “chương trình Stanley – Thúc” không thấy bàn tới điều nầy. Trong một lần nói chuyện ở đại học Huế, giáo sư Thúc có nói tới “chiến tranh phục vụ hòa bình”. Ông đưa ra ví dụ như cải tiến một phi trường quân sự thời chiến thành phi trường dân sự mà không bàn tới “hòa bình phục vụ chiến tranh.”
-“Là sao?” Phó Nghiêm hỏi tôi.
-“Cái nầy hay lắm ông phó. Tui lấy ví dụ ở Kiên Giang nầy thôi. Từ thị xã Rạch Sỏi đi Ngã Ba Lộ Tẻ (1), thời chiến tranh Việt – Pháp, trên một quãng đường dài gần một trăm cây số, ngoại trừ khu vực xã Mông Thọ có lính Quốc Gia đóng đồn – Ông phó biết không, khi ông đại tướng Khiêm còn mang loon trung úy, ông đóng đồn ở Mông Thọ đó -. Từ chỗ nầy cho tới Vĩnh Kim, Việt Minh qua lại tự do, – từ Kampuchia đi U Minh hay ngược lại. Khu xã Vĩnh Kim bọn chúng không dám léo hoánh vì đụng dân Hòa Hảo. Cụ Diệm lập dinh điền Cái Sắn, Việt Cộng đâu còn qua lại nghênh ngang như xưa. Chỉ còn lại cho chúng cái nút thắt ở Cây Số 15, ngay ấp Hòa Bình mà thôi. Nút thắt họng, bị phe ta phục kích hoài.”
-“Tôi biết Cây Số 15. Bây giờ đại úy nói chỗ đó là cái nút thắt, tôi mới để ý đấy.” Phó Nghiêm thừa nhận ý kiến của tôi.
-“Tất cả các khu dinh điền, trù mật khác đều như thế cả. Thời đánh Tây, Tây bị phục kích ở Định Quán nhiều trận xiểng liểng. Bây giờ còn đâu! Léo hoánh tới là đụng ngay dân di cư, quân đội chưa tới, Việt Cộng đã phải tháo chạy hết hơi rồi. Saigon cũng có nữa.”
-“Saigon có dinh điền đâu?” Phó Nghiêm phản bác ý kiến tôi.”
-“Ông anh rể tôi – dân Saigon chính cống – ổng kể, thời chiến tranh trước, Việt Minh về tận một sân banh nhỏ ở Phú Nhuận, ám sát một cầu thủ đang đá banh rồi rút lui theo ngã Xóm Mới – Từ An Phú Đông chúng đột nhập Saigon theo ngã Xóm Mới – Trận Mậu Thân cũng theo ngã đó mà đánh vô Gò Vấp, rồi bị diệt chết tùm lum. Dân di cư Xóm Mới có nhiệm vụ giữ an ninh cho Saigon mà họ có biết đâu.”
-“Hay nhỉ!” Phó Nghiêm nói.
-“Còn nhiều nữa… Ông Diệm giỏi về hành chánh, làm quan cai trị. Nhưng “tầm nhìn chiến lược quân sự” nầy, có lẽ là của ông Nhu.”
-“Theo đại úy, ở đây thì sao?” Phó Nghiêm hỏi tôi.
-“Khoan đã. Để tôi nói hết. Về di dân, tôi thấy chương trình xây dựng dinh điền Cái Sắn giống với “Minh Đạo” của ông Hồ Hữu Tường. Nhưng so với “Trại Ruộng” của Phật Thầy Tây An, hai ông nầy đi sau một trăm năm. Ông “vừa Phật vừa Thầy” nầy đem dân đi lập “Trại Ruộng”. Khi Tây chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. các “Trại Ruộng” của Phật Thầy Tây An là những căn cứ chống Tây kịch liệt lắm. Vì vậy, Tây đốt hết, phá tan hết. Hiện giờ, chỉ còn “Trại Ruộng Láng Linh” mà thôi. Đừng coi thường người xưa.”
