Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh;
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh.
Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh.
Ðài ngân thượng giai lục, thảo sắc nhập liêm thanh.
Ðàm tiếu hữu hồng nho, vãng lai vô bạch đinh.
Khả dĩ điều tố cầm, duyệt Kim kinh.
Vô ti trúc chi loạn nhĩ, vô án độc chi lao hình.
Nam Dương Gia Cát lư, Tây Thục Tử Vân đình.
Khổng Tử vân: “Hà lậu chi hữu?”
Bài minh về căn nhà quê mùa
(Người dịch: Nguyễn Hiến Lê)
Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh;
Nước không tại sâu, có rồng thì hoá linh.
Ðây là căn nhà quê mùa, chỉ nhờ đức ta mà thơm tho.
Ngấn rêu biếc leo thềm, sắc cỏ xanh chiếu rèm.
Cười nói có đại nho, đi lại không bạch đinh.
Có thể gảy cây đàn mộc mạc, đọc Kim kinh.
Không tiếng tơ tiếng trúc làm loạn tai, không giấy tờ, thư trát làm mệt thân hình.
Thảo lư của Gia Cát ở Nam Dương, nhà mát của Tử Vân ở Tây Thục.
Khổng Tử nói: “Có gì mà quê mùa?”
Chú thích: bạch đinh
Trỏ hạng bình dân, ít học, vô tài.
Kim kinh là kinh Kim Cang của nhà Phật.
Tiếng tơ là tiếng đàn, tiếng trúc là tiếng sáo, tiếng tiêu, nói chung là tiếng âm nhạc, ca hát ồn ào.
Chú thích: Nam Dương Gia Cát lư
Gia Cát Lượng (đời Tam Quốc) khi chưa ra giúp Lưu Bị, ở ẩn tại một thảo lư ở Nam Dương (nay là tỉnh Hà Nam).
Tử Vân tức Dương Hùng, đời Hán, ở Tây Thục, cất một cái nhà mát gọi là Nguyên Ðình, tức Tử Vân đình.
Chú thích: Hà lậu chi hữu?
Luận ngữ, thiên Tử hãn chép: “Tử dục cư, cửu di”, hoặc viết: “Lậu, như chi hà?”. Khổng Tử viết: “Quân tử cư chi tắc hoá, hà lậu chi hữu?”, nghĩa là: Khổng Tử (chán vì thi hành đạo của mình ở Hoa Hạ không được) muốn lại ở miền mọi rợ. Có kẻ hỏi: “Quê mùa quá, ở sao cho nổi?”, ngài đáp: “Người quân tử ở đó thì cải hoá phong tục đi, có gì là quê mùa?”. Bốn chữ “hà lậu chi hữu” lấy ở điển đó, mà dùng theo một nghĩa khác, không nói về phong tục, văn hoá mà nói về sự tồi tàn của căn nhà.
Nguồn gốc bài thơ “Lậu thất minh” của thi hào Lưu Vũ Tích
“Núi không màng cao hay thấp, có tiên ắt là núi nổi danh; Nước không màng nông sâu, có rồng ắt là nước linh”, đây là hai câu thơ mở đầu trong bài “Lậu thất minh” của thi hào Lưu Vũ Tích. Vậy nguồn gốc của tác phẩm nổi tiếng này là như thế nào?
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.