Nov 21, 2024

Biên khảo

Phê Bình Những sai lầm của Học giả, Giáo sư HOÀNG XUÂN HÃN
Thái Quốc Mưu * đăng lúc 11:30:16 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 1689



Phê Bình

Những sai lầm của Học giả, Giáo sư HOÀNG XUÂN HÃN

Thái Quốc Mưu

 

 

Đôi dòng trước khi vào bài:

 

* Trong lãnh vực văn học, chúng ta đừng vì học vị của những ông khoa bản mà “BỎ QUÊN” không phê bình những sai lầm trong các tác phẩm của họ.

 

* Khi phê bình văn học, chúng ta phải ra sức tìm tòi, tham khảo, tra cứu, lấy sự trung thực, lòng ngay thẳng và lương thiện nhận định rồi chỉ rõ những chỗ sai lầm. Không nể nang, thiên vị bất cứ kẻ nào! Nếu không làm được những điều đó, chẳng những chúng ta có tội với tiền nhân mà còn có lỗi với những thế hệ mai sau - Thái Quốc Mưu

 

Tiểu sử Giáo sư, Học giả Hoàng Xuân Hãn (nguồn, Bách Khoa Toàn Thư):

 

“Học giả Hoàng Xuân Hãn cùng thời với những tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh..., cuộc đời học giả Hoàng Xuân Hãn phủ gần trọn thế kỷ XX và sự nghiệp của ông cũng gần như phủ bóng hầu hết các lĩnh vực khoa học của nước nhà, cả khoa học tự nhiên và xã hội.

 

Ông sinh ngày 18/3/1908, mất ngày 10/3/1996 làng Yên Phúc, thuộc tổng Yên Hồ, nay là xã Yên Hồ. Có sách viết sanh tại Kẻ Trổ, thuộc làng Nhân Thọ, tổng Yên Hồ,  huyện La Sơn, nay là xã Đức Nhân (Đức Thọ). Ông là hậu duệ của dòng họ Hoàng Xuân nổi tiếng với Hoàng giáp Hoàng Trừng (đời thứ 5, đậu Hoàng giáp năm 1499).

 

Thuở nhỏ, ông học chữ Hán với cụ Tú Vạn, phụ thân ông. Về sau học chữ quốc ngữ tại quê. Khi phong trào Cần vương tan rã, cha mẹ ông lâm cảnh nghèo khó, ra Vinh nhận thầu nấu cơm cho trường Quốc Học để nuôi con.

 

Năm 1926, Hoàng Xuân Hãn đỗ bằng Thành Chung, ra Hà Nội thi vào Trường Bưởi, một năm sau thì ông chuyển sang Khoa Toán, Trường Trung học Albert Sarraut. Năm 1928, sau khi đỗ Tú Tài toàn phần, ông được nhận học bổng du học tại Pháp.

 

Lần lượt thi đỗ và theo học tại các trường đại học danh tiếng như: Sư phạm, Bách khoa ở trường đại học Sorbonne. Paris. Năm 1934, ông về nước với bằng kỹ sư cầu đường. Tiếp đó, ông trở lại Pháp và đỗ bằng thạc sĩ Toán của trường Sorbonne năm 1935.” Học giả Hoàng Xuân  Hãn viết rất nhiều bộ sách. Đáng chú ý và có lẽ nổi danh nhất là Bộ Lý Thường Kiệt, xuất bản năm 1949. (ngưng trích).

 

Đáng tiếc, trong bộ Lý Thường Kiệt Học giả, Gs. Hoàng Xuân Hãn dịch có rất nhiều chỗ sai lầm cách oan uổng... Làm phí phạm công trình lớn lao của vị học giả đáng kính của chúng ta. 

 

Thái Quốc Mưu.

 

***

 

PHẦN PHÊ BÌNH:

 

Trong bộ LÝ THƯỜNG KỆT. Phần Lý Thường Kiệt Đánh Tống:

 

Hoàng Xuân Hãn, viết: “Một nơi quan trọng thuộc trại Vĩnh Bình. Sách Lãnh Ngoại Đại Đáp chép: “Trại Vĩnh Bình kề Giao-chỉ, chỉ cách bằng một con sông mà thôi. Phía Bắc sông có trạm Giao-chỉ (ở đất Tống). Phía Nam sông có đình Nghi-hòa. Đều là chỗ để buôn bán trao đổi, do chúa trại Vĩnh Bình cai quản”.

 

Trong khi sách “Lãnh Ngoại Đại Đáp” Chư Khứ Phi chép như sau:

 

- “Ung châu Hữu giang Vĩnh Bình Trại dữ Giao Chỉ vi cảnh, cách nhất giản nhĩ! Kỳ Bắc hữu Giao Chỉ dịch, kỳ Nam hữu Tuyên Hòa đình, tựu vi bác dịch trường”. (Dịch: Trại Vĩnh Bình ở vùng sông Hữu giang, thuộc Ung châu, tiếp giới với Giao Chỉ, cách một khe suối thôi! Phía Bắc khe suối có trạm (tên gọi là) Giao Chỉ, phía Nam suối có đình Tuyên Hòa, là nơi buôn bán giao dịch).