-“Giống nhau hả?” Phó Nghiêm hỏi.
-“Trại Ruộng” cũng giống như Dinh Điền, khi Pháp xâm lăng, “Trại Ruộng” là “làng chiến đấu” đấy. Tây vô đó là “hao mạng” không ít.
-“Làng chiến đấu” theo cách Việt Minh.”
-“Không! “Làng chiến đấu” của Việt Minh là đã có làng rồi, chỉ còn gom dân thành lực lượng võ trang. Còn “Trại Ruộng” là bắt đầu từ A- B- C…”
-“Cái nầy tôi chưa từng nghe ai nói.” Phó Nghiêm thú nhận.
-“Ở Cái Sắn, tôi từng được mấy ông “cựu Dân Xã Đảng” mời tới chơi. Mấy ông nầy chống Tây thời kỳ “Nam Bộ Kháng Chiến”, sau chống luôn Việt Minh sau khi chúng nó giết Đức Thầy ở kinh Đốc Vàng.”
-“Ông biết gì về việc giết nhau giữa Việt Minh và Hòa Hảo không?” Phó Nghiêm hỏi tôi.
-“Ở Cái Sắn, tôi từng nghe dân kể lại. Ông quận Phúc nầy nè (Quận Long thay ghế quân Phúc), ông cũng từng kể cho tôi nghe.”
-“Thiếu tá Phúc không nói gì với tôi cả.” Phó Nghiêm nói.
-“Tại ông phó không tò mò như tôi. Tôi thấy cái gì hay hay là hỏi tới. Hỏi cho biết.”
-“Họ kể sao?” Phó Nghiêm lại hỏi tôi.
-“Người dân chèo ghe trên sông Bassac, qua một cái bến nào đó, bị gọi vô, biểu mua hai cái cánh tay hay cái đùi.”
-“Xác người ta?” Phó Nghiêm hỏi.
-“Chớ sao? Không mua cũng lạy mà mua để đi cho mau. Đem ra giữa sông thả xuống nước. Hai bên khủng bố nhau vậy mà. Có khi người ta thấy một cây tre dài, xóc vào đó là vài ba xác người.”
-“Ghê quá! Thù hận. Gây nên lòng thù hận thì cái gì người ta cũng làm được.” Phó Nghiêm bình phẩm.
-“Hồi ở Kiên Tân, gặp mấy ông cựu Dân Xã Đảng, tôi hỏi, họ chỉ cười, không nói gì cả. Vậy mà bây giờ họ hiền lắm. “Tu Hiền” là châm ngôn của người treo cờ đà (2) mà.”
Phó Nghiêm nói:
-“Tôi muốn hỏi ông cái nầy, nghe vui hơn. “Phật Thầy Tây An”. Sao đã Phật mà còn Thầy.”
-“Cái nầy ông Nhất Hạnh chỉ đáng làm đệ tử mà thôi. “Đạo Phật hiện đại hóa” hay “Đạo Phật đi vào cuộc đời” mà giáo sư Thạc Đức (3) chủ trương là cái mà Phật Thầy Tây An đã hiện thực hóa cách đây cả trăm năm. Thế kỷ trước, có một trận dịch thổ tả lớn ở Cái Tàu Thượng. Vua quan nhà Nguyễn chịu bó tay. Ông Đoàn Minh Huyên tìm tới với dân, khám bệnh, phát thuốc, đẩy lùi được trận dịch. Vậy nên người dân gọi ông là Thầy. Ông tu theo đạo Phật, không ngồi trong chùa tụng kinh mà sinh hoạt trong dân chúng – giới bình dân – làm thầy thuốc, dạy dân tu hành, sống đời hiền lành. Phật là vậy chớ tìm đâu xa. Thành ra người ta gọi ông vừa là Phật vừa là Thầy, có sai gì đâu?”
