NGỌN CỎ BỒNG là quyển sách viết trong thời gian 1975 đến 1995, trộn lộn thơ, văn và thư từ bạn hữu. Họ - và tôi - chúng tôi đều là những nhân vật trộn lộn văn chương với đời sống thực, lấy đùa cợt che đậy nỗi buồn, nhưng rồi cũng nghiêm chỉnh trong khi đùa. Hôm nay tôi xem lại để nhìn thêm vào bóng tối của những lời khoe khoang và bỡn cợt vì anh Vũ Huy Quang, nhân vật “Thăng Long Văn Sĩ” trong cuốn sách này, mới đột ngột qua đời hôm 14/1/20 vừa qua.
Cuốn sách đã cũ, tấm hình đã ố. Đây là chương 25 của quyển sách, có một số thư từ qua lại giữa “Văn Lang Thi Sĩ” với “Thăng Long Văn Sĩ”, người đã trở về miền an lạc.
(Phần Lan 19/1/2017, NBT.)
Chương Hai Mươi Lăm
ĐƯỜNG XA XỨ LẠ
(1)
Helsinki, ngày 1 tháng chín, 1989
Anh Thăng Long Văn Sĩ,
Hình ảnh oai hùng của tôi, các bạn đã thấy trước khi đi: một anh 47 tuổi hiên ngang (không mặc cảm) đeo cái ba lô và túi ngủ, sánh vai với các thanh niên trẻ khắp nơi trên thế giới, lăn lóc ở các nhà ga Âu Châu…
Họ đi rất đông, tuổi chỉ trung bình từ 16 tới 22, 23, đại đa số là dân da trắng khắp các nước.
Đại diện cho bạn trẻ Việt Nam là tôi, cùng chen vai thích cánh đi học hỏi khắp nơi, vì: đi một ngày đàng học một sàng khôn – đi cho biết đó biết đây, ở nhà bia rượu biết ngày ngày nào khôn?
Ở Âu Châu với một cái vé Eurail Pass người ta có thể tới khắp các nước… và nếu người ta đi kiểu giang hồ: không ở khách sạn, đi để quan sát đời sống từ dưới đáy lên chứ không đi kiểu con nhà giàu xem viện bảo tàng, thì chẳng tốn kém gì, mà lại học hỏi rất nhiều.
Vâng, tôi đã đi như thế. Ăn vài miếng bánh mì kẹp phó mát, xúc xích. Uống: nước mang theo trong bi đông. Ngủ: kiếm nhà bạn, nhà người quen, trải túi ngủ ra xin ở nhờ. Do vậy tôi đã có dịp lăn lộn khắp Phần Lan, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Pháp, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Tây Ban Nha… Ba ngày nữa đi Na Uy. Lại vừa trở về từ Moscow Liên Sô… Tính ra từ năm ngoái tới nay lang thang khắp Á Châu, Hồng Kông, Ma Cao, Thái Lan,Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương… Về Mỹ, hơn một tháng lại lăn lóc khắp nước Mễ Tây Cơ…
Tôi đã học nhiều, vâng, nhưng không nơi nào có ấn tượng sâu đậm ghê gớm như chuyến đi Moscow Nga Sô.
Tại đây, thấy tận mắt các cửa hàng quốc doanh, những hàng dài con người thèm thuồng mệt mỏi đứng làm hàng suốt hai, ba tiếng đồng hồ để mua một gói đường, miếng thịt. Nhìn những nhà phố không sinh khí, không cửa tiệm. Nghe ban đêm cái tín hiệu ma quái của Đài Phát Thanh Mạc Tư Khoa – Nhìn công an cảnh sát chìm nổi vây bọc lấy khách sạn với du khách do cơ quan nhà nước Intourist tổ chức. Nghe những câu hỏi ngớ ngẩn của người dân Nga. Nói chuyện với những thanh niên Việt Nam 19, 20 tuổi đi làm công nhân xuất khẩu… (Nam đi sáu năm, nữ đi bốn năm, khóc đòi về, nhưng lại sợ bị đền tiền). Tôi không còn một chút ảo tưởng nào nữa về chế độ Cộng Sản. Chấm hết.
Về Phần Lan nói chuyện, những người bạn Phần Lan cười bảo: Đấy là thủ đô Moskva – cuộc sống còn tệ hại hơn nữa ở các miền khác. Có lẽ tôi phải viết nhiều mới đủ, nhưng hiện vẫn còn tiếp tục đi nên chưa có thì giờ để làm việc này.
Nhưng tựu trung, thật hữu ích, những chuyến đi. Ở Paris mua một thùng hơn 80 cuốn sách CSVN để xem thêm. Thùng sách đó có lẽ đang trên tàu về Mỹ. Cần đọc để xem có cái gì biến đổi? Nên đọc cuốn “Thiên Đường Mù” của Dương Thu Hương in năm qua 1988 – cuốn “Nhớ nghĩ chiều hôm”, hồi ký trước khi chết của Đào Duy Anh. Ở Moscow có ghé tiệm sách đường Goocki mua thêm một số nữa, và sau chuyến đi này, về đọc Perestroika và Glasnost mới thấy thú vị. Gooc ba chốp là lãnh tụ có học đầu tiên của Nga kể từ Lenin – chắc ông ta rất khổ tâm khi muốn thay đổi nước Nga, nhưng có thuyết phục nổi một guồng máy đã khô cứng từ 1917 tới nay không, đó là một chuyện khác. Hay là lại… nửa đường đứt gánh?
Hai ngày nữa quay lại Thụy Điển, thăm Trần Dạ Từ (bốn ngày nữa hắn sang Mỹ). Tôi sẽ qua Oslo xem nước Na Uy cho biết… Đến 21 tháng 9 lại đi Ấn Độ. Sẽ thăm nước Ấn bằng tàu lửa trong vòng năm tuần. Tiếp, đi Nepal hai tuần. Cuối tháng Mười Một qua Thái, lần này đã xin được chiếu khán ở Thái ba tháng (Tòa Lãnh sự Thái ở Helsinki khá dễ dãi. Lý do dễ hiểu: đại diện lãnh sự và toàn thể nhân viên đều là… người Phần Lan. Không phải Thái Lan. Không làm khó dễ).
Nhờ làm việc trại hè văn hóa ở Phần Lan, tôi có tiền đi tiếp. Làm có 13 ngày, sau khi trừ thuế 35% vẫn còn được hơn 1,200 đô Mỹ. Đi vé máy bay Aeroflot của Nga rất rẻ. Qua Á Châu không tốn kém gì, và với cái túi ngủ thì màn trời chiếu đất: ngày ăn bánh mì cà ri, đêm ngủ nhà ga. Qua Thái… ở lại nhà cô G. Cô ấy đã trịnh trọng viết thư qua Phần Lan mời tôi. Tất nhiên tôi vui vẻ nhận lời.
Bác sĩ H. và tôi đã bàn bạc, phân tích và kết luận: chúng tôi không nên kết hôn. Nhưng cô ấy thấy tôi đi giang hồ đâm ra động lòng. Phần nữa, cũng đã chán các công việc nặng nhọc ở nhà thương, nên cô ấy đột nhiên bỏ việc trong lúc tôi đang ở Hauho tổ chức trại hè. Bán cái Apartment. Và thu xếp cùng lên đường đi Ấn Độ, Nepal, nhưng đồng ý: đến Bangkok chia tay. Cô ấy sẽ xuống miền Nam Thái, vào một tu viện Phật Giáo ở Surathanee. Rồi sang Mã Lai làm việc ngắn hạn cho Hồng Thập Tự trước khi qua Nhật Bản vào một thiền viện khác. Chúng tôi hôm nay vừa thu xếp xong. Đó là vài chi tiết về chuyện tình xin kể ra: nó vốn không có gì riêng tư khác. Tôi làm gì, định cái gì, không bao giờ e thẹn giấu diếm. Tính tôi khác hẳn tính của anh T. (Nhút nhát, kín đáo, sợ thay đổi, không dám nói rõ cái gì mình thích, cũng mơ mộng nhưng không dám đi vào hành động, hay bỏ cuộc trước dục vọng). Tất nhiên anh T. có nhiều tính tốt (cương quyết, không có tiền vẫn hay đãi bạn… Nghèo nhưng vẫn đưa tiền cho bạn đi du lịch v.v…). Còn tôi, tất nhiên nhiều tính xấu, nhưng xét ra đa số chỉ là tính xấu chung của người Việt Nam mà ông Trần Trọng Kim đã mô tả trong cuốn Việt Nam Sử Lược (nghèo nhưng vẫn thích khoe khoang, hay nhạo báng, bài bác, hay sợ quỷ thần). Còn nói cho ngay cũng có vài tính tốt như: phải ra trận thì cũng can đảm (đi Moscow, vào giữa lòng đất địch v.v…). Ngoài ra, nhờ lăn lộn trên trường quốc tế, các tính xấu đang bớt, các tính tốt thì phát triển, mà trí óc lại mở mang… cho nên anh T. sẽ đi lui, mà tôi đi tới.!
