Nov 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Anh Tôi
Thanh Khâm * đăng lúc 04:28:32 PM, Dec 07, 2008 * Số lần xem: 2252
Chương 8

Cách đây hơn ba tháng, tính đến hôm nay ngày 4 tháng 7 dương lịch năm 2005, cũng là ngày giỗ 100 ngày của anh Hai tôi. Anh qua đời năm nay, tính ra anh cũng hưởng dương được 78 năm. Mấy năm gần đây anh thường bị bệnh cao máu nặng, cũng có đôi lần phải chở vào bệnh viện cứu cấp. Mặc dù những năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh đã thành phế nhân vì đôi mắt lòa. Anh cũng đã khóc và xót xa nhiều Anh.cũng đã đau đớn quá nhiều,trước cảnh đời hôm nay. Vì tưởng đâu có hòa bình sau những ngày hết chiến tranh nơi quê nhà, không ngờ biết bao thảm cảnh xảy ra, làm hàng triệu người phải bỏ xứ ly hương..

Sau cuộc đổi đời, anh về sống ẩn thân nơi một xóm nhỏ ở vùng quê ở Trà Nóc, Cần Thơ. Cuộc sống rất đạm bạc. Mãi mấy năm sau này ,nhờ đứa con trai anh vượt biển ra hải ngoại, ăn nên làm ra, từ Mỹ gửi tiền về, anh mới có tiền đi giải phẫu đôi mắt, và sáng mắt trở lại. Nhưng sức khỏe càng ngày càng kém đi vì tuổi cao, sức khỏe cũng không sao hồi phục như ý.

Hôm tôi nghe điện thoại từ bên nhà, em gái tôi gọi báo tin anh đã mất, tôi thấy đau xót vô cùng. Tôi quá xúc động vì thương tiếc người anh cả trong gia đình., mà tôi từng thương mến và kính trọng . Dù quá tiếc thương, nhưng suy cho cùng, anh tôi với tuổi đời như vậy, mà thường xuyên bị bệnh tật hành hạ, cuộc sống khó khăn, tình đời, tình người trắc trở trước những nghịch cảnh hôm nay. Do đó, dù anh có sống tiếp, cũng thêm đau lòng xót dạ! Tôi tự an ủi và suy nghĩ cho cùng, anh tôi sống như vậy cũng thọ lắm rồi. Kể ra trên 70 cũng là tuổi hiếm có, so với con người phải sống ngụp lặn trong cuộc đời đầy đau thương và biến đổi..

Anh tôi và tôi là thế hệ thứ 3 trong gia đình kể từ đời Ông Nội tôi. Ðến Ba Má tôi và Chú Thím tôi. Rồi đến đời anh tôi và tôi. Bên nội tôi có truyền thống lâu đời là thờ phượng Tổ Tiên, Cữu Huyền Thất Tổ Ông Bà. Ðến đời Cha Chú tôi cũng vậy. Tôi còn nhớ Cha tôi từng răn dạy anh tôi và tôi: Gia đình mình là gia đình có đạo giáo , đạo nghĩa. Chúng ta không thể theo những người thờ chủ nghĩa Tam Vô ( tức vô gia đình, vô tôn giáo và vô tổ quốc ) Nhất định không thể theo Cộng sản được .Nhưng trước và sau ngày 30/4/75, anh không còn cách ra đi khỏi Việt Nam để lánh nạn Cộng sản.

Anh tôi và tôi lớn lên vẫn theo lời chỉ dạy của ba tôi. Anh tôi và tôi cũng được sự dạy dỗ của Chú tôi là Thày Lý Quan Lịch, từng là Giám Thị tại Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, khi hai anh em còn đang học tại trường Trung Học này. Cha tôi và Chú tôi cũng qua đời, sau những ngày đen tối của tháng Tư Ðen năm 1975. Bây giờ đến anh Hai tôi. Và không biết ngày nào sẽ đến tôi. Vì đó là qui luật của Thượng Ðế dành cho con người trên thế gian này. Vì sống ở thác về.. Dù có chết vì hai chữ Tư Do, có chết cũng còn sướng hơn sống trong lao tù Cộng sản. năm nào. Do cái kinh nghiệm lao tù này, tôi cũng có thừa trong 10 năm lao lý trong trại cải tạo,dưới chế độ của Cộng sản.Việt Nam sau năm 1975..

