Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ và điển cố 1 - 10 -
(11) Bãi bể nương dâu
Thành ngữ “bãi bể nương dâu” nói về những thay đổi lớn trong cuộc đời và trong xã hội. Thành ngữ này bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Hán “滄海桑田” [thương hải tang điền], liên quan tới câu chuyện tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tương truyền, thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu. Sau đó, ông đắc đạo và trở thành Phật. Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô nói với Phương Bình rằng: “接侍以来已见,东海三为桑田” [Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến, Đông hải tam vi tang điền]; nghĩa là “Từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu”.
Câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được người đời chắt lọc lấy cái tinh chất để phản ánh sự đổi thay của trời đất và cuộc sống. Trong văn học Trung Quốc, hình ảnh “bãi bể nương dâu” trở thành tứ cho nhiều câu thơ, bài thơ nổi tiếng. Chẳng hạn, trong một bài thơ của Tô Thức đời Tống có câu: “不惊渤澥桑田变” [Bất kinh bột giải tang điền biến]. Nghĩa là: “Không sợ bể Đông biến thành ruộng dâu”. Cũng nhờ câu chuyện trên mà về sau trong tiếng Hán xuất hiện thành ngữ “滄海桑田” [thương hải tang điền].
Bài hát mở đầu và kết thúc bộ phim “Tây du kí” của đạo diễn Dương Khiết có tên “Ngũ bách niên tang điền thương hải”, nhạc Hứa Cảnh Thanh, lời Diêm Túc có đoạn:
五百年桑田滄海,
頑石也長滿青苔,
長滿青苔。
五百年桑田滄海,
頑石也長滿青苔,
長滿青苔。
只一顆心兒未死,
向往看逍遙自在,
逍遙自在。
哪怕是野火焚燒
[Ngũ bách niên tang điền thương hải,
Ngoan thạch dã trường mãn thanh đài,
Trường mãn thanh đài.
Ngũ bách niên tang điền thương hải,
Ngoan thạch dã trường mãn thanh đài,
Trường mãn thanh đài
Chỉ nhất khoả tâm nhi vị tử,
Hướng vãng khán tiêu dao tự tại,
Tiêu dao tự tại.
Na phạ thị dã hoả phần thiêu]
(Dịch thơ: Năm trăm năm vật đổi sao dời
Đá vô tri cũng ngậm ngùi rêu xanh,
Năm trăm năm! năm trăm năm!
Ngũ hành Sơn nặng, giam cầm thân ta.
Bao ngày bão tuyết sương sa
Chim bay hút bóng, mắt nhoà cánh chim…
Còn đây rừng rực trái tim,
Thương về chốn cũ dõi tìm tiêu dao.
Anh hùng ngang dọc Trời cao,
Sá chi lửa đốt, sợ nào giá băng.)
(Bản dịch Hoàng Tâm)
Tiếng Việt đã mượn thành ngữ này theo lối mượn ý dịch lời. Về ý nghĩa, “bãi bể nương dâu” cũng nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi. Nó thường xuất hiện trong văn học cổ điển. Chẳng hạn, trong bài “Ai tư vãn” của Lê ngọc Hân khóc vua Quang Trung:
Phút giây bãi bể nương dâu
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao.
