Tôi được ba tác giả tặng tôi, mỗi người một tập thơ, trong năm 2016. Người đầu tiên là Hoài Việt tặng tôi tập Mấy Vần Thơ tự anh xuất bản tại San Jose, Mỹ, năm 2015, gồm 46 bài thơ và 4 bản nhạc phổ từ thơ của anh. Sách dày 140 trang, in đẹp, trình bày trang nhã. Người thứ hai là Nguyễn Lương Vỵ tặng tôi tập T[i]ếu Ngạo Giang Hồ do Q&P Production*NXB Sống xuất bản thàng 12-2016 tại Orange County California, USA, gồm 53 bài thơ, 6 bài nhận định của 6 thi sĩ thời danh là Võ Chân Cửu, Du Tử Lê, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lê Giang Trần, Trịnh Y Thư, Phan Tấn Hải và 1 nhà nghiên cứu Phật Pháp là Tô Đăng Khoa. Sách dày 210 trang, in đẹp, trình bày trang nhã. Và người thứ ba là Tôn Nữ Thu Dung tặng tôi tập Tiểu Khúc do Tương Tri xuất bản, ở San Dimas, California, USA, gồm 50 bài thơ, một bài Mở của thi sĩ Linh Phương, hai bài nhận định của Du Tử Lê khá dài và 1 bài của tôi, Trần Vấn Lệ chỉ 1 câu. Sách dày 94 trang.
Nhận xét chung về hình thức thì cả ba tập thơ đó đều bắt mắt nhờ đẹp và trang nhã, nhưng tập Tiểu Khúc thì dễ thương vô cùng, mỏng mảnh mà không mong manh, nhìn cái bìa thôi đủ xúc động vì mang dáng dấp của một thời cổ kính vừa nghiêm trang vừa dịu dàng và chắc chắn ai cũng nhận ra nó là tác phẩm của một người đẹp. Đúng thế, nó là đứa con tinh thần khôi ngô diễm lệ của Tôn Nữ Thu Dung, một người đẹp trên văn đàn, trong thi giới.
Phần nhận xét về hình thức, nói thế, coi như đủ. Tôi bằng lòng tôi vì tôi đã hài lòng. Tôi tin độc giả và ngay cả tác giả cũng không chê trách tôi kiệm lời hay thiếu sót cái nhìn góc này góc nọ của một bức tranh.
Bây giờ sang phần nội dung: Bài thơ nào của ba tác giả trên, Hoài Việt, Nguyễn Lương Vỵ, Tôn Nữ Thu Dung cũng đều Hay. Tôi dám nói là Tuyệt Tác nữa đó. Dĩ nhiên, cả ba tác giả với tôi đều có biết nhau. Hoài Việt thì tôi quen biết từ năm 1991 ở Sunnyvale khi anh ở San Jose cách nơi tôi cư ngụ 20 miles. Chúng tôi thân mến nhau nhưng không thân thiết mấy vì Hoài Việt bận bịu công việc và gia đình, tôi thì trông coi nhà cho người thường xuyên vắng nhà. Là chúng tôi ít gặp nhau nhưng rồi có nhiều năm xa cách khi tôi về Los Angeles ở khu nghịch đường ít ai muốn ghé thăm. Tôi có đọc tác phẩm Hoài Việt trước năm 2015, thấy anh ấy yêu thơ, quan tâm đến thơ và bản chất anh hiền hậu nên anh không nổi tiếng, hơn nữa anh lại bị có người nổi tiếng quá ở ngay tại San Jose luôn luôn muốn dìm anh. Nhiều năm nay những người ấy tan tác, tan tành và tàn tạ. Hoài Việt không vì thế mà lên mặt, anh vẫn cặm cụi công việc của anh: đi làm vì học trò cần anh, vì gia đình cần anh, vì bà con trong nước cần anh. Những lời anh viết ở bài mào đầu không khoe khoang, không tự hào tuy có chút tự trào. Do đó thơ anh giống như anh, hồn nhiên, điềm đạm, thanh nhã, gọn gàng, không dính dấp đến bất cứ trào lưu nào như tân hình thức, như hậu hiện đại, nghĩa là anh không làm dáng, không làm điệu. Anh thường nói “thơ đã có điệu của thơ mình làm điệu chi nữa?”. Khi ký tặng tôi tập Mấy Vần Thơ, Hoài Việt có đề nghị tôi để ý đến bài nào mà tôi thích nhất trong cả tập để anh chiêm nghiệm và “xây dựng” thơ anh về lâu về dài Hay hơn. Tôi thật cảm kích tấm lòng anh với thơ, cảm kích sự tôi kỳ ngộ với anh và cảm động thật sự khi biết anh thật tình muốn tôi nói thật thơ anh thế nào. Thì tôi nói, nghe!
Tôi thích bài Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoài Việt! Bài đó in ở các trang 60, 61, 62. Nó là bài thơ “khô khan” nhưng thắm thiết như màu máu, màu nước mắt, màu mồ hôi, màu đất, màu núi, màu rừng đã đặc quánh. Bài thơ của Hoài Việt, tôi sẽ chép lại nguyên văn, nó không phải là bài thơ tình ủy mị kiểu “anh nhớ em, anh nhớ hình nhớ ảnh, anh nhớ em, anh nhớ quá em ôi” mà Xuân Diệu từng được tôn vinh là bậc thơ tình làm. Thơ Hoài Việt cũng là thơ tình, Hoài Việt nói lên Tình Yêu Nước. Đây là bài thơ tôi trân trọng. Đọc bài Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoài Việt tôi không cúi đầu xuống đọc, trái lại tôi ngẩng đầu, tôi ngước mặt, tôi hãnh diện – đúng nghĩa của chữ Hãnh Diện!
Đây, mời bạn đọc bài Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoài Việt:
Hoàng Sa, Trường Sa của ta!
Biết bao xương máu đổ ra giữ gìn
Lũ tàu không muốn hòa bình
Chúng đã chiếm đảo dứt tình lân bang!
Hoàng Sa thì đã tan hoang
Trường Sa Tàu mới xâm lăng một phần
Biết rằng biển cả muôn trùng
Quyết tâm, ta quyết một lòng cất binh!
Phải đánh Tàu, đánh tan tành
Như xưa đuổi chúng khỏi thành Thăng Long
Một năm chưa thấy thành công
Mười năm, hơn nữa cũng không ngại gì!
Dậy mà đi! Dậy mà đi!
Hỡi ai ở núi, ai thì ở nương
Biển sông đồng đất nước non
Của ta, ta giữ cho còn muôn sau!
Dậy mà đi hỡi Đồng Bào
Giặc tàn bạo mấy, ta nào sợ ai?
Đánh cho bọn chúng chạy dài
Thoát Hoan hùng hổ cũng bài tẩu bôn!
Tôn Sĩ Nghị từng tan hồn
Liễu Thăng khiếp đảm, kiếm hoàn hồ Gươm!
Lũ Tàu là lũ bất nhơn
Bất nghĩa, bất tín, bất lương xưa rày!
Hỡi quân Tàu, lũ chúng bây
Bình Ngô Đại Cáo chưa phai mực mà!
Phải rời Hoàng Sa, Trường Sa
Bây xây gì cũng chỉ là phù vân!