Khi ngồi viết những dòng này để tưởng nhớ anh Hai tôi, tôi liên tưởng đến gia đình cũng những hình bóng của thời ấu thơ, hòa lẫn với hình bóng quê nhà. Anh tôi và tôi từng được sinh ra và lớn lên nơi thị xã Cái Răng. Chúng tôi từng được đi học tại trường tiểu học Cái Răng và tỉnh lỵ Cần Thơ có Trường Trung Học Phan Thanh Giản . Nơi mà chúng tôi được giáo dục, chỉ dạy và uốn nắn để trở thành người tốt sống với đời và với xã hội. Nơi mà anh tôi và tôi có nhiều kỷ niệm với bạn bè cùng trường cùng lớp, đã cùng nhau chung vui học hành bằng cơm cha áo mẹ công thày.. Giờ này ngồi ôn lại thấy như dao cắt lòng với những ngày đau tủi trên quê hương ngày nào, làm cho xơ xác những hình bóng của một thời xinh đẹp của thuở ấu thơ.

Cả hai nơi Cái Răng và Cần Thơ là hai nơi yêu dấu của anh tôi và tôi. Cũng là của bạn bè đồng môn từng sinh ra và lớn lên ở hai nơi này. Mãi cho đến giờ này lòng tôi vẫn còn ôm mang nhiều kỷ niệm của cái thời học trò chen lẫn với hình bóng thân thương của gia đình trong những ngày vui sống ở hai nơi này. Có những kỷ niệm dễ nhớ ,khó quên mà tôi vẫn thường hay viết kể lại trong những bài viết của tôi.đã gửi đăng trên các tập san ở hải ngoại. Tôi kể về những kỷ niệm trong thời gian tôi còn bé tại Cái Răng cùng những năm tôi theo học tại Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Cùng thầy cùng bạn miệt mài đèn sách.

Những kỷ niệm của anh tôi và tôi đã đi vào tâm tư tôi khó phai mờ, như những ngày cùng học hành tại trường cùng những ngày rời khỏi trường, đến lúc ra đời . Cùng những lần gặp nhau nơi quê nhà. Như một số bạn bè đồng môn khi vào quân ngũ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Và sau này cũng còn gặp nhau trong những ngày lưu vong xa xứ. Hoặc những người còn lại nơi quê nhà, như trường hợp anh của tôi cùng một số bạn bè khác.không có may mắn thoát ra khỏi xứ.

Tôi cũng có lần gặp một số bạn bè nơi hải ngoại này, trên điện thoại hoặc gặp mặt nhau , tay bắt mặt mùng bằng niềm vui khó tả.. Nhắc lại , cùng nhau kể lại những chuyện ngày xưa nơi ngôi trường yêu mến, có anh tôi và một số bạn hữu .Như trường hợp giữa tôi và anh Huỳnh Hữu Cửu ( Bác sĩ), Hứa Yến Lến ( Ðại Tá),Hứa yến Khiến ( Trung Tá ), Mã sanh Qui ( Trung Tá ), Ðặng văn Hòa, ( Thiếu Tá) Giáo sư Phan Thông Hảo, Anh Chị Lê Hoàng Viện , Anh Chị Trần Hoài Thư, Chị Dư Thị Diễm Buồn , Phạm Phong Dinh trong lần họp bạn tại Toronto, Canada v.. v.. Ôi hình bóng quê nhà và con người đã gắn bó keo sơn, làm rung cảm tâm tư tôi khi ghi lại những dòng lưu niệm này, khi tôi đang viết những kỷ niệm của anh tôi.

Giờ này ngồi ôn lại hình ảnh của anh tôi là một dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi, thể hiện qua những hình ảnh , cử chỉ của người anh cả của tôi. Tôi còn gọi điện thoại thăm anh và gia đình anh. Khiến tôi nhớ lại mới năm nào đây, khoảng giữa năm 2001, anh tôi còn gửi cho tôi quyển Lịch sử khẩn hoang miền Nam của Sơn Nam. Mục đích giúp tôi có thêm tài liệu đọc và nghiên cứu về đất Cái Răng Cần Thơ và những nơi khác ở Hậu Giang.khi cần đến. Nhìn quyển sách của anh tôi gửi , hình như những trang sách chan chứa những hình bóng và nỗi niềm thương nhớ của quê hương, đất nước và con người. Về con người, có anh tôi, gia đình tôi và tất cả bạn bè bà con trong vùng đất Cái Răng và Cần Thơ đang sinh sống ở hai nơi đó.ngày xưa và hôm nay..

