Tôi may mắn được đọc, đem lòng yêu thích, rồi viết lời bình cho cả hai bài thơ “khát tình cuồng nhiệt” của hai nhà thơ nữ. Chạm của Đậu Thị Thương (1) và Trái Tim Rao Bán của Đinh Thị Thu Vân (2) đều là những bài thơ hay và có nét độc đáo riêng. Tôi đã có ý, lại được một người bạn đề nghị, nên đặt hai bài thơ cạnh nhau để so sánh. Dĩ nhiên, để bài viết có tính thuyết phục tôi sẽ dựa vào và bám sát những tiêu chí thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ. Trong trường hợp hai bài thơ này những tiêu chí đó sẽ là: tứ thơ, ngôn ngữ thơ, hình thức, cách kết thúc bài thơ, lỗi kỹ thuật và sau cùng là cảm xúc và hồn thơ. Nếu trong số độc giả có người có tạng hợp với cách phân tích và đánh giá thơ này, qua đó, đến cuối bài, có thể tự mình chọn được bài thơ nổi trội hơn, thì - chỉ việc đó thôi – đã là phần thưởng nhiều ý nghĩa cho người viết. Thôi thì “mèo bé bắt chuột con”, bước đầu cũng cứ mong như thế đã. Và bây giờ mời bạn đọc cùng tôi bước vào khung cảnh thơ của Chạm và Trái Tim Rao Bán. (3)
CHẠM
Vùi vào tóc anh
Chạm
rong rêu đại dương, ẩm mục rừng già
ngai ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm sợi đa đoan
nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền
ẩn mình lặng lẽ
Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ trong lời thầm thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên
Vùi vào tay anh
Chạm đường vân quen mịt mùng lạc lối
Chạm vết thương sâu dấu chai cằn cỗi
Hôn ngón yêu thương
Chạm ngón lạnh lùng
Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.
(Đậu Thị Thương)
Trái Tim Rao Bán
có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán
một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau - niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán
một ngày
mõi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình
cho bớt chông chênh...
(Đinh Thị Thu Vân)
Tứ Thơ:
CHẠM:
Tác giả kể lại cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc của mình trong một đêm được đắm đuối mê say dâng trọn cả tâm hồn lẫn thể xác cho người yêu, nhưng bừng tỉnh mới biết đó chỉ là giấc mơ.
Đã là con người ai cũng có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc không phải chỉ là vấn đề ăn mặc, chỗ ở an toàn ấm cúng, nghề nghiệp ổn định mà còn là những nhu cầu khác. Đó là yêu thương, được yêu thương và thỏa mãn những khát khao xác thịt. Đối với xã hội còn nặng nề nếp Nho giáo như Việt Nam, việc phụ nữ đề cập hay bàn luận chuyện phòng the, về mặt đạo đức, xã hội tuy không phải là điều tuyệt đối cấm kỵ nhưng vẫn còn bị nhìn với đôi mắt khá khắt khe. Cô giáo Đậu Thị Thương đã viết và phổ biến bài thơ Chạm với tên thật của mình thì phải nói cô vô cùng can đảm.
Cái sung sướng nhất của người đàn ông trong chuyện gối chăn là được người phụ nữ mình yêu cũng hết mực yêu mình, đang lúc cơn thèm khát nhục tình lên đến cực điểm, đã với cung cách tận tụy ân cần, đem trọn vẹn thể xác và tâm hồn đắm say cuồng nhiệt hiến dâng. Đó chính là cung cách của Đậu Thị Thương khi bước vào cuộc ân ái. Cô đã thi vị hóa chữ dâm dung tục của người đời. Qua ngôn ngữ thơ của cô chữ Dâm (viết hoa) rất đẹp, rất trong sáng và nhân bản.
TRÁI TIM RAO BÁN: tác giả lên tiếng báo là sẽ rao bán trái tim mình rồi hé mở cho biết lý do, và sau cùng là giá cả - rất đặc biệt.