Chỉ có thiên nhiên mới làm tôi khiếp sợ. Sức khỏe kém. Bệnh Thyroid trở lại. Mắt mờ, làm việc chóng mệt… Nhưng tôi vẫn chiến đấu và học hỏi… Hướng đến cái đẹp (của những chuyến tàu băng qua rừng bạch dương… của lúc chuyến tàu ngừng lại một nhà ga xứ Thái…). Và biết đâu, trong vài tuần nữa khi mặc quần đùi lội xuống sông Hằng thì thánh thủy sẽ làm tôi khỏe lại, trẻ lại? Chưa kể ở Phần Lan đã ăn rất nhiều thứ nấm, có những dược chất không ngờ?! Và khi đến đất Phật thăm vườn Lâm Tì Ni? Khi leo ngọn Hy Mã Lạp Sơn ngồi trên băng tuyết? Biết đâu?
Bọn Tư bản và bọn Cộng sản đều là bọn duy vật. Các bọn ấy không thể hiểu rõ vũ trụ này, thế giới này ai dựng nên? Sau khi chết đi đâu? Thế giới biết bao bí mật nan giải?!
Tại sao tôi đi Ấn Độ? Tại sao tôi đi Nepal? Tại sao tôi sẽ có mặt ở một nơi mà từ thế kỷ thứ bảy, thầy Huyền Trang, tức Đường Tam Tạng đã có mặt cùng với Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng? Nếu không phải là duyên nghiệp? (Tại sao tôi đi Mã Lai? Tại sao tôi gặp cô H. người Phần Lan? Tại sao cô H. rủ tôi đi Ấn Độ trong khi tôi định đi chuyến tàu băng nước Nga, băng Tân Cương, Mông Cổ qua Bắc Kinh thăm nước Tàu? Nếu không phải là duyên nghiệp?).
Có lẽ đây là cuộc trở về chứ không phải ra đi!
“Trở về đất Phật”, thấy tiền kiếp của mình lại là một chú bé Ấn Độ? Xứ Ấn huyền bí biết bao! Và rồi ở Katmandu, trên nóc nhà thế giới, chắc sẽ khám phá thêm bao điều mà cả một đời người không nghĩ hết, biết hết. Rồi một ngày quay lại Mỹ, cùng ngồi xem football với anh H. Taekwondo, ngồi bên chú Bá cùng với hai cô bạn Việt Hoa đề huề… Ngồi hát “Ai về bên dãy núi xanh lơ” với anh H. Dược sĩ… Sáng sớm mai đến phòng anh T. (nay đã dọn nhà) xem anh ta khịt mũi: đi ra đi vào mở máy xe ô tô… Có lẽ tôi sẽ chỉ lặng yên!
Vì tôi đã đi khắp các đại lục – đã ngang qua mọi kinh thành: xem Tây thuộc địa kỷ niệm 200 năm phá ngục Bastilles… Mạc Tư Khoa… Hoa Thịnh Đốn… Kuala Lumpur…. Bangkok… Mexico City… Amsterdam… Stockholm… Copenhague… Đã tắm trong những hồ nước cực lạnh của miền Bắc Phần Lan… Đã cởi trần dưới ánh nắng gay gắt của hòn đảo Pulau Bidong… Còn gì để nói??? Và giả dụ, có ngồi nghe các đại cán bộ Cộng sản giảng về Tư bản luận, Cách mạng tháng 8, tháng 9, tháng 10, Lênin nít, Kờ rút chốp, Xít ta lin, lô gích khách quan của tiến bộ lịch sử, quy luật phát triển tư tưởng chống áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, áp bức tinh thần… thì tôi cũng chỉ cười xòa! Vì tôi đã chụp hình ở Quảng trường Đỏ trước mặt nhà thờ Saint Basil bên hông nhà xác Lenin. Vì tôi đã đi trên đường Arabat, đường Goocki. Vì tôi đã đi thăm các công nhận xuất khẩu Việt Nam ở I Van Giép Ka, lương 200 rúp một tháng. Đóng thuế 30 rúp. Trả tiền ăn ở tằn tiện hết sức mới dành được 50 rúp. Đổi theo giá chợ đen, cả tháng còn được 5 đô la. Vì cuốn sổ thông hành của tôi đã đóng hàng trăm con dấu với đủ các thứ chữ ngoằn ngoèo (chữ Thái, chữ sanskrit, chữ Nga, chữ Phần Lan…) Còn ai sẽ bịp được tôi?
Tôi mặt trời khô bắt đầu từ bóng tối
phút chốc của muôn thuở lạnh lẽo và ẩm ướt
từ Châu Á, sang Mỹ, Âu
Đêm ngày ngồi im trên những chuyến tàu
khóc từ Hồng Kông qua Thái Lan
trên sóng bạc đầu
hòn đảo Mã Lai đau như tiếng gọi
toàn Á châu cùng một nỗi sầu
Nhẩm hát ở Barcelona trên con đường đá bên nhà thờ dựng bởi Gaudi.
Chui rúc trong những con đường hẹp tìm Miro, nhìn sợi râu Dali
Ban Tích biển mùa đông đóng băng:
mặt trời không mọc
Ở đây ở đâu, đã nói gì
đã làm gì, ở Ba Li, Cali
tiếng trống, tiếng cồng, tiếng gamelan
con tu hú trong bụi cây Băng Cốc
vặn ngược thời gian từ cuộc sống sống phẳng lì
Đi từ châu Mỹ về châu Á
một lần dừng lại nhà ga nọ
đêm đã khuya, núi non đứng dậy
cả một thời xưa xao động vẫy tay chào
Tôi cúi xuống, có gì hối tiếc
thời gian qua chờ đợi đã lâu
con đường cũ, đi không trở lại
theo ánh trăng chạy trốn nỗi sầu
hát đi, Barcelona con đường đá
nhà thờ, bàn tay Gaudi,
cái đầu Miro, sợi râu Dali…
Ở Dormund bên Đức, có một người bạn trẻ Việt Nam: Một nhà văn. Bố cũng là một nhà văn đã nằm tù ở Việt Nam 20 năm vì là một nhà văn. Ở tổng Palais, Thụy Sĩ, vây bọc chung quanh là những núi đá phủ tuyết trắng xóa, có một đứa trẻ tỵ nạn Việt Nam không cha mẹ: Suốt ngày ngồi trên cửa sổ viết thư về Việt Nam. Đó là Tạ Thanh Nhơn, con nuôi của tôi ở Pulau Bidong. Ở Katrineholm Thụy Điển có vợ chồng một thi sĩ và một nhà văn nữ Việt Nam đến định cư cùng những đứa con. Họ đã rời bỏ được Cộng sản Việt Nam.
Cúi xuống biết gì hối tiếc
Thời gian chờ đợi quá lâu
Đường cũ đi không trở lại
bóng trăng chạy trốn nỗi sầu.
Tự hỏi có gì vĩnh cửu
phút giây nào chứa đựng thiên thâu
nếu mặt đất cựa mình bật khóc?
Mùa hè Phần Lan mặt trời không lặn!
nụ hoa hồng trắng từ năm ngoái
Kivitasku hót trên cành cây bạch dương
Một con chim khác
hót buổi chiều, Satakieli
(Sata: một trăm
Kieli: cái lưỡi)
Con chim họa mi trăm giọng véo von
Chim túi đá
cành bạch dương
hoa hồng trắng
mặt trời mọc suốt ngày đêm!
Đó, vui buồn của một người đi du lịch, mà từ tháng Sáu người ta đã hỏi: Chết chưa, tôi làm gì ở xứ này, đã bao lâu, bây giờ là lúc nào, mùa hè mặt trời không lặn, mười hai giờ đêm vẫn sáng như ban ngày, người ta khoác tay ngả nghiêng đi uống bia đi xem hội.
Từ tháng Sáu, người ta đã nhận thấy thân thể béo đẫy, vì muốn ngủ là ngủ, muốn dậy là dậy. Ngoài trời, trên ngọn bạch dương lúc nào cũng có những con chim kêu “huýt viiô, huýt viiô”. Bên dưới, đám lá cây trường xuân nở những nụ hoa đỏ tía. Bên trên, bầu trời chạy dài đến tận xứ sở người Lapp thấp bé miền Bắc, người Nga Sô mỏi mệt xếp hàng mua thịt phía Đông, người Thụy Điển, Pháp Lang Sa, Tây Ban Nha phía Nam.