Việt Nam trọng chữ Tương Lân
Tương Thân, Tương Ái, Công Bằng với nhau
Việt Nam không cướp nước Tàu
Thì Tàu phải nhớ: Đừng Vào Việt Nam!
Quân Tàu là quân xâm lăng
Việt Nam bé nhỏ quyết không cúi đầu
Có tình thì ở bên nhau
Dứt tình dứt nghĩa, mau mau cút về!
*
Rồi, tôi đã xong phần việc tôi với Hoài Việt. Tôi bước sang bước thứ hai, nói về tập thơ T[i]ếu Ngạo Giang Hồ của Nguyễn Lương Vỵ. Đây là tập thơ – một cuốn sách – vừa bắt mắt vừa nhức mắt. Nó bắt mắt vì nó đẹp quá! Trang trọng quá! Nó là một công trình của những người xuất bản nó, hai ái nữ của tác giả và nhà xuất bản Sống! Nó nhức mắt vì cái nhan đề T[i]ếu Ngạo Giang Hồ. Tiếu hay Tếu? Nguyễn Lương Vỵ chọc tức người biết chữ chăng? Hay anh muốn nổi tiếng kiểu đánh vần Cờ Lờ Mờ Vờ của Thủ Tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, cũng người Quảng Nam với anh, xưa nay chuyện gì cũng cồm cộm? Không riêng mình tôi thắc mắc cái nhan đề này, mà nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh cũng có nữa và viết ra giấy mực hẳn hoi (bài góp ý in trong sách). Nguyễn Thị Khánh Minh thắc mắc nhẹ nhàng và chuyển sang ý nhìn thấy nơi Nguyễn Lương Vỵ là một nhạc sĩ tài ba. Nguyễn Thị Khánh Minh nói “Đây là khúc ca được viết bằng tiết tấu máu lệ”. Máu và lệ. Tiết và tấu. Còn gì hay hơn! Thơ và nhạc. Nhạc và thơ. Là Thi và ca? Là Thi Ca? Tôi thấm rồi đó nha!
Giữa Nguyễn Lương Vỵ và tôi có sự quan hệ hơi nhiều. Tôi quen anh qua sự giới thiệu nhiệt tình của họa sĩ Hồ Thành Đức năm 2001, họa sĩ Hồ Thành Đức rất mực ca ngợi Nguyễn Lương Vỵ: học rộng, thạc sĩ triết học Vạn Hạnh, quan chức Thành Phố Hồ Chí Minh chức năng Văn Hóa Tư Tưởng, Thơ rất hay, Nhạc rất giỏi, hát nhạc Trịnh Công Sơn bằng giọng Quảng Nam ngang tầm Ánh Tuyết. Cũng chính họa sĩ Hồ Thành Đức khoe lòng hữu hảo của mình với người đồng tỉnh (không phải đồng hương, chung tỉnh Quảng Nam mà khác làng) bằng cách giúp đỡ ngay Nguyễn Lương Vỵ in tập thơ Huyết Âm ngay trong năm 2001. Tôi đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ từ tập Huyết Âm và nhiều tập cũng Âm sau đó. Tập T[i]ếu Ngạo Giang Hồ dù mất chữ Âm như Nguyễn Thị Khánh Minh vẫn thấy còn và hạ bút rằng: ”T[i]ếu Ngạo Giang Hồ là âm vang tiếp nối của Hòa Âm, Huyết Âm, Tinh Âm…trong cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ. Tôi rất mừng thấy trong cõi đời này có người thủy chung là Nguyễn Lương Vỵ, qua nhan đề sách, qua con đường thơ dài dòng, Nguyễn Lương Vỵ chọn một lộ trình bất di bất dịch: Âm Lộ. Nghĩ không sướng sao?
Thơ Nguyễn Lương Vỵ quả thật càng ngày càng khởi sắc, anh không cần nhuận sắc mà cứ đi lên theo kiểu nước lên thì thuyền lên. Khổ, có thể là hai ái nữ của anh: in thơ cho Ba mệt nghỉ! Mà…Ba mình “bảnh” mà, đến lái xe đưa các con đi chơi ở Mỹ cũng bảnh quá chừng, trong một bài thơ nào đó của Nguyễn Lương Vỵ, tôi nhớ như vậy mà nguyên văn thì quên nên không trích dẫn ra đây!
Tôi rất thích chơi với Nguyễn Lương Vỵ, anh hào hoa, anh tài ba, anh vui vẻ, anh cũng từ bi hỉ xả nữa chớ vì anh ăn chay niệm Phật đàng hoàng. Có nhiều lần tôi “cắc cớ” sao đó, anh hơi nhăn mặt một tí rồi thì bỏ qua, tôi nam mô a di đà Phật suốt mấy ngày luôn. Nhưng tôi biết mình dựa hơi Nguyễn Lương Vỵ mình có lợi lắm: Nguyễn Lương Vỵ tựa bóng người xưa, toàn người vỹ đại như mấy thi hào Tàu, vua Trần Nhân Tông, đại thần Nguyễn Trãi…nhất là bây giờ thì có Bùi Giáng, Du Tử Lê, Đặng Phú Phong, Nguyễn Thị Khánh Minh, Phạm Công Thiện…ai cũng cao cả đối với tôi. Tôi tin chắc tôi viết về Nguyễn Lương Vỵ là tôi được khen thôi hà.
Nguyễn Lương Vỵ là nhà thơ hiện đại (dám cũng là hậu, hậu hiện đại nữa). Về hình thức thì thơ Nguyễn Lương Vỵ cũng thuộc loại Tân Hình Thức, chấm phết rất nghiêm chỉnh và rất nhiều. Tôi học ở Nguyễn Lương Vỵ nhiều điều quý báu: tôi yêu quê hương đất nước nhiều hơn qua giọng nói của anh, qua lòng độ lượng của anh. Anh là người Quảng Nam rất hào sảng, không câu nệ, không phiền hà chuyện “chửi cha không bằng pha tiếng”. Tôi mạnh dạn nói theo cách nói vui vẻ của anh, “cái láp xe độp” thay vì “cái lốp xe đạp”. Tôi nói như thế này là muốn đi vào việc tôi thấy thật nên khen thơ Nguyễn Lương Vỵ qua bài anh nói lái với sư phụ Bùi Giáng (của anh). Nhiều chữ thật lạ, lần đầu tôi mới nghe, qua 3 bài thơ anh làm với Bùi Giáng (hay nhắc nhớ Bùi Giáng) ngộ quá là ngộ, anh còn chú thích cho rõ hơn nhờ tuồng tích nhà sư Không Lộ, thi hào Nguyễn Du, bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nguyễn Lương Vỵ kề cạnh Bùi Giáng tới những 27 năm, ối trời là lâu dài, hèn chi đạt cái đạo nói lái hết xẩy!
Tôi chép duới đây ba bài thơ một tựa đề: Nói Lái Mà Chơi (để nhớ những lần nói lái với Bùi Giáng). Các chữ in nghiêng là theo nguyên bản, tôi xin nhắc lại đó là các chữ lần đầu tôi mới nghe và có lẽ trước khi chết còn nói được tôi vẫn bập bẹ cho vui. Sẵn dịp này tôi nói luôn đây là bài thơ (3 bài Thất Ngôn Bát Cú tuyệt cú mèo của tập thơ T[i]ếu Ngạo Giang Hồ của Nguyễn Lượng Vỵ đó nha (theo cảm quan riêng của tôi).
