Nov 23, 2024

Bài giới thiệu

LaThuUcChau: Trang Thơ Nhạc cuối Tuần tháng 11
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 04:51:07 PM, Sep 03, 2020 * Số lần xem: 1744
Lá Thư Úc Châu

Trang Thơ Nhạc Weekend (5-11-16)

1. Con Đò Đưa Xác: Ngọc Bích - Nguyễn Văn Đức - Thanh Thúy - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS


2.
Nửa Hồn Thương  Đau: Phạm Đình Chương - Thái Thanh - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDing - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=nISJ5SdYNtc&index=61&list=PLNBxCTIUVE73byu3UndJYxICZDgaLidDE

3.
Về Quê: Phó Đức Phương - Thu Hiền - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=S7O33oQDzXo&index=86&list=PLNBxCTIUVE73byu3UndJYxICZDgaLidDE

4.
Người Em Văn Khoa: Châu Kỳ - Vũ Khanh - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=-v_LoHFwMkQ&index=58&list=PLNBxCTIUVE73byu3UndJYxICZDgaLidDE

5.
Hoa Xoan Bên Thềm Cũ: Tuấn Khanh - Thanh Lan - GS TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS

6.
Mùa Thu Lá Bay: Nam Lộc - Kim Anh - Doanh Doanh - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=VuKZ9lZR-lE&index=52&list=PLNBxCTIUVE73byu3UndJYxICZDgaLidDE

7.
Mộng Chiều Xuân: Ngọc Bích - Loan Châu - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=J4MtptcVKtY&list=PLNBxCTIUVE71wRhcWeTGq7r6xhqtAoH2R&index=53
Tỉnh thân,

NNS
..............................................................................................................


I. Chuyện Thời sự & Xã hội Việt Nam


(i) Hồ Phú Bông: "Người cộng sản tốt" hay" Người tốt chọn nhầm cộng sản"?

(1. Cựu Tổng thống LB Nga Mikhail Gorbachev: Chế độ CS mà tôi đã mang cả đời ra phục vụ, chỉ toàn là sự tuyên truyền và cán bộ đảng trong đó có tôi chỉ điều hành quốc gia trong sự gian dối.

2.
Nhà văn Nguyễn Quốc Chánh: Có 3 thứ không thể kết hợp với nhau nổi. Đó là: Thông minh, Lương thiện & Cộng sản.
Một người Thông minh & Lương thiện thì không thể Cộng sản,
Một người Thông minh mà Cộng sản thì không thể Lương thiện,
Một người Lương thiện mà Cộng sản thì chắc chắn không Thông minh”

3.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry: Tại Việt Nam hiện nay, không còn chủ nghĩa Cộng sản, mà đó chỉ là một xứ độc tài đảng trị nhưng theo đuổi chủ nghĩa tư bản ‘cuồng nhiệt).

***

Nhân đọc 2 bài viết mới đây của quý anh Bùi Minh Quốc “Người Cộng sản chống Cộng” và Nguyễn Đình Cống “TÁC DỤNG PHỤ HAY TAI HỌA TẤT YẾU SINH RA TỪ CỘNG SẢN”, thấy 2 anh nhận xét khá giống nhau ở một điểm là người theo “cộng sản thuở ban đầu là tuyệt vời”! Họ là những người “yêu quê hương, đất nước”! Họ “hãnh diện được là đảng viên”.

Nhưng với thời gian, đặc biệt là sau khi cộng sản nắm trọn quyền lực, thì bản chất cộng sản thật tốt đẹp ban đầu đó đã bị “phản ứng phụ” (như “side effect” thuốc trị bệnh) làm đảo lộn. Bị tha hóa! Cái “phụ” nguy hiểm với bệnh nhân trở thành tác nhân “chính” nên gây ra đại họa! Đó là lý do dân tộc đang rơi vào thảm họa như hiện tại! Hai anh cũng dẫn chứng vài mẩu người đã sống/chết vì lý tưởng cộng sản và ca ngợi họ.

Thử, chỉ một ví dụ thôi, là sau chiến thắng Điện Biên phủ, đưa đến Hiệp định Geneve về Việt Nam chia đôi đất nước. Đảng cộng sản Việt Nam cai trị phía Bắc từ năm 1954. Ngay sau đó là chiến dịch Cải cách Ruộng đất “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ” thì những đảng viên “yêu nước”, đảng viên “tuyệt vời” đó có biết nội vụ hay không? Có đồng lõa với biến cố “long trời lở đất” đó hay không?

Nếu biết, mà yên lặng, là đồng lõa! Đồng lõa với việc tàn sát đồng bào (!) như vậy họ có là “tuyệt vời”, là “yêu nước” hay không?
Nếu biết, nhưng sợ, nên im lặng (?) thì họ có xứng đáng được ca ngợi hay không?