Ở đây, lúc nào đói: ăn bánh mì đen phết mật ong rừng, cá hương, cá hồi ướp muối qua loa, rắc hành hương và rau thìa là. Thay vì cơm, người ta ăn một thứ khoai tây nhỏ bằng đầu ngón tay trộn với kem sữa chua. Tráng miệng: Phó mát trắng nấu với dâu dại. Còn nấm rừng ngâm nước muối, ăn với các thứ dồi làm bằng thịt lợn xông khói bồ đào hoặc cá trích bắt ở bể Ban Tích.
Đi! Đi ra khắp thế giới, mở tung các cánh cửa của một căn phòng u ám buồn sầu. Đi ra khắp thế giới từ bỏ bóng tối ủ rũ ở đó người ta gặm nhắm mãi một dĩ vãng teo tóp mà thời gian không chịu giải quyết, cứ để cho mũi nhọn ốm đau khoan mãi vào cái đầu mê tín, cái lồng ngực thiếu dưỡng khí, (e sợ kiểm thảo, công an) làm cho da thịt mục rã và linh hồn chìm xuống vực sâu. Xin hẹn một lá thư sau!
Thân,
Văn Lang Thi sĩ
(2)
BÓNG TỐI VÀ THI CA
Văn Lang Thi Sĩ,
Anh đang ở đâu? Đúng lịch trình, anh đang cỡi con yak ở Tây Tạng hay đang ăn cà ri bên Ấn Độ? Người xứ bên ấy có thích thơ như người mình? Ở đây, chỗ tôi ở, bắt đầu người ta diễu các thi sĩ.
Để thay một cái bóng đèn (việc rất dễ), cần mấy ông thi sĩ? Các ký giả (Mỹ) mới làm một bản giải đáp như sau: Tốn đến ba ông tất cả! (để thay một cái bóng đèn). Ông thứ nhất để rên rỉ, than thở; ông thứ hai cầm đèn cầy; và ông thứ ba thay bóng.
Bây giờ thi sĩ mới bị ký giả bêu riếu như vậy, chứ thời xưa đâu có? Ông Lý Bạch (Li Po) làm thơ phải có ký giả (Cao Lực sĩ) cởi giày! Có thi sĩ vừa đánh đàn vừa làm thơ, mới xong bài đầu – khỏi tán tỉnh gì – người đẹp đi theo ngay. (Tình sử Szu Ma Hsiang Ju và nàng Wen Chun, - tục gọi là Tư Mã Tương Như và nàng Văn Quân, đời tiền Hán – năm 117 trước TL.)
Thời xưa, từ vua đến quan, đời trọng vọng các thi sĩ đến thế…
Thời bây giờ phải chăng mãnh lực thơ không còn như xưa? Nếu vậy, thì tại sao? Phải chăng vì các thi sĩ bây giờ hay chán đời? Tài năng sút giảm? Vì lo cãi nhau, thiếu đoàn kết? Vì ý thơ đã bị khai thác hết? Vì đau thương sút kém, không da diết như xưa?... Phương thức nào cải thiện?.. Không phải mình tôi (một độc giả) mới thắc mắc, mà (tình cờ làm sao, tôi được chứng kiến một buổi họp của chính họ), những người có thẩm quyền (các thi sĩ), đã bàn cãi, thảo luận… rất sôi nổi về vấn đề này.
Địa điểm: buổi tối, lúc 8 giờ tối, tại quán X.
Tuy chỉ mươi người, nhưng tinh mắt, thì mỗi người đại diện cho một khuynh hướng khác biệt: thơ mới, thơ giập mật, thơ thiền, thơ tù, thơ tự do, thơ chiến đấu, thơ tình, thơ lục bát, thơ yết hậu v.v… Chủ tọa là đại diện thơ tiền chiến (dĩ nhiên), như mọi khi…
(Không đầy đủ toàn diện các trường phái, vì tôi thấy vắng mặt đại diện thơ Đường, thơ Thông tin chiêu hồi, thơ cấp tiến (big L), thơ Haiku và thơ sex…)
Ngay từ lúc mở đầu, các thi sĩ đồng ý với nhau rằng “thơ là gì”, hoặc “thơ là tương đối hay tuyệt đối”… thì chưa ai biết v.v.. nhưng để cải thiện, chấn chỉnh các tệ đoan (vô kỷ luật, kiêu binh, sứ quân…), cùng để hồi phục cùng nâng cao phẩm chất thi ca, chủ tọa đoàn đã cương quyết đưa ra phương thức bốn điểm sau đây, để các sáng tác từ nay trở đi có thể xuýt xoát với thơ tiền chiến (Mưa xưa tiếng khóc, vàng mai trận cười, và Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào….), là những thí dụ, gọi tắt là phương thức bốn điểm, (viết tắt là phương thức T.K.Ê.N):
Từ nay trở đi, thơ phải có những tính chất:
- T (trời đất): Thơ mà không trời đất thì vứt đi.
- K (kính trọng tiền bối): Nếu không, ở lỗ nẻ mà chui lên à? Oắng pí tà! Đồ con rùa!
- Ê (êm đềm): Ồn ào đâu còn là thơ nữa?
- N (nghiêm chỉnh): Bố nhắng, bố nhít thì còn ra cái gì?
(Chữ in nghiêng là chú thích của chủ tọa đoàn)
*Về tác phong và nếp sống, các thi sĩ đời mới phải có một khuôn mẫu như Che Guevara ao ước cho du kích (phong phú nội tâm), hay như Hermann Rauschning phác họa cho lính NAZIS (vừa là dân quê, là chiến sĩ, là Thượng Đế), hay như Trostky mơ tưởng (một chút Aristotle, một chút Marx, một chút Goethe)… hay không thì hội nghị không ép buộc, nhưng tạm thời phải:
- Đàng hoàng (tránh các việc part-time, kiếm việc full time mà làm.
- Cô đơn (tại sao không ở nhà, cứ đi ra hàng quán hoài, người ta cười cho?)
- Bớt xúm xít, túm năm tụm ba (đàn đúm hoài, viết lách gì được nữa?)
- Không được ngông nga ngông nghênh (làm được bài nào cấm khoe nhắng lên)
Dĩ nhiên, không khí buổi họp đã rất khẩn trương, vì các vị thi sĩ bản chất hay cãi bướng, nên chủ tọa đoàn đã phải vất vả đập bàn (2 lần) để duy trì trật tự, văng tục (4 lần liên tiếp) để đàn áp, mang vẻ nghiêm chỉnh trở lại cho cuộc thảo luận. Không khí hội thảo tuy sôi nổi, nhưng rất thân ái và tự do dân chủ, ai cũng nhã nhặn, lịch sự (có lỗi chăng là lỗi hai chai Medaillon, 1 Cognac, 9 lon bia, 21/2 chai Soda, đá cục…) làm tinh thần buổi họp đôi khi hơi găng.
Đây là điều liên quan đến anh: Tôi đã trình lên ban chủ tọa rằng, anh, (tác giả Ngọn Cỏ Bồng, Thư Mạc Tư Khoa, Thư Bắc gửi Nam…) có viết thư về “hỏi thăm anh em” và “đặc biệt hỏi thăm anh M.T.” v.v… thì chủ tọa có gật gù bảo “Thơ cũng có bài được, nhưng không phải cứ đi xa rồi viết thư đăng báo khoe”. Đại ý là hồi này tệ trạng đi chơi rồi viết du ký, kí sự… bắt người khác đọc, tự coi mình như một tay phiêu lưu “ghê gớm”, nhiều anh đang mắc phải. Vì, không phải “cứ ở Nga năm ngày mà tự coi là dẹp được chủ nghĩa Cộng sản”, lời chủ tọa đoàn gay gắt phát biểu. Chủ tọa đoàn ân cần giải thích: “Tôi cũng đã qua Tàu, đứng chụp ảnh cạnh tượng ông Tôn Dật Tiên; từng qua Hương Cảng ăn mì, đi Ba Lê, Thụy Điển… nhậu… tôi đâu có viết gì bao giờ? Ông A-Pô-li-ne khi đi Thụy Sĩ, ông Gô Ganh ở Tahiti, họ chỉ làm thơ… và vẽ thôi… đâu có viết ký sự, hành trình này nọ… hù dọa người?”
Thừa dịp này, một số thi sĩ tâm địa tiểu nhân đã trình lên bản kiến nghị tẩy chay các tác phẩm : “Ký sự đi Tây”, “Thư Mạc Tư Khoa”, “Thư Bắc gửi Nam”, “Mười ngày du ký”, “Hành trình về Phương Đông” v.v… lấy lý do là "gieo hoang mang lòng người, làm tủi thân những người không có phương tiện du lịch” – chủ tọa đoàn đã sáng suốt bác đề nghị kịp thời. (Nhưng bài “Vui biết mấy nghe con tập nói, tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin” phải xếp vào loại thơ hài hước, vì đại diện thơ giập mật phản đối, không chịu cho vào cùng môn phái, nại cớ là “nói phét quá”, hội nghị đã chấp thuận).