Hoặc:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
(Nguyễn Gia Thiều - Cung oán ngâm khúc)
Trong khi sử dụng, các tác giả thường rút gọn “bãi bể nương dâu” thành “bể dâu” hay “dâu bể”. Dạng thức này sở dĩ tồn tại được vì nó vẫn có khả năng khiến cho người đọc liên tưởng tới điển tích đã nói trên. Trong kiệt tác “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã không dưới hai lần dùng thành ngữ này ở dạng rút gọn:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Gần nghĩa với “bãi bể nương dâu”, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ “sông cạn đá mòn” và “vật đổi sao dời” (Xem thêm phần I của bài viết này). Những thành ngữ này đều nói về sự thay đổi lớn lao của cuộc đời, của sự thế, nhưng không có sắc thái ngậm ngùi, nuối tiếc như “bãi bể nương dâu”. Về phạm vi sử dụng, các thành ngữ “vật đổi sao dời”, “sông cạn đá mòn” thường chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, của trời đất trong sự so sánh với cái bất biến của tấm lòng son sắt, chung thủy. Chẳng hạn:
Dù cho sông cạn đá mòn
Bắc Nam ta vẫn là con một nhà
(Ca dao)
Đặc biệt, những thành ngữ này thường dùng trong những lời thề ước, chẳng hạn :
Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa
(Tản Đà – Thề non nước)
(12) Muôn hồng nghìn tía
Thành ngữ “muôn hồng nghìn tía” (万紫千红) [vạn tử thiên hồng], hình dung trăm hoa đua nở, nhiều màu rực rỡ, tạo nên cảnh sắc lộng lẫy, vô cùng tươi đẹp. Nghĩa bóng: vạn vật phong phú đa sắc màu ; cảnh tượng xã hội phồn vinh, thịnh vượng. Nó có xuất xứ từ bài thơ “春日” [Xuân nhật] của Chu Hy đời Nam Tống. Nguyên văn :
勝日尋芳泗水濱,
無邊光景一時新。
等閒識得東風面,
萬紫千紅總是春。
(Phiên âm : Thắng nhật tầm phương Tứ thuỷ tân,
Vô biên quang cảnh nhất thời tân.
Đẳng nhàn thức đắc đông phong diện,
Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân.)
(Dịch nghĩa : Ngày đẹp trời, đi tìm hoa ở bến Tứ. Quang cảnh bao la mỗi lúc một đổi mới. Dễ gì nhìn thấy mặt gió đông. Muôn hồng nghìn tía đều thuộc về mùa xuân cả)
(Dịch thơ : Bến Tứ trời quang dạo gót chân,
Cảnh nào là cảnh chẳng thanh tân.
Gió xuân đã để người xem mặt,
Muôn tía ngàn hồng một sắc xuân.)
(Bản dịch của Nam Trân)
Trong tiếng Việt, “muôn hồng nghìn tía” thường xuất hiện trong các tác phẩm thơ hiện đại với các biến thể “nghìn tía muôn hồng”, “trăm tía nghìn hồng”. Chẳng hạn:
Tay em ôm ấp bên lòng
Thân em, nghìn tía muôn hồng cũng thua
(Xuân Diệu – Thân em)
Phố xá thênh thang mùa lễ hội
Trăm hồng nghìn tía vẽ tranh xuân
Riêng em yểu điệu màu thiên lý
Nón múa cho trời bỗng thêm duyên
(Mường Mán - Hương sắc tháng Giêng)
Người viết bài này, trong một lần thăm động Ngườm Ngao ở Trùng Khánh Cao Bằng, đã bị “hút hồn”, choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ bí của hang động, đã cảm tác:
Thác vàng, bạc giữa đài sen
Muôn hồng ngàn tía đua chen diệu kì!
(Nguyễn Ngọc Kiên – Thơ viết ở Ngườm Ngao)
(13) Tan xương nát thịt
“Tan xương nát thịt” là thành ngữ gốc Hán (粉身碎骨) [phẩn thân toái cốt], nghĩa là nghiền vụn xương, làm nát thân mình. Nghĩa bóng: vì một mục đích nào đó hoặc vì nghĩa cả mà liều hi sinh xương thịt không tiếc thân mình.
Thành ngữ “粉身碎骨” có xuất xứ từ bài thơ “石灰吟” [Thạch hôi ngâm] của于谦 (Vu Khiêm) đời Minh. Nguyên tác:
千錘萬擊出深山,
烈火焚燒若等閒。
粉身碎骨全不怕,
要留清白在人間。
(Phiên âm:
Thiên chuỳ vạn kích xuất thâm san,
Liệt hoả phần thiêu nhược đẳng nhàn.
Phẩn thân toái cốt toàn bất phạ,
Yếu lưu thanh bạch tại nhân gian.)
