TIỄN BIỆT VŨ ĐỨC NGHIÊM
Ngô Quốc Sĩ
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh quán tại Nam Định. Ông đã say mê âm nhạc từ thuở nhỏ, bắt đầu sáng tác năm 17 tuổi. Năm 1951 ông gia nhập quân ngũ, cấp bậc cuối cùng là Trung Tá. Sau 1975, ông bị Cộng Sản nhốt tù suốt 13 năm. Cuối năm 1990, ông và gia đ́ình sang Hoa Kỳ theo diện H.O, cư ngụ tại San Jose, tiếp tục sáng tác..
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm ra đi, để lại bao tiếc thương trong lòng bạn bè thân hữu, đặc biệt là những người yêu nhạc. Người đời nhớ đến ông qua các dòng nhạc từ tình ca đến tù ca và nhất là thánh ca..
Về tình ca, bản nhạc “Gọi Nguời Yêu Dấu” sáng tác năm 1959 đã đưa ông lên đỉnh nghệ thuật với giọng ca Thanh Lan:
Thương đôi mắt sao trời lung linh.
Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh.
Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
Thương yêu dáng em buồn bơ vơ
Thương yêu nét môi cười ngây thợ
Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
Thương em mong manh như một cành lan
.
Tiếng gọi người yêu dấu càng tha thiết hơn trong ca khúc Trời Hương Phấn Cũ viết trong trại tù Long Giao:
Từng đêm vắng, ta gọi người yêu dấu
Lời dịu êm như gió nhẹ thì thầm, ...
Cả ngàn lần, ta gọi khẽ, bâng khuâng
Nghe dĩ vãng lâng lâng niềm thương nhớ:
Ơi Ly Cơ! ơi Tình Yêu Lầm Lỡ!
Ðêm mê cuồng bỡ ngỡ gọi tên em
Từ trong ngục tối, tiếng gọi người yêu dấu đã vẳng lên ão não thê lương như thể tiếng vỡ con tim của một cuồng sĩ:
Ta say sưa, ôm ghì chặt Ưu Phiền,
Rồi kiêu hãnh phá lên cười ngạo nghễ.
Ném cả bình sinh vào lòng Hưng Phế,
Ngẩng mặt nhìn đời, thách đố Thương Ðau .
Xa em rồi, tình ta biết về đâu?
Thương em nghẹn lời,nước mắt chìm sâu!
Nếu ai tò mò muốn hỏi “người yêu dấu” của Vũ Đức Nghiêm là ai thì xin nghe Hoàng Lan Chi hé lộ:
“Nếu thuở ấy, gọi người yêu dấu, một đóa lan xứ sương mù Đà Lạt thì 40 năm sau, nhạc sĩ dâng một đóa hồng cho người bạn đời yêu dấu ở thung lũng hoa vàng. “Yêu dấu ngày xưa” chỉ còn trong kỷ niệm, “yêu dấu bây giờ” là gắn bó trăm năm. Một đời sống cho âm nhạc, người tình và người vợ, Vũ Đức Nghiêm trung thành với tất cả và gọi yêu dấu cho hết thẩy”.
Còn tù ca thì Vũ Đức Nghiêm đã viết chung bản nhạc “Anh Ở Lại Đây” với Thục Vũ, nói lên thân phận bi đát của người tù trong trại lao động khổ sai Long Giao được mệnh danh là trại cải tạo:
Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây
Áo rách xác xơ vai gầy
Cùng chung kiếp sống lưu đày
Anh ở đây, ngày nay cơm chưa đầy chén
Chiều chiều xa trông đàn én
Kiếm mồi thấp thoáng bay nhanh
Đáng nhớ nhất là Vũ Đức Nghiêm đã viết lời #2 cho bản nhạc nói trên, ý thơ thật tuyệt vời:
Ôi người đi về đâu khi nắng chiều phai
Nắng úa xót xa thương người
Chiều nao gục ngã trên đồi
Chim rủ nhau về rừng ru anh ngủ mãi
Hình hài tan theo cỏ cháy
Kiếp người kiệt sức buông tay
Riêng thánh ca thì Vũ Đức Nghiêm, một con chiên ngoan đạo, đã thể hiện trọn vẹn tâm tình tạ ơn và phó thác vào Đấng Cứu Thế:
Xin tạ ơn Chúa xót thương thân tôi là kẻ tội nhân.