Anh tôi giờ này đã mất, tạo ra trong lòng tôi một cảm giác đau thương vì sự mất mát này. Thật quá bi thương và chua xót.. Ðời con người như vó câu qua cửa mới thấy đó rồi mất đó. Cũng như một số bạn bè đồng môn của Trường Trung Học Phan Thanh Giản cũng từng chịu những cảnh tử biệt sinh ly, kẻ mất người còn, làm chua xót tâm can, trong thời chiến và cũng trong những ngày nơi xứ lạ quê người.

Tôi biết anh tôi gửi cho tôi quyển Lịch sử khẩn hoang miền Nam . của Sơn Nam với dụng ý nhắc tôi nhớ lại hình bóng quê nhà năm xưa với những ngày anh tôi và tôi ra đời và lớn lên ở trên vùng đất miền Nam này. Quyển sách rất giá trị đối với tôi khi cần nghiên cứu về những vùng đất của Hậu Giang, nhất là về phần tác giả viết về Cái Răng Cần Thơ . Như ở đoạn . Cần Thơ là đầu cầu của thủ đô miền Hậu Giang.

Tôi rất cảm ơn anh tôi về quyển sách quí này.. Sách giúp tôi biết rõ ràng hơn về lịch sử của vùng đất của quê nhà. khi tôi muốn tìm hiểu về hai nơi Cái Răng và Cần Thơ. Theo Sơn Nam có viết về Cần Thơ như sau : . Vùng Cần Thơ thời Mạc Thiên Tử mang tên là Trấn Giang, vào năm 1793. Mãi đến khi người Pháp xâm chiếm Cần Thơ, khi còn là vùng không quan trọng so với Long Xuyên và Sóc Trăng.. Cần Thơ có khí hậu tốt.
Rạch Cần Thơ chạy dài tới Phong Ðiền nhà cửa đông đúc. Rạch Cái Răng là nơi đất tốt. Ðất ở rạch Bình Thủy không đâu sánh bằng. Rạch Cần Thơ và Rạch Bình Thủy nối tiếp nhau ở cuối ngọn. Tuy không là văn vật như miền Tiền Giang, nhưng dân ở 2 con rạch này khá thuần thục và thông hiểu lễ nghĩa Trai Nhân Ái gái Long Xuyên
Thực dân Pháp nhầm mục đích biến Cần Thơ thành trung tâm quan trọng... trong giai đoạn mà đường thủy chiếm ưu thế... đa số lúa gạo các nơi gom về Cần Thơ vì đây là con đường vận tải ngắn nhất.
.. Ðời Gia Long và Minh Mạng, vua và các quan nhà Nguyễn nhận rõ vai trò quan trọng của kinh đào nối liền với Hậu Giang và Tiền Giang
.. Kinh Xáng Xà No nối Hậu Giang qua vịnh Xiêm La, xuyên qua các vùng đất tốt và to rộng giữa nhánh sông Cái Lớn và rạch Cần Thơ

Theo Sơn Nam viết về Kinh xáng Xà No : . Vàm Xáng ( vàm của kinh xáng) là nơi kinh Xà No, khởi đầu phía bên Cần Thơ. ( Xà No, Srok Snor ( có lẽ âm theo tiếng Miên ) , tức xóm có nhiều cây điên điển), ngã ba này trở nên táp nập, ghe xuồng đậu chờ con nước thuận lôi để đi qua Rạch Giá hay ra chợ Cần Thơ.

Về câu hát . Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Ðiền. Anh thương em cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm giềng họ hay câu hát này cũng phản ảnh cai tâm trạng lạc quan của người dân trong vùng thời đó. .