(Đầu đề có bản chép là: “詠石灰” [Vịnh thạch hôi], nghĩa là Vịnh đá vôi. Câu thứ ba là: 粉身碎骨全不顧 [Phẩn thân toái cốt toàn bất cố]).
(Dịch thơ:
Đục tận non xanh lấy đá về
Lửa hồng thiêu đốt có hề chi
Nát thịt xương tan nào có sợ
Chỉ mong thanh bạch tiếng còn ghi.)
Tiếng Việt đã mượn thành ngữ này theo lối mượn ý dịch lời là “tan xương thịt nát thịt”. Ngoài cách hiểu như trên, theo giải thích của Từ điển tiếng Việt, (NXB Đà Nẵng, 2006, tr. 888): “Chết một cách thê thảm. Ví dụ: Dù tan xương nát thịt cũng cam lòng.”
Thành ngữ này thường được sử dụng trong thơ ca, trong đó các từ có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Đầu thế kỉ XX, nhà thơ Phạm Tất Đắc đã viết tập thơ “Chiêu hồn nước” bất hủ, gồm 198 câu song thất lục bát, với lời lẽ thống thiết dấy lên lòng yêu nước của người Việt trước cảnh nước mất nhà tan. Bài thơ đã trở thành tài sản vô giá trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam, trong đó có đoạn:
Hồn hỡi Hồn, con Hồng cháu Lạc!
Bấy lâu nay giặc giả chiến tranh,
Bấy lâu thịt nát xương tan,
Bấy lâu tím ruột thâm gan vì Hồn.
(Phạm Tất Đắc – Chiêu hồn nước)
Nhà thơ Tố Hữu cũng đã không dưới hai lần sử dụng thành ngữ này trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn:
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...
(Tố Hữu – Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Đứng lên thân cỏ, thân rơm
Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn!!
Máu có chảy, xương tan thịt nát
Bớ công nông! Tiếng hát càng cao
(Tố Hữu – Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Trong bài thơ sau của Luân Tâm cũng sử dụng thành ngữ “tan xương nát thịt” ở dạng đảo trật tự từ cho phù hợp để diễn tả ý nghĩa “cho dù có thế nào chăng nữa thì cũng không bao giờ sai lời thề ước”:
Ra đi? Hay chỉ là trở về
Thăm lại vườn xưa thăm bờ tre
Cỏ cây còn nhớ chân lưu lạc
Thịt nát xương tan chẳng lỗi thề?
(Luân Tâm – Hoa tàn)
(14) “Phiên vân phúc vũ” (翻云、覆雨)
Thành ngữ “Phiên vân phúc vũ” (翻云、覆雨) là dạng rút gọn của “Phiên thủ vi vân, phúc thủ vi vũ” (翻手为云、覆手为雨). Ý nghĩa của thành ngữ này là chỉ sự thay đổi như chong chóng, không biết đâu mà lần. Nghĩa bóng chỉ những người hay thủ đoạn, phản phúc, lèo lái, đảo điên. Nó có xuất xứ từ bài thơ “贫交行” [Bần giao hành] của 杜甫 (Đỗ Phủ). Nguyên tác:
翻手为云复手雨,
纷纷轻薄何须数。
君不见管鲍贫时交,
此道今人弃如土。
[Phiên âm:
Phiên thủ vi vân, phúc thủ vũ,
Phân phân khinh bạc hà tu sổ ?
Quân bất kiến Quản Bão bần thì giao,
Thử đạo kim nhân khí như thổ.]
(Dịch nghĩa: Nghiêng bàn tay làm mây, úp bàn tay làm mưa. Bọn người khinh bạc cần chi đếm. Bạn chẳng thấy Quản Trọng và Bão Thúc Nha bạn với nhau lúc nghèo. Đạo ấy người đời nay vứt đi như vứt hòn đất)
(Dịch thơ:
Mây mưa tráo trở bàn tay,
Những tuồng khinh bạc đời này biết bao.
Không coi giao nghị Quản Bào,
Mà nay đạo ấy rẻ sao như bùn.)
