Jan 10, 2025

Biên khảo

Nguyễn Du Qua Mộ Tỷ Can
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 11:06:40 AM, Jan 16, 2017 * Số lần xem: 1155
Hình ảnh
#1

NGUYỄN DU QUA MỘ TỶ CAN

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH

                Trên đường đi sứ năm 1813 từ 9-8 đến 22-8 năm Quý Dậu, Nguyễn Du đi qua địa phận huyện An Dương tỉnh Hà Nam. An Dương là kinh đô cuối cùng nhà Thương. Mộ Tỷ Can ở ngoài thành Vệ Huy năm dậm, bên đường có tấm bia đá lớn khắc bảy chữ : Ân Thái Sư Tỷ Can chi mộ. Trước mộ bậc  hiền nhân trung thần, Nguyễn Du đã xúc động không ngăn dòng lệ, viết bài thơ  Mộ Tỷ Can .

                Tỷ Can là chú vua Trụ, là vị vua cuối cùng nhà Thương rất tàn bạo. Trụ Vương giết chú là trung thần, làm Thái Sư thường can gián nên bị vua Trụ ghét. Tỷ Can can gián luôn ba ngày Trụ cả giận nói : Tỷ Can tự cho là thánh nhân, ta nghe nói tim thánh nhân có bảy lỗ bèn ra lệnh mỗ tim Tỷ Can ra xem.  Chuyện Tỷ Can trung thần là một đề tài lớn trên sân khấu Kinh Kịch của Trung Quốc, Hát Bội và Cải Lương của Việt Nam. Ngày nay cũng đã được Đài Loan, Trung Quốc dựng thành phim truyện.

                Nhà Thương còn gọi là nhà Ân, hay Ân Thương, là triều đại  nối tiếp nhà Hạ và trước nhà Chu, theo Trúc Thư niên kỷ khoảng 1556 TCN và 1046 TCN, nhưng theo tính toán của Lưu Hâm thì khoảng 1766 TCN tới 1122 TCN, bắt đầu từ Vua Thành Thang và kết thúc là Vua Trụ. Nổi lên phía Tây châu thổ sông Vị và thống nhất đồng bằng phía bắc Trung Quốc. Xây dựng một đế chế, chinh phục các nước chư hầu, biến vua các nước đó thành đồng minh phụ thuộc, kiểm soát công việc cai trị và thu thuế. Văn minh nhà Thương đạt mức cao thời đại đồ đồng, kiểm soát các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam. Thủ đô khởi đầu ở đất Bạc, 7 lần dời đô, thủ đô cuối cùng thời Trụ Vương ở An Dương tỉnh Hà Nam.

                Nguyễn Du viết : Cơ Tử chú vua Trụ giả điên  để khỏi bị Trụ giết,  Vi Tử  anh của vua Trụ, thấy Trụ bạo ngược quá phải trốn đi; cả hai đều được toàn thân. Tại bến Mạnh Tân, Chu Cơ Phát tức Chu Vũ Vương họp tám trăm  chư hầu để đánh Trụ. Tỷ Can cương trực không sợ bị giết, thường can gián vua Trụ nên bị Trụ ghét, giết hại. Khổng Tử nói :  Hữu sát thân dĩ thành nhân (Chịu chết để thành người nhân. Một gò mộ cây cỏ đã « thành nhân ». Tận mắt viếng thăm ngôi mộ Tỷ Can không thể nào không rơi lệ. Dưới đất có người có thể cùng giao du kết bạn. Ngụy Trưng, Tể Tướng thời Đường Thái Tôn hay nói thẳng để can vua, bị vua gọi là « điền xá hán », lão nhà quê. Ngụy Trưng chia hai loại trung thần là người can vua mà bị giết, như Tỷ Can can vua Trụ, và lương thần là tôi hiền (can vua mà không bị giết) như ông ta. Nguyễn Du gọi Ngụy Trưng là lão nhà quê tham sống nhục. Đã can vua thì sợ gì sống với chết,  can vua là vì lẽ phải, vì sự hưng vong của đất nước, triều đại mà can vua. Sự can gián, như  thuốc đắng chữa được bệnh tật, lời hay lẽ phải thường nghịch nhĩ, trái tai, vua không muốn nghe. Nếu cứ theo ý vua , nói lời  ngon ngọt, bùi tai thì, vua cứ như ngựa quen đường cũ, hoang dâm vô độ, hoang phí xây dựng cung đình, dân chúng đói khổ, giang sơn xã tắc đến hồi cùng kiệt, rồi sụp đổ, mất nước, trách nhiệm ở người làm quan làm tướng lo việc nước, thì chia trung thần với lương thần là chuyện hồ đồ.

