Là người phụ nữ đẹp, từng khiến thi sĩ Bùi Giáng si mê gửi nhiều thư tình tán tỉnh nhưng bà May lại quyết định ở vậy và hơn nửa thế kỷ giữ gìn những bức thư tình ấy.
Yêu mãnh liệt rồi ở vậy tới già
Lâu nay, người dân ở Cư xá 80, phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang vẫn thường thấy cô giáo Nguyễn Thị May (81 tuổi) sống đơn thân một mình trong căn nhà ở cuối phố. Nhưng ít ai biết rằng, bà May đã từng từ chối biết bao cuộc tình lãng mạn, trong đó có cả người là thi sĩ nổi tiếng.
Trò chuyện với PV, bà May như sống lại những ngày tháng thanh xuân ấy. Thuở đôi mươi, bà May cũng là một tuyệt sắc giai nhân ở miền Tây. Khi đó, bà là giáo viên dạy ở Trường tiểu học Châu Long (Châu Đốc). Ở ngôi trường này, bà May chơi rất thân với một cô giáo khác tên Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. So về tài sắc, bà May với bà Hạnh tựa như Thúy Kiều với Thúy Vân.
Cô giáo May hồi còn trẻ
Bà May: “Năm 1957, Mỹ Hạnh bị ép đi thi hoa hậu tỉnh An Giang. Kết quả là đăng quang ngôi hoa hậu. Sau đó, Mỹ Hạnh lấy chồng là ông Nguyễn Thùy, giáo viên Trường Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc). Ông Nguyễn Thùy cũng là một người yêu văn chương, quê gốc ở Quảng Nam. Sau khi kết hôn, vợ chồng Mỹ Hạnh chuyển về đường Trương Tấn Bửu (Sài Gòn) sinh sống. Cạnh nhà hai vợ chồng này là nhà của thi sĩ Bùi Giáng. Đó cũng là nguyên nhân bắt đầu mối tình đơn phương của Bùi Giáng đối với tôi”.
Bùi Giáng là một thi sĩ nổi tiếng, ông là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu triết học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng...Ông bắt đầu nổi tiếng với tập thơ Mưa nguồn. Bùi Giáng nổi tiếng đa tình, hễ thích người con gái đẹp nào là làm thơ tặng người đó.
Và đặc biệt, theo bà May, Bùi Giáng cũng quê ở Quảng Nam nên rất thân với ông Nguyễn Thùy – chồng bà Mỹ Hạnh. Do đó, vợ chồng bà Mỹ Hạnh luôn muốn làm mối Bùi Giáng cho cô bạn thân nhất của bà Mỹ Hạnh là bà May. Bà Mỹ Hạnh đã lấy một bức ảnh chụp cảnh bà tới dự đám cưới của bà Mỹ Hạnh để đưa cho Bùi Giáng xem. Có lẽ vẻ đẹp của bà May khi đó đã làm người thi sĩ yêu chuộng cái đẹp xiêu lòng. Chính vì vậy mà ít lâu sau đó, Bùi Giáng đã theo vợ chồng bà Mỹ Hạnh về Châu Đốc chơi để gặp người trong mộng.
Hoa Hậu An Giang năm 1957 - Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Theo trí nhớ của bà May, đó là một ngày tháng 10/1959, Bùi Giáng với vợ chồng bà Mỹ Hạnh tới gặp bà rồi cùng nhau đi chơi loanh quay ở Châu Đốc. Bà May là người luôn giấu kín chuyện tình cảm ngay cả với bạn thân. Do đó, dù bà Mỹ Hạnh chơi rất thân với bà May nhưng vẫn không biết là khi đó bà đã có người yêu nên mới làm mối cho Bùi Giáng.
Theo bà May, ngày đó bà dành trọn tình cảm cho một người con trai người miền Bắc. Do đó, khi đi chơi cùng mọi người, bà cứ tỉnh bơ không để ý gì tới Bùi Giáng. Và coi như không biết rằng Bùi Giáng theo vợ chồng bà Mỹ Hạnh về Châu Đốc là vì có ý với bà. Suốt buổi đi chơi đó, Bùi Giáng cũng rất ít nói nhưng lại hay cười và hầu như không nói nửa lời về chuyện tình cảm. Bà May đã tưởng rằng Bùi Giáng thấy bà lạnh lùng mà lặng lẽ rút lui nhưng không ngờ sau đó vài bữa, bà nhận được một bức thư tình của thi sĩ này.
Bà May bên những bức thư tình của thi sĩ Bùi Giáng
Hơn nửa thế kỷ giữ gìn những bức thư tình
Khi nhắc về các bức thư của Bùi Giáng gửi cho mình, bà May đứng dậy, mở chiếc tủ kính nhỏ lấy ra mấy bức thư cho PV xem. Theo bà May, thi sĩ Bùi Giáng gửi cho bà tổng cộng 5 bức thư, bức nào cũng văn hoa, mùi mẫn. Mặc dù đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng được bà giữ gìn cẩn thận nên những bức thư vẫn còn lành lặn và nét mực rất rõ. Ngoài những bức thư, Bùi Giáng còn ký tặng bà May tác phẩm văn chương của mình như: Mưa nguồn, Ngàn thu rớt hột, Câu hỏi của Thúy Kiều, Lá hoa cồn. Tất cả đều được bà May giữ gìn rất cẩn thận.