-“Tôi phục ông, ông đào đâu ra các tài liệu lịch sử nầy mà kể vanh vách?” Ông phó Nghiêm khen tôi.
-“Huyền thoại về ông Đoàn Minh Huyên nhiều lắm. Khi nào rổi rảnh, tôi kể cho nghe.” Tôi nói.
&
Một lúc Phó Nghiêm đề nghị tôi:
-“Bàn qua chuyện lập ấp đi”.
-“Theo tôi nghĩ” – tôi nói tiếp – “Trong khu định cư, như tôi nói có nhà thờ, có chùa. Chùa, nhà thờ không ở gần nhau. Trừng qua, liếc lại, nhất là mấy bà già, sinh chuyện như không. Chùa ở đằng đông thì nhà thờ ở đằng tây, tránh tai nạn xảy ra như vụ Thanh – Bồ / Đức – Lợi cuối năm 1963. Ông phó biết vụ nầy không?”
-“Năm đó tôi chưa vô đại học, biết gì đâu!” Phó Nghiêm thừa nhận.
-“Sau khi Diệm Nhu bị lật đổ rồi, đám sinh viên quá khích ở Huế, vô hoạt động ở Đà Nẵng. Nhân vụ Phật giáo đồ biểu tình “hoan hô cách mạng”, mấy ông sinh viên nhà tôi, dẫn đồng bào đi diễu lên vùng Thanh – Bồ / Đức -Lợi. Vùng nầy là vùng đồng bào di cư, gốc Quảng Bình. Họ là dân “nhất định “Cụ còn sống”, không ai giết cụ được”. Thế rồi hai bên choảng nhau, chết một mạng bên phía “thanh niên Công Giáo”. Theo kinh nghiệm thì nên để họ xa nhau ra.”
-“Dân ở Cái Sắn mỗi người được bao nhiêu mẫu ruộng?” Phó Nghiêm lại hỏi tôi.
-“Chính quyền hồi đó chia đất như thế nầy”. Tôi nói, “Những “kinh ngang” – các kinh nối liên hai kinh lớn là kinh Núi Sập và kinh Rạch Giá, như nấc của cái thang, gọi là kinh ngang – cách nhau hai cây số. Mỗi hộ có bề ngang dọc theo kinh ngang là ba chục mét, sâu vô một cây số, tức ba mẫu Tây. Mỗi mẫu giá năm trăm ngàn. Tính ra, về ruộng không mà thôi, họ có tài sản một triệu rưởi. Mình làm chi để có một triệu rưởi? Ông phó tính coi.”
-“Giàu nhỉ?” ông phó Nghiêm tán thán.
-“Lang thang vô kinh, nhiều khi tôi hỏi đùa họ: “Sao? Còn đòi “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến” nữa không?
-“Thôi ông ơi! Đừng nói nữa. Chuyện cũ rồi.” Họ cười trả lời.
-“Giàu rồi. “Bắc tiến” gì nữa?” Tôi nói.
Một lúc, tôi hỏi ông phó Nghiêm:
-“Lúc mới thành lập dinh diền, ông phó có biết dân tình như thế nào không?”
-“Sao?” Phó Nghiêm hỏi.
-“Dân dinh điền đứng chân trong chân ngoài. Vợ con ở Saigon buôn bán. Chồng với con trai lớn về dinh điền nhận đất, nhận ruộng. Chính là nhận đồ và tiền cứu trợ. Còn ruộng thì bỏ hoang.”
-“Sao bỏ hoang?” Phó Nghiêm hỏi.
-“Làm gì nỗi. Làm biếng thì có. Mỗi ngày “địa điểm trưởng dinh điền” lùa dân ra đồng. Ra tới nơi, họ chui vào lùm bụi gì đó tránh nắng và… đánh bài. Nếu có đốt đồng thì họ hăng hái lắm. Đốt đồng trên gió; dưới gió thì giăng lưới ra: Rùa, thỏ, ếch, nhái, rắn, chồn chạy lửa, chạy về hướng dưới gió là chui vô lưới hết. Dân nhậu nhậu thả giàn mà cũng không hết. Đem bán lấy tiền.”