Nếu không biết một biến cố kinh hoàng như thế (?) thì khá rõ ràng là họ không sáng suốt! Không sáng suốt thì đương nhiên phải lầm lạc! Nói rõ hơn là mù quáng! Người mù quáng có đáng được ca ngợi hay không?
Đã đành, động cơ ban đầu là yêu nước nên họ tin cộng sản rồi theo cộng sản! Theo cộng sản, rồi tuyệt đối trung thành với đảng nên không còn suy xét nữa! Vậy là ngu trung!

Điều nầy làm tôi nhớ đến hôm trao đổi với hai anh Huỳnh Nhật Tấn và Mai Thái Lĩnh. Hôm đó anh Huỳnh Nhật Tấn kể về một người thân trong gia đình, là giáo viên. Cô giáo đó nguyên là một người dạy tốt. Tư cách tốt. Được mọi người quý mến. Vì thế, những ngày đầu sau 30 tháng 4 năm 1975, trở thành “đối tượng đảng”. Rồi trở thành đảng viên. Điều lạ là ngay khi trở thành đảng viên thì thái độ của cô bỗng dưng đối khác hoàn toàn. “Có cái gì đó rất kỳ lạ, rất khó giải thích”! Đó là nhận xét của người trong gia đình!

Bấy giờ cô giáo tân đảng viên chỉ có ca ngợi đảng. Phút chốc cô lột xác, khác biệt hoàn toàn với bản chất con người cũ bình thường của cô!
Cũng dịp đó, tôi được nghe kể, sau khi bài phỏng vấn 2 anh Huỳnh Nhật Hải và Huỳnh Nhật Tấn về lý do từ bỏ đảng do Bác sĩ Phạm Hồng Sơn thực hiện được phổ biến, một người bạn trong nhóm sinh viên tranh đấu trước kia đã viết thư gửi 2 anh, có ý trách: “Tại sao 2 anh lại xin lỗi phía bên kia?” Người đó nhận được câu trả lời là: “Không phải chúng tôi xin lỗi phía Việt Nam Cộng Hòa mà là xin lỗi cả dân tộc Việt Nam!”.

Và, theo dư luận, phải chăng Giáo sư Tương Lai cũng trách cố Luật gia Lê Hiếu Đằng một câu tương tự khi luật gia công bố thư từ bỏ đảng trên giường bệnh?
Anh Huỳnh Nhật Tấn cũng cho biết là 2 anh đã thấy rõ bản chất cộng sản từ ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 nên tự ý tách rời khỏi Tổ chức cả một thời gian rất dài, trước khi bài phỏng vấn được thực hiện!

Hoàn toàn đồng ý là thuở ban đầu ít ai thấy rõ bản chất cộng sản, nhưng vì lý tưởng cao quý, vì muốn bảo vệ công nhân, nông dân, là thành phần bị bóc lột tàn nhẫn thời thực dân Pháp đô hộ, nên họ đã chọn con đường đi theo cộng sản. Nhưng tại sao biến cố vĩ đại 1989 tại Đông Âu, khởi đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, cả thế giới đều biết, và với thời đại internet hiện tại thì coi như “hầu hết người Việt Nam” đều biết, mà họ chưa thức tỉnh? Hơn thế nữa, hàng trăm cuộc đình công của hàng vạn công nhân, nông dân phản đối sự bóc lột tàn tệ của các tập đoàn tư bản hoang dã nước ngoài đang cấu kết với lãnh đạo các cấp của đảng cộng sản Việt Nam và bị đàn áp dã man… thì “đảng viên cộng sản chân chính” không hề nghe/ biết hay sao? Nếu biết, sao chưa thức tỉnh và hành động cụ thể như các ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Trấn… gần hơn là Lê Hiếu Đằng… rồi Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết… hay hàng vạn người dân 4 tỉnh miền Trung đang xuống đường phản đối Formosa hủy diệt môi trường sống, và mới nhất là Đặng Văn Hiến, vụ Đắk Nông vừa xảy ra?

Chỉ biết rằng những đảng viên cộng sản đã hy sinh trong cuộc chiến “chống Mỹ – Ngụy xâm lược”, “giải phóng đồng bào miền Nam khỏi áp bức, bóc lột…” cần phải được trân trọng cho dẫu đến hôm nay, nếu họ còn sống, họ có thức tỉnh hay không là điều không ai có thể khẳng định được. Nhưng vì họ đã chết, chết trên đường tranh đấu mà động cơ là lòng yêu nước (dù bị cộng sản lừa bịp) nên sự hy sinh là thiêng liêng, phải được trân trọng! Máu xương họ đã thấm đẫm, đã hòa vào lòng đất Mẹ hoàn toàn khác với những nghĩa trang liệt sĩ “hoành tráng” được xây cất ồ ạt khắp nước mà không ai dám chắc những hài cốt được chôn trong hàng vạn ngôi mộ đó có đúng là xương cốt của họ hay không chứ chưa dám nói trong đó có chứa… xương thú vật!

