Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Đà Lạt và nữ sĩ Tương Phố
Tương Phố (1896 - 1973) * đăng lúc 10:07:18 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 2840


--- Lê Xuân Kỳ ---


Hôm ấy trời Đà Lạt lạnh, mà mưa trắng đục dưới những đợt gió ầm ào. Những hàng thông vi vu thổi điệu nhạc quen thuộc của cao nguyên. Trong mưa nhẹ, Đà Lạt như thiếu nữ mơ màng trước cảnh trí nên thơ. Tôi đi xe thổ mộ về phía Prim hùng vĩ. Ở đó có ngọn Tương Sơn, nơi nữ sĩ Tương Phố yên giấc ngàn thu. Vốn xưa ngọn núi thấp thuộc rặng Lang Bran này chưa có tên. Từ ngày nữ sĩ về đây yên nghỉ người đời mới gọi là Tương Sơn. Tiếng vó ngựa đều đều trên con đường nhỏ xa dần với Đà Lạt hoa lệ và đài các. Vậy là đã 60 năm kể từ khi "Giọt lệ thu" được in trên "Nam Phong tạp chí"....

...Xe dừng lại ở chân núi, nơi có tấm biển nhỏ ghi dòng chữ: "Đây Tương Sơn, nơi yên giấc ngàn thu của nữ sĩ Tương Phố". Lần bước lên lưng chừng núi là ngôi mộ của người đã viết ra Giọt mưa thu - một thiên tình sử, khóc chồng về mùa thu: khóc hết thu năm này lại đến thu năm sau. Và cứ mỗi độ thu sang, thiếu nữ lại than khóc cho số phận bẽ bàng. Tên bà đã đóng dưới bức thông hành nỗi buồn trần thế. Chúng tôi cắm lên mộ một bó nhang. Mùi hương toả trên ngôi mộ của một nữ lưu tài tử sinh ra trên đất Bắc Giang và an nghỉ ở nơi núi rừng hùng vĩ này.

Sinh thời, nữ sĩ đã chọn nơi đặt phần mộ cho mình. Cả ngọn núi chỉ có mình bà yên nghỉ, hướng về phía Bắc quê hương. bên kia núi là nơi con trai bà, ông Thái Văn Châu, người con duy nhất nằm lại. Tấm bia mộ bà ghi:

Tương Phố nữ sĩ chi mộ (1900-1973)

... Trở về Đà Lạt, tôi vào thăm ngôi nhà bà đá sống những năm cuối đời. Anh Thái Dương Minh, cháu nội cố nữ sĩ đã thân mật chuyện trò và cho tôi xem những di cảo mà gia đình còn lưu giữ được. Đây là tấm hình nữ lưu tài tử kiêu sa. Một người đẹp nhưng có nhiều nỗi đắng cay. Bà quê ở Khoái Châu - Hưng Yên nhưng lại sinh ra ở đồn Đầm, Bắc Giang. Thân phụ, một nhà nho uyên bác nhưng nặng nghĩa với đồn điền Đầm đã đặt tên cho con gái là Đỗ Thị Đàm.

"Giọt lệ thu" viết từ năm 1923 nhưng mãi năm 1938 mới được in trên "Nam Phong tạp chí". Dưới khúc ca bi sầu về mùa thu ấy ký tên Tương Phố, một cái tên đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam trong 70 năm.

Bà sinh vào một ngày đầu thế kỷ 20 và qua đời ngày 4/212/1973. Năm 17 tuổi cô gái Đỗ Thị Đàm từ Bắc Giang về Hà Nội vào học trường nữ sư phạm. Ở đây, cô nữ sinh trẻ đẹp con nhà nề nếp gặp chàng sinh viên trường thuốc Thái Văn Du, em trai Thượng thư Thái Văn Toản.