Hoặc tôi cũng có đọc những dòng sau đây như : . Nhờ vào dân cư đông đúc nên việc giáo huấn ở Cần Thơ phát triển mạnh hơn các tỉnh khác ở Hậu Giang. Năm 1903 đã lập ra trường nữ tiểu học với một nữ giáo viên người Pháp cai quản..
Từ năm 1910 dân Cần Thơ và Trà Ôn được xem chiếu bóng( chiếu bóng câm )
do nhóm Batisson cho chiếu lưu động phim ngắn khôi hài, thời sự , khoa học. An Hà nhựt báo ra đời tại Cần Thơ là ấn bản chữ Việt và tờ . Courrier de louest cũng ra mắt tại Cần Thơ..
Năm 1926, trường Trung Học Cần Thơ nhận học sinh năm đầu tiên ( lớp thứ nhất )
Cũng nhờ vào sự phát triển về mọi mặt từ kinh tế, giáo dục, dân sinh và chánh trị vào thời đó , nên Cần Thơ đã trở thành thủ đô của miền đất Hậu Giang.

Ðọc qua những dòng ghi lại lịch sử phát triển đất Cần Thơ trong quyển . Lịch sử khẩn hoang miền Nam của Sơn Nam, do anh tôi gửi cho tôi, tôi càng thấy mến yêu Cần Thơ thêm và cũng thương nhớ anh tôi nhiều hơn.. Giúp tôi có một nhận thức rõ hơn ,không phải vào thời đại sau này mới có, mà đã có từ thời Pháp thuộc, dân trí Cần Thơ cũng đã giác ngộ và tiến bộ, nhờ vào sự phát triển mạnh đủ mọi mặt.. Thời đó đã có những phong trào trí thức đấu tranh như Sơn Nam viết : Phong Trào Duy Tân . lôi cuốn con nhà khá giả ở Bình Thủy và Trà Ôn ( nơi giáp ranh với vùng Tam Bình ) Lão sư Nguyễn Giác Nguyên ở chùa Nam Nhã, chùa Minh Sư Bình Thủy

Càng đọc sách này tôi càng nhớ anh tôi. Nhớ những ngày Anh tôi rời ghế nhà trường , tham gia vào các phong trào đấu tranh. Anh thoát ly gia đình, khi anh vừa tốt nghiệp bằng Thành Chung xong. Với lòng hăng say mang bầu nhiệt huyết của tuổi hoa niên đi vào đường tranh đấu vì chính nghĩa quốc gia. Trên bước đường đời anh cũng gặp nhiều cam go gian khổ. Anh cũng cực khổ từ thuở còn niên thiếu trong những năm chạy giặc, chạy loạn thời chiến tranh Nhật Pháp tại Cái Răng năm 1945-1946, và thời Pháp với Việt Minh 1947-1948, rồi Việt Minh với những tín hữu đạo Phật Giáo Hòa Hảo tàn sát nhau đẫm máu. Tôi nhớ anh và tôi chạy giặc, cùng theo Cha mẹ chúng tôi qua các vùng Bảy Ngàn, kinh Thị Ðội, Thác Lác Ông Vèo, vùng sông Cái Bé Cái Lớn.. Hai anh em phải đi bắt cá hái rau phụ với Ba Má tôi kiếm sống cho qua những ngày chạy loạn. Thật là gian nan thời đó và khó quên. Tương tự những ngày sau 30/4/75., gia đình tôi tan nát, vì cuộc đổi đời do chế độ mới của người cộng sản gây ra.

Nhớ ngày anh tôi lớn lên , khi anh thoát ly gia đình, anh tham gia vào Lực lượng Nghĩa quân Cách mạng của Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, một nhóm kháng chiến thuộc giáo phái PGHH, từng kháng Pháp và chống Cộng sản.ở miền Tây, Nam Việt Nam., trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Thất Sơn. Sau ngày Ba Cụt bị chế độ Ngô Ðình Diệm xử trảm tại Cần Thơ, lựỳc lượng này tan rã... Suốt những năm đi theo kháng chiến chống Pháp và chống Cộng, khắp các vùng Lai Vung Sa Ðéc, Cái Dầu Ðịnh Yên, Ba Chúc Bảy Núi Thất Sơn Nhà Bàn.. anh tôi phải bỏ bưng biền trở về thành, sống rất khó khăn.. Anh tôi lên Sài Gòn theo đuổi nghề làm báo, cùng với Ông Nguyễn Duy Hinh ra báo, và viết cho các báo khác như Tiếng Chuông của Ông Dinh văn Khai, và Sài Gòn Mới của Bà Bút Trà ,với bút hiệu Thùy Nhiên. Anh chuyên trách về văn nghệ kịch trường. Cũng vì thế có lúc anh đứng ra lập đoàn hát cải lương Phương Nam.rất tốn hao tiền của. Anh cũng mời được Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu , Tấn Tài v.. v.. hát cho đoàn hát của anh. Nhưng chỉ thời gian ngắn lưu diễn ở miền Tây, rồi giải tán đoàn hát, anh mất mát tiền bạc cũng khá nhiều. Khiến Ba tôi có trách mắng anh , tôi còn nhớ Ba tôi nói với anh , nên tôi có nghe và còn nhớ : . Muốn bần hàn thì cờ bạc, muốn nghèo mạc thì lập gánh hát ..