Còn những đảng viên hiện tại đang thầm lặng “chống đảng”, hay tiếp tục “minh oan” cho đảng… đương nhiên là những người đồng lõa với tội ác. Vì, khi họ vào đảng đã “tự hào”, đã “hãnh diện” và đã làm ngơ với tội ác (như dẫn chứng bên trên) thì khi sự thật bị phơi bày rõ ràng trước mắt họ phải ăn năn, phải thức tỉnh! “Công trạng” càng nhiều tội càng nặng (!) như ý một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Bùi Minh Quốc chính ta đã “đúc nên chính cỗ máy này”!
Còn nếu không hành động cụ thể, thì chắc chắn họ chỉ “đóng vai thức tỉnh” theo “cơn gió thời cuộc” nhưng thực chất chỉ vì quyền lợi phe cánh, cá nhân và gia đình!

Do đó không có “người cộng sản tốt” mà chỉ có những người tốt bị lầm lạc vì tin theo cộng sản!
Mà đã lầm lạc, tiếp tay gây đại họa cho dân tộc, thì phải ăn năn sám hối, phải công khai chống đảng để cứu nước!


(ii) Ns Tuấn Khanh: Trở về, đi tới


Trong một chuyến đi quốc nội, vô tình đoàn người đang xếp hàng lấy vé ra máy bay bỗng xuất hiện vài người khách Trung Quốc. Đó là những người khách hết sức ung dung. Họ ăn nói lớn tiếng, cười to và tự nhiên, không khác gì dân bản xứ. Hàng dài người Việt đang xếp hàng im lặng nhìn. Mỗi người một suy nghĩ.
Bất chợt 2 người khách Việt nói với nhau “Không biết mình qua Trung Quốc có tự nhiên được vậy không?”. Lời tán gẫu nhỏ, nhưng lại đủ cho vài người chung quanh nghe. Đột nhiên ai nấy đều cười. Những nụ cười không cùng ý nghĩa.  “Thì tụi nó qua đây, tự nhiên như nước nó rồi còn gì”, một người khác nói bâng quơ, nhưng như muốn tất cả những người Việt còn lại cùng nghe. Trên mỗi gương mặt Việt lại có một nụ cười. Cũng thật khó tả.

Một người đàn ông lớn tuổi, đầu bạc trắng, cắt ngắn, đi dọc với tôi, kể rằng vừa rồi ông gặp một người khách Trung Quốc. Câu chuyện về ranh giới quốc gia, khác biệt dân tộc, chiến tranh… lại nổ ra. Người Trung Quốc rất tự tin, nói rằng từ nhỏ, ông ta đã được học về lịch sử, nói rằng Việt Nam thuộc về Trung Quốc từ ngàn năm, nhưng sau đó làm phản và tách ra. Vì vậy chuyện phải quay trở về mẫu quốc là điều tất nhiên. “Tụi tao có một tỷ người học thuộc điều đó, tụi mày chỉ có một trăm triệu, cãi không lại tụi tao đâu”, người khách Trung Quốc này cười lớn. Dù không ác ý, nhưng sự diễn đạt rất thật của ông làm tôi lẫn người đàn ông Việt tóc bạc khi kể cho nhau nghe, đều nao lòng.

Nếu như quả có một cuộc trở về định mệnh như vậy, thật xót xa cho lịch sử hàng ngàn năm của cha ông Việt đã chống chọi, bứt xiềng gông cho con cháu hôm nay. Một cuộc trở về như vậy, có lẽ chỉ có một ít người muốn, còn tất cả còn lại đều đau đớn, căm gan. Nhưng hôm nay, dường như mọi thứ đang “đi tới” chứ không phải “trở về”.

Cuối tháng 10, ba chiếc tàu chiến Trung Quốc ghé cảnh Cam Ranh. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa huy động người dân và đoàn thể ra phất cờ tiếp đón binh lính Trung Quốc. Chiếc tàu dẫn đầu là Tương Đàm 531, tên gọi của chiếc chiến hạm đã tấn công Gạc Ma năm 1988, thảm sát 64 binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam khi không có khả năng kháng cự. Nhiều năm sau cuộc chiến Gạc Ma, chiến hạm này đã được bán cho Bangladesh, nhưng vì cái tên Xiangtan/Tương Đàm gợi nhớ về chiến công hiển hách năm 1988, nên khi đóng tàu mới, chiến hạm Tương Đàm lại ra đời như niềm kiêu hãnh của ngành hải quân Trung Quốc. Điều khác nhau duy nhất là chiếc Tương Đàm cũ, có số hiệu 556, còn chiếc mới có số hiệu 531.
Khi ca sĩ Khánh Ly hát ở Sài Gòn, mọi sự ngăn cấm của các quan chức đều dựa trên ý rằng “không muốn gợi nhớ về một quá khứ không tốt”. Sau năm 1975, hơn 15.000 đầu sách của hai nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam bị đốt, bị cấm và bị truy lùng vì cho là “gợi lại hình ảnh và văn hóa đồi trụy”. Hàng chục ngàn bài hát cùng các văn nghệ sĩ miền Nam bị cấm, cô lập như kẻ thù. Thậm chí có người đã phải vào tù vì có “tội lỗi với nhân dân”… Ấy nhưng Tương Đàm, cái tên đẫm máu người Việt ngang nhiên mang quá khứ đi vào hiện tại, từ Gạc Ma vào nơi quan yếu của Việt Nam, Cam Ranh, lại được chính quyền mở champagne chào đón.

