Jan 09, 2025

Biên khảo

Yên Đài Thu Vịnh của sứ thần Đoàn Nguyễn Tuấn.
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 12:45:55 AM, Mar 09, 2017 * Số lần xem: 1075

YÊN ĐÀI THU VỊNH

SỨ THẦN  ĐOÀN  NGUYỄN  TUẤN (1750- ?)

 

28 bài thơ tuyệt tác viết về mùa thu tại Bắc Kinh

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH

                Đoàn Nguyễn Tuấn đi sứ Trung Quốc năm 1790 trong sứ bộ Tây Sơn. Sau trận Đống Đa, nhà Thanh phải vất vả,  hao tổn khá nhiều vàng bạc để tiếp rước, phục dịch ông vua Quang Trung giả, do người cháu vua là Phạm Công Trị đóng vai, và hoàng tử Nguyễn Quang Thùy.  Một sứ bộ 158 người đông đảo chưa từng thấy trong lịch sử, có cả một ban hát bộ 10 người và cống phẩm còn có hai con voi đực. Các đoàn sứ bộ bình thường chỉ khoảng 30 người.  Thời xưa quan niệm thời chiến dùng Võ, thời bình  dùng Văn. Trên trận tuyến Thi Ca, Đoàn Nguyễn Tuấn là một  Thi tướng tài năng dưới trướng  Chánh sứ Phan Huy Ích, khiến các quan Trung Quốc nể phục. Thơ Đoàn Nguyễn Tuấn được chép trên vách Hoàng Hạc Lâu. Không ngại ngùng trước bài thơ kiệt tác Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, mà thi hào Lý Bạch phải thán phục: “Trước mắt có cảnh không tả được, Vì thơ Thôi Hiệu ở trong đầu”. Đoàn Nguyễn Tuấn  viết luôn bốn bài Vịnh Hoàng Hạc Lâu. Một bài được Chánh sứ Phan Huy Ích duyệt và cho chép lên vách Hoàng Hạc Lâu (Xem cùng tác giả bài. Hoàng Hạc Lâu qua thi ca các sứ thần Việt Nam, site Chimvietcanhnam, diendantheky, tapchivanhoanghean)

                Ngày xưa tại các nước Đông Á : Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên  thi ca là một phương tiện để kẻ sĩ bồi dưỡng nhân cách và tài năng. ‘ Xem văn biết người ‘, do đó thi, phú, chiếu, biểu, văn sách.. được dùng làm thi cử để xem xét chí khí, học vấn, tài năng kẻ sĩ. Khi đi sứ, họ là những thi tướng trên mặt trận văn hóa. Làm thơ khi đi sứ không phải là ‘ chuyện một mình một ngựa bầu rượu túi thơ ’ hay làm thơ ’để làm sang’, mà phải nhanh tay lẹ trí thù tiếp ứng đối trước bàn tiệc, đáp lễ thơ tặng của vua quan Trung Quốc, dùng thi ca để kết bạn tình hữu nghị với người đồng sự giao tiếp, trước một di tích thắng cảnh, người thơ phải thông thái thi ca Trung Quốc, điển tích thắng cảnh.. và phải chứng tỏ tài năng thi ca  của kẻ sĩ nước mình là một nước có văn hóa để không bị cười chê là man di kém cỏi, dốt nát.  Đi sứ triều cống cũng không phải là chuyện nộp thuế, vì phần ban thưởng của vua quan Trung Quốc cũng không phải là ít. Tùy theo tài năng các sứ thần ứng đối thi ca, phần quà tặng vua, quan  Trung Quốc cũng không kém phần giá trị.

                Đoàn Nguyễn Tuấn là anh  Đoàn Nguyễn Thị Huệ, anh vợ thi hào Nguyễn Du đã chứng tỏ cái bản lĩnh đó, ông được Bùi Ứng Thắng  một vị quan y Trung Quốc khen ngợi làm thơ ca tụng : Tài tình duy ngã độc tri quân (Bậc người tài tình chỉ có tôi là biết ông). Các sứ thần Triều Tiên cũng đọc thơ  và ca ngợi . Trong khi đi sứ qua khỏi thành Trịnh Châu qua đò sông  Trăn Vị, xe  Đoàn Nguyễn Tuấn ngựa  ngã xe lăn nhào, bùn đất lấm cả giày áo, ông bị đau khắp mình phải nhờ lương y cứu chữa, có lẽ ông quen thân Bùi Ứng Thắng lúc này..        Đến Bắc Kinh vào mùa thu, Đoàn Nguyễn Tuấn đã viết 28 bài thơ tứ tuyệt vịnh cảnh vật mùa thu ở Yên Kinh. Chùm thơ này được vị y quan nhà Thanh, Bùi Ứng Thắng người Cát Thủy khen ngợi và hai  người trở thành bạn tâm giao.

