Lưu Bá Ôn, danh sĩ thời nhà Minh.
Lưu Bá Ôn (劉伯溫, 1311-1375) tên thật: Lưu Cơ (劉基 ), một người có nhiều tài năng ở Trung Quốc. Ông không những là người có công gầy dựng vương triều nhà Minh, một trong những nhân vật có nhiều huyền thoại; mà còn là người dám đề cao tư tưởng “quan bức, dân phản” đồng thời là tác giả “Mại cam giả ngôn”, một tản văn nổi tiếng nhằm đả kích giới thống trị thối nát.
*
Lưu Bá Ôn, người huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang.
Nhờ siêng học, đam mê đọc sách; ông sớm làu thông kinh sử, văn chương, binh pháp và thiên văn. Đương thời có câu khen:
Thông binh pháp ai hơn Tôn Võ
Giỏi thiên văn phải kể Lưu Cơ.
Vào cuối đời Nguyên, ông thi đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan; nhưng vì bị chèn ép, bị chỉ trích hoài, nên ông tức giận bỏ về ở ẩn.
Khi Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) mới dấy nghiệp, lấy lễ mời ông ra giúp. Ông đệ trình 18 kế mưu nhằm ổn định thời cuộc, liền được tin dùng, cất ngay lên chức Quảng văn quán học sĩ.
Khi đại cuộc đã định xong, Lưu Bá Ôn được phong Thành Ý Bá. Rồi cùng với Tống Liêm (1), hai ông giúp vua chế định mọi công việc, từ khoa cử, hình pháp cho đến lễ nhạc...
Về cuối đời, do bất hòa với tể tướng Hồ Duy Dung, ông buồn rầu mà sinh bệnh.
Ông về ẩn dật ở quê rồi mất vào năm 1375, hưởng thọ 64 tuổi, có để lại Thành Ý Bá văn tập, gồm 20 quyển. (2)
*
Lưu Cơ truyện trong bộ Minh sử không ghi chép gì về thuật phong thủy của ông. Nhưng dân gian thì lại lưu truyền rất nhiều chuyện, như chuyện Lưu Cơ chọn đất xây cung điện (chép trong Anh liệt truyện), hay chuyện ông cùng các thầy phong thủy huyện Hải Diêm bàn luận về long mạch ở Trung Quốc (chép trong Lạc dao tư ngữ) v.v...
Nói tới vấn đề này, trong sách Bí ẩn của phong thủy có lời bình:
“Lưu Cơ về ẩn dật ở quê, nghe nói ông bị Hồ Duy Dung sai thầy thuốc đầu độc mà chết. Trong con mắt các thầy phong thủy, Lưu Cơ là bậc thầy về thần cơ diệu toán, là nhân vật để lại dấu ấn trong lịch sử phong thủy. Với một “thần nhân” như vậy mà không hiểu làm ăn thế nào, để đến nỗi cuối đời, bị bất hạnh, thậm chí bị đầu độc mà chết? Xem ra, thuật phong thủy không cứu nổi con người”.
Và giống như Bao Công (3), cuộc đời nhiều huyền thoại của ông đã được các nhà văn, các nhà làm phim gần đây chọn làm đề tài, để sản xuất & biên soạn ra, như: Lưu Bá Ôn Phần 1 (33 tập), Thất Tuyệt Trận-Lưu Bá Ôn II (34 tập) Thần cơ diệu toán (phim ngắn) & bộ sách Phong Thủy Đại Sư - Lưu Bá Ôn gồm 2 tập.v.v...
Trong ''Lịch sử Văn học Trung Quốc'' tập 3, có giới thiệu vài tác phẩm tiêu biểu của Lưu Bá Ôn kèm theo lời nhận xét, tóm lược như sau:
Tản văn:
-Bài Mại cam giả ngôn (Lời người bán cam): thông qua cuộc nói chuyện giữa người bán cam và tác giả, bằng giọng văn sắc sảo, sinh động, mạnh mẽ; truyện đã vạch trần và công kích sự thối nát của tầng lớp thống trị...(4)
- Bài Tùng phong các kí: lời văn điêu luyện, miêu tả thành công hình tượng và âm thanh của cây thông núi, rất xác thực và sinh động...
-Và đặc biệt hơn cả là tập Úc Li tử.
Lịch sử Văn học Trung Quốc không nói rõ Úc Li tử (cũng là tên nhân vật chính) là tập sách riêng hay nằm trong Thành Ý Bá văn tập.
Đây là tác phẩm gồm 18 chương (195 thiên), bằng thể văn ngụ ngôn, được viết vào đời Nguyên, khi ông còn ở ẩn.
Trong Lời tựa, Từ Nhất Quỳ khi nói đến ý đồ sáng tác của tác giả: “có lẽ vì ông muốn uốn nắn cái sai lầm của triều Nguyên, nên gợi ra mà nói”. Và Lịch sử Văn học Trung Quốc có lời bình rằng:
“Trong tập Úc Li tử, chủ yếu tác giả đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích của tầng lớp thống trị, để gieo rắc nhiều những thứ, như tư tưởng thống trị, quan niệm đạo đức, quan điểm định mệnh theo phong kiến...Tuy nhiên trong đó có không ít truyện ngụ ngôn đã bóc trần được hành vi tội ác bóc lột và lừa gạt nhân dân của tầng lớp thống trị, công kích sự thối nát, bất lực và lòng tham không đáy của họ, như chuyện Dưỡng thư giả (Người nuôi khỉ), Dưỡng Phong giả (Người nuôi ong)...Về mặt nghệ thuật, trong ''Úc Li tử'', mỗi bài thường ngắn gọn, nội dung sinh động, ngôn từ giản đơn, tự nhiên và đều có khả năng đứng độc lập vì chỉ được liên kết nhau qua lời bàn của nhân vật Úc Li Tử.”
Thơ ca:
Nhìn chung, lời thơ mộc mạc, hào phóng, hùng hồn mang phong cách thơ cổ, làm khơi dậy dòng thơ phục cổ sau này.
Lịch sử Văn học Trung Quốc đánh giá:
“Nhờ gần gũi nhân dân, nên trong các tác phẩm thơ ca của ông ở thời kì đầu, có không ít bài phản ảnh được hiện thực xã hội, cảm thông được nỗi thống khổ của nhân dân. Như bài Mãi mã từ, Bắc thượng cảm hoài, Tặng Chu Tông Đạo; ông không những chỉ trích gay gắt những quan lại địa phương chiếm đoạt gạo cứu tế, vu cho dân lành là kẻ cướp; mà còn vạch hành vi trần tội ác, thói hay đàn áp của chúng, làm nguy hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Điểm nổi bật nữa là, qua thơ ca, ông đã chỉ ra một chân lí cuộc sống "quan bức, dân phản”.
Giới thiệu tác phẩm:
Tản văn:
Mại cam giả ngôn (Lời người bán cam)
Tại Hàng Châu có người bán trái cây, khéo giữ cam, qua những thời tiết nóng lạnh mà không thối, lấy ra vẫn đỏ rực, chất như ngọc, sắc như vàng.
Bầy ở chợ giá bán đắt gấp mười, người ta tranh nhau mua. Tôi mua được một trái, lột ra hơi xông vô miệng mũi, nhìn ruột thì thấy khô vụn như vải nát.
Tôi lấy làm lạ, hỏi:
-“Anh bán cam cho người là để người ta bày mâm đồng rồi cúng tế hoặc đãi khách khứa hay là để khoe cái vỏ ngoài mà lừa kẻ ngu, kẻ mù? Anh thực là gạt người quá lắm!”
Người bán cam đáp:
-“Tôi làm nghề này đạ lâu năm, nhờ nó để sống. Tôi bán, người mua chưa hề ai nói gì, chỉ riêng ông là không vừa lòng ư? Ở đời, kẻ lừa gạt người không phải ít, há chỉ có riêng tôi? Ông chưa nghĩ đấy. Nay những kẻ đeo ấn cọp, ngồi lên da hổ, hống hách thay, công cụ để giữ nước, nhưng có quả là đã có mưu lược của Tôn Tẩn, Ngô Khởi không? Đội mũ lớn, đeo giải dài, hiên ngang thay, bảo khí của miếu đường, nhưng có quả dựng được nghiệp như Y Doãn, Cao Dao không? Cướp đấy mà không biết ngăn, dân khấn mà không biết cứu, quan lại gian tà mà không biết cấm, hình phạt hủy hoại mà không biết sửa, ngồi không ăn tốn lúa trong kho mà không biết nhục. Thấy họ ngồi trên bệ cao, cưỡi ngựa lớn, say rượu ngon, no thịt cá, kẻ nào mà chẳng vòi vọi đáng sợ,
hiển hách ra vẻ lắm? Kẻ nào mà chẳng ngoài như ngọc, như vàng mà trong như vải nát? Nay ông không xét họ mà chỉ xét cam của tôi.”
Tôi nín thinh, không biết đáp ra sao, lui về nghĩ lời của người ấy có cái giọng hoạt kê của Đông Phương Sóc. Hay là người ấy phẫn thế ghét tà mà mượn trái cam để phúng thích đó chăng?”
Chú thích:
Tôn Tẩn, Ngô Khởi: hai danh tướng thời xưa. Y Doãn, Cao Dao: hai hiền thần đời thượng cổ. Đông Phương Sóc: một người có tài hoạt kê, phúng thích ở đời Hán. (Nguyễn Hiến Lê dịch & chú thích.''Đại cương Văn học sử Trung Quốc'', tr. 587-588). Bạn đọc quan tâm, tìm đọc nguyên tác & phiêm âm Hán-Việt có in trong sách này.
Trong ''Quốc văn giáo khoa thư'' (lớp đồng ấu) của Trung Quốc ngày trước, có in bài Mại cam giả ngôn, dùng để dạy trẻ môn tập đọc. Năm 1925, tại Việt Nam, Nguyễn văn Ngọc (1890-1942) & Trần Lê Nhân cũng đã cùng tuyển dịch, đưa vào sách Cổ học tinh hoa với tựa đề Lời nói người bán cam, và kèm lời bàn: “…Cốt ý của tác giả muốn lấy quả cam đẹp vỏ, thối ruột mà bóc cả cái hách dịch, cái oai vệ bề ngoài của những bậc quan lớn, một đời suy đốn;để phơi bày cái thực tình bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong… thật là có ý nhị” (Nxb Trẻ, 1992, tr. 149).
Thơ ca
Cổ Thú (Biên ải xưa)
Hồ Lăng dịch thơ:
Biên ải rừng xưa cháy
Tiếng khèn đất cũ vang
Chín châu còn hổ báo
Bốn bể chửa tằm tang
Trời rộng mây đè cỏ
Sông xa cát lẫn sương
Mai đồng không cháy hết
Lại thấy thoảng mùi hương.
Đây là bài thơ luật duy nhất của Lưu Cơ được sách Lịch sử Văn học Trung Quốc trích giới thiệu kèm với lời bình: “Bài thơ thâm trầm, hàm súc; tả cảnh thê lương, tiêu điều ở chốn biên thành. Tuy nhiên ở hai câu cuối, lại toát lên một sức sống, đem lại hy vọng cho mọi người.”
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
(1)Tống Liêm (1310-1381), tự Cảnh Liêm, người Chiết Giang, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ thừa chỉ. Đương thời, ông được coi là người đứng đầu các văn thần khai quốc. Tác phẩm của ông có ''Tống học sĩ tập'', gồm 75 quyển.
(2) Trong dân gian có lưu hành sách Kham Dư mạn hưng, đề tên ông soạn. Nhưng theo giới chuyên môn thì đây là sách do người đời sau giả danh làm ra.
(3) Bao Công (999–1062), tên thật là Bao Chửng tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Hắc Tử''' hay Bao Long Đồ... Ông nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình”
(4) Đánh giá chung về thơ văn đời Minh, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) viết: “Hồi đầu còn kha khá, có ít bài sánh được với cổ văn các đời trước (một trong số đó có bài ''Mại cam giả ngôn''). Về sau, các văn nhân chỉ ham tranh biện nên bắt chước đời nào, rồi chỉ biết mô phỏng cổ nhân mà thiếu tinh thần sáng tạo”. (Sử Trung Quốc tập 2. Nxb Văn hóa, 1997, 171-172)
Sách tham khảo chính:
-Lịch sử Văn học Trung Quốc tập 3. Sở nghiên cứu Văn học thuộc Viện KHXH Trung Quốc tổ chức biên soạn. Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành, 1995, tr.195-198.
- Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997.
- Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển quyển I, Sài Gòn, 1966, tr. 724.
- Bí ẩn của phong thủy, Vương Ngọc Đức (chủ biên). Trần Đình Hiến dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc. Nxb VHTT, 1996