Thư Bất Tận Ngôn
Tôi không thể nào nói dối lòng tôi: Hôm nay, ngày 7 tháng 3 năm 2018, ngày ở Mỹ, là Ngày Hạnh Phúc của tôi! Tôi vừa nhận được tập thơ Hư Ảo Tôi do nhà Tương Tri xuất bản.
Đây là một tập thơ, không phải tuyển tập, in hai trăm bài thơ của trên một trăm tác giả từng cộng tác với website tuongtri.com sáu năm qua...
Bài nào trong tập này cũng làm tôi xúc động một cách chân thành, kể cả hai bài của tôi. Tôi hãnh diện vì tôi có góp mặt trong tập thơ chung gồm nhiều tác giả. Tôi cũng hãnh diện, tức ngước mặt lên, tôi không muốn nước mắt tôi chảy xuống...sao bài thơ nào của ai cũng hay - Hay Thật Sự. Người ta không nói tiếng người bằng Cái Miệng, mà người ta nói tiếng người bằng Tiếng Trái Tim của người ta, của người mình, đập. Nghe nó thơ thơ thơ...giống như tiếng chuông Chùa, boong boong boong...
Tôi định viết một cái email gửi tới Tôn Nữ Thu Dung, bà chủ của website tuongtri.com nói lời Cảm Ơn Đã Nhận Được Sách, nhưng tôi thấy mình làm thế là mình"vô tư" quá. Tương tri là người "thấu cảm" người, nói lời nào là móc "ruột gan" mình ra, là những lời "tâm phúc"; Tâm là lòng dạ, là trái tim, phúc là ruột rà, là cái bụng chứa thức ăn, nói chung; là nơi cưu mang đứa con của người đàn bà, nói...cách riêng có-mắc-cỡ-ít-nhiều...Nói gì mà đừng vị nể, nói gì mà thật ngang bằng, thật dân chủ thì mới nên nói. Nói như Trương Tử Kỳ nói với Thúc Bá Nha...rồi làm như Thúc Bá Nha đập vỡ cây đàn vì Trương Tử Kỳ chết. Nói gì để ai cũng biết đó là Tri Âm, đó là Tri Kỷ...là Tương Tri! Nói và Làm như tươngtri.com đã...nói thầm và làm công khai: không quên ai đã cùng mình một lộ trình, tập họp tâm tư của từng "đồng chí" in thành một kỷ vật...không phải cái nạng gỗ, cái băng ca, cái trực thăng, cái xe hồng thập tự, cái võng hai người khiêng...mà là một cuốn sách đẹp! Người đẹp, đẹp nhất là Hoa Hậu, sách đẹp, đẹp nhất...là cái gì đó Có Như Không, Không mà là Có, đó là Hư Ảo Tôi! Trịnh Y Thư có một tác phẩm ngồ ngộ, Phế Tích Của Hư Ảo. Thơ cũng là hư ảo...Những gì còn lại sau cuộc chiến Việt Nam...đều là phế tích...hư ảo là lòng ta tha thứ, trước hết cho ta...vì ta có một thời gian dài hư quá, làm cho nước mất, làm cho nhà tan, làm cho...bốn biển chật lại thành một cái...nhà mồ! Ôi câu Tứ Hải Vi Gia sao mà ngào nghẹn...Bạn à, giúp tôi: nâng mặt tôi lên, tôi muốn khóc vì trong tập Hư Ảo Tôi không chỉ một bài Hay, vài bài Hay mà gần như tất cả (hai bài nên loại trừ, chỉ hai bài đó thôi) của tôi. Tôi không trơ trẽ tự khen. Tôi biết buồn chớ, biết đau chớ...tôi rời xa Tổ Quốc chưa có bao lâu, nay mới 29 năm, mà Má tôi mất, em tôi mất, nhiều bà con cô bác tôi mất. Tôi làm thơ chỉ cho tôi. Đớn đau là vậy.
*
Tôi muốn viết một bức thư dài cho Tôn Nữ Thu Dung nói cái "cảm xúc", cái cảm tưởng của "riêng" tôi khi nhận được món quà qua bưu điện chiều nay, ngày 7 tháng 3 năm hai ngàn mười tám. Không ai nâng mặt tôi lên. Sống âm thầm rồi mai mốt chết cũng âm thầm...
Thu Dung à, tôi xin lỗi Thu Dung tôi nói không hết lời, mà hết lời thì cũng chẳng hết gì! Xin coi đây là Thư-Bất-Tận-Ngôn...Tôi cúi xuống, tôi gục xuống...trên một bài thơ quá Hay:
nghe nhau về giữa yêu thương
với tà huy rụng bình thường hôm qua
hẹn từ nghìn ải truông xa
thềm đông phấn đượm trên tà áo đưa
tìm nhau về giữa ban trưa
khơi con nắng dậy cho vừa ái ân
gọi nhau trong mắt thánh thần
này em thơ dại tình ngần hương cau
gọi trời xanh gọi biển dâu
nguyện sao cho trọn một màu ban sơ
nằm ru từ thuở tình chờ
anh nằm im giữa dại khờ quặn đau
gọi ngàn xưa gọi ngàn sau
gọi em cổ lụy gọi sầu theo anh.
Cả bài thơ có mười bốn câu, thể lục bát, chỉ một dấu chấm, ở cuối dòng câu cuối cùng. Tác giả bài thơ ấy, Nguyễn Đức Bạt Ngàn. Với cái tên tác giả thôi mà tôi nhớ những năm tôi trên rừng sâu, trên núi thẳm...nhớ Đà Lạt nơi tôi có ba mươi mốt năm trưởng thành...nhớ những ngôi trường tôi tới lui chiều sớm...nhớ học trò...nhớ những cánh dơi chập chờn chập chờn...
Nhớ nhất: Mình phải Cảm Ơn Tôn Nữ Thu Dung gửi cho một cái thư nặng nhất tôi lấy ra từ cái thùng thư đặt trước nhà tôi đang ở. Cây đào của vườn tôi còn nhiều nụ hoa, tôi không hái nụ nào...vì người tôi mang ơn ở xa quá, xa hơn hồi người ấy ở San Dimas nhiều. Thôi, con đường nào cũng là đường-thiên-lý!
Trần Vấn Lệ