Mời đọc:
1, Trẫm đố mi liên tồn là chi
Tiên thi Bùi Giáng ngồi cười khì
Nói lái ai bằng dân xứ Quảng
Báng Giùi chánh hiệu đất Tề Phi
Mần thơ như giỡn ngàì thiên cổ
Múa bút mà trêu bọn bá tri
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Không Lộ háng vu Giáng háng vi
2, Trẫm đố mi lái dủm vui không
Tào lao ba trợn quá đi ông
Cắc cớ cho nường thơ đỏ mặt
Ba trời khiến thằng Vỵ đứng tròng
Lái dau ngất ngứ anh quân tử
Lái dọt lao đao chị má hồng
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Nguyễn Du cà khịa Giáng cà nhông
3, Trẫm đố mi cồn lái thế nào
Thiệt tình rúng động cả thiên cao
Ông trời nắng cực quên sông núi
Bà đất nốn lừng ngó trước sau
Cồn lê cỏ mọc sum suê lắm
Cồn lạ cây rung lí lắc trào
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Xuân Hương nức nở quá vậy sao?!
Cả ba bài Đường Luật trên đây (bài thứ ba sai niêm luật), tác giả mới dùng dấu để sau câu chót, coi như kết thúc bài thơ Nói Lái Mà Chơi. Điều này cho thấy tác giả là người rất thận trọng đối với ngữ pháp. Việc sai niêm luật chút đỉnh kia chẳng nhằm nhò gì, mấy nguời Tàu khó chịu thì chết bớt giùm, chẳng ai thương.
Tôi, trước sau cố gắng giữ tình cảm “thân thương” không dời đổi với Nguyễn Lương Vỵ. Khen anh tôi có cái sướng là có thể mình sẽ giống những người khen anh, chẳng hạn Du Tử Lê, vì anh mà hạ bút: “Giữa thực trạng “hạn hán” trầm trọng, tính riêng cho những người cầm bút trước tháng 4-1975, ở quê người, (thì), Nguyễn Lương Vỵ vẫn hiển lộng thi ca của ông, như một dòng suối mát”. Du Tử Lê là nhà thơ lớn, viết thế là hết ai viết hay hơn. Mừng cho Nguyễn Lương Vỵ vô cùng là mừng! Những người khác, Phan Tấn Hải, Lê Giang Trần, Tô Đăng Khoa, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh viết gì cũng nằm dưới Du Tử Lê mà thôi! Nhưng! Võ Chân Cửu, người viết bài Mở cho Nguyễn Lương Vỵ không nên quên! Võ Chân Cửu hễ thấy thơ Nguyễn Lương Vỵ là thấy Hạnh Phúc. Chúng ta cũng vậy nha! Nguyễn Lương Vỵ hiển lộng…tức là xem thơ của Nguyễn Lương Vỵ rồi cất giữ cẩn thận, đúng làm khác chữ hiển lộng…nói lái!
*
Thôi chào Nguyễn Lương Vỵ, tôi sang nhà…thơ Tôn Nữ Thu Dung. Tập thơ Tiểu Khúc của Thu Dung đến thùng thư nhà tôi ba ngày trước khi hết năm 2016. Địa chỉ người gửi Dung Ton ở Garden Grove. Tôi ngẩn ngơ, tôi đâu có quen ai ở thành phố này…Mở ra, trời ạ, đẹp quá: một cuốn sách mỏng. Đọc cái nhan đề, Tiểu Khúc. Đọc tên tác giả, Tôn Nữ Thu Dung. Đọc tên nhà xuất bản, Tương Tri. Có chừng đó. Bìa trước bìa sau là hình những thân cây trúc. Thú thật là tôi cảm động: món quà mà Tôn Nữ Thu Dung cho tôi đẹp quá, hợp ý tôi vô cùng: nhỏ nhắn (Tiểu Khúc), cao cả và trong sạch (hình những cây trúc – tiết trực tâm hư). Và cái tên tác giả, Tôn Nữ Thu Dung sang trọng biết chừng nào. Tôi yêu Huế, tôi đang Huế trong lòng tôi. Thế là Thu Dung không còn ở thành phố San Dimas nữa. Hồi mới quen tôi, Thu Dung muốn đích thân đem mấy tác phẩm của Thu Dung đã in thành sách và mấy cuốn báo Tương Tri đến nhà tôi tặng tôi, qua điện thoại mà Thu Dung biết được, tôi trả lời qua phone, đừng, đường xa; Thu Dung nói Thu Dung (xưng tên) thấy gần lắm, chỉ cách nhau 18 miles, chỉ mất 25 phút lái xe thôi. Tôi nhất định không. Nói là nhà chớ không phải nhà của tôi. Tôi đứng trước ngõ nhà mỗi ngày chỉ có vài chút…thì gặp gỡ nhau chi cho lỡ làng. Tôi không giấu diếm điều gì với Thu Dung, tôi muốn Thu Dung gửi bằng đường Bưu Điện và tôi cũng sẽ gửi sách của tôi tới Thu Dung như vậy cho tiện. Thu Dung muốn tôi hợp tác với website tuongtri.com, tôi sẵn sáng. Hơn hai năm, có thể đã hơn ba năm…Tôi đinh ninh Thu Dung ở San Dimas, hôm nào buồn buồn tôi lái xe lên đó ngắm nhìn người ta…Không ngờ Thu Dung đã chuyển nhà. Thành phố Garden Grove xa hơn nhiều, không biết rồi tôi có dịp nào xuống đó không. Thôi thì cứ coi “mênh mông trời đất biết là nơi nao”!
Cái tên Tôn Nữ Thu Dung đã là điều đáng nhớ. Thơ văn của Tôn Nữ Thu Dung, tôi đã đọc, tôi thấy Hay vô cùng. Tôi cũng có viết văn, làm thơ nhưng sánh với Tôn Nữ Thu Dung, tôi chưa bằng…
Tôi có người bạn ở Nha Trang, tôi hỏi thăm Tôn Nữ Thu Dung (vì Tôn Nữ Thu Dung nói mình ở Nha Trang, Tôn Nữ mà không ở Huế vì Ba làm việc ở tỉnh Khánh Hòa trước 30 tháng 4 Bảy Lăm), tôi biết: Tôn Nữ Thu Dung, trước 75, đi học có viết cho báo tuổi thơ ở Sài Gòn, thơ văn rất dễ thương. Ba Thu Dung làm lớn lắm, rất thanh liêm, đi cải tạo và mất trong trại cải tạo…Trời đất quanh tôi tối sầm. Tôi cũng đi cải tạo, tôi biết cái chết trong trại cải tạo vì sao, ai sống để có ngày về cũng từng như đã chết…
Tôi đọc Thu Dung, bài nào tôi thấy, tôi cũng đọc, thủy chung Thu Dung không tự thán bao giờ. Thu Dung rất mạnh mẽ (hình Thu Dung tôi thấy trên internet nói lên điều đó công với bài vở của Thu Dung, đúng là một con người hoàn hảo…mà đau đớn là do ông Giời hết ạ). Thu Dung qua Mỹ chưa lâu, mới hơn sáu năm. Thu Dung vừa nhập quốc tịch Mỹ. Thu Dung đến Mỹ chắc thuộc diện con bảo lãnh? Tôi không tò mò về gia cảnh của Thu Dung. Biết Thu Dung rất xinh xắn, tôi chỉ lắc đầu. Tôi nhớ ai đó có hai câu thơ: Ta thấy em xinh khẽ lắc đầu, vì ta nào có được em đâu! Tôi luôn luôn biết mình là lính, mà lính thì yêu Núi Sông yêu cả Giai Nhân! Tôi nhìn bầu trời Thu, coi như tôi đã nhìn thấy Thu Dung rồi…
Thơ Thu Dung, tôi thích.
