Con người có những sở thích không ai phân tích được tiến trình hình thành, không ai khẳng định được là chính đáng hay không chính đáng. Chỉ biết là những sở thích đó đã thật sự trở thành nhu cầu tinh thần của một khối lượng người rất lớn trong xã hội. Ở đây tôi xin chỉ đề cập tới một sở thích thôi, đó là sở thích sưu tập. Sở thích nầy phát sinh nơi con người từ lúc nào trong lịch sử, hai triệu năm, một triệu năm, hay một trăm ngàn năm?
Phải chăng nó phát sinh từ thuở con người cảm thấy có nhu cầu tích lũy và bảo trì các loại dụng cụ khác nhau để sử dụng hữu hiệu mỗi khi cần đến? Những vấn nạn trên đây ít có ai quan tâm đến. Nhưng không màng tới việc truy nguyên nguồn gốc của sở thích sưu tập không có nghĩa là từ bỏ, xa lánh sở thích đó. Bởi thế nên những người ưa sưu tập cứ thấy nhân số của tập thể mình gia tăng thêm mãi chớ không giảm thiểu bớt, dù là trong lĩnh vực sưu tập đồ cổ, sưu tập tem hay sưu tập xe cộ v.v... cũng vậy.
Dưới đây tôi xin bàn riêng về một loại sưu tập đặc biệt rất giới hạn về nhân số tham gia, một loại sưu tập mà đối tượng không còn là đồ vật nữa và cũng không bị sưu tập gia
thu gom về một chỗ dưới sự kiểm soát của mình như trong trường hợp sưu tập thông thường. Tôi muốn nói đến sưu tập mẫu người. Ở đây sưu tập gia chính là nhà văn, nhà thơ với nhu cầu tìm kiếm nhân vật để xây dựng tác phẩm của mình. Nhà văn lão thành Võ Phiến đã nhận xét hết sức xác đáng là khi một nhà văn không sáng tác thêm được truyện ngắn, truyện dài thì đó là vì ông ta cạn nguồn nhân vật hơn là vì thiếu đề tài. Nhận xét nầy có thể nới rộng sang lãnh vực thơ vốn dĩ cũng cần nhân vật như tản văn tuy ở mức độ giới hạn hơn. Nhưng nhân vật không thể tự nhiên nảy sinh ra trong trí tưởng tượng của văn thi sĩ. Nó phải hình thành từ những mẫu người mà văn thi sĩ đã gặp ở ngoài đời. Văn thi sĩ phải lấy một vài đặc điểm ở mẫu người nầy rồi kết hợp với đôi ba đặc điểm ở mẫu người khác mà cấu tạo nên một nhân vật mới. Tóm lại, văn thi sĩ là chuyên gia sưu tập mẫu người và kết hợp mẫu người.
Nhưng có đi phải có lại. Văn thi sĩ sưu tập mẫu người ngoài đời để cấu tạo nên nhân vật trong tác phẩm thì ngược lại trong số độc giả cũng có người thích sưu tập văn thi sĩ, dĩ nhiên là theo phương thức sưu tập mẫu người, nghĩa là sưu tập trong trí nhớ thôi và nếu cần thì ghi chép ra trên mặt giấy. Mặt khác, nhu cầu của độc giả không giống với nhu cầu của văn thi sĩ. Độc giả sưu tập văn thi sĩ không phải để cấu tạo nên nhân vật tưởng tượng, bởi lẽ đó là công việc của văn thi sĩ chớ không phải của độc giả; độc giả sưu tập văn thi sĩ chỉ để thanh thoả cho đầy đủ nhu cầu giải trí của mình mà thôi. Thâṭ vậy, thu thập dữ kiện về những mẫu tác giả rồi đối chiếu với các mẫu tác phẩm tương ứng, làm như thế thì độc giả mới thưởng lãm tác phẩm tới mức trọn vẹn được.
