Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới thiệu Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du.
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 10:41:03 PM, Apr 02, 2009 * Số lần xem: 12676
Hình ảnh
#1

Đây là bài thơ duy nhất, Nguyễn Du nhắc đến nhà Tây Sơn. Và qua hình ảnh  “cả cái cơ nghiệp vĩ đại… chỉ còn lại có mỗi một cô ca sĩ già”, nhà thơ đã đau lòng để nước mắt rơi ướt áo...

I. Giới thiệu:
Long thành cầm giả ca (龍城琴者歌) do thi hào Nguyễn Du (阮攸; 1765–1820) sáng tác trong khoảng thời gian đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) vào năm 1813 đến năm 1914. Bài thơ này cùng với Truyện Kiều, Điếu La thành ca giả, Độc Tiểu Thanh kí...được giới chuyên môn đánh giá là những thi phẩm bộc lộ rõ nét nỗi thương xót chân thành của tác giả về những kiếp người bất hạnh, nhất là những phụ nữ khổ đau, bị vùi dập trong xã hội thời phong kiến của Việt Nam.

Đây là thi phẩm (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) được xếp đầu tiên trong Bắc hành tạp lục (北行雜錄), gồm 131 bài thơ. (số lượng ghi theo Ngữ văn 10, Nxb Giáo dục, 2008, tr. 94). Và trong cả tập thơ chỉ có bài thơ này và bài Thăng Long (gồm hai bài thơ ngắn), mang đề tài trên đất nước Việt Nam; số còn lại, Nguyễn Du đều lấy những đề tài lịch sử và những điều tai nghe mắt thấy trên con đường đi sứ sang Trung Quốc trong quãng thời gian ghi trên.

Thi phẩm được viết theo thể thơ “ca” và “hành”, hoặc gọi chung là “ca hành”.
Đây là một thể thơ cổ, có nguồn gốc từ ''thơ Nhạc phủ'' đời nhà Hán (Trung Quốc). Cổ Nhạc phủ có những bài như “Đoản ca hành”, Trường ca hành”, "Phụ bệnh hành"...Thông thường thì nó tường thuật một cảnh ngộ mà nhà thơ bất chợt nhìn thấy hoặc nghe kể lại, đồng thời nó nói lên những cảm nghĩ của nhà thơ trước tình cảnh đó. Nói gọn, thể “ca hành” đều dài, không hạn chế câu chữ, không cần niêm, đối chặt chẽ; và đều có tính tự sự, tính trữ tình.
Ngoài ''Long thành cầm giả ca'', Nguyễn Du còn viết Sở kiến hành theo thể thơ này.

Trích một vài nhận định:
Vô luận là “người con hát La thành”, “Tiểu Thanh” hay là “người đánh đàn Nguyễn” đất Long thành, họ đều là những người con gái có tài sắc và đều bị đánh vùi. Cũng như “Thúy Kiều”, những hình ảnh đó đều mang tính điển hình sâu sắc, phản ảnh hiện thực xã hội đương thời và đều đã tố cáo mạnh mẽ tính chất tàn nhẫn của xã hội đó.

Điểm lược lại một phần tiểu sử Nguyễn Du, để hiểu thêm nỗi lòng của ông trong bài thơ.

Trần Thị Tần (1740-1778), vợ quan Tư đồ Nguyễn Nghiễm (1708-1775), và là mẹ Nguyễn Du, sinh con trai đầu lòng lúc bà mới 17 tuổi. Sau bà còn có năm bà khác nữa, tuổi cũng xấp xỉ như nhau. ''Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền'' tất nhiên không nói, nhưng rõ ràng các bà không phải xuất thân ca kỹ, thì cũng vì có chút nhan sắc mà trở thành nàng hầu của quan lớn họ Nguyễn trên.
Lại nữa, sau khi cha và mẹ đều mất, 13 tuổi, Nguyễn Du phải đến ở với người anh khác mẹ hơn mình 31 tuổi, đó là quan Tham Tụng Nguyễn Khản (1734-1786). Đời sống ông anh họ này có ảnh hưởng rất lớn đối với nhà thơ. Ông Khản thi đỗ sớm, làm quan to, lại là một con người tài hoa, phong lưu rất mực. Phạm Đình Hổ, tác giả Vũ Trung tùy bút, chép:

“Ông Nguyễn Khản ham thích hát xướng, gặp khi con hát tang trở, cũng cứ cho nó tiền bắt hát, không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc. Khi ông có tang quan Tư đồ (tức Nguyễn Nghiễm), ngày rỗi cũng vẫn sai con hát đồ khúc gọi là “ngâm thơ nôm”. Bọn con em họ quí thích đều bắt chước chơi bời, hầu như thành thói quen”.

