Bài sưu tập
Sáng nay dạo một vòng quanh thành phố, thấy nhà nào cũng treo cờ nhưng không có gió, cờ rủ một cách tự nhiên. Ngoài đường băng rôn, khẩu ngữ thấy cũng treo ít hơn mọi năm. Lướt qua các trang báo lớn cũng ít gặp những bài ca tụng chiến thắng. Phải chăng không khí mừng ngày 30/4 đang dần lắng xuống!
Gia đình tôi là cộng sản nòi, hai bên nội ngoại điều có người tham gia kháng chiến: chống pháp, chống Mỹ, biên giới tây Nam, phía Bắc. Hi sinh có, thương binh có. Bố mẹ tôi cũng điều xuât thân từ quân ngũ. Vậy nên, từ nhỏ tôi chịu ảnh hưởng cái gọi là “truyền thống cách mạng”. Nhớ, mỗi khi xem phim tư liệu chiến tranh hay xem duyệt binh nhân các ngày lễ lớn lòng cứ rưng rưng xúc động, cứ như thể là mình đang trong cuộc hành quân ấy. Lớn lên tự dưng cái cảm xúc ấy mất dần, thay vào đó là những suy nghĩ, những nỗi buồn.
Ngày đó, chúng bạn tôi thường nói với nhau, ước gì sinh sớm hơn để được cầm súng đánh Mỹ, giải phóng miền Nam. Giờ gặp nhau, nhắc chuyện xưa, đứa nào cũng cười nói, nếu giờ Mỹ quy lại tao theo Mỹ. Đúng là thời con trẻ.
Sau chiến tranh thế giới, có ba nước bị chia cắt làm hai, với hai chế độ khác nhau: Đức, Việt Nam, Triều Tiên. Nước Đức thống nhất trong hòa bình khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam thống nhất bằng chiến tranh, Triều Tiên đến nay vẫn chia cắt làm hai. Trong ba nước, Việt Nam tuy lãnh thổ đã thống nhất nhưng lòng người sau 42 năm vẫn chia cắt. Những hận thù giữ những người có chung một tổ tiên, tiếng nói, truyền thống văn hóa không dễ gì xóa bỏ. Một bên vẫn không ngừng ca ngợi chiến thắng, một bên treo cờ rủ tưởng nhớ ngày quốc hận. Trong gia đình, người anh theo cộng sản, người em phục vụ quốc gia, khi hòa bình lập lại giữa họ vẫn có một khoảng cách vô hình.
Lịch sử Việt Nam đã từng xảy ra nhiều cuộc nội chiến. Kết thúc cuộc chiến, việc trả thù bên thắng đối với bên thua bao giờ cũng tàn bạo. Nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ đã ra tay tàn sát hoàng tộc nhà Lý, những người sống sót buộc phải thay tên đổi họ chạy lên miền biên lánh nạn. Nhà Tây Sơn sau khi đánh bại chúa Nguyễn đã cho đập phá hết các lăng tẩm, đuổi cùng giết tận con cháu các chú Nguyễn. Nguyễn Ánh sau khi giành lại được thiên hạ cũng trả thù Tây Sơn bằng cách tận diệt.
Trước và sau cách mạng tháng 8, rất nhiều gia đình địa chủ, trung nông, tư sản ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng. Nhất là khi chính quyền lâm thời mới được thành lập, khó khăn vô cùng. Không ít người bỏ cả tài sản ủng hộ kháng chiến. Nhưng kháng chiến thành công rồi chính họ lại trở thành đối tượng “bị đấu tố”. Những cái chết oan ức, căm hờn đó con cháu họ mấy đời cũng không thể quên. Không những vậy, với vết đen là xuất thân gia đình địa chủ, tư sản con cháu họ còn bị phân biệt đối xử.