Sau trận đó anh tôi bỏ Sài Gòn về Vĩnh Long, được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Chiêu Hồi Vĩnh Long, cũng được hai năm. Sau đó anh tham gia bầu cử, ứng cử Dân Biểu Hạ Viện VNCH. Vì anh hi vọng và tin tưởng vào sự ủng hộ của bà con tín hữu của giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo của Quận Bình Minh, Cái Vồn, Vĩnh Long. Anh đã thất bại, vì không tranh giành nổi với đám Dân Biểu gốc Kaki ( tức phe nhóm của đảng Dân Chủ của TT Nguyễn văn Thiệu ).

Kể ra, cuộc đời anh rất thăng trầm và lận đận. Những nỗi nhọc nhằn đi theo anh xuyên suốt một quãng đời tham gia đấu tranh vì chính nghĩa, vì cuộc sống thời đó. Anh tôi cũng là một cựu học sinh trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, cũng như bao bạn bè đồng môn khi rời ghế nhà trường, tùy theo chí hướng, tư tưởng của mỗi người, mà theo đuổi, để đi theo con đường cùng nghiệp chướng mình đã chọn lựa và cưu mang

Gia đình tôi có mấy anh em, chỉ có mình anh tôi theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Do anh đã trưởng thành, anh đã tự ý chọn, theo suy nghĩ và tư tưởng của anh. Ba Má tôi và anh em tôi không có ý kiến gì. Vì đó là tâm ý của riêng anh. Vả lại anh cũng đã lớn rồi. Gia đình cũng tôn trọng tâm nguyện của anh.. Khi anh cho biết, anh đã nghiên cứu và thấm nhuần giáo lý và sấm giảng của Ðức Thày Huỳnh Phú Sổ , Giáo Chủ sáng lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Tôi cũng có lần nghe anh kể về Giáo chủ, Ngài là hiện thân của Ðức Phật Thày Tây An. Một nhân vật siêu phàm. Ngài truyền đạo nhầm giác ngộ quần chúng thuộc thành phần nông dân miền Tây, đa số thất học, nên Ngài dùng đạo pháp , sấm giảng để giác ngộ họ đấu tranh, vì quyền lợi cho bản thân, cho đồng bào và Tổ Quốc. Do đó anh rất kính phục và quy y theo đạo.

Tôi còn nhớ anh từng có một thời gian cùng Ông Lương Trọng Tường, hoạt động cho Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội ở Tổ Ðình làng Hòa Hảo Long Xuyên. Tánh anh rất thẳng thắn và cương trực, nên đôi lúc anh cũng gặp nhiều khó khăn trong những ngày tham gia hoạt động cùng Ông Lương Trọng Tường. Ðời anh có nhiều hoài bão và tâm sự, cũng đắng cay trước thời cuộc và tình người.

Trong những ngày anh đi, tôi cũng có biết qua, anh cũng có những bạn bè đồng đạo cùng viết văn làm thơ làm báo, từng cộng tác với Ông Thành Nam báo Chiến Ðấu ở Cái Vồn. Cũng như với Bạch Diệp, Minh Nguyên , Hồ Hải ở vùng Long Xuyên Châu Ðốc, tức nhóm Tây Giang Tử, từng cùng chung sáng tác các tuồng cải lương. ở Sài Gòn, cùng Kiên Giang Hà Huy Hà , Hoàng Khâm.. v.. v..

Tôi cũng nhớ lại thời niên thiếu, tôi được biết Ông Nhất Tâm, Nguyễn Bá Thế, nhà sưu khảo văn học có tên tuổi thời đó, cũng do anh tôi giới thiệu, lúc đó có tôi và anh Huỳnh Hữu Cửu. Nhờ nơi nhà Ông Nhất Tâm có nhiều sách báo hay và quí, chúng tôi rất ưa thích và học hỏi rất nhiều về làm văn làm thơ do Ông Nhất Tâm chỉ dẫn.. Anh tôi và Ông Nhất Tâm là bạn từng làm văn học.một thời gian cũng khá lâu. Xuyên suốt một thời gian khá dài sinh hoạt văn nghệ viết văn làm báo, viết tuồng, cũng không đem lại cho anh một kết quả nào làm anh mãn nguyện.