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)
Câu thơ trong bài sử dụng thủ pháp khoa trương đặc sắc: “翻手为云复手雨”, sau biến ra thành ngữ: “翻手为云、覆手为雨” nói rút gọn là “翻云、覆” hàm ý là ngửa bàn tay là mây, úp bàn tay là mưa, với ý nghĩa như đã phân tích ở trên.
Tương tự như “Phiên vân phúc vũ”, tiếng Việt có thành ngữ “sớm nắng chiều mưa”.
Thành ngữ này có thể tả thực, chẳng hạn khi nói về thời tiết Sài Gòn “sớm nắng chiều mưa, Còn giữa trưa thì chỗ mưa chỗ nắng.”
Nó thường được dùng để miêu tả tính khí thất thường của con người nhất là phụ nữ và sử dụng nhiều trong các đầu báo. Chẳng hạn: Sol Campbell: sớm nắng chiều mưa, (Việt báo, 31/7/2006); Bạn gái “sớm nắng chiều mưa” (Vnexpress, 17/10/2013).
Không những thế, “sớm nắng chiều mưa” còn được dùng để biểu thị sự thay đổi, diễn biến thất thường của sự vật. Chẳng hạn: Sớm nắng chiều mưa như… giá dầu, (Thái Nguyên online, 15/01/2009); Giá ớt “sớm nắng chiều mưa” (Tin tức nông nghiệp, 25/4/2014), sau đó được các báo “Công thương điện tử” và “NN thị trường” dẫn lại.
Thành ngữ “sớm nắng chiều mưa” cũng được sử dụng nhiều trong thơ ca.
Chẳng hạn, trong bài thơ sau của Tố Hữu:
Thù bạn đời nay có khác xưa,
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa ?
Chợ trời thật giả đâu chân lý ?
Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa ?
(Tố Hữu – Tâm sự)
Hoặc:
Anh đừng về nữa cánh đồng sim
Đã chín lịm nhưng người quên không hái
Em lang thang trong thực tại
Vơ vẩn trách trời sao sớm nắng chiều mưa.
Anh đừng về nữa những buổi chiều thưa
Nắng ngưng chảy bóng mình như mờ ảo
(Thuỳ Dương – Anh đừng về)
Các tác giả cũng thường hay hoán đổi vị trí các từ vì lí do hiệp vần. Chẳng hạn:
Tình em nắng sớm mưa chiều
Tâm em còn có bao nhiêu đường tròn
(Nguyễn Ngọc Kiên – Tình anh và em)
Khi để nói về những người hay thủ đoạn, tráo trở, lật lọng, người Việt cũng dùng thành ngữ “trở mặt như trở bàn tay”…
(15)Vô cùng vô tận
Thành ngữ này có xuất xứ từ bài thơ Đạp sa hành (踏莎行) của Án Thù) (晏殊) đời Bắc Tống. Nguyên tác của bài thơ như sau:
踏莎行其二
祖席離歌,
長亭別宴,
香塵已隔猶回面。
居人匹馬映林嘶,
行人去棹依波轉。
畫閣魂消,
高樓目斷,
斜陽只送平波遠。
無窮無盡是離愁,
天涯地角尋思遍。
Phiên âm:
Đạp sa hành kỳ 2
Tổ tịch ly ca,
Trường đình biệt yến,
Hương trần dĩ cách do hồi diện.
Cư nhân thất mã ánh lâm tê,
Hành nhân khứ trạo y ba chuyển.
Hoạ các hồn tiêu,
Cao lâu mục đoạn,
Tà dương chỉ tống bình ba viễn.
Vô cùng vô tận thị ly sầu,
Thiên nhai địa giác tầm tư biến.
Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu:
Chia ly tiệc quán tiễn ngâm nga
Ngoảnh ngắm bụi mờ khuất lối qua.
Ngựa hí vang rừng người ở lại
Chèo khua dậy sóng kẻ về xa.
Lầu gác hồn tan mắt dõi theo
Xa trông nước lặng sóng về chiều.
