Tiểu luận - Tạp bút
Thơ Đường Mở Rộng
Dương Huệ Anh *
đăng lúc 01:59:48 PM, Dec 11, 2008 *
Số lần xem: 1811 Luật Thơ Đường (hay Đường Thi) vốn chặt chẽ, phần đông ai cũng biết..Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, phải hợp niêm luật, vận. Rồi nào là Nhập đề, Phá đề, Thực, Luận, Kết … kể cũng khó nhớ và áp dụng thuần thục, nếu không chịu khổ luyện, mất thời giờ.
Lúc còn nhỏ, tập làm thơ, chúng tôi không dám mó đến loại thơ này, vì thật sự là khó nuốt; làm thơ theo các thể lục bát, ngũ ngôn ..coi bộ dễ hơn (chưa phải là hay!)
Thực ra thì luật thơ do tiền nhân đặt ra là để giúp cho những người thích-thơ làm thơ dễ dàng hơn, cũng như người lái xe, cứ theo đúng luật mà lái thì an toàn hơn và đỡ bị cảnh sát công lộ hỏi thăm, túi tiền bớt bị hao hụt vô cớ.
Nhưng không phải ai cũng theo đúng luật thơ (vì không ai bó buộc cả!), nhiều thi gia nổi tiếng xưa, nay vẫn thường bất cần luật (phá luật), khi làm thơ, có thể tạm kể, một số thi nhân đời Đường (từ Thế Kỷ 6), như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Nguyễn Du… và ở Việt Nam gần đây, chúng tôi nhớ có Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hà Thượng Nhân, Tản Đà …Tiêu biểu là những bài thơ : Hoàng Hạc Lâu, Anh Vũ Châu, Khúc Giang, Độc Thanh Ký …(Xin xem bài viết của nữ sĩ Huệ Thu về những Phá cách trong Thơ!).
Tuy nhiên, không phải lúc nào các thi ông này cũng phá luật, mà chỉ bỏ quên luật trong những trường họp tối cần thiết, khi muốn cho bài thơ được tự nhiên, làm cho bài thơ hay hơn.
Dù thế nào, bài thơ Đường luật, với 8 câu, 7 chữ, và những qui lệ chặt chẽ như vậy, cũng khó diễn tả đầy đủ đề tài, nếu bút pháp không tinh luyện, và như thế phải đòi hỏi thời gian.
Ở tuổi ba mươi, chúng tôi bắt đầu tập làm thơ Đường, khởi bằng cách học thuộc những bài thơ nổi tiếng trong quyển Việt Nam Văn học sử yếu của giáo sư Dương Quảng Hàm, - cốt nhất nhớ đúng niêm luật bài thơ - rồi sau bắt chước làm và so sánh với các bài mẫu, dần dần cũng quen đi, nhưng chắc không có giá trị bao nhiêu.
Cách đây gần 50 năm, nhân có dạy kèm ái nữ thi lão Đông Xuyên, chúng tôi có dịp nhờ ông xem và phủ chính một số thơ Đường, và đã đuợc ông edit thật tình. Ông không chê gì , nhưng chỉ nhắc là thanh niên phải có “chí lớn”, đừng qúa yếu đuối với đám quần hồng (phụ nữ!)
Ngay hồi đó, người viết có thưa với thi lão là có nên mở rộng cơ cấu thơ Đường không vì phạm vi hạn chế của nó, thì ông lắc đầu. Thi lão Đông Xuyên có tiếng là nghiêm ngặt, ngay cả thi sĩ Trình Xuyên (mất năm 1996), cũng xác nhận, nhưng có lẽ nhờ vậy mà sau này nhà thơ họ Trình đã được đánh giá cao về thơ Đương.
Đang trong hoàng hôn của cuộc đời, chúng tôi, nhờ hoàn cảnh đặc biệt, vẫn còn làm bạn với các nàng thơ Đường, và không cảm thấy khó khăn khi sang tác, vì đã tìm ra một lối thoát: mở rộng phạm vi của nó, thay vì 8 câu như thường lệ, đã thêm 4 câu, nối vào phần sau của bài thơ (thành ra bài thơ sẽ có 12 câu).
Về niêm luật, coi như là lập lại mấy câu 5-8 của bài thơ. Xin không dám nói về sự hay dở của đoạn văn đó, mà chỉ xin đưa ra để thí nghiệm. Xin được nghe ý kiến đóng góp của các bạn đọc và thức giả.
Trân trọng,
Dương Huệ Anh - 10/12/08
VÀI BÀI THƠ MẪU
QUẦN HỒNG …BÁU VẬT?
Quần hồng là báu vật trời ban,
Để giải sầu, nhưng dễ kết oan!
Nếu cứ đắm chìm trong thị dục,
Thì rồi loạn động cả tâm can!
Cái thân gợi cảm đầy ô uế,
Cái lưỡi đong đưa, khó luận bàn.
Theo luật tự nhiên, vui sống khoẻ,
Bà Khôn, cần phải có ông Càn!
Tình luôn biến động, luôn thay, đổi,
Đời có thủy, chung, có hợp, tan!
Quả dục, thanh tâm, là lạc phúc,
Thủ hình. luyện khí, khá gian nan.
08/12/08
CÁI KHỔ VÌ YÊU
Cái khổ vì yêu, khổ nhất đời!
Thàn phương, diệu pháp, biết nhờ ai?
Cảm ơn Phật chỉ con đường Giác,
Thâm phục Ngài nêu cách độ đời!
Bất tịnh, quán thân người uế trược,
Vô thường, thương vạn hữu tan, rời!
Vô ngã, nó, ta là giả tạm,
Từ Bi phổ, độ cả trong, ngoài!
Đã coi tất cả là hư ảo,
Tan, họp buồn chi cảnh Chợ trời!!
Cát bụi trở về, ôi cát bụi,
“Cái gì rồi cũng sẽ qua” thôi!! *
* Thơ Thương Hoài Thương.
** 4 câu sau này phá luật, đọc cho êm.
9/12/08
*** Sẽ xin trở lại, khi có điều kiện. Trân trọng DHA.
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.