Cái loa
Chợ trời
Người Bán Liêm-Sỉ
Chuyện thuở giao thời
Chuyện di tản 1975
NGÀY NẦY, NĂM 1975.
Viết một chuyện tình
Tôi Nằm Gác Tay Lên Trán
Ngày nầy, năm 1975...
Tiểu Tử
Năm nay tôi 80 tuổi . Vợ tôi thường nói với mấy con :« Ông bà mình nói người già hay sanh tật,
đúng quá ! Bây coi : ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng
treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua ! Chi
vậy hổng biết ? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày nầy tháng nầy mình vẫn còn trôi sông
lạc chợ ! Trời đất ! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng
ngày ! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam... »
Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật ! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch tréo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút - một chút thôi - đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về...
Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông
ngày hôm nay đập vào mắt tôi làm tôi giật mình : ngày nầy, năm 1975 ! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ,
những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in. Rồi sợ « cái ngày đó » nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao
mòn của tuổi già , tôi vội vã lấy giấy bút ghi lại...
* * *
...Hồi thời trước 75, tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ
Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam.
Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu. Các bạn tôi
trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường miền nam sự yểm trợ của không lực là quan
trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng máy bay ở các kho dầu miền nam,
từ kho Nại Hiên Đà Nẵng dẫn xuống kho Cần Thơ thông qua kho lớn ở Nhà Bè...
Vào cuối tháng 3 năm 1975, sau lịnh triệt thoái cao nguyên, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ
trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng máy bay. Hay tin nầy, hãng bảo hiểm có
hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ
tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với
điều kiện phải có hộ tống của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cập kho Nhà Bè !
Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ có
bày ngày tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội
vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời :« Tôi sẽ đến ngay
văn phòng ông. Cho tôi mười phút ! ». Tôi quen ông nầy - tên W, thường được gọi là « Xếp » - nhờ
hay đi họp chung. Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng
nói :" Bonjour ! çà va ?" ( Chào ông ! Mạnh hả ?)
Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi
trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp
gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ
lượng xăng máy bay chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa !
Nghe xong, Xếp W xin phép bước ra ngoài gọi radio về trung ương. Một lúc sau, ông trở vào,
nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết :« Rất tiếc ! Chúng tôi không giúp
được ! Thôi ! Chúng tôi về ! ». Tôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng
tiếng Pháp :« Allez vous en ! » ( Ông hãy đi, đi ! ) Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ
đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng " Allez vous en ! "
(Ông hãy đi, đi ! ) ...
Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ vì thấy mình bất lực quá và cũng nghe thương vô cùng
cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà khi cần nắm tay để kéo đi theo thì
« họ » dán...đầy đường cái nhãn « hai bàn tay nắm lấy nhau » để chứng tỏ sự thật tình « khắn
khít », rồi khi không còn cần nữa thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười
mươi rằng « thằng nhược tiểu đó không làm gì được mình » !
Tôi ráng kềm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng :«
Chánh quyền Mỹ từ chối ! ». Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore, cũng chỉ bằng một câu :« Không
có hộ tống ». Họ trả lời ngay :« OK ! Good Luck ! » ( Nhận được ! Chúc may mắn ! ) Hai chữ cuối
cùng, trong hoàn cảnh nầy và vào thời điểm nầy, nghe sao thật đầy chua xót !
Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về
nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi
bộ vô. Vợ tôi chạy ra, ngạc nhiên :« Sao về vậy anh ? ». Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào
vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi
phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói,
giọng đầy cảm xúc :« Ờ...Khóc đi anh ! Khóc đi ! »
Ngày đó, tháng tư năm 1975... Đúng là ngày nầy
Viết một chuyện tình
Mấy lúc gần đây, không hiểu sao, tôi bỗng thèm viết một chuyện tình ! Từ ngày tập tễnh viết văn, nhớ lại, tôi chưa từng viết chuyện tình nào cả. Điều này làm tôi cũng ngạc nhiên, bởi vì, chuyện tình là chất liệu mà các nhà văn khai thác thừơng nhứt và nhiều nhứt. Từ những ngòi bút măng non của tuổi học trò qua những nhà văn ” tài tử ” hay đã thành danh… có ai không từng viết chuyện tình ? Chỉ có tôi là chưa. Lạ thật !
Vậy mà bây giờ tôi bỗng thèm viết một chuyện tình. Ở cái tuổi về chiều của tôi, ” thèm ” như vậy không biết có phải là triệu chứng của sự hồi xuân hay không ? Người ta nói mấy ông già ở tuổi hồi xuân ” ghê ” lắm , ” mắc dịch ” lắm. Vì vậy, khi về già, tôi hay bị ám ảnh bởi cái tuổi hồi xuân đó, và không biết lúc nào ” nó ” bùng ra để biến tôi thành ông già ” mắc dịch ” ! Cho nên khi cảm thấy thèm viết chuyện tình, tôi tự hỏi : ” Có phải là nó đến đó không ? “. Hỏi mấy ông bạn già – già hơn tôi để có nhiều kinh nghiệm – thì người nào cũng cười cười : ” Nó đó !”. Nếu thật là ” nó” thì cái sự hồi xuân của tôi không đến nỗi nào ” ghê ” lắm. Trái lại, nó có vẻ nhẹ nhàng tao nhã nữa. Bởi vì tôi chỉ có thèm viết chuyện tình thôi !
Dĩ nhiên, tôi không có cao vọng viết một chuyện tình loại ” để đời ” như ” Lan và Điệp “, hay như ” Roméo và Juliette “. Tôi chỉ thèm viết một chuyện tình tầm thường, chẳng éo le gút mắt gì hết, nhưng phải là một chuyện tình sống thực.
Vậy là đầu hè năm nay, tôi bắt đầu giàn dựng ” một chuyện tình “…
Muốn viết một chuyện tình, đầu tiên là phải có một chàng trai và một cô gái. Dễ quá ! ( Còn chuyện tình giữa hai đực rựa với nhau hay giữa hai kiều nữ với nhau mà người ta gọi một cách văn vẻ là ” đồng tính luyến ái “… loại chuyện tình tréo cẳng ngỗng đó không nằm trong sự thèm viết của tôi ! Mô Phật ! ). Chàng trai không cần phải ” đô con “, cô gái không cần phải đẹp như người mẫu. Hai nhân vật mà tôi muốn ” dựng ” lên phải giống như mọi người bình thường, nhưng họ phải trẻ (Lạ quá ! Sao chuyện tình nào cũng phải có nhân vật trẻ hết ! Làm như ở lứa tuổi sồn sồn chuyện tình bị … xơ cứng, không gợi cảm hứng cho nhà văn nữa !) Và họ phải dễ thương !eport this ad
Ở nhà vợ chồng tôi không có bàn viết. Lâu nay, tôi viết ở bàn ăn. Cho nên, muốn viết phải … canh giờ, bởi vì gần tới giờ cơm là phải đi chỗ khác. Sau bữa ăn, dọn dẹp xong, mang giấy bút trở lại bàn ăn để viết tiếp thì ý văn nó đã đi đâu mất !
Lần này, thèm viết chuyện tình – lại là lần đầu tiên viết chuyện tình – tôi muốn được viết một cách … trơn tru, nghĩa là không bị bắt buộc ngừng ngang để trả bàn ăn lại cho bữa ăn, và tôi được tự do ngắt câu văn ở chỗ nào mà tôi xét thấy ý văn vẫn nằm nguyên ở đó ngoan ngoãn chờ, và nhứt là xấp giấy tôi viết vẫn giữ nguyên vị trí xiên xiên của nó trên mặt bàn – tôi có tật đặt giấy không thẳng góc với cạnh bàn mới viết được ! – để khi tôi ngồi trở lại viết tôi không cảm thấy có sự gián đoạn ! Muốn được như vậy, tôi phải có một cái bàn riêng để viết.
Chủ nhựt đó, tôi nói chuyện cái bàn viết cho hai thằng con tôi nghe, khi chúng nó chở gia đình lại nhà tôi ăn cơm ( Nhà của vợ chồng tôi ở trong một làng nhỏ – ngoài đồng, xa Paris. Các con tôi, vì đều làm việc ở Paris, nên có nhà ở trong đó. Cuối tuần, tụi nó hay chở nhau ra thăm ông bà nội vì nhà có sân trước vườn sau rộng rãi cho mấy đứa nhỏ chạy giỡn nô đùa ). Tụi nó hỏi :
– Ba cần cái bàn bao lớn ?
– Không cần phải loại bureau lớn làm gì. Ba chỉ cần một bàn nhỏ cở sáu tấc một thước có một hộc ở giữa để bản thảo và giấy bút. Nhẹ nhàng vậy thôi.
Hai hôm sau, thằng con lớn chở tới một cái bàn đúng y như tôi muốn. Tôi cho nó đặt bàn ngay trong phòng vợ chồng tôi ở trên lầu, cạnh cửa sổ. Ngồi ở đó, tôi có cái nhìn thật thoải mái. Nhìn lên là trời cao trong vắt – thời tiết đang là mùa hè – Nhìn xuống là khu vườn sau nhà tôi với mấy cây ăn trái đầy trái và khoảng đất trồng rau trồng cà của vợ tôi. Cuối vườn là hàng rào trắc bá diệp thấp thấp. Tiếp theo đó là vườn sau của nhà phía bên kia, lớn hơn vườn nhà tôi, bởi vì nó có một hồ tắm.
Tôi nói với con tôi :Report this ad
– Đó ! Phải ngồi một chỗ như vầy, phải có cái nhìn như vầy, mới có hứng viết văn. Con thấy không ?
Thích quá, tôi vói lấy xấp giấy trắng và cây bút bi để ở đầu giường đem đặt lên bàn, rồi ngồi vào ghế, khoanh tay ngã người lên thành ghế, mắt nhìn thẳng ra cửa sổ. Tôi có cảm tưởng như chuyện tình mà tôi muốn viết, tôi vừa viết xong !
Đúng lúc đó, vợ tôi bước vào phòng. Bả la lên :
– Trời ơi ! Đặt cái bàn viết kiểu gì kỳ vậy ! Phòng chỉ có một cửa sổ mà ổng ngự ở đó không cho ai xài hết. Bộ hết chỗ để rồi sao ?
Thằng con giải thích :
– Ba viết văn, ba cần ngồi ở chỗ có cái nhìn khoáng đãng. Với lại ba cũng đâu có che hết cái cửa sổ đâu mà má la.
– Ổng bầy đặt chuyện đó. Xưa nay, ổng viết ở bàn ăn chớ viết ở đâu ? Bây giờ, ổng đòi mua bàn để có cớ cho ổng ngồi ngay cửa sổ ổng dòm con đầm ở truồng nằm phơi nắng ở nhà bên kia kìa.
Thằng con cười hề hề, còn tôi thì nghe như vừa bị tạt cho một xô nước lạnh !
Sự thật, con đầm nhà bên kia, mùa này, sáng nào cũng ra hồ tắm bơi lội rồi phơi nắng, nhưng nó có mặc mai-dô đàng hoàng. Và chỗ nó nằm phơi nắng – nhìn từ cửa sổ phòng tôi – bị mấy cây ăn trái của vườn nhà nó che khuất. Mà cho dù nó có nằm ngay trước mắt chắc tôi cũng không ngừng viết để nhìn. Bởi vì con đầm đó đã lớn tuổi, thân hình mập phì có ngấn có ngấn, chẳng còn một nét nào hấp dẫn để bắt cái nhìn của tôi dừng lại lâu lâu…
Tôi làm thinh, đứng lên tự tay kéo cái bàn đẩy vào một góc phòng. Thằng con tiếp tay đem cái ghế qua. Vợ tôi nói có vẻ hài lòng :eport this ad
– Đó ! Vậy, coi được không.