                Thơ nguyên tác chữ Hán, tôi xin dịch  thơ toàn bộ  28 bài tứ tuyệt để người đời nay có thể thưởng thức tài năng thi ca Đoàn Nguyễn Tuấn.

                Bài Thu Khuê : Gió thu ôm vuốt tay áo, nước bỗng bắt đầu đóng băng. Phòng sâu vắng vẻ, lạnh lùng khôn xiết Chữ gấm dệt xong nhưng tin cá vắng. Đêm đêm những chỉ bói điềm vui bằng hoa đèn lạnh.. Bài thơ phản phất dư âm người thiếu phụ trông chồng trong thơ  thi hào Âu Dương Tu đời Tống bài Điệp luyến hoa. Chữ gấm do tích  nàng Tô Huệ mong chồng được về, nàng dệt nên một tấm gấm có những dòng thỉnh cầu việc đó  dâng lên vua nàng đã được toại nguyện. Người xưa viết thư trên giấy có in hình con cá ở đầu gọi là ngư thư. Theo thi thoại của Di Bạch Trai : có người đem biếu đôi cá chép, khi mổ ra thấy trong bụng có bức thư : cho nên thư tín còn được gọi là tin cá.

PHÒNG THU

 

Gió thu vuốt áo, nước nhen băng,

 

Vắng vẻ phòng sâu nỗi lạnh lùng.

 

Chữ gấm dệt rồi tin cá vắng,

 

Đêm đêm báo hỷ, bói hàn đăng.

THU KHUÊ

 

Thu phong bả tụ hốt sơ băng,

 

Liêu tịch thâm khuê, lãnh bất thăng.

 

Cẩm tự chức thành lân tín diểu,

 

Hỷ hoa dạ dạ bốc hàn đăng.

 

 

Bài Thu Dạ viết : Đêm thu dằng dặc nơi chốn  đình Bắc.  Tiếng kèn, tiếng ốc không sao nghe nỗi. Bồn chồn dưới đèn lạnh trong quán vắng. Trên áo chăn tràn đầy ánh trăng sao.

ĐÊM THU

 

Thao thức đêm thu chốn  Bắc đình,

 

Điệu kèn, tiếng ốc chói thanh âm,

 

Quán vắng bồi hồi đèn lạnh lẽo,

 

Tràn ngập trăng sao chiếu áo chăn.

 

THU DẠ

 

Thu da thiều thiều ngọn Sóc đình,

 

Giá thanh giác vận bất kham thinh.

 

Bồi hồi cô quán hàn đăng hạ,

 

Y bí tàn phân mãn nguyệt tinh.

 

Bài Mây thu: Sứ đoàn được vua Càn Long cho đi thăm vườn  ngự uyển tại Nhiệt Hà, nơi vua đang nghỉ mát. Tôi có đến thăm vườn này năm 2009.  Năm sắc lộng lẫy trên cành vườn ngự. Mây ngàn một đám bây về nơi đâu ? Lững lờ nếu vượt mặt nước qua biển Nam. Cho gửi thơ nặng tỏ nỗi nhớ xa.

MÂY THU

 

Ngự uyển rực màu mây ngũ sắc,

 

Một vầng mây lạc dạt về đâu ?

 

Lững lờ vượt biển Nam trôi mãi.

Cho gửi lòng ta một nỗi sầu.

THU VÂN

 

Ngũ sắc nồng trang ngự uyển chi,

 

Nhàn vân nhất phiến khứ hà chi ?

 

Phù du nhược độ Nam minh thủy,

Nghĩ phụ trùng giam đạt viễn ty.

 

                Bài Thu Sơn:  Thu tạnh một màu quét sạch mây trôi. Núi biếc, đèo xanh phơi bay vệt gấm. Ta muốn chống gậy lên đỉnh núi cao vút. Cúi nhìn trời đất, ngắm ánh bình minh, ánh hoàng hôn.

NÚI THU

 

Một màu thu tạnh, chẳng mây trôi,

 

Núi biếc, đèo xanh gấm vẻ vời.

