Trả Lời Hai Câu Hỏi
Sau khi đọc Nhận Diện Thơ, một bạn đọc tên Nguyễn Huệ có đặt câu hỏi trên Facebook như sau:
Xin ý kiến của Nhi Pham và bạn đọc về bài thơ của HỒ CHÍ MINH: HÒN ĐÁ. Nếu rạch ròi như cách phân tích trên thì phải chăng bài thơ HÒN ĐÁ của Bác chỉ là một loại văn vần?
HÒN ĐÁ
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Chỉ một người,
Nhắc không đặng.
Hòn đá nặng,
Hòn đá bền,
Chỉ ít người,
Nhắc không lên.
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Nhiều người nhắc,
Nhắc lên đặng.
Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Làm cũng xong.
Đánh Nhật, Pháp,
Giành tự do,
Là việc khó,
Là việc to.
Nếu chúng ta
Biết đồng lòng
Thì việc đó
Quyết thành công.
(Đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, số 123, 21/4/1942)
Để trả lời anh Nguyễn Huệ tôi xin được dẫn anh đi lòng vòng một chút.
Chúng ta thử đọc hai câu:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
(Hồ Chí Minh)
Ý tưởng đúng đắn của một bậc trưởng thượng, xứng đáng để các em nhỏ học hỏi, ứng xử, nhưng hoàn toàn là sản phẩm của lý trí. Vì thế không thể gọi là thơ.
Còn hai câu:
Nhìn con học giỏi hiền ngoan
Lòng cha cảm thấy ngập tràn sướng vui
(PĐN chế)
Cha đã bước vào khung cảnh bài thơ và đã có cảm xúc. Đích thị là thơ.
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng
(Ca dao Nam Bộ)
Một người từng trải, nhiều kinh nghiệm về chuyện đa thê đã đưa ra lời khuyên đối với những anh mới học đòi Phòng Nhất, Phòng Nhì. Đó chỉ là sản phẩm của lý trí, không có cảm xúc.
Còn mấy câu:
Bà lớn ở nhà đang trông
Nhìn em “quá đã” qua không muốn về
Thôi đành mặc người cười chê
(PĐN chế)
Cảm xúc đã dạt dào - mê bà nhỏ đến mức quên cả lẽ công bằng của người đàn ông hai vợ (theo câu ca dao). Đã có thơ.
Hy vọng đọc xong hai thí dụ này anh Nguyễn Huệ có thể tự trả lời câu hỏi của mình. Nhưng nếu anh muốn trực tiếp nghe câu trả lời của tôi thì xin đọc đoạn dưới đây.
Bài Hòn Đá của ông Hồ Chí Minh chỉ là một cách dùng ẩn dụ để dạy dỗ hậu bối, hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, là một loại văn vần, không phải là thơ.
Một độc giả khác, anh Nguyenphong Bui viết:
“Bài viết công phu. Vãn sanh ngưỡng mộ
Phiền ông xem giùm mấy câu sau đây có được gọi là thơ không?
Cám ơn ông.”
BỤP
Tính tình tang, tích tịch tang.
"Bụp"
Dây đàn đứt...
Tiếng "Tang" vẫn còn.
Đàn hay không níu nỗi hồn.
Dù anh Nguyencong Bui là người đàn hay người nghe đàn, hồn anh cũng thả theo dòng nhạc, dù chỉ là “tính tình tang, tích tịch tang”. Khi dây đàn đứt nỗi buồn ít nhiều đã tích tụ trong anh, và “Tiếng Tang vẫn còn” khiến anh đã phải thốt lên: “Đàn hay không níu nổi hồn” Cảm xúc đã có. Bài “BỤP” đã có thể gọi là thơ.
Còn đoạn dưới đây:
Tiếng đàn có rộn ràng, vui nhộn
cũng không thể làm tươi xanh
những mảnh hồn đang khô cằn
héo úa.
chỉ là một phát biểu (statement) chung chung về tác dụng của tiếng đàn. Dù rõ ràng là có vần điệu nhưng tác giả không bước vào khung cảnh của “Bài Thơ” mà nói bằng kiến thức, sự hiểu biết của mình, hoàn toàn không có cảm xúc. Đây không phải là thơ.