Chắc những người được lệnh chào đón ba chiếc tàu chiến Trung Quốc cũng không biết rằng, vào lúc này, Bắc Kinh đã hoàn thành xong vành đai chiến lược để bao vây đảo Trường Sa của Việt Nam. Phi đạn và chiến đấu cơ của Trung Quốc tạo nên một vòng hỏa tuyến từ đảo đá Chữ Thập, Su Bi, Châu Viên, Vành Khăn, Gaven, Tư Nghĩa, nối đến Gạc Ma. Từ đây, Trung Quốc có khả năng uy hiếp trực tiếp Sài Gòn, Cam Ranh và Trường Sa. Tờ Focus Taiwan đưa tin này, mới đây, vào ngày 18/10/2016.

Người Trung Quốc chắc không còn nói chuyện Việt Nam trở về, mà hình như họ chọn cách đi tới, vì mọi thứ đều đã thuận lợi. Hôm nay thì chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chính thức có chính sách mỗi ngày cho 100 xe Trung Quốc lái thẳng vào Việt Nam. Một sự ưu ái khá lạ lùng và sẽ sớm là chuyện của các cửa khẩu ở những vùng khác noi theo, mà chắc con số 100 xe mỗi ngày sẽ dần chỉ là thông báo ước lệ.

Không lâu nữa, năm 2018, bởi những ràng buộc bởi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), một loại thỏa ước thương mại mà Bắc Kinh lập ra để đối đầu với TPP của Mỹ, từ Trung Quốc, các loại động vật sống dùng để nhân giống; nhiều loại thịt, nhiều loại thuỷ hải sản đông lạnh và hoa quả sẽ được miễn thuế 0% khi vào Việt Nam.  Thật đúng lúc, giữa lúc bốn tỉnh miền Trung chịu nạn biển nhiễm độc, lũ lụt tàn phá hoa màu, nhà cửa, giới chăn nuôi khánh kiệt… thì ngay lúc họ chuẩn bị hồi phục, đã bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy nhập khẩu 0% từ Trung Quốc.

Tôi có kể với bạn về chuyện người Trung Quốc học lịch sử rằng Việt Nam phải trở về mẫu quốc? Có một sự thay đổi nhỏ, có màu máu và nước mắt, là chính quyền Cộng sản Trung Quốc đang sốt ruột đi tới thật nhanh, chứ không đợi ai đó trở về. Cuộc đi tới này lộng lẫy và man rợ không kém gì các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn tràn tới: cỏ không thể mọc, con người chỉ còn biết quỳ xuống và ngửa mặt khóc than vì sao đất nước chúng ta lại đến nông nỗi như vầy.
Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 9 năm nay, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa là sẽ sớm quyết việc thanh toán thương mại Việt Nam – Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Còn bà phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng, người tháp tùng thủ tướng, thì hân hoan nói rằng chuyện này không khó, vì lâu nay các tỉnh phía Bắc đã “thử” làm như vậy rồi. Không biết Quốc hội Việt Nam có biết về việc này không? Liệu Quốc hội mới có ít hơn những kẻ ngủ gục, chơi game và xin nghỉ sớm để lên tiếng về những hiểm họa như vậy? Bất kỳ ai có một học vấn tối thiểu cấp trung học, cũng đều hiểu việc Nhân dân tệ hóa nền kinh tế Việt Nam mang đến nguy cơ lệ thuộc như thế nào. Đặc biệt, Trung Quốc đang “đi tới” rất ào ạt trong sự hân hoan của những kẻ như bà Nguyễn Thị Hồng, và trong với bối cảnh vô cùng thuận lợi khi hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng bộ hô to chương trình chống đô-la hóa bằng quyết định 2589/QĐ-NHNN, hạ lãi suất tiền gừi bằng đô-la.

Trung Quốc đang biến nhiều quốc gia Châu phi trở thành những chư hầu kinh tế, cũng bằng cách dùng nhân dân tệ hóa như vậy. Hiện tại Zimbabwe, Angola và Nam Phi đã trở thành những quốc gia lệ thuộc kinh tế nặng nề vào Trung Quốc khi áp dụng thanh khoản bằng đồng Nhân dân tệ. Bạn nghĩ rằng chỉ là vấn đề thương mại? Áp lực kinh tế này, cũng đã trở thành áp lực chính trị khiến Nam Phi 3 lần từ chối cấp visa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, chỉ vì muốn ve vuốt Bắc Kinh. Đại hội những người đoạt giải Nobel Hòa Bình tại Cape Town ở Nam Phi vào năm 2014, kể cả thị trưởng của thành phố cũng đã tuyên bố hủy hội nghị, nhằm tố cáo vì Pretoria đã cúi đầu trước Trung Quốc. Campuchia cũng vậy, trong vòng xoáy trở thành chư hầu của Bắc Kinh để chống lại Việt Nam, chính quyền này cũng đã ướm việc chính thức thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, khởi đầu bằng du lịch.