                Chuyện xưa đổ bao tội lỗi vua Trụ vào Đắc Kỷ : Vua Trụ ngày đêm đắm say giao hoan với Đắc Kỷ, hao phí tiền của nhân dân để xây cung vàng điện ngọc, đài cao. Trụ đã mê man trước sắc đẹp của Đắc Kỷ không còn biết đến chuyện triều chính. Vua không còn biết lẽ phải, không còn biết suy xét việc nước, gặp vua như thế thì chỉ có thể làm nịnh thần chứ không thể nào làm lương thần được. Khi lòng dân không còn nữa, một trận Mục Dã năm 1122 TCN toàn quân nhà Thương đã nhanh chóng tan rã. Trụ Vương chỉ còn biết lên Lộc Đài tự thiêu mà chết. Đáng thương cho Đắc Kỷ cũng bị giết, và ngàn năm sau vẫn đổ tội lỗi cho sắc đẹp làm nghiêng thành, đổ nước.

MỘ  TỶ  CAN

 

Giả điên, trốn tránh được toàn thân,

 

Hội tám trăm chư hầu Mạnh Tân.

 

Bảy lỗ có tim nào ngại mổ,

 

Một gò cây cỏ bậc thành nhân.

 

Thấy mồ cảm xúc không ngăn lệ,

 

Dưới đất mai sau có được gần,

 

Lão  Ngụy nhà quê tham sống nhục,

Hồ đồ phân biệt trung, lương thần.

bản dịch Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

TỶ  CAN  MỘ

 

Độn cuồng quân tử các toàn thân,

 

Bát bách chư hầu hội Mạnh Tân.

 

Thất khiếu hữu tâm an ty phẫu.

 

 

Nhất khâu di thực tận thành nhân.

 

 

Mục trung sở xúc năng vô lệ,

 

 

Địa hạ đồng du khả hữu nhân.

 

 

Tàm quí tham sinh Ngụy đìền xá,

 

Trung lương hồ loạn cưỡng tương phân.

                Ngô Thì Nhậm trên đường đi sứ cáo tang vua Quang Trung năm 1792 và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh đã đi ngang qua thành Vệ Huy và viết bài thơ : Ngôi  mộ ông Tỷ Can Thái Sư nhà Thương: Không nỡ ngồi nhìn cuộc điên đảo, suy đồi của nhà Thương. Tấm lòng trung tiết, như ánh sáng mặt trời, mặt trăng rạng rỡ mà chuyển vòng. Người giả điên, người trốn đi, còn ai lo việc tổ quốc. Can gián thẳng lời, đâu dám phụ nhà vua đương thời. Nếu  trái tim bảy lỗ của người nhân không bị mỗ xem. Thì áo nhung phương bá nhà Chu, cũng xếp xó. Di tích sáu, bảy đời vua hiền thánh, nay đều mai một. Chỉ tấm bia mọc rêu nơi xóm vắng đầu gò, còn để dấu thơm.

NGÔI MỘ ÔNG TỶ CAN THÁI SƯ NHÀ ÂN

 

Không nở nhìn triều Thương nát tan,

 

 

Lòng trung xoay chuyển sáng trời trăng.

 

 

Kẻ điên, người trốn ai lo nước,

 

 

Can gián lời ngay chẳng phụ vương.

 

 

Người nhân tim lỗ không bị mỗ,

 

 

Phương bá binh nhung hẵn chẳng thành.

 

 

Bảy đời hiền thánh nay mai một,

 

 

Đầu bia xóm vắng vẫn thơm danh.

 

bản dịch thơ Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ÂN THÁI SƯ TỶ CAN CHI MỘ

 

Bất kham điên đảo thị suy Thương,

 

 

Trung tiết chiêu hồi nhật nguyệt quang.

 

 

Cuồng, độn cánh thùy ưu cố quốc,

 

 

Qui châm hà cảm phụ thời vương.

 

 

Nhân nhân tâm khiếu phi tường ngược,

 

 

Phương bá y nhung thả hối tàng.

 

 

Lục thất thánh hiền di tích diểu,

 

Lũng đầu cô ổ tiểu bi hương.

Chú thích:

Chiêu hồi: sáng láng mà chuyển vòng. Kinh Thi có câu Chiêu hồi vu thiên, nghĩa là sáng quanh trên bầu trời, chỉ sông Vân Hán. Đây tác giả dùng chỉ mặt trời, mặt trăng.