Lá thư đầu gửi vào ngày 14/10/1959, Thi sĩ Bùi Giáng viết rằng qua xem bức ảnh bà Mỹ Hạnh đưa cho, ông thấy bà May là người con gái thùy mị, một trong những khuôn mặt hiền lành của giai nhân Châu Đốc, khiến ông bâng khuâng. “Chị Thùy (Bùi Giáng gọi bà Mỹ Hạnh là chị Thùy theo tên chồng) bảo tôi hãy đi về Châu Đốc một chuyến. Tôi sung sướng đi ngay mong rằng chuyến đi sẽ đưa về nhiều hy vọng... Nước dưới cầu chảy rất nhiều chị May ạ. Chị có bằng lòng đưa bàn tay giúp tôi níu giữ lại chút gì... Ngay bữa đầu nhìn tấm ảnh chị, tôi đã thấy lòng không thể dửng dưng trước gương mặt dịu dàng”.
Những bức thư tình bà May cất giữ hơn nửa thế kỷ
Hồi âm lại bức thư ấy, bà May chỉ viết vài câu ngắn gọn thể hiện rằng mình chỉ coi Bùi Giáng là bạn chứ không thể hơn. Điều đó đã làm cho vị thi sĩ có đôi chút buồn. Thể hiện qua những lời lẽ trong bức thư thứ 2 được viết vào ngày 30/10/1959.
Bùi Giáng viết: “Cái thư chị gửi lên Sài Gòn không cho phép tôi hy vọng. Tôi tự hỏi vì lẽ gì tôi đã không dò dẫm địa thế trước khi tấn công. Tôi muốn quy án cho chị Thùy và núi sông Châu Đốc... Buổi đi chơi núi hôm ấy là một kỷ niệm đẹp vô cùng. Tôi xin giữ mãi… Ngồi viết thư này gửi chị, tôi dừng lại mấy lần. Dòng chữ không đi. Tôi tự hỏi: Ngày sau nếu có dịp trở về Châu Đốc, tôi có còn được nhìn bầu trời, sông núi cũ và bàn tay mịn màng của người con gái đẹp kia không?”
Và lá thư thứ 3 của thi sĩ Bùi Giáng viết ngày 5/11/1959 thì có đôi chút hờn trách: “Chị May. Lời thư quá vắn tắt của chị không đem lại yên lòng. Lời của chị dứt khoát nhưng lòng tôi vẫn lần khân, không muốn nhận nhìn sự thật?... Chị May. Hơn tám năm lận đận giữa bụi bặm đô thành, tôi vẫn luôn luôn thấy lòng mình mơ tưởng những hình ảnh dịu dàng, hồn nhiên, tươi mát của những miền suối ngọt…
Mấy năm dài sống giữa phồn hoa ngột ngạt, là mấy năm dài loay hoay tự hỏi mãi. Tôi mong chờ một lời đáp. Một lời đáp nào không giống những lời vắn tắt lờ lững của cô. Một giọng điệu nào có một âm vang như lòng tôi mơ ước. Nếu không thì thà rằng đừng đáp. Tôi bằng lòng cúi đầu đi giữa vắng lặng bốn bên”.
Bức thư thứ 4 và thư 5 của thi sĩ Bùi Giáng cũng vẫn chất chứa đầy tình cảm của một kẻ si tình nhưng không được đáp lại mà chỉ là tình yêu đơn phương. Ngoài thư từ qua lại, có lần bà May cũng lên Sài Gòn chơi và gặp thi sĩ Bùi Giáng cùng với vợ chồng bà Mỹ Hạnh, sau đó mọi người đi ăn, đi dạo bên bờ sông Sài Gòn. Nhưng tình cảm của Bùi Giáng với không thể làm cho cô giáo May suy chuyển.
Những tập thư Bùi Giáng ký tặng bà May
Ít lâu sau đó, bà May chuyển công tác tới vùng ven biển Long Hải (tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu) công tác. Chuyện tình với chàng trai người Bắc cũng chấm dứt vì người đó quá gia trưởng. Vợ chồng bà Mỹ Hạnh dù hết sức vun vén cho bạn nhưng không thể làm bà May thay đổi nên đành bó tay, rồi cả hai vợ chồng này sang Pháp sinh sống. Từ đó, bà May gắn mình với bục giảng và không yêu ai nữa, cũng không liên lạc với thi sĩ Bùi Giáng.
“Dù không yêu Bùi Giáng nhưng những là thư của ông khiến tôi rất thích nên quyết định giữ lại như một kỷ vật của đời mình. Thỉnh thoảng tôi lại bỏ thư ra đọc rồi nhớ lại quãng đời thanh xuân của mình. Nhiều khi nghĩ lại, tôi cũng thấy thương cho Bùi Giáng vì đã để ông ấy yêu đơn phương mình như vậy”, bà May chia sẻ.
Theo bà May, trong số 5 bức thư tình của thi sĩ Bùi Giáng gửi cho mình, bà thích nhất là bức thư thứ 3. Chính vì vậy mà tháng 2/1998, khi chuyên san Người đẹp Việt Nam (của Báo Tiền Phong) tổ chức thi “Những bức thư tình hay nhất”, bà đã gửi bức thư này đi dự thi và đã đoạt giải và được đăng trang trọng trên báo. Đó cũng là lần đầu tiên bà cho mọi người biết mình còn giữ những bức thư tình của Bùi Giáng và đã từng khiến nam thi sĩ này vô cùng si mê.
Văn Tuấn