Khác Biệt Giữa Kệ, Thơ Thiền Và Thơ Thế Tục
1/ Kệ: là một cách giải thích Kinh bằng văn vần, không cảm xúc.
2/ Thơ thiền : có cảm xúc nhưng cảm xúc đó chỉ là “niềm vui” khi thấy mình đã thoát vòng tục lụy, tâm không vướng mắc điều gì, không có tư ý, tư dục. Nói có vẻ “đạo” một tý là lúc ấy, trong khung cảnh của bài thơ ấy, cái tiểu ngã của tác giả đã hòa nhập với cái đại ngã của vũ trụ.
Thơ thế tục: cảm xúc là thứ Tình phát xuất từ Thất Tình, Lục Dục của người đời.
Sau đây là một số bài Kệ, Thơ Thiền và Thơ Thế Tục đặt cạnh nhau để bạn đọc dễ phân biệt.
Trăng Non, Sơ Tam Sơ Tứ Và Chơi Trăng Lên
TRĂNG NON
Vũ trụ bao la rất nhiệm mầu
Chân không diệu hữu thật thâm sâu
Trùng trùng duyên khởi không gì mất
Trăng khuyết lại tròn - đời biển dâu
(Minh Lương Trương Minh Sung,
via yahoogroups.com )
Bài Trăng Non viết về trùng trùng duyên khởi của vạn vật, mất rồi lại có, như trăng khuyết lại tròn, biển biến thành nương dâu. Cả 4 câu, 28 chữ đều phát xuất từ bề mặt ý thức. Chính vì chỉ có “lý” mà thiếu “sự”, nên không thể gọi là thơ. Tuy nhiên, tác giả đã thành công trong việc biểu lộ kiến thức của mình về đạo pháp, đem cái hạt giống đạo pháp đó truyền đạt cho mọi người. Đây có thể gọi là một bài kệ, một chiếc cầu để đưa người đời đến với những lời dạy cao siêu, thâm thúy của đức Phật (kinh).
SƠ TAM SƠ TỨ
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không
(hoasontrang.us)
Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
(Trần Trọng San dịch)
Ở đây sư ông và chú tiểu chùa Hàn San đã thực sự đứng trước và thưởng thức vẻ đẹp của cảnh trăng non. Tâm đã đối cảnh. Cảm xúc dâng đầy. Sư ông lặng ngắm vẻ đẹp của trăng trên bầu trời. Chú tiểu đứng ở vị trí khác, có góc nhìn khác, thấy được phần chìm đáy nước của mặt trăng. Cả 4 câu gộp lại thành một bài thơ thật đẹp, không có tư ý, tư dục.
Cùng một cảnh (trăng non) nhưng bài Trăng Non chỉ là kệ, còn Sơ Tam Sơ Tứ là thơ. Khác nhau ở chỗ tâm đối cảnh và có cảm xúc (nhưng không có tư ý, tư dục).
CHƠI LÊN TRĂNG
……………………….
Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng
Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trổi
Để hớp tinh anh của nguyệt cầu
Và để thoát ly ngoài thế giới
Để cười, để trững, để yêu nhau.
…………………….
(Hàn Mặc Tử)
Còn Chơi Lên Trăng của Hàn Mặc Tử thì tràn cảm xúc và tư ý, tư dục nên là Thơ Thế Tục.