Cuồng, độn: Cơ Tử chú vua Trụ can không nghe bèn xỏa tóc, giả điên dại, làm người nô dịch. Vi Tử anh vua Trụ can không nghe, mang đồ tế tự chạy đến nhà Chu, để giữ lấy tông thống nhà Thương.

Qui châm : qui gián, can ngăn

Nhân nhân : người có đạo nhân, lấy ý câu nói của Khổng Tử : « Ân hữu tam nhân », nghĩa là nhà Ân có ba người nhân chỉ Cơ Tử, Vi Tử và Tỷ Can.

Phương bá : Trưởng chư hầu một địa phương, đây chỉ Vũ Vương nhà Chu. Trụ phong Văn Vương (cha Vũ Vương) làm hầu bá phương tây, gọi là tây bá, chuyên việc chinh phạt. Văn Vương chết, Vũ Vương kế chức tây bá, hợp tám trăm chư hầu đánh Trụ dựng nên cơ nghiệp nhà Chu.

Y nhung : quân phục, áo mặc quân sự. Kinh Thư có câu : « Nhất nhung y, thiên hạ đại định ». Một tấm nhung y , mà thiên hạ đại định, chỉ việc Vũ Vương đánh Trụ.

Lục thất thánh hiền : Mạnh Tử có câu : « Do Thang chí  ư  Vũ Đinh, hiền thánh chi quân lục thất tác ». Nhà Ân từ Thang đến Vũ Đinh, các vua hiền thánh sáu bảy đời dấy lên.

                Đoàn Nguyễn Tuấn trong Hải Ông thi tập, khi đi sứ  mùa hạ năm Canh Tuất (1790) trong phái bộ Phan Huy Ích. Qua phía Bắc sông Hoàng Hà, cố đô Triều Ca của nhà Thương. Thời Chiến Quốc nơi đây thuộc thành nước Vệ, có miếu các tiên chủ nhà Ân Thương. Ông viết bài Qua cố đô nhà Ân : Nghe nói Triều Ca là cơ nghiệp cũ của vua Trụ. Bồi hồi bỗng chạnh nhớ chuyện đã qua. Dù  là bậc thánh hiền, làm gì có vận nước ngàn năm. Nhân từ hay bạo ngược rốt cuộc chỉ như nửa ván cờ. Câu này có ý nói Nhà Ân có sáu bảy ông vua hiền thánh nhưng cũng không truyền được vận nước đến nghìn năm. Dù nhân từ như các vị vua thánh hiền hay bạo ngược như vua Trụ đi nữa, đến nay cũng đã trở thành quá khứ. Tiếng hát buồn thương của Cơ Tử còn vương trên đồng lúa mạch. Sau khi Võ Vương diệt Trụ. Cơ Tử, chú vua Trụ, cựu đại thần nhà Ân qui thuận nhà Chu. Khi ông về triều bái lăng miếu nhà Chu, đi qua cố đô nhà Ân thấy cung điện đổ nát, lúa mạch mọc xanh tốt, bèn làm bài thơ Mạch tú, nói lên nỗi đau thương của mình đối với cảnh điêu tàn triều đại cũ. Lời can trung trực của Tỷ Can vẫn còn lưu lại trên tấm bia cao lớn : « Ân Tỷ Can chi mộ », tương truyền năm chữ đó là bút tích Khổng Tử. Chuông vạc các triều đại nay ở nơi nao ? Chỉ còn lại mồ hoang lạnh lùng trên bờ sông Lạc.

QUA CÔ ĐÔ NHÀ ÂN.

 

Nghe nói Triều Ca trụ đóng đô,

 

Bồi hồi chạnh nhớ chuyện ngày xưa.

 

Thánh hiền nước chẳng ngàn năm vững,

 

Nhân bạo rồi như nửa cuộc cờ.

 

Cơ Tử thơ sầu đồng lúa mạch.

 

Tỷ Can lời thẳng chữ không mờ.

 

 

Nơi nao chuông đỉnh bao triều cũ,

 

Sông Lạc hoang liêu, lạnh lẽo mồ.

Thơ Đoàn Nguyễn Tuấn, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

QUÁ ÂN CỐ ĐÔ

 

Văn thuyết Triều Ca Trụ cố ky,

 

 

Bồi hồi vãng sự nhất hưng ti.

 

 

Thánh hiền an hữu thiên niên quốc,

 

 

Nhân bạo đồng qui bán cục kỳ.