Nỗi cô đơn, nỗi đau tình của ĐTTV mênh mông quá, lòng khao khát tình yêu của chị dâng cao quá nên chị đã nổi điên lên được để cất tiếng “rao bán trái tim” một cách khác thường. Riêng việc “rao bán trái tim” không thôi đã khiến người đọc mủi lòng thương xót; rồi lại còn “bảng giá” của “trái tim rao bán” – quá đặc biệt - khiến nỗi thương tâm càng thêm sâu đậm. Đây là đề tài muôn thuở, đã có rất nhiều thi sĩ đề cập tới nhưng, theo tôi, ĐTTV – trong cơn ngây dại vì nỗi đau, nỗi khao khát của chính mình, bằng kỹ tthuật thơ điêu luyện - đã cất lên tiếng kêu than thống thiết để người đời càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của Tình Yêu, một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
ĐÁNH GIÁ:
Tứ thơ của cả Chạm và Trái Tim Rao Bán đều có giá trị Nhân Bản, nhấn mạnh đến một trong những nhu cầu quan trọng của con người: tình yêu (TTRB) và tình dục (Chạm). ĐTTV chọn tình yêu nên, riêng về tứ thơ, dù “diễn đạt” hay hơn rất nhiều người khác, chị cũng vẫn là người “đi trên xa lộ”. Với Chạm, tác giả đang từng bước đi vào “vùng đất cấm”. Nhà thơ nữ Dư Thị Hoàn, trong bài thơ Tan Vỡ mới chỉ viết:
Tất cả rồi dễ qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau những phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh quên không cài lại khuy áo ngực cho em
mà nhiều người đọc đã chỉ trích, cho là “đi quá đà”. Theo tôi, so với Chạm thì Tan Vỡ mới chỉ đi được một phần đường. Đậu Thị Thương đã rất dũng cảm, đi sâu và xa hơn nhiều.
Chính vì thế về tiêu chí Tứ Thơ tôi nhìn thấy cán cân nghiêng về phía Chạm.
Ngôn Ngữ Thơ:
CHẠM:
Ngôn ngữ của bài thơ chắt lọc, cô đọng nhưng minh bạch đến độ khó có thể giải thích, bàn tán gì thêm nữa. Tất cà đều rõ như ban ngày. Rất nhiều cụm từ 4 chữ, cụm nào của người đời đã thành thành ngữ, cụm nào do chính cô giáo dạy văn nghĩ ra, thú thật, cũng khó mà phân biệt rạch ròi. Nhưng một điều tôi biết chắc là cô đã sử dụng chúng nhuần nhuyễn như đồ dùng trong túi mình. Cô chỉ nói bóng gió rất xa nhưng do sức gợi cảm, sức khêu gợi tưởng tượng mạnh mẽ của ngôn ngữ, khiến một người đọc tuổi xuân không còn phơi phới như tôi cũng hối hả chạy “đến bến” trước khi cô bừng tỉnh giấc mộng tình.
TRÁI TIM RAO BÁN:
Lời thơ bình dị, dễ hiểu, những cụm từ mù khơi hạnh phúc, biền biệt tình yêu, mỏi mòn trong ảo vọng đã diễn đạt thành công một cách xuất sắc tâm ý của tác giả mà không phải dài dòng biện giải, từ chông chênh tượng hình và đắc địa về cả nghĩa lẫn âm.
ĐÁNH GIÁ:
Ngôn ngữ thơ của mỗi bài có vẻ đẹp, nét duyên dáng riêng và đều góp sức chuyển tải tâm tình của tác giả đến người đọc một cách thành công. Về tiêu chí này tôi thấy cán cân nằm ngang, không nghiêng về bên nào.
Hình Thức Thơ:
CHẠM:
Ngoại trừ chữ Chạm đứng lẻ loi ở câu thứ 2, bài thơ đọc lên có nhịp ngắt như loại thơ 4 chữ. Vần thì đoạn có đoạn không nên vị ngọt của thơ chỉ hơi thoang thoảng, nhưng nhịp điệu thì khá rõ, như ngựa phi nước kiệu, dẫn tứ thơ đi bon bon trên đường.
TRÁI TIM RAO BÁN::
Mới liếc mắt nhìn bài thơ tôi đã có cảm tình với hình thức, vóc dáng của nó. Không dính dáng gì đến các thể thơ truyền thống. Ngay cả thơ mới nó cũng khác xa. Số chữ trong câu thay đổi tùy thích, thoải mái, số câu trong bài không lệ thưộc bất cứ một quy luật nào - viết hết ý thì thôi.