Tôi vẫn làm thinh, ngồi lên ghế lấy xấp giấy trắng đặt nằm xiên xiên về phía trái rồi cầm bút để viết cái tựa
” Một Chuyện Tình “. Tôi viết chậm rãi, châm chú, kẻ từng chữ một, loại chữ in – chữ hoa – loại chữ mà mình có thể đồ đi đồ lại từng nét nhiều lần, để đợi thời gian đi qua … Và để cho vợ con tôi thấy tôi đang viết, tôi cần sự yên tịnh để viết, và nhứt là tôi cần ngồi một mình để viết.
– Thôi ! Mình xuống dưới nhà đi má. Để cho ba viết. Với lại con phải trở về Paris ngay, sợ kẹt xe.
Khi mẹ con nó đi ra, tôi chưa viết xong chữ ” Một ” ! Tôi buông bút, nhìn bức tường màu trắng đục nằm cách tôi sáu tấc mà thấy ở đó một khoảng không mênh mông lễnh loãng, còn tôi thì chơi vơi một mình, chới với một mình. Tự nhiên, tôi thở dài…
Tâm trạng đó rồi cũng đi qua ( Trời đã ban cho tôi tiếng thở dài thật là mầu nhiệm ! ) Tôi lại tiếp tục giàn dựng chuyện tình trong đó đã có hai nhân vật chánh.
Bây giờ, phải cho họ gặp nhau. Nếu là chuyện xảy ra ở Pháp thì dễ quá : trai gái ở đây gặp nhau ” hà rầm “, không có cơ hội họ cũng bày ra cơ hội. Đằng này, chuyện tình mà tôi muốn viết là chuyện tình Việt Nam một trăm phần trăm. Thành ra phải có ” cái nhìn ” khác.
Thời bây giờ, chắc không còn chuyện ông mai dẫn chàng trai đi coi vợ như thời tôi còn trẻ. Còn sắp xếp để cô phù dâu phải lòng anh phù rể thì sao có vẻ tiểu thuyết quá ! Cho nên, tôi cho họ gặp nhau ở nhà một người bạn chung, trong một dịp nào đó, sinh nhựt hay đám giỗ hay tiệc tất niên gì gì .
Đến đây thì hơi khó. Bởi vì tôi không biết khi chàng trai ” chịu ” cô gái, anh phải làm sao ? Còn cô gái ? Làm sao thấy cô ta ” chịu ” chàng trai ? Và lúc nào thì hai cái ” chịu ” đó … đụng nhau để có sự ” giao lưu hai chiều ” ? Có lẽ chàng sẽ mỉm cười nhìn nàng. Có lẽ nàng sẽ mỉm cười nhìn lại với hai vành tay ửng đỏ ( Nghe nói con gái nhạy cảm hơn con trai trong lãnh vực tình yêu ! Ở đây chắc đúng như vậy ).
ad
Sau vài tua trao qua trao lại cái nhìn, chắc chàng phải tìm cách lại gần nàng để bắt chuyện (Đọc nhiều chuyện tình, tôi để ý gần như lúc nào đàn ông cũng ” đi ” trước) Và chắc nàng chỉ đợi có như vậy, cho nên thấy nàng tiếp chuyện ngay và có phần phấn khởi nữa.
Vậy rồi họ quen nhau. Rồi hẹn hò ( Có chuyện tình nào mà không có cái vụ hẹn hò ? ) Ở Sàigòn – chuyện xảy ra ở Sàigòn, điều này tôi quên nói ở đoạn trước ! – có nhiều chỗ để hẹn hò. Hồi đó, hồi mấy con tôi còn nhỏ, tôi hay đưa tụi nó đi sở thú hay vườn Tao Đàn. Tôi còn nhớ đã thấy biết bao nhiêu cặp hẹn hò ở hai nơi đó … Vậy, chỗ hẹn hò cho hai nhân vật trong chuyện không thành vấn đề.
Họ hẹn nhau và gặp nhau vài lần hay nhiều lần gì đó, không quan trọng. Điều quan trọng là không có vụ lỗi hẹn trong chuyện tình mà tôi muốn viết bởi vì tôi thấy lỗi hẹn, rồi giận hờn, rồi nước mắt … v.v… nó cải lương quá và sự lỗi hẹn đã được nói quá nhiều rồi trong các chuyện tình. Bây giờ, viết một chuyện tình không có lỗi hẹn, có lẽ nó sẽ gần gũi với cuộc sống bình thường hơn. Nó thật hơn và chắc chắn sẽ dễ viết ( Lần đầu tiên viết chuyện tình, chọn cái gì dễ dễ để viết cho nó … trơn ! )
Cái không dễ viết – đối với tôi – là những chi tiết. Ví dụ như đoạn chàng và nàng bắt đầu tỏ tình sau nhiều lần hò hẹn. Họ phải làm sao ?
Nhớ lại, hồi đó, tôi đi coi vợ mấy lần. Lần nào cũng có một ông mai dẫn đi (Sao hồi xưa có nhiều người làm nghề mai mối quá. Vậy mà thiên hạ vẫn chê rằng : ” Ở đời có bốn cái ngu : làm mai, lảnh nợ, gác cu, cầm chầu ” ! ) Đến lần coi vợ thứ mấy tôi không nhớ nhưng nhớ là lần cuối cùng, tôi … gật đầu. Vậy là sau đám hỏi cô gái đó và tôi ” dính ” nhau rồi dính luôn cho đến bây giờ ! Dĩ nhiên là có lễ ” sỉ lời ” rồi có đám cưới ( Lễ ” sỉ lời ” là đàng trai trầu rượu đến đàng gái xin xác nhận ngày làm đám cưới, mặc dù hai bên đã OK với nhau từ lâu ! ) Chuyện tình hồi đó thật là dễ ợt. Bởi dễ ợt như vậy cho nên viết chuyện tình trong bối cảnh thời bây giờ, có nhiều chỗ tôi không biết tả ra làm sao cho sống thật !
Report this ad
Tôi đã đọc nhiều chuyện tình, chẳng lẽ tôi ” cóp ” lại sao ? Thì thôi cố gắng tưởng tượng vậy.
… Sau nhiều lần hò hẹn – có đi xi-nê, có đi ăn phở, có đi ăn kem …v.v… những thứ phải có để hai người gần lại – một hôm ( Thường thì là một ngày đẹp trời, bởi vì bộ điên sao mà hò hẹn dưới mưa ? ), chàng làm gan cầm lấy bàn tay của nàng, cầm bằng cả hai bàn tay, thận trọng như cầm một báo vật sợ nó tan đi hay rơi mất. Nàng không rút tay về. Chỗ này, có lẽ nàng sẽ thẹn thùng nhìn xuống ( Đẹp quá ! Phản ứng đầu tiên của người con gái ! ) Rồi, như đã lấy một quyết định, nàng vừa đặt bàn tay còn lại lên hai bàn tay của chàng vừa ngước lên để hai nụ nhìn giao nhau. Rồi giữ nguyên như vậy rất lâu … rất lâu …
Đọc tiểu thuyết thấy nói ” chàng và nàng nhìn nhau đắm đuối “. Ở đây, chắc ” đắm đuối ” là nhìn như vậy. Tôi chưa từng biết cái nhìn đắm đuối nó ra làm sao nhưng hiểu nghĩa đen của mỗi từ ( ” đắm ” là chìm , ” đuối ” là kiệt sức ), tôi tưởng tượng ra được trạng thái kỳ diệu của đôi trai gái nhìn nhau đắm đuối : không còn biết gì hết, không còn thấy gì hết, tất cả đều tan biến, không gian thời gian … chỉ còn lại có hai người là hiện hữu. Tôi nghĩ : tình yêu chắc phải tuyệt vời lắm nên con người mới chết lịm được như vậy.
Giàn dựng đến đây, tôi cảm thấy thật vui. Bởi vì, dù không có kinh nghiệm sống, tôi vẫn đưa ” Một chuyện tình ” đi một cách tự nhiên như thật. Tôi đứng lên bước lại cửa sổ hít một hơi dài sảng khoái. Qua kẽ lá hàng cây, tôi thấy lổ đổ dạng con đầm nhà bên kia đang nằm phơi nắng. Tôi tiếc sao nó không đẹp để tôi khỏi thấy oan ức khi bị vợ tôi ” nói nầy nói nọ “. Rồi tôi lại nghĩ : tôi có nhìn người đàn bà đẹp thì cũng giống bả đứng ” chết trân ” khi bả nhìn kim cương lấp lánh. Vậy mà sao…
Có tiếng vợ tôi dưới nhà nói vọng lên :
– Trời nắng dữ. Ông xuống tưới giùm vườn rau, coi ông. Con đầm nó ra phơi nắng rồi kìa !
Report this ad
Tôi bật cười, lặng lẽ xuống tưới rau mà thầm phục vợ tôi có tài ghép vào với nhau hai sự kiện hoàn toàn khác biệt.
Suốt buổi đó, tôi tưới rau, quét lá khô, nhổ cỏ dại mà trong đầu vẫn giàn dựng tiếp chuyện tình của đôi trai gái yêu nhau mà tôi đã để lại trên bàn viết.
… Họ nhìn nhau đắm đuối, rồi, không kềm được, chàng ôm lấy nàng. Chàng nghe trong vòng tay thân hình mềm mại của người yêu run lên nhè nhẹ. Nàng hơi ngã người về phía sau, nhịp thở đức khoảng, bờ môi khép hờ. Mùi con gái tiết ra thoang thoảng làm chàng ngây ngất ! Chàng cuối xuống hôn nhẹ lên môi người yêu, hơi vội vã như sợ mất đi phút giây huyền diệu đó. Nàng nhắm mắt …
Ở đoạn này, điều mà tôi chắc chắng có, là cái ” mùi con gái “. Bởi vì hồi đó, trong buổi ” ăn nằm ” đầu tiên, tôi khám phá ra cái mùi con gái trong thân thể của vợ tôi. Cái mùi đó thật là nhẹ nhàng trinh nguyên nhưng vô cùng quyến rủ. Nó phai đi lần lần theo thời gian để được thay vào bằng mùi dầu thơm đàn bà, cái mùi nhân tạo có khi đậm đặc đến tàn nhẫn !
Khi tôi hình dung ” nàng nhắm mắt “, tôi ngẩn ngơ hết mấy phút. Làm sao người con gái, khi nhắm mắt như vậy, có thể … hốt hồn mình được ? Lúc đó, chắc tình yêu đã phải căng đầy đến mức độ mà chẳng còn gì chẳng phải cho nhau … Đẹp quá !
Rồi thì chắc phải cho họ hôn nhau thật sự, hôn nhau nồng nàn. Họ nhắm mắt hôn nhau để chỉ còn cảm nhận có tình yêu đang quánh đặc trên làng môi…
Một lúc sau, một lúc lâu sau, họ buông nhau ra để nhìn nhau. Nhưng lần này không phải cái nhìn đắm đuối mà là cái nhìn sáng rực hạnh phúc, cái nhìn được kèm theo cái mỉm cười mãn nguyện, bởi vì họ đã nói hết cho nhau những gì họ muốn nói, dù họ không có nói lên bằng lời… Dễ thương không ?