Thuở nhỏ sống trong hoàn cảnh như vậy. Cái hoàn cảnh mà những người có chút nhan sắc hay có giọng hát hay, phải đem ra làm trò chơi cho kẻ quyền quí. Cho nên, trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Du, như: ''Truyện Kiều'', Văn tế thập loại chúng sinh, ''Long Thành cầm giả ca''...khi nói về họ, ông đều có thái độ trìu mến, xót thương và xem họ như những người ruột thịt.

Trước 1975, GS. Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam có nói đến một khía cạnh khác của bài thơ:
Từ xưa, người ta cứ cho rằng Nguyễn Du u uất vì mang mối tình với nhà Lê...Nhưng trong suốt sự nghiệp thơ văn chữ Hán của ông không có một nét nào cho thấy ông ghét Nguyễn, thương Lê cả. Ngay đến nhà Tây Sơn, Nguyễn Du còn chẳng tỏ vẻ gì thù ghét...mà còn đi ăn yến dự tiệc với các quan Tây Sơn như ông đã mô tả trong ''Long thành cầm giả ca''.
Hơn thế nữa, khi Tây Sơn thất bại, Nguyễn Du còn cảm thấy đau đớn, tiếc thương…nhất là khi nhìn thấy tất cả cái cơ nghiệp vĩ đại của nhà Tây Sơn chỉ còn lại có mỗi một cô ca sĩ già, nhà thơ đã đau lòng để nước mắt rơi ướt áo...
Như vậy cái tâm sự thầm kín, u uất mà Nguyễn Du không biết nói với ai, hẳn không phải tấm lòng hoài Lê, mà phải là cái gì thắm thiết, gắn liền với thân phận ông hơn…

Năm 2004, GS. Nguyễn Lộc trong Từ điển văn học (bộ mới), cũng nêu ý tương tự:
Long thành cầm giả ca là tác phẩm viết về một con người tài hoa một thời, bây giờ nhan sắc tiều tụy, không còn ai chú ý đến nữa. Nhà thơ tỏ lòng xót thương ngậm ngùi của mình, và nghĩ đến cuộc đời dâu bể.
Bài thơ mang một tinh thần nhân đạo cao cả. Nhưng nó có một khía cạnh rất đáng chú ý là chính trong bài này, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, Nguyễn Du nhắc đến nhà Tây Sơn. Thái độ của ông thế nào thật khó hiểu. Bài thơ không có tí gì gọi lả thù địch với Tây Sơn, mà trái lại, trong khi thương xót cho số phận của người ca nữ, nhà thơ lại có vẻ như ngậm ngùi cho sự sụp đổ của họ. Phải chăng đến giai đoạn này, do có nhiều thể nghiệm về cuộc sống, cho nên cách nhìn nhận của nhà thơ đối với triều đại trên có thay đổi gần với chân lý hơn…
Yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình hoà quyện tạo nên tinh thần nhân đạo trong bài thơ “Long thành cầm gia ca” của Nguyễn Du.
Lời kể về hai lần gặp người gảy đàn là cả một câu chuyện buồn.
Bài thơ có cấu trúc phức điệu liên hoàn. Trên cái trục thời gian 20 năm là hai bữa tiệc quan, là thăng và trầm, là hưng thịnh và tiêu vong, là vinh và nhục, là trẻ đẹp, tài hoa và đầu bạc, phai tàn…

