Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây?
Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ yêu thương như ở đây?
Mỗi tấc đất có một người qùi gối
Dâng trái tim và nước mắt
Cho nỗi đau của cả loài người …
Phùng Quán
Tôi chưa bao giờ đến Hà Nội, và cũng chưa bao giờ cảm thấy có chút xíu nào hào hứng khi nghĩ đến chuyện phiêu lưu tới một nơi xa xôi, lôi thôi và tai tiếng (tùm lum) như thế. Đã thế, đường thì xa, vé tầu thì mắc, thủ tục thì lôi thôi rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì… chết mẹ!
Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nghĩ và nghe sao là nói vậy. Và cứ như vậy mà nói, chắc chắn, sẽ làm mích lòng cả đống người. Tôi biết vậy nhưng không thể nào nói khác vì những điều mà tôi được nghe kể về Hà Nội (thường) không có gì là đàng hoàng hay tử tế – đại loại như:
“Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ… Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ:
- Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi.
- Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho…”
“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá (Phạm Xuân Đài. Hà Nội trong mắt tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994, 32-33).
Trời đất, đó là chuyện nhỏ và chuyện cũ (rích) rồi – từ hồi thế kỷ trước lận – bới móc ra làm chi nữa, cha nội ? Thì rành rành là chuyện bây giờ, thế kỷ XXI đây nè, Hà Nội vẫn cứ y chang như hồi đó – chớ có khác (mẹ) gì đâu:
“Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi….”
“Những anh chị phu hồ vẫn làm việc bằng những cung cách từ nửa thế kỷ trước. Họ chuyền tay nhau mọi thứ vật liệu. Cát, đá và sạn đựng trong những cái rổ, đà gỗ vác trên vai. Một ngày dầm mưa hay đổ mồ hôi như thế của một người phu hồ trị giá một đô la và một bữa ăn trưa thanh đạm. Hơn một phần tư thế kỷ thực hiện ‘chủ nghĩa xã hội ưu việt’ trong nước, hơn một phần tư thế kỷ kêu gào tự do và nhân quyền của khối người việt lưu vong hải ngoại, chẳng có chút ánh sáng nào rọi vào những góc đời phiền muộn tối tăm này” (Bùi Bích Hà, “Nhìn lại quê hương,” Thế Kỷ 21, Sep. 2003:63-65).
Phạm Xuân Đài và Bùi Bích Hà, nói nào ngay, không phải là người Hà Nội. Họ là dân bá vơ, tha phương cầu thực, cù bơ cù bất, ở tận California hay đâu đâu đó. Cả hai chỉ tạt ngang, ghé chơi Hà Nội năm ba ngày hay vài ba tuần lễ gì thôi. Biết (khỉ mốc) gì đâu mà nói hành nói tỏi (nghe thấy ghét) dữ vậy chớ?
Nguyễn Huy Thiệp thì khác à nha. Ông ta là niềm hãnh diện của Hà Nội (nói riêng) và của cả nước Việt (nói chung). Ổng có dư thẩm quyền và thừa tư cách để nói về thủ đô “mến yêu của ta.”. Trong tác phẩm Tuổi hai mươi yêu dấu, nhà văn đã mượn lời một nhân vật để tuyên bố như sau:
“Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy.”
Ý, trời đất, quỉ thần, thiên địa ơi! Giữa Thời đại Hồ Chí Minh (quang vinh), và trong lòng thủ đô Hà Nội – nơi mà cách đây chưa lâu người ta vẫn còn phải nhai rón rén khi ăn – mà thằng chả nói năng ồn ào, lạng quạng và bạt mạng (quá cỡ) như vậy thì kể như là… hết thuốc!
Và Hà Nội không phải là nơi duy nhất hết thuốc (chữa) như thế trên thế giới này. Tôi nghe kể là ở thủ đô của Cuba – một nước anh em xã hội chủ nghĩa – tình trạng cũng bết bát, và bệ rạc không kém:
“Ở La Havanne vài ngày dần dần bạn hiểu cái khang trang, sầm uất ở những nơi có du khách chỉ là bộ mặt bên ngoài che không nổi một xã hội lở lói, mệt mỏi… Cuba có hai thế giới, thế giới tưng bừng náo nhiệt của du khách, của những người có tiền xanh, bên cạnh thế giới mệt nhoài của dân địa phương. Sau 50 năm cách mạng, cái mơ của đa số dân Cuba là vượt biển qua Miami hay có bà con thỉnh thoảng gởi về một cái ngân phiếu” (Trần Công Sung,” Cuba Sí, Cuba No,” Thế Kỷ 21, Dec. 2003:78).