Văn Thu Dung, tôi thích.
Thơ, văn của Thu Dung lúc nào cũng nằm trên bàn làm việc của tôi. Tôi sẽ nói về thơ Thu Dung, lát nữa; bây giờ mời bạn đọc đọc một bài văn của Tôn Nữ Thu Dung nha. Từ đó, các bạn thấy tại sao tôi cúi đầu trước một ngòi bút tài hoa – xưa nay loại bút ký này, bài của Thu Dung, thật tình tôi chưa thấy ai viết hay hơn, gồm đủ hỉ nộ ai ái ố, gồm đủ vui đó, buồn đó, mênh mang…
07/03/2016 by TUONGTRI1
TÔI THI QUỐC TỊCH
Những bài viết đăng ở TUONGTRI.COM và VIỆT BÁO như TÔI ĐI HỌC, TÔI HỌC LÁI XE, TÔI ĐI THỬ VIỆC, AI XUI TÔI HỌC NAILS, TÔI THỀ TỬ THỦ VỚI CÁI CHẾT, CHƯA HỀ TUYỆT VỌNG v.v… chỉ là những trải nghiệm rất riêng của tôi trong 5 năm ở Mỹ. Tôi không dám có tham vọng chỉ dẫn hay truyền đạt kinh nghiệm cho ai… nhưng tôi biết, sứ mệnh của tôi là đem đến tặng cho các độc giả yêu quý những nụ cười sảng khoái!… Dù rằng trong mỗi trải nghiệm đó đôi khi cũng ngập tràn nỗi buồn và nước mắt của một lưu dân.
Hôm nay, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện mới nhất nhé : TÔI THI QUỐC TỊCH
Sau gần 5 năm bước chân đến Mỹ, tôi bắt tay vào việc điền đơn xin nhập tịch. Chứ sao, một lưu dân gương mẫu như tôi xứng đáng làm điều đó hơn ai hết. Đúng 5 năm, Sở Di Trú gởi thư mời đi lăn tay để chứng minh “nhân thân” trong sáng như tờ giấy trắng, lý lịch không hề có “tiền án tiền sự ” gì ráo! Điều đó dĩ nhiên rồi, một dân nhập cư lương thiện cần cù như tôi suốt 5 năm nay chỉ biết vùi đầu vào đi học, đi làm, đi bệnh viện và đi Las Vegas… không kể một lần đi nếm rượu nho ở Napal Valley mà chỉ vài tuần sau là ông chủ vựa rượu nho ấy lăn đùng ra chết (chắc là quá đau khổ vì những lời phê bình góp ý vô cùng thẳng thắng của tôi!!!)
Đừng coi thường tôi nghen! Tôi có những người bạn (mà tôi không dám và không thể nói tên công khai ở đây), họ luôn tự hào họ là những tay SÁT CÁ, SÁT GÁI, SÁT THỦ, SÁT NHÂN, SÁT…THÁT v.v… Tôi khiêm tốn hơn, tôi chỉ có một niềm hãnh diện nhỏ bé (nhưng vô tận) là SÁT PHẠT… Tôi chơi bài luôn luôn thắng, từ bầu cua, xì lát, tiến lên, xập xám cho đến những… ván bài lật ngửa, tôi cũng đều nắm được những quy luật để không thể nào thua!!! Tôi chơi nhỏ thắng nhỏ, chơi lớn thắng lớn, không chơi thì không thắng! Kể cả đứng gần ai người đó cũng thắng luôn!!!
Khi chụp hình lăn tay xong, nhân viên Sở Di Trú phát cho tôi một cuốn cẩm nang Luyện Thi Quốc Tịch LEARN ABOUT THE UNITED STATES và một Video Clip để luyện nghe và nói. Làm bất cứ việc gì tôi cũng là người ham chơi mau chán, nhưng những gì liên quan tới chữ nghĩa là tôi say mê cùng cực, đời tôi gắn liền với chữ nghĩa, tôi học như điên vì càng học càng thấy mình ngu kinh khủng.
Thấy tôi cứ chúi đầu vào học, Chief tò mò gạn hỏi:
” Ủa chớ You quan tâm đến ba cái quái này làm gì? Ai cần biết Hoa Kỳ có bao nhiêu Senator? Ai cần nhớ ông nào làm Tổng Thống suốt Thế Chiến I? Ai cần hiểu khi cả Tổng Thống lẫn Phó Tổng Thống lăn đùng ra chết mẹ nó hết cùng một lúc thì thằng quỷ nào sẽ lên thay nắm quyền sinh sát?”
Rồi nheo mắt rất thập phần đểu cáng:
” Hay You chán săn sóc người tàn tật rồi nên muốn ứng cử vô DÒNG CHÍNH?”
Chief là dân Trắng cao sang quyền quý, xuât thân từ một danh gia vọng tộc đâu đó ở một trong 13 tiểu bang từ thời lập quốc…( nghe khoe vậy chớ tôi đâu có biết thật hay xào xạo!!!) nay về CALI điều khiển cái Nursing Home sang trọng này. Chief cũng không nghĩ tôi chưa phải là công dân Hoa Kỳ khi thấy tôi hơn khá xa các dân nhập cư đến từ các nước… chậm tiêu khác!
Chief còn có dòng máu kỳ thị chủng tộc chảy ào ào trong huyết quản dù bề ngoài vẫn rất thân thiện dễ thương (hay tôi nhạy cảm quá chăng?). Chief không thích Tổng Thống Obama chút nào, cứ mong mõi đến tháng 11 đi bầu cho người khác. Chief còn vận động hành lang, muốn xâm phạm bí mật đời tư của tôi bằng cách cứ cà rà theo hỏi tôi sẽ bỏ phiếu cho ai trong đợt này. Chief thuộc Đảng Cộng Hòa nhưng không hiếu chiến kiểu Trump… Nghe tôi trả lời tôi học “ba cái quái này” để thi Quốc Tịch, Chief rất bất ngờ và ngạc nhiên khi biết tôi mới qua Mỹ 5 năm và chưa có Quốc Tịch Hoa Kỳ.
Nhưng cũng phải nói Chief rất dễ thương khi thỉnh thoảng lại ôn cùng tôi vài câu lịch sử , chính trị , địa lý và uốn nắn giùm tôi những chữ phát âm không đúng… cho đến ngày tôi thuộc lòng như cháo chảy đủ cả 100 câu thì cũng là lúc tôi lên đường ứng thí.
Chief tuyên bố:
“You mà không đậu thì chẳng ai đáng đậu.”