Trong câu chuyện mà người đàn ông nói giọng Bắc, tóc bạc, kể với tôi về cuộc trò chuyện với người Trung Quốc. Giọng cười của ông rất sảng khoái. Một người biết ông, nói nhỏ với tôi rằng ông đã cùng gia đình tìm đường định cư ở nước ngoài rồi. Có lẽ, vì vậy mà giọng cười của ông rất nhẹ nhàng, tiếng cười của một người đứng ngoài một nồi nước sôi sùng sục, hé nắp nhìn vào.

Nhưng tôi và hàng triệu con người khác – những người ở trong nồi – chắc không thể an nhiên được như ông. Vì bởi chúng ta là những người ở lại, là những người không có khả năng ra đi hay đã quyết chọn sống còn trên mảnh đất này. Tôi chắc rằng sẽ không có nhiều những kẻ muốn “trở về” trong chiếc nồi đóng kín nắp ấy. Nhưng chúng ta lại chứng kiến một cuộc đi tới, chà xát mọi thứ, không có sự xót thương di sản cha ông để lại. Cuộc đi tới của những chiến hạm Trung Quốc, của những đoàn xe tự do đi lại trên đất nước này, những đợt cuồng phong áp thuế 0% dẫm nát nông dân Việt Nam, và có thể có cả những đồng Nhân dân tệ mà chúng ta sẽ cầm trên tay để làm quen, không còn xa nữa.

Tôi vừa leo ra khỏi nắp nồi ấy, bằng hy vọng và sự thật về quê hương của mình. Và tôi nhận thấy mình có một niềm tin mới, rằng sẽ không có một sự “trở về” hay “đi tới” nào cả. Dân tộc này, đất nước này không thể đi vào khốn khó, nếu người người cùng nuôi hy vọng và nhìn bằng sự thật về đất nước mình, dân tộc mình, và cùng nhau leo ra khỏi nắp nồi đóng kín đó, trước khi quá muộn.


II. Chuyện Thời sự & Xã hội Thế giới


(i) Thanh Tuấn (ZING.VN): Bầu cử 2016 - Người da trắng với cuộc vùng vẫy cuối cùng


Đám đông ủng hộ Trump đa phần là da trắng và người già, đám đông của Hillary đông da màu và đa dạng hơn. Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay ngày càng rõ nét sự đối lập sắc tộc.

***

Rời khỏi cuộc vận động của cựu Tổng thống Bill Clinton ở Columbus hôm 29/10, Gregg, một cử tri da trắng dẫn tôi đi quanh khu dân cư dọc đại lộ Mt. Vernon gần đó.
“Đây vốn là lằn ranh phân chia sắc tộc trước kia”, Gregg chỉ vào hai bên nhà cửa dọc đại lộ Mt Vernon. “Một bên là trắng, một bên là da màu. Lằn ranh sắc tộc đã xoá bỏ từ lâu (về mặt chính sách), nhưng đầu óc con người thì không thay đổi nhanh như thế", ông nói.

Các ngôi nhà gỗ của người da đen phía nam đại lộ Mt. Vernon hầu hết trong tình trạng xuống cấp, những ngôi nhà lâu ngày không được sơn sửa. Một số người da đen đang tụ tập trước hiên nhà – khu phía đông này là khu nghèo của Columbus, thủ phủ bang Ohio.

Donald Trump đang dẫn Hillary Clinton từ 1-3 điểm % ở đây, bang có tỷ lệ người da trắng cao nhất ở Mỹ. Khó khăn của Hillary ở Ohio cũng là khó khăn chung của phe Dân chủ: họ đang mất dần ủng hộ của những cử tri da trắng, đặc biệt những người ở vùng nông thôn và thất học.

Trong khi đám đông ủng hộ Trump đa phần là da trắng và người già, đám đông của Hillary đông da màu và đa dạng hơn. Bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay ngày càng rõ nét với sự đối lập về sắc tộc.

Mất dần những ông 'da trắng, bụng to'

15 năm trước ở Florida, anh Đinh Công Bằng, một chuyên gia công nghệ thông tin làm việc tại hạt Leon, rất nhớ mỗi lần đi họp là thấy những chuyên gia ngồi cạnh mình đều là những ông “da trắng, bụng to, đầu hói”. Người da trắng từng một thời chi phối công việc này trong thời gian dài. Nhưng 15 năm qua, thế chi phối này của người trắng đang mất dần. Công việc này đang dần rơi vào tay những người Ấn và châu Á. “Các cuộc họp của tôi giờ xung quanh đa phần là châu Á.Các ông da trắng, bụng to, đầu hói không còn nữa”, anh Bằng nói với Zing.vn

Những ông bác sĩ da trắng dần mất việc trước những bác sĩ người Trung Đông và Ấn Độ. Những công việc chân tay lương thấp thì bị những người nhập cư thiểu số lấy mất, hoặc, dưới tác động của toàn cầu hoá, được chuyển sang các nước đang phát triển. Cơ hội việc làm không còn dễ cho những người da trắng, đặc biệt những người không học hành đầy đủ.