Trong '''Nguyễn Du và thế giới nhân vật của ông...''' còn nêu thêm một khía cạnh khác.
Lược theo Gs. Nguyễn Huệ Chi, thì trong Long thành cầm giả ca, Nguyễn Du đã kể lại hai lần gặp gỡ một cô đào hát tên Cầm. Và từ cái biến đổi “nhãn tiền” của cô, nước mắt nhà thơ đã ướt đẫm vạt áo:
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch,
Trong làng múa hát còn sót lại một người!
Trăm năm thấm thoát trong một hơi thở một nháy mắt,
Cảm thương việc cũ lệ thấm áo...
Những giọt nước mắt kia, ngoài việc dành cho sự biến đổi chóng vánh của cuộc đời; nói rộng hơn và siêu hình hơn, theo giáo sư, nó còn dành cho nỗi buồn rầu về những gì “càng tài năng, càng thanh sắc” thì càng bị hủy diệt nhanh chóng. Và lúc bấy giờ, trong đầu Nguyễn Du, những lực lượng tàn phá ''mọi cái hay cái đẹp'' của xã hội chỉ có thể tổng quát thành "số mệnh", như ''số mệnh'' làm cho làm cho cơ nghiệp Tây Sơn sụp đổ...
Sau này, ở bài ''Sở Bá Vương mộ'', nhà thơ cũng đã đổ cho số mệnh:
Có sức mạnh dời núi nhắc vạc, nhưng trời không giúp thì làm thế nào?
Mối hận nghìn đời, đành gửi dưới lớp cát mỏng ...
Và cũng chính số mệnh đã vùi dập cuộc đời của Tiểu Thanh (Độc Tiểu Thanh ký), của Thúy Kiều - Từ Hải, hai nhân vật tiêu biểu nhất cho “tài và tình…” Các nghiên cứu Truyện Kiều trước 1975 ở Sài Gòn, như Thanh Lãng, Thạch Trung Giả, thường dùng cụm từ “tài mệnh tương đố” hay "tài mệnh tương phương" để chỉ vấn đề này.

Bài thơ kể về hai lần gặp người gảy đàn này là cả một câu chuyện buồn. Trên cái trục thời gian 20 năm là hai bữa tiệc quan, là thăng và trầm, là hưng thịnh và tiêu vong, là vinh và nhục, là trẻ đẹp, tài hoa và đầu bạc, phai tàn... Quá khứ hiện về trong hiện tại mà tiếng đàn xưa và tiếng đàn nay đã làm rơi bao nước măt, tê tái đau xót “như xé tấc son”...
Trải qua mấy chục năm dài loạn lạc, nếm đủ mùi cay đắng nghiệt ngã. Nguyễn Du đã làm xúc động và lay động hồn người đọc về cái nghịch lý giữa tài sắc và bạc mệnh, giữa tài tử với đa cùng...
Người gảy đàn ở Long thành là một chứng nhân lịch sử, và đã cùng tác giả trở thành số phận lịch sử. Bài thơ Long thành cầm giả ca giúp người đọc thấm thía cảm nhận về cái “hận”, cái “lụy” của những tài tử, giai nhân xưa, nay…
Và như đã nói, nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố tự sự và trữ tình, thi phẩm đã thể hiện được một tinh thần nhân đạo cao cả.

II. Dịch thi phẩm:
Tiểu dẫn của Nguyễn Du, cho biết hoàn cảnh và động cơ sáng tác bài thơ

Người gảy đàn ấy không rõ họ tên là gì, chỉ nghe thuở nhỏ nàng đã theo học đàn Nguyễn trong bộ nữ nhạc cung vua Lê. Tây Sơn dấy binh, đội nhạc cũ chết chóc, tản mác. Nàng lưu lạc nơi đầu chợ, ôm đàn hát rong. Những bài nàng đàn đều là những khúc gảy hầu nhà vua, người ngoài không ai được nghe, cho nên nàng được khen là “tuyệt kỹ” của một thời.
Tôi, hồi trẻ đến kinh đô thăm anh tôi, đêm trọ ở quán bên hồ Giám. Cạnh đấy, các quan Tây Sơn tụ hội bọn con hát, trong đó con hát nổi tiếng không dưới vài chục người. Nàng thạo đàn Nguyễn, hát cũng hay, lại khéo pha trò. Người xem đều mê mẩn, nhiều lần thưởng cho nàng những chén rượu lớn, nàng tức thì uống cạn, tiền lụa thưởng nhiều vô số kể, chất đầy mặt đất.
Tôi lúc ấy nấp trong bóng tối, không trông rõ lắm. Sau gặp nàng ở nhà anh tôi. Nàng không đẹp lắm, người thấp, má phính, trán dô, mặt gãy, người đẫy đà, khéo trang điểm, mày nhạt phấn đậm, áo màu hồng, quần lụa đen biếc, phong nhã tươi tắn. Nàng hay uống rượu, thích hài hước, mắt long lanh, chẳng hề để ý đến một ai. Ở nhà anh tôi, mỗi lần uống rượu nàng đều say, nôn mửa cả ra, nằm dài trên đất, bạn bè cũng không để tâm chê trách. Sau đó vài năm tôi dời vào Nam, và từ đó không trở lại Thăng Long nữa.
Mùa xuân năm nay, tôi phụng mệnh sang sứ phương Bắc, trên đường qua Thăng Long, các quan có đặt tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ nên cho gọi hết nữ nhạc trong thành, con hát trẻ đến mấy chục người, tôi đều không biết mặt biết tên. Họ thay nhau ca múa. Rồi nghe vút lên một khúc đàn Cầm trong trẻo, nghe khác hẳn các khúc nhạc đương thời. Tôi lấy làm lạ nhìn người đàn, thì thấy người gầy võ, thần sắc khô khan, mặt đen, xấu như quỉ, quần áo toàn bằng vải thô, bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi lặng lẽ ở cuối chiếu, không nói không cười, hình dáng khó coi quá.
Tôi không biết là ai, duy nghe tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi đến người chơi đàn thì ra chính người gảy đàn ngày xưa ấy. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi này! Tôi bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, khôn xiết cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay. Đời người trăm năm, vinh nhục buồn vui khó có thể nào lường được. Sau khi từ biệt, suốt trên đường đi tôi cảm xúc vô hạn, nên làm bài ca để gởi mối cảm hứng.