Rất nhiều lần Chief bày tỏ lòng ngưỡng mộ tôi nhưng không nói gì tới chuyện tăng lương. Nhưng dù sao Chief cũng biết cách ngăn chận lòng tự cao tự đại của tôi bằng một câu an ủi chí lý vô song:
“Hơn nữa, đợt này nhằm kỳ bầu cử nên bọn nó sẽ cho đậu ráo hết để kiếm cử tri!”
Mẹ kiếp, tôi muốn chửi thề ghê gớm nhưng không dám vì sợ mất đi hình tượng sang trọng, lịch sự, rất Lady trong mắt Chief, đúng là bản chất của bọn thực dân đế quốc, lúc nào cũng muốn ra vẻ ban ơn và không công nhận người khác giỏi hơn mình… Nói thật, Chief mà biết độ 20% những câu cần học thì tôi sẵn sàng bỏ việc!
Tôi tự nhủ với lòng mình sẽ có một lúc nào đó phanh phui hết những tội lỗi trong từng lời nói của Chief khi nào Chief sa cơ thất thế hoặc là khi nào tôi thật giỏi tiếng Anh. Cứ chờ đó đi.
Ngày đi thi: Một sáng cuối tuần đẹp trời, sương hồng phủ mờ phố núi, đẹp như thơ, như tranh.
Giờ thi: 7:55′ yêu cầu tới trước 30′ để kiểm tra giấy tờ.
Địa điểm thi: San Bernardino… Chúa ơi, cái thành phố vừa bị khủng bố tấn công dã man vào mấy tháng trước.
Xe vừa vào Free Way 210 East thì mặt trời nhô lên màu đỏ vàng rực rỡ như nửa trái cam CALI ngọt ngào xinh đẹp. Con gái nói:
“Mặt trời lên đẹp ghê chưa má, đó là điềm hanh thông đại cát”
(Con gái là dân làm báo chuyên nghiệp, lương cao bổng lộc hậu chớ không phải dân báo đời như má nó, nó có liên quan đến ngành địa ốc như ba nó nên đi học thêm phong thủy và nói năng pha lẫn tiếng tàu như sư phụ nó cho sang!)
Nó xin nghỉ nửa ngày để chở tôi đi thi vì biết tôi luôn luôn đi lạc , không cách nào phân biệt được đâu là hướng South, hướng West, hướng North, hướng East khi đến một thành phố khác.
Thường tôi tới San Bernardino là tới những khu vực nghèo khổ, phát thức ăn, áo quần cho những người Homeless. Thật sự San Bernardino cũng có những thành phố xinh đẹp, sang trọng như những nơi tôi vừa đi qua … những ngôi nhà mới sáng trưng trong nắng, những con đường hoa đào trắng đẹp mê hồn soi bóng xuống cỏ xanh, những biệt thự cổ kính nép bên sườn đồi. Tôi nói:
”Nhà đẹp quá, hay mình tới đây mua nhà đi con.”
Nó la lớn:
” Má, làm ơn tĩnh tâm mà nhớ lại rằng là má đang trên đường đi thi quốc tịch chớ không phải là đi coi nhà hay mua nhà. Làm ơn rơi khỏi chân mây chút!!!”
Tôi cười, tôi rút ra một kinh nghiệm xương máu sau rất nhiều nỗi đoạn trường cay đắng rằng thì là nếu tôi đang bị ai giận dữ la mắng, hay tôi dại dột làm điều chi lầm lỗi thì đừng có mà gân cổ lên cãi vã làm gì cho mệt,…Tôi chỉ cần cười thôi là mọi điều đều được hóa giải hết trọi hết trơn… Hơi vô duyên lãng nhách một chút , nhưng tôi phải công nhận tôi cười … dễ thương thiệt đó!
Nó hạ giọng liền:
“Để con ghé vô mua cho má một ly starbucks”
Đúng là đứa con có hiếu.
Tôi vào nộp giấy, nó gọi tôi lại gần, nói nhỏ:
“Má, nếu má thi rớt con sẽ để má đi bộ về, chỉ có 3,4 chục miles chớ mấy!”
Đúng là đứa con bất hiếu. Bộ mày chưa từng nghe ai nói câu “học tài thi phận” bao giờ sao?
“Nhưng nếu má đậu con sẽ cho má $100”
Tôi không thèm trả lời, mặc kệ nó xếp hàng đứng sau lưng.
Cởi giày, đi chân không qua cổng an ninh… Bóp, điện thoại , áo lạnh chạy qua máy dò. Ly cà phê mới uống một hớp bị quăng vô thùng rác cùng chung số phận với chai nước suối. Không sao, tôi sẽ có $100 đồng cá cược của nó để mua lại vài chục ly cà phê khác.
Vào sảnh lớn ngồi chờ gọi tên phỏng vấn tôi bắt đầu run… đã nói tôi là con thỏ nhưng luôn phải khoác cho mình cái lốt con sư tử… Không ai biết tôi run trừ nó khi thấy tôi kéo cái khăn quàng lên cổ. nó nheo mắt hết sức đểu cáng:
“Sợ rồi phải không? Can đảm lên, my Great Mom”
Bao nhiêu người được gọi vào, bao nhiêu khuôn mặt méo xẹo trở ra. Ai dám nói:”Mùa bầu cử nó cho đậu ráo” là nói tầm bậy tầm bạ. Bởi những lời đồn đãi vô căn cứ như vậy nên cứ đến mùa bầu cử là dân nhập cư tấp nập nộp đơn đi thi để ảnh hưởng không nhỏ đến… tôi.Thôi thì cùng lắm là … gọi taxis về nhà, tốn năm bảy chục!
Một vị giám khảo ra gọi tên ông thầy tu ngồi hàng ghế sau tôi… vài phút trước, tôi đã kịp hỏi và biết ông thầy tu đó người Bangladesh, dân Hồi Giáo, tên Hosain Rahman, di dân theo diện tu sĩ…(Ai nói tôi không có dòng máu ngoại giao chảy tràn huyết quản?) đi cùng ông là 3 đồng nghiệp, ủa quên 3 đồng đạo cho vui chớ chỉ một mình ông thi.
Vị giám khảo mập, lùn, đầu không có tóc, mặt mày hiền lành phúc hậu… tôi ước chi ông này phỏng vấn thì mình đỡ sợ… vì nãy giờ ngồi đây, tôi toàn chứng kiến những giám khảo mặt mày đằng đằng sát khí, làm như dân nhập cư vô ăn hết gia tài hương hỏa không bằng…. Họ giả vờ làm như không hề biết rằng chúng tôi đã cống hiến cho đất nước này đôi khi nhiều hơn cả họ.
Ông thầy tu vào và ra rất nhanh, không biết vì thiếu giấy tờ hay sao sao đó, khuôn mặt ông đã đen thì chớ bây giờ tối thui luôn… Tôi chưa kịp định thần thì vị giám khảo ấy đọc rất rõ tên người tiếp theo từng tiếng một DUNG NU THU TON.
Tôi không nghĩ đó là tên tôi, tôi không nghĩ Chúa , Phật , Alah và các đấng linh thiêng đã nhận lời tôi cầu khẩn là cho tôi được phỏng vấn bởi vị giám khảo này! Nếu biết các ngài rộng lòng bao dung đến vậy tôi đã xin thêm một điều nhỏ bé khác là được song suốt qua truông qua ải!!! Dịp may đâu đến 2 lần, tôi chắc lưỡi: Cùng lắm là chết!