Rồi họ cặp nhau đi, ôm lấy lưng nhau mà đi, bước đi phiêu phiêu như không chấm đất. Bởi vì họ còn ở trên mây tình yêu…
Report this ad
Đến đây, tôi nghĩ có thể tạm chấm dứt chương đầu của ” Một chuyện tình “. Cứ để nó ” lửng lơ ” như vậy mà đẹp. Tôi rất hài lòng và có cảm tưởng như tôi vừa đi chung với chàng trai và cô gái đó trên một đoạn đường đầy hoa thơm cỏ lạ mà tôi chưa từng được đi qua !
Làm xong công chuyện ở vườn sau, tôi lên lầu thay đồ đi tắm. Tôi thấy trên bàn viết có mấy chồng sách đặt ngổn ngang. Bước lại xem, thì ra là mấy quyển Lịch Sách Tử Vi của vợ tôi. Mấy quyển này – nhiều lắm, bởi vì năm nào bả cũng mua ba quyển khác nhau và những quyển của mấy năm trước bả vẫn còn giữ lại – bả để trong tủ quần áo thay vì để trên kệ sách phòng khách, bởi vì bả chỉ đọc nó ở trên giường ! Tôi hỏi vọng xuống nhà:
– Ủa ! Sao bà để sách ở đây vậy ?
– Để tạm, trong khi tôi soạn lại tủ quần áo. Không có chiếm bàn viết của ông đâu mà lo !
Tôi đưa hai tay lên không rồi bỏ mặc cho nó rơi xuống. Cử chỉ tôi đầu hàng đó ! Bởi vì tôi đã quen với cái ” tạm ” của bả, cái ” tạm ” thường kéo dài năm bảy tháng, đôi ba năm !
Tắm xong, tôi hăng hái ngồi vào bàn viết, mặc dù tôi bị vây quanh bởi mấy chồng sách tử vi ! Chuyện tình còn đang ngầy ngật trong tôi, tôi phải viết ra ngay để đừng sót một chi tiết nào hết, đừng quên một rung động nào hết. Tôi viết say sưa như viết chuyện thật đời mình ! Càng viết, tôi càng nghe nhẹ trong lòng, làm như là những gì chất chứa ở trong đó được trút ra lần lần trên từng trang giấy…
Tôi viết mà quên thời gian. Có tiếng vợ tôi gọi từ dưới nhà :
– Ông ơi ! Xuống ăn cơm.
Tôi ” Ờ “, nhưng vẫn tiếp tục viết. Được mấy dòng, tôi tự nhủ : ” Xuống ăn chớ để bả đợi “.
Report this ad
Tới giữa cầu thang, nhìn xuống thấy trên bàn ăn có mấy dĩa đồ ăn, một tô cơm và chỉ có một cái chén và một đôi đũa. Ngồi vào bàn, tôi hướng về phía bếp, hỏi :
– Bà không ăn sao ?
– Ăn rồi ! Đợi ông ăn đặng đói rã ruột à !
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu : ” Hay là mình trở lên viết tiếp chuyện tình ? Ăn một mình thì ăn lúc nào không được ” Nhưng tôi vẫn bới cơm vào chén vì thấy nếu đã ngồi vào bàn rồi mà bỏ đi thì vợ tôi sẽ cho rằng tôi chê cơm của bả, rồi sanh chuyện ! Bả đâu hiểu rằng, đối với tôi bây giờ, ăn không quan trọng bằng viết, bởi vì tôi đang thèm viết.
Bỗng tôi nhớ lại câu nói của một đại văn hào người Pháp hay người Mỹ gì đó tôi quên, rằng : ” Thông thường , các nhà văn hay viết những gì mà họ không có “.
Tôi ngẩn ngơ một lúc rồi đưa chén lên môi lùa cơm vào miệng như tôi lùa lá khô vào một góc vườn, hồi nãy.
Cái Loa - Tiểu Tử
Nhà ông Năm ở vùng Cây Quéo, trong một đường đất nhỏ quanh co không ăn thông qua con
đường nào khác. Trong cái ngõ cụt đó chỉ có sáu bảy cái nhà cất theo kiểu xưa, kèo cột gỗ, ngói âm
dương. Một vài nhà cũng đã được “tân trang” với mặt tiền đúc bê-tông cẩn gạch màu... Điểm đặc
biệt là nhà nào cũng có đất chung quanh đầy cây kiểng và cây ăn trái. Cho nên, tuy ở sát nách thành
phố mà thấy như ở đâu trong xa miệt vườn vậy ! Và thật là yên tịnh.
Nhà ông Năm có nhiều cây vú sữa. Giống vú sữa này màu tím, chỉ to bằng nắm tay, nhưng giòn
và ngọt lịm. Bà Năm trồng vú sữa một thời với những cây ăn trái khác, hồi mới mua nhà đất. Sau
này, vú sữa lại là nguồn huê lợi của ông bà Năm, bởi vì năm nào trái cũng sai quằn. Bạn hàng ngoài
chợ Bà Chiểu thường hay vào đây “mua mảo cả vườn” khi cây vừa mới trổ bông...
Cây vú sữa lớn nhứt nằm gần hàng rào phía trước, cành gie ra ngoài. Những cành này lại ít trái.
Có lẽ tại vì ngoài đường gió nhiều nên làm rụng bớt bông. Đến mùa vú sữa, trẻ con trong xóm hay
tới đó thọc vú sữa, nhưng chúng có xin phép đàng hoàng và không bao giờ làm ồn. Chúng có... “tư
cách” như vậy là nhờ lời dặn dò của trẻ con những thế hệ trước: “Đừng ăn cắp ! Ông Năm không ưa
đâu. Ổng kêu lính bắt chết. Cứ xin là ổng cho hà. Mà cũng đừng làm ồn, ổng ghét lắm !”. Rồi cứ như
vậy, trẻ con thế hệ này truyền cho trẻ con thế hệ sau... vv từ không biết bao nhiêu năm, đã thành
nếp. Cho nên, khi vú sữa chín tới là hằng ngày nghe giọng trẻ con “đánh tiếng” từ ngoài rào: “Dạ
thưa ông Năm cho tụi con xin vài trái vú sữa, nghen”. Có khi nghe tiếng ông Năm “Ừa” vói ra ngoài.
Nhưng thông thường, sau khi xin phép như vậy rồi là chúng yên tâm thọc vú sữa. Và ngầm hiểu
“Ổng làm thinh là ổng ừa đó !”.
Một hôm, ăn trộm chuyền theo mấy cành vú sữa vào nhà ông Năm. Thời may, người nhà hay kịp
nên nó đu người phóng ra ngoài tẩu thoát. Sau lần đó, các con ông Năm định cưa hết mấy cành gie
ra ngoài, nhưng ông Năm không chịu. Ông nói: “Má tụi bây trồng mấy chục năm mới được như vậy.
Cưa chi uổng. Để đó qua mùa tới cho mấy đứa nhỏ trong xóm nó ăn, nó vui !”. Rồi ông giải quyết vấn
đề: “Sợ trộm vô thì tụi bây kéo kẽm gai chằng chịt trên đó, tía thằng nào mà dám trèo ?”. Nhờ vậy, trẻ
con trong xóm vẫn được ăn dài dài mỗi mùa vú sữa.
... Tháng tư 1975. Trong bầu không khí hỗn loạn của miền Nam, mấy đứa con ông Năm kéo hết
gia đình về tá túc ở nhà ổng để cùng nghe ngóng, bàn tính. Cuối cùng là quyết định di tản. Ông Năm
không chịu đi.
– Tao già rồi. Năm nay tám mươi chớ ít đâu. Đi đứng phải chống gậy mà tụi bây biểu tao di tản cái
nỗi gì ? Mà cho dầu tao còn sức, tao cũng không đi đâu hết. Nhà cửa đất đai này là của mồ hôi nước
mắt của má tụi bây và của tao, bỏ sao được. Còn mồ mả của má tụi bây ở Gò Vấp, ai coi ? Thôi ! Tụi
bây đi, đi ! Đừng lo cho tao !
Vậy là ông Năm ở lại với đứa cháu gái gọi ông bằng ông chú. Cô này – năm nay trên ba mươi,
chưa có chồng – ở dưới quê lên giúp việc cho ổng, “coi trong coi ngoài”, từ ngày bà Năm mãn phần,
nghĩa là đã bốn năm năm...
Trong lúc bên ngoài đường lớn thiên hạ chạy rần rần, nhốn nha nhốn nháo, ông Năm vẫn bình
thản nằm trên võng đọc sách, hút thuốc, uống trà. Lâu lâu, chống gậy ra vườn săm soi mấy chậu
kiểng, bắt sâu, tỉa nhánh. Xem rất ung dung nhàn hạ !
Thấy cô cháu gái cứ “chạy ra chạy vào”, ông cười:
– Mầy làm cái gì mà như gà mắc đẻ vậy, Hai ?
– Trời ơi... Người ta nói Việt Cộng nó vô tới rồi mà ông biểu con không lo sao được ?
– Lo cái gì ? Người ta có chức tước, có vòng vàng, có tài sản to, có cơ sở lớn... mới sợ tụi nó vô
nó giết nó lấy. Chớ... cái thứ dân quèn như tao với mầy thì có khỉ gì cho tụi nó lấy ?
– Dạ mà sao con cũng hồi hộp quá hà !
– Cái mà mầy phải lo là coi gạo nước ở nhà còn đầy đủ không.
– Dạ đồ dự trữ mấy cô chú mang lại đây để đầy nhà. Ông với con ăn cả mấy tháng mới hết !
– Ờ ! Vậy là yên tâm một phần. Bởi vì mình không biết cái vụ này nó kéo dài tới bao lâu đây !
“Cái vụ này”, mà ông Năm nói, chỉ kéo dài có mươi hôm rồi chấm dứt vào ngày 30 tháng tư...
Tiếp theo đó là kiểm kê – kiểm kê đủ thứ – là khai báo – khai báo cũng... đủ thứ (biết cũng khai,
không biết cũng khai !), là hội họp học tập từ đường lối chủ trương đến sổ hộ khẩu sổ gạo...
Ông Năm cứ phải chống gậy đi với con nhỏ cháu nay tới tổ, mai tới phường, bữa khác tới ban... vv.
Ông Năm có phàn nàn rằng ông già rồi mà cứ bắt đi tới đi lui, thì được “mấy ông cách mạng” giải thích :
“Ai cũng phải học tập hết. Không như thế thì làm sao thông suốt được đường lối chủ trương của
Đảng và Nhà Nước, làm sao thực hiện được quyền làm chủ của nhân dân ? Ngoài ra, sự có mặt
thường xuyên của các chú các bác trong buổi họp càng làm cho bọn trẻ chúng cháu thêm hồ hởi
phấn khởi. Các chú các bác có nhất trí không nào ?”.
Mỗi lần đi họp, về đến nhà là ông Năm ngã người lên võng, vừa đong đưa vừa hút thuốc liên
miên, không nói một tiếng. Thấy vậy, một hôm đứa cháu gái an ủi:
– Ai sao mình vậy. Đều trời hết chớ phải có mình mình đâu mà ông buồn.
– Tao đâu có buồn ! Tao giận chớ đâu có buồn ! Cái giống gì mà ăn nói ngang như cua, không
biết lễ nghĩa gì hết. Cũng may là xóm mình không có nhà nào di tản, nên tụi nó không có tiếp thu để
chen vô ở như mấy xóm ngoài mặt tiền. Nghe nói tụi nó ồn ào và hay dòm ngó lắm. Cái ngõ của
mình còn đầy đủ bà con, nhứt là vẫn được yên tĩnh như từ hồi xưa tới giờ, là mình có phước đó !