-“Đại úy biết nhiều nhỉ?” Ông phó Nghiêm đưa ra nhận xét về tôi.
Tôi nói:
-“Chưa hết. Mùa nước nổi, nước lên lênh láng. Mỗi nhà chỉ còn cái giường, nước càng cao thì giường kê cao lên. Chính phủ phát trâu Murat để cày ruộng, họ đập cho trâu què chân, để xin mổ thịt. Dân Bắc kỳ khoái ăn thịt trâu hơn bò.” Vậy mà bây giờ, nhà cửa, vườn tược, đường sá, trường học khang trang như vậy đấy. -“Họ chăm nhỉ?” Phó Nghiêm nói.
-“Nhờ mấy ông cha. Mấy ông cha trụ lại đó, dân theo cha cũng trụ lại đó. Vai trò mấy ông cha quan trọng lắm. Cái nầy, trong Minh Đạo, Hồ Hữu Tường chủ trương là vai trò các tu sĩ Phật giáo.”
-“Trong tương lai, mình có lẽ cũng nên theo con đường đó.” Phó Nghiêm nói. “Không có vai trò các tu sĩ, chắc khó thành công.”
-“Theo tôi nghĩ, toàn vùng định cư, không phải chỉ có một thầy, một cha đâu. Chương trình vạch ra, có lẽ phải liên hệ với các giáo hội để các tu sĩ thêm đông.” Một lúc sau, phó Nghiêm nói tiếp.
-“Khi dân đi định cư, chắc chi có cha, thầy đi theo. Không biết họ có thể theo tín đồ mà về đây. Chỗ “nắng bụi mưa bùn” nầy ai mà ham. Họ đi Saigon cho có đủ “tiện nghi sinh sống.” Tôi góp ý.
-“Dù sao, vai trò chính quyền cũng là chính.” Ông phó Nghiêm góp ý.
-“Ông nói vai trò chính quyền làm tôi nghĩ tới một câu chuyện cũ. Hồi còn học ở trường Khải Định – Quốc Học sau nầy, ông bạn tôi ở trong số học sinh đại diện cho trường, vô Saigon “Chúc mừng sinh nhật Ngô Tổng Thống” ngày 3 tháng một, trong bữa tiệc đãi cho học sinh, tổng thống nói: “Dân ở dinh điền làm biếng mà mấy thằng “địa điểm trưởng dinh diền” không có biện pháp chi. Tôi thì tôi “lấy hèo phết vô đít”, bắt họ phải đi phát hoang, làm ruộng.” Ông bạn tôi nói thêm “Đúng là giọng nói của quan tri huyện”.
Ông phó Nghiêm chỉ cười.
-“Tôi còn một chuyện nữa, chắc ông muốn biết. Ông phó biết ai phụ trách “Tổng ủy trưởng dinh điền” của ông Ngô Đình Diệm không?”
-“Ai?” Phó Nghiêm hỏi.
-“Bác sĩ thú y Phạm Văn Huyến.” Tôi nói.
-“Ông Huyến nào, bố bà Ngô Bá Thành?”
-“Chớ ai vô đây! Vậy mà sau nầy ông Huyến chống Việt Nam Cộng Hòa, bị tướng Thi đẩy qua cầu Bến Hải, cùng với nhà báo Cao Minh Chiếm, Tôn Thất Dương Kỵ, dạy lịch sử ở trường Khải Định.” Tôi nói rõ hơn.
-“Buồn cười nhỉ? Tự do quá thành hổn loạn.” Phó Nghiêm góp ý.
&
Mấy hôm sau tôi và phó Nghiêm đi với nhau xuống Vàm Rầy, để “quan sát thực địa”.