(Tham khảo: Lãnh Ngoại Đại Đáp, Qu. V. Tài Kế môn. Ung châu Vĩnh Bình Trại bác dịch trường)

 

Hoàng Xuân Hãn đã sai lầm khi dịch đường ranh giới giữa Giao Chỉ và Trại Vĩnh Bình cách nhau “một con sông”. Trong khi, “Lãnh Ngoại Đại Đáp” của Chư Khứ Phi chép rõ là “một KHE suối”. Sông và Khe Suối hoàn toàn khác nhau. Giả sử, nếu Hoàng Xuân Hãn dịch “cách nhau một con suối cũng sai!” Vì Khe Suối chỉ là một nhánh nhỏ của một con suối. Cụm từ trong nguyên tác: “cách nhất giản nhĩ!” “Giản nhĩ = KHE SUỐI”.

 

Ở phần các địa danh:

 

Hoàng Xuân Hãn không biết, nghĩ sai, tách các địa danh ra sai. Trong nguyên tác

có 16 địa danh Hoàng Xuân Hãn tách thành 18 địa danh:

 

* 16 địa danh trong nguyên tác:

 

1. Điện / 2. Hạ Lôi / 3. Ôn / 4. Nhuận / 5. Anh / 6. Dao / 7. Vật Dương / 8. Vật Ác / 9. Kế / 10. Thành / 11. Cống / 12. Lục / 13. Tần / 14. Nhiệm động / 15. Cảnh Tư / 16. Hà Kỷ.

 

* 18 địa danh do Hoàng Xuân Hãn nghĩ sai và tách chữ sai:

 

1. Thượng- điện / 2. Hạ-lôi / 3. Ôn-nhuận / 4. Anh / 5. Dao / 6. Vật-dương / 7. Vật-ác / 8. Kế-thành / 9. Cống / 10. Lục / 11. Tần / 12. Nhậm / 13. Động / 14. Cảnh / 15. Tư / 16. Kỳ / 17. Kỷ / 18. Huyện.

 

Sau đây là những chỗ SAI của Hoàng Xuân Hãn, khi ông nghĩ sai, tách chữ sai, nên phân chia thêm hai địa danh:

 

1). Kế tức là Kế động: Ông Hoàng Xuân Hãn lại nhập chữ Kế với chữ Thành liền ở sau, để trở thành “Kế-thành”.

 

2). Nhiệm động: (Nhiệm cũng đọc âm Nhậm). Hoàng Xuân Hãn lại ngắt ra thành 2 địa danh là “Nhậm”“Động” mà không biết chữ “động” ở đây chỉ là cấp số hành chánh đi liền với chữ “Nhiệm” (hay “Nhậm”). (“Động” ở đây giống như, Xã, Quận, Tỉnh... là cấp số hành chánh).

 

3). Cảnh Tư: Hoàng Xuân Hãn cũng ngắt ra thành 2 địa danh “Cảnh”“Tư”.

 

4)- Địa danh “Kỳ” trong nguyên tác không có.

 

5). Hà Kỷ huyện: Hoàng Xuân Hãn thiếu mất chữ “Hà”. Còn, chữ “huyện” đứng sau tên “Hà Kỷ” để chỉ cấp số hành chánh, ông lại tự tách chữ “Huyện” ra và cho nó thành một địa danh khác. (Hà Kỷ huyện, tức là huyện Hà Kỷ. Giống như Kinh Châu, tức là Châu kinh,...)

 

Trong câu “tiền hậu bị thủ thổ nhân bạn khứ, ủy thân qui minh”. Hoàng Xuân Hãn, dịch: “trước sau bị các tù trưởng làm loạn, rồi bỏ đi, mà đem vào quy thuận”.  Hoàng Xuân Hãn dịch câu nầy chẳng những sai, mà còn rất lủng củng, tối nghĩa, khó hiểu.

 

Chữ “BẠN” trong nguyên tác “tiền hậu bị thủ thổ nhân BẠN khứ, ủy thân qui minh”. BẠN trong câu nghĩa là “PHẢN BỘI”, Hoàng Xuân Hãn dịch là làm “LÀM LOẠN”. Sai!

 

LÀM LOẠN là tổ chức bộc phát quy tụ những kẻ cùng phe cánh, dấy lên gây rối trật tự, an ninh, đốt phá nhà cửa, cướp giựt đất đai, tài sản đồng bào,...