Tôi đứng lên:
“I’m here”
“Good Morning”
“Good Morning, How are you today?”
” Good, and you?”
” Good”
” Follow Me, Please.”
Cuộc tra tấn bắt đầu, tôi thầm nghĩ, rất kiên cường, tôi hít một hơi dài trấn tĩnh.
Giám khảo hỏi trên con đường đi qua mấy dãy hành lang sao mà dài lê thê ( bắt đầu từ đây tôi sẽ dịch ra tiếng Việt)
” You đi với ai đến đây?”
“Con gái tôi”
“You không thể đi một mình sao?”
” Nói thật, tôi hơi sợ…”
“Sợ? Sợ điều gì?”
Tôi liền chơi trò vận động hành lang:
” Đây là một ngày rất quan trọng của tôi, tôi sợ đi lạc , sợ trể giờ, sợ tai nạn xe cộ và kể cả sợ thi rớt nữa!”
Ông ta cười:
” Đừng lo, mọi sự sẽ tốt đẹp thôi!”
Vào phòng phỏng vấn, tôi chuẩn bị tư thế đưa tay phải lên thề theo đúng như sách vở là nói tất cả sự thật và chỉ là sự thật mà thôi như trong cả ngàn trường hợp phỏng vấn mà tôi coi trong Video clip đến mòn cả cái đầu đĩa. Ngạc nhiên chưa, ông ta lại bảo tôi ngồi xuống , đưa passport, thẻ xanh , thẻ SS, bằng lái xe. Ổng cầm, coi sơ , xong ôm xấp hồ sơ của tôi đi ra sau khi biểu tôi ngồi chờ vài phút và không được move chỗ khác( Wait me few minutes and don’t move… please). Move đi đâu trời hỡi? Tôi đang run cầm cập như con cầy sấy đây !
Chừng 5′ sau ông trở lại, chắc đi điều tra nghiên cứu gì thêm ở các cấp cao hơn. Ông ngồi xuống, bắt đầu hỏi, bỏ qua phần thề thốt… chắc ổng quên, tưởng tôi đã thề hồi nãy rồi… không lẽ tôi nhắc là tôi chưa được thề… Tôi chắc lưỡi: “ngu sao nhắc, ai lại đi mua thêm cái dây để tự trói mình!!!”
Hay ổng thấy mặt tôi rất lương thiện ngây thơ trong sáng nên không hề biết nói dối và nếu bắt tôi thề sẽ là một xúc phạm nặng nề???
Ai biết ổng nghĩ gì làm gì với cái thái độ nhỡn nhơ vừa hỏi vừa gài như vậy.
Chỉ biết được một điều lạ lùng duy nhất là tôi không được thề thốt gì cả như mấy chục triệu dân nhập cư từ mấy trăm năm nay!!!
Tôi thấy mình đặc biệt và hãnh diện vì điều này cho đến khi kể lại cho một số người nghe điều bí ẩn ấy, thì ai cũng tức cười và nói ổng quên tại tôi cứ xí xô xí xà làm ổng líu qíu, chỉ có một người bi quan yếm thế làm tôi lo sợ mất ngủ mấy đêm:” Vậy là kỳ thi của bạn hỗng có giá trị gì ráo. Bạn chuẩn bị thi lại đi chớ ở đó mà huênh hoang những là hãnh diện với là đặc biệt!!!”
Kệ , chuyện này để sau tính.
Còn bây giờ kể tiếp chuyện phỏng vấn, khi cầm Passport của tôi cẩn thận lật từng trang rất kỹ, ổng hỏi:
” You về Việt Nam 1 lần?”
“Yes”
“Ai là người trả tiền cho chuyến đi này?”
Câu hỏi không có trong bất cứ bài học nào của Sở Di Trú như thế này thực sự xúc phạm đến tôi, tôi cáu kỉnh, Hắn nghĩ mình là ai vậy chứ?
Nhưng một tia chớp nhanh chóng hiện ra trong đầu, à, hắn đang gài độ, thử coi mình có nhận tiền hay ân huệ gì của bọn ISIS không chứ gì? Chắc hồi nãy Camera có quay tôi chuyện trò thân thiết với ông thầy tu Hồi Giáo!
Tôi nghiêm trang trả lời:
” Tự tôi trả tiền cho tôi, tôi đã và đang làm việc, cần gì tiền của ai!”
Hắn( tôi bực mình lắm rồi, không thèm lịch sự gọi là Vị hay Ông gì nữa) ôn tồn giải thích:
“Ồ không, tôi hỏi vì hơi ngạc nhiên khi thấy You Low Income mà có tiền về Việt Nam. Mọi thứ ở đó đắt hơn ở đây rất nhiều.”
Đúng là tráo trở như dân ngoại giao, miệng trơn tru còn hơn bôi mỡ.
” You sinh ở NhaTrang?”
” Không, tôi sinh ở Huế”
” Thừa Thiên Huế?”
Cách phát âm chữ Thừa Thiên Huế của hắn chuẩn không chê vào đâu được. Tôi đâm nghi ngờ hắn thuộc dạng CIA hoặc FBI gì đây nên vô cùng cảnh giác
“Yes”
” Đó là một nơi rất buồn, You có biết chuyện gì xảy ra ở đó vào năm 1968 không?”
Tôi lại cáu, hắn đâu có ngờ tôi chỉ có một nhúm chữ tiếng Anh ít ỏi làm vốn mà hắn đã moi ra gần hết rồi… Hỏi tiếp nữa chắc dồn tôi vào thế phải sử dụng ngôn ngữ thứ ba là TO QUƠ! Nhưng đã nói, tôi là một kịch sĩ tài ba như lời thầy Bửu Ý khen hồi nhỏ, tôi điềm tĩnh trả lời:
” Biến cố Mậu Thân”
” Good”
Nhắc tới Huế là tôi ngứa miệng, bèn hỏi:
” You có ở đó vào ngày ấy?”
” Tôi ở gần Đàn Nam Giao, lúc bấy giờ tôi là nhân viên hành chính ngoại giao của cơ quan thông tin Hoa Kỳ”
“Lúc ấy ông còn rất trẻ, và đẹp trai, tôi nghĩ vậy!”
Hắn cười, đỏ mặt lúng túng, im lặng vài giây và nói thật buồn:
” Tôi chỉ là một chàng trai trẻ thôi. Tôi yêu một cô gái Huế, nhưng You biết đó. Người Huế không muốn gả con cho người nước khác. Chúng tôi chia tay, và cô ấy… lên núi!”
Tôi ngớ người trước chữ “lên núi” của hắn. Tưởng trong biến cố Mậu Thân hắn phát giác cô là việt cộng , nhưng không phải, cô bị chết vì đạn lạc… được mang về chôn trên đỉnh Ngự Bình.
Bỗng dưng tôi trở thành người phỏng vấn, hắn chìm vào cơn hoài cảm nào đó dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
Im lặng hồi lâu, tôi hỏi :
” Có phải vì vậy mà You nhận phỏng vấn tôi khi thấy tôi mang họ TÔN NỮ?”
” Tôi không thể nói có hay không, You thông cảm. You hãy nói cho tôi biết: Ai là người có tội trong cái chết ấy?”