Bản thân tôi cũng có sở thích sưu tập tác giả như thành phần độc giả vừa nêu trên đây. Khác một chút là tôi mong muốn tiến thêm một bước nữa để đi tới chỗ thực hiện việc sưu tập một cách có hệ thống. Nhưng với số lượng tác giả quá lớn như hiện nay, biết phải bắt đầu từ tác giả nào hay nhóm tác giả nào đây? Theo nguyên tắc nào mà chọn lựa người đầu tiên để tìm hiểu và theo nguyên tắc nào mà chọn những người kế tiếp? Câu
- 2 -
vấn nạn có vẻ không tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Giải pháp đơn giản nhất chắc phải là chọn lựa tác giả theo tiêu chuẩn tình cờ và thuận tiện.
Thế rồi một hôm, tôi sực nhớ đến Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại với hơn 500 thành viên và 12 tập thi phẩm Cụm Hoa Tình Yêu. Môi trường thi nhân hết sức phong phú nầy thừa sức cung ứng cho tôi những đối tượng sưu tập mà tôi cần thu thập những dữ kiện liên quan đến. Nhưng khó khăn tôi nêu ra trên đây (nguyên tắc chọn lựa tác giả) vẫn còn nguyên vẹn, chưa giải quyết được. Tình cờ – lại tình cờ nữa – thi hữu Đào Thanh Khiết trong Hội Thơ Tài Tử gởi tặng tôi một số thi phẩm của ông đã được in ấn hoặc phổ nhạc và ghi âm vào băng cassette hay dĩa CD, chẳng hạn như các tác phẩm Nhạc Lòng, Phiêu Bồng, Chân Trời Mới, Tình Thương, Níu Gót Chân Yêu, Trăm Mối Tơ Vương, Nhạc Gió, v.v... Thế là duyên văn nghệ đã tình cờ giúp tôi tìm thấy đối tượng sưu tập văn nghệ đầu tiên mà trước đây tôi lúng túng không nghĩ ra được phương thức chọn lựa.
*
* *
Như bao nhiêu thi nhân khác, Đào Thanh Khiết đã bước vào cõi thơ sau khi bất thần vượt qua một cánh cửa. Cánh cửa đó chính là những mối xúc cảm đột ngột đã để lại nơi tâm hồn ông một dấu ấn không phai mờ được, đã đè nặng trên tâm khảm ông qua ngày tháng dài đằng đẵng. Hậu quả là ông phải chuyển nội tâm của ông ra ngoài con người của ông, chuyển ra ngoài để được vơi nhẹ bên trong, chuyển dịch bằng phương thức thi ca mà có lẽ ông lượng định là phương thức tốt nhất.
Đâu nào, xin thử theo chân Đào Thanh Khiết trên bước đường thi ca đó. Nhưng theo từ đâu, từ thuở ấu thơ chăng? Không, phải theo từ bước ngoặc đầu đời khi người thanh niên Đào Thanh Khiết gặp gỡ cô bạn gái trong khuông viên chùa Xá Lợi, nơi mà sau đó chàng gọi là “Vườn Đạo Hạnh”.
Đêm khuya thanh vắng cảnh sân chùa,
Lả tả đề rơi theo gió đưa.
----------------------------------------------
Đôi trái tim non dưới Phật đài,
Trong vườn Đạo hạnh, cõi Bồng lai.
Quỳ bên ngưỡng cửa thiêng liêng ấy;
Quyện với tình thương khói toả bay...
(Trong Vườn Đạo Hạnh)
Tình yêu chớm nở nhẹ nhàng, tiệm tiến trong không khí trầm mặc của một chốn tôn nghiêm. Tình yêu và tín ngưỡng hòa lẫn vào nhau, “quyện” lấy nhau chớ không còn ở cách biệt nhau qua một lằn ranh.
Thơ thẩn dạo chơi trong vườn hoa tình yêu chẳng bao lâu thì chàng thanh niên Đào Thanh Khiết đã lạc bước đến chốn thi ca.
----------------------------------------
Rồi như trăng gió chuyện tình cờ;
Rồi bóng đêm về ươm giấc mơ;
Rồi nỗi buồn lớn trong giấc mộng;
Rồi người trai trẻ biết làm thơ.
(Rồi Người Trai Trẻ Biết Làm Thơ)
- 3 -
Nói đi lạc là nói vậy thôi, kỳ thực trong tiềm thức Đào quân vẫn bị thúc đẩy bởi một cái lực vô hình là ước vọng tìm lại tình yêu. Ông nỗ lực thanh thoả ước vọng nầy bằng cách dùng thi ca để khơi động lòng hoài niệm tình yêu. Trên phương diện nào đó vườn hoa thi ca là phiên bản của vườn hoa tình yêu, là một thực thể tiếp nối và bổ sung cho vườn hoa tình yêu.
Rồi thời gian lại dẫn dắt Đào Thanh Khiết đến một đoá hoa tình yêu mới, đóa hoa nầy có điểm tương đồng với đóa hoa cũ là nó đắm chìm trong một không khí tôn giáo nhẹ nhàng mà nồng thắm khiến cho nó cũng giữ mãi được cái hương sắc lạ lùng của kỳ hoa dị thảo. Đặc biệt, tình yêu nơi chàng thi nhân trẻ tuổi họ Đào bao giờ cũng thanh khiết, lúc nào cũng e dè cả.
Hôm nao lạc đến Thánh đường em,
Nghe tiếng hát ca thật êm đềm
------------------------------------------
Em là Thiên sứ đẹp muôn nơi,
Con Đức Chúa Cha ở cõi trời,
Lòng trắng trong như tờ giấy trắng.
Ta người phàm tục có nên chăng?
(Níu Gót Chân Yêu)
Giống như nhiều thi nhân khác, Đào Thanh Khiết đã bước chân vào làng thơ với hành trang chủ yếu là tình yêu. Nhưng vào đó rồi thì Đào quân hóa thân trở lại thành người thường với những cảm xúc đa dạng vượt quá khuôn khổ hạn hẹp của tình yêu. Ông không quên được kỷ niệm những ngày ôm cặp đến trường sống đời học sinh.
--------------------------------------
Xuyên qua mấy lối phố phường,
Bạn bè tấp nập đến trường reo vui.
Cùng đi, cùng nói, cùng cười,
Có chi tươi đẹp bằng đời học sinh!
(Đến Trường)
Ông cũng nhớ mãi người đã có công dạy dỗ ông thuở lớp Năm, lớp Tư trường làng.
Nhớ ngày xưa còn bé
Học lớp Năm trường làng;
-------------------------------
Giờ xa xôi cách trở,
Viết bức thư thăm Thầy;
Sao thẹn thùng, bỡ ngỡ,
Như thuở mới vòng tay!
(Thư Thăm Thầy)
Trong ký ức của ông, hình ảnh sinh hoạt đồng quê không bao giờ xoá mờ đi được cả.
Gà gáy canh ba vẳng xóm êm.
Màn sương phủ kín. Gió qua thềm.
-----------------------------------------
Từng đoàn lũ lượt vẽ tranh quê,
Quang gánh rập rình khắp nẻo đê.
---------------------------------------
- 4 -
Thấp thoáng đàng xa hàng phố chợ,
Rộn ràng, phơi phới lướt qua đồng.
(Đi Chợ Tết)
Nhưng nét độc đáo nhất trong thơ Đào Thanh Khiết, tôi tìm thấy nó trong bài Buổi Sáng Ở Thành Thị.
Ánh đèn còn sáng choang ngoài ngõ,
Tiếng guốc nện vang ở cuối đường,
Lũ chuột thành chui nhanh xuống cống,
Thợ thuyền mấy bóng bước trong sương.
------------------------------------------------
Xúm xít vây quanh bên bát phở.
Nhanh chân kẻo lỡ chuyến xe nầy.
(Buổi Sáng Ở Thành Thị)
Đào quân đã nhìn, đã nghe, đã ngửi thành phố từ nơi cư ngụ của ông tại 68 Trần Bình Trọng, Chợ Quán, Sài Gòn. Thật lạ lùng! Nhà thơ lãng mạn, với những chuyện tình diễm ảo, trong phút chốc bỗng dưng biến đâu mất. Rồi một nhà văn tả chân thình lình xuất hiện. Bằng vài nét chấm phá đơn sơ mà sắc sảo, ông đã tạo nên một bức tranh sống động về một môi trường sinh hoạt ồn ào, náo nhiệt, bạo liệt, đối nghịch hẳn với không khí tỉnh lặng ở ngôi chùa và ngôi giáo đường mà nhà thơ đã dùng làm bối cảnh cho chuyện tình của mình. Đào Thanh Khiết đã thực sự dùng thi phú để viết ra những bài tùy bút, tân truyện thật ngắn, và ông đã tiến hành việc đó ngay từ thuở cách đây năm mươi năm! Ông đúng là một người tiên phong có công tạo nên hiện tượng văn nghệ ngày nay đã trở thành phổ quát trong các thi tập Cụm Hoa Tình Yêu của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại.
Năm 1961, tức là vào năm hai mươi lăm tuổi, Đào Thanh Khiết phải ly hương để sang phục vụ tại sứ quán Việt Nam ở Phi Luật Tân. Ly hương vì công vụ cũng là ly hương thôi. Sắp biệt xứ họ Đào chắc không quên được câu “Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy” ông đã học được trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư thuở lớp Năm, lớp Tư. Còn bé học được một câu về cảnh biệt ly, lớn lên thành thi nhân thì phải làm ̣được một bài thơ về đề tài đó chớ! Vâng, Đào Thanh Khiết đã làm, không phải một mà là nhiều bài thơ để diễn đạt tâm trạng bùi ngùi lúc ra đi và nhớ nhung khi phiêu bạt nơi xứ người.
-----------------------------------------
Còn một đêm nay để nhớ thương...
Ngày mai ta cất bước lên đường.
Lắng nghe từng tiếng gà tre gáy,
Con cắc kè kêu cũng luyến thương.
(Còn Một Đêm Nay)
*
* *
-----------------------------------------
Em ở lại, thôi đừng buồn em nhé,
Trời bắt làm trai anh phải tung hoành.
Hẹn ngày mai, nợ núi sông trang trải,
Anh sẽ trở về nhìn mắt em xanh!
(Hẹn Ngày Mai)
------------------------------------------
- 5 -
Xuân nầy anh về đâu?
Rít chi tiếng còi tàu!
Gọi chi miền cố quận!
Gợi chi niềm thương đau!
-------------------------------
Xuân nầy anh về đâu?
Một mùa xuân không màu.
Một tình xuân lữ thứ.
Một đời xuân trôi mau.
(Xuân Nầy Anh Về Đâu?)
Nhưng, tương tự như những cơn mưa dầm kéo dài lê thê rồi có lúc cũng phải tạnh, lòng hoài vọng cố hương, hoài vọng cố nhân cũng phải nguôi ngoai đi với ngày tháng. Thời gian có sức tàn phá khốc liệt, không ai cưỡng lại được qui luật nầy, và dĩ nhiên Đào Thanh Khiết cũng không thoát khỏi vòng cương toả của nó. Cuộc sống “phiêu bồng” từ Phi Luật Tân đến Hoa Kỳ đã khiến ông tạm gác quá khứ lại sau lưng để nhìn hiện tại ở chỗ mình đang đứng rồi hướng tới tương lai, tới “chân trời mới” với tinh thần lạc quan yêu đời nhưng đôi lúc cũng thắm đượm một chút hoài nghi, xót xa cho kiếp người.
Hôm nao dừng lại phố Đông Kinh,
Rực rỡ xa hoa, chốn hữu tình.
-----------------------------------------
Người qua kẻ lại đông như kiến,
Chen chúc bên nhau vai sát vai.
--------------------------------------
Danh lợi đua chen không lúc nghỉ.
Trầm luân bể khổ cõi trần gian!
(Thiếu Không Gian)
*
* *
Đi hai ngày hai đêm.
Có những lúc buồn tênh.
Lắm khi vui rộn rã.
Xứ Hoa Kỳ mông mênh.
(Vào Lòng Đất Mỹ)
*
* *
---------------------------------------------
Tóc nghiêng nghiêng em mời mọc,
Mừng lữ khách em choàng hoa.
Mắt long lanh như hạt ngọc,
Em tiến tới, ta lùi xa.
----------------------------------------------
(Vũ Khúc Hạ Uy Di)
*
* *
Một đoàn trai trẻ thịt da ngâm
- 6 –
Bay lượn trên không, núi đá ngầm,
-----------------------------------------
Nhọc nhằn cơm áo, môi run rẩy.
Nước cuốn, thân trôi ngày lại ngày.
(Phận Mỏng Tiền Dầy, chuyện những người Mễ Tây Cơ sinh sống bằng nghề biểu diễn, họ leo lên núi rồi lộn nhào xuống biển cho du khách xem.)
Mấy mươi năm phiêu bạt nơi xứ người bắt buộc Đào Thanh Khiết phải nỗ lực thích nghi với môi trường mới, cuộc sống mới. Ông phải nhìn, nghe, suy tư, hoài nghi, vui buồn trước những cảnh tượng diễn ra hằng ngày quanh ông. Nhưng là nhà thơ, ông đâu có chịu để cho những ưu tư về xã hội đương thời chế ngự tâm hồn ông mãi mãi. Thế là khi tóc bắt đầu điểm màu, ông nhẹ nhàng bước chân trở lại với những tình tự muôn thuở của con người, trong đó có cả những thắc mắc siêu hình, những suy tư về tương lai của kiếp người nữa.
Em ơi!
Nước non lưu lạc
Ngàn dặm xa xăm,
Gió mưa phiêu bạt
Trăm năm ngàn năm!
-------------------------
Đôi ta đôi ngã
Trên nẻo đường đời;
Giọt châu lã chã
Quên đi đành thôi!
(Trăm Mối Tơ Vương)
*
* *
----------------------------------------
Ta nghe hơi em thở
Bàng hoàng trong lời thơ.
Ta tìm em bỡ ngỡ!
Trong tim ai mong chờ!
------------------------------
Ngoài kia mây vần vũ.
Luồng gió lạnh thổi qua.
Không một vì tinh tú.
Mưa rơi trên mái nhà...
(Nhớ Bạn Tri Âm)
*
* *
Tơ trời nhè nhẹ lượn trên cao,
Giăng khắp không trung ngập mái đầu.
----------------------------------------------
Rửa sạch hồn ta trong khoảnh khắc,
Cùng hoa bay bổng giữa không gian!
(Tuyết Rơi)
- 7 –
*
* *
Qua rồi một đoạn đường
Hôm nay người dừng lại.
Kiểm điểm cuộc hành trình
Thở ra niềm khoan khoái!
--------------------------------
Người sẽ đi về đâu?
Như dòng nước qua mau,
Trôi về miền vô định?
Luật tuần hoàn theo nhau?
--------------------------------
(Hãy Nuôi Niềm Hy Vọng)
Nhưng liệu chuyến trở về với tình tự muôn thuở có kéo dài miên viễn không? Tôi nghĩ rằng không. Đào Thanh Khiết không phải là một nhà thơ dửng dưng với thực tại, không phải là người chỉ thích sống trông ảo mộng. Thi nhân họ Đào cũng có trải qua những giờ phút vơ vẩn trên mây; nhưng không giống với nhiều thi nhân khác, ông vẫn quan tâm với chuyện đời tầm thường như chuyện “buổi sáng ở thành thị” với cảnh “lũ chuột thành chui nhanh xuống cống”! Ông dành cho tình yêu một vị trí xứng đáng, nhưng ông cũng không loại ra khỏi lòng mình nỗi xúc động trước những hoàn cảnh đáng thương xót tạo ra bởi cuộc sống trong xã hội, chẳng hạn như hoàn cảnh những người biểu diễn phải leo lên núi rồi nhào lộn xuống biển cho du khách xem.Với tinh thần dấn thân như thế, Đào Thanh Khiết không thể xa rời thực tế một thời gian quá ư lâu dài!
Điều cuốn hút sự quan tâm của tôi là ở Đào Thanh Khiết người ta phảng phất thấy cung cách của một nhà văn, nói cường điệu một chút là nhà văn tả chân. Đôi khi ông viết văn bằng thơ, như trong bài Buổi Sáng Ở Thành Thị đã đề cập tới ở trên. Đây là hiện tượng rất thường thấy trong các tập Cụm Hoa Tình Yêu thời bây giờ. Nhưng thời trước, đó là chuyện hãn hữu. Và Đào Thanh Khiết đã làm chuyện hãn hữu nầy cách đây những năm mươi năm! Bởi thế nên một vài văn thi hữu có lý do chính đáng để ước mong được đọc tản văn của ông viết ra với dạng thức truyện ngắn, tùy bút hay truyện dài...
Tống Diên