Trước bạo lực, các thi sĩ vẫn chống như xưa (nghị quyết của Văn Bút Quốc Tế (?): Chống bạo lực từ bất cứ từ đâu đến), vì thế buổi họp đã nhất trí cấm tuyệt tình trạng mang vũ khí vào thơ: bom đạn, súng ống, chất nổ…, và, để tránh tình trạng dựa hơi, mỗi quyển sách chỉ một người viết thôi, không có chèo kéo hết người này, người kia, cốt làm cho sách dày thêm (ý nói về quyển “Mười truyện Liêu trai” của tôi, 15 nhà văn góp mặt, - trong đó có anh – sắp xuất bản.)
Tôi hiện đang hoang mang lắm.
Buổi họp chấm dứt lúc 1 giờ rưỡi sáng (giờ Thái Bình Dương) buổi sáng ngày hôm sau, 29 tháng 9, 1989, (tức là năm Kỷ Tỵ), vì một số người giúp việc trong tiệm ăn tắt đèn, treo bảng “đóng cửa”, ngồi ngáp quá.
Ai về nhà người đó. Các thi sĩ chia tay nhau đi trong bóng đêm…
Và ai nấy biết chắc rằng từ hướng đông mặt Trời sẽ mọc.
Nay tôi tin anh rõ.
Thăng Long Văn Sĩ
(3)
THƯ ÂU GỬI MỸ
Helsinki 31/7/1989
Thăng Long Văn Sĩ nhã giám
Để mở mang kiến thức, theo đuổi công việc duy tân, tôi đã đi qua tám quốc gia Âu châu. Ấy là: Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức Quốc, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Pháp Quốc và Hòa Lan. Đến cuối tháng tám rẽ qua Nga La Tư thăm Mạc Tư Khoa và Leningrad, như vậy tạm đủ. Đi đâu cũng ăn mặc y hệt người bản quán, tập nói tiếng của họ, đối xử với họ một cách cực kỳ hòa nhã. Ngoài ra vẫn tiếp tục nghiên cứu cổ học theo phương pháp Tây học: Tìm hiểu người vượn Lạng Sơn, Núi Đọ (người vượn đi thẳng: Homo erectus), văn hóa Sơn Vi (Phú Thọ) văn hóa Hòa Bình (đã phát minh nông nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á từ hơn một vạn năm trước: niên đại các-bon phóng xạ của hang Sũng Sàm ở Việt Nam là 11.635+, - 80 năm cách ngày nay). Cũng đang nghiên cứu thơ và từ Đào Tấn, người làm bài Mạn Đề (viết miên man) nói là: kỳ cựu thông thông khứ, kỳ tân đắc đắc lai, khả liên kỳ lộ thượng, tương kiến hữu trần ai (dịch nghĩa: Cái cũ vội vã đi, cái mới xăm xăm đến. Thương thay trên ngả ba đường, gặp nhau ai nấy đều bụi bặm).
Như vậy tuy bận bịu với cái mới vẫn không quên cái cũ, dù cái cũ vội vã đi, cái mới xăm xăm đến, và trên ngả ba đường mặt mày bụi bặm nhìn những chân trời mới, lòng vẫn nghĩ về: Thăng Long (ba mươi sáu phố phường: Hàng Giấy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào. Người đài các, kẻ thanh tao. Qua Hàng Thợ Tiện lại vào Hàng Gai, Hàng Thêu Hàng Trống, Hàng Bài. Hàng Khay trở gót, ra chơi Tràng Tiền).
Chính tại nước Phần Lan này, sát biên giới Cộng sản Nga Sô, với dân số 4 triệu 9 trên một diện tích 338.127 cây số vuông, mà số hồ ao chiếm tới hơn 10% diện tích, tức là có tới trên 65. 000 cái hồ lớn nhỏ, lòng vẫn nghĩ về một cái hồ khác: Hồ Tây, còn có tên là Hồ Trâu Vàng (chuyện Khổng lồ đúc chuông) đời Lý thì gọi là Dâm Đàm tức “Mù sương”, hoặc còn gọi là hồ Lãng Bạc… một thắng cảnh Hà Nội… từ đời Lý, Trần các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát: cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên, cung Từ Hoa:
“…Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…”
Chính tại nơi đây, nước Phần Lan lạnh lẽo với những hàng cây bạch dương bay phất phơ trong gió Bắc Cực, lòng vẫn không khỏi nghĩ tới những cây hoa móng rồng, cây cau, cây chuối, món mỡ chài cuốn tôm cua, món ốc nấu giả ba ba, lươn xào lăn, món lòng chó luộc cho chín, quấn ống tre nướng lửa ngọn hoặc hấp cách thủy. Cũng không khỏi miên man nghĩ đến món mắm tép, mắm cáy, mắm cua, mắm rươi, mắm cá thu… và xin mở dấu ngoặc: thực ra thì đồ ăn ờ nước Phần Lan hơi nhạt nhẽo. Họ không ưa dùng nhiều gia vị. Quanh đi quẩn lại toàn cá hương cá hồi (tiếng Mỹ là cá trout, cá salmon) để sống, rắc muối, ướp qua loa hôm sau là ăn.
Nơi đây, buổi sáng thức dậy nghe con chim kivitasku nó hót: kivi là cục đá, tasku là cái túi, tạm dịch con chim túi đá, vì cái tiếng của nó nghe như mấy cục đá bỏ trong cái túi kêu cọc cà cọc cạch. Nơi đây, một buổi sáng lù mù sương khói, dưới vườn là những cây rau mã đề mọc đầy lối đi, những bông hoa hồng trắng nở bên cạnh những rừng thông xanh thẫm. Nơi đây, nhìn xa xa những nóc nhà cũ kỹ của thành phố Helsinki, bên dưới, con đường lát đá xám đen, cái gì làm cho tôi cứ nghĩ về Đà Lạt sương mờ, về Hà Tiên thập vịnh (Sóng bạc mênh mông mấy thuở vơi. Pha lê dọi sáng khắp đôi nơi…) ??? Sau khi lang thang lếch thếch Á Âu, Hương Cảng, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai… đã đeo tay nải lên con tàu Silja vượt biển Ban Tích tìm đến Paris, Lyon, Barcelona, Geneve, Sion, Hamburg, Copenhagen, Bremen, Dortmund… Sao mà cứ nghĩ đến Vịnh Hạ Long và ấm ức: Ba vạn chín ngàn cảnh đẹp trên thế giới đã nhìn thấy, lại thiếu mất một chốn này? Cái chốn mà Nguyễn Trãi cách đây hơn 5 thế kỷ đã nói trong bài Vân Đồn là:
Lộ nhập Vân Đồn san phục san
Thiên khôi địa khiết phó kỳ quan…
Cái chốn mà vua Lê Thánh Tông đề trên vách núi:
Cự lãng nông nông kiểu bách xuyên
Quần Sơn cờ cổ bích liên thiên…
Cái chốn mà chúa Trịnh Cương bảo bể lớn mênh mông họp cả các con sông lại, núi thì lấp loáng bóng nước, mà nước lênh láng lưng trời (Minh bột vô khai hối tống xuyên. Sơn liên tiên thủy, thủy man thiên…)
Cái chốn sau khi Cộng sản chiếm mất rồi thì một ông thi sĩ Nga Sô lò mò đến thăm, về nước khoe: “muốn có một ý niệm về vẻ đẹp quyến rũ của vịnh Hạ Long, phải lấy bờ biển xứ Cô Ca của chúng ta nhân với miền Nam Crưm, được bao nhiêu đem lũy thừa ba tích số đó” (Antôncônski)
Hỡi ôi, đi cho khắp bốn phương trời! Nước mình chẳng rõ, nước người lại thông.
Đêm qua nằm mơ. Một giấc mơ đại loại có chiến tranh và ái tình, cuộc giằng xé giữa những mối tình, ít nhất là hai. Tỉnh dậy hỏi mình những câu lãng nhách mà hàng triệu người nằm mơ đã hỏi: đâu là mộng, đâu là thực? Mình là người hóa bướm? Hay bướm hóa ra mình? Sung sướng thay lúc gặp lại những người xưa, dù trong một giấc mộng có súng nổ, có trốn chạy, có tình yêu, chiến tranh, rồi muốn quay vào giường, gõ cửa nằm lại trong giấc mộng.
Liếc mắt nhìn, thấy: Ngày chầm chậm, ngồi một mình, trời mãi chẳng chiều (xuân nhật trì – Nhật trì độc tọa thiên nan mộ). Nhìn ra cửa sổ thấy: hàng cây bạch dương bay phất phơ trong gió từ Bắc cực thổi về. Về đâu. Trẻ cũng khổ, già cũng khổ, hai đường biết sao. (Thiếu diệc khổ, lão diệc khổ. Thiếu khổ, lão khổ lưỡng như hà.)