Họ yêu nhau tha thiết và trở thành vợ chồng. Năm sau, bà sinh con trai và đặt tên là Thái Văn Châu, rồi chồng bà qua Pháp du học. Và rồi anh bị bạo bệnh, về Huế vào mùa thu, vĩnh biệt cũng vào mùa thu. Người vợ trẻ đau khổ trước cảnh đời, hoà nước mắt viết nên "Giọt mưa thu". Mới 28 tuổi và với tác phẩm đầu tay, cái tên Tương Phố đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của bạn đọc, nhất là đám nữ sinh thành thị. Bà nổi tiếng một thời và đến nay cũng chưa có ai trong các nữ thi sĩ Việt Nam dám ngồi ngang ghế với Tương Phố về loại thơ bi thương này. Bà làm thơ để khóc chồng mà chính là để khóc cho cái thân phận đơn côi của chính mình. Những giọt lệ đầy vơi của kẻ còn người khuất. Ngày nay, với cách nhìn mới, đọc "Giọt lệ thu" để ta hiểu được cái đau đớn đến tột đỉnh của nỗi đau. Mà có hiểu được nỗi đau ta mới hiểu được niềm vui, và niềm vui mới có bề dày để cố mà giữ.

Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu nỡ để duyên em bẽ bàng
Anh ơi! Thu về như gợi mối thương tâm
Cứ mỗi độ thu sang em lại vò võ rầu lòng thương khóc.
Nghĩ thu năm nay đi năm sau còn trở lại
Thời ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò


(Giọi lệ thu)

Lâu này, tôi cứ tưởng nữ thi sĩ Tương Phố chỉ chuyên viết về nỗi buồn. Cũng đúng thôi, vì "Giọt lệ thu" lớn quá, làm lướt đi những mặt khác của bà. Tác phẩm của Tương Phố đã được dịch ra tiếng Pháp từ năm 1930. Nỗi buồn mùa thu đã đến tay bạn bè trên thế giới. Và, họ nhận ra "Giọt lệ thu" là nỗi buồn thời đại, một trong những nỗi buồn văn chương. Bà đã trở thành chứng nhân của nỗi buồn thời đại và thi ca lúc sinh thời.

Hầu như nỗi buồn vơi đi, năm 1935 bà lỗi hẹn với người cũ chốn dạ đài, đi bước nữa. Nữ sĩ tái giá với ông Phạm Khắc Chánh, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Bà về ở với chồng mới trong nước mắt:

Tấn tuồng tạo hoá vui chua chát
Quán trọ phù sinh khách lỡ làng
Dồn cuộc trăm năm còn giọt lệ
Thấm lan giấy mực mấy muôn hàng


Vui duyên mới, 3 năm sau bà mới đưa in "Giọt lệ thu". Chắc ông Tuần phủ tỉnh Phúc Yên cũng không ngỡ nào "ghen tuông" với người đã khuất?

Đọc trong di cảo Tương Phố, ta thấy bà còn có nhiều câu thơ rất rắn rỏi:

Ai người chiến sĩ của lòng ta,
Dẹp hẳn can qua cứu nước nhà;
Binh pháp Tôn, Ngô cười xếp lại
Mai đào chẳng để ố sơn hà?...
... Ai người hoà giải cứu năm châu,
Để giống người thôi giết lẫn nhau;
Tái tạo hoà bình, yên thế giới.
Khiến non sông cũ lại tươi màu?


Hay nhớ các chiến sĩ (dưới đây là bài "Cảm sa trường"):

Trong chăn ấm, cảm sa trường lạnh,
Chiến sĩ đêm nay đánh mặt nào?
Sương khuya đẫm ướt chiến bào
Rừng khuya gió táp biết bao lạnh lùng!


(Đông năm Quý tỵ 1953)

Nữ sĩ Tương Phố là chị em song sinh với thi sĩ Song Khê Đỗ Thị Quế, người đã nghịch ngợm gửi đến thi sĩ Tản Đà gói Rau sắng chùa Hương...
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.