 

Còn PHẢN TẶC, PHẢN LOẠN, PHẢN BỘI là tổ chức quân sự hoặc hành chánh được chánh quyền giao cho điều khiển (hay cai trị) một địa phương, rồi đem lực lượng đó đánh lại lực lượng của chánh quyền (hay chủ cũ).

 

Những kẻ được Lý triều giao cho cai quản 2 động: (động) Vật Dương và (động) Vật Ác nổi dậy đánh Lý triều không thể gọi là LÀM LOẠN, mà là PHẢN TẶC, PHẢN LOẠN vì đã bỏ vua / bỏ chủ cũ để chạy theo giặc Tàu (Tống triều). “LÀM loạn” hoàn toàn khác xa với “PHẢN loạn”.

 

Trong câu: “Tuy thử đẳng đạn hoàn chi địa”. Hoàng Xuân Hãn dịch là: “Tuy đất ấy là nhỏ nhen”.

 

Hai chữ “ĐẠN HOÀN” trong nguyên tác, có nghĩa “viên đạn bắn ná”, dùng để ẩn dụ mảnh đất nhỏ. (hàm ý, cục đạn do ná bắn không thể đi xa, mảnh đất không đủ lớn, khi dùng ná bắn viên đạn sẽ vượt qua đất kẻ khác ở gần bên). Còn “đạn hoàn chi địa” nghĩa là “đất nhỏ, hoặc đất nhỏ hẹp”. Hoàng Xuân Hãn dịch: “Tuy đất ấy là nhỏ nhen”. Thật không hiểu nổi!

 

Trong tiếng Việt, hai tiếng “nhỏ nhen” là tính từ phi vật thể, thuộc khái niệm trừu tượng, chỉ dùng để chỉ những gì thuộc về tinh thần mà thôi, như nói “tâm địa nhỏ nhen” “tính tình nhỏ nhen”, “lòng dạ nhỏ nhen”, “sự việc nhỏ nhen”... không thể dùng để chỉ những gì thuộc vật chất, như đất đai, nhà cửa, vật dụng...

 

Chúng ta, không ai có thể nói “một căn nhà nhỏ nhen”, một “khu vườn nhỏ nhen”.

 

Trong “Từ điển Từ Nguyên” giảng 2 tiếng “THỦ THỔ” như sau:

 

- “Thủ thổ” là rút ngắn câu: “Thủ vệ cương thổ”. Trọn nghĩa là: “Giữ và bảo vệ lãnh thổ”.

 

- Thư Thuấn Điển: “Tuế nhị nguyệt, Đông tuần thủ”. Dịch: Kinh Thư, thiên Thuấn Điển: “Một năm 2 tháng, vua đi tuần tra ở phương Đông”.

 

Truyện: “Chư hầu vi thiên tử thủ thổ, cố xưng thủ”. Dịch: “Chư hầu là người giữ đất cho thiên tử, do đó gọi là thủ (thổ) = giữ đất (nước)”.

 

Theo Học giả Minh Di: Phần Truyện kể trên là của Khổng An Quốc (? - ?) thời Tây Hán (206 tr. Cn - 25 Cn).

 

- “Tần ký giải Hàn Đan vi nhi Triệu vương nhập triều, sử Triệu Thích ước sự ư Tần, cát lục huyện nhi cấu.” Dịch: “Sau khi Tần rút quân, không vây Thành Hàn Đan nữa, thì Triệu vương vào triều, liền sai Triệu Thích giao ước việc thần phục Tần, cắt 6 huyện cho Tần để giảng hòa.”

 

- Ngu Khanh vị Triệu vương viết: “Tần chi công vương dã quyện nhi qui hồ? vương dĩ kỳ lực thượng năng tiến, ái vương nhi phất công hồ? Dịch: “Ngu Khanh nói với Triệu vương: “Tần tới tấn công nhà vua có phải vì quân mệt mỏi mà rút về chăng? Nhà vua có cho rằng lực của Tần còn có thể tiếp tục tấn công, thế nhưng vì thương nhà vua mà không tấn công nữa hay không?”

 

- Ngu Khanh viết: “Tần dĩ kỳ lực công kỳ sở bất năng thủ, quyện nhi qui. Vương hựu dĩ kỳ lực chi sở bất năng thủ dĩ tống chi, thị trợ Tần tự công dã! Lai niên Tần phục công vương, vương vô cứu hĩ!” Dịch: “Ngu Khanh nói: Tần thấy lực của mình đánh chiếm cái không thể chiếm được, bởi lẽ đó, khi thấy quân mệt mỏi mà rút về, bây giờ nếu nhà vua nghĩ là quân lực của Tần không thể đánh chiếm được Thành của Triệu mà lại cắt đất nhượng cho Tần thì đây là nhà vua giúp Tần để tự đánh mình! Năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua thì chừng đó nhà vua không cứu được mình nữa!”