Khi những đoàn quân nón cối, dép cao su tiến vào Sài Gòn, thành phố trở nên tan hoang. Sự phồn thịnh nhanh chóng bị lùi tàn trong chiến dịch đánh tư sản. Một cuộc trả thù bắt đầu, nhẹ nhàn nhưng cay độc. Hàng trăm ngàn binh lính, sĩ quan và những người phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị tù đày - được gọi bằng từ hoa mỹ “cải tạo”. Không phải là một vài ngày như thông báo trước đó, mà vài năm, có người hàng chục năm. Sự khắc nhiệt của các nhà tù đã cướp đi sinh mạng không biết bao nhiều người. Kéo theo đó là thân nhân gia đình họ bị phân biệt đối xử. Để người dân quên đi chế độ cũ, mọi tàn tích của nó điều bị đập bỏ, kể cả việc đổi tên một thành phố dù nó có 300 năm lịch sử.
Nói cho đúng, không có một cuộc giải phóng nào ở đây cả. Tất cả là sự tàn phá. Làm sao có thể nói những người đi xe đạp giải phóng những người đi ô tô ? đó là một nghịch lý.
Người dân miền Nam không thể ngờ được rằng, sau khi đất nước thống nhất nước cuộc sống của họ lại bi đát đến vậy. Chỉ mấy năm sau ngày 30/4 ấy, họ đã được trãi nghiệm cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Còn với người miền Bắc lần đầu tiên đặt chân đến miền Nam, nhất là vào Sài Gòn họ đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác – miền Nam không phải như những gì họ được biết trước đó.
Những người miền Nam theo, ủng hộ kháng chiến giờ mới vỡ lẽ, chiếc bánh vẻ thì làm sao ăn được. Tôi từng nghe câu chuyện, một gia đình có hàng trăm mẫu đất ủng hộ kháng chiến, nhưng sau 30/4 tất cả bị thu gom vào hợp tác xã, sau nay khi hợp tác xã giải tán gia đình họ chỉ được chia ruộng theo nhân khẩu. Đau đớn, tức tưởi nhưng cũng đành ngậm bồ hòn khen ngọt.
Cả nước đói khổ, bắt đầu một làn sóng vượt biên. Chỉ cần nghe cụm từ “đi được cái cột điện cũng muốn đi”, đủ để hiểu cuộc sống cùng cực đến mức nào. Hàng triệu người đã chọn cách ra đi, biết bao người bỏ mạng giữa biển khơi. Những người may mắn đến được bến bờ tự do không bao giờ quên được những ký ức hãi hùng đó.
Miền Bắc, nạn đói vượt sức chịu đựng của người dân, họ không thể vượt biên như ở miền Nam. Một làn sóng di cư làm kinh tế mới ở Tây Nguyên, Nam Bộ bắt đầu. Những cánh rừng bị triệt hạ, sức tàn phá của lưỡi cày thật khủng khiếp, nó hơn cả bom đạn chiến tranh. Sau mấy chục năm, Tây Nguyên hết rừng.
Biết là lịch sử không có “nếu như”, không thể cải biên những gì đã sảy ra. Nhưng vẫn tự hỏi, nếu không có ngày 30/4/1975 ấy, Việt Nam sẽ thế nào?
Chắc chắn sẽ như Hàn Quốc và Triều Tiên bây giờ. Đất nước chia hai với hai chế độ chính trị khác nhau. Người dân hai miền cũng có cuộc sống khác nhau. Miền Bắc sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc hơn và vẫn bị Mỹ cấm vận, mà như chúng ta đã biết nếu đã bị Mỹ cấm vận thì chỉ có nghèo và lạc hậu. Không có vượt biên, không có cải tạo, tù tội. Sài Gòn sẽ không nhếch nhác và lộn xộn như bây giờ, Tây Nguyên không đến nổi tan hoang vì phá rừng…
Nhưng không thể khác được, ngày 30/4 đã xảy ra.
Đã 42 năm trôi qua, những tưởng với ngần nấy thời gian Việt Nam đã có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Hồ Chí Minh nói. Nhưng vẫn xếp đâu đó trong danh sách những nước nghèo nàn lạc hậu. Mối hận thù giữ bên thắng và bên thua vẫn còn đó. Non sông tuy thu về một mối nhưng lòng người tan nát, đất nước tan hoang. Tất cả là định mệnh của dân tộc.
Định An
01/05/2017