…Muôn dặm người đi xa chưa về
Hiu quạnh buồn thay chuyện cũ
Bôn ba lưu lạc tự cười mình
Mặt tiều tụy và mái tóc đã rụng thưa
Sáng mai lại gặp Xuân!
Thân ái,
Văn Lang Thi Sĩ
(4)
GỬI BẠN ĐƯỜNG XA
Anh Văn Lang Thi Sĩ,
Ngày xưa có một anh qua xứ nọ (Phần Lan), kể là xứ ấy có tám vạn cái hồ. Bạn nghe ngợ lắm, hỏi lại:
- Làm gì mà nhiều thế. Vô lý. Đất đai đâu cho người ta làm nhà? Bèn vội vàng nói chữa.
- Vậy thì bốn vạn cái hồ vậy.
Bạn nghe rồi vẫn nghi lắm.
- Vẫn còn nhiều quá
- Còn hai vạn cái, tôi chắc lầm…
Bạn vẫn nghi, mãi rồi kết cục là:
- Còn hai cái hồ vậy. Tôi thấy tận mắt mà.
Bạn cười.
- Thế thì hơn gì quê nhà mà anh cứ kể lèo nhèo, khoe khoang. Ít ra Bắc Việt, ngay thành Thăng Long, chúng tôi cũng có hai cái hồ, hồ Trúc Bạch và Hồ Gươm. Hồ Gươm thì chỏm giữa hồ như cái bút, nước hồ lênh láng như mực, thật là viết thơ lên nền trời.
Anh đi xa kia quê lắm. Giống như chuyện con rắn vuông vậy. Thành ra đi xa mà không gửi hình, gặp người biết cách hỏi vặn, chỉ tổ làm mình thành anh nói thêm nói bớt. Thời đại này có máy hình, lần sau những cảnh dân Phần Lan rượt đuổi nhau trên ruộng lúa mùa hè (một anh chạy trốn, bốn cô Phần Lan dậy thì rượt đuổi) xin anh chụp hình về làm bằng. (Nếu chạy trốn về ban đêm nhớ chụp flash).
Tôi kể sơ sơ những thành tích của anh, những cảnh trí anh gặp nơi đất lạ quê người, anh em ở Cali nghe phục lắm. Ông Nguyễn Trường Tộ kể chuyện đèn treo ngược, ông Bùi Viện thấy quân pháp xứ người, viết sửa đổi quân pháp xứ mình, thực là những áp dụng, cải cách hữu ích về sau.
Anh đã vào nhà ông Van Gogh, số 7 Paulus Potterstraat, Tel (20) 764-881 ở Amsterdam, Hòa Lan? Anh đã dừng chân ở đảo Ibiza, thuộc quần đảo Balearic, cách bờ biển Tây Ban Nha 50 dặm, cách bờ biển Phi Châu 140 dặm? Đã uống Sangria và ngồi xe lửa chở rạ? Mỗi lần nhận thư anh, tôi lại điên lên vì cảnh lạ đường xa. Nghe đâu anh sắp được qua Nga Sô hoặc đi Tây Tạng? Tôi mơ những sự bí mật. Tôi mua và đọc nhiều loại tạp chí du lịch, chả hạn như Travel & Leisure, mang máng rằng, nghe đâu một quần đảo bên Tích Lan, khí hậu ôn hòa, khung cảnh riêng rẽ, được các ký giả du lịch xếp loại nhất trên thế giới. Ở đây, ai cũng không có thâm cảm gì nơi tôi, đâm ra tôi mơ màng mà toàn những người, những tâm hồn sâu sắc kỳ lạ ngồi với nhau, nói cùng một thứ tiếng, ăn bữa cơm thiệt ngon, Vincent Price sửa soạn rượu do Ersnt Bardof – người pha rượu của Sacher Hotel bên Áo, thực khách gồm E. Kant (hay thích cà phê) nên tôi xếp ngồi cạnh Voltaire, Casanova (sau khi tán gái, ngồi 13 năm trong thư viện, đọc sách và sám hối), những tâm hồn nổi loạn như Hitler, tôi xếp cho ngồi cạnh Tản Đà, Cao Bá Quát được xếp ngồi cạnh Mao Trạch Đông, ông Socrates ngồi cạnh tôi và Karl Max. Tôi thích số chẵn, người pha rượu E. Bardof và người dọn bàn, điều hành viên Vincent Price, là đủ mười hai.
Mỗi khi Hitler tuyên truyền thuyết chủng tộc thượng đẳng, chắc Tản Đà cười ý nhị là đủ mất sự hung hăng, Mao Trạch Đông hơi ngượng khi khoe sách Đông Phương Hồng với Cao Bá Quát. Còn Socrates, vốn là người mạnh rượu và hay nghe hay hỏi, chắc tôi được học hỏi nhiều những câu đối đáp với tác giả Del Capital… Những người lạ lùng như vậy, nhờ có thung lũng Silicon, gắn vào cuống họng những máy điện tử chuyển âm làm ai cũng hiểu ai, tha hồ uống rượu, ăn cơm tây, ngắm trăng… mà bao nhiêu là điều, bao nhiêu là ý kiến mà tôi vui thích. Chả hạn, tôi sẽ thắc mắc là “loài người có bao giờ hòa thuận được với nhau không?” hoặc “chủ nghĩa Cộng Sản sau khi tuyệt diệt rồi, liệu nhân loại có chịu những thảm họa nào khác, có khi ghê gớm hơn trong tương lai?” hoặc “chúng ta có nên… đi tu không?”, chả hạn “Hay là đi buôn nô lệ như ông Rimbaud?”
Tạm thời chưa gặp một bàn ăn gồm toàn những đầu óc phong phú, kỳ lạ như trên, tôi đành hỏi anh vậy.
Thân mến.
Tái bút: Nếu anh không trả lời gấp, tôi hỏi anh Mai Thảo hay anh Phạm Công Thiện.
Thăng Long Văn Sĩ
(5)
THƯ ĐÔNG GỬI TÂY
Bangkok Nov. 19, 89
Anh Thăng Long Văn Sĩ thân mến,
Đã thám hiểm Hy Mã Lạp Sơn, đã tắm nước sông Hằng. Ở Ấn Độ năm tuần, đi một vòng nước Ấn ngược chiều kim đồng hồ: đến thăm vườn Lâm Tì Ni – xin Phật bốn lá Bồ Đề tại cái cây con cháu của cây bồ đề thuở xưa Ngài ngồi thiền trước khi đắc đạo (Họ bảo thế). Ở tại thung lũng Pokhara nhìn ngọn Hy Mã Lạp Sơn (thung lũng Pokhara có hồ Pewa, chung quanh có núi bao bọc với những làng bản lấm chấm nâu trên núi xanh cao). Một tuần lễ tại thủ đô Katmandu. Đến Bangkok hôm Nov 15. lại những chuyện tình phức tạp, luôn luôn dang dở lôi thôi. Đàn bà và đứa trẻ, một chuyện như của anh. (Hay ho gì cứ đem viết báo?)
Thư anh đến Bangkok trước tôi lâu. Mất cuốn địa chỉ ở Hòa Lan nên đứt lối khoe đường xa xứ lạ (Nhờ vậy hoàn toàn nghỉ ngơi). Tắm trong ánh sáng xứ Phật! Qua chợ sông Âm Phủ, không ăn cháo lú mà tất cả như giấc mộng sắp quên! Tôi kềnh càng mua một cây đàn si ta ở Ấn Độ, vác lễ mễ trong một cái thùng gỗ như Việt Cộng hò kéo pháo.
Bàn về bài báo và bài thơ của anh gửi: Bài báo vẫn giọng ranh mãnh, sắc sảo, biết cách biến chế từ chuyện xưa tích cũ một cách duyên dáng như thường lệ. Đọc rộng nhớ nhiều. Nhiều điển tích. Nhiều tên các danh nhân, người ít học ắt phải khâm phục, kẻ học rộng vẫn hoang mang.
Còn thơ thì tuyệt. Ngắn gọn trữ tình, biết cách dùng những chữ tầm thường của nhà nước (như kế hoạch) thành những chữ cao cả, êm ái. Chưa kể tinh thần khoáng đạt, sử dụng ngoại ngữ một cách ung dung táo bạo (toilet-seat, goddamn it. Bọn học tiếng Nga không trau dồi tiếng Mỹ sẽ không thể hiểu, phải mất nhiều thì giờ tra tự điển, hỏi dò). Đó là một bài học.
Phần tôi, đi đường từ nước này sang nước nọ, tất phải tức cảnh sinh tình. cũng có làm mấy bài thơ nhưng còn vụng nên chưa dám khoe. Dạo này khiêm tốn hơn trước. Kể ra cũng được một số người vị tình, đã đủ, không dám đòi hỏi nhiều.