 

- Vương viết: “Tần chi công ngã dã bất di dư lực hĩ, tất dĩ quyện nhi qui dã!” Dịch: “Triệu vương nói, “Quân Tần đánh ta không còn sức nữa, đây chắc chắn vì mệt mỏi mà rút về!”

 

Câu: “Vương dĩ Ngu Khanh chi ngôn cáo Triệu Thích.” Dịch: “Triệu vương đem lời của Ngu Khanh nói với Triệu Thích.”

 

- Triệu Thích viết: “Thử đẳng đạn hoàn chi địa phất dữ, lệnh Tần lai niên phục công vương”. Dịch: Triệu Thích nói: “vùng đất nhỏ này mà không cho thì năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua nữa.” / Sử Ký. Qu. LXXVI. Ngu Khanh truyện.

 

Còn, 2 chữ thử đẳng trong “Tuy THỬ ĐẲNG đạn hoàn chi địa”, để chỉ  địa danh của hai Động: (động) Vật Dương và (động) Vật Ác, Hoàng Xuân Hạn dịch, “Tuy ĐẤT ẤY là nhỏ nhen”, Hai chữ “Đất Ấy”Số Ít. Trong khi câu “Tuy THỬ ĐẲNG đạn hoàn chi địa”, nghĩa là để chỉ hai động Vật Dương và Vật Ác Số Nhiều, do đó phải dịch là: “Những vùng” đất ấy mới đúng!

 

* Phụ chú: Về tiếng “đạn hoàn chi địa”, tham khảo thêm: “Chiến Quốc Sách. Qu. XX. Triệu Sách 3. Tần công Triệu ư Trường Bình”.

 

- Nguyên tác: tru cầm tiếm nghịch”. Hoàng Xuân Hãn dịch là “đánh dẹp những kẻ chiếm lĩnh”.

 

Hai chữ “TRU CẦM” trên đây, nghĩa là “Tru = “giết”, Cầm = “bắt” (giữ), “giam” (giữ).

 

Chữ “TIẾM” nghĩa là “(vượt) quá phận, nghĩa là vượt quá vai trò trong nhiệm vụ được giao, tức là việc làm không đúng quy định, vượt ra ngoài trách nhiệm”. Chữ “NGHỊCH” nghĩa là “phản loạn, phản nghịch,...”.

 

Hoàng Xuân Hãn dịch “những kẻ chiếm lĩnh” thì không nói hết ý của nguyên tác, tức thiếu các ý “PHẢN NGHỊCH”“KHÔNG CHÁNH ĐÁNG”.

 

- Câu “tru cầm tiếm nghịch” phải dịch là: “Diệt trừ, bắt giữ những kẻ phản nghịch chiếm cứ đất đai không chính đáng”.

 

- Câu “Dự vào hàng thiên thần”. Trong nguyên tác không câu nào có ý nghĩa như Hoàng Xuân Hãn viết câu nầy. Người viết không rõ Hoàng Xuân Hãn lấy từ đâu viết ra?

 

Đối chiếu từng câu một so với nguyên tác, thì có vẻ như Hoàng Xuân Hãn đã dựa vào câu “khởi cảm bị số ư phiên viên” mà dịch (hay viết) ra.

 

Nếu dự đoán của chúng tôi (tức học giả Minh Di) đúng, thì Hoàng Xuân Hãn đã dịch sai!

 

Tiếng “bị số” (trong câu “khởi cảm BỊ SỐ ư phiên viên”) tức là “sung số”. Trong từ điển Từ Nguyên giải nghĩa 2 chữ “SUNG SỐ” như sau:

 

a. “Sung số”. Miễn cưỡng thấu số”.

 

b. “Sung số”. Miễn cưỡng gom lại cho đủ số”.

 

Nghĩa là “vùng đất ở giáp với ranh giới 2 nước”.

 

PHIÊN là hàng rào, VIÊN là bờ tường thấp. Rào, tường đây chính là hàng rào hay bức tường xây dựng dọc theo biên giới để làm ranh giới giữa hai nước - Trong bài, là để chỉ lằn ranh giới giữa 2 nước.

 

Ngoài ra, hai tiếng “phiên viên” còn dùng để chỉ quan chức trấn giữ biên cương bảo vệ đất nước. Chẳng hạn, Phiên tướng là tướng trấn giữ biên giới.

 

Trong nguyên tác: thâu sinh ư khoảnh khắc”. Hoàng Xuân Hãn dịch là “sống trong chốc lát.” - tức đã dịch thiếu mất chữ “THÂU”. THÂU có nghĩa là “trái đạo nghĩa”. Tiếng “thâu sinh” ở đây có nghĩa là “sống trái với đạo nghĩa”.

 

Chữ “THÂU” ở đây, còn có nghĩa là “trộm”, nên có người đã dịch là “sống trộm”. Sai!

 

* Hoàng xuân Hãn DỊCH THIẾU.