Phong Lai Sơ Trúc, Thơ Trên Cát Và Phơi Nắng Trên Bãi Biển
PHONG LAI SƠ TRÚC
Phong lai sơ trúc
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
nhạn quá hàn đàm
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
thị cố quân tử
sự lai (#) nhi tâm thỉ hiện
sự khứ nhi tâm tùy không
(daitangkinhvietnam.org)
(#) Có bản dùng chữ đáo
Gió đến bụi trúc
Gió qua rồi mà trúc không lưu lại âm thanh
Nhạn bay qua đầm nước lạnh
Nhạn qua rồi mà mặt nước đầm không lưu lại hình ảnh
Cho nên người quân tử
Việc đến thì tâm khởi
Việc qua thì tâm hoàn không
Một Nho gia đã viết Phong Lai Sơ Trúc để chỉ cho đám hậu bối phương cách “chính kỳ tâm”, một trong chuỗi mắt xích “thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà nho sinh phải từng bước tu tập để thành người quân tử. Bốn câu đầu tượng thanh, tượng hình, đẹp như một bài thơ nên nhiều người lầm tưởng đó là thơ. Thật ra 4 câu đó đã được tác giả “nghĩ ra từ trước”, nay moi trong “kho kiến thức” ra sử dụng để viết bài “huấn thị” cho đám học trò. Rất tình cờ, ở đây Nho học đã gặp Phật học. Nhiều Phật tử trên đường học đạo đã cho đó là một bài thơ và thường chiêm nghiệm để tu tâm. Đúng ra Phong Lai Sơ Trúc có thể gọi là kệ (hay một cái tên gì khác) chứ nó không phải là một bài thơ. Tác giả không đối cảnh rồi cảm ứng sáng tác ra nó; đây chỉ là công việc riêng lẻ của lý trí; những thành phần khác của tâm như bản năng, tình cảm đều không có cơ hội, không được quyền tham dự vào.
Bây giờ chúng ta cùng đọc Thơ Trên Cát của thiền sư Viên Minh
THƠ TRÊN CÁT
Viết bài thơ trên cát
Cơn sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu biết được
Mình viết bài thơ gì.
(Viên Minh, từ tác giả)
Cũng cái ý đấy, nhưng ở đây thiền sư của chúng ta đã thực sự đối diện với cảnh đời, cảnh bao la sóng nước của biển cả, để có hứng, có cảm xúc viết thành bài thơ. Những thành viên củaTâm từ Tam Tạng (bản tâm), Tề Thiên (lý trí), đến Trư Bát Giới (bản năng), Sa Tăng (tình cảm) đều có mặt. Nhưng do được “rèn luyện đến nơi đến chốn” nên tất cả đều lặng thinh. Thơ Trên Cát được viết ra để nói về bài thơ đã mất; mất thật sự, không lưu lại một dấu tích gì trong lòng tác giả; bài thơ mất mà tác giả của nó không một chút bận tâm, luyến tiếc. So sánh với “phong lai sơ trúc” và “nhạn quá hàn đàm” thì hình ảnh cơn sóng vỗ xóa mất bài thơ cũng đẹp và nên thơ không kém. Đối cảnh tâm có cảm xúc nhưng không có tư ý, tư dục chính là trường hợp này. Có thể nói đây là bài thơ thiền của một người đạt đạo.
Cùng một ý nhưng Thơ Trên Cát của Viên Minh là thơ, còn Phong Lai Sơ Trúc chỉ là một lời khuyên, một thứ “huấn thị”. Khác biệt cũng chỉ ở chỗ tâm đối cảnh và có cảm xúc.
PHƠI NẮNG TRÊN BÃI BIỂN
Biển vắng nàng nằm trên cát
Chỗ không nên phơi, cũng phơi
Tôi vô tình đi qua đấy
Nhìn thấy nóng ran cả người
(PĐN)
Lòng ham muốn (dục vọng) đã nổi lên. Chúng ta đã có Thơ. (Thơ Thế Tục)
Tại Sao Có Mưa - Biệt Nhất Phương - Muốn Làm Mây Trắng
TẠI SAO CÓ MƯA?
Nước từ biển bốc hơi
Thành mây trắng trên trời
Nếu gặp luồng khí lạnh
Thì sẽ có mưa rơi
Đây có lẽ là một đoạn văn vần do thầy (cô) giáo (môn Khoa Học Tự Nhiên) nào đó đặt ra để học trò dễ nhớ. Chỉ là sản phẩm của lý trí, không phải thơ.
