Khi con về thăm Ngoại, con nghĩ Ngoại sẽ mừng. Vào nhà, con số Không – cái vòng hư ảo, siết…Ngoại già rồi, Ngoại chết! Sao không Mất, Trời ơi! Sao không Khuất-Núi rồi? Sao không Còn-Hàng-Xóm? Tàn nhang kìa rớt xuống…Ngoại khóc? Ngoại chờ con? Những giọt nến đỏ lòm! Thương quá từng tàn tạ! Gió cây như trút lá…Trăng ngàn như ngậm sương! Ai từng xa người thương cũng buồn như thế đó? Nguyễn Du nói về gió, Nguyễn Du nói về trăng…Lửng lơ trên cõi trần…niềm bâng khuâng chiều sớm!
Con vô vườn, ngồi xuống bên mương nước rì rào, gió bứt mấy tàu cau, Ngoại đâu…Không thấy Ngoại! Con huơ sào định hái buồng cau chín, mà thôi. Từ nay Ngoại ngậm cười, trầu, cau, vôi, đều bỏ. Ngoại bây giờ là gió, Ngoại bây giờ là sương…
Con thắp ba cây nhang, con cúi đầu chào Ngoại. Con đi ra đại hải, con tìm một đảo hoang, con viết chữ Việt Nam…và con tuôn nước mắt. Cái tên vua Thanh đặt cho đất nước của mình, đáng trọng hay đáng khinh?(*) Ngoại, cái Tình Bất Diệt! Mà…Trời ơi, Ngoại chết, ai kể con sử xưa…những trang sử chép thơ ký tên Lý Thường Kiệt. Bốn câu thơ thắm thiết tỏa ra bốn hướng trời…thế mà biển đầy vơi là nghĩa trang bát ngát!
Trăm năm đá cũng nát. Trăm năm vàng cũng phai. Đất Nước mình không may, Dân Tộc mình vô phước!
Trần Vấn Lệ
(*) Khởi thủy, thời Đinh Tiên Hoàng Đế, nước ta tên là Đại Cồ Việt.
Từ thời Tiền Lê đến hết Hậu Lê, nước ta tên là Đại Việt.
Gia Long lên ngôi năm 1802 đặt lại là Nam Việt, chữ Việt viết với bộ Mễ (mễ cốc / lương thực).
Vua Gia Long cử sứ qua Tàu cầu phong, ba năm sau Vua Nhà Thanh mới trả lời, buộc phải đổi là Việt Nam, chữ Việt bộ Tẩu / chạy trốn, vượt xa về phía Nam. Vua Gia Long không chịu, chỉ dùng một chữ Nam. Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mạng kế nghiệp đặt lại là Đại Nam cho đến cuối đời Bảo Đại, 1945, không thay đổi.
Tháng 3-1945, Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng đổi là Đế Quốc Việt Nam. Tháng 8-1945, Hồ Chí Minh cướp chính quyền đặt là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Từ đó, tên nước ta được gọi tắt là Việt Nam.
Năm 1954, dân miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 chạy trốn vào Nam. Năm 1975, dân miền Nam đổ xô ra biển chạy trốn xuống Malaysia, Singapour, Indonesia, Australia…xuống cả Nam Cực!
“Viết những dòng này mà sao ta khóc? Muôn nẻo cuộc đời người đó ta đây!” (thơ của Truy Phong sau năm 1954 đăng trên báo Mã Thượng)
|