Nov 21, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Tam Bảo Sơn (1) ./ Con phà Bến Tre
Hồ Thanh Nhã * đăng lúc 03:00:13 AM, Oct 13, 2016 * Số lần xem: 1630
Hình ảnh
#1

  Tam bảo sơn (1) .

 

Đường dốc đèo cao

Đoàn hành hương lên non tìm đạo

Con sông vòng cung phơi bãi cát vàng

Sơn đạo gập ghềnh

Chênh vênh cầu đá

Rừng phong bên đường đỏ lá Thu sang

Hai hàng La hán

Dàn ra cổng

Thử sức anh hùng lúc hạ san

Ba tháng ẩn cư chờ tuyết rả

Lòng không

Nhẹ bổng áng mây ngàn

Hành giả thong dong đi giữa chợ

Lợi danh

Đầu cỏ hạt sương tan

Lão ni vản cảnh ven đường núi

Thong thả trần ai một gậy vàng

Tam bảo sơn ! Tam bảo sơn !

Giờ nầy rừng phong đang đỏ lá

Mai mốt trơ gầy những nhánh xương

Ba tháng Đông về trên xứ tuyết

Trắng từ rừng núi đến thôn trang

Giòng sông đông đá

Qua cầu đá

Vắng bóng cò nâu bãi cát vàng

Mỗi đêm gió thổi về muôn hướng

Tiếng đại hồng chung vọng núi đồi

Sắc sắc không không

Lòng tịch mịch

Vô thường vô ngã bóng mây trôi

Phật Bà áo trắng

Chờ trên núi

Rãi nước cam lồ khách thập phương

Từ cõi hồng hoang vô tận đó

Đường đời thế sự mỏng như sương

Lão ni diện bích

Tìm công án

Mới thấy vô cùng một chữ “ Tâm “

Trâu lạc , tìm về , trâu vẫn mất

Tâm không cương tỏa

Chẳng còn Tâm

Thân thế mang mang lòng lặng lặng

Lục căn thanh tịnh nhẹ thân phàm .

 

                 Hồ Thanh Nhã .

 

(1)- Chùa Tam bảo sơn xây dựng trong vùng núi đồi hẻo lánh thuộc địa phận Montreal – Canada .

 



                  Con phà Bến Tre

 

Tháng Tám qua phà sang Rạch Miễu

Một vùng mây nước nhớ bâng khuâng

Người xưa trở lại giòng sông cũ

Tìm cuối chân trời…những dấu chân

 

Cầu khởi công rồi , trơ cột sắt

Triều dâng con nước chảy bình yên

Mai kia ví nếu đường thông tuyến

Tủi phận con phà bị lãng quên

 

Ở đâu còn thấy bóng xà lan ?

Kéo một đoàn ghe khẳm cát vàng

Man mác chiều xanh sông nước đó

Bèo mây hờ hững gió mưa tan

 

Còn đâu thấp thoáng buồm no gió ?

Xuôi ngược trường giang những mảnh đời

Trọn kiếp thương hồ trăm bến đỗ

Mấy tầng mây nước mấy chia phôi

 

Từ độ sơn hà nghiêng ngửa đó

Gót giày mòn nhẵn bước quan san

Qua trăm sông lạ cây cầu lạ

Cát bụi nào phai nghĩa đá vàng

 

Vẫn nhớ giòng xưa bến nước xưa

Chao ôi ! Tình nặng mấy cho vừa

Ai qua bến ấy chiều ly biệt

Biết mấy người đi mấy kẻ đưa ?

 

Có những giòng sông chục chiếc cầu

Dập dìu xa lộ lướt qua mau

Đôi ba chiếc yacht buồn khua nước

Uể oải lưng trời cánh hải âu

 

Cho hay dù có đi ngàn dặm

Vẫn nhớ vô vàn bến nước trong

Vẫn nhớ con phà cao tuổi thọ

Miệt mài đưa rước khách sang sông

 

Tháng Tám qua phà sang Rạch Miễu

Triều dâng lai láng nước sông Tiền

Gió sông mát mặt người xa xứ

Còn nhớ…hay là mãi lãng quên ?

 

Mai kia chắc hẳn đường thông tuyến

Qua một giòng sông phút chốc vèo

Phà cũ trăm năm ai nhớ nữa

Gió trăng từ đó cũng buồn theo

 

Em mặc áo vàng đi chợ Tết

Dập dềnh con nước thủy triều lên

Qua sông để lại người trên bến

Một chút bình yên , chút nỗi niềm

 

Chúa nhật ra bờ sông giặt áo

Gió đùa tóc rối xõa bờ vai

Thương em thương cả cây cầu gỗ

Thương cả bờ xa vệt nắng dài

 

Chiều xưa đâu một chiều xưa nữa ?

Trái mận mời nhau góc cuối vườn

Ặn trái trên cây vừa mới chín

Còn nghe thoang thoảng một mùi hương

 

Ở đâu bàng bạc hương hoa mận ?

Đuôi tóc thơm từ ngọn gió xa

Trở lại mùa sau ăn trái chín

Nào hay ..mây chắn nẻo quan hà

 

Mùa mận , năm ba mùa mận nữa

Người đi góc núi chẳng tin về

Phà sang…đếm được bao nhiêu chuyến

Mấy cuộc sum vầy mấy cách ly ?

 

Mười năm gió cuốn hoa vông rụng

Biền biệt người đi chẳng trở về

Một sớm bên trời nghe thức dậy

Tình quê chan chứa nẻo biên thùy

 

Mười năm trở lại thăm vườn cũ

Mới biết người xưa đã lấy chồng

Mây nước quê hương thì vẫn thế

Mà người trong mộng đã sang sông

 

Một sớm anh về thăm Phước Thạnh

Vẫn hàng dừa nước cụm bần xanh

Hỏi thăm ..ai biết người năm cũ

Nền cũ hoang tàn lối cỏ quanh

 

Tháng Tám sông Tiền lai láng nước

Gió đùa nhô nhấp lục bình trôi

Mới hay mặt nước bao nhiêu sóng

Là bấy nhiêu tình kẻ ngược xuôi….

 

                 Hồ Thanh Nhã

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.