“Trước kia, khi có việc gì khó, mình phải đến hỏi những người da trắng. Họ là những người nhiều cơ bắp, họ có kỹ năng. Giờ thì Google thay họ hết. Đây là thảm kịch với những người trung niên da trắng ở các thị trấn nhỏ”, anh Bằng nói.

Giây phút kinh hoàng nhất của lịch sử Mỹ


Đồng ý với quan điểm này, giáo sư chính trị học Graham Wilson của Đại học Boston nói với Zing.vn rằng đó là thực tế “của những người thua cuộc trong toàn cầu hoá”.

Ông thừa nhận, đây giống như cuộc vùng vẫy lần chót của người da trắng, một thử thách quan trọng quyết định nước Mỹ sẽ đi về đâu về mặt ý thức hệ.  “Họ không phải đến từ nông thôn hoàn toàn mà là những người hạn chế về kỹ năng và giờ phải cạnh tranh với lao động chân tay từ các nước khác (thường thì thua cuộc). Họ cũng đến từ những vùng ít có tương tác với bên ngoài và thường kém về mặt kinh tế”, giáo sư Graham Wilson phân tích.

Nhà sử học nổi tiếng Richard Hofstadter nói “những giây phút kinh hoàng nhất của chính trị Mỹ thường xuất hiện khi một nhóm chi phối cũ cảm thấy mình đang mất dần quyền lực”. Đây không phải lần đầu tiên có sự thay đổi nhóm sắc tộc chi phối này ở Mỹ. Ông lấy ví dụ việc những người Tin lành, từng là nhóm chi phối, chống đối dữ dội thế nào trong thời kỳ chống rượu (1920-33) ở Mỹ như một cách chống những người Ý Công giáo nhập cư (khi Kennedy đắc cử tổng thống năm 1960, ông là tổng thống Công giáo đầu tiên của nước Mỹ).
“Tương tự, nước Mỹ đang chuyển tiếp sang giai đoạn người da trắng không còn chiếm đa số, phụ nữ có thêm quyền lực và địa vị. Những lo sợ như vậy đã dẫn đến sự xuất hiện Trump", ông Wilson nói.

Obama: Biểu tượng người da trắng đánh mất quyền lực

Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Franita Tolson của trường luật tại Đại học bang Florida nói với Zing.vn: “Nhiều cử tri của Trump cảm giác họ bị ra rìa trong nhiều năm và họ xem các nhóm thiểu số là nguyên nhân của mọi bất công”.
Theo giáo sư Wilson, việc nhóm da trắng biết rằng xu thế này không thể đảo ngược được càng khiến họ thêm giận dữ. Nhiều nhóm da trắng nhìn nhận việc Obama lên làm Tổng thống như một biểu tượng cho sự đánh mất quyền lực của người da trắng. Việc Obama bị chống kịch liệt ở quốc hội trong 8 năm qua hay việc cử tri của Trump chống ông đã được nhiều nhà phân tích chỉ ra là xuất phát từ nguồn gốc phân biệt chủng tộc vẫn còn dai dẳng ở Mỹ.

Một điều không giúp người da trắng nữa là về mặt dân số học: họ đang là nhóm có tỉ lệ tử cao nhất trong các nhóm dân cư Mỹ. Điều tra của cơ quan dân số Mỹ năm 2015 tính rằng người da trắng sẽ trở thành thiểu số vào năm 2044. Người da trắng dù chiếm 62% dân số nhưng lại chiếm tới 78% tỷ lệ tử ở nước Mỹ - tỉ lệ tử cao nhất trong các nhóm sắc tộc.

Ở Florida, anh Bằng giải thích nếu trước kia có máy khoan hỏng, anh sẽ kiếm ông da trắng để sửa. Mất 20-50 USD tiền công sửa cho cái máy có giá 300 USD. “Giờ khi máy hỏng thì tôi vứt thẳng đi, có thể mua máy Trung Quốc với cùng giá công trả ông thợ da trắng. Khi tôi vứt chiếc máy thì cũng đồng nghĩa là vứt đi anh hàng xóm da trắng”, anh Bằng nói.

Những người da trắng trước chỉ làm nông nghiệp thì giờ cảm thấy mình vô dụng, tù túng và cũ kỹ với nhu cầu mới của xã hội – một xã hội ngày càng nhiều những việc làm bằng công nghệ và các loại hình kinh tế mới. Họ bối rối trước áp lực thay đổi này và Trump đưa ra những thông điệp với họ được coi là lối thoát. (Thanh Tuấn - từ Columbus, Ohio)


*** Gs Nguyễn Mạnh Hùng  (Đh George Mason, USA): Bà Clinton hiểu biết vấn đề, Ông Trump hay bị kích động


"Trong cuộc bầu cử này chúng ta thấy rõ hai ứng cử viên nói về cá nhân nhiều hơn là về chính sách, có lẽ là bị ảnh hưởng bởi ông Trump khi ông không biết nói về chính sách".

Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư môn chính trị và quan hệ quốc tế của ĐH George Mason, cộng tác viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế Hoa Kỳ (CSIS). Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng ông sẽ bầu ai, ông Hùng nói: “Chưa bao giờ nước Mỹ có hai ứng cử viên tổng thống bị nhiều người phàn nàn như lần này. Cả bà Hillary Clinton và ông Donald Trump không bị chê cái này thì cũng bị chê cái kia. Dĩ nhiên giữa hai ứng cử viên, tôi sẽ dành lá phiếu cho người ít tệ hơn là bà Clinton, còn ông Trump thì không bao giờ”.

* Ông nhận định gì về cục diện bầu cử Mỹ cho đến hiện nay?


- Qua ba cuộc tranh luận, tôi thấy cuộc tranh luận nào bà Clinton cũng thắng, chứng tỏ bà ấy hiểu biết vấn đề. Còn ông Trump, câu trả lời của ông ấy thường không có nội dung gì cả, ông ấy cứ lái sang chuyện khác. Quan trọng là ông ấy hay bị kích động, không có “thái độ thích ứng” để làm tổng thống.

Những cuộc thăm dò bầu cử đáng tin cậy thì chọn bà Clinton và không đáng tin cậy thì chọn ông Trump. Còn nhìn vào bản đồ bầu cử, con đường bà Clinton đi đến 270 phiếu đại cử tri (số phiếu tối thiểu để một ứng cử viên Mỹ đắc cử tổng thống) thì dễ dàng hơn ông Trump nhiều.

Theo tôi, nếu ông Trump không thắng được tại Florida (nắm 29 phiếu đại cử tri) thì ông ấy nắm chắc phần thua.

* Đâu là những điểm mạnh về chính sách của hai ứng cử viên, thưa ông?

- Những người bị thất nghiệp hay những phần tử yếu kém cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa, những tiếng nói bất mãn cao thì dành sự ủng hộ hăng say cho ông Trump vì ông ấy có những thông điệp rõ ràng để đại diện cho họ.
Về chính sách ngoại giao, bà Clinton chắc chắn giỏi hơn vì bà ấy từng kinh qua chức ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng như là “cố vấn hậu phương” của chồng bà - cựu tổng thống Bill Clinton. Về chính sách nhập cư, bà ấy nhận được sự ủng hộ
nhiều hơn.

Về tự do hóa thương mại, cả hai ứng cử viên đều chống Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, bà Clinton chống có điều kiện trong khi ông Trump quyết liệt chống không những TPP mà còn cả Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vì không muốn người Mỹ mất việc vào tay lao động nước ngoài.

* Có ý kiến cho rằng nếu bà Clinton lên làm tổng thống cũng chỉ là chính sách kéo dài của ông Obama. Ông nghĩ sao?

- Trong lịch sử nước Mỹ, từng có tiền lệ người Cộng hòa làm tổng thống Mỹ ba nhiệm kỳ liên tiếp, chẳng hạn như tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) được kế nhiệm bởi một người Cộng hòa khác là George H. W. Bush (1989-1993). Cho nên nếu bà Clinton lên làm tổng thống nghĩa là người của Đảng Dân chủ làm tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp, cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.
Ông Obama là một “chiến sĩ lưỡng lự”, còn bà Clinton thì có tính cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Bà ấy chính là người đề xuất chính sách xoay trục về châu Á.

Về chính sách chăm sóc y tế, tôi cho rằng nếu đắc cử tổng thống, bà ấy sẽ tiếp tục Obamacare (chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc) nhưng sẽ điều chỉnh lại vì Obamacare vẫn đang có nhiều bất cập.
Về chính sách ngoại giao, bà Clinton mạnh mẽ hơn ông Obama. Khi Obama lên làm tổng thống, ông ấy thấy Mỹ bị nhiều người ghét quá nên đưa ra chính sách “reset the button” (cài đặt lại), chẳng hạn như bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, bỏ cấm vận Iran... Nhưng lại thất bại trong việc “reset” quan hệ với Nga. Bà Clinton cũng ủng hộ chính sách này nhưng bà ấy cứng rắn hơn.

Tôi nghĩ nếu đắc cử tổng thống Mỹ, bà ấy sẽ quay lại ủng hộ TPP, hãy cho bà ấy một thời gian. Ngoài ra, bà ấy cũng thể hiện sự cam kết về vấn đề Biển Đông nhưng có một yếu tố chưa biết được chính là yếu tố “Duterte” - tổng thống Philippines.

* Ông nhận định gì về xu hướng bỏ phiếu của người Mỹ gốc Á và gốc Việt?