Tôi tự giận mình đã không giỏi tiếng Anh để hỏi và nghe câu chuyện với nhiều tình tiết ly kỳ có thể khai thác ở hắn, cái máu làm báo nghiệp dư đang muốn nổi lên nhưng vốn biết người biết ta, tôi thấy vốn liếng ngôn ngữ của mình tới đây là cạn kiệt, bèn lôi hắn ra khỏi cơn trầm cảm cuối tuần:
” Rất nhiều cái chết vào năm ấy, nhưng tôi không nghĩ câu này nằm trong phần 100 câu hỏi tôi được học để biết về nước Mỹ?”
” Ồ không, tôi chỉ trắc nghiệm tiếng Anh của You thôi. Bây giờ tôi mới bắt đầu hỏi về những điều You cần biết về nước Mỹ!”
Câu 1: Có bao nhiêu chánh án trong tòa án tối cao?
– 9 người ( tôi lanh chanh thêm : mới chết 1 người á.) Hắn cười khen tôi giỏi
Câu 2: Tên 3 tiểu bang nguyên thủy của Hoa Kỳ ?
– Virginia ( tôi nghĩ tới thầy Trương Hồng Sơn)
– Maryland ( tôi nghĩ tới nhà thơ Phạm Khánh Vũ)
– Georgia ( tôi nghĩ tới quê hương của tác giả Cuốn Theo Chiều Gió)
Câu 3: Ai là Thượng Nghị Sĩ của California ?
(tôi định nói Janet Nguyễn cho oai, nhưng hơi sợ rằng sách vở chưa in kịp , hắn không biết lại cho rằng tôi sai nên tôi đành cay đắng nói theo sách vở)
– Diane Feinstein
Câu 4: Ai là nghị viên của California ?
( bà này vẫn ký thường xuyên vào các giấy khen thưởng này nọ của tôi nên tôi trả lời không suy nghĩ luôn)
– Lorreta Sanchez
Câu 5: Ai là Tổng Thống trong suốt Thế Chiến 1?
( cái này tôi học mẹo cho dễ nhớ tên cái ông đọc ra là trẹo bản họng : WW1 Tên ổng cũng bắt đầu bằng WW)
– Woodrow Wilson
Câu 6:Tên tiểu bang giáp ranh Mễ Tây Cơ ?
( tôi nhớ tới em Lu Xì nên trả lời nhanh như chớp)
-Texas
Câu 7: Tên bài Quốc Ca Hoa Kỳ ?
( tôi biết bài này rõ , nhưng nhỡ may trả lời xong hắn biểu hát cho hắn nghe thì tiêu tán đường, nên từ chối ngay lập tức)
– Xin lỗi, tôi không nhớ rõ lắm, cái tên thật khó nhớ, Nhưng tôi đã trả lời đúng cả 6 câu rồi, đâu cần trả lời thêm .
Hắn lại cười , lẩm nhẩm đếm coi thử đủ 6 câu chưa:
” Ồ , xin lỗi, You nói đúng, bây giờ You đọc và viết cho tôi những câu này”
Hắn đưa 2 tờ giấy,
Tôi đọc: “Why does the flag have 50 stars?”
Và viết theo lời hắn đọc : “Because there is one star for each state.”
Chưa điều gì dễ hơn 2 điều hắn vừa bảo tôi làm… Hắn khen tôi chữ đẹp.
” Congratulations! You chờ 2 tuần sẽ có thư mời đi tuyên thệ.”
Tôi đậu , tôi đứng lên, không cảm thấy vui mừng chi lắm như vẫn tưởng tượng xưa nay, cảm ơn, chào tử tế… đi ra cửa.
Cảm thấy mình là một công dân hạng hai vừa được đặc cách lên hạng nhất như một ân huệ được ban bố… mà tôi thì chúa ghét nhận ân huệ từ ai!
Tôi muốn khóc, không phải vì vui mừng mà chỉ cảm thấy mất mác một điều gì vô hình mà to tát xiết bao! Điều gì? Tôi khắc khoải mất ngủ nhiều đêm.
“Má, sao lâu vậy má? Mấy người vô sau má đều rớt hết trơn hà! Con biết thi càng ngày càng khó… Nếu má rớt con cũng chở má về chớ không bắt má đi bộ đâu! Con chỉ nói giỡn thôi mà, má đừng giận!”
Mặt tôi buồn thiu nên con nhóc tưởng tôi rớt liền an ủi hỏi han. Tôi đưa tờ giấy có chữ ký giám khảo đóng dấu xác nhận YOU PASSED THE TESTS OF ENGLISH AND U.S HISTORY AND GOVERNMENT cho nó cầm. nó hớn hở:
” Má giỏi quá, má đúng là GREATTTTTT…….. MOM của tụi con!”
Bây giờ, nếu ai hỏi tôi thi Nhập Tịch dễ hay khó thì tôi sẽ trả lời: tôi không biết.
Tôn Nữ Thu Dung
*
Tôi có “nịnh” quá không nhỉ? Mà nịnh thì có sao? Tôn Nữ Thu Dung qua Mỹ không lâu, không ở không ăn bám xã hội hay con cái. Thu Dung đi làm và Thu Dung quyết tâm trở thành con người chân chính. Chính cái tâm thẳng như cây trúc, trống rỗng lợi danh bụi bặm như cây trúc, nó nói lên tấm lòng dũng cảm của Thu Dung: Tiết Trực Tâm Hư! Bài bút ký trên đây, nếu tôi là giám khảo chấm bài thi thì nó chiếm giải nhất. Thu Dung gửi bài cho báo Việt Báo, tôi không theo dõi báo đó nên không biết…Tôi tin bạn đọc đọc xong rồi ai cũng vui vì mình đã trúng tuyển kỳ thi nhập tịch sao mình quên hết trơn? Cũng tại mừng mà thôi. Còn nếu rớt một vài kỳ…thì lại chúi đầu học lại, theo gương Lênin vĩ đại “Học đi, học lại, học mãi”, học cho tới bao giờ thi đậu mới nghe!
Tôn Nữ Thu Dung phấn đấu trong xã hội mới ở quê nhà đã mệt, từ con gái đến đàn bà vẫn nằm trong số phận nữ nhi. Mà “nữ nhi thường tình”! Nguyễn Du nói: “Đau đớn thay phận đàn bà, lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Tôn Nữ Thu Dung không tự cho mình vĩ đại, chỉ có các con nói “Mẹ là người Mẹ vĩ đại”. Tôi chưa thấy trong lịch sử loài người ai làm đàn bà mà sướng cả. Bà Hillary khổ vì ông Clinton. Bà ăn mày ở Việt Nam khổ vì không ai cho chén cơm. Những người vợ sĩ quan VNCH tay xách nách mang lội rừng lội núi thăm nuôi chồng. Má tôi khổ biết bao ngày tôi cầm tay Má tôi nói “Con đi chắc không về”, tôi chưa chết mà Má tôi đã chết rồi! Thúy Kiều của Nguyễn Du từng “phong gấm lụa là”, rồi thì “tan tác như hoa giữa đường”. Đàn bà ai sướng? Chỉ giùm tôi coi!
