Nov 24, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Những Cánh Sen Yên Bái
Cánh Cò * đăng lúc 07:36:22 PM, Aug 27, 2016 * Số lần xem: 1193

 63 ô tô lớn nhỏ là cái nhiều người đếm được khi xem một clip đang lưu hành trên mạng quay lại đám tang của ông Đỗ Cường Minh, người được cho là nghi can đã giết chết Bí thư tỉnh ủy cùng với Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tình Ủy tỉnh Yên Bái.

5 chiếc xe đi đầu có màu đen và giống với cung cách của xã hội đen trong các phim Hongkong. Trên mui mỗi chiếc là 1 hoa sen khổng lồ màu vàng cho thấy đám tang này được tổ chức khá tốt, có điều không hiểu cái biểu tượng hoa sen này có phải do vợ của ông Minh, hay người nhà bên vợ ông Minh nghĩ ra hay không. Hoa sen đối với nhà Phật tượng trưng cho tám điều ý nghĩa liên quan mật thiết đến của con người, tám điều ấy là: Không nhiễm, tức là miễn nhiễm với cái hôi tanh nơi chúng mọc, Trừng thanh: chỗ nào có sen mọc thì nước không bao giờ đục. Kiên nhẫn. Viên dung: tượng trưng cho tính viên giác của chúng sinh, Thanh lương: sen nở vào mùa Hè tượng trưng cho lửa tam giới nhưng sen vẫn vượt qua cái nóng của tham sân si,  Hành trực: thân sen mọc lên luôn ngay thẳng, Ngẩu không: tuy thân sen ngay thẳng nhưng trong ruột lại trống không tượng trưng cho cái hồn nhiên của Phật Di Lặc và Bồng thực: ý nói hoa sen là loại thực vật khác thường khi hoa và quả cùng xuất hiện một lần.

Gia đình ông Minh không phải là Phật tử để hiểu rõ ý nghĩa thâm sâu của sen đối với nhà Phật, thế nhưng khi cho 5 hoa sen khổng lồ mở đường đám tang thì hẳn nhiên gia đình ông nhắc lại hàm ý “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà dân gian luôn nhắc đến như một tấm gương soi chiếu lại giữa nhơ bẩn và sạnh sẽ. Không lẽ ông Đỗ Cường Minh sạch sẽ như sen? Chẳng ai đồng ý với ý tưởng này, ngay cả bà Phạm Thị Thanh Trà Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, người “nói tốt” cho ông Minh tới giờ phút cuối cùng cũng không dám nói ông Minh sạch sẽ, theo ngữ nghĩa của sen.

Sau khi vụ án nổi tiếng này xảy ra, cái mà người dân mong được xem nhất không phải là đám ma của hai ông “nạn nhân” mà là đám ma của ông “hung thủ”. Gọi hung thủ là ông cũng không có gì quá đáng bởi ngay sau khi vụ xả súng xảy ra chính bà Phạm Thị Thanh Trà, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Ủy viên Trung ương đảng, mở cuộc họp báo tại UBND tỉnh Yên Bái nói về diễn tiến vụ việc. Mặc dù xác định kẻ giết người là Đỗ Cường Minh nhưng bà Trà vẫn ưu ái gọi đó là một con người hiền lành, luôn chấp hành tốt các quyết định của Đảng. Nguyên văn được báo chí trích dẫn: "Ông Đỗ Cường Minh là người hiền lành, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tôi suy nghĩ rằng do một diễn biến tâm lý không làm chủ được, có dấu hiệu cực đoan nên đã hành động như vậy. Còn về tư cách của ông Minh, là một cán bộ tốt". Cuối cùng bà cho rằng vụ này xảy ra là do “cơn bão lòng” của ông Minh đối với hai cán bộ lãnh đạo trực tiếp của mình.

“Cán bộ tốt” thì chắc chắn không thể đối xử như một “hung thủ” được, nhất là khi cán bộ ấy đã chết.
Tuy nhiên, nói thì như vậy nhưng trong lòng Đảng chắc đau lắm. Ba đảng viên ưu tú cùng một lúc “ra đi” hẳn là mất mát ấy rất to lớn và lúc này là lúc Đảng đang lo thù trong giặc ngoài hơn lúc nào hết. Thù trong là nội bộ đảng, không biết tiếp theo ai sẽ là “hung thủ” và ai là “nạn nhân”. Dù hung thủ hay nạn nhân thì cũng là đảng viên với nhau như anh em trong nhà giết nhau làm sao không lo được?