- Trước đây, người Mỹ gốc Việt có xu hướng bỏ phiếu cho phe Cộng hòa (Làm mất VNCH là đảng Cộng hòa - thời TT Nixon, Ford - chứ không phải Dân chủ...). Nhiều người Việt lớn tuổi muốn bỏ phiếu cho ông Trump vì họ rất ghét bà Clinton. Nhưng thông tin mới đây cho thấy số người Mỹ gốc Á đang nghiêng về bà Clinton nhiều hơn ông Trump vì có sự tham dự bỏ phiếu của đám trẻ mới lớn lên ở Mỹ. Người Mỹ gốc Việt cũng vậy, số người ủng hộ bà Clinton sẽ nhiều hơn ông Trump. Những người Việt Nam bên này kỳ vọng tổng thống mới tăng cường mối bang giao Việt - Mỹ. (Ở Mỹ, nhiều cử tri bỏ phiếu dựa trên cảm tính chứ không phải dựa vào chính sách. Ví dụ như những người ghét ông Trump thì dồn phiếu cho bà Clinton và ngược lại. Đó cũng chính là mặt trái của dân chủ. Quỳnh Trung thực hiện)


*** RFA: Thủ tướng Campuchia tuyên bố ủng hộ ông Donald Trump

Thủ tướng Hun Sen là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đưa ra ý kiến ủng hộ chính trị gia nào trở thành tân tổng thống Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ sắp tới.
Hôm nay trong phát biểu tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ở Phnom Penh, ông Hun Sen cho hay ông muốn ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đắc cử, đưa ra lý do ông Trump sẽ giảm bớt căng thẳng đang có giữa Hoa Kỳ và Nga, đồng thời là người sẽ xây dựng hòa bình.

Theo lời Thủ tướng Campuchia, ông Trump là một doanh gia tài ba, không thích chiến tranh, vì thế ông Trump sẽ tìm cách để làm bạn với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, để đem lại hòa bình cho thế giới (?).
Thủ tướng Hun Sen cũng nói nếu bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ đắc cử, quan hệ Mỹ-Nga sẽ trở nên rối rắm hơn.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba tuần tới, mùng 8 tháng Mười Một 2016.


III. Thơ Thái Bá Tân


Ngô Nhân Dụng


Trong sách Ly Lâu Thượng,
Mạnh Tử đã luận bàn
Những dấu hiệu cho thấy
Một chế độ sắp tàn.
     “Trên không có đạo lý,
     Dưới pháp luật bất minh.
     Vua chúa phạm luật nghĩa.
     Quan chức phạm luật hình”.
Cứ theo đó mà xét,
Thì Trung Quốc và ta
Cái kết của chế độ
Có vẻ cũng không xa.


Năm Dấu Hiệu

Một chế độ sụp đổ
Theo quy luật xưa nay
Khi hội tụ đầy đủ
Các dấu hiệu sau đây.
     Một - Người dân uất ức,
     Không tin vào chính quyền.
     Hai - Chi vô tội vạ
     Nên ngân khố cạn tiền.
Ba - Tham nhũng cực điểm,
Mọi cấp và mọi nơi.
Bốn - Đàn áp bạo lực,
Đến mất cả tính người.
     Năm - Chính quyền lục đục,
     Thuộc hạ đấu đá nhau.
     Các chức sắc nhà nước
     Chỉ lo việc làm giàu.
Thường thì ba dấu hiệu
Đã dẫn đến diệt vong.
Ta bao nhiêu rồi nhỉ,
Các bác có biết không?


Tên Phố

Tự nhiên ghét tên phố -
Đường Mồng Ba tháng Hai.
Ghét cả phố bên cạnh
Là Nguyễn Thị Minh Khai.
     Rồi Trường Chinh, Lê Duẩn,
     Đại lộ Phạm Văn Đồng,
     Ba mươi năm thủ tướng
     Mà có cũng như không.
Công viên Lê Văn Tám,
Một ngọn đuốc sáng ngời,
Mà cả người, cả đuốc
Được phịa để dạy đời.
     Rồi nhiều con phố cũ,
     Thân quen bao đời nay,
     Những cái tên dung dị
     Đã đồng loạt bị thay
Bằng tên các lãnh tụ
Của giai cấp "vẻ vang".
Đủ các loại lãnh tụ,
Lớn nhỏ và nhàng nhàng.
     Hơn nữa, còn nghe nói,
     Lãnh tụ chết, cháu con
     Chạy xin tên đường phố,
     Để được mãi trường tồn.
Đại khái là như thế.
Toàn phố mang tên người.
Những người đáng nghi vấn,
Còn lâu mới “sáng ngời”.
     Trong khi lại không có
     Tên phố Ngụy Văn Thà,
     Một chiến sĩ dũng cảm
     Hy sinh vì Hoàng Sa.
Càng nghĩ càng thêm bực.
Uống cà phê mất ngon.
Vũng Tàu trời nắng đẹp.
Thôi, về với cháu con. (TBT - 13/9/2016)

..................................................................................................

Kính,

NNS

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.