Chia ly sầu thảm không bờ bến
Góc đất chân trời dạ hắt hiu.
Trong tác phẩm Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân, có viết:
“Đường sang Tây thiên vô cùng vô tận, khi nào mới tới được đây?”
Tây Du Kí- Ngô Thừa Ân
Trong truyện ngắn của mình Lỗ Tấn cũng dùng thành ngữ này:
“Trong lòng anh ta có cái gì đó kỳ lạ vô cùng vô tận, tất cả bạn bè của tôi không bao giờ biết được.”
(Lỗ Tấn – Cố hương)
Theo Từ điển tiếng Việt Wikipedia mở, “vô tận” hay “vô cực’ là thuật ngữ dùng trong thần học, triết học, toán học cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Vô tận theo nghĩa thông thường nghĩa là không giới hạn, không có xác định được kích thước hay số lượng cụ thể. Với ý nghĩa này, vô tận trùng với vô hạn, vô cùng. Trong toán học, vô cực được ký hiệu bằng ∞.
Các nghiên cứu về vũ trụ đưa đến một kết quả rằng, vũ trụ hay vũ trụ quan sát được của chúng ta là hữu hạn nhưng không có biên . Theo như kết quả hiện giờ vũ trụ vẫn còn nhiều bí ẩn. Sự vô biên hay hữu biên của vũ trụ chưa được chứng minh. Chúng ta nên biết hầu hết các hình ảnh về vũ trụ là ảnh của mô hình dự đoán (không phải do chụp thực tế mà có). Các nhà khoa học thể hiện mô hình cho dễ hiểu.
(16) Cưỡi ngựa xem hoa (走马观花) [tẩu mã quan hoa]
Đây là một thành ngữ tiếng Trung Quốc. Chuyện rằng:
Có một cô nàng nọ đã đến tuổi cặp kê mà vẫn chưa có ai. Lý do là môi của cô có khuyết điểm, bị hở hàm ếch. Và ở vùng khác, cũng có một anh chàng kia, tuổi đã lớn mà chưa có người nâng khăn sửa túi vì anh bị tật ở chân. Cả hai đều nhờ đến mai mối, mong tìm được người thương. Bà mai mà hai người này nhờ lại là một người, bởi vậy câu chuyện mới tiếp tục và làm cho hai người xa lạ kia tiến gần lại với nhau. Bà xếp đặt cho hai người một cuộc hẹn. Đó là vào hội chợ hoa.
Chợ hoa lần ấy, người ta thấy một chàng thư sinh cưỡi chú tuấn mã thong dong vào vườn hoa. Laị còn thấy một cô gái thật đẹp nép nửa mặt vào trong cánh quạt, đang e lệ khẽ nâng từng cánh tầm xuân
Sau đó hai người hình như là quen nhau, dù hơi xấu hổ khi biết được khuyết điểm của nhau。
Câu "cưỡi ngựa xem hoa" ra đời từ đó.
Người Việt mượn câu này và dịch ra tiếng Việt với ý nghĩa là: Nói đến cách làm việc của một cá nhân nào đó chỉ lướt qua đại khái hay cho có chứ không muốn tìm hiểu sâu và chi tiết vào nó trong khi thực chất công việc đó đòi hỏi phải xem xét kĩ lưỡng. Giống như khi xem một đóa hoa đẹp, người ta phải lại gần, nâng niu và từ từ ngắm thưởng thì bạn lại ngồi trên ngựa mà ngó xuống, thử hỏi như vậy làm sao thấy hết đc vẻ đẹp của bông hoa. Giống như thành ngữ thầy bói xem voi chỉ vội vàng kết luận mà không xem xét kỹ toàn diện kĩ lưỡng.
(17) Tái ông thất mã塞翁失馬
(Tái ông mất ngựa)
Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về câu thành ngữ “Tái Ông thất mã”.
Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt.”
Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về cùng một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”
Từ mất ngựa, rồi bỗng nhiên được một đôi tuấn mã, thế nhưng Tái Ông lại cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”
Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá nghĩ ngợi, Tái Ông điềm nhiên: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn nên bị quẫn trí.
Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông vì tàn tật nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.
“Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.”
………..
(Theo Đại Kỷ Nguyên bản tiếng Anh
)
Người Việt mượn thành ngữ này theo lối trực dịch.
Trong tiếng Hán cũng như trong tiếng Việt, “Tái Ông thất mã” (Tái Ông mất ngựa) được dùng để an ủi người đang gặp khó khăn. Họa có thể biến thành phúc, và phúc có thể trở thành họa. Cũng giống như câu nói “trong cái rủi có cái may” vậy, mọi chuyện đều có nguyên nhân mà không thể xét đoán dựa trên biểu hiện bề mặt.
Cũng có nghĩa là, cần thuận theo tự nhiên, làm được việc gì cũng đừng vội đắc ý, lúc gặp trở ngại cũng chớ vội bi quan.
(18) Xuân phong đắc ý (春风得意)
Đây là thành ngữ được sử dụng nhiều trong tiếng Trung Quốc. Nó có xuất xứ từ bài thơ “Đăng khoa hậu” của thi sĩ Mạnh Giao đời Trung Đường. Nguyên văn như sau:
登科後
昔日齷齪不足誇,
今朝放蕩思無涯。
春風得意馬蹄疾,
一日看盡長安花。
Phiên âm Hán Việt:
Đăng khoa hậu
Tích nhật ác xúc bất túc khoa,
Kim triêu phóng đãng tứ vô nhai.
Xuân phong đắc ý mã đề tật,
Nhất nhật khán tận Trường An hoa.
Dịch nghĩa
Đăng khoa hậu
Ngày trước biết bao cay đắng không sao nói hết,
Sáng nay ưu phiền tan biến, tâm tư không còn gì câu thúc.
Ngọn gió xuân mát rượi, leo lên ngựa phóng đi,
Trong ngày đi xem tất cả các vườn hoa trong Trường An.
Dịch thơ (Bản của Khương Hữu Dụng)
Đăng khoa hậu
Eo hẹp ngày xưa khỏi kể ra
Sớm nay thoả chí nức lòng ta
Gió xuân thả sức cho phi ngựa
Ngày trọn Trường An xem hết hoa
Như đã nói “xuân phong đắc ý” chỉ xuât hiện trong tiếng Trung Quốc. Nghĩa bóng của nó là, sau khi đỗ tiến, cưỡi ngựa đi trong mùa xuân, chỉ trong một ngày đã ngắm được toàn cảnh đông kinh Tràng an. Chỉ con đường thăng quan tiến chức thuận lợi, hanh thông.
(19) 千呼萬喚 [Thiên hô vạn hoán]
Đây là thành ngữ khoa trương trong tiếng Trung Quốc. Thành ngữ này có xuất xứ từ bài thơ “ Tì bà hành” của Bạch Cự Dị đời Đường. Theo tác giả kể lại thì: “Năm Nguyên Hoà thứ 10, ta về giữ chức Tư Mã ở quận Cửu giang. Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn Tỳ Bà vọng lại. Nghe trong tiếng đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn trả lời rằng: “Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn Tỳ Bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn [thường theo thuyền buôn đi đây đi đó]”. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Ðàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm, thanh thản, yên ổn. Hôm nay nghe nàng nầy nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đày! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 lời, gọi là Tỳ Bà Hành.”
Bài thơ có đoạn:
千呼萬喚始出來
猶抱琵琶半遮面
轉軸撥絃三兩聲
未成曲調先有情
Nhà thơ Phan Huy Vịnh cả đời làm thơ, nhưng có lẽ người đời nhớ đến ông qua bản dịch “Tì bà hành” của Bạch Cư Dị. Đoạn thơ trên được Phan Huy Vịnh dịch như sau:
Mời mọc mãi thấy ngườ.i bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay.
千呼萬喚 thiên hô vạn hoán chính là nguồn gốc của thành ngữ.