 

So với nguyên tác Hoàng Xuân Hãn đã dịch thiếu những câu sau đây:

 

1). Nguyên tác: “Thường bất li mộng mị giả”. Học giả Minh Di giảng dịch là: “thường chẳng lìa giấc mộng của thần” (chữ thần ở đây rút ngắn ở hai chữ “hạ thần”, đó là cách nói hạ mình của nhà vua ở nước nhược tiểu nói với bậc Thiên tử bề trên, không có nghĩa là thần thánh – Ý nói là sự nghĩ nhớ về việc đòi lại 2 Động Vật Dương và Vật Ác thường hằng canh cánh bên lòng của vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127; tại vị: 1072 - 1127) đến đỗi trong giấc ngủ sự nghĩ nhớ này vẫn thường hiện trong giấc mộng của vua, tức Lý Nhân Tông vẫn thường chiêm bao về việc mất 2 Động Vật Dương, Vật Ác này.

 

Nguyên văn bài Biểu trong nguyên tác:

 

 

 

Phiên âm Việt Nho:

 

“Hạ ấp hữu Vật Dương, Vật Ác nhị động bát huyện, dữ tỉnh nhưỡng tiêp liên. Tiền hậu bị thủ thổ nhân bạn khứ, uỷ thân quy minh. Kỳ Vật Dương ư binh thìn niên mông thu nhập tỉnh; Vật Ác ư Nhâm tuất niên mông thu thiết Thông Khang ải.

 

Tuy thử đẳng đại hoàn chi địa, vưu công thống hoài, thường bất ly mông mị giả. Thành dĩ tiên tổ thần bình tích tru cầm tiếm nghịch, xung gian mạo hiển, tất mệnh chi sở trí dã. Kim mạt tháo bất năng tự thừa, khởi cảm bị số ư phiên viên, thâu sinh ư khoảnh khắc dã.

 

Giáp tý niên, Quảng Tây kinh lược ti thường vị thân tấu. Tiên triều dĩ Túc, Tăng nhị động lục huyện tứ thần chủ ĩnh. Tiếp Túc, Tang đẳng hiện thuộc hạ ấp, phi kim chi trần thỉnh chi địa, bất cảm bái mệnh.

 

Phục ngộ bệ hạ nhất tân vũ nội, cẩn cụ biểu dĩ văn.

 

Bản dịch của THANH BĂNG - HOÀNG LÊ:

 

Thỉnh Hoàn Vật Dương, Vật Ác Nhị Động Biểu:

 

- “Nước tôi có đất Vật Dương, Vật Ác, gồm hai động và tám huyện, vẫn tiếp liền với phần đất tỉnh (Quảng Tây). (Những đất ấy) trước sau đều bị bọn đầu mục thổ dân làm phản, bỏ đi, đem theo về với Trung Quốc. Đất Vật Dương thì năm Bính thìn (1076) bị sát nhập vầo đất quý tỉnh; đất Vật Ác thì năm Nhâm tuất (1082) cũng bị sát nhập và đặt thành ải Thông Khang.

 

Mặc dầu đấy chỉ là mảnh đất nhỏ nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót, luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng. Quả thực tổ tiên tôi xưa kia đã phải đánh dẹp phường tiếm nghịch, xông pha gian nguy, không tiếc tính mạng mới có được đất ấy. Nay tôi phận con cháu, đã không kế tục được cơ nghiệp được (cha ông) thì dám đâu dự vào hàng mộ nước phên dậu, cầu lấy cái sống tạm bợ trong chốc lát.

 

Năm Giáp tý (1084), Ti kinh lược Quảng Tây đã vì nước tôi mà tâu bày về triều. Tiên triều đã đem đất Túc, Tang gồm hai động và sáu huyện trả lại cho tôi chủ lĩnh. Các đất Túc, Tang ấy hiện thuộc nước tôi rồi, chẳng phải là đất mà tôi bày tỏ ở đây. (Bởi vậy), tôi không dám vâng mệnh.

 

May gặp khi bệ hạ (lên ngôi), khắp bờ cõi  thảy đều đổi mới. Vậy kính cẩn [nêu] đầy đủ trong tờ biểu này để quý quốc nghe biết. (Sử gia Tư Mã Thiên (145 - 86 tr. Cn) chép trong bộ “Sử Ký”)

 

Thái Quốc Mưu So sánh: Những vị vua đất Việt ngày xưa, tuy thần phục nước Tàu, nhưng bằng mọi cách vẫn cương quyết giữ đất đai của tiên tổ – dầu phải quỳ lụy xin xỏ, nhưng quyết liệt khẳng định: “Tiên triều đã đem đất Túc, Tang gồm hai động và sáu huyện trả lại cho tôi chủ lĩnh. Các đất Túc, Tang ấy hiện thuộc nước tôi rồi, chẳng phải là đất mà tôi bày tỏ ở đây. (Bởi vậy), tôi không dám vâng mệnh.”