Riêng việc sử dụng vần thì, theo tôi, rất đặc biệt. Tác giả, qua mấy đoạn đầu, không gieo vần nhưng dòng thơ vẫn lững lờ chảy. Và độc giả tò mò theo dòng chảy đó để tìm biết lý do tại sao “một ngày nào đó nàng sẽ rao bán trái tim mình”. Chỉ đến đoạn kết nàng mới đưa vào một chút “vị ngọt của thi ca”, cho 3 nhóm chữ “một chút tình” đi kế tiếp nhau vần với câu cuối “cho bớt chông chênh”.
ĐÁNH GIÁ:
Cán cân nghiêng về phía Trái Tim Rao Bán.
Đoạn Kết Bất Ngờ
CHẠM
Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.
Với tôi, cách cấu tứ cuả Chạm có thể coi như là biến thể của phép ẩn dụ. Tác giả diễn tả sự việc cứ như đang thực sự xảy ra với tất cả háo hức, cuồng nhiệt của mình. Chỉ đến giây phút cuối mới bất ngờ hé lộ: “Đấy chỉ là tưởng tượng, chỉ là mơ.” Người đọc cảm được ý của tác giả trong sự ngạc nhiên thích thú.
TRÁI TIM RAO BÁN:
Về Nghĩa:
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình
cho bớt chông chênh...
Đọc mấy đoạn trên độc giả có thể mường tượng tác giả đang khao khát tình yêu nhưng mức độ khao khát thì chưa biết rõ. Đến khi thấy “bảng giá” của trái tim rao bán thì độc giả mới giật mình nhận ra. Thiếu tình yêu khiến chị mất thăng bằng trong cuộc sống – như một ngôi nhà chông chênh có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Cho nên chị khao khát lắm, khao khát đến điên cuồng, cháy bỏng tâm can, khao khát đến độ sẵn sàng dâng hiến trái tim cho người đem đến một chút tình, dẫu là thương hại.
Đã có sự đồng cảm trọn vẹn giữa người đọc thơ với người làm thơ. Thủ pháp Show, Not Tell (2) – cho riêng cường độ của sự khao khát - đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.
Về Âm:
Tôi có cảm tưởng đang nghe đoạn cuối một bản nhạc buồn cung Thứ mà dòng nhạc vừa bước qua hợp âm Trưởng bậc 5 để trở về Chủ Âm tạo một giai kết hoàn toàn rất ngọt. Nhạc điệu của đoạn thơ thật tuyệt vời.
ĐÁNH GIÁ:
Cán cân hơi nghiêng một tý về phía Trái Tim Rao Bán
Lỗi Kỹ Thuật
CHẠM:
Không có lỗi kỹ thật
TRÁI TIM RAO BÁN:
Bài thơ có một lỗi chính tả (mỏi dấu hỏi, không phải dấu ngã) và vài chữ có thể bỏ đi cho câu thơ gọn, chắc và hay hơn. Bỏ chữ rồi (dòng 11), chữ đem và chữ đi (dòng 15), và chữ để (dòng 18). Đây là những lỗi nhỏ do bất cẩn, không ảnh hưởng đến sự chuyển động của tứ thơ.
ĐÁNH GIÁ:
Chạm toàn vẹn hơn; cán cân nghiêng về phía Chạm.
Cảm Xúc, Hồn Thơ
CHẠM:
Do thành công ở cách sử dụng ngôn ngữ nên bài thơ có cảm xúc ở tầng một khá mạnh. Đấu pháp toàn đội hay trận đồ chữ nghĩa của bài thơ - được thể hiện qua phép ẩn dụ biến thể - cũng góp phần tạo nên một lượng cảm xúc lớn ở tầng hai. Cảm xúc ở tầng ba (hồn thơ) có xuất hiện nhưng yếu. Cũng dễ hiểu. Là phụ nữ, lại là giáo viên dạy văn, tác giả đã không dám cho phép chữ Dâm – dù được viết hoa, rất đẹp, rất trong sáng và nhân bản - độc chiếm tâm hồn mình.