Bài ca về người gảy đàn đất Long thành

Người đẹp đất Long thành
Không nghe tên họ
Riêng thạo đàn Nguyễn (1).
Người trong thành bèn lấy chữ Cầm mà đặt tên.
Nàng học được khúc Cung Phụng trong cung tiền triều (2)
Đó là những khúc đàn hay nhất trời đất.
Tôi nhớ lúc thiếu thời đã gặp một lần
Bên bờ hồ Giám (3) trong một cuộc dạ yến,
Lúc đó nàng khoảng hai mươi mốt tuổi,
Áo hồng ánh lên mặt hoa đào,
Má hừng rượu, vẻ ngây thơ, rất dễ thương,
Năm cung réo rắt, theo ngón tay mà thay đổi điệu.
Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông,
Tiếng trong như đôi hạc kêu trên cao thẳm,
Tiếng lạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc (4)
Tiếng buồn như Trang Tích (5) ngâm tiếng Việt lúc bệnh,
Người nghe say sưa không biết mỏi,
Đó là những khúc đàn trong đại nội Trung Hòa (6)
Các quan Tây Sơn trong tiệc đều say mê điên đảo,
Mải vui suốt đêm không biết chán.
Bên tả bên hữu tranh nhau vãi thưởng (7)
Tiền bạc coi rẻ như đất bùn.
Ý khí đào hoa át cả các bậc vương hầu,
Đám thiếu niên đất Ngũ Lăng (8) không đáng kể.
Tưởng chừng ba mươi sáu cung xuân (9)
Chung đúc một vật báu vô giá đất Trường An.(10)
Nhớ lại từ bữa tiệc ấy đến nay đã hai mươi năm,
Sau khi Tây Sơn bại vong, tôi vào Nam,
Long thành trong gang tấc không được thấy lại,
Huống hồ tiệc múa hát ở trong thành.
Quan Tuyên Phủ (11) vì tôi bày cuộc mua cười,
Trong đám ca kĩ đều trẻ tuổi.
Duy ở cuối chiếu có một nàng tóc đã hoa râm.
Mặt gầy thần khô hình bé nhỏ,
Đôi mày phờ phạc không điểm tô,
Ai biết đó là người trước kia nổi danh tài hoa đệ nhất trong một thời,
Khúc xưa đàn lên, tôi tuôn nước mắt ngầm theo từng tiếng.
Tai lắng nghe mà lòng chua xót!
Bỗng nhớ lại chuyện hai mươi năm xưa
Đã từng thấy trong chiếu tiệc bên hồ Giám.
Thành quách suy dời, việc người đổi,
Bao nương dâu đã biến thành biển xanh.
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch,
Trong làng múa hát còn sót lại một người!
Trăm năm thấm thoát trong một hơi thở một nháy mắt
Cảm thương việc cũ lệ thấm áo
Từ Nam trở về, đầu tôi bạc trắng!
Không trách người đẹp nhan sắc suy tàn.
Hai mắt trừng trừng luống tưởng lại chuyện cũ
Khá thương giáp mặt nhau mà không nhận được nhau!
(Quách Tấn dịch nghĩa)

