Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi ở Bắc Ninh. (Ảnh: Wikimedia)
Mạc Đỉnh Chi
Đời Trần có Mạc Đỉnh Chi
Vóc người nhỏ bé dị kỳ hơn ai
Xấu tướng mà có biệt tài
Nói năng hoạt bát biện bài càng hay
Mấy phen đi sứ cõi ngoài
Lưỡng Trạng nổi tiếng danh bay nước Tàu
Ngài còn liêm khiết thanh cao
Của tiền phi nghĩa khôn xao lòng vàng
Gương trong ngọc trắng huy hòng
Làu làu kinh sử vẻ vang giống nòi...
( KHUYẾT DANH )
Trên đây là bài thơ mà người viết học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư từ hồi còn để chỏm. Do đó không nhớ tên tác giả. Tuy nhiên, qua nội dung bài thơ, tg rất mực ngợi ca ông Mạc Đỉnh Chi.
Và cũng chính bài thơ trên đã gợi cảm hứng cho người viết biên soạn Danh Nhân tiểu truyện này.
Tiểu sử: Mạc Đỉnh Chi ( M Đ C )Tự là Tiết Phu, người tỉnh Hải Dương, giòng dõi Mạc Hiển Tích đời Nhà Lý, mồ côi cha từ nhỏ, nhân dạng tuy xấu, nhưng cực kỳ thông minh. Ông theo học với Hoàng đệ Trần Ích Tắc, và đỗ Tiến sĩ năm 1304 đời vua Trần Anh Tông. Đỗ đầu khoa, nên gọi: Trạng Nguyên.
Nhưng nhà vua không trọng dụng do ngoại hình . Biết bụng vua, Ô. làm bài phú "Ngọc Tỉnh Liên" dâng lên vua. Nội dung ví mình như hoa Sen quí trong Giếng Ngọc. Nhà vua xem xong, cả đẹp, phong chức dần lên tới Tả Bộc Xạ (Thượng Thư ), hai lần đi sứ sang Nhà Nguyên, và ứng đối rất tài tình.
Ông đã cùng vua Nguyên xướng hoạ thơ văn rất tương đắc, được vua Nguyên chính tay chấp bút phong tặng"Lưỡng quốc Trạng Nguyên".
MĐC người cương trực, thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước. Ông làm quan qua ba đời vua: Anh Tôn, Minh Tôn, Hiến Tôn. Đời vua Trần Minh Tôn được phong Hành Khiển Nhập Nội (Thủ tướng)
Những giai thoại nói về MĐC:
1 - Ứng Đối: Khi vào bệ kiến vua Nguyên, nhà vua có câu đối:
NHẬT HỎA, VÂN YÊN BẠCH ĐÁN THIÊU TÀN NGỌC THỐ ( Mặt trời là lửa, mây là khói ban ngày đốt cháy vầng trăng )
Hiểu ý kiêu ngạo trịch thượng của vua Nguyên, để tỏ rõ khí phách của dân Việt, MĐC đối lại :
NGUYỆT CUNG, TINH ĐẠN HOÀNG HÔN XẠ LẠC KIM Ô ( Trăng là cung, sao là tên chiều tối bắn rơi mặt trời )
Rất là tuyệt, nói theo Kim Dung rất là độc chiêu, ăn miếng trả miếng, vua Nguyên nghe qua hậm hực nhưng cũng rất kiêng dè..!!
Cũng qua câu đối của MĐC, người Tàu " Mao Tôn Cương" rằng: theo ý câu đối, về sau cháu Ô. ắt có người làm việc thoán đoạt. Và đã ứng vào Mạc đăng Dung cháu 7 đời, đã soán ngôi nhà Hậu Lê (Lê Lợi....) đồng thời truy tôn Ô. MĐC là KIẾN THUỶ KHÂM NINH VĂN HOÀNG ĐẾ. Hiện nay nơi quê hương Lũng Động, Chí Linh, Hải Dương có đền thờ Ô. MĐC rất trọng thể..!!
2 - Văn Tế Công Chúa Nguyên
Thời gian đi Sứ ở Yên Kinh ( Bắc Kinh ), có một công chúa nhà Nguyên chết, Mạc Đĩnh Chi được cử đọc văn tế. Để thử tài Sứ Thần nước Nam, quan Lễ Bộ trao cho Ông tờ giấy chỉ có 4 chữ " Nhất ". Bình tĩnh, tài trí MĐC ứng khẩu đọc:
Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa,
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Y hi ! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết !
Dịch nghĩa:
Một đám mây trên trời
Một bông tuyết trong bầu trời
Một nhành hoa trong vườn Thượng
Một mặt trăng trong ao tiên
Ôi ! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết !
Ý rằng: trên trời có một đám mây, trong bầu trời có một bông tuyết, nơi Thượng uyển có một nhành hoa, trong ao tiên có một mặt trăng!
Nhưng than ôi! mây tan tác, tuyết tiêu tan, hoa tàn tạ, trăng mờ khuyết !
Đại ý là tiếc thương Công Chuá lá ngọc cành vàng đã mệnh chung, thương thay tiếc thay !!
3 - Liêm Chính: Vua nghe nói MĐC người rất liêm chính, ngay thẳng. Để thử lòng Ông, vua cho người đem vàng bỏ rơi trước nhà. MĐC lượm được vào chầu tâu với Vua. Vua bảo, nếu không có ai nhận, thì khanh hãy lấy mà chi dụng...
Hậu duệ ở Triều Tiên
Thời gian đi sứ Tàu, sứ thần nước Nam và Cao Ly giao tình rất trọng. Do hoàn cảnh của hai nước trước cường quốc Trung Hoa, với lại tài ba của M Đ C làm sứ thần Cao Ly rất mến mộ. Vị sứ đã mời MĐC sang Cao Ly chơi và gả cháu gái cho ông. Người thiếp này sinh được 1 nữ, và 1 nam, do đó có một dòng họ Mạc ở Cao Ly.
Câu chuyện dân gian: tương truyền, gia đình Mạc Đỉnh Chi ở gần bìa rừng. Nhà nghèo. Mẹ Ông thường vô rừng kíếm củi. Một hôm, Bà bị con vượn hiếp... Về, Bà kể lại với Cha Ông. Cha Ông bèn hoá trang phụ nữ, trong lưng lận theo cái mác thật bén nhọn, vào rừng. Ăn quen, con vượn xáp lại đè Cha Ông. Cha Ông luị cho nó một mác. Xong vất xác bên lùm cây.
Mấy hôm sau có dịp đi ngang, Cha Ông thấy chỗ vất xác con vượn, nay do mối đã đụn thành gò. Cha Ông cho đây là cuộc đất tốt, theo phong thủy. Bèn dặn Bà, khi nào ông ấy mất, hãy chôn ngay nơi gò mộ của con vượn. Bà y lời.
Nhờ cuộc đất kết, sau nầy, lớn lên, Mạc Đinh Chi thông minh xuất chúng, học hành thành đạt. và phát đạt gần tới tột đỉnh vinh quang...
Phần kết: Qua truyện MĐC, người viết liên tưởng đến Án Anh đời Xuân Thu bên Tàu, tác giả chuyện cây quít trồng ở phía Bắc sông Hoài thì ngọt. Và ngược lại thì chua. Án Anh sống trước quan Trạng MĐC cả ngàn năm. Vóc dáng cũng nhỏ nhắn, nhưng cái đầu rất to, đối ứng bén nhạy, chính xác, tài cao đức trọng giúp vua Tề làm nên nghiệp Bá.
Vớ́i lòng ngưỡng vọng tiền nhân tài đức cao vợi như Thiên Cẩm sơn của Quan Trạng Mạc Đỉnh Chi, hậu sinh có bài thơ nhỏ để trân trọng người xưa:
ÔNG MẠC - ĐỈNH - CHI
( 1280 - 1346 )
Biện thuyết tài tình Mạc Đỉnh Chi
Dáng người nhỏ bé thật là kỳ
Tay buông lỏng thỏng trông như vượn
Lưng uốn lum khum ngó tợ qui
Đi sứ bao phen tiền hậu khoáng
Làm quan hai nước cổ lai hi
Văn chương uyên bác thông kinh sử
Liêm khiết trăng cao mấy kẻ bì..!!
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
Cảm Thán
Đọc Cổ Sử người xưa ngời lẫm liệt
Ngẫm lại mình chi xiết nỗi than ôi
Sông núi đó đang từng hồi... vong diệt
Mà anh hùng hào kiệt vẫn xa xôi...!!
Nguyễn Minh Thanh biên soạn
Tham khảo: trang web MĐC
Danh Nhân Từ Điển cuả Nguyễn Huyền Anh
Thành Ngữ Điển Tích của Trịnh Vân Thanh
*Rất tiếc đã tìm nhiều nơi,nhưng không thấy tên cha, mẹ của quan Trạng MĐC !!
|