 

 

Cơ Tử sầu ca dư dã mạch,

 

 

Tỷ Can trung gián thượng khung bi.

 

 

Lịch triều chung đỉnh kim hà tại ?

 

Hoang chủng thê lương Lạc thủy my.

 

                   

 

                Chuyện Phong Thần, bịa ra chuyện vua Trụ tế lễ đền Nữ Oa, làm thơ đùa bỡn thất lễ nên Nữ Oa báo thù, giết cô gái tiến cung tên Đắc Kỷ và cho một con hồ ly tinh thay thế làm hại vua Trụ. Phong Thần còn đổ lỗi chuyện Trụ giết Tỷ Can là do Tỷ Can dâng áo da lông chồn cho vua Trụ để vua Trụ mặc cho ấm. Nhưng Đắc Kỷ và em vốn giống dòng hồ ly tinh thấy đồng loại mình bị tiêu diệt làm áo “ Vision” nên trả thù. Đắc Kỷ giả vờ đau bụng nhăn mặt đòi thuốc chữa bệnh đau bụng bằng tim chín lỗ của Tỷ Can. Chuyện gán cho các cô gái đẹp là hồ ly tinh để đỗ lỗi sự sụp đỗ một triều đại là chuyện buồn cười. Hoá ra Đắc Kỷ còn đi trước Brigitte Bardot và các Hội Bảo Vệ Súc Vật Tây Phương ba ngàn năm. Đắc Kỷ đã chống việc giết động vật hoang dã làm da  may áo !

                Nguyễn Du vốn cảm  thương cho những người đẹp tài hoa như Dương Quý Phi:  Vì cả triều đình như phổng đứng. Nghìn năm đổ tội sắc nghiêng thành. Bao ông tể tướng, đại thần, tướng văn, tướng võ ở đâu mà khi mất nước, triều đại sụp đỗ cứ đổ oan cho những cô gái đẹp.

                Bao cô gái đẹp chôn chặt đời mình trong cung cấm, chỉ còn một lối thoát là được vua yêu quý. Cung nữ phục dịch phải mang lục lạc dưới chân, để bước đi nghe len ken thành nhạc bội hoàn cho vua vui tai.. Bao cô gái đẹp tuyển cho vua ngự phải bó chân từ năm lên tám, chân nhỏ xíu thành tật để bước đi xinh đẹp như đóa sen. Tại Paris, Musée de l’Homme, có chưng bày những bàn chân các cô gái Trung Quốc ngày xưa bị bó, các ngón chân cong quặp lại, người bị bó thật đau đớn khi bước đi, phong tục ấy Trung Quốc cho là đẹp thì thật là dã man. Bao cô gái đẹp thường hay chết yểu vì cái phong tục bó chân man rợ đó. Giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu. Người đẹp từ xưa, như các danh tướng, không hẹn với nhân gian thấy mình đầu bạc. Bao giai nhân không sống đến tuổi ba mươi, lý do đơn giản vì bị bó chân, không đi bộ được, mỗi bước đi phải lên kiệu hoa, mọi chuyện có kẻ hầu hạ, vì không đi được máu không lưu thông nên đau tim, chết yểu, chuyện đơn giản thế thôi. Các vua chúa Trung Quốc bày trò ca tụng sắc đẹp tạo nên phong tục  giai nhân phải bó chân, như thế gái giữ được trinh tiết, thực ra chỉ biến người phụ nữ thành nô lệ tình dục, họ không thể làm công việc gì khác ngoài việc cung phụng tình dục cho vua chúa.Tam cương, ngũ thường giữ người đàn bà trong khuôn khổ : sinh ra chỉ biết có cha, có chồng theo chồng, chồng chết theo con trai, người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới. Thân phận các cô gái quyền quý là để thoả mãn nhục dục cho vua chúa, người phụ nữ không có một chọn lựa hay yêu đương nào,  thế mà khi triều đại sụp đổ lại đổ lỗi cho các cô gái đẹp. Chuyện Đắc Kỷ và em là hồ ly tinh làm mê mệt vua Trụ, ba ngàn năm qua người Trung Quốc nguyền rủa Đắc Kỷ thật là bất công.  Vua Trụ không kìm hảm được sắc dục mình, chỉ biết ngày đêm trác táng, không lo việc triều chính, không nghe lời trung thần khuyên răn, tướng lãnh làm cuộc đảo chính, triều đại sụp đổ thì đổ lỗi cho Đắc Kỷ.

Paris 12-1-2017

Phạm Trọng Chánh *Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học ParisV Sorbonne.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.