Còn giặc ngoài, không phải là nước ngoài nào đâu, mà chính là nhân dân. Đảng đã nhìn thấy sự hả hê của hơn 95% dân chúng thì không lẽ lại chẳng lo họ sẵn sàng trở thành giặc hay sao? Mà nói họ là “giặc ngoài” thì cũng chẳng có gì sai, bởi họ chưa bao giờ đồng tình hay đồng hành cùng với đảng cả. Họ đơn độc sống, đơn dộc chịu đựng những gì mà đảng gây ra cho họ trong hơn 70 năm qua vậy thì họ có “bên trong” như đảng nhận vơ bao nhiêu năm nay không? Người dân chờ xem đám tang của ba cán bộ như chờ xem phim hay. Họ háo hức và có người thậm chí chạy mãi tận thành phố Yên Bái để xem cho biết sự tình.
Trớ trêu nhất là hai cái đám tang cùng lúc giữa hai gia đình, một của nạn nhân, hai là “đối tượng”. Ngôi nhà Đỗ Cường Minh ở đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, chỉ cách nhà ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, hơn 100 mét, tức là không quá 12 căn nhà! Đúng là con tạo trớ trêu!

Con đường Đinh Tiên Hoàng của thành phố Yên Bái chắc sẽ vào sử sách bởi nó đã nổi tiếng từ nhiều năm nay khi cán bộ cao cấp nhất của tỉnh tập trung mua nhà trên con đường này đến nỗi nó có thêm hỗn danh là “phố quan”, quan đầy phố, quan làm cho phố lên giá hẳn.

Theo một phóng viên của Trí thức trẻ kể lại “bà Nguyễn Thị Lài, 54 tuổi, hàng xóm của Bí thư tỉnh ủy, và cũng ở đối diện nhà nghi phạm Đỗ Cường Minh tỏ ra vô cùng bất ngờ và hoang mang trước sự việc. Bà Lài kể với phóng viên Trí thức trẻ: “Ở đây chúng tôi gọi là phố quan, sự việc xảy ra là phố quan chúng tôi mất đi 2 người ưu tú. Vì những năm gần đây có nhiều người thăng chức nên khu phố này được đánh giá rất cao. Hằng ngày ông ấy, nghi phạm Đỗ Cường Minh, hiền lành lắm, không hiểu vì lý do gì mà lại hành động như thế”.  Cái phố quan ấy nay cùng lúc có hai chiếc quan tài và hai đám tang lạ lùng chưa từng thấy. Một bên là hai ba bộ trưởng về kính viếng, một bên là dân chúng cùng bạn bè kiểm lâm không loại trừ anh hùng lâm tặc từng chịu ơn của ông Minh.
63 chiếc xe con nối đuôi nhau trừ đi chiếc xe chở quan tài và một chiếc buýt chở gia quyến, 61 chiếc còn lại là của người dân ư?

Nói gì thì nói khó mà tin được đó là xe của nhân dân. Người dân tỉnh Yên Bái nổi tiếng là nghèo gần như nhất nước, ai có xe con cũng đều là cán bộ hay ít ra cũng bà con xa gần với cán bộ mượn thế để làm ăn. Yên Bái nổi tiếng hai lĩnh vực phá rừng và buôn bán ma túy. Hai lĩnh vực ấy đã làm nên Yên Bái và đám tang của ông Minh cũng là lúc để những khuôn mặt cộm cán trong bóng tối trả ơn cho gia đình ông qua việc công khai tham gia đám tang được xem là rất nhạy cảm đối với chính quyền này. Bởi ông là Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm của tỉnh, một cái ghế mà hàng trăm nhân vật có tiền của Yên Bái muốn mua. Chẳng lẽ đúng như lời bà Trà hớ hênh “giải mã” trong buổi họp báo: Án mạng này không liên quan tới việc tổ chức nhân sự, khi gần đây có chủ trương sát nhập kiềm lâm vào cơ quan Nông nghiệp…. Những lời tự thuật của bà Trà cho dư luận xã hội thấy rõ hơn sự trả thù của ông Minh khi Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy thông đồng với Bí thư Tỉnh ủy đối xử với ông ta. Sen trong đám tang ông Minh thật ra còn có một ý nghĩa khác, nó nói lên thông điệp của gia đình ông rằng mặc dù đảng chỉ lo thu vén cá nhân và tận thu trên những chiếc ghế béo bở nhưng trong đảng vẫn còn rất nhiều hoa sen đang vươn lên trong đám bùn nhơ ấy và quan trọng hơn, chúng chờ đợi đến phiên mình.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.