Một buổi sáng, đang nằm đọc sách, ông Năm bỗng nghe xào xạc trên mấy cành vú sữa phía
trước. Bỏ kiếng lão, nhìn ra, thấy gió thổi từng cơn. Yên tâm, ông tiếp tục đọc sách, không để ý đến
nữa. Trưa đó, đang thiu thiu ngủ ông bỗng giựt mình hết hồn vì tiếng la chát chúa phát ra từ một cái
loa nào đó ngay trước nhà ông: “Chú ý ! Chú ý ! Phòng lương thực chiều nay phân phối rau cải. Mời
bà con khẩn trương kẻo rau cải úng thúi chúng tôi không chịu trách nhiệm !”. Tiếng trong loa phát ra
nghe điếc con ráy, còn lập đi lập lại nhiều lần, làm ông Năm phát bực. Ông chống gậy bước ra xem.
Thì ra “tụi nào” đã gắn một cái loa to trên mấy cành vú sữa ! Ông hậm hực trở vô, đầu gậy chống
xuống mặt sân gạch nghe côm cốp, miệng lẩm bẩm: “Đù cha tụi nó ! Quyền gì mà nó gắn loa ở nhà
người ta ? Quyền gì mà nó làm mất sự yên tịnh của xóm người ta ?”.
Ông Năm không biết – có đi đâu mà biết – rằng công tác “quan trọng hàng đầu” của nhà cầm
quyền là cho gắn loa để đưa tiếng nói của Nhà Nước đến tận... lỗ tai của nhân dân. Để đừng ai trách
rằng: “Tôi không hay không biết gì hết !”. Cứ nhét riết vô lỗ tai, nhét rồi nhét nữa, không thể nói là
không... nghe ! Mà cho dù không muốn nghe, cuối cùng rồi cũng phải thuộc ! Đó là một quy luật máy
móc, nó “vô” trong óc hồi nào không hay. Biết như vậy, nên Nhà Nước cho gắn loa cùng khắp: hang
cùng ngõ hẻm, ngã tư ngã ba, chợ búa trường học... thậm chí đến bịnh viện là nơi cần sự yên tịnh !
(Có người nói: chung quanh bịnh viện có bảng “Cấm bóp còi” đàng hoàng mà Nhà Nước không tôn
trọng luật lệ gì hết. Nói như vậy là sai, là “lý luận chưa đạt yêu cầu”. Bảng “Cấm bóp còi” chớ có cấm
bắt loa nói cho dân nghe đâu ?). Tuy nhiên, có một nơi mà Nhà Nước không cho gắn loa: đó là nghĩa
địa. Không phải tại vì Nhà Nước biết tôn trọng “giấc ngủ ngàn thu” của những người quá cố, mà tại vì
Nhà Nước sáng suốt, biết rằng có nói ở đó cũng không có... ma nào nghe ! Đỉnh cao trí tuệ có khác !
Chịu trận được mấy hôm, bực mình quá, ông Năm nhứt định đi thưa. Ông chống gậy đi một mình
– con cháu gái bận đi họp hội đoàn gì đó.
Đầu tiên, ông đi gặp ông tổ trưởng. Ông này dẫn qua ông tổ phó an ninh. Ở đây, sau một lúc bàn
qua tính lại (bởi vì họ cũng không rành cái tổ chức cách mạng quá mới mẻ này), cả ba kéo nhau đến
công an phường. Anh này tỏ vẻ sành sỏi, giải thích dông dài thế nào là hàng ngang thế nào là hàng
dọc, ta tổ chức có khoa học nên theo hệ thống dọc chớ không theo hệ thống ngang... vân vân, rồi
vân vân, rồi vân vân. Để cuối cùng kết luận một cách rất... “bài bản”:
– Đấy ! Rõ như thế đấy !
– Tôi không hiểu gì hết ! Tôi chỉ muốn biết bây giờ anh giải quyết cái loa của tôi làm sao đây ?
– À ! Chuyện này không thuộc diện xử lý của tôi ! Cụ nên đến Ủy ban nhân dân quận xem. Không
! Cụ phải đến Ủy ban nhân dân phường trước. Ta theo hàng dọc, phải đi từ dưới lên trên. Phải...
Ông Năm chán nản xách gậy đi ra, bỏ mặc hai ông tổ trưởng tổ phó ngồi ngẩn ngơ với cái mà họ
gọi là “vụ việc quá căng” !
Gọi xích lô, ông Năm đi thẳng lên quận. Ở đây, người ta chỉ ông đi đúng chỗ. Mừng quá, ông thuật
lại vụ cái loa của ông cho người thanh niên ngồi sau bàn viết đầy hồ sơ (Anh này có vẻ cán bộ, vì
thấy ngồi trong văn phòng mà vẫn đội nón cối xiêng xiêng giống như còn đi dưới nắng !). Rồi ông kết:
– Nhờ cậu giải quyết giùm, tôi cám ơn.
– Bác có làm đơn khiếu nại chưa ?
– Ủa ? Phải làm đơn nữa sao ?
– Coi ? Đi thưa thì phải có đơn. Chớ nói khơi khơi vậy lấy gì mà giải quyết ?
Nghe như vậy, ông xách gậy quay ra đi thẳng.
Tối đó, ông ngồi dưới đèn rị mọ viết đơn. Cả đời ông chưa kiện cáo ai bao giờ, cho nên ông cứ
viết rồi xé, xé rồi viết. Đến chừng ông đọc được vừa ý thì đã mất gần hai tiếng đồng hồ !
Sáng hôm sau, ông “vác đơn lên quận”. Gã thanh niên hôm qua mở ra đọc, châm chú. Và có vẻ...
nghiền ngẫm từng câu từng chữ hay sao mà thấy đọc khá lâu. Ông Năm chống gậy ngồi chờ. Một
lúc sau, gã đứng lên – vẫn đội nón cối xiêng xiêng – cầm lá đơn đi vào phòng trong. “Chắc là để báo
cáo cho trưởng phòng” – ông Năm nghĩ như vậy (Nhờ đi họp đi hội liên miên mà ổng bây giờ nghĩ và
nói bằng từ ngữ cách mạng một cách... trơn tru, từ lúc nào không hay biết ! Cái hay của chế độ là ở
chỗ đó. “Cứ nhai tới nhai lui cho tụi nó nghe riết là tụi nó sẽ nhập tâm thôi”). Độ mười phút sau, gã
trở ra với một người cán bộ khác đứng tuổi hơn. Ông ta vui vẻ chào ông Năm, tay cầm lá đơn phe
phẩy như cầm quạt:
– Chào bác. Chuyện này các đồng chí đó làm bậy. Rồi ta sửa sai thôi. Bác về đi, yên tâm. Họ sẽ
tháo gỡ trong ngày hôm nay cho bác.
Ông Năm cám ơn, rồi ra về. Ngồi trên xích lô, ông nghĩ: “Ít ra, cũng có người biết điều như vậy
chớ ! Lâu nay mình nghĩ quấy cho họ cũng tội.”
Lối gần trưa, ông nghe có tiếng xe máy dầu ngừng phía ngoài rào, kế đó là mấy cành vú sữa dao
động một lúc lâu rồi yên. Ông vui vẻ nói với đứa cháu gái:
– Rồi ! Họ gỡ rồi ! Mầy thấy không, Hai ? Họ cũng đàng hoàng chớ đâu đến nỗi.
Xế chiều, đang nằm đọc sách trên võng, ông bỗng giựt mình vì tiếng phát thanh chát chúa ình ình
ình ình của nhạc tiến quân. Lần này, nghe còn lớn hơn hồi cái loa nằm trên cành vú sữa ! Ông vội vã
chống gậy ra ngoài cổng coi là cái gì. Thì ra cái loa bây giờ đã được gắn trên trụ đèn đường nằm ở
phía đối diện, miệng loa hướng về phía nhà ông Năm ! “Tiên tổ nó ! Hèn gì !”. Ông Năm hậm hực trở
vô thay đồ rồi hối hả gọi xích lô lên quận.
Lần này, ông đòi gặp thẳng ông trưởng phòng. Ông nói với gã thanh niên ngồi ngoài, mà ông
dộng đầu gậy xuống sàn gạch nghe côm cốp. Đủ thấy ông bực mình đến đâu !
Nghe to tiếng, ông trưởng phòng bước ra, ngạc nhiên:
– Họ chưa gỡ cái loa cho bác à ?
– Gỡ rồi ! Mà họ đem gắn ở trụ đèn phía bên kia đường thì cũng như vậy thôi.
– Bác nói không đúng ! Sao cũng như vậy được ? Hồi gắn loa trên cây nhà bác mà không có sự
đồng ý của bác, đó là sai, là phạm chủ quyền của bác. Tôi nhất trí điều đó. Còn bây giờ gắn trên cột
đèn thuộc phạm vi của Nhà Nước, nằm trên lối đi công cộng, là đúng chớ đâu có sai.
– Đành rồi. Nhưng điều mà tôi muốn nói là tôi già rồi, cần được yên tĩnh, mà cái loa nó ồn quá.
Tôi...
– À ! Chỗ này là bác hiểu sai. Nhà Nước đâu phải gắn loa để làm ồn. Nhà Nước gắn loa để hằng
ngày báo cáo cho nhân dân những gì Nhà Nước đã làm, những thành quả của cách mạng, từng
tháng, từng quí, những đường lối chủ trương của đảng đề ra... Bác thấy không ? Quan trọng lắm
chớ ! Đó là trách nhiệm hàng đầu của Nhà Nước đối với nhân dân mà bác nói là làm ồn sao được !
Ông Năm không nói thêm một tiếng, chống gậy côm cốp đi ra mà có cảm tưởng như mình vừa nói
chuyện với... một bức tường !
Về nhà, ông nằm ngã người lên võng, chửi đổng mà như tự chửi mình:
– Đu mẹ bà nó ! Nếu biết như vầy, hồi đó tao đã di tản cha nó rồi.
Từ đó, trên cái bàn thấp kê gần võng để để trà, thuốc, sách của ông Năm, thấy có hai cục bông
gòn nhỏ ! Và lúc nào đi họp đi hội, ông cũng cố ý nhét vô lỗ tai hai cục gòn bự cho người ta thấy ! Có
ai ra dấu hỏi thì ông trả lời lớn tiếng như nói với người điếc:
– Từ ngày tôi nghe loa phát thanh của Nhà Nước, tự nhiên tôi bị... thúi lỗ tai. Kỳ quá !"
&&&&
Chuyện thuở giao thời - Tiểu Tử
Tháng 3, rồi tháng 4 năm 1975, thiên hạ chạy di tản rần rần từ miền trung vào trong nam, rồi từ
đất liền “chạy” ra biển, nhốn nháo hỗn loạn chẳng biết “trời trăng” gì hết,.. chỉ có một ý nghĩ rõ rệt ở
trong đầu là “Ở lại với tụi nó là chết !”. Vậy rồi giai đoạn di tản đó chấm dứt vào ngày 30 tháng 4......
Giữa tháng 4, một thằng bạn gọi điện thoại cho tôi, nói: “Mầy đừng đi di tản. Ở lại đi ! Không có
sao hết ! Tao bảo đảm“. Thằng nầy làm lớn trong “Tổng Nha”, nó nói “chắc như bắp” ! Lại một thằng
bạn khác – thằng này người Pháp, làm việc ở sứ quán Pháp – nói trong điện thoại, giọng rất bình
thản: “Mầy đừng đi đâu hết ! Mọi việc đều đã thoả thuận trước rồi ! Yên tâm !“. Riêng tôi, tôi nghĩ:
“Mình làm việc cho hãng dầu ngoại quốc trực thuộc hãng quốc tế SIPC ( Shell International
Petroleum Company – Anh Quốc ) chắc không sao ! “. Vậy là tôi quyết định ở lại......