Hai chúng tôi đi dọc theo tỉnh lộ, từ cầu Vàm Rầy tới ngã ba Kinh Xáng Hà Tiên – Kinh số 1, dân chúng thường gọi là kinh Xà-Tón.
Tới ngã ba nói trên, ông phó Nghiêm đứng lại, tôi đứng bên cạnh ông ta. Phó Nghiêm chỉ vào kinh Xà-Tón nói:
-“Kinh nầy lên tới Châu Đốc, dẫn nước từ sông Bassac về đây. Nó bị cạn ngang chỗ “Đường Dây 1 C”. Nước chỉ chảy mạnh khi tới “mùa nước nổi” mà thôi. Từ tết trở về sau, nước yếu lắm. Mấy chỗ cạn, phải cho vét lại, nước về đây mạnh hơn, ruộng rửa phèn dễ hơn. Nước dân dùng cũng ít phèn đi.”
-“Chỗ ngang “Đường Dây 1 C” của tụi nó là căng đấy, ông phó.” Tôi nói.
-“Tôi biết, đại úy nhớ vụ “Nhà máy xi măng Hà Tiên” hồi đó muốn đào kinh mà bị tụi nó phá không?” Phó Nghiêm hỏi tôi.
-“Hồi đó tính đào con kinh dẫn nước từ Châu Đốc về cho nhà máy. Mới cắm cờ thôi mà tụi nó đã bắt cóc và giết mấy công nhân rồi. Tình hình quân sự bây giờ căng hơn. Tụi nó cố giữ đường giây chuyển quân của tụi nó mà.” Tôi nói.
-“Căng nhỉ?” Phó Nghiêm than.
Một lúc, ông phó Nghiêm nói tiếp:
-“Khu nầy, trong địa bộ ghi là “rừng cấm”. Tây mới đào kinh ngang dọc, nhưng kinh nhỏ quá, phải cho đào sâu và rộng hơn.”
-“Tôi cũng thấy bản đồ ghi là “rừng cấm”. Rừng rú gì ở đây đâu! Tôi không hiểu.” Tôi nói.
-“Tây nó muốn giành đất làm ruộng chớ có gì đâu. Rừng cấm là cái tên do Tây đặt ra để cấm dân.” Ông phó Nghiêm giải thích.”
-“Giống như vùng Kinh Hãng.” Tôi hỏi.
-“Kinh Hãng là hãng làm ruộng của Tây. Khai thác xong vùng Cờ Đỏ ở Chợ Mới, chúng khai thác vùng Nam-Thái-Sơn. Còn chỗ nầy xưa là vùng Tây dự trù khai thác tới, nhưng phải ngưng vì Tây đầu hàng Đức năm 1940.”
-“Vùng xã An Hòa ở núi Trầu cũng vậy, phải không?” Tôi hỏi.
-“Pháp “đem con bỏ chợ”, chạy dài.” Phó Nghiêm vừa nói vừa cười mỉm. “Tụi nó hết khai thác trồng cao su ở Miền Đông thì tới đồng ruộng miền Tây.”
Chúng tôi đi bộ tới một đoạn nữa thì gặp “Nông trường chuối” của ông đại tá tỉnh trưởng. Tôi hỏi ông phó Nghiêm “Nông trường nầy tính sao?”
-“Tính gì nữa. Trồng chừng đó chuối, trong hồ sơ khai là xài hết hai mươi triệu. Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp đối vốn hai mươi triệu nữa là bốn mươi triệu. Nay đòi “bồi thường chiến tranh” bao nhiêu triệu nữa. Tham quá trời. Đầy túi rồi, căng phồng, ngó tới “nông trường” làm chi nữa!” Phó Nghiêm giải thích.
-“Nhưng trên nguyên tắc, “nông trường chuối” vẫn là đất của ông ta.” Tôi nói.
-“Không có thời hạn. Ông ta bỏ sớm thì giấy phép chấm dứt sớm.” Phó Nghiêm giải thích.