 

Chống gậy muốn trèo lên đỉnh núi.

 

Ngắm ánh dương soi rạng đất trời.

THU SƠN

 

Tình thu nhất sắc tảo phù vân,

 

Thúy nghiễn, thương nhai hiện cẩm vân.

 

Ngã dục huề cùng đăng tuyệt đỉnh,

Phủ khan đại khối ác triêu huân.

 

                Bài Thu Mộng: Núi sông trong mộng không còn gì là xa cách. Đêm đêm trở về với cảnh thu nơi vườn cũ. Tiếng xe phóng đâu đây khiến mình bừng tỉnh. Thấy mình vẫn là cánh bèo trôi nỗi ở chân trời.

MỘNG THU

 

Mộng về sông núi chẳng còn xa,

 

Trở lại đêm đêm vườn thu nhà.

 

Tiếng ngựa xe qua lòng tỉnh giấc,

 

Chân trời phiêu bạt, cánh bèo hoa.

THU MỘNG

 

Mộng lý sơn xuyên thất trở tu,

 

Qui lại da dạ cố viên thu.

 

Kinh xao hà xứ khu xa hưởng,

Y cựu, thiên biên nhất ngạnh phù.

 

                Bài Thu Nguyệt : Hình ta, bóng trăng cộng lại thành đôi. Bốn mươi năm nay bạn bên song nhỏ. Muôn dặm theo nhau tới triền cát Bắc. Tinh thần vẫn như thuở soi xuống sông Quỳnh. Bài thơ cho ta biết được Đoàn Nguyễn Tuấn sinh năm 1750, sinh ở Quỳnh Hải, bên sông Quỳnh tỉnh Thái Bình.

TRĂNG THU

 

Ta hình, mình bóng cộng song đôi,

 

Bốn chục năm qua sánh bạn đời.

 

Muôn dặm theo nhau về đất Bắc,

Sông Quỳnh một thuở vẫn còn soi.

THU NGUYệT

 

Ngã hình quân ảnh cộng thành song,

 

Tứ thập niên lai bạn tiểu song.

 

Vạn lý tương tùy lâm Sóc mạc,

Tình thần nhất dạng chiếu Quỳnh giang.

 

                Bài Thu Thảo : Thu sang màu cỏ thảy đều lóm đóm. Như tóc người buồn điểm thêm sợi bạc. Chưa chịu để gió bụi ràng buộc mãi. Tới  mùa xuân ấm cỏ lại tốt tươi.

CỎ THU

 

Thu sang màu cỏ điểm màu sương,

 

Như tóc người buồn điểm sợi buồn.

 

Chẳng chịu bụi trần vương vấn mãi,

Xuân sang nắng ấm cỏ xanh rờn.

THU THẢO

 

Thu lai, thảo sắc tận thành ban,

 

Điểm xuất sầu nhân mãn nhất ban !

 

Vị hứa phong trần chung quản thúc,

Dương xuân sinh hậu hảo khai nhan.

 

                Bài  Thu Diệp: Hồng tàn không sức chống với trời băng. Xơ xác lìa cành, xào xạc quanh gối. Đâu bằng Việt Nam tràn trề sức sống. Mùi thơm vẻ đẹp không rụng theo mùa thu.

LÁ THU

 

Hồng tàn không sức chống trời băng,

 

Xạc xào quanh gối lá lìa cành.

 

Đâu bằng đất Việt tràn sức sống,

Hương sắc thu sang chẳng rụng tàn.

THU DIệP

 

Tàn hồng vô lực khống băng thiên,

 

Tiều tụy từ chi, giáp chẩm biên..

 

Tranh trự Việt Nam sinh ý hảo,

Bất tùy kim lệnh trụy phương nghiên.

 

                Bài Thu Suất: Giữa trời thu trong trẽo chốn ải xa, giọt nước đồng hồ lê thê.. Lên bờ ao tiếng dế sầu bi xen với tiếng ve lạnh lẽo. Loài côn trùng bé nhỏ cũng hiểu lòng kẻ đi xa. Gợi mối u hoài chuyễn đưa tới quê nhà.

DẾ THU

 

Đất khách đêm thu giọt nước buồn,

 

Bờ ao  tiếng dế lạnh kêu thương.

 

Côn trùng cũng hiểu lòng chinh khách,

Chuyển mối  u hoài đến cố hương.