Đi từ mồng 5 tháng 6, đến nay gần sáu tháng, lê la mười bảy, mười tám nước: nói chuyện với người trên tàu lửa, uống trà pha sữa trâu với phu xe Ấn Độ, trà gừng bỏ muối với người Tây Tạng. Thăm thủ đô ánh sáng Ba Lê. Đi tàu mười tầng trên bể Ban Tích. Nghe đàn Flamenco ở Barcelona. Sự việc gặp thấy, xảy ra cũng nhiều, kể làm sao hết? Kể, lại nói là chuyện đèn treo ngược. mà tôi tính tình thơ mộng, có chuyện không vẫn tưởng là thật. Ở đất Phật thấy có là không, nói sao hết?
Bao giờ gặp lại anh em, đông đảo xúm xít, nhớ chuyện gì nói chuyện đó. Ai có tài viết, cứ nghe rồi viết lại, ắt cũng thành những áng văn bổ ích cho độc giả: khỏi đi xa vẫn biết nhiều hoặc nghe chuyện bông lơn vẫn hay. Nam Hoa Kinh là một ví dụ cổ điển.
Lúc ở Mạc Tư Khoa có gửi cho mỗi anh một cái cạc bốt tan, chắc nhận được rồi? Khối Cộng Sản biến động thế nào, đọc báo biết cả? Khi về mắm muối kể thêm, biết gì nói đó, khỏi cần bớt (80.000 cái hồ ở Phần Lan có thật. Ấy là theo các sách du lịch. Cũng có cuốn nói là 65.000 cái. Riêng tôi thấy tận mắt con số rất nhiều chớ không phải là hai cái). Anh là một nhà văn mốm mép. Tài biện bác đáng bực Trương Nghi, Tô Tần bên Tàu.
Năm ngoái xứ Thái hấp dẫn bao nhiêu, lần này lạnh nhạt hờ hững bấy nhiêu. Nghe nói anh Hùng Taekwondo đến tháng Mười Hai sang du lịch, nhưng chắc sẽ không gặp. Định đi quanh một vòng Đông Bắc Thái Lan, rồi qua Mã Lai xem lại cảnh xưa, người cũ. Cũng bắt đầu nhớ gia đình, bè bạn anh em, nhưng ngày về chưa biết, vé tàu bay chưa có.
Nền văn chương Việt Nam ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ chắc mỗi ngày vẫn một khá. Văn sĩ G. ôm bộ chuyện dài 2000 trang đi tiếp tân, ăn tiệc, diễn thuyết đã nhiều? Văn sĩ P. tân chủ bút mỗi ngày vẫn cau có, thỉnh thoảng quát to một cách nghiêm nghị? Nha sĩ T. lo chuyện nha khoa một cách đứng đắn, luôn luôn giữ lập trường chính nghĩa? (Hồi qua Đức ghé Dortmund, tôi và Thế Giang nhiều lần gặp nhau trên khía cạnh cởi mở tình cảm, than ôi chẳng biết bao giờ gặp lại?)
Đời, một chuỗi vui buồn. Cũng như mọi người vậy thôi! Nhưng di chuyển nhiều, qua nhiều không gian, đi tàu bay siêu tốc, rút thời gian, cái vui cái buồn cũng nhiều hơn chút ít. Vui, vui gớm! Đau, đau khôn xiết (nhưng không khóc! Không muốn! Không cho phép! Không!)
Kẻ đã tắm giữa dòng sinh tử
nhìn mặt trời lên trên sông Hằng
Tử thi đầy quạ đậu
Đi trên những chuyến tầu
nay đây mai đâu
Đến đây chấm hết
Bạn đường xa,
Văn Lang Thi Sĩ
(6)
California 9.91989
Anh Tr.
Anh cực đoan (chống Cộng quá nhiều). Tôi nhìn xa “Chế độ Cộng sản không nên tiêu diệt, nên giữ lại một chút để làm kỉ niệm: Con mammouth, con dinosaur… vì tuyệt diệt nên người ta thương nó mãi. Tôi đã viết rằng mai mốt chế độ Cộng Sản tuyệt diệt, biết đâu nhân loại chịu thảm họa khác còn hơn? Thảm họa nhân loại đi theo lũy tiến: Từ Alexandre de Grand, Gengis Khan, Napoleon, và Cộng Sản… từ bé luôn luôn xé ra to.
Ấy là cái nhìn tiên tri của tôi. Bọn Lê Duẫn, Đặng Tiểu Bình chết đi, biết đâu bọn khác còn ghê gớm hơn (đọc Cổ học Tinh Hoa, Túi khôn của loài người thì biết: Bọn tham quyền cố vị cũ vốn đã no bụng, bọn mới lên vơ vét còn kinh hơn (Thuế vụ, Hành chánh vân vân).
Hiện giờ mình không nên làm quá. Văn chương anh đã được đăng lại ở Sài Gòn. Anh là Dương Thu Hương của hải ngoại. Tôi là Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Cô Kiều Chinh hôm nọ có gặp tôi, cô ta hay nhìn trộm tôi. Vì anh, tôi đã phải châm thuốc cho cô ấy.
Tôi chưa gặp Trần Dạ từ. Sẽ rủ đi chơi. Tôi đã gặp anh T. xuống nhà tôi.
Và tôi đang sửa soạn ra cuốn Tân Liêu Trai (có lời bình của anh).
Cuốn kế, sẽ viết Triết Học Thường thức.
Cuốn kế, sẽ viết Tiểu Thuyết ( Roman) chứ không là truyện ngắn: đi vượt Dương Thu Hương, Phạm thị Hoài, Mai Thảo, Võ Phiến… bông sua với Octavio Paz, Gabriel Marquez, Marcia Montalban… mới bõ công tôi.
Tôi mới làm thơ tình: Nhật Tiến, Thùy Hạnh đọc thì… rú lên. Báo anh biết.
Q.
(7)
Đảo Koh Samui, Nam Thái Lan Dec. 10, 1989
Anh Q.
Năm 1988 vừa qua, Thái Lan thu hơn 6 tỷ Mỹ kim nhờ kỹ nghệ du lịch. Xuất cảng gạo là số 2. Việt Nam vẫn là nước đứng đội sổ trong bảng nghèo đói thế giới. Nhắc với anh như thế.
Tôi đang tạm dừng chân nghỉ mệt tại hòn đảo Koh Samui Đông Nam Thái Lan. Trong hai năm nay nhìn thấy, nghe thấy nhiều, bảy tháng qua lặn lội trong đống gạch hỗn độn trên thế giới, tôi không biết sắp xếp thế nào. Cũng không có nhiều nhu cầu phải ghi lại, nói ra, nói với. Lặn, ngụp, thở, đi, bay, nhìn xuống, nhìn lên, tôi vẫn đang học tập. Chuyến xe lửa vòng Ấn Độ vừa rồi là một hành trình mệt nhọc, bẩn thỉu, nóng nảy. Cảnh nghèo khổ, cảnh ở ga xe lửa, bị vây bọc giữa những ngươờ piphu xe, những người đổi tiền chợ đen, những người hành khất...làm người ta điên đầu. Đồ ăn, nước bẩn làm người ta đau bụng, ỉa chảy. Cứt bò, cứt lạc đà, cứt người, nước đái, đờm rãi, vi trùng lao, làm cho người ta tởm.
Nhưng trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn tuyết phủ trắng xóa chọc trên nền trời lúc ánh dương mới mọc, mặt hồ Pewa êm ả, những con cá chép quẫy trên mặt sương…. Những cái làm cho người ta phẳng lặng, trong sạch hơn.
Dec. 12, 1988. Hôm nay thức dậy muộn. Từ lâu, có lẽ đã nhiều năm không có một buổi sáng êm ả như sáng nay. Thức giấc, nằm lười biếng trên giường. Đêm qua chúng tôi phóng xe mô tô chạy vòng quanh đảo dưới ánh trăng tròn (xuyên qua những rừng dừa), mãi đến bốn giờ sáng mới về nhà trọ.
(8)
SÁU THÁNG SAU KHI VỀ MỸ
Anh Tr.