BIỆT NHẤT PHƯƠNG
Đáo tận yên hà xứ
Hồi đầu biệt nhất phương
Mục tiền sơn thủy hạo
Nguyệt hiện thảo đầu sương
(Viên Minh, từ tác giả)
Đến tận vùng mây nước
Ngoảnh lại riêng một cõi
Trước mắt núi sông hùng vĩ
Trăng hiện trên hạt sương đọng trên đầu nhọn cỏ
Tác giả sảng khoái đến độ lạc thần trí trước vẻ đẹp của mây núi, sóng nước nhưng không có một chút tư ý, tư dục. Có thể nói cái tiểu ngã của tác giả đã hòa nhập vào cái đại ngã của đất trời, của vũ trụ. Đây là bài thơ thiền
MUỐN LÀM MÂY TRẮNG
Ta muốn làm mây trắng
Bay về Huế mộng mơ
Chờ đến khi nắng hạn
Đổ xuống một trận mưa
(Không biết xuất xứ)
Cảm xúc đã dạt dào trên trang giấy. Đây là tâm tình của một người Huế rất nặng tình với Huế. Muốn Làm Mây Trắng đích thị là một bài thơ (Thơ Thế Tục)
Trở Lại Mấy Đoạn Thơ Của Anh Thái Hưng Nguyễn
Anh Thái Hưng Nguyễn trước sau đem vào cuộc tranh luận 4 đoạn thơ có vóc dáng của loại thơ Haiku của Nhật. Một trong những đặc tính quan trọng của loại thơ này là không mô tả cảm xúc mà chỉ ghi nhận sự kiện, sự việc đang xảy ra. Chúng ta thử xem lại từng đoạn:
1/
Đầm xưa.
Cóc nhảy vô.
Nước té vang.
Với nhận xét của một người nghiên cứu thơ Việt, dựa vào hai Đinh Nghĩa Thơ của người Việt (Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Hưng Quốc) tôi cho rằng đây là một bài thơ (Thơ Thế Tục) viết bóng gió về những kỷ niệm của một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ. (Nhận Diện Thơ).
2/
Ao cũ.
Chú cóc nhảy vào.
Tiếng nước xao.
Có lẽ anh lấy ý từ bài Haiku nổi danh nhất của văn học Nhật:
Xưa cũ một bờ ao
Con ếch tung mình xuống
Và vang tiếng nước xao
(Bashô)
Như đã bàn tới trong Nhận Diện Thơ, đây là một đoạn thơ hoài niệm về một thời nào đó trong quá khứ. Có cảm xúc của thất tình lục dục nên đã có thể mang danh hiệu Thơ (Thơ Thế Tục)..
3/
Đồi trọc.
Thoảng trong gió.
Tiếng cóc.
Ở đây không thấy sự nhộn nhạo của chữ Tình (thất tình lục dục) nên không thể mang danh hiệu Thơ (Thơ Thế Tục). Tác giả đã ngừng đúng lúc để có thể nhìn cảnh vật như thị, như thực, đúng như nó đang là, không bị biến đổi bởi tư ý, tư dục. Vì thế đây có thể xem là một Bài Thơ Thiền.
4/
Đầm hoang
Con Cóc nhảy vô
Nước té vang.
Đoạn này cũng tương tự như đoạn 3 ở trên – cũng là bài thơ thiền.
Kết Luận
Trong bài Nhận Diện Thơ tôi cho rằng hai đoạn 3 và 4 không phải là Thơ nhưng không nói rõ ràng là “Chúng không xứng đáng danh hiệu Thơ Thế Tục nhưng có thể xếp vào một loại thơ khác là Thơ Thiền.” Sợ bạn đọc hiểu lầm nên phải viết bài này để giải thích trước. Tôi đã gởi thư nhờ các trang web đăng bài Nhận Diện Thơ sửa chữa lại. Sau khi hoàn tất bài viết này tôi cũng sẽ vào FB của mình cùng các trang văn học của các bạn trẻ sửa chữa lại cho chính xác. Thành thật xin lỗi tất cả độc giả về những phiền toái, nếu có.
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com