THU SUẤT

 

Tuyệt tái thanh thu dạ lậu trường,

 

Trì đường bi suất gián hàn tương !

 

Vi trùng diệc giải chinh nhân tứ,

Liêu dẫn u hoài đáo cố hương.

CT:

Đồng hồ: ngày xưa tính thời gian bằng chiếc hồ bằng đồng nhỏ giọt xuống một cái bình khác, trong hồ có vạch nước chỉ thời gian, canh một, canh hai..

 

                Bài Thu Thủy: Nước thu trong vắt, tuyệt không gợn bụi. Đó là gương bạc do Tây Đế còn gọi là Tây Hoàng,, thẩn chủ trì của mùa thu đúc nên chăng ? Chiều dạo bờ ao, nghiêng thấy bóng mình. Râu tóc đã khác với lúc ra đi.

NƯỚC THU

 

Trong vắt nước thu chẳng bụi trần,

 

Mặt gương Tây Đế đúc nên chăng ?

 

Chiều dạo bờ ao nghiêng thấy bóng,

Tóc râu đã khác lúc dời chân.

THU THỦY

 

Thanh thanh thu thủy, tuyệt tiêm trần,

 

Tây Đế dung thành xuất dã ngân.

 

Vãn bộ trì đường tà kiến ảnh,

Mãn mi bất tự khứ thời nhân.

 

                Bài Thu Cầm: Trăng lặn bên song the, giọt ngọc (đồng hồ) trầm trầm.. Tiếng tơ đồng hiu hắt thoảng qua rừng phong. Âm điệu ngàn năm: bài cao sơn lưu thủy. Non cao nước chảy của Bá Nha. Não lòng năm canh kẻ góc biển chân trời.

ĐÀN THU

 

Trăng lặn song khuya, giọt ngọc trầm..

 

Tiếng đồng hiu hắt thoảng rừng phong.

 

‘Non cao nước chảy’ ngàn năm điệu,

Góc biển chân mây, khách chạnh lòng.

THU CẦM

 

Nguyệt lạc sa song, ngọc lậu trầm,

 

Tiêu tiêu đồng vận quá phong lâm.

 

Cao sơn lưu thủy thiên thu điệu,

Hải giốc thiên nhai, ngũ dạ tâm.

 

                Bài Thu Cúc: Trăm cây xơ xác, cúc vẫn xanh ngọn. Cúc vàng giỡn  sương riêng mọc thành từng khóm. Trước hoa chợt nhớ tới lúc dưới dậu đông. Đào Tiềm đời Tấn trồng cúc dưới dậu đông.. Hai ba thu nay phụ tình bạn cũ.

CÚC THU

 

Trăm cây xơ xác, cúc còn xanh,

 

Một khóm đùa sương, khóm cúc vàng.

 

Trước hoa chợt nhớ bên hàng dậu,

Mấy độ thu qua phụ bạn lòng.

THU CÚC

 

Bách thu điêu linh, thặng lục sao,

 

Lăng sương kim giáp độc thành bao.

 

Đối hoa, hốt ức đông ly hạ,

Tam lưỡng thu lai, phụ tố giao.

 

                Bài Thu Liễu: Tớ ngắn cành thưa, soi bóng trên sóng biếc. Chiều đến lả lướt, vì ai mà nhọc sức ? Trên bờ đê cũ, trang điểm cho trăm hoa lúc xuân sang. Chắc tới lúc ta về, liễu đã cao vài trượng.

LIỄU THU

 

Tơ ngắn, cành thưa soi sóng biếc,

 

Chiều về lả lướt, nhọc vì sao ?

 

Bờ hồ trang điểm trăm hoa nỡ,

 

Chắc lúc ta về liễu đã cao.

THU LIỄU

 

Đoản tuyến, sơ chi ảnh bích đào,

 

Vãn lai, phất lược vị thùy lao ?

 

Cổ bi bách đoá xuân sơ quải,

Ưng cặp qui thời cổ trượng cao.

 

                Bài Thu Vũ: Tí tách đầu rèm mưa lúc thưa lúc nhặt. Một mình không ngủ, muốn dậy lại lười. Cô gái Ngô chớ hát khúc thê lương ấy: “Mưa thu buồn bả, Chàng thanh tú của ta, sao chẳng về nhà “. Từ đây đến quê nhà (Giang Nam) còn xa cách muôn trùng.

MƯA THU

 

 

Đầu rèm tí tách giọt thưa, nhanh,

 

Không ngủ, một mình lười chỉ nằm.