TRÁI TIM RAO BÁN:
Dòng chảy của tứ thơ rất chậm. Người đọc có thời gian để hiểu, cảm nhận cái lý do khiến tác giả phải rao bán trái tim mình:
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
và
mỏi mòn trong ảo vọng
có vẻ như 3 nhưng thật ra là một. Mù khơi hạnh phúc và mỏi mòn trong ảo vọng chỉ là hệ quả tất yếu của tình trạng biền biệt tình yêu. Khi đã thấm, đã đồng cảm với nỗi đau, nỗi buồn và tâm trạng khao khát tình yêu thì dòng thơ lại dẫn người đọc đến một bất ngờ đến độ sững sờ: “bảng giá” của Trái Tim Rao Bán. Nỗi khao khát cháy bỏng quá, niềm đau thật quá, lớn quá khiến người đọc bàng hoàng vì hồn thơ của tác giả đã hòa nhập với hồn mình.
Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ, tứ thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn hóa - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Vâng! Đó là trường hợp của bài thơ Trái Tim Rao Bán.
ĐÁNH GIÁ:
Tác giả TTRB “đi trên xa lộ” nên đã yên lòng cho cỗ xe tâm hồn mình chạy hết ga, vùng thoát khỏi cái tôi văn hóa, và nhờ thế, tâm tình chân thật, cảm xúc mạnh, hồn thơ lai láng. Đậu Thị Thương trong Chạm đi vào “vùng đất cấm” nên dù đang cơn cao hứng, cảm xúc dâng tràn, vẫn có chút dè dặt ảnh hưởng đến sự phát triển của hồn thơ.
Cán cân nghiêng về phía Trái Tim Rao Bán
Tóm lại:
Tứ Thơ: nghiêng về Chạm.
Ngôn Ngữ Thơ: không nghiêng về bên nào, đồng hạng.
Hình Thức Thơ: nghiêng về Trái Tim Rao Bán.
Đoạn Kết: hơi nghiêng về Trái Tim Rao Bán.
Lỗi Kỹ Thuật: nghiêng về Chạm (Chạm không có lỗi kỹ thuật)
Cảm Xúc, Hồn Thơ: nghiêng về Trái Tim Rao Bán
Đến đây nếu bạn đọc đồng ý với những phân tích, đánh giá từng tiêu chí của tôi (nếu không bạn có thể chọn cách phân tích, đánh giá riêng của mình) chúng ta sẽ có hai lựa chọn:
1/ Nếu coi trọng tứ thơ, sự toàn vẹn của bài thơ (không khuyết điểm) bạn sẽ chọn Chạm của Đậu Thị Thương là bài thơ xuất sắc hơn.
2/ Nếu coi trọng cảm xúc, hồn thơ, vóc dáng của bài thơ, dư vị còn đọng lại của đoạn kết và có lòng bao dung với mấy lỗi kỹ thuật (rất nhỏ) của bài thơ bạn sẽ cho Trái Tim Rao Bán là bài thơ nổi trội hơn. (4)
Kết Luận
Dù chọn bài thơ nào là bài thơ nổi trội thì sự lựa chọn của bạn cũng góp phần làm khung cảnh vườn thơ của nhân loại sinh động và náo nhiệt hơn. Tôi xin cám ơn hai nhà thơ nữ Đậu Thị Thương và Đinh Thị Thu Vân về hai bài thơ thấm đẫm tình người. Tôi cũng cảm thấy vui và một chút tự hào – dù là niềm tự hào “ăn theo” - được mời các bạn thưởng thức một bữa tiệc thơ khá thịnh soạn.
Cuối tháng 10/ 2016
Phạm Đức Nhì
nhidpham @gmail.com
Phamnhibinhtho.blogspot.com
CHÚ THÍCH:
1/ Bài Thơ Chạm Và Mấy Lời Bình, Phạm Đức Nhì, t-van.net
2/ Trái Tim Rao Bán – Bài Thơ Đầy Bản Sắc, Phạm Đức Nhì, t-van.net
3/ Tác giả có sử dụng một số ý, một vài đoạn trích nguyên văn trong hai bài bình thơ.
4/ Nếu bạn có lý do nào đó để có sự đánh giá khác xin email về nhidpham@gmail.com hoặc vào phamnhibinhtho.blogspot.com để viết comment.