Cho nên tôi mở cuốn Tiểu Khúc của Tôn Nữ Thu Dung, nghe như ruột mình đứt ra từng đoạn. Xin cùng đọc với tôi bài này:
Thảm Sát
Thảm sát đời bằng những câu thơ
Thảm sát tôi bằng những ơ hờ
Thảm sát ngày hoàng hôn mất bóng
Thảm sát nhau bằng những nghi ngờ…
Đó là bài thơ nhỏ nhắn trong thi tập Tiểu Khúc, tôi chép ra đây, tôi giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ trong nhiều bài thơ hay của Tôn Nữ Thu Dung in trong tập Tiểu Khúc. Tôn Nữ Thu Dung cũng có nhiều bài dài, nhưng câu thơ nào của Thu Dung cũng kèm theo giọt lệ. Giọt lệ đó không là của riêng ai, nó là của chung. Thơ của Thu Dung là tiếng lòng thốn tâm thiên cổ. Chúng ta xa lìa Tổ Quốc, mất mát biết bao nhiêu tình thân, đau đớn làm chúng ta đứng dậy, ngả xuống, lê và lết vào cuộc thảm sát thê lương và dằng dặc. Thơ là phương tiện giết người. Sự thờ ơ hóa thành con dao sắc bén. Bóng hoàng hôn phụt tắt báo hiệu đêm trường. Và…trời ơi chín mươi triệu người Việt Nam hiện nay, trong và ngoài nước không ai tin ai nữa…Mỗi người Việt Nam là một bơ vơ trong đoàn người hàng hàng lớp lớp ai cũng một bộ mặt lơ láo, không nghĩ là mình thật thà lại tin người kia xạo láo. Chúng ta sẵn sàng thảm sát nhau. Trời đất sẵn sàng thảm sát con người. Đến một câu thơ…cũng đáng sợ!
Nhà thơ Linh Phương viết bài Mở cho tập Tiểu Khúc, tự xưng mình là Linh Phương, cái danh xưng mọi người đều biết đó là tác giả một bài thơ phản chiến Phạm Duy phổ thành một bản nhạc chạy trốn chiến trường, “Em Hỏi Anh Bao Giờ Trở Lại…”. Linh Phương biết tỏng thiên hạ đội mình trên đầu rồi nên Linh Phương dõng dạc gọi Tôn Nữ Thu Dung là “Con Nhỏ”, giống như con oshin, giống như đồ-con-nhái-bén! Linh Phương không quan tâm gì cả về tập Tiểu Khúc, cực chẳng đã mà viết “tưng tửng”, đồng nghĩa với cách làm việc vô trách nhiệm của một người vô cảm, vô tâm, vô liêm sỉ. Linh Phương kết thúc bài Mở như thế này:
“Tưng tửng cho nên khi viết vài dòng Mở cho tập thơ của Tôn Nữ Thu Dung, cách viết của tôi từ trước đến nay, thiệt không giống bất cứ nhà thơ nổi tiếng nào. Giống sao được – bởi tôi là Linh Phương.”
Còn nhà thơ Du Tử Lê được tác giả mời viết phần Lời Kết tập thơ, Du Tử Lê đã nhập đề như thế này:
“Cho tới khi T. đưa tôi thi phẩm “Nhật Ký” và tập truyện “Hướng Dương Giấu Mặt Trời của Tôn Nữ Thu Dung, do Tương Tri xuất bản, tôi không hề có một ý niệm gì, về tác giả này.”
Du Tử Lê viết tại thành phố Garden Grove Lời Kết thi tập Tiểu Khúc đề tháng và năm, Feb. 2016. Du Tử Lê đọc Thu Dung qua hai tác phẩm cũ, không đá động gì đến Tiểu Khúc sẽ xuất bản trong năm 2016, Du Tử Lê là một trong ba người được Tôn Nữ Thu Dung mời viết để đem in. Cách nhập đề của Du Tử Lê cho thấy Du Tử Lê hời hợt với tác giả và tác phẩm của người ngưỡng mộ Du Tử Lê, nói khác đi dưới mắt Du Tử Lê văn chương của Thu Dung không đáng nói…thế mà Du Tử Lê làm bài thơ Di Chúc Của Một Chia Tan, năm 2015, Du Tử Lê bưng nguyên một câu thơ của Tôn Nữ Thu Dung làm từ năm 1992, đã đăng báo, Tôn Nữ Thu Dung in lại trong tập thơ Nhật Ký của mình gửi tặng Du Tử Lê năm 2015, là…Du Tử Lê từng đọc Tôn Nữ Thu Dung rồi (trên báo), từng “lậm” thơ Tôn Nữ Thu Dung rồi…mà cứ nghĩ là thơ của mình mới làm? Đây, bốn câu trích trong bài Di Chúc Của Một Chia Tan, 3 câu của Du Tử Lê theo cách của Du Tử Lê, câu thứ ba là nguyên văn thơ của Tôn Nữ Thu Dung theo cách của Tôn Nữ Thu Dung, nó “lạc loài” trong thơ Du Tử Lê, gốc gác của nó trong bài Nhật Ký của Tôn Nữ Thu Dung:
Này yêu dấu, em nhớ gì không nhỉ
Những mùi cây cỏ mục rã bên đường
ĐÊM THƠM NGÁT VỚI CHÙM HOA DẠ LÝ
Nụ hôn nào đã ướp lá hương sen?
Du Tử Lê ơi, Du Tử Lê nên mở tập Tiểu Khúc của Tôn Nữ Thu Dung đọc bài Thảm Sát của nàng và cười tủm tỉm nhé! Ôi! Chúng ta mỗi người là một sát thủ?
Tôi viết cho tập Tiểu Khúc, một câu, viết cho có, không ngờ Thu Dung cũng đem in vào Tiểu Khúc coi như kết thúc một cuốn sách. Tôi viết: “Đọc Tiểu Khúc, tôi hiểu vì sao Nguyễn Du viết khúc Đoạn Trường”. Tôi xót xa cho thân phận đàn bà, tôi nhớ Má tôi, chị tôi, em gái tôi, vợ tôi…người đàn bà nào cũng khổ. Tôn Nữ Thu Dung là đàn bà! Tôn Nữ Thu Dung là người đàn bà nhỏ nhắn, yêu kiều, là một tiểu kiều…Nguyễn Du không phải là tác giả Truyện Kiều, Nguyễn Du là tác giả Đoạn Trường Tân Thanh! Kiều, cái chữ mang cái nghĩa người-con-gái, người-đàn-bà, phận-nữ-nhi.
*
Tôi viết bài này, Ba Tập Thơ Ba Bài Thơ Mỗi Người Một Vẻ, tới đây coi như gần xong. Nó sẽ xong chút xíu nữa…
Tôi biết ơn ba tác giả gửi tặng tôi tác phẩm thơ rất đẹp, rất hay. Tôi đã đọc hết và tôi chọn mỗi tập một bài để khẳng định: mỗi tác giả là một người thơ hoàn hảo, một bài thơ tôi trích dẫn ra là một tác phẩm đẹp, là một ấn tượng nằm mãi trong lòng tôi.
Hoài Việt cho tôi nhiệt huyết của người Việt yêu nước Việt. Nguyễn Lương Vỵ dạy tôi biết nói lái. Tôn Nữ Thu Dung cho tôi một trời thơ bát ngát nhìn đâu cũng thấy sự thảm sát như chuyện bình thường!
Trần Vấn Lệ