Hôm nay, ngày 4 tháng 6, 1993 tôi mới nhận sách anh. Sách ấy, hôm qua ông Văn Nghệ cũng vừa cho tôi ở nhà sách Văn Khoa. Xin vào đề ngay. Tôi vốn không phải người làm văn nghệ (bút hiệu Thăng Long Văn Sĩ đã nói rõ như thế). Chẳng qua vì thời này, chỉ còn dùng giấy mực để nói chuyện với người khác, nên phải viết. Viết cái gì? Viết cái chi phối chúng ta, xét lại lý do tại sao là nạn nhân. Và cùng nhau giải quyết, cải thiện hiện tại. Người nước nào cũng phải như thế trước nguy cơ nước họ. Như vậy phải suy nghĩ chính trị. Tâm tình khác nhau, nhưng ý chí giống nhau. Để thống nhất tạo sức mạnh, phải có kiến thức nhiều chiều. Suy nghĩ mãi tôi càng truy lùng chữ Chống Cộng, lại thấy là bị lừa. Lần này nặng hơn: Trong chiến tranh Việt Nam giết nhau đến chết, người còn sống thành dở người ra. Trong nước, bọn dở người nhất đang đang điều hành và bảo vệ Chủ Nghĩa và Đảng. Ngoài nước, bọn dở người nhất, chính là bọn Chống Cộng Vỗ Ngực. Nghĩ mãi, tôi mới thấy đó là chân lý. Điều này ai giải quyết, nếu không phải giới cầm bút? Nhưng mà giới cầm bút thích tâm tình, “được lòng mà không được việc”. Toàn bộ mặt đĩ bợm, lưu manh, ích kỷ, hưởng lạc. Mỗi lần nghe đến tên “văn nghệ sĩ” là tôi run như rẽ. Bọn này luôn luôn tôi xếp dưới trong bảng xếp loại làm người, làm thú.
Nào, chúng ta đặt thế nào là Chống Cộng? (4W + 1H)
Người chống Cộng là người miền Nam? Sai. Là người yêu nước. Sai.
Người chống Cộng hiểu thế nào là Cộng Sản? Có ai giảng cho hiểu chưa? Chưa.
Chống Cộng khi nào? Chả bao giờ chống cả: Toàn Mỹ nó bảo
Chống Cộng bằng cách gì? Viện trợ (mất chính nghĩa, hết tiền hết chống).
Để làm gì? Ăn sung mặc sướng (hèn quá. Dân tộc Việt đâu có thế?)
Cách nào? Súng đạn (thua rồi mà)
Chống ở đâu? (San Jose? Toàn là chống nhau)
Chống Cộng có thông minh không? Có dùng binh pháp không? Có xôi thịt không? Có chụp mũ không? Xem các đặc tính của bọn văn nghệ sĩ + chống Cộng mà chúng ta, thế hệ sau, qua Mỹ… đã thấy, chúng dưới cả con vật.
Chúng không biết thế nào là hòa hợp hòa giải, không hề biết chống Cộng, không hề có sức mạnh, điên cuồng nhưng không can đảm, bất tài lại hèn hạ. Đần độn và lưu manh.
Cứ xem bọn chống Cộng ấy muốn gì, thích gì mà nghĩ ngược lại: Đấy là Dân Tộc muốn đấy (Cấm vận, Du Lịch, Đoàn tụ, Bang giao).
Bọn chống Cộng kiểu ấy, chính là bọn hợp tác với bọn điều hành chế độ hiện nay. Chúng chỉ hưởng thụ – cách hưởng thụ + đểu cáng của chúng dù trong hay ngoài nước – rất giống nhau. Bọn hút máu dân, bọn ăn thừa Mỹ.
Nhưng mà dưới bọn chúng, sợ bọn chúng là ai?
Là bọn Văn Nghệ Sĩ văn nô, bọn báo chí thủ dâm, đĩ bợm.
Chào anh,
(10)
Quận Cam, Nam Cali ngày 5/6/93
Anh Tr.
(Tác giả Chuyện Của Một Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải).
Tôi đã nhận được sách, hình ảnh, bài tường thuật về cuộc Hội Luận và cuộc ra mắt sách của anh ở San Jose ngày 22.5.93.
Xin cám ơn anh.
Nhân tiện, có cái đính chính về liệt kê danh sách người tham dự trong đó có tôi. Hôm ấy tôi ở quận Cam, gác dan đến 4 giờ sáng. Nếu không phải sự trùng tên, xin anh đính chính dùm cho.
Tôi có vài ý kiến xin được góp ý để rút kinh nghiệm cho những tổ chức Hội Luận về sau, toàn là nhận xét khách quan xây dựng. Sau khi đọc kỹ các bài báo, thực ra chỉ có 4 chuyện quan trọng:
1/ Hòa Hợp Hòa Giải
Lần ở San Jose, đã rõ ràng: Không HHHG với Việt Cộng. Nhưng giá mà nói rõ ra là NÊN với ai, thế nào, ở đâu, tại sao… thì thật là đầy đủ (theo tiêu chuẩn MỸ: 4W + 1H). bởi vì người Việt bao lâu nay hô hào đoàn kết. Hễ còn như vậy, thì phải đã có rạn nứt . Các Mặt Trận, Đoàn thể có nên HHHG với nhau không? Các tay sai , bù nhìn, dở hơi, cám hấp có HHHG không?
2/ Chống Cộng
Cũng như trên. Chống thế nào? Ai chống ít? Ai chống nhiều? Thật tâm hay giả vờ? (Cũng áp dụng phương pháp Mỹ (4W + 1H)
3/ Chào cờ
Tôi rất vui thấy quốc ca vang lên, quốc kỳ ngạo nghễ tung bay trong gió. Trước 75 đã như vậy rồi. Nhưng lỡ bọn lòng lang dạ thú cũng chào thì sao? Nào ai lấy thước mà đo lòng người? Cho nên, giống như người Iran mỗi khi tụ họp, để tăng khí thế chống Mỹ, họ đốt cờ Mỹ. Như vậy, chào không, không đủ. Mà để nổi bật tinh thần chống Cộng, khảo sát bọn đón gió trở cờ cùng chào không, chúng ta có thể (trước khi chào cờ vàng) bắt làm cuộc trắc nghiệm như:
- Đốt cờ đỏ
- Xé cờ CS
- Kéo lê dưới đất vài vòng quanh kỳ đài
Đặc biệt là phải bước qua cờ đỏ (tỏ rõ lập trường) rồi mới cùng tiến vào kỳ đài. Nên nhớ: Chống Cộng là một tôn giáo!
4/ Chuyện các Thiên Thần Mũ Đỏ và quân phong quân kỷ
Nếu tượng trưng cho một binh chủng kỷ luật, phát biểu về quân phong quân kỷ, tôi đề nghị đại biểu phải được ủy quyền chính thức, quân phục chỉnh tề, tóc tai gọn ghẽ (để phân biệt với người không phải là Nhảy Dù cũng nhận là Nhảy Dù, vì đã có nhiều trường hợp không chống Cộng đã cứ nhận là chống Cộng). Bọn giáo chức, công chức… các nhà văn thì phải mặc thường phục (vì thuộc phe vô kỷ luật). Tương phản như thế, mới nổi bật tinh thần kỷ luật bên nào cao.
*Trường hợp độc giả đối chất với nhà văn thì khác. Y phục sao cũng được, nhưng không được lòe loẹt quá (y phục xứng kỳ đức). Phụ nữ phải mặc kín đáo. Trẻ con không chạy nhảy v.v…
Nếu những ý kiến bổ túc trên đây có đóng góp gì thêm được thành công cho các lần hội luận, thảo luận, bàn luận của người Quốc Gia, xin anh công bố để được cứu xét. Như vậy xin cám ơn anh và các báo chí.
Anh Quy
Tái bút: Nghe binh chủng Nhảy Dù đã được xin lỗi. Dù tình trạng vô kỷ luật và cướp phá ở miền Nam trong chiến tranh có thật, nhưng vì tôi đã có ở trong:
1. Thiết Giáp
2. Bộ Binh
3. Xây Dựng Nông Thôn…
Xin anh nhắc các tác giả nào muốn viết, xin tránh ba đơn vị ấy ra nếu không biết chắc tên thủ phạm… Nếu không, tôi sẽ đối chất với họ. Sẽ lại phải xin lỗi nữa.
Phải, chính tôi sẽ bắt họ phải xin lỗi.
Về phần anh, trường Hành, trường Văn (Hành Chánh và Văn Khoa) là hai trường anh phải bảo vệ.
Anh T. thì trường Y, trường Dược (Y khoa, Dược khoa) vân vân
Đơn vị nào, anh ấy bảo vệ. Trường anh nào anh ấy bảo vệ. Ăn cơm nào, thờ ma ấy.
Tái tái bút: Về kích thước và thể thức lá cờ. Nên to bằng cờ Mỹ. Nếu bé hơn, nên một chín một mười. Rút kinh nghiệm kỳ đài ở đường Bolsa, hai lá cờ treo chung một cột, cờ Việt nhỏ hơn cờ Mỹ (như bố với con) lại treo chung một cột, rất khó coi, ai cũng ngại chụp ảnh. Tôi chưa được lên chiêm viếng kỳ đài (San Jose), nhưng có treo riêng hai cột không? Nếu mua hẳn một miếng đất, treo một cờ nước mình thôi thì rất tốt.
