Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Đọc Bài Thơ Vịnh Cái Trống Của Thái Quốc Mưu
Châu Thạch * đăng lúc 12:13:40 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 2289
Hình ảnh
#1

 

         



VỊNH CÁI TRỐNG

                 Thái Quốc Mưu 

Cái mặt căng căng vẻ lạnh lùng

Óc đâu chẳng có, ruột gan không!

Nên hư chẳng khỏi tay người khiến

Lớn, nhỏ không qua ý kẻ dùng

Có mắt không tròng nên nhục xác,

Vô hồn, lớn tiếng mới khòm lưng

Nghe qua những tưởng vinh vang đó!

Tận mắt mới hay nỗi khốn cùng! ./.

 

Lời bàn:

 

Cái trống là một nhạc cụ mà từ xưa đến nay thơ văn ca tụng đã nhiều. Nhà thơ Thái Quốc Mưu đã làm một điều ngược lại, chê trách cái trống.

 

Thật ra, nhà thơ muốn nhân cách cái trống để qua đó mượn trống khiển trách hạng người xấu xa, chứ không ai không yêu mến trống, kể cả tác giả của bài thơ vịnh trống.

 

Hai câu thơ vào đề tác giả đã giới thiệu cái trống bằng những lời nặng nề:

 

Cái mặt căng căng vẻ lạnh lùng

Óc đầu chẳng có, ruột gan không!

 

Trống thì trên mặt phải căng bằng da, chung quanh bằng gỗ và trong lòng thì rổng ruột để tiếng kêu to, tròn và ấm. Cái trống vô tội đã bị nhà thơ xỉ vả không hề kiên nể. Tuy thế, đọc thơ ai cũng biết nhà thơ không ác cảm với trống mà ác cảm với bọn người hợm hỉnh nhưng đức, tài trống rổng mà thôi. Mặt trống mà không căng thì tiếng trống đánh không thể vang xa, nhưng nếu mặt người mà “căng căng” như mặt trống thì trên đời chỉ có ở hai hạng người. Hạng thứ nhất ăn uống thừa mứa làm cho má phồng lên, mặt to ra, da láng mở khiến khi nhìn liền liên tưởng đến họ Trư. Hạng thứ hai là hạng “vác mặt lên trời” vì tưởng hơn thiên hạ, đi đâu cũng kênh kiệu, lên mình tự cao tự đại. Cả hai hạng nầy đều là thứ thiếu suy nghĩ, hèn nhác nên nhà thơ cho là thứ không ruột, không gan, không óc: “Óc đâu chẳng có, ruột gan không”

 

Qua vế Trạng của bài thơ Thái Quốc Mưu cho biết, cái hạng tiểu nhân mà nhà thơ giới thiệu ở trên vì không óc, không lòng nên dương dương tự đắc. Sự thật họ chỉ như cái trống vô hồn bị chủ khỏ lên, phải làm theo ý muốn của chủ mình:

 

Nên hư chẳng khỏi tay người khiến

Lớn, nhỏ không qua ý kẻ dùng

 

Đây là hạng người có tài xu nịnh, thường dựa thế cậy quyền, làm nô lệ kẻ khác nhưng huênh hoang tự đắc và sẳn sàng bán linh hồn mình cho ma quỷ để mua lấy điều lợi cho mình. Bọn nầy ở địa vị cao thì làm tôi đòi cho thế lực đen, ở địa vị thấp thì khom mình trước người trên, hống hách với người dưới. Tất cả đều giống cái thùng trống rổng mà kêu to. Tác giả không dùng cái thùng để chỉ bọn người nầy vì cái thùng thì bề ngoài xấu, tiếng kêu không hay ai mà không biết, còn cái trống thì tiếng kêu hay, lại hình dáng bề ngoài cũng đẹp nên đem ví với bọn người lừa đời, tôn hót, nịnh bợ có lời nói ngọt ngào, cử chỉ cung kính với bề trên thì đúng vô cùng vì họ ngụy trang được sự xấu xa của mình.

 

Bước qua hai câu luận nhà thơ chỉ ra phần thiếu hụt của trống hay đúng ra, nguyên nhân tính chất xấu xa của con người mang đặc tính vô tri của trống:

 

Có mắt không tròng nên nhục xác

Vô hồn, lớn tiếng mới khòm lưng

 

“Có mắt không tròng”, “Vô hồn, lớn tiếng”: Điều đó đối với cái trống thật thì không tội lỗi gì nhưng đối với con người, nếu có mắt không tròng thì ở trong tối tăm, nếu vô hồn mà lớn tiếng thì chỉ rống lên như loài thú vật mà thôi. Cái trống thì chắc chắn không hồn và trên thùng trống có nhiều mắt cây nằm trên sớ gỗ, có khom lưng và nhục xác hằng ngày vì dùi trống đánh lên trên. Hình ảnh chịu đựng của cái trống là hình ảnh đau khổ của hạng người mất phẩm chất làm người, trở nên vô hồn như cái trống, bị xử dụng nhưng có biết đâu, vẫn khoe mình ồn ào cho tiếng được vang xa. Hạng người nầy họ tự bằng lòng với cuộc sống tôi đòi. Nghe lời khoe khoan của họ tưởng họ hơn đời nhưng nhìn kỷ thì họ là những kẻ khốn cùng trong xã hôi. Điều đó được tác giả tỏ bày trong vế kết luận của bài thơ:

 

Nghe qua những tưởng vinh vang đó!

Tận mặt mới hay nỗi khốn cùng!

 

Thực chất cái trống là vật vô tri vô giác, nó là thành quả của nền văn hoá loài người nên nó là phương tiện để con người vui chơi, giải trí và qua âm thanh thổ lộ tâm tư tình cảm của mình. Trống là nhạc cụ đáng yêu, đáng quý, đáng trọng, nhưng nếu con người mà có tính chất vô tri, vô giác như trống thì ngược lại họ vô cùng xấu xa đúng như bộ mặt xấu mà nhà thơ Thái Quốc Mưu đã dùng trống để ám chỉ họ. Bài thơ cho ta suy nghiệm: nếu trống mà có hồn người thì âm thanh bay bổng nhưng người mà không linh hồn như trống thì là người xấu trên đời./.

 

 

Châu Thạch

 


 

 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.