渡桑乾
客捨并州已十霜,
歸心日夜憶咸陽。
無端更渡桑乾水,
卻望并州是故鄉。
Phiên âm:
ĐỘ TANG CÀN
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương.
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
Dịch nghĩa:
QUA BẾN TANG CÀN
Làm khách trọ ở Tinh Châu đã mười năm,
Lòng muốn về quê nhà, đêm ngày nhớ đất Hàm Dương.
Bỗng dưng lại qua bến Tang Càn,
Ngoảnh nhìn Tinh Châu, đó như là quê cũ.
Dịch thơ:
QUA BẾN TANG CÀN
Khách trọ Tinh Châu đã chục sương
Đêm ngày lòng dạ nhớ Hàm Dương
Tình cờ qua bến Tang Càn nọ
Ngoảnh lại Tinh Châu tựa cố hương.
尋隱者不遇
松下問童子,
言師採藥去。
只在此山中,
雲深不知處。
Phiên âm:
TẦM ẨN GIẢ BẤT NGỘ
Tùng hạ vấn đồng tử,
Ngôn sư thái dược khứ.
Chỉ tại thử sơn trung,
Vân thâm bất tri xứ.
Dịch nghĩa:
TÌM NGƯỜI Ở ẨN KHÔNG GẶP
Dưới cây tùng hỏi thăm tiểu đồng,
Nói rằng thầy đã đi hái thuốc.
Chỉ ở trong núi này thôi,
Nhưng mây dày nên chẳng biết chỗ nào.
Dịch thơ:
TÌM NGƯỜI Ở ẨN KHÔNG GẶP
Dưới tùng hỏi chú tiểu đồng
Thưa: Thầy hái thuốc nên không có nhà
Chỉ trong dãy núi không xa
Mây mù nên chẳng biết là nơi đâu.
絕句
破卻千家作一池,
不栽桃李種薔薇。
薔薇花落秋風起,
荊棘滿庭君始知。
Phiên âm:
TUYỆT CÚ
Phá khước thiên gia tác nhất trì
Bất tài đào lý chủng tường vi
Tường vi hoa lạc thu phong khởi
Kinh cức mãn đình quân thuỷ tri.
Dịch nghĩa:
TUYỆT CÚ
Phá mất cả ngàn ngôi nhà để làm ra một cái ao
Chẳng chọn lựa lí đào mà chỉ giồng mỗi tường vi
Khi gió thu bắt đầu thổi, hoa tường vi cũng rụng
Lúc gai góc mọc đầy sân, người mới hay biết.
Dịch thơ:
TUYỆT CÚ
Ngàn nhà phá nát để đào ao
Trồng mỗi tường vi, bỏ mận đào
Thu nổi gió, hoa tường vi rụng
Đầy sân gai góc mới biết sao?
NÓI THÊM VỀ BÀI “TUYỆT CÚ”
Như đã nói, Giả Đảo đã từng đi tu (Pháp danh Vô Bản) sau hoàn tuc, đi thi nhưng mãi không đỗ Tiến sĩ mặc dù thơ văn của ông rất hay. Theo "Toàn Đường thi thoại": ông hỏng thi là bởi Tể Tướng Bùi Độ ghét ông. Nguyên do là lúc ấy Bùi Độ cậy quyền chức đã huy động một lượng nhân tài vật lực rất lớn để xây toà "Lục dã đường" (phá vườn xây nhà thuỷ tạ) hoang phí quá độ.Giả Đảo đi ngang qua thấy chướng mắt đã buột miệng thành thơ 4 câu “Tuyêt cú”
Bình thêm: thời ấy các Tiến Sĩ đỗ đạt thường là nhờ nương dưới bóng của Quan Tể Tướng. Khi đọc bài thơ của Giả Đảo, họ như bị điểm trúng huyệt (bị hạ nhục) cho là Giả Đảo ganh ghét đã bêu rếu xếp họ vào hạng người làm cây cảnh (Tường vi). Họ cùng nhau lên án kết tội Giả Đảo vi phạm đạo đức Người nho gia quân tử, họ xúm đánh "hội đồng" Giả Đảo, đương nhiên là Giả Đảo bị tuyệt đường hoạn lộ. Và con đường làm ấu cũng dang dở.
Giả Đảo có nhiều bài “Tuyệt cú”, nhưng bài “Tuyệt cú” trên thật xứng danh là một bài thơ "thần khẩu hại xác phàm" là vì vậy.
Nguyễn Ngọc Kiên