Kính thư
(Ban Quân nhạc và nhóm hầu kỳ khi nào dư dả sẽ tính sau)
Santa Ana ngày 4/6/1993
Kính gửi Thời Báo, (San Jose)
Trong bản tin “Văn nghệ sĩ dự tiếp tân và tham dự lễ chào cờ tại Kỳ Đài Việt Nam” của quý báo ra ngày 25/5/1993, có đăng danh sách những người tham dự buổi tiếp tân, “với sự hiện diện của [… ]…” chúng tôi thấy có tên tôi.
Tuy đây là một loan tin trong bài tường thuật của một sinh hoạt ra mắt sách, chúng tôi cũng xin đính chính là “chúng tôi, Vũ Huy Quang, đã không có mặt trong buổi đó”. Trân trọng cám ơn Tòa Soạn.
(ký tên V.Q.H.)
*
VÀI BÀI THƠ LẺ
trích chương 26
THƠ BẮC GỬI NAM
San Jose, 11 tháng 11, 1987
Thăng Long Văn Sĩ thân mến,
Còn gì để nói ở trong thơ?
Hồn đã lặng thinh, mắt đã mờ
Bốn phương mù mịt như sương khói
Mỗi người một mảnh một tâm tư
Tôi ở miền xa mới trở về
Bay từ Texas tới Ca Li
Lòng hoang mang lắm trên trang giấy
Muốn viết nhưng rồi chẳng viết chi
Mà nói cho ngay – biết viết gì
Khi đời bế tắc viết nhau chi?
Đứa dăm chai ngủ chưa tròn giấc
Đứa vẩn vơ hoài những chuyến đi
Từ chốn xa về với lá khô
Với mây hiu quạnh gió phiêu du
Mang trong trí nhớ dăm ông bạn
Mới nửa đường thôi đã mệt đừ
(Trong chiếc rọ này một lũ cua
Quơ quào nhau mãi chuyện ăn thua
Tính xem, cả lũ đều thua cả
Tổng kết tình hình: Ta vẫn thua)
Tái bút:
Đầu mùa đông mắt bỗng dưng mờ
Còn gì để nói ở trong thơ?
- Xưa anh hoàng tử trên lưng ngựa
Nay thằng gù trong xó nhà thờ!
Mong thư,
(Văn Lang Thi Sĩ)
SÁNG THỨ TƯ CHỚM XUÂN ĐI DẠO
Anh kể em nghe chuyện mặt trời
Cỏ xanh vàng óng ướt sương mai
Trời xanh lơ nhạt và mây trắng
Chim hót reo mừng buổi sớm mai.
Trời sáng trong lòng cũng sáng trong
Tia nắng sau lưng sáng trắng vàng
Bước trên cỏ ướt từ ban sớm
Giữa nhịp cầu hai đứa trẻ con
Tường trắng như vừa mới quét vôi
Bà cụ ra sân sưởi mặt trời
Gió xuân lát nắng lên hè phố
Khi chớm xuân về một sớm mai (*)
(*)Khi chớm heo về một sớm mai
Thơ Quang Dũng?
San Jose. 19-3-1987
VĨNH BIỆT
Vĩnh biệt Mozart vĩnh biệt bài tang chế
Chúng tôi yêu, đang muốn được yêu
Vĩnh biệt những người nằm xuống
Chúng tôi vẫn phải mọc lên
Chào Mozart, chào buổi sáng mùa xuân
Chào sớm mai chim hót trên cành
Vĩnh biệt anh vĩnh biệt những người nằm xuống
Chúng tôi vẫn phải mọc lên
Chào Mozart, chào quán cà phê buổi tối
Chào cuộc đời thật sự ở chung quanh
Chào hết thảy những người tôi quan sát
Tôi đứng trên quan điểm ái tình.
(San Jose, 19.3.1987)
XUÂN VỀ TRÊN ĐẢO BI ĐÔNG
Đêm giao thừa
Bẩy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa
Mùa xuân tới bao giờ?
Nhưng sau Tết ra sao
sẽ đi đâu
Đời tha hương vẫn những chuyến tàu
chờ đợi bao lâu?
Khi Tết đến vết thương mưng mủ
Vết thương đời/ mãi chẳng mọc da
Đạn vẫn nổ trong tim người
trong tim lịch sử
trên linh hồn/ trên máu xương người lính cũ
Mảnh tâm tình tan tác trời xa
Những niềm đau như nứa tuốt thịt da
Nhìn về quê
Anh chị em
cô dì/ chú bác/ mẹ cha
Người yêu dấu
Bước ra đi chắc trọn đời xa cách
Mấy người đi
mà có ngày về
Nuốt tủi nhục
uống chung niềm cay đắng
Câu chuyện dài đã mấy chục năm
Bên kia/ người héo hắt lầm than
người mất hút/ xó rừng hốc núi tối tăm
Bên này/ người trôi giạt giữa đại dương
Biển sâu mất xác/ đảo hoang dựng mồ
Bé gái mười hai
mang thai hải tặc
Bé trai mười một đội vành khăn trắng
Mắt con thơ đẫm lệ
Tìm bóng cha chỉ thấy sóng bạc đầu
Cháu ơi
hãy xếp vành khăn lại
Một mai đây mang tới phương nào
Đêm giao thừa
bẩy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa?
Mùa xuân tới tự bao giờ?
Vui như Tết/ nụ cười vẫn nở
Nỗi đau buồn đem giấu giữa trăng sao
Đêm hôm nay/ gió muôn trùng họp mặt
Đưa những thân dừa vươn ngọn tới trời cao
Mùa xuân đến tự bao giờ
Có nghe gió biển phất cờ đuôi nheo?
Dẫu trời chẳng nở cành mai
Nhìn ra hải đảo vẫn hay xuân về…
(Pulau Bidong, tháng Hai, 1988)
CÓ VÀ KHÔNG
Cái gì bế tắc phải khai thông
Nước nguồn phải chảy ra sông
Có là có không là không
Cái gì có, cái gì không?
Có hận thù đau thương khắc khoải chờ mong
Có nhà tù trại giam cuộc sống lưu vong
Không có ấm no tự do bình yên hạnh phúc
Có nước mắt
Không có nụ cười tiếng hát
Vừa có vừa không, niềm tin đã mất.
LẨM NHẨM ĐỌC TRÊN ĐƯỜNG ĐI
Lý sự gì lý sự cùn
Cái đầu lầy lội vũng bùn văn chương
Họa may viên đá lót đường
Tấm lòng tôi trải dặm trường anh đi.
SELAMAT JALAN
(Thượng lộ bình an)
Đã từ lâu không cùng ai mơ một điều gì
như chuyến tàu cứ đến rồi đi
Sống cuộc đời của người lữ khách
sau một quãng đường là sửa soạn chia ly
Đã từ lâu không còn ai để nói
những điều xẩy ra và đã quên đi
Giấc ngủ may không mộng mị
Đêm dài còn mộng làm chi
Từ lâu giống con rắn nhỏ
từ rừng núi thẳm trườn đi
Nằm mơ giữa trời cao rộng
cuộn mình làm gã tình si
Trang nhật ký đã dày
Tấm hình xưa đã ố
những người cứ đến rồi đi
Tôi cũng thế
cứ đi rồi đến
rồi đi
Từ lâu vẫn tìm hạnh phúc
như vầng trăng cuối đường soi
đêm đứng im nhìn bóng tối
chờ ai gọi giữa cuộc đời
Hôm nay
nhớ vườn cao su xứ Mã
Có đêm rừng đổ cơn mưa
Chuyến xe đậu
ánh đèn chai nhấp nhoáng
Bước vào
một giấc mơ xưa
Rất tiếc. Nhiều lần lỡ hẹn
bên cồn cát mịn hoang mang
Hôm nay nghĩ về dĩ vãng
Nói thầm: Thượng lộ bình an
Selamat Jalan
(Berkeley 1.4.1991)
GẦN MIỀN BẮC CỰC
Ở Rovaniémi gần miền Bắc cực
có ba gia đình Việt Nam
sống giữa một làng Phần Lan
Họ đếm: Yski là một
Kaksi là hai, Kolmé là ba
Nelja là bốn, Viisi là năm
Đã năm mùa Đông – bốn mươi độ dưới không
Chúng tôi nghe ở bên kia biên giới
Liên Sô có đảo chánh, họ nói
Nhưng không đọc được báo Phần Lan
Chúng tôi nghe Liên Sô vẫn đổi mới
Cộng Sản đã suy tàn, họ nói
Nhưng không rõ Việt Nam
Họ rền rĩ nói
Biết bao giờ trở lại Việt nam
Ở Rovaniémi gần miền Bắc cực
Ba tháng mùa Đông không thấy mặt trời
Chúng tôi sống dưới ngọn đèn lù mù, họ nói
“nhưng vẫn mong mặt trời sớm mọc ở quê hương”
(Turku, tháng Chín, 1991)
(Trích Ngọn Cỏ Bồng – Nguyễn Bá Trạc)