Ngày 30 tháng tư năm 1975 ! Việt cộng vào “đớp” hết, công tư gì cũng đớp hết, thượng vàng hạ
cám gì cũng đớp hết. Họ gọi hành động đó bằng một danh từ nghe cũng... văn chương: “Tiếp Quản“.
Không biết hai thằng bạn tôi kể ở trên có... tức hộc máu hay không khi thấy mình bị gạt dễ dàng như
con nít ? Riêng tôi, tôi thấy như tôi từ trên trời rơi xuống, thấy những gì xưa nay mình học, mình hỏi,
mình hiểu biết, mình suy luận v.v... đều sai bét đối với “cái gọi là cách mạng” !
Hãng dầu tôi làm việc bị tiếp thu bởi... “ê-kíp” có bí số K7. Những người nầy mặc đồ đen đội mũ
tai bèo đen. Mấy tay có vẻ “xếp” mang túi dết ngang hông và bao súng lục nằm... sau đít ! Họ chiếm
kho dầu Nhà Bè và văn phòng trung ương ở đường Thống Nhứt. Hai hôm sau, có tin bộ đội vào kho
Nhà Bè “vít” K7 ra ngoài, vì kho dầu không thuộc quyền quản lý của mấy cha K7. Vậy là trong cái tổ
chức rất là... “cách mạng” nầy, cái “đầu não” của công ty không còn dính với cái thân mình là kho
dầu nữa ! Phải nói thiệt : tôi làm việc cho hãng dầu hơn 19 năm, đã đi thăm viếng nhiều hãng dầu ở
các quốc gia khác, nhưng chưa thấy một tổ chức hãng dầu nào... khùng như vậy !Qua sáng ngày
thứ ba, tôi được chở xuống kho Nhà Bè để hướng dẫn một ông tướng VC đi viếng kho (Có lẽ mấy
tên “nằm vùng” đã cho bọn “cách mạng” biết rằng tôi... rành kho dầu này lắm ! ) Đến kho, tôi được
“ông” bộ đội xếp kho cho biết ông tướng là “xếp” cục hậu cần. Tôi tưởng tượng sẽ gặp lão ta với bộ
quân phục thẳng nếp và một ngực mề đai như thường thấy ở mấy tướng các nước cộng sản !...Xe
ông tướng đến. Bước xuống là một người cao lớn mặc bộ đồ “xá xẩu” tàu bằng lụa màu ngà, đội nón
Panama trắng, miệng ngậm ống đót có điếu thuốc đang cháy dở. Được giới thiệu, ông ta không bắt
tay tôi, chỉ gật nhẹ đầu, nói: “Ta đi thôi !”. Tôi lưu ý ông ta đừng hút thuốc trước khi vào kho. Ổng gạt
bỏ mẫu thuốc nhưng vẫn ngậm ống đót trên môi...
Kho Nhà Bè lớn lắm. Ngoài bốn cầu tàu chiếm hết mặt sông, trên bờ có khu bồn chứa và các khu
nhà máy trộn nhớt, trộn hoá chất, sản xuất thùng thiếc 20 lít đựng dầu hôi, châm dầu vào thùng 200
lít, nhà máy nhựa đường.v.v... “Phái đoàn” đi viếng gồm có ông tướng, hai người hộ vệ và xếp kho.
Vì kho dầu không làm việc nên tôi chỉ đưa họ đi... phớt phớt vòng ngoài các khu nhà máy. Tôi có ý
đợi họ đặt câu hỏi, nhưng không nghe cha nào nói một tiếng. Sau nầy, tôi mới biết rằng ngoài bắc
không có những gì chúng tôi có ở trong nam, cho nên họ không biết... khỉ gì để mà hỏi !
Đến khu bồn chứa, bỗng ông tướng chỉ một cái bồn, hỏi: “Cái bể nầy bao nhiêu khối ? “. Tôi trả
lời: “Mười lăm ngàn m3“. Hỏi: “Mỹ nó làm cho các anh đấy à ? “. Trả lời: “Không có thằng Mỹ nào vô
đây hết ! Toàn là dân Việt Nam thực hiện“. Nghe vậy, lão ta cười khẫy: “Làm gì có ! Ở ngoài ta, trên
2000 khối là phải ông Liên Xô hay ông Trung Quốc thực hiện cơ ! “. Cái cách thằng chả nghi ngờ lời
tôi nói đã chạm mạnh tự ái của tôi, đồng thời cũng cho tôi thấy rằng miền bắc của mấy chả nó dở ẹc
hà ! Tôi nhấn mạnh: “Tất cả ba mươi mấy cái bồn nầy, lớn nhỏ gì cũng do nhà thầu thực hiện với thầy
thợ hoàn toàn người Việt“. Tôi đưa mấy người đến xem cái bồn mới làm xong cách đây mươi hôm.
Đó là cái bồn lớn nhứt kho Nhà Bè, 30000 m3, do nhà thầu Việt Nam EVS thực hiện, nó lớn bằng
nửa cái sân banh !. Từ đó, mấy chả làm thinh luôn cho đến về văn phòng để họp với mấy anh em
cấp chỉ huy cũ theo ý muốn của ông tướng ! Sau khi nghe mấy anh em lần lượt trình bày lý lịch, cấp
bậc, phần việc và lương bổng của mình, ông tướng nói : “Các anh yên tâm : Đảng và Nhà Nước sẽ
trả lương các anh y như cũ. Cứ yên chí phục vụ ! “. Nghe giọng ông ta rất tin tưởng vào những gì ổng
nói, mình cũng thấy tin tưởng theo... ...Thời gian sau, hãng dầu đường Thống Nhứt được mang tên
“Công Ty Xăng Dầu Khu Vực Hai“. Hỏi “Khu Vực Một” ở đâu thì được trả lời “Chưa có, nhưng đã có
Tổng Công Ty ở Hà Nội” ! Cách mạng có khác !
Rồi là “xếp thang lương“, nghĩa là mỗi ngành mỗi nghề đều được xếp cấp bậc trên từng thang
lương, từ đó lãnh lương mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ nửa lương. Tôi được xếp “kỹ sư bậc 2 trên 6“,
nghe... khoẻ re. Thang lương có 6 bậc mà mình nằm gần trên đĩnh rồi, họ cũng biết... chấm điểm đó
chớ ! Ai dè khi lãnh lương mới... té ngửa: mấy chả xếp thang lương ngược, hạng nhứt là bậc 6 nằm
trên hết, rồi tuột lần xuống dưới chót là hạng một. Tôi bậc 2 trên 6, là hạng... áp chót ! Mẹ !...Tôi lãnh
80 đồng tiền mới (Vậy là thằng cha tướng Tổng Cục Hậu Cần đã nói láo ! ) Bực mình, chạy đi gặp
thủ trưởng, ảnh nói: “Trời đất ! Bác Hồ chủ tịch nước mà chỉ lãnh có 200 đồng. Còn anh, anh lãnh tới
80 đồng còn muốn gì nữa ? “. Thấy thằng chả đem “Bác Hồ” ra... làm chứng, tôi biết có cãi cũng vô
ích. Rồi tôi nhớ ra là anh tài xế cũ của tôi bây giờ lãnh 90 đồng, tôi... đánh đòn chót: “Vậy thôi anh
cho tôi làm tài xế, đi ! “. Thằng chả cười, thấy như tôi sao quá khùng, nên vừa lắc đầu vừa trả lời:
“Đâu được ! Anh là Kỹ Sư đâu làm tài xế được ! “. Tôi làm thinh, bước ra khỏi văn phòng thủ trưởng
mà thấy như mình từ trên trời rơi xuống !
* * *
...Tôi “chịu trận” với cái gọi là “cách mạng” hết ba năm. Vượt biên thất bại hết ba lần, qua lần thứ
tư đi thoát, để bây giờ – ba mươi mấy năm sau – ngồi viết mấy dòng nầy nhân ngày 30 tháng tư thứ
37... mà thấy không phải tôi đã từ trên trời rơi xuống, chính mấy thằng cha “cách mạng” mới là từ trên trời rơi xuống !
Chợ trời - Tiểu Tử
Nói đến “chợ trời” chắc ai cũng biết. Ở đó, người ta bán đủ thứ, không cần xếp “ngành nghề” gì cả, hàm-bà-lằng ! “Thượng vàng hạ cám” gì đều ngang nhau hết. Rất bình đẳng, không “phân biệt giai cấp”, không “kỳ thị chủng tộc”. “Anh” ti-vi loại “xịn”, loại tổ bố, loại “made in Japan”, vẫn đứng cạnh “anh” quạt máy nhỏ xíu cỡ bằng bàn tay loại “không made in gì cả”. Những món hàng ăn cắp
vẫn ngang nhiên... kề vai với những món hàng thuộc diện “bảo đảm có phắc-tuya đàng hoàng”. Và cùng đứng rất tự nhiên, không kênh kiệu tự tôn, không tự ti mặc cảm. Thậm chí đến đồ thiệt đồ giả cũng... đứng chung với nhau, lẫn lộn một cách rất hài hòa thân thiết ! Cái thế giới “chợ trời” đúng là cái thế giới lý tưởng bởi vì đã san bằng được giai cấp và mọi dị biệt đều được hòa đồng...
Vậy mà sau “ngày cách mạng thàng công”, chánh quyền cách mạng đã “cách mạng” chợ trời ráo riết. Nay càn quét chỗ này, mai càng quét chỗ kia. Chợ trời rách nát te tua, rồi mất dạng. Rồi hiện trở lại, rồi lại mất dạng... vv nhiều lần. Giống như trò cút bắt.
Chính trong thời gian kể trên, một hôm đi ngang Lăng Ông Bà Chiểu, tôi “được” một anh thanh niên kè theo hỏi nhỏ mà cặp mắt láo liên:
– Chú mua quần tây không chú ?
Thật bất ngờ và cũng thật bất thường làm tôi phải lấy ngay “tư thế cảnh giác”. Do bản năng và nhứt là do thói quen sau này
– tôi muốn nói sau cuộc đổi đời vĩ đại – lúc nào cũng phải thủ thế, luôn
luôn coi chừng lời ăn tiếng nói, luôn luôn coi chừng hành động của mình, luôn luôn coi chừng những người chung quanh...
vì không biết lúc nào trắng lúc nào đen, không biết ai là ai nữa.
Thấy chẳng còn ai tin ai nên tôi cũng chẳng dám tin ai. Vậy là lúc nào cũng có ngay một phản ứng rất...thời đại: nghi ngờ !
Tôi nghi gã thanh niên “có ý gì”. Bởi vì nói bán quần tây mà đi hai tay không, lại còn phì phà điếu thuốc đầu lọc mà chính bản thân tôi – công nhân viên với ngạch trật “kỹ sư bậc hai trên sáu”
– không đủ tiền để mua hút !
Tôi vội nhìn quanh: chẳng còn ai hết ngoài tôi và gã.
Vậy là ở đây không có loại“chợ trời mi-ni” để gã có lý do bắt mối chào hàng. Tôi nghiêm nghị trả lời:
– Không !
Gã vẫn đeo theo:
– Mua giúp con mà chú. Quần tây thứ tốt, loại đa-cờ-rong nhập cảng đàng hoàng.