(20) 画蛇添足 [họa xà thiêm túc] Vẽ rắn thêm chân
Thành ngữ tiếng Hán này có xuất xứ từ câu chuyện như sau:
Thời xưa nước Sở có một quý tộc, sau khi cúng lễ tổ tiên, liền thưởng cho các môn khách đến giúp việc một ấm rượu. Các môn khách bàn với nhau: "Một ấm rượu chia cho mọi người cùng uống thì không đủ, một người uống thì có thừa. Vậy thì chúng ta cùng thi vẽ một con rắn trên mặt đất, ai vẽ xong trước, thì người đó được uống ấm rượu này."
Có một người vẽ xong trước nhất. Anh ta cầm ấm rượu định uống, nhưng lại đắc chí lấy tay trái cầm ấm rượu, tay phải tiếp tục vẽ rắn, miệng nói: "Các người xem, ta còn có thời gian để vẽ thêm mấy chiếc chân cho rắn đây."
Thế nhưng không đợi anh ta vẽ xong chân rắn, một người khác đã vẽ xong rắn. Người đó giằng lấy ấm rượu vừa cười vừa nói: " Thật rởm! Rắn làm gì có chân, anh vẽ thêm chân cho rắn làm gì", nói xong liền uống rượu trong ấm. Người vẽ thêm chân cho rắn đã để mất ấm rượu đáng lẽ thuộc về anh.
(Theo Chiến quốc sách)
Chuyện ngụ ngôn này nói với mọi người, nếu làm một việc, cần phải có yêu cầu cụ thể và mục tiêu rõ ràng, phải theo đuổi nó, hoàn thành nó với ý chí tỉnh táo kiên định, không nên bị thắng lợi làm mê muội đầu óc, dẫn đến thất bại.
Người Việt mượn thành ngữ này dịch sang tiếng Việt là “vẽ rắn thêm chân” để chỉ những việc làm thừa, vô ích, không đem lại hiệu quả gì, thậm chí phản tác dụng. Cùng với vẽ rắn thêm chân thì vẽ rồng thêm mắt cũng có nghĩa tương tự. Để diễn đạt ý này, người Việt còn dùng “thừa giấy vẽ voi”.
Bấm “vẽ rắn thêm chân” vào google trong 0,45 giây có ngay 180000 kết quả.
Cách nay mấy năm, Báo Phụ nữ online đã có bài báo giật tít “Vẽ rắn thêm chân” và đưa tin:
“Sáng 19/8, báo mạng đưa tin ông Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội cho hay: kế hoạch kỷ niệm, tôn vinh Hai Bà Trưng sẽ được hoãn lại và tổ chức vào dịp 1.975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tức là sang năm, sau Tết âm lịch.”
Lý do dừng tổ chức là thành phố có việc đột xuất! Vậy, sang năm, có thể người ta vẫn làm chứ không phải dừng, dù dư luận có ý kiến này nọ. Bây giờ dùng đuốc mà soi, đố ai tìm ra trong sử sách dòng nào đảm bảo tính chân thật lịch sử, có cứ liệu chính xác về hai bà. Sách giáo khoa là sách công cụ mang tính pháp quy của quốc gia, nhưng ở cả ba cấp, học sinh không biết hai bà sinh năm nào, mất năm nào, có thật là hai chị em không... chỉ thấy nói chung chung.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phải thốt lên rằng: tổ chức sinh nhật Hai Bà Trưng là chuyện nực cười, bởi không ai làm chuyện đó cả khi mọi sự là huyền sử, không biết được ngày sinh thì sao làm sinh nhật? Tư liệu dân gian có lúc nói hai bà sinh ngày 1/8, rồi 13/8 âm lịch. Những sách về Hai Bà do giáo sư biên soạn đều không đưa vào chi tiết này, bởi không có cơ sở nào cả.”
Ở đây tác giả ví chuyện thành phố Hà Nội tổ chức sinh nhật cho Hai Bà Trưng là chuyện “vẽ rắn thêm chân”!
Thật khôi hài chuyện VẼ RẮN THÊM CHÂN ở xứ ta!
Nguyễn Ngọc Kiên