 

Nghĩa là Người Xưa dù phải quỳ lụy nhưng cương quyết không thể giao đất cho giặc Tàu. Ngày nay thì sao? Tôi không biết.

 

Xin mở ngoặc nói thêm: (Vào thời điểm gởi thư trên (1086) cho Tống triều, Lý Nhân Tông mới có 14 tuổi - còn là một trẻ nít, thì không thể có một sự suy tư, nghĩ ngợi, như viết trong thư. Dĩ nhiên thư là do văn thần triều Lý viết thay vua nhỏ của mình. Còn phía bên kia, vua Tống triều, Tống Triết Tông (1077 - 1100; tại vị: 1085 - 1100), cũng là một đứa con nít, còn nhỏ hơn vua Lý. Đương thời Tống Triết tông mới 9 tuổi).

 

2). Nguyên tác: “Tất mệnh chi sở trí dã”.

 

Từ điển Từ Nguyên giải nghĩa 2 chữ “tất mệnh” như sau:

 

a)- “Tất mệnh” là Tận lực mệnh lệnh”.

 

b)- “Tất mệnh” là Tận sức đến xả bỏ cả mạng sống”.

 

Tiếng “tất mệnh” nghĩa cũng như “trí mệnh”, nghĩa là “giao mạng, bỏ mạng để phục vụ tổ quốc”

 

Các tiếng nầy được dùng để chỉ sự dốc hết sức lực để làm một dầu có bỏ mạng vì quốc gia dân tộc cũng đành! Nói môm na là “chơi tới cùng!”

 

* Kinh Dịch, Quẻ Khốn (Đoài / Khảm), Đại Tượng từ:

 

- “Tượng viết: Trạch vô thủy, Khốn, quân tử dĩ trí mệnh toại chí”. Dịch: “Tượng viết: Đầm không có nước, là (Tượng = hình ảnh) của Quẻ Khốn, bậc quân tử coi đó mà đến bỏ cả tính mạng để thực hiện cho được chí hướng của mình”. Câu này Học giả Minh Di đã dịch: “dốc hết sức mình, bất kể tính mạng mà cố (giữ thành, hay đất) cho được!”.

 

3). Nguyên tác: “khởi cảm bị số ư phiên viên?” nghĩa là “vùng đất ở sát ranh giới 2 nước”.

 

Trong bộ Lý Thường Kiệt, Hoàng Xuân Hãn dịch thiếu 3 câu trên đây! Ba câu nầy chẳng phải khó dịch, nhưng chẳng biết vì sao ông không dịch? Sơ ý chăng?

 

Về hai động Vật Dương và Vật Ác, người viết không biết địa phận vùng đất trên hiện nay nằm ở đâu? Tôi, Email thỉnh ý Học giả Minh Di ở Úc Châu, ông cho biết:

 

“Như anh biết, các sử-sách Tống và Việt đều có chép hai tên đất ấy, nhưng không chỉ rõ ở vùng nào. Nay góp-lặt và tham-khảo những tư liệu rời-rạc ta có thể nhận ra rằng hai động ấy ở phía Tây-Bắc Cao-Bằng ngày nay” - Minh Di.

 

 

* PHẦN VIỆT SỬ:

 

a)- Về Lý Thái Tổ:

 

I. Trong Lãnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi, viết:

 

- “Lý Công Uẩn, tên chữ là Triệu Diễn, con thứ của Lý Thuần An thuộc dòng dõi Lý Tung, Tể tướng nhà Hậu Tấn. Tung bị vu oan rồi bị hại. Con cháu phải đến phương Nam tị nạn, định cư ở Lý gia trang phía đông Loan Hải, quận Mân Châu. Để tránh bị truy nả bèn đổi sang họ Lê đến khi làm vua. Mãi đến sau khi thiên đô về Thăng Long mới lấy lại họ Lý.”

 

II. Lý Trang Chử Nội Lý Thị Phòng Phả, viết:

 

- “Lý Công Uẩn, có tên khác là Lý Công Tố, hiệu Triệu Diễn, giỏi võ công, giỏi văn chương. Từ nhỏ theo cha di cư đến Bắc Giang, Giao Chỉ. Công Uẩn được Lê Chí Trung dùng làm đại tướng, Năm Canh Tuất Chí Trung chết, con Chí Trung còn nhỏ, em là Minh Sưởng giành ngôi, Công Uẩn giết Minh Sưởng tự lập làm vua đất Giao Châu. Vợ họ Trần.”

 

III. Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư viết:

 

- “Dưới triều nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ

là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô Hoa Lư bấy giờ. Năm 1005, Lê Trung Tông bị em trai là Lê Long Đĩnh sát hại, ông ôm Trung Tông khóc, Long Đĩnh cho rằng Uẩn là tôi trung, bèn cho giữ chức quan Cận vệ. Đến năm 1009, Long Đĩnh qua đời, con trai còn nhỏ, ong Uẩn được lực lượng của Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh tôn làm Hoàng đế.”

