Nov 24, 2024

Tin tức

Bản Tin Tức Cuối Cùng của Đài Phát Thanh Sàigòn ngày 29-04-1975
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 11:33:44 AM, Apr 30, 2017 * Số lần xem: 1499
Hình ảnh
#1

 

 
 
Những xướng ngôn viên của Đài Sài Gòn ngày 29-4-1975 giống như những nhạc công cần mẫn trên boong tầu Titanic, trong giờ phút lâm chung của tàu Titanic, tất cả đều hỗn loạn, nhưng họ vẫn bình thản tấu đoạn nhạc vui Mozart,…Sài gòn ngày 29-4-1975 cũng hỗn loạn, người ta giẫm đạp lên nhau để leo lên trực thăng hay trèo lên chiến hạm há mồm ở cửa biển như trong hồi ký Cao Xuân Huy,…mời quý vị nghe bản nhạc cuối cùng trước khi chiếc “Titanic” Việt Nam Cộng Hòa chìm xuống !
 
Bản tin tức cuối cùng của Đài phát thanh Sài Gòn ngày 29-4-1975

Mời quý độc giả nghe lại bản tin tổng kết của những ngày đen tối nhất của Việt Nam Cộng Hoà do Nữ xướng ngôn viên Mai Thy thay Nữ xướng ngôn viên Mai Liên của Đài Phát thanh Sài Gòn trình bày. ( Mai Liên và Mai Thy đều là XNV của Đài Phát Thanh SG)

 
Không hiểu do cố ý hay vô tình bản tin này được đệm tấu với bài Exodus: Di Cư (This Land is Mine) của Do Thái.
 
Đất này của tôi, trời ban nước này cho tôi…
Muốn giữ đất nước này làm nhà, tôi phải chiến đấu cho đến cùng để gìn giữ đất nước này cho chúng ta.
Cho đến khi nào tôi trút hơi thở cuối cùng, đất này là quê hương của tôi.
This Land Is Mine
This land is mine, God gave this land to me
This brave and ancient land to me
And when the morning sun reveals her hills and plain
Then I see a land where children can run free
So take my hand and walk this land with me
And walk this lovely land with me
Though I am just a man, when you are by my side
With the help of God, I know I can be strong
Though I am just a man, when you are by my side
With the help of God, I know I can be strong
To make this land our home
If I must fight, I’ll fight to make this land our own
Until I die, this land is mine
(Lời bình luận của Web. Đàn Chim Việt)

*****************

Bây giờ mời quý thính giả nghe tổng kết tin tức trong 2 tháng, từ trung tuần tháng 3 đến thượng tuần tháng 4. 

Thưa quý vị thính giả:


Ngày 17 tháng 3 – Tổng thống Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ trọn vùng cao nguyên Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, dân chúng bắt buộc phải di tản đường bộ, theo quốc lộ số 7, một con đường bỏ hoang từ thời kỳ Pháp thuộc.

Ngày 19 tháng 3 – Phú Bổn và phần còn lại của Quảng Trị thất thủ, Huế và Đà Nẵng bị đe doạ nặng. Dân tị nạn đổ dồn về Đà Nẵng, cầu không vận được thiết lập nối liền Sài Gòn-Đà Lạt.

Ngày 20 tháng 3 – Dân tị nạn đổ về hướng Nam trong cảnh chết chóc. An Lộc thất thủ. Huế đang ở trong gọng kềm của Cộng quân. Tính đến nay Cộng quân đã chiếm 8 tỉnh trong số 44 tỉnh của miền Nam.

Ngày 21 tháng 3 – Huế thất thủ, Bắc Việt tấn công Quảng Đức, Gia Nghĩa, Khánh Dương. Có thể nói lần tấn công này mạnh hơn hồi Tết Mậu Thân.

Ngày 23 tháng 3 – Một tàu chở dân tị nạn Huế bị bảo đánh chìm ngoài biển Đà Nẵng. Trời không tha dân lành.

Đến Ngày 24 tháng 3 – Tam Kỳ (tức Quảng Tín) bị thất thủ. Quảng Đức và Quảng Ngãi cũng rơi vào tay Cộng quân.

Ngày 25 tháng 3 – Dân số ở Đà Nẵng lên tới 1 triệu rưỡi, tổng thống Thiệu yêu cầu Trần Thiện Khiêm cải tổ nội các.

Và Ngày 26 tháng 3 – Nhiều đơn vị quân đội bắt đầu hỗn loạn, mất tinh thần trong những cuộc tháo chạy. Nhiều cảnh thanh toán nhau diễn ra tại Đà Nẵng.

Ngày 27 tháng 3 – Đà Nẵng lâm nguy trước các mũi dùi của Bắc Việt. Bảo Lộc, Lâm Đồng cùng chung số phận. Trong khi đó, ở Sài Gòn, tướng Kỳ tái xuất hiện đòi TT Thiệu từ chức. 2 nghị sĩ, 1 giáo sư, 3 tướng lãnh và 3 ký giả bị bắt vì âm mưu đảo chánh. Dân tị nạn lên tới 2 triệu.

Ngày 28 tháng 3 – Hội An, Lâm Đồng lọt vào tay Cộng quân. Đà Nẵng vô cùng nguy ngập.

Và Ngày 29 tháng 3 – Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa leo tàu ngoài khơi Đà Nẵng để chỉ huy binh lính. Dân chúng không còn đường để tháo chạy.

Vào Ngày 30 tháng 3 – Đúng 3 giờ sáng TT Thiệu ra lệnh rút bỏ Đà Nẵng, mặc dù các đơn vị đang còn giao tranh ác liệt với Bắc Việt.