-“Giấy phép là do ông ta ký hay quận ký?” Tôi hỏi.
-“Tỉnh trưởng ký!” Phó Nghiêm trả lời.
-“Cũng là “vô ra thằng cha khi nãy”, ông ta ký đi rồi ký lại mấy hồi.”
-“Cha bay chức rồi, đại úy! Không còn phiền phức cho địa phương mình nữa đâu!” Ông phó quận trấn an tôi.
Một lúc sau, khi tới ngang “nông trường chuối” của ông đại tá tỉnh trưởng, tôi hỏi:
-“Nông trường nầy bốn phía đào kinh, mỗi bề cũng vài trăm mét. Dùng nó để làm gì bây giờ?”
-“Trụ sở xã và các bộ phận chính quyền đặt trong đó là an toàn.” Phó Nghiêm giải thích.
-“Tôi không nghĩ như thế. Chính quyền là của dân chúng, phải ở trong dân chúng. Tối lại, các bộ phận kéo nhau vô trong đó ngủ, để cho dân ở ngoài nầy, mặc sức Việt Cộng tới khủng bố, đe dọa, tuyên truyền, vậy là thua đó.” Tôi trình bày.
-“Hôm trước, đại úy có nói với tôi về bài “the street without joy”, có phải là ý nầy không?” Ông phó Nghiêm hỏi tôi.
-“Đúng đấy, Bernard Fall viết trong ấy, buổi chiều, sau khi Việt Minh bị đuổi chạy hết rồi, đám cán bộ xã ấp Quốc Gia tập họp dân chúng, nói ba hoa chích chòe gì đó, dân buộc phải nghe. Nhưng tác giả biết, trước khi trời tối, bọn cán bộ nầy sẽ chui vô đồn, ngủ với lính, để dân chúng ở lại ngoài đồn. Bọn cán bộ Việt Minh ở trong rừng lại ra, hay ở hầm bí mật chui lên, lại tuyên truyền, khủng bố, đe dọa… Mọi việc y như trước khi có cuộc hành quân. Chẳng được cái gì cả, thực dân Pháp lại mất công toi.”
-“Bây giờ cũng vậy!” ông phó quận than.
-“Chính quyền cùng dân chúng hợp sức chống Cộng. Chúng nó không thiết lập được hạ tầng cơ sở, an ninh mới có được.”
-“Đại úy có diệt được đám hạ tầng cơ sở nào không?” Ông phó Nghiêm hỏi tôi.
-“Giận mà tức nữa. Dân thì ở với mình ngoài kinh xáng nầy, nguồn sống của dân là đốn tràm, giăng câu, đặt lợp, làm cá ở trỏng, tụi Cộng nó nắm giữ. Dân chúng phải theo lệnh chúng mới có ăn. Thành ra, giống như con dao, nó nắm đằng cán, mình nắm đằng lưỡi. Chiến tranh nầy bao giờ mới xong.”
Mấy hôm sau, ngồi ăn cơm với vợ, tôi nói với cô ấy:
-“Ít lâu nữa, em có việc làm.”
-“Việc chi?” Nhà tôi hỏi.
Tôi nói: “Dân Quảng Trị sẽ được định cư ở Vàm Rầy. Chắc em phải phụ những việc xã hội với quận.”
-“Vậy, như anh nói “Tha hương ngộ cố tri” phải không?”
-“Đúng y chang! Em có vui không?”
-“Gặp đồng hương vui lắm.” Cô ấy trả lời./
hoànglonghải
- Ngã ba lộ tẻ: Ngã ba con đường từ Rạch Giá đi Long Xuyên gặp đường Cần Thơ/ Châu Đốc.
- Cờ đà: Cờ màu đà, của Phật giáo Hòa Hảo.
- Giáo sư Thạc Đức, tức hòa thượng Nhất Hạnh khi ông dạy ở Phật học Nam Việt.