 

Ngô nương chớ hát thê lương khúc,

 

Giờ cách Giang Nam đến vạn trùng.

THU VŨ

 

Tích lịch thiềm đầu đạm cánh nùng,

 

Cô miên bất trước, khởi hoàn dung.

 

Ngô nương mạc xướng tiêu tiêu khúc,

Thử khứ Giang Nam hựu vạn trùng.

CT:

 

Ngô nương khúc vãn: Thu vũ tiêu tiêu, phương lang bất qui. 

Giang Nam:  do bài phú Giang Nam của Dữu Tín, nhớ quê hương, Giang Nam trở thành điển tích chỉ quê nhà.

 

                Bài Thu Phong:  Gió lạnh từ phương Tây thổi vào rặng cây phong chiều. hiu hắt thổi tan bao đóa hồng trong vườn ngự uyển. Sông Quỳnh càng xa hơn so với sông Ngô. Mùi vị rau rút cá vượt thảy đều giống nhau. Sông Quỳnh quê hương  Quỳnh Hài của Đoàn Nguyễn Tuấn càng xa hơn so với sông Ngô; nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Việt Nam gọi Trung Quốc là nước Ngô, ca dao có câu: “Sông Ngô, bể Sở tung hoành”. Người Nhật Bản cũng gọi  chữ Trung Quốc là Ngô tự.. Sông Ngô chỉ các con sông ở Giang Bắc, Giang Nam.  Cá Vượt rau tần chỉ việc trở về quê hương qui ẩn, từ quan. Việc từ quan về hưởng thú điền viên, nước Nam hay Trung Quốc đều giống nhau.

GIÓ THU

 

Gió Tây hiu hắt thổi rừng phong,

 

Vườn Ngự tàn rơi mấy cánh hồng.

 

Sông Quỳnh xa cách sông Ngô mấy ?

Cá vược rau tần một vị cùng.

THU PHONG

 

Túc khí Tây lai nhập vãn phong,

 

Tiêu tao suy tán ngự viên hồng.

 

Quỳnh giang cánh tỷ Ngô gfiang viễn,

Chuyên thái, lô ngư nhất vị đồng.

 

                Bài Thu Hà: Ao mùa thu đã tàn tạ, mùi hương lạ cũng tiêu tan. Trăng mờ, gió lạnh, bạn cùng quạnh vắng. Vẫn còn rễ sâu cắm trong bùn. Hàng năm lại nẩy ngó sen như cũ.

SEN  THU

 

Ao thu  tàn tạ, sắc tiêu điều,

 

Gió lạnh, trăng mờ nỗi quạnh hiu.

 

Vẫn còn rễ cắm trong bùn đất,

Năm năm lại nẩy ngó thanh tao.

THU HÀ

 

Sơ y  thoát tận, dị hương tiêu,

 

Đạm nguyệt thê phong bạn tịch liêu.

 

Hoàn hữu thân căn nê lý tại,

Niên niên y cựu lộ thanh tiêu.

 

                Bài Thu Địch. Trên đường xe ngựa  chạy suốt ngày vang rền như sấm, mấy tiếng sáo xa vọng tự hướng vầng trăng mọc. Lữ khách buồn hiu, nằm trùm  khăn kín đầu. Vô cớ bên tai cứ giục giã hoài.

SÁO THU

 

Xe ngựa đường xa tựa sấm rền,

 

Bổng nghe tiếng sáo vọng trăng lên.

 

Hắt hiu lữ khách đầu khăn kín,

Vô cớ bên tai vọng tiếng buồn.

THU ĐỊCH

 

Xa mã đồ trung tận nhât lôi,

 

Kỷ thanh viễn địch nguyệt biên lai.

 

Cơ nhân sầu cực mông đầu ngọa,

Nhĩ bạn vô đoan sác sác thôi.

 

                Bài Thu Lộ: Hoa sương kết thành cửa sổ gíấy trống rỗng. Trời đất y hệt như sau cơn mưa ướt dầm. Chợt nhớ lối tùng cúc trong vườn cũ. Vẫn một sức sống tự nhiên như xưa.

SƯƠNG THU

 

Sương hoa kết tụ cửa song thưa,

 

Trời đất như vừa đầm ướt mưa.

 

Cúc tùng chợt nhớ nơi vườn cũ,

Vẫn còn sức sống tự như xưa.