 

Ba đoạn I - II và III trên đây viết về nguồn gốc, cách xuất thân của Lý Thái Tổ, rất đáng tin.

 

Những truyền thuyết, huyền thuyết dưới đây, trích từ Wekipedia:

 

1. “Phạm Thái Hậu đi chơi núi Tiên Sơn, cùng với thần giao hợp mà sinh ra Lý Công Uẩn. Lý Khánh Vân nuôi làm con, nhận là họ Lý. Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: “Thái Hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra Vua, nhà sư Vạn Hạnh đem về nuôi.”

 

2. “Mẹ Lý Thái Tổ năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt và bà đương ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra Vua (Lý Công Uẩn)”.

 

Chữ “lão” ở đây không phải chỉ người già, mà dùng để chỉ người đàn ông là tu sĩ nhà Phật, một cách khinh bỉ, bởi kẻ đó không phải là nhà tu chân chính, lương thiện.

 

Đoạn văn trên đây, theo người viết nghĩ có thể sự việc như sau: “Người phụ nữ họ Phạm nghèo khó, phải nương thân trong chùa, bị một lão Sa môn (Sa môn, để chỉ nam tu sĩ Phật giáo, tức thầy Chùa), cưỡng dâm rồi có thai. Còn nói, “lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải giật mình trở dậy rồi có thai”, chỉ là cách ngụy biện, gỡ gạc cho Mẹ vua “không có chồng mà có chửa”.

 

Người Trung Hoa, gọi hai chữ Sa môn bằng “CẦN TỨC”, có nghĩa, “người tu sĩ nhà Phật dẹp hết tính ác để tiếp thu tính thiện”. Còn Sa di để chỉ giới nam mới quy y cửa Phật, sau khi kẻ ấy nhận đủ mười giới răn của Phật pháp, hầu tự răn mình, tránh tội ác và trở thành người biết sống lương thiện và làm điều thiện. Người Việt thường gọi Sa môn là Chú Tiểu. Nếu kẻ đó thuộc giới nữ, thì gọi là Sa di ni.

 

3. “Mẹ Vua ở quanh quẩn trong rừng Cổ Pháp hốt nhiên chết, kiến, mối xông đất đẩy thành mả, cao bảy thước được chỗ đất tốt chung linh. Đến bây giờ Vua về yết lăng, trông thấy cây cối xanh tốt, loài chim bay liệng cảm động rớt nước mắt, sai đo quanh mộ mỗi bên vài mươi thước làm cấm địa, sau này các triều có phụ táng ở đó đều gọi là Thọ lăng.”

 

4. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết: Lý “Thái Tổ, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang. Mẹ là người họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với thần giao hợp, rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 thời Đinh (974). Lớn lên làm quan nhà Lê, thăng đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ”.

 

5. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là bộ chính sử của nhà Nguyễn do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856-1884, viết: “Công Uẩn, người Cổ Pháp Bắc Giang. Sinh ra đã thông minh sâu sắc, dung mạo đẹp đẽ khác thường, khi nhỏ thường thụ nghiệp với sư Vạn Hạnh. Vạn Hạnh thấy rất lạ mới nói rằng: “đây không phải người thường, ngày sau tất sẽ làm chủ thiên hạ”.

 

6. Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn thời vua Tự Đức, viết: “Quê hương của Lý Công Uẩn là Cổ Pháp thuôc Giao châu. Người mẹ họ Phạm ăn ở với “Thần nhân” mà sinh ra... Nhưng khi lên ngôi Công Uẩn lại truy phong cha làm Hiển Khánh Vương, mẹ làm Minh Đức Thái hậu. (Bịa đặt rồi tráo trở, sử mà viết như đồ chơi trẻ em).

 

Qua 6 lần (từ 1-6), viết về cách xuất thân của đấng minh quân Lý Thái Tổ nêu trên, người viết nhận thấy: Đất nước, dân tộc, tôn giáo, triều đại nào cũng tự tạo cho mình một huyền thoại “không giống ai”. Sau đó, vì lợi ích phe nhóm hoặc tôn giáo, họ xây dựng những công trình vật chất để tạo thành “Chứng Tích”. Từ những cái gọi là “Chứng Tích” ấy về lâu dài sẽ được nâng lên thành “Di Tích Lịch Sử” để mê hoặc, lường gạt, dối trá, để ru ngủ lòng người” Và, chỉ có con người mới có khả năng “lộng giả thành chân” để dối lừa nhau.