Trên thập tự giá chết thay cho tôi chặng sống nợ trần.
Xin tạ ơn Chúa dù đời có lúc gian truân
để dọn lòng sám hối ăn năn.
Ngợi khen ơn Chúa không lời oán than.
Xin tạ ơn Chúa đã cho tôi một thời hoa niên.
Tin ông ra đi đã làm chấn động cả giới. Văn nghệ sĩ, các chiến sĩ đã từng cầm súng bảo vệ tự do, và nhất là những con tim mẫn cảm thuộc nòi tình đều cảm thấy thổn thức.
Trước tiên, nhà thơ đàn anh Ngô Đình Chương đã tiếc thương nhạc sĩ họ Vũ với mối tình đơn phương như cung đàn lỡ, với mộng tang bồng tàn héo buổi chiến chinh:
Anh gọi ai,giờ ai gọi anh
Dấu yêu người ấy vẫn chân thành
Hẹn nhau kiếp trước cung đàn lỡ
Nối lại duyên xưa giấc mộng lành
Chinh chiến những ngâm câu hỷ sự
Lưu vong hoài nhớ nét đan thanh
Nhạc lên,huynh đệ buồn đưa tiễn
Hồn sớm ta bà cõi vĩnh sanh
Tiếp đến, Huệ Thu cũng dành cho Vũ Đức Nghiêm những lời tiễn biệt nồng nàn nhất, thay lời “người yêu dấu” để ru nhạc sĩ họ Vũ về nơi chín suối:
Ta ở đâu và bạn mãi ở đâu
Chỉ nghe thơ nức nở suốt đêm sâu ...
Thơ của Anh sao lời lời đắm đuối
Sao như là viên ngọc sáng long lanh
Ôi tình yêu thoáng chốc thật mong manh
Mà để lại niềm thương và nổi giận
Mà cứ khiến con người thành ngơ ngẩn
Thơ Vũ Đúc Nghiêm làm con người ngơ ngẩn! Còn Huệ Thu thì nguyện ước cho Vũ Đức Nghiêm mãi mãi không rời tay người yêu dấu:
Chỉ nguyện sao mãi mãi dưới trăng ngà
Có hai kẻ giữa trùng trùng hoa dại
Có hai kẻ cứ như là huyền thoại
Người là ai ta chẳng thấy dung nhan
Mà vẫn nghe lẫn lộn cả thời gian
Vẫn như thấy nét tinh hoa bằn bặt…
Nhà thơ Tố Nguyên cũng đã thương tiếc Vũ Đức Nghiêm với những vần thơ đầy tình nghĩa, nhắc tên những nhạc phẩm nổi tiếng của tác giả:
“ Gọi Người Yêu Dấu “mới qua đời
Anh Vũ Đức Nghiêm giã cuộc chơi
Áo trắng Ly Cơ tình rạn vỡ
Long Giao đất đỏ trí khôn ngơi
“Trời Hương Phấn Cũ” yêu lầm lỡ
“ Thung Lũng Hoa Vàng”nhớ rã rời
Thôi nhé ra đi tàn tiếc nuối
Linh hồn thanh thoát cuối chân trời .
Riêng cá nhân tôi, đã được vinh hạnh viết tựa cho một tập nhạc của ông tại San Jose, và cũng được ông phổ nhạc bài thơ Sinh Nhật Hoa Râm của tôi trong tập Hoa Cỏ May. Nay ông ra đi, tôi cũng xin góp một chút tâm tình tiễn đưa:
Tháng bảy mưa ngâu buồn
Tiễn anh mắt lệ tuôn
Gọi thầm “người yêu dấu”
Tiếng vọng từ ngõ thôn
Một thời yêu da diết
Một thuở nặng gió sương
Từng nốt sầu thương hận
Nhỏ lưng đời vấn vương
Xin khép lại tâm tình tiễn đưa Vũ Đức Nghiêm với lời từ giã thân thương:
Anh đi tim còn nóng
Ghì siết tay người thương
Lòng nhẹ rung âm điệu
Người yêu dấu miên trường
💚
|