Ôi có biết bao là kỷ niệm khi tôi ngồi viết những dòng này về anh tôi. Những kỷ niệm ấm lòng của một thời thơ ấu, cùng những kỷ niệm đau thương như dao cắt lòng trong những ngày chiến tranh và sau chiến tranh xảy ra nơi quê nhà .. Từng xảy ra cho gia đình , cho anh , cho tôi.và các em tôi.. Cũng như đã xảy ra cho bao người từng là nạn nhân của cuộc chiến và sau cuộc chiến đầy máu và nước mắt, khiến cho gia đình tôi có nhiều đau tủi và mất mát quá nhiều.

Sau ngày 30/4/1975, sau 10 năm tôi đi tù Cộng sản trở về, tôi trở về quê nhà tại Cần Thơ, mục đích để lấy cốt Ba tôi và em tôi chôn tại nghĩa trang Cần Thơ, nằm đối diện với khu Ðại Học Cần Thơ, bị Nhà Nước Cộng Sản giải tỏa lấy đất. Ðây cũng là cách trả thù giai cấp, của nhà nước Cộng sản , mượn đủ lý cớ để giải tỏa nghĩa trang này. Vì thật ra khu đất này cũng chẳng rộng bao nhiêu ? Ðất không rộng nhưng vì lòng người nham hiểm nhỏ hẹp quá ? Ngày đó anh tôi và tôi buộc lòng phải hỏa thiêu hài cốt Ba tôi và các em tôi đem về cải táng bên cạnh mộ phần Ông Nội Bà nội tôi ở rạch Cái Sơn, Cái Răng trong lúc tôi đi tù mới được thả về quá nghèo tay trắng !.

Ngày đó, tôi có viết một bài để kỷ niệm, nhân ngày tôi về bốc mộ Ba tôi, cùng đi với anh tôi. Tôi viết một bài thơ để kỷ niệm, có đưa cho anh tôi đọc qua, như một nén hương lòng đốt lên để tưởng niệm dành cho Ba tôi. Ngày đó anh tôi có xem qua và có phê bình, lời thơ viết rất nhẹ nhàng và cảm động với những câu dưới đây :

....... Từ năm đó con theo Ba lên tỉnh
Ðể vào Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ
Thời niên thiếu tâm con sao bất định
Khiến lòng con ân hận đến bây giờ

Ba còn dạy nên đọc thơ Ðồ Chiểu
Thơ người xưa một áng Lục Vân Tiên
Trai trung liệt can trường gìn đạo hiếu
Gái đảm đang tiết hạnh giỏi ngoan hiền

Con khôn lớn vâng lời Ba chỉ dạy
Nhưng cuộc đời vận nước đã ngã nghiêng
Con đau lòng trước nhân tình thế thái
Trước cảnh quê hương khổ ải đau phiền

Ngày Ba mất con đi tù biệt xứ
Con ươn hèn không giữ được quê hương
Không giữ được những lời con đã hứa
Ðể miền Nam lâm cảnh quá tang thương

Con về đây, lòng con đau tủi hổ
Trước mộ phần Ba hương tỏa khói bay
Con thầm khấn hồn Ba sao cứu độ
Giúp đời con rửa sạch nỗi đau này.......
(Ngày viếng mộ cha, thơ Phạm Thành Tính).

Ðến hôm nay, anh cũng qua đời theo Ba Má, chỉ có em còn lại trên cõi trần ai này. Em viết những dòng này để kính điếu vong linh anh. Ðể tưởng niệm Ba Má, Chú Tư Lịch, cùng những người thân trong gia đình.. Cùng tưởng niệm thày cô và các bạn đồng môn đã qua đời sau ngày quốc nạn và những ngày nơi xứ lạ quê người. Ðể tiếc thương những người đã mất . Ðể trân quí những người còn lại, bằng tình thương nồng ấm và tấm lòng chơn thành./

Texas, mùa hè 2005
Thanh Khâm

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.