 

Điều lạ lùng là, “lý lịch” (tiểu sử) của một đấng minh quân (dù là dân Tàu thứ thiệt) ở đất nước luôn tự hào có trên bốn ngàn năm văn hiến, thế mà sử sách, đất nước dân tộc mình viết cũng không đồng nhất, thiếu xót quá nhiều, bịa đặt tùm lum... Chợt nghĩ vui, hay là các nhà sử học nước ta muốn dạy cho hậu duệ của mình cái trò gian gian, trá trá như “Ai kia” tung hỏa mù tiểu sử để dối lừa dân dân tộc Việt

 

b)- Về danh tướng Lý Thường Kiệt:

 

Hầu hết, sử Việt chỉ viết Lý Thường Kiệt mà không ghi rõ Lý Thường Kiệt tên thật là Lý Thượng Cát, nguyên là một Hoạn Quan.

 

Hai tiếng “Hoạn Quan” dùng chỉ những người yêu nước tự cung (tự thiến) để không vướng bận gia đình, với ý muốn gần gũi vua hầu phục vụ đất nước một cách tích cực. Còn thái giám là thành phần bị cưỡng bức cung hình (bị thiến) để ngăn chận mọi quan hệ tình dục với cung tần, thị nữ cùng phục vụ trong hậu cung. Giới nầy gọi là Hoạn Nô.

 

Do giới tự hoạn với lý do cao cả quá ít (dường như Việt Nam chỉ có hai vị Lý Thường Kiệt và Lê văn Duyệt), về sau người ta gọi hoạn nô (thái giám) bằng hoạn quan.

 

c)- Lê Đại Hành (Lê Hoàn):

 

Cũng như Lý Thường Kiệt phần Lê Hoàn (Lê Đại Hành), sử Việt chỉ viết thuần Lê Hoàn, không ghi một tên khác là Lý Uy.

 

- Câu: “Tần ký giải Hàn Đan vi nhi Triệu vương nhập triều, sử Triệu Thích ước sự ư Tần, cát lục huyện nhi cấu.” Dịch: “Sau khi Tần rút quân, không vây Thành Hàn Đan nữa, thì Triệu vương vào triều, liền sai Triệu Thích giao ước việc thần phục Tần, cắt 6 huyện cho Tần để giản hòa.

 

- Ngu Khanh vị Triệu vương viết: “Tần chi công vương dã quyện nhi qui hồ? Vương dĩ kỳ lực thượng năng tiến, ái vương nhi phất công hồ? Dịch: “Ngu Khanh nói với Triệu vương: “Tần tới tấn công nhà vua có phải vì quân mệt mỏi mà rút về chăng? Nhà vua có cho rằng lực của Tần còn có thể tiếp tục tấn công, thế nhưng vì thương nhà vua mà không tấn công nữa hay không?”

 

- Ngu Khanh viết: “Tần dĩ kỳ lực công kỳ sở bất năng thủ, quyện nhi qui. Vương hựu dĩ kỳ lực chi sở bất năng thủ dĩ tống chi, thị trợ Tần tự công dã! Lai niên Tần phục công vương, vương vô cứu hĩ!” Dịch: “Ngu Khanh nói, “Tần thấy lực của mình đánh chiếm cái không thể chiếm được, bởi lẽ đó, khi thấy quân mệt mỏi mà rút về, bây giờ nếu nhà vua nghĩ là quân lực của Tần không thể đánh chiếm được Thành của Triệu mà lại cắt đất nhượng cho Tần thì đây là nhà vua giúp Tần để tự đánh mình! Năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua thì chừng đó nhà vua không cứu được mình nữa!”.

 

- Vương viết: “Tần chi công ngã dã bất di dư lực hĩ, tất dĩ quyện nhi qui dã!” Dịch: Triệu vương nói: “Quân Tần đánh ta không còn sức nữa, đây chắc chắn vì mệt mỏi mà rút về!”

 

- Câu: “Vương dĩ Ngu Khanh chi ngôn cáo Triệu Thích.” Dịch: “Triệu vương đem lời của Ngu Khanh nói với Triệu Thích.”

 

- Triệu Thích viết: Thử đạn hoàn chi địa phất dữ, lệnh Tần lai niên phục công vương”. Dịch: Triệu Thích nói: “vùng đất nhỏ này mà không cho thì năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua nữa.” / Sử Ký. Qu. LXXVI. Ngu Khanh truyện.

 

Thái Quốc Mưu

_______________

 

Tham khảo và đối chiếu có trích đoạn, từ:

- Bộ Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, NXB Văn học, 1995.

- Thỉnh ý trực tiếp Học giả Minh Di (bậc đàn anh của người viết)

- Lãnh Ngoại Đại Đáp của Chư Khứ Phi.

- Sử Ký của Tư Mã Thiên

- Tự điển Hán Việt Thiều Chửu

- Tống Sử. Qu. CCCXXXII.

- Bách Khoa Toàn Thư.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.