Tôi làm thinh, tiếp tục bước đi và vẫn tiếp tục... thủ. Bỗng, gã đổi giọng than thở:
– Chú không biết chớ bây giờ chợ trời bị dẹp hết, còn chỗ đâu mà buôn bán. Dân chợ trời rã ra đi bán chui lẻ tẻ vẫn bị “cum” như thường.
Khổ lắm chú ơi ! Bữa nay con lang bang xóm này cầu may
mà sáng giờ chưa bán được cái quần nào hết. Chú mua giúp đi chú!
Tôi không cần quần nên không cần mua. Nhưng vẫn thắc mắc:
– Anh nói bán quần mà đi tay không, có thấy hàng họ gì đâu ?
Anh ta nhăn mặt:
– Trời ơi ! Cầm trong tay cho tụi nó thấy đặng mang họa à !
Rồi hắn dừng bước, để điếu thuốc lên khóe môi, một tay ôm vạt sơ-mi lên, một tay chỉ vào quần
hắn đang mặc:
– Nè ! Quần đây nè ! Thiệt mà ! Chú coi đi!
Tôi thật ngỡ ngàng, không biết phải nói gì làm gì. Gã cầm lấy bàn tay tôi đặt lên hông gã:
– Đây ! Chú rờ coi ! Đa-cờ-rong thứ thiệt mà. Còn mới tinh hà!
Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng, tay mân mê một cách máy móc chéo vải quần của hắn. Thấy vậy,
giọng hắn trở nên dồn dã:
– Để con cởi ra cho chú coi nghen !
Gã dọm mở nút quần, tôi cản lại:
– Đừng ! Đừng ! Tôi không mua đâu.
– Hay là chú muốn coi quần màu khác ? Cũng đa-cờ-rong.
Không đợi tôi trả lời, hắn phun mẩu thuốc trên môi, lẹ làng kéo phẹt-mơ-tuya xuống. Rồi một tay ôm vạt áo, một tay tuột quần khỏi mông, để lộ bên trong một cái quần khác màu sậm hơn ! Hắn xoay
người qua xoay người lại để... bày hàng, rồi nói:
– Cái này “xịn” hơn. Đa-cờ-rong Mỹ mà.
Chú rờ coi ! Bảo đảm chưa mặc lần nào hết !
Tôi bỗng thấy tội nghiệp anh ta vô cùng. Và tôi đoán rằng bên trong còn một cái quần thứ ba nữa, bởi vì tôi vừa nhận ra là anh ta ốm tong ốm teo, dư sức để mặc dễ dàng ba cái quần.
Tôi đặt tay lên vai gầy của hắn, thân mật:
–Chú không mua đâu. Đừng mất thì giờ.Tốt hơn cháu nên chào hàng người khác đi!
Trong lúc tôi bỏ đi, hắn còn nói vói theo:
– Chú chưa coi hết mà ! Còn một cái nữa nè !
Tự nhiên, hai chân tôi bước nhanh hơn, bước dài hơn. Làm như muốn chạy
Người Bán Liêm-Sỉ - Tiểu Tử
Xin gọi ông ta là ông X. Để tránh phiền phức. Thời buổi bây giờ, con người dễ bị chụp mũ bất cứ lúc nào và bởi bất cứ ai.
Ở trên chụp xuống là nhà cầm quyền –hạng này đông lắm và rất... vững tay nghề vì đã từng hành nghề này cả mấy chục năm. Ở dưới chụp lên là kẻ tiểu nhơn –hạng này thường thấy xuất hiện khi có biến cố hay khi thấy chánh quyền đa nghi như Tào Tháo; hạng này hành động theo thời cơ nên tay nghề lắm khi còn vụng; họ không đông nhưng rất nguy hiểm bởi vì họ giống như mọi người nên khó mà nhận diện! Ở ngang với mình mà chụp mũ mình là mấy đứa mà mình thường gọi là bạn hay
chiến hữu hay đồng chí –hạng... mắc dịch này mới bắt tay ôm hôn mình thắm thiết đó, vậy mà hôm sau đã “trở cờ xé lẻ” bởi vì cái đít của họ đòi cái ghế và cái mặt của họ muốn được... bự bằng cái nia (để được thấy là ... đại diện!); hạng này không cần tay nghề khéo nên cách chụp mũ thiếu... tế nhị!
Nói chung, hạng chụp mũ nào cũng chỉ chụp người có tên tuổi đàng hoàng chớ chẳng ai chụp mũ một kẻ vô danh. Cho nên, gọi nhân vật trong chuyện sau đây là ông X để ổng trở thành kẻ vô danh,khỏi bị chụp mũ! (Xin lỗi! Tôi hơi dài dòng ở đây tại vì tôi muốn mọi người đều thấy tôi “rõ như ban ngày”, để đừng ai... chụp mũ tôi “có ý đồ này nọ”. Đa tạ).
Bây giờ thì xin nói đến ông X.
Hồi thời trước – thời mà sau này “được” gọi là ngụy – ông X làm việc cho một hãng tư của ngoại quốc. Ông làm việc lâu năm và rất đắc lực nên ban giám đốc giao cho ông những chức vụ quan trọng với quyền hạn về tài chánh thật rộng rãi. Để thực hiện những chương trình xây dựng đồ sộ của hãng, ông thường xuyên giao dịch với chánh quyền. Nhờ vậy, ông “quen lớn” nhiều trong cả hai giới dân sự và quân sự.
Ở địa vị như của ông, con người dễ bị cám dỗ vì tư lợi. Chẳng có gì khó hết. Chỉ cần “nhắm mắt” một chút là nhà thầu sẽ biết cách đền ơn. Chỉ cần “biết phải quấy” một chút là vô “áp phe” riêng cho mình. Chỉ cần “bóp chẹt bắt bí” một chút là hất chân những đứa không theo bè cánh...
Ông X lại không thuộc hạng “biết làm ăn” như kể trên. Ông lớn lên trong một gia đình theo Khổng giáo, lấy “nhân nghĩa lễ trí tín” làm phương châm, luôn đề cao giá trị đạo đức của con người. Cho nên làm việc cho hãng gần hai mươi năm mà không thấy ông... “xơ múi” chút gì hết!Bạn bè có đứa chê ông nhát. Ông cười: “Thà tao nhát mà tao giữ tròn liêm sỉ. Cái đó mới là cái khó. Người ta có thể chê tao như mày đã chê tao. Chớ không ai dám khi dể tao hết. Cái phách của tao là ở chỗ đó!”.
... 30 tháng tư 1975. Ông X đã không di tản. Nghĩ rằng mình làm việc cho hãng tư, lại là hãng của ngoại quốc, chắc “họ không làm gì đâu”. Chẳng dè quân mũ tai bèo (Giải phóng miền Nam) và quân nón cối (bộ đội) vào Nam tiếp thu tuốt tuột. Hãng công hãng tư gì, lớn nhỏ gì cũng “đớp” hết ráo (Trước đó, họ có uyên bố “không đụng tới cây kim sợi chỉ của dân”, và sự thật, họ đã làm đúng như vậy, mới chết! Bằng cớ là họ đã lấy hết, chỉ chừa có... cây kim sợi chỉ! Cho nên, có thấy ai thưa gởi rằng bị cách mạng... cướp mất cây kim sợi chỉ đâu? Vậy mà sao ai cũng nói họ “nói một đàng mà làm một nẻo” hết! Oan cho họ! Có điều là với “cây kim sợi chỉ”, người dân không biết... “làm khỉ gì ăn”. Chỉ còn có nước may cái miệng lại để khỏi phải ăn, khỏi phải nói!).
Hãng của ông X bị quân mũ tai bèo mang bí số K7 tiếp thu. May cho ổng: người dẫn đầu toán tiếp thu là người chú bà con đi khu hồi kháng chiến 1945. Nhờ ông này can thiệp nên ông X không bị đi cải tạo, nhưng bị đổi đi “hạ tầng công tác” ở một kho hóa chất (Sự che chở người thân như vậy rất hiếm thấy trong chế độ. Và có lẽ vì vậy mà chưa đầy sáu tháng sau, ông cán bộ đó bị cho “về vườn” mặc dầu chưa tới hạng tuổi!).
Bấy giờ, ông X ăn lương 80 đồng. Trong khi người tài xế cũ của ông lãnh 90 đồng! Ông được phát lương mỗi tháng hai kỳ. Mỗi kỳ là 40 đồng nhưng bị giữ lại 2 đồng để cho vào sổ tiết kiệm (Nhà Nước lo cho dân chí tình như vậy mà vẫn có người không bằng lòng. Lạ thật!).
Bấy giờ, vì tất cả ngân hàng đều bị tịch thu, nên tiền của mà ông X để trong ngân hàng của ổng kể như đã... cúng cô hồn! Ông X trắng tay và... trắng mắt.
Bấy giờ, vợ con ông X rã ra đi làm trong mấy tổ hợp. Hai đứa nhỏ nhứt ở nhà dán bao giấy bỏ mối cho bạn hàng ngoài chợ gói đồ. Ông X bán lần xe cộ, bàn ghế tủ...
Nhiều khi ông thầm nghĩ: “Mình đã tự hào giữ tròn liêm sỉ từ mấy mươi năm. Bây giờ... đổi lấy cái ăn cũng không được. Phải chi hồi đó mình nhắm mắt làm bậy, mánh mung chụp giựt đầy túi rồi bay ra ngoại quốc ở, thì bây giờ mình đâu có ngồi đây nhìn cái khổ cực của vợ con! Riết rồi không biết là mình khôn hay mình dại nữa”.
Hôm nay là ngày ông đi bán chiếc xe đạp của ông. Ông đã tính kỹ: đạp xe ra chỗ thằng nhỏ sửa xe đạp ở góc đường xin nó cho đứng nhờ để bán; ở đó người qua lại cũng đông và người ghé vào bơm bánh hay sửa xe cũng thường; thế nào cũng có người hỏi mua. Sau khi lau chùi sạch sẽ chiếc xe, ông lấy một miếng bìa cứng viết lên đó “Bán xe đạp” rồi khoét lỗ xỏ sẵn dây để mang ra cột tại chỗ. Vừa làm ông vừa nghĩ đến thân phận của mình, đến cái liêm sỉ mà ông đã đeo đẳng từ bao nhiêu năm. Ông cười chua chát: “Cái liêm sỉ không giá trị bằng chiếc xe đạp!”. Bỗng ông nẩy ra một ý, vừa hài hước vừa táo bạo: “Tại sao mình không treo bảng bán cái liêm sỉ? Cười chơi, sợ gì?”.
Vậy là ông lấy một miếng cạc-tông, nắn nót viết lên đó hàng chữ “Bán cái liêm sỉ. Bảo đảm 20 năm chưa
sứt mẻ”. Khoét lỗ xỏ dây xong, ông cho hết vào túi xách, đạp xe ra ngõ.
Thằng nhỏ sửa xe tuổi độ mười hai mười ba. Ốm nhom, đen thui, cười hở lợi. Sáng nào nó cũng kéo chiếc xe hai bánh chở hai thùng gỗ nhỏ và mớ đồ nghề, ra... hành nghề cạnh trụ đèn ở góc đường. Sợ người ta không biết hay sao mà thấy nó có treo trên trụ đèn tấm bảng trắng sơn chữ đỏ “Tại đây sửa xe đạp đủ loại”.
