Con người từ ngàn xưa vẫn khắc khoải mãi sự hiện hữu: Cả vũ trụ này và bản thân ta đang sống, đang suy nghĩ, đang hoạt động… có thực sự là “có” hay chỉ là “trò hư ảo”?
Triết lí Đông, Tây thời cổ đại cũng đã bàn dến vấn đề này. Đến thế kỉ XVII, René Descartes là nhà toán học, nhà khoa học thực nghiệm và cũng là người đặt nền móng cho triết học hiện đại phương Tây đã tập trung giải quyết vấn đề trên bằng tinh thần duy lí của khoa học gia. Descