Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Tản mạn với bài thơ “Xem Sư Cả Chơi Cờ” của Nguyệt Lãng ,
Châu Thạch * đăng lúc 06:57:35 PM, Mar 31, 2017 * Số lần xem: 1108
Hình ảnh
Di ảnh nhà thơ nguyệt lãng
#1

                                    

XEM SƯ CẢ CHƠI CỜ

sư nói, đốn tu thì đốn ngộ
đời người như ngủ trọ gốc hoè
bây giờ xăng cộ lên cao quá
sư mĩm cười, chấp cả đôi xe!

 sư nói, tiệm tu là tiệm ngộ

vội vàng chi mà chạy lanh chanh

dưỡng quân ba năm dùng một bữa

sư khoác tay, con mã để dành!
 

sư nói, chấp nê là chấp khổ

loanh quanh trong vô lượng hải hà

nếu khi đại pháo canh toạ độ

có ích gì, sĩ tượng quanh ta
 

sư nói, ác lai thì ác giả

bước qua sông trong lúc cùng đường

màu lau trắng nhuộm dòng Dịch Thủy

đâu có cần con chốt mang gươm
 

sư nói, thiện tâm thì thiện ngộ

đời an nhiên ắt sống vô lo

cuộc cờ sấp ngửa thêm ván nữa

sư loay quay còn khách ngủ khò!
 

                                        nguyệt lãng

 

Lời bình: Châu Thạch

Nếu nói văn dĩ tải đạo thì tôi có thể mạo muội nói rằng bài thơ “ Xem sư cả chơi cờ” của Nguyệt Lãng là một bài thơ tải đạo.

Tôi được biết bài thơ nầy có được là nhân một dịp đi sáng tác tại Tam đảo-Vĩnh Phúc, tác giả đến tham quan ngôi chùa Trúc lâm thiền viện và được xem nhà sư chơi cờ. Tôi đoan rằng lời trong thơ không phải là lời của nhà sư mà chính đó là tư duy của tác giả sau khi xem sư cả đánh cờ.

Mở đầu bài thơ, tác giả cho thấy ngay cái phong cách đạo mạo nhưng không kém phần hài hước, cũng như trình độ cao cờ khi nhà sư vừa nói vừa chấp đối phương đôi xe:

 

                       Sư nói, đốn tu là đốn ngộ

                       Đời người như ngủ trọ gốc hòe

                       Bây giờ xăng cộ lên cao quá

                       Sư mĩm cười chấp cả đôi xe!

 

“ Đốn tu là đốn ngộ” hiểu một cách nôm na là nhanh tu, gấp tu thì sẽ hiểu đạo mau, đạt đạo trước. “Ngủ trọ gốc hòe” lấy từ điển tích, ý nói cuộc đời ngắn như người học trò ngày xưa nằm dưới gốc cây hòe mà ngủ, mơ một giấc mơ dài công danh sự nghiệp, đến khi tỉnh mộng thi nồi kê chưa chín. Đang nói chuyện đạo đời, nhà sư lại nói ngang qua chuyện xăng lên giá rồi đòi chấp đôi xe cho khách. Không thể nói rằng nhà sư  đã lạc đề, vì thật ra  nhà sư không giảng đạo mà nói chuyện trong lúc đánh cờ. Trong khi đang sắp cờ sư cả muốn chấp đôi xe. Tự nhiên tư tưởng và lời cũng bất ngờ chuyển ý . Hai câu thơ sau cũng diễn tả được cách xử sự của một nhà sư đức cao trọng vọng. Trong bàn cờ tướng, cặp xe là chủ lực, người nói chấp cặp xe không phải là người rất cao cờ thì là người nói chơi hay là người kiêu ngạo. Nhà sư tất nhiên là cao cờ, nhưng để tránh cho người khác tự ái hay đánh giá mình cao ngạo, nhà sư đã dùng lời nói đùa vui,  nhún nhường, đổ tội cho xăng dầu lên giá, mình không đủ sức đi xe nên phải chấp xe. Chắc chắn đối thủ cười xòa, đấu cờ trong tâm trạng thân thiện an vui. Cái hay ở bốn câu thơ nầy không phải ở triết lý cao siêu mà ở chỗ tác giả rất rành tâm lý con người nên viết ra lời thoại rất hợp tình. Nói lên xu hướng nhập thế của các v chân tu. Tu hành nhưng không xa rời thực tại, vẫn còn quan tâm đến vật giá tức là quan tâm đến cuộc sống của nhân quần xã hội.

Ở vế thứ hai của bài thơ, tác giả đã diễn đạt phong cách đánh cờ của nhà sư thư thái,  chững chạc, vững vàng:

 

                         Sư nói, tiệm tu là tiệm ngộ

                         Vội vàng chi mà chạy lanh chanh

                         Dưỡng quân ba năm dùng một bữa

                         Sư khoác tay, con mã để dành!

 

“ Tiệm tu là tiệm ngộ” nói một cách nôm na là tu chậm thì đạt đạo chậm, tu sau thì đạt đạo sau. Bốn câu nầy nhà sư muốn dạy con người đừng nôn nóng, đừng chạy vạy lanh chanh mà phải biết lượng sức mình trong cuộc cờ nhân thế, cũng phải biết chỗ mạnh chỗ yếu của mình để ứng xử với đời, giống như nhà sư chấp xe nhưng mà giữ lại ngựa để có thể thắng đối phương trong thế cờ kết thúc, vì nhà sư xử dụng giỏi về dùng ngựa trong chơi cờ.

  Ở vế thư ba trong bài thơ, nhà sư đã dùng lời giáo huấn về lẽ sống ở đời. Sư cả nhìn diễn biến của ván cờ mà áp dụng vào diễn biến của cuộc thế:

 

                         Sư nói, chấp nê là chấp khổ

                         Loanh quanh trong vô lượng hải hà

                         Nếu khi đại pháo canh tọa độ

                         Có ích gì, sĩ tượng quanh ta

 

“ Chấp nê là chấp khổ”: ý nói ham muốn bao nhiêu thì khổ bấy nhiêu. Muốn thắng được cờ phải đau đầu khổ trí như đối phương hiện tại là chấp khổ vào thân. Trên bàn cờ tướng cũng chẳng khác chi trong cuộc cờ nhân thế, nếu cứ chấp nê thì chấp khổ, để cho thời vận không còn, số phận an bài thất bại thì đời ta sẽ như điểm bắn mà đại pháo đã canh vào tọa độ, chỉ còn tơi tã mà thôi. Ví dầu có còn quân còn tướng cũng có ích chi vì đầu não đã bị phá rời, trung ương đã thành ra tan tác. Ví như ván cờ hiện tại sĩ tượng vẫn còn nhưng cứ sơ hở để đối phương chiếu tướng hoài thì phải thua là chắc chắn. Số mạng đã kết thúc rồi thì những của cải gom góp vun vét phỏng có ích gì!

  Qua khổ thứ tư của bài thơ, chắc trong ván cờ đối phương đã lâm vào thế bí. Sư dùng cái triết lý mấu chốt của Phật giáo để giảng dạy mà cũng để nhấn mạnh cái lý do mà đối phương đã lâm vào ngõ cụt trong ván cờ nầy:

 

                           Sư nói, ác lai là ác giả

                           Bước qua sông trong lúc cùng đường

                           Màu lau trắng nhuộm dòng Dịch Thủy

                           Đâu có cần con chốt mang gươm

 

Ác lai thì ác giả, làm ác thì gặp ác, Không phải nhà sư mạt sát ai, mà chỉ nhắc đên cái hậu quả tốt xấu là do tự người gây ra cho mình, cũng như ván cờ sắp thua vì đối phương vội vàng, háo thắng, không chịu dưỡng cờ nên phải đành thất thế. Ngày xưa, lục quốc đã vào thế bị Tần thôn tính, Kinh Kha qua sông Dịch Thủy thì  lau trắng như đã nhuộm màu tang thương cho đất nước. Kinh Kha lúc ấy cũng chỉ như con chốt trên bàn cờ, dẫu có cầm con chủy thủ cũng đâu có làm chi được.

 Đọc đoạn chót bài thơ thật là ngạc nhiên và thích thú:

 

                            Sư nói, thiện tâm thì thiện ngộ

                            Đời an nhiên ắt sống vô lo

                            Cuộc cờ sấp ngửa thêm ván nữa

                            sư loay quay còn khách ngủ khò!

 

 

Tâm thiện thì găp điều thiện, an nhiên thì sống vô lo. Nhà sư vừa nói vừa sắp lại ván cờ để đấu thêm ván nữa, có ý muốn giảng thêm cho khách nghe, đâu ngờ khách đã ngủ khò. Hai câu cuối nầy tác giả đã dựa vào điển tích ngày xưa Bị Vi đến chơi nghe thầy giảng đạo. Thầy tích cực nói nhưng khi nhìn lại thì thấy Bị Vi đã ngủ khò.  Thầy đứng dậy vái Bị Vi và nói: ông nầy đã đắc đạo rồi.

Ngày xưa nghe giảng đạo êm tai mà ngủ thì được cho là đạt đạo, ngày nay đang động não đánh cờ mà ngủ được thì chắc là đã đạt đạo đỉnh cao (?). Chuyện kể trong hai câu kết của bài thơ đọc nghe ngồ ngộ nhưng suy nghĩ cho cùng là một triết lý sâu xa. Sư cả đánh cờ mà nói liên tục là sư đã ở trong thế động, ở trong trạng thái bất an. Khách đánh cờ mà khách ngồi yên rồi ngủ khò là khách ở trong thế tịnh, ở trong trạng thái bình an tự tại. Vậy thì sư cả và khách ai là người đạt đạo cao hơn? Khó mà phân biệt được! Biết đâu sư cả lại đánh cờ với vị chân tu đạo hạnh hơn mình không chừng?!

 

Bài thơ “ Xem sư cả chơi cờ” là một bài thơ hay, nói đạo đức triền miên mà nghe không thấy chán, lại càng thích thú trong lòng. Tác giả “để cho” nhà sư thỏa sức nói trong khi đánh cờ nên lẽ đạo nằm trong bàn cờ và bàn cờ nãy sinh ra lời lẽ đạo. Đó quả là “Đạo nằm trong Đạo” vậy!

Tác giả lại sành đời, am hiểu tâm lý, xúc tích văn phong nên diễn biến trên bàn cờ bày ra song song cùng lời nói sâu xa và cao trọng.

                                                                                    Châu Thạch

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.