Chú thích từ:
(1) Đàn Nguyễn (Nguyễn cầm) tức đàn nguyệt. Tục truyền đàn nguyệt do Nguyễn Hàm, một trong thất hiền vườn Trúc đời Tấn (Trung quốc) sáng chế nên gọi là đàn Nguyễn
(2)Tiền triều: Chỉ triều nhà Lê, vì lúc đó thuộc triều Tây Sơn.
(3) Hồ Giám (Giám hồ) hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
(4) Bia Tiến Phúc: tên tấm bia dựng ở một ngôi cổ ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Tương truyền dưới triều nhà Tống,  Phạm Trọng Yêm lúc làm quan ở Bá Dương, có người học trò nghèo dâng bài thơ hay, ông muốn giúp đỡ, cho rập một nghìn bản để bán lấy tiền. Chưa rập xong thì một đêm kia bia bị sét đánh vỡ tan.
(5)Trang Tích: sống ở thời Xuân Thu, Trung Quốc. Ông là người nước Việt, làm quan nước Sở. Khi ông ốm, Sở Vương hỏi cận thần: "Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan nước Sở, được phú quý rồi, thì còn nhớ nước Việt nữa không?". Viên thị ngự đáp: "Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không, thường tỏ ra trong lúc đau ốm. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng nước Sở". Sở Vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt. Dẫn tích này để ám chỉ người không quên quê hương, đất nước.
(6) Đại nội Trung Hòa: tên một tòa điện trong hoàng thành nhà Lê.
(7) Vãi thưởng: dịch thoát chữ Triền đầu. Đời Đường trong yến tiệc vua đãi, ai đứng dậy múa được ban gấm để quấn đầu như vật tặng thưởng. Về sau các món tiền thưởng cho người ca múa được gọi là triền đầu.
(8) Ngũ Lăng: một vùng đất ngoại ô phía tây kinh thành Trường An (Trung quốc), ở đó có năm lăng mộ của năm vua nhà Hán. Về sau nơi này, quan lại, quí tộc cấp cao và dân hào hoa phú quý thường ở. Ngũ lăng thiếu niên, chỉ những con nhà quyền quý, giàu sang. Bài ''Tì Bà Hành'' của Bạch Cư Dị có câu: ''Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu''.
(9)Ba mươi sáu cung xuân (Tam thập lục cung): trong đền vua ngày xưa bên Trung quốc có 36 cung chứa đầy mỹ nữ.
(10)Trường An hay Tràng An là kinh đô của hơn mười triều đại Trung Quốc. Trường An (長安) nghĩa là an bình lâu dài. Thời Tây Chu được gọi là Phong Kinh (豊京). Thời Tây Hán được gọi là Trường An. Thời nhà Tấn, được gọi là Thường An (常安) nghĩa là luôn an bình. Từ thời nhà Minh được gọi là Tây An. Và nay được gọi là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây.
(11)Chỉ quan trấn thủ Bắc Thành, vào lúc Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc mùa xuân 1813.
Dịch thơ:
Hoàng Tạo dịch theo thể song thất lục bát:

Đất Long thành khách giai nhân nọ,
Không nhớ ra tên họ là gì.
Nguyễn Cầm nổi tiếng đương thì,
Tên Cầm mượn của đàn kia gọi người,
Khúc cung phụng những đời vua trước,
Tưởng quân thiên nhã nhạc khôn bì.
Nhớ hồi tuổi trẻ xưa kia,
Đêm bên hồ Giám một kỳ tiệc vui.
Xuân độ ấy đương hồi ba bảy,
Ánh hồng trang lộng lẫy mặt hoa.
Não người vẻ rượu ngà ngà,
Năm cung dìu dặt này qua phím đàn.
Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi,
Tiếng trong như hạc gọi xa xăm
Mạnh như Tiến Phúc sét gầm,
Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên.
Ai nấy nghe nhường quên mệt mỏi,
Rõ tiếng đàn đại nội Trung Hoà.
Tây sơn quan khách la đà,
Mải vui quên cả tiếng gà tan canh.
Tả lại hữu tranh giành gieo thưởng,
Tiền như bùn ước lược qua loa,
Vương hầu thua kẻ hào hao,
Ngũ Lăng chẳng trẻ ai mà kể chi.
Băm sáu cung xuân kia chung đúc,
Đất Trường An hạt ngọc liên thành.
Hai mươi năm, tiệc qua nhanh,
Tây Sơn sụp đổ thì mình về Nam.
Chốn Long thành tấc gang chẳng tới,
Còn nói chi những buổi đàn ca.
Nặng tình quan sứ tiễn ta,
Tiệc hoa kén những bông hoa nói cười.
Mé cuối tiệc một người nho nhỏ,
Tóc hoa râm mặt võ mình gầy.
Bơ phờ chẳng sửa đôi mày,
Tài hoa ai biết đất này không hai!
Thoáng mấy tiếng, thầm rơi giọt lệ,
Lọt tai mà như xé tấc son!
Giật mình hai chục năm tròn,
Tiệc bên hồ Giám người còn chưa quên.
Cuộc thương hải tang điền thấm thoắt,
Cõi nhân gian thành quách đổi đời,
Tây Sơn cơ nghiệp đâu rồi,
Mà làng ca vũ một người còn trơ!
Ngàn trăm năm thì giờ chớp mắt,
Lệ thương tâm ướt vạt áo là
Nam về đầu bạc ngẫm ta,
Trách gì hương phấn bông hoa chẳng tàn!
Trừng trừng đôi mắt mơ màng,
Quen mà hoá lạ nghĩ càng thêm thương.|

