* đăng lúc 11 06, 2020 * Số lần xem: 547
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
- Sơn Núi -
vĩnh biệt đồi thông Phương Bối
TTO - Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, biệt hiệu Sơn Núi, vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 83 lúc 3h ngày 11-6, giã biệt đồi thông Phương Bối và núi rừng Bảo Lộc sau một thời gian dài nằm bệnh tại nhà riêng.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tại nhà ở rừng Phương Bối - Ảnh: HUỆ QUANG
...Khi người ấy làm thơ, thì khi ấy, con người thơ, và cõi mộng của thơ, là ẩn ngữ huyền nhiệm. Tôi biết, và cũng có thể chỉ là biết một cách tưởng tượng, rất nhiều người, những người làm thơ, đọc thơ, và cả những người nguyền rủa thơ; có rất nhiều người nhìn anh với cái nhìn ngạc nhiên, tò mò, như đang nhìn một vật thể rất lạ, rất quái lạ. Tôi nhìn anh cũng thấy rất lạ. Nhưng không lạ hơn khi tôi nhìn chính khuôn mặt mình. Cho nên, tôi thấy mình quen biết anh nhiều hơn là quen biết chính mình. Người ta hỏi tôi, Sơn là ai? Làm sao tôi trả lời được. Tôi vẫn chưa biết mình là ai.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - một tâm hồn thơ ít nhiều đồng điệu - cũng từng dành cho Sơn Núi những lời đầy cảm xúc
Sinh năm 1937 tại Ninh Thuận, Nguyễn Đức Sơn nổi lên như một nhà thơ đầy cá tính tại Sài Gòn với tập thơ Bọt Nước in năm 1965. Sau đó, tên tuổi ông vang khắp miền Nam như một cây bút kỳ tài không chỉ ở ý tứ cả thơ và truyện, mà cung cách chơi đùa với ngôn ngữ tiếng Việt, ý thức dùng diễn ngôn dâm tục để chuyển tải triết lý nhân sinh, cảm thán về thời cuộc và cả thái độ trước tình người, tình đời...
Ông có bút hiệu là Sao Trên Rừng, nhưng đồng nghiệp, bằng hữu và người hâm mộ vẫn biết đến ông nhiều hơn ở biệt hiệu Sơn Núi, và biết nhiều hơn nữa ở các tác phẩm thơ của ông như một trường hợp kỳ lạ hiếm hoi xuất hiện trên thi đàn tiếng Việt không biết bao giờ mới gặp lại.
Tác phẩm của Nguyễn Đức Sơn xuất bản hầu hết trước năm 1975, về thơ có: Bọt nước (1965), Hoa cô độc (1965), Lời ru (1966), Đêm nguyệt động (1967), Vọng (1972), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1972), Tịnh khẩu (1973), Du sĩ ca (1973); và ba tập truyện: Cát bụi mệt mỏi (1968), Cái chuồng khỉ (1969), Xóm chuồng ngựa (1971).
Theo thông tin lúc Nguyễn Đức Sơn xuất bản tập truyện ngắn Xóm chuồng ngựa năm 1971, ông còn một số bản thảo chưa in gồm: Tạp văn, các bản thảo thơ đã đặt tên: Độc thoại, Đám cưới trên hư không, Tâm tư, Tạ từ, Ngọn suối đời; bản thảo truyện đã đặt tên có Ngồi đợi ngoài hành lang (truyện ngắn), Chỗ nằm của Thạch (truyện dài); và tập Mười lăm năm thi ca Miền Nam (Phóng bút).
Mới đây, trong lúc nhà thơ Nguyễn Đức Sơn nằm bệnh, người thân và giới mộ điệu, đặc biệt là Thư viện Huệ Quang ở TP.HCM đã thực hiện một tập thơ lấy tên Chút lời mênh mông (NXB Đà Nẵng), đây được xem là ấn phẩm cuối cùng của Nguyễn Đức Sơn.
Chùm thơ của Nguyễn Đức Sơn vừa được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ ngày 5-5-2020 - Ảnh: L.Đ.
Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông... Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc!
Trong lần xuất bản tập thơ Chút lời mênh mông, thầy Không Hạnh ở thư viện Huệ Quang có nhận định về nét dâm tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn bằng một ý quan trọng
Nhận định về tác phẩm của Nguyễn Đức Sơn, văn đàn miền Nam từng dành cho nhiều giấy mực, tựu trung vẫn là những ghi nhận về nhiều điểm độc đáo trong sáng tác của ông.
Nhà văn, dịch giả Bửu Ý nhìn thấy ở Nguyễn Đức Sơn hình ảnh của một con tê giác, "từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi, húc bừa về phía trước không kể thiệt hơn, không tính hậu quả. Thêm thù và bớt bạn. Đơn độc quắc queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển …".
Họa sĩ Đinh Cường - một người bạn thân của Sơn Núi - sinh thời vẫn ám ảnh với quyết định đem vợ con lên ở hẳn trên rừng Phương Bối của Nguyễn Đức Sơn. "Không ai đánh đổi cả đời mình với rừng như Sơn Núi. Sơn vẫn ở riết trên Phương Bối Am từ sau 1975 đến nay" - Đinh Cường viết.
Nay Nguyễn Đức Sơn đã vĩnh biệt đồi thông Phương Bối, vĩnh biệt núi rừng Bảo Lộc từng gắn bó mấy chục năm với ông. Giới hâm mộ hẳn sẽ còn quan tâm những di thảo của ông chưa xuất bản liệu có còn cơ hội để ra mắt bạn đọc trong một dịp nào đó?
Chút lời mênh mông - tập thơ cuối cùng của Nguyễn Đức Sơn, vừa ấn hành đầu năm 2020 - Ảnh: L.ĐIỀN