THU LỘ

 

Sương hoa kết tụ chỉ song hư,

 

Thiên địa chân như yêm hấp dư.

 

Hốt ức cố viên tùng cúc kính,

Nhất ban sinh ý tự như như.

 

                Bài Thu Châm: Vằng vặc sông Ngân soi khắp sáu phố phường. Sông Ngân Hà hiện rõ rào mùa thu tương truyền đàn quạ rụng lông đầu để bắt cầu trên sông Ngân cho Ngưu Lang, Chúc nữ gặp nhau. Lòng hiu quạnh không ngủ được, đứng trên thềm vắng. Tiếng chày đập vải lạnh lùng từ đâu vắng tới. Đập nát lòng kẻ đi  xa quê hương  ở ngoài muôn dậm.

TIẾNG ĐẬP VẢI ĐÊM THU

 

Vằng vặc sông Ngân sáu phố phường,

 

Quạnh hiu không ngủ đứng bên thềm.

 

Tiếng chày đập vải từ xa vẳng,

Đập nát lòng ai vạn dậm trường.

THU CHÂM

 

Cảnh cảnh tinh hà chiêu lục nhai,

 

Cô khâm bất mị lập không giai.

 

Hàn châm hà xứ đinh đông hưởng,

Đảo toái du nhân vạn lý hoài.

 

                Bài Thu Lan: Sương tràn ngập trăm loài cây cỏ, làm rụng cánh hoa thơm. Hoa Lan là chúa các loài hoa trong chậu vẫn trổ bông lạ.  Khổng Tử cho lan là loài hoa có hương vương giả (Lan vi vương giả hương). Hãy thử mang đến chốn điện cung Quế đỏ (Mặt Trăng) Quế cũng nở hoa mùa thu, lan cũng nở hoa mùa thu, cả hai đều là loại hoa quý. So hương, khó khen loại nào thơm hơn.!

LAN MÙA THU

 

Sương lan cây cỏ rụng hoa thơm,

 

Hoa chúa phong lan nở sắc hương.

 

Hãy thử mang vào cung Quế đỏ,

So hương khó kén loại nào hơn.

THU LAN

 

Sương xâm bách thảo trụy phương hoa,

 

Bồn lý hoa vương đối dị ba.

 

Thí vị chí lai đan quế điện,

Chân hương đối hiệu định nan ta.

 

                Bài Thu Tình, Mùa thu trong sáng: Muôn ánh hào quang giởn trong ánh sáng chiều. Ánh nắng hồng điểm trang trăm hoa rực rỡ. Đẩy song cửa có khách thảnh thơi ngắm cảnh. Chỉ thấy trên trời cánh nhạn bay ngang.

TÌNH THU

 

Muôn ánh tường quang lộng nắng chiều,

 

Trăm hoa trang điểm sắc đua màu.

 

Đẩy song có khách thi nhân ngóng,

Chỉ thấy lưng trời cánh nhạn cao.

THU TÌNH

 

Vạn đạo tường quang lộng vãn tình,

 

Hồng trang bạch tiễn bách hoa minh.

 

Thôi song hữu khách thư nhàn vọng,

Duy hữu trường không nhất nhạn tình.

 

                Bài Thu sắc, Cảnh sắc mùa thu; Bát ngát trời cao màu xanh phong kín. Bốn phía đồng nội mông mênh, tùng sam già cỗi. Muốn mời bàn tay tiên làm thợ vẽ. Lượm hết dáng mùa thu, vẽ thành tranh cuộn lại thành từng ống tranh bỏ vào hòm khách.

SẮC THU

 

Bát ngát trời cao một sắc xanh,

 

Đồng nội mênh mông một góc thành.

 

Muốn gửi tay tiên ai khéo vẽ,

Góp hết thu dung một bức tranh.

THU SẮC

 

Đạm đãng tràng thiên nhất bích hàm,

 

Thương thương tứ dã lão tùng sam.

 

Họa công dục thỉnh chân tiên thủ,

Liễm tận thu dung nhập lữ hàm.

 

                 Bài  Thu Ngô: Thu đến sương gieo lá ngô đồng rụng cuống trôi theo dòng  sóng nước bạc. Thân cây già xơ xác trên bờ đê lạnh. Thương thay Tây đế, Thần coi về mùa thu thật nỡ vô tình. Chẳng vì chim thiêng, chim phượng hoàng chỉ đậu cành ngô đồng, mà che chỡ cho một cành.