T. H  dịch theo thể lục bát:

Có người đẹp ở Long thành,
Họ tên không rõ nổi danh nguyệt cầm.
Cô Cầm tên gọi tri âm,
Khúc đàn Cung phụng thâm trầm triều xưa.
Ngón tay nàng vuốt tiếng tơ,
Nhạc hay những tưởng trời đưa xuống trần.
Nhớ thời trai, đã một lần,
Tiệc vui hồ Giám, giai nhân bên mình.
Tuổi chừng hai mốt xuân xanh,
Áo hồng mờ trước mặt xinh hoa đào.
Hơi men đỏ má, yêu sao!
Năm cung réo rắt, thấp cao đổi dòng.
Tiếng khoan gió thoảng rừng thông,
Trong như tiếng hạc từng không đêm mờ.
Mạnh như sét đánh bia xưa,
Đau như Trang Tích ngâm thơ Việt buồn.
Người nghe say đắm tâm hồn,
Đẹp sao tiếng nhạc lầu son Trung hòa.
Tây Sơn quan khách tiệc hoa,
Ngả nghiêng vui thú sa đà suốt đêm.
Đua nhau tả hữu đổi bên,
Xem như bùn đất, vung tiền thưởng ca.
Vương hầu cũng kém hào hoa,
Ngũ Lăng niên thiếu vào ra bao lần.
Tưởng ba mươi sáu cung xuân,
Trường An vật báu cũng ngần ấy thôi!
Tiệc xưa, nhớ lại một thời,
Hai mươi năm đã hết đời Tây Sơn.
Ta vào Nam, thuở vàng son,
Long thành gang tấc, đâu còn trông ra?
Quan Tuyên phủ đã vì ta,
Mua vui bày tiệc múa ca rộn ràng.
Đào tiên trẻ đẹp bao nàng,
Riêng người cuối chiếu võ vàng một cô.
Hình hài, thần sắc héo khô,
Đôi mày tàn tạ, vải thô nát nhàu.
Hoa râm tóc đã ngả màu,
Long thành ai nhớ ai đâu thuở nào.
Tài danh bậc nhất cô đào,
Canh khuya bỗng vút lên cao tiếng đàn.
Khúc xưa, nghe những lệ tràn,
Lòng đau chợt nhớ gặp nàng như mơ.
Hai mươi năm trước, ai ngờ,
Tiệc vui hồ Giám, bây giờ thấy nhau?
Biết bao chìm nổi biển dâu,
Đổi dời thành quách, khác mau việc đời.
Tây Sơn cơ nghiệp tan rồi,
Chỉ còn sót lại một người múa ca.
Trăm năm chớp mắt ngày qua,
Đau lòng việc cũ, xót xa lệ sầu.
Nam ra, ta đã bạc đầu,
Trách gì người đẹp sắc màu tàn phai.
Nhớ xưa, mở mắt nhìn ai,
Thương thay giáp mặt, cả hai ngỡ ngàng...

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Long Xuyên, 24 tháng 12 năm 2008.

Tài liệu tham khảo:
-Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học, 1978.
-GS. Thanh Lãng, ''Bảng lược đồ văn học Việt Nam quyển thượng'', Nxb Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
-Từ điển văn học (bộ mới), Nxb thế giới, 2004.
-Nguyễn Huệ Chi, “Nguyễn Du và thế giới nhân vật của ông trong thơ chữ Hán”, in trong ''Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam''. Nxb Tác phẩm mới, tr. 159-161.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.