Khi ông X xin đứng nhờ, nó vui vẻ nhận lời ngay:
-Dạ được!Dạ được! Ông Hai cứ dựng xe cạnh cột đèn đó, không sao hết. Chỗ này là chỗ “bá tánh” chớ phải của riêng cháu đâu mà ông Hai xin phép!
Rồi nó lấy cái thùng gỗ úp xuống, mời:
-Ông Hai ngồi. Cháu đang lỡ tay!
Nó làm như nếu nó không lỡ tay thì nó có bổn phận phải ngồi... tiếp chuyện ông X vậy! Ông thấy có cảm tình ngay với thằng nhỏ. Ông cảm ơn rồi lấy hai miếng cạc-tông ra, treo một tấm lên sườn xe đạp, tấm thứ hai đeo lên cổ của mình một cách thích thú!
Ông ngồi xuống thùng gỗ phía sau lưng thằng nhỏ, đốt thuốc hút, ung dung. Thằng nhỏ đang ráp sợi dây sên vào chiếc xe đạp dựng ngược. Nó vừa làm vừa nói chuyện với ông X, mắt vẫn nhìn châm chú vào công việc.
-Ông Hai bán xe rồi lấy gì mà đi? -Thì... tôi đi chung xe với bà nhà tôi. -Ông đèo bà hay bà đèo ông vậy? Ông X bật cười:
-Dĩ nhiên là tôi đèo bả chớ!
-Ý! Bây giờ đổi đời rồi. Mấy bà chở chồng chạy bon bon thiếu gì, ông Hai.
Nói xong, nó cười hắc hắc. Ngừng một lúc, chừng như đang ngẫm nghĩ gì
đó. Rồi nó nói tiếp, giọng ngang ngang:
-Bây giờ sao nhiều người bán đồ bán đạc trong nhà quá. Ở xóm của cháu, thấy có người cạy gạch bông nền nhà lên bán đặng ăn, ông Hai à!
Hình ảnh đó làm ông xúc động. Ông không biết phải nói gì. Sự bần cùng của người dân trong chế độ được gọi là ưu việt này, đã vượt quá xa tầm tưởng tượng của con người... thì còn lời gì để nói?
Im lặng, ông hít nhiều hơi thuốc dài... Thấy sao “người đối thoại” của nó làm thinh, thằng nhỏ quay đầu nhìn lại. Bây giờ nó mới thấy tấm bảng ông đeo trước ngực. Nó ngạc nhiên:
-Ủa! Ông còn bán cái giống gì nữa vậy?
-Thì... cháu đọc coi.
-Cái... “liêm”... Cái “liêm sỉ” là cái gì vậy, ông Hai?
-Ờ... Cái liêm sỉ là... (Ông ngập ngừng tìm lời để giải nghĩa) Là... Là cái mà thiên hạ ai cũng quí trọng hết. Người ta coi nó có giá trị như... có giá trị như...
-Như hột xoàn hả ông Hai?
-Ờ! Đại loại như vậy. Thiên hạ cho rằng người nào có cái liêm sỉ cũng thấy sáng ngời không kém.
Nổi tánh tò mò, thằng nhỏ chùi vội hai tay vào một miếng giẻ cũng dơ như tay của nó, rồi xoay hẳn người lại, hâm hở:
-Ông Hai cho cháu coi một chút được không?Từ cha sanh mẹ đẻ cháu chưa nghe nói tới cái liêm sỉ bao giờ, chớ đừng nói thấy.
-À cái này không có coi được. Lớn lên rồi cháu sẽ biết.
Thằng nhỏ tiu nghỉu, quay trở về công việc mà nghĩ: “Chắc là đồ xịn lắm nên ổng sợ!”
Có hai thanh niên dừng lại bơm bánh xe. Cả hai đều đọc bảng treo trước ngực ông X. Một anh hỏi anh kia:
-Cái liêm sỉ là cái gì vậy mậy?
Thằng nhỏ nói hớt, vẻ sành sỏi:
-Là đồ nữ trang loại xịn. Mắc lắm đó!
Ông X mỉm cười, chua chát nghĩ: “Chế độ đâu có dạy con người phải có liêm sỉ. Bây giờ, chỉ thấy học đấu tranh, học hận thù, học giết chóc... chớ đâu thấy học làm người có đạo đức, trọng lễ nghĩa để mà biết liêm sỉ là gì? ‘’
Một anh bộ đội, nón cối nghiêng nghiêng, tấp Honda vào hỏi mua “săm” xe đạp. Thằng nhỏ nói:
“Sửa xe chớ không có bán đồ phụ tùng”. Chờ cho anh bộ đội đi khuất, nó quay lại cười cười nói với
ông X:
-Ruột xe thì nói ruột xe. Mấy chả nói “săm”. Hồi đầu cháu đâu có biết. Cháu chỉ qua bà xẩm bán nước sâm ở bên kia đường.
Thấy cười quá!Họ nói tiếng gì đâu không hà!
Một thanh niên chở một ông già, ngừng lại nhờ thằng nhỏ siết lại cái đầu bàn đạp. Sau khi nhìn ông X, anh thanh niên hỏi nhỏ ông già:
-Liêm sỉ là cái gì hả ông nội?
Ông già tằng hắng rồi nói, giọng nghiêm trang:
-Là cái mà nó bắt con người ta phải cẩn thận trong suy tư trong hành động. Nó không cho con người ta làm bậy làm quấy, làm sai đạo lý. Nó bắt con người ta phải biết xấu hổ khi có ý xâm phạm thuần phong mỹ tục. Quí lắm, con thấy không? Vậy mà thời buổi bây giờ có mấy ai biết nó là gì...
Trả tiền xong, người cháu đợi người ông ngồi đàng hoàng vững chãi trên pọt-ba-ga rồi mới đạp đi.
Ông già quay đầu nhìn lại ông X, giống như nhìn một món đồ cổ!
Mặt trời đã lên cao. Cây me già cạnh đó đổ bóng mát rượi xuống chỗ “hành nghề” của thằng nhỏ.
Gió thổi hiu hiu. Lá me lăng tăng rụng...
Một ông già râu tóc bạc phơ đạp xe lọc cọc ghé vô nhờ sửa
cái thắng. Sau khi... “kiểm tra” lại bộ phận, thằng nhỏ gãi gãi đầu mặc dù tay nó dơ hầy:
-Cha... Vụ này hơi lâu à ông Hai. Cũng năm mười phút à!
-Không sao. Tao đợi. Tao thiếu gì thì giờ.
Nó vội vàng lật úp cái thùng gỗ còn lại, đặt gần chỗ ông X:
-Ông ngồi đây. Có ông Hai này ngồi bán xe, từ sáng giờ không thấy ai hỏi hết. Chắc cũng buồn!
Đó là cách nó giới thiệu để hai người dễ dàng bắt chuyện với nhau, nếu muốn. Ông già ngồi xuống, gật đầu chào ông X, rồi móc bọc thuốc rê, mời:
-Ông vấn một điếu chơi.
-Cám ơn. Tôi có đem theo thuốc vấn sẵn ở nhà. Ông X lấy trong túi ra hộp thiếc giẹp màu vàng (loại đựng thuốc điếu 555 ngày xưa) móp méo trầy trụa, mở ra mời lại:
-Ông hút thử thứ này coi.
Ông già cất bọc thuốc vào túi lấy một điếu của ông X để lên môi, đốt. Ổng hít mấy hơi thật dài rồi gật gù:
-Ùm... Một phần Lạng Sơn hai phần Gò Vấp.
-Đúng! Ông rành quá!
-Một đời hút thuốc mà không rành sao được, ông bạn. Hai người im lặng thở những hơi khói dài.
Giờ đó, đường cũng vắng, chỉ nghe tiếng lách cách sửa xe của thằng nhỏ.
Một lúc lâu sau, bỗng ông già tằng hắng rồi nheo mắt nhìn thẳng ông X, giọng ôn tồn:
-Ông bạn à. Tôi nghĩ nếu ông bạn còn chút liêm sỉ thì nên dẹp tấm bảng bán liêm sỉ của ông đi. Chỉ có phường vô liêm sỉ mới khoe khoang khoác lác rằng ta là thế này, ta là thế nọ, ta hơn thiên hạ về đủ mọi mặt vv....
Sự thật, họ không có gì hết. Bọn vô liêm sỉ đó đã chà đạp mọi giá trị tinh thần của con người, đã chối bỏ truyền thống đạo đức của ông cha để lại từ không biết mấy ngàn năm.
Ông X im lặng gật gù nghe. Ông già ngừng một chút để hít mấy hơi thuốc. Rồi tiếp:
-Ông bạn à. Tôi tin rằng ông bạn là người có liêm sỉ. Trực giác cho tôi thấy như vậy. Bây giờ, đem
rao bán cái liêm sỉ, ông bạn có thấy đó là hành động thiếu suy nghĩ không? Nói khùng mà nghe, giả dụ ông bạn có bán được cái liêm sỉ, ông bạn sẽ “trắng tay”. Không còn liêm sỉ nữa thì ông bạn sẽ thành cái gì?
Ông già ngừng ở đó, nhìn ông X một chút rồi nói gằn từng tiếng:
-Ông bạn sẽ là thằng-vô-liêm-sỉ!
Đến đây, thằng nhỏ đã sửa xong cái thắng. Ông già đứng lên chào ông X, trả tiền rồi đạp xe đi thẳng. Hút tàn điếu thuốc, ông X thở dài, đứng lên tháo hai miếng cạc-tông cho vào túi xách. Thằng nhỏ ngạc nhiên:
-Ủa!Bộ ông Hai về hả?
-Ừ!
-Sao về sớm vậy?
-Ừ! Về sớm.
Ông X nói bằng một giọng trống rỗng. Thằng nhỏ ân cần dặn:
-Ông Hai cẩn thận nghe! Coi chừng tụi nó giựt cái liêm sỉ à.
Mấy thằng lưu manh nó giựt bóp của người ta hoài, hà!
Ông X làm thinh đạp xe đi, bỗng nghe như cái liêm sỉ của ông nó nặng như chì. Vậy mà bao nhiêu lâu nay, ngày ngày ông vẫn còng lưng cõng nó để đi tìm một chân trời, một lối thoát, một chút ánh sáng ở cuối con đường hầm ...!
CHUYỆN DI TẢN 1975 - Tiểu Tử
Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng tư 1975 nên không biết cảnh di tản ở Sài gòn ra
làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết !
Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ...
Chuyện 1 :Cuộc di tản kinh hoàng
Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về
phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy
chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau... ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau
chồm lên be tàu để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ... cũng ồn ào
như dòng người trên cầu thang !
Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ : bà mặc quần đen áo
túi trắng đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà
không dáo dác nhìn trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía
sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó ! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người
bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp.
Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc
mắc : bà già đó sợ gì mà phải đi di tản ? con cháu bà đâu mà để bà đi một mình ? rồi cuộc đời của
bà trong chuỗi ngày còn lại trên xứ định cư ra sao ? còn cậu thanh niên đã làm môt cử chỉ đẹp – quá
đẹp – bây giờ ở đâu ?... Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã
cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh
xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975...
Chuyện 2: Những bàn tay nhân ái
Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một
bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba
màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn
ông, mặt quay ra ngoài về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình
thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh !
Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn
theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết...
Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là
quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà : cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm
nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi
sao bà không xót xa đau khổ ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về
sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ
niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương...
Chuyện 3: Quê hương xa rồi
Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái
xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn
nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn
ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ cầu
cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ mắt sâu hõm, đang lả người về một bên, tay
chân xụi lơ. Người mẹ – chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí
như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới bất chấp cái nhìn bàng quan của thiên hạ mà
khóc than thống thiết như vậy – người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van
lạy cầu khẩn.
Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi
thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau rồi nói gì với người đàn bà.
Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo
đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài...
Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài
của quân đội.
Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng.
Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa
cạo gió ! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng
đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ,
bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc
lư theo từng nhịp bước....
Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng
nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng
với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn
có thiện cảm !
Chuyện 4: Những cuộc chia tay xé lòng
Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy
người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến nên càng
quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết !
Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên
cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc
sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu, gương mặt
sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm
tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười
sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ
được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây,
ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra
dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi ! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc
ngất ! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia... Không có tiếng còi tàu hụ
buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt !
Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi — ở đâu ?
Cha con nó có gặp lại nhau không ?
Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy..
Tôi Nằm Gác Tay Lên Trán
Hồi nãy, nằm một mình trong phòng, tôi gác tay lên trán hồi nào tôi không hay! Một cử chỉ rất tầm thường, ở quê tôi – Việt Nam – thiên hạ hay làm như vậy khi suy nghĩ chuyện gì hay khi gặp khó khăn gì. Và thường thì cử chỉ “gác tay lên trán” đó lâu lâu có kèm theo tiếng thở dài … làm như để trút ra một cái gì đang đè trong lồng ngực.
Nhớ hồi nhỏ, nằm gác tay lên trán là bị người lớn rầy : “Lấy tay xuống! Làm vậy không nên!”. Không ai giải thích tại sao không nên, nhưng rồi khi lớn lên, không ai dạy mà tự nhiên cũng biết nằm gác tay lên trán, và cũng không ai dạy mà tự nhiên cũng biết thở dài …
Tôi bỏ xứ đi chui từ cuối 1978. Bao nhiêu năm “trôi sông lạc chợ” ở nhiều nơi, tôi không thấy ai nằm gác tay lên trán hết! Và tôi cũng quên mất cái cử chỉ tầm thường đó, cho đến hồi nãy đây tôi bắt gặp lại “nó” trong lúc nằm một mình trong phòng. Thì ra “nó” đã theo tôi đi lưu vong, ẩn mình một cách khiêm nhường trong tiềm thức, để bây giờ “nó” cầm cánh tay tôi gác lên trán, tự nhiên như ngày xưa – ba mươi năm trước – khi tôi chưa rời khỏi quê hương …
Ở đây – ở Pháp – thời tiết đang vào thu. Lá cây chỉ mới lai rai ngả màu vàng chớ chưa rơi rụng vội. Trời còn sáng trong, đầy nắng chớ chưa ảm đạm âm u và cũng mới se se lạnh thôi, chỉ cần quấn cái khăn lên cổ là ra đường đủ ấm.
Một chút “tả cảnh” để thấy tôi không bị tù chân tù cẳng trong chung cư như vào mùa đông tháng giá, cái mùa mà một người già “tám bó” như tôi ngày ngày vì sợ lạnh nên cứ ru rú trong nhà bước qua bước lại trong sáu chục thước vuông hay xem tê-lê để ngủ gà ngủ gật! Như vậy, thì đâu có gì bắt tôi phải nằm nhà để gác tay lên trán?
Kể ra, từ ngày tôi vượt biên rồi định cư ở Pháp, chắc nhờ Ông Bà độ nên cuộc đời lưu vong của tôi đã không bị “ba chìm bảy nổi”. Có … lang bang ba tháng đầu đi tìm việc làm, nhờ tiền trợ cấp của nhà nước nên không đến nỗi te tua, mấy đứa con cũng có chỗ ăn chỗ học. Rồi duyên may đưa tôi qua Phi Châu làm việc hết mười mấy năm, khi về hưu ở Pháp thì con cái đã lập gia đình và “ra riêng” hết. Vợ chồng tôi thâu gọn lại, liệu cơm mà gắp mắm, nên cuộc sống cũng an bày. Lâu lâu chạy lại nhà con giữ cháu nội cháu ngoại, và lâu lâu đi “đổi gió” xa xa gần gần … Tóm lại, cuộc sống về già mà được như vậy là … “có phước rồi còn muốn gì nữa?”. Vậy mà hồi nãy tôi đã nằm gác tay lên trán và lâu lâu lại thở dài …
Hồi sáng, một thằng bạn già gọi điện thoại cho hay vợ chồng thằng A về Việt Nam bị chận lại ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Sau đó, “họ” cho bà vợ “nhập khẩu” còn ông chồng thì bị đuổi trở về Pháp, dĩ nhiên là không cho biết lý do ! Ông chồng khuyên vợ cứ vào đi, dẫu là gì gì đi nữa thì cũng là quê hương mình mà! Nghe kể đến đó, tôi tưởng tượng như chính tôi đang đứng ở trong nhà ga phi trường Tân Sơn Nhứt, nhìn qua các khung cửa kiếng thấy quê hương tôi ở ngay bên ngoài, cái quê hương mà ba mươi năm tôi chưa nhìn lại, cái quê hương mà ngay bây giờ, mặc dầu đang đứng bên trong nhà ga, khứu giác của tôi vẫn nghe rõ được mùi …
Ờ … mùi quê hương! Có mùi bông lài, bông bưởi, bông cau … Có mùi lúa chín, mùi rơm mùi rạ …Rồi mùi đống un, mùi chuồng trâu chuồng bò …Rồi mùi bùn non khi nước ròng bỏ bãi, v.v… Tôi biết, vợ chồng thằng A – nhỏ hơn tôi gần một con giáp – cũng có gốc “ruộng” như tôi, nghĩa là đã lớn lên ở thôn quê, đã lội bưng lội đồng bắt cá mò cua từ thuở nhỏ bị nước phèn đóng lớp vào tay chân nên lúc nào cũng thấy mốc cời! Tôi chắc chắn vợ chồng nó đứng trong ga phi trường cũng nghe mùi quê hương như tôi đã tưởng tượng. Vợ thằng A – người VN được chánh quyền VN cho phép về quê hương để dời mồ mả ông bà cha mẹ họ hàng ra khỏi đất hương hỏa theo lịnh của nhà nước – nghe lời chồng khuyên “vào đi em” bèn nhìn qua lần cửa kiếng để nhận thấy cái mùi quê hương nó hấp dẫn vô cùng, nó lôi kéo vô cùng, chỉ cần bước có mấy bước là đặt chân vào mảnh đất thân yêu mà mình đã xa cách gần ba mươi năm … Tôi biết, vợ thằng A là một người dàn bà thật thà trung hậu, chắc thế nào cô ta cũng quay lại nhìn chồng rồi rơi nước mắt lắc đầu.
Report this ad
Đúng như tôi nghĩ, thằng bạn già kể tiếp trong điện thoại: “Hai đứa nó đã về đến Paris hồi sáng, phone từ phi trường Charles de Gaulle cho hay nội vụ và nhấn mạnh rằng tụi nó coi như tụi nó thí cô hồn!”. Nói xong, thằng bạn già cười vang khoái trá trước khi nói “au revoir”!
Tôi gác máy, nhìn quanh nhớ lại hôm nay rằm vợ tôi đi làm công quả ở chùa tới tối mới về, tôi bèn vào phòng nằm đọc báo. Tờ Figaro đầy chữ như vậy mà tôi không làm sao đọc được một hàng! Trong đầu tôi còn vang vang tiếng cười của thằng bạn già và câu nói “thí cô hồn” của vợ chồng thằng A. Tôi buông tờ báo, nghiêng người nhìn ra cửa sổ, nghĩ đến cảnh vợ chồng nó bị “quây” trong phi trường Tân Sơn Nhứt, mà thương! Ở xứ người, mình vào ra dễ dàng – dĩ nhiên là đừng … mang dao hay mang bom mang súng, cũng đừng mang bạch phiến cần sa! – còn mình về xứ mình, mặc dầu trong thông hành có “Giấy Miễn Thị Thực – Certificate Of Visa Exemption” do Đại Sứ Quán VN tại Pháp cấp, mình vẫn gặp khó khăn trắc trở bất ngờ mà mình không bao giờ được biết lý do! Vợ chồng A “thí cô hồn” là phải! Ở đó mà cãi à? Toàn là một lũ cô hồn thì nói thứ tiếng gì cho chúng nó hiểu?
Tôi trở mình nhìn lên trần nhà, miên man nghĩ về quê hương, hay nói cho rõ hơn, tôi nhớ về cái làng quê của tôi nằm bên sông Vàm Cỏ. Không biết cái “Chợ Nhỏ” bây giờ còn đó hay đã bị “di dời” đi nơi khác, theo … truyền thống đổi đời của cách mạng? (Trong làng chỉ có một cái chợ, vậy mà thiên hạ gọi là Chợ Nhỏ, làm như còn một cái chợ nào khác lớn hơn vậy!) Còn “Ngã Ba Cây Trôm” nằm trên con lộ cái, chỗ có bãi đất trống để xe đò tấp vô rước khách, chỗ có cây trôm mà dân trong làng hay đem dao đến chém vào thân cây để lấy mủ đem về pha nước đường uống giải khát giải nhiệt … không biết có nằm trong một “quy hoạch cải cách đô thị có trình độ khoa học cao” của nhà nước? Còn cái đình làng, bây giờ đã thành một cơ quan gì chưa? Cái bến cát nằm dài theo ven sông, chỗ mà ngày xưa – thuở nhỏ – tụi tôi kéo nhau một lũ cởi truồng tắm giỡn đùng đùng … bây giờ vẫn còn là bến cát hay đã bị chiếm dụng để mấy “ông lớn” xây dinh thự với tường rào kiên cố và nhà thủy tạ có cầu tàu nằm trườn ra sông ngạo nghễ? Cái lò đường trong Xóm Mới, vào mùa mía chạy che ép mía ngày đêm nghe trèo trẹo, nấu đường làm mùi thơm ngọt lịm bay trùm cả xóm … bây giờ còn là “Lò Đường Ông Út K” hay đã … biến thành “Nhà Máy Đường của Nhà Nước”? Trường tiểu học mà thời tôi còn đi học, ông đốc H cho gắn trên trụ cổng tấm bảng “Cấm Trâu Bò Vào Trường” vì mấy ông chủ bò hay thả bò vào ăn cỏ dọc hàng rào bông bụp … bây giờ đã thành … cái gì rồi? Và nghĩa địa của làng, thường gọi là “gò đồng mả”, nằm một bên con đường đất đỏ dẫn vào Xóm Trong, cái gò đó – cả trăm năm – là nơi an nghỉ cuối cùng của dân trong làng, không phân biệt lớn nhỏ giàu nghèo … vẫn còn đó hay đã nhường chỗ cho những “Công Trình Văn Hóa Phục Vụ Nhân Dân”? Report this ad
…Nhớ đến đó, tự nhiên tôi thở dài … Rồi tự nhiên tôi gác tay lên trán … Tôi vẫn nhìn lên trần nhà: trần nhà trắng phau, ở đó không hiện lên được một nét nào của quê hương tôi hết. Rồi tôi nghĩ: nếu tôi có trở lại VN, có “được phép” đặt chân lên vùng đất mẹ, chắc chắn tôi sẽ không tìm lại được những hình ảnh cũ. Bởi vì quê hương tôi đã bị “họ” bôi xóa trắng như trần nhà tôi đang nhìn, để thay vào đó một cái gì không ra một cái gì hết, mang nhãn hiệu “Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”, nghe mà … điếc con ráy !
Bây giờ, tôi hiểu tại sao tôi đã nằm gác tay lên trán mà thở dài …