Cuối cùng, ngày 31 tháng 3 – Qui Nhơn bị tấn công, Nha Trang bị pháo kích, dân miền duyên hải này ùa nhau kéo về Sài Gòn. Khối Phật giáo Ấn Quang xuống đường đòi TT Thiệu từ chức. Cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố tại Paris sẵn sàng làm trung gian cho 2 bên tại miền Nam.
Thưa quý thính giả,

Vào ngày mồng 1 tháng Tư – Qui Nhơn, Phú Yên, Nha Trang hoàn toàn lọt vào tay phía Bắc Việt, 14 trên 44 tỉnh của miền Nam bị mất. Bắc Việt kêu gọi dân chúng tự động đứng lên lật đổ TT Thiệu.

Vào ngày mồng 2 tháng Tư – Đa số tuyệt đối thượng nghị sĩ tại Thượng viện VNCH đồng thanh kết án TT Thiệu và đòi TT Thiệu từ chức. Tại Paris, bà Nguyễn thị Bình tuyên bố một cuộc tấn công vào thẳng Sài Gòn rất có thể xảy ra. Cam Ranh thất thủ.

Ngày mồng 3 tháng Tư – Qua trung gian của phái đoàn Mặt Trận tại Tân Sân Nhất, Phía Mặt Trận cho biết sẵn sàng ngưng chiến và hòa đàm với một chính phủ không có TT Thiệu. Hội đồng tướng lãnh VNCH yêu cầu TT Thiệu từ chức.

Đến ngày mồng 4 tháng Tư – Thủ tướng Khiêm từ chức, chủ tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn làm thủ tướng. Mặt Trận tuyên bố thẳng rằng họ chỉ thương thuyết khi TT Thiệu ra đi. Một âm mưu đảo chánh khác bị lộ, nhiều người bị bắt. Cần Thơ bị pháo kích lần đầu kể từ 7 năm nay, và một máy bay Mỹ chở cô nhi tị nạn rơi gần Sài Gòn.

Vào ngày mồng 6 tháng Tư – Một đơn vị nhảy dù VNCH tự động chiếm lại Nha Trang nhưng rồi cũng không giữ được lâu.
 
Đến ngày mồng 8 tháng Tư – Dinh Độc Lập bị dội bom, viên phi công lái máy bay ra vùng Việt Cộng mới chiếm đóng. Xe tăng Việt Cộng mở cuộc tấn công Chân Thành, cách Sài Gòn 30 cây số.

Đến ngày mồng 9 tháng Tư – Chiến trường Xuân Lộc bùng nổ. Hà Nội gởi phi cơ vào những vùng mới chiếm đóng. Các phong trào nhân dân ở Sài Gòn tiếp tục đòi TT Thiệu từ chức.

Đến ngày 14 tháng Tư – Nội các Nguyễn Bá Cẩn trình diện.

Ngày 15 tháng Tư – Kho bom lớn nhất miền Nam tại Biên Hòa bị Cộng quân đặt chất nổ phá tan. Phi trường Biên Hoà bị pháo tới tấp.
 
Vào ngày 16 tháng Tư – Phan Rang thất thủ.
 
Đến ngày 17 tháng Tư – Đại tướng Dương văn Minh đòi TT Thiệu từ chức để cứu vãn tình hình.

Đến ngày 18 tháng Tư – 10 sư đoàn Bắc Việt, gồm 100 ngàn quân thiện chiến tập trung cách Sàigòn 19 cây số.

19 tháng Tư – Trưởng phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng đòi các nhân viên Mỹ, kể cả đại sứ Martin rời khỏi Sàigòn trước khi có thể có hội đàm.
 
Và ngày 20 tháng Tư – Phan Thiết thất thủ.
 
21 tháng Tư – TT Thiệu tuyên bố từ chức trao quyền cho Phó Tổng thống Trần văn Hương. Mặt Trận Giải Phóng không chịu và đòi nói chuyện với chính phủ không có người của TT Thiệu.
 
Ngày 23 tháng Tư – Hàm Tân thất thủ. Căn cứ Không quân Biên Hòa dời về Sài Gòn. 125 ngàn quân Bắc Việt và Mặt Trận đang vây 55 ngàn quân VNCH quanh biệt khu thủ đô. Tại đại học Tulane ở New Orleans, Tổng thống Ford tuyên bố “Với nước Mỹ, chiến tranh Đông Dương đã chấm dứt”.

24 tháng Tư – Nội các Nguyễn Bá Cẩn từ chức.

Đến ngày 25 tháng Tư – Tổng thống Hương cử một phái đoàn tổng trưởng đi Hà Nội, nhưng Bắc Việt bác đề nghị đó.

Ngày 26 tháng Tư – Quốc Hội bằng lòng trao quyền tổng thống cho bất cứ ai do TT Hương chỉ định.

Đến ngày 27 tháng Tư – Đường Sài Gòn – Vũng Tàu bị cắt đứt.

Và đến ngày 28 tháng Tư – Đại tướng Dương văn Minh chánh thức nhậm chức Tổng thống, nghị sĩ Vũ văn Mẫu làm thủ tướng. Cộng quân vẫn không chấp nhận đề nghị hòa đàm và họ vẫn đánh.

Cuối cùng ngày 29 tháng Tư – Phi trường Tân Sân Nhất bị pháo dữ dội. TT Vũ văn Mẫu ra lệnh người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam tức khắc trong vòng 24 tiếng. Đài Phát thanh Mặt Trận Giải Phóng đòi chính quyền Sài Gòn hãy đầu hàng.

Thưa quý thính giả,
Phần tổng kết tin tức của chúng tôi đến đây chấm dứt. Xin kính chào quý thính giả.
 
 
Xướng ngôn viên MAI THY



 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.