NGÔ ĐỒNG MÙA THU

 

Lá rụng theo sương trôi sóng bạc,

 

Tiêu điều gốc lạnh cành bờ đê.

 

Thương thay Tây đế vô tình nhỉ ?

Chẳng để chim thiêng một cảnh về.

THU NGÔ

 

Diệp chiến sương uy phó bạch ba,

 

Tiêu điều lão cán thặng hàn đê.

 

Khả liên Tây đế vô tình cực,

 

Bất vị linh cầm tí nhất kha.

CT

Chim thiêng: tương truyền chim phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng.

 

                Bài Thu Lô: Phía Nam viện khách có cái đỉnh nhỏ xua tan hơi rét. Làn khói nhạt bay lẫn vào đám mây chiều. Căn trần tục của thân thế phù sinh còn nặng. Dốc sức vào lò lửa đến nay đã ba năm rồi. Đoàn Nguyễn Tuấn muốn nói mình ra làm quan Tây Sơn từ năm 1787 vì căn trần tục mình còn nặng nên phải dốc sức vào lò lửa luyện đan đã ba năm nay giống như đạo sĩ luyện đan làm thuốc trường sinh bất tử.

 

LÒ SƯỞi MÙA THU

 

Phía Nam viện khách đỉnh than hồng,

 

Mây chiều pha khói nhạt màu lam.

 

Bởi phù sinh vướng căn trần nặng,

Lò hồng chăm sóc đã bao năm.

THU LÔ

 

Tiểu đỉnh khu hàn khách viện Nam,

 

Đạm yên phi nhập mộ vân hàm.

 

Phù sinh thân thế trần căn mộng,

Lô hỏa cần phao tuế dĩ tam.

 

                Bài Thu Thanh: Thê lương não ruột lọt vào bức rèm thưa. Trời đất không có tiếng mà ngẫm lúc bỗng lúc trầm. Lúc thì yên, lúc thì gợi ra như vạn mối sầu. Cứ sáng ra, mái tóc lại bạc thêm mấy sợi. Âu Dương Tu cũng có bài Phú Tiếng Thu tuyệt tác. Bài Thu Thanh của Đoàn Nguyễn Tuấn gợi vài câu mùa thu thi hào Âu Dương Tu, và kết luận bằng hình ảnh câu thơ Lý Bạch, mái tóc sớm xanh chiều đã bạc.(Xem bài cùng tác giả Nguyễn Du qua mộ Âu Dương Tu. Site tapchivanhoanghean, chimvietcanhnam..)

TIẾNG THU

 

Thê lương não ruột nhập rèm thưa,

 

Trời đất vô thanh, trầm bổng mà !

 

Lúc gợi, lúc yên sầu vạn mối,

 

Sáng ra tóc bạc mái đầu xưa.

THU THANH

 

Thê thê thiết thiết nhập sơ liêm,

 

Thiên địa vô thanh khởi phục tiềm.

 

Bài dẫn u sầu thiên vạn chủng,

Hiểu lai bạch phát sổ hành thiêm.

 

                Bài Thu Phố: Khói liễu đu đưa, gió chiều lạnh lẽo. Trời sông hiu quạnh chẳng nỡ ngắm nhìn. Vài ba chim âu trên bãi cát giật mình muốn vùng dậy. Ngư ông đi về bến nước đầy rau tần xanh.

BẾN THU

 

Khói liễu điều hiu lạnh gió chiều,

 

Trời sông biếng ngắm cảnh đìu hiu.

 

Vài chim âu trắng kinh hoàng dậy,

Ngư phủ đi về nơi bến rêu.

THU PHỐ

 

Liễu yên phi phất vãn phong hàn,

 

Đạm đãng giang thiên bất nhẫn khan.

 

Tam lưỡng sa âu kinh dục khởi.

Ngư ông qui khứ lục tần than.

 

               

                Bài Thu Hà, chữ Hà này là ráng chiều mùa thu. Ánh thu vạn dậm ở trong bầu ngọc. Rán hồng lả bóng vào trong kinh đô. Trên hội Bàn Đào, trời cùng vui chung. Cửa trời mở ra như bức tranh treo. Nhìn  ráng hồng chiều thu, Đoàn Nguyễn Tuấn tưởng tượng đến cảnh Tây Vương Mẫu hiến bàn đào, mở tiệc ăn trái đào trên trời. Cảnh trời đất như chung vui với nhau.

RÁNG THU

 

Vạn dậm ánh thu ngọc một bầu,

 

Ráng hồng lả bóng xuống kinh đô.

 

Bàn đào mở hội trời chung hưởng,

Trời mở như treo một họa đồ.

THU HÀ

 

Vạn lý thu quang tại ngọc hồ,

 

Hồng  hà đồ ảnh nhập hoàng đô.

 

Bàn đào hội thượng thiên đồng lạc,

Xương hạp môn khai quải họa đồ.

 

 

                Bài Thu Sương viết: Đèn lẽ đêm dài hơi lạnh thấm áo. Lác đác hoa sương bay phủ quanh mặt. Râu tóc một nửa bạc theo nỗi sầu. Chẳng cần vị thần sương Thanh Nữ bạn cùng cửa lạnh.

 

SƯƠNG THU

 

Đèn quạnh đêm thâu lạnh áo choàng,

 

Mặt người lác đác phủ hoa sương.

 

Tóc râu một nửa sầu lên bạc,

Chẳng bạn nàng Thanh chốn cửa hàn.

THU SƯƠNG

 

Cô đăng dạ vĩnh lãnh xâm y,

 

Lạc mạc sương hoa táp diện phi.

 

Mao mấn bán tùy sầu lý bạch,

 

Mạc tu Thanh Nữ bạn hàn phi.

CT:  Thanh Nữ:  theo sách Hoài Nam Tử là vị thần của sương.

 

                 Bài Thu Nhạn: Phía Nam huyện Hành Dương, tỉnh Hồ Nam có dãy Hành Sơn, gồm có 70 ngọn núi, trong đó có ngọn Hồi Nhạn Phong là đỉnh núi cao nhât. Tương truyền chim nhạn bay đến đó thì quay về. Mấy bóng chim nhạn sà ở đầu tường. Mộng về Hành Dương bởi ai nên chậm ? Ân cần cùng người kể chuyện tâm tình. Hãy theo gió Tây mà tìm cành cũ.

NHẠN THU

 

Chim nhạn đầu tường thoáng bóng sa,

 

Hành Dương mong nhớ chậm ai về.

 

Ân cần tâm sự cùng ai đó,

Quay hướng Tây phong kiếm lối xưa.

THU NHẠN

Sổ cá tường đầu nhạn ảnh đê,

Hành Dương vi mộng vị thùy kê.

Ân cần dữ nhĩ thoại trung khúc.

Hảo tưởng cô phong mịch cố chi.

 

                Mùa thu Việt Nam không rõ nét, trên quê hương Việt Nam hai mùa mưa nắng.  Không có cảnh rừng thu phong đã nhuốm màu quan san. Cảnh vật rực đỏ màu lá phong khi sương muối về chen lẫn màu vàng rực rỡ, trong mưa thu, trong gió heo may. Trong thi ca cổ điển Việt Nam, chúng ta chỉ biết những bài thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến: Ao Thu, Thu Điếu, Thu Vịnh thỉnh thoảng cá vài chiếc lá vàng rơi rụng trên ao thu,  hay  hình ảnh  cung điện thành quách ngậm ngùi bên màu cỏ úa :  Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo của Bà Huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh. Nguyễn Du có bài tả cảnh mùa thu tại miền núi  Vân Nam trong Thanh Hiên Thi tập. Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương có  những bài thơ tình mùa thu đối đáp nhau chép trong Hương Đình Cổ nguyệt thi tập, Lưu Hương Ký  và Thanh Hiên thi tập (xem bài cùng tác giả:   Đi tìm Cổ Nguyệt Đường và mối tình Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du) nhưng  28 bài thơ Đoàn Nguyễn Tuấn là một chùm thơ viết về mùa thu thật là đặc sắc, nói lên tâm sự người đi sứ xa  nhớ về quê hương. Xin giới thiệu cùng độc giả những bài thơ tuyệt tác trong kho tàng thi ca chữ Hán Việt Nam của Đoàn Nguyễn Tuấn viết tại Bắc Kinh để đọc  uống trà, ngâm thơ, ngắm hoa cúc mỗi độ thu về.

Paris 7-3-2017

PHẠM TRỌNG CHÁNH

Tài liệu  tham khảo: Thơ Văn Đoàn Nguyễn Tuấn. Hải Ông Thi Tập. Viện Hán Nôm. Nxb Khoa Học Xã Hội. Hà Nội 1982.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.