Đó cũng là cái ước mơ thê thảm, vượt quá tầm tay, của rất nhiều người dân Việt – bây giờ! Trong quá khứ, Cuba và Việt Nam cũng có rất nhiều điểm (bất hạnh) tương tự như nhau. Hai quốc gia này đều có thời gian dài là thuộc địa, và cả hai đều đã tin tưởng rằng sẽ giành lại được độc lập và tự do bằng con đường… cách mạng! Chung cuộc, cả hai đều sống dở (và chết dở) trong lòng cách mạng!
Ví von mà nói thì Havana và Hà Nội như hai cô bé lọ lem, song sinh, trong một gia đình khánh tận. Cả hai cùng có chung ước mơ là lấy được một tấm chồng đàng hoàng, lương thiện nhưng (chả may) đều phải lòng đúng đồ phải gió, và đã trao duyên lầm… tướng cướp! Và quí vị tướng cướp này đang làm cái công việc mà họ mệnh danh giữ hoà bình cho thế giới – nếu trích theo nguyên văn lời của ông Nguyễn Minh Triết, nguyên chủ tịch nước Việt Nam:
“Có người ví von, Việt Nam – Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ…”
Havana, tuy thế, vẫn còn “có phước” hơn Hà Nội. Bi kịch của La Havanne chỉ xẩy ra vào lúc có mặt trời – theo lời của Trần Công Sung:
“Đêm xuống, dân Cuba quên cái cực nhọc ban ngày, đổ ra đường nhộn nhịp… Quên dollars, quên cách mạng, quên những bài diễn văn dài tám giờ, quên embargo, người ta đàn hát nhẩy múa náo nhiệt. Không phải chỉ ở những khu du khách, ngay cả ở những khu bình dân, đen tối, trong những tiệm cà phê rẻ tiền…, đâu đâu cũng có tiếng nhạc, giọng hát…”
Nói cách khác là ban đêm thì dù Việt Nam có gác hay không, Cuba vẫn nghỉ.
Cho nó khoẻ!
Vẫn theo như nhận xét của Trần Công Sung thì ở Havana “có một cái gọi là cái hồn (“âme”). Cái hồn này đang nâng đỡ cho mọi người sống qua những ngày tháng cơ cực, đắng cay của thời mạt kiếp. Tôi còn tin rằng nó cũng sẽ giúp cho dân tộc Cuba hồi sinh chóng vánh, sau khi họ chôn xong cái Chủ nghĩa Xã hội (đang muốn “chuyển qua từ trần”) ở đất nước này.
Hà Nội (dường như) không có một cái hồn như thế để chuẩn bị hồi sinh, dù CNXH cũng chỉ còn sống thoi thóp ở nơi này. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến có một đêm nào đó (dù chỉ một đêm thôi) người dân Hà Nội đã đổ ra đường, đàn hát, nhẩy múa nhộn nhịp, một cách hồn nhiên và vô tư như vậy cả.
Tình trạng của Hà Nội có vẻ tuyệt vọng hơn, theo như nhận xét của nhà văn Bùi Bích Hà – qua bài báo thượng dẫn: “Người ta chỉ cần một hai thập niên để vực dậy một nền kinh tế sa sút nhưng để xây dựng lại niềm tin cho cả dân tộc, cụ thể như dân tộc tôi, nay chỉ còn cầu phép lạ gieo xuống thưở đất hoang hoá này những hạt giống mới để bắt đầu lại.”
Cách đây không lâu – trên diễn đàn talawas – khi được hỏi “phải hình dung thế nào về văn hiến Thăng Long,” giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã (rơm rớm nước mắt, tôi đoán thế) kể lại rằng: “Gần đây có một vị viện sĩ định nghĩa văn hiến là văn học để hiến dâng cho Đảng.”
Thiệt, nghe mà… hết hồn luôn! Havana là một thành phố non trẻ, mới có mặt từ đầu thế kỷ thứ XVI mà khí phách và hồn phách vẫn còn lai láng qua từng bước chân nhún nhẩy của người dân – dù nơi đây công an (chắc) không ít hơn Hà Nội. Không lẽ mảnh đất ngàn năm văn vật, lừng lẫy cỡ như Thăng Long, mới đụng chuyện với cường quyền và bạo lực (có vài chục năm) mà đã “mất hồn mất vía” và “chết tiệt” hết thế sao?
Tôi không tin như vậy đâu. Và tôi cũng không chịu như vậy nữa. Đảng CSVN quả thực đã hớp được hồn của một mớ “viện sĩ” ở Bắc Hà nhưng những chú lính gác cửa của Bắc Kinh (hay còn có tên gọi mới, dễ thương hơn, là “những kẻ canh giữ cho hoà bình thế giới”) chưa bao giờ thực sự nhìn ra được cái hồn của đất Thăng Long, chớ đừng nói chi đến chuyện họ “đụng” được tới nó.
Do tình cờ, tôi có lần (may mắn) cảm thấy được cái hồn của Hà Nội trong một căn hộ nhỏ – ở ngõ Ánh Hồng, cạnh một nhà xí công cộng, luôn luôn ngập ngụa cứt đái – của một người đàn bà tên Sợi.
Chị Sợi có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Chị không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.
Chị Sợi bán hàng không đủ thunhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên – đôi lúc – buộc phải bán cả thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác “xuống cấp” của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày.
“Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi.
Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.
Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.
Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ. Một bà già. Bà cụ Mít. Đó là một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa. Chính bà Mít cũng không biết mình bao nhiêu tuổi…
Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.
- Bây giờ một đứa lên tám, một đứa lên mười rồi cô ạ. Vài năm nữa, chúng nó lớn khôn là tôi không lo gì nữa. Tôi có chết cũng không ân hận.
Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:
- Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.
Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà.
- Giúp chị với em nhé. Chị tin ở em.
Thì ra bà muốn gửi chị tiền. Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Chúng còn bé lắm. Chúng mồ côi, chúng mong bà. Chúng cần tiền của bà. Bà phải nuôi chúng. Chúng chưa thể tự kiếm sống được, chưa thể tự lo liệu được. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê.
……
Mùa rét bao giờ cũng là thời gian gay go của chị. Hàng họ ế ẩm. Khách đến nhà cũng ít. Bù lại với đám ăn mày, mùa rét là mùa cưới xin, mùa bốc mả. Trong khi hiếu, hỷ, người ta rộng rãi với ăn mày. Bà cụ Mít vẫn thỉnh thoảng tới chỗ chị để cho chị hòn xôi, miếng thịt. Bà kêu rét và gửi chị thêm một ít tiền. Chị bảo bà đã gửi bốn lần tiền rồi sao không mang về cho các cháu kẻo chúng nó mong, đã lâu rồi bà chưa về nhưng bà Mít nói:
- Tôi cố thêm ít ngày nữa. Rồi về ở với chúng nó một thời gian. Ngoài giêng tôi mới ra. Bà cháu xa nhau lâu quá rồi. Lại còn phải cố mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới mặc Tết.
Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại. Chị Sợi biết rằng có chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng được thấy dáng người nhỏ còng còng của bà trong tấm ni-lông vá víu chống gậy, khoác bị bước tới. Chị chưa chờ ai đến như vậy. Lo lắng. Hy vọng. Tuyệt vọng. Chắc chắn bà Mít đã chết ở đâu rồi!
Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Rồi gấp những tờ giấy xi-măng, những túi ni-lông. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:
- Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.
- Em biết quê bà ở đâu mà tìm?
- Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra. Hỏi dân. Hỏi tòa án.
Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó…”
Chị Sợi, anh què – cũng như bà Mít – cho đến lúc chết vẫn chưa có đêm nào ôm đàn ngồi hát, hay đổ ra đường nhẩy nhót nhộn nhịp, như những người dân ở Havana. Ngày cũng như đêm họ sống ẩn nhẫn, thầm lặng trong những con hẻm hôi thối luôn ngập ngụa phân người giữa lòng Hà Nội.
Chính ở những nơi tăm tối này, họ đã giấu kín được nguyên vẹn cái hồn của cả một dân tộc qua từng nhịp thở và nhịp đập của tim. Và tôi cũng cảm được cái hồn lai láng (như thế) khi viết những dòng chữ này, dù nơi tôi đang sống cách xa Việt Nam hơn nửa vòng quả đất.
Sau khi đọc xong “Truyện không tên,” tôi đã viết thư cảm ơn tác giả vì đã mở cho tôi thấy cái hồn của dân tộc Việt. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói rằng ông không viết truyện mà chỉ kể lại chuyện đời của chị Sợi, theo như lời chính chị tâm sự – thế thôi.
Bùi Ngọc Tấn đã ra người thiên cổ nhưng chị Sợi, anh Què vẫn còn đang sống tại Hà Nội. Nơi đây, không phải lúc nào ra ngõ cũng gặp anh hùng hay gặp một ông (hoặc một bà) tiến sĩ. Đôi khi, chúng ta vẫn gặp được những mảnh hồn của mảnh đất này nhưng không có cơ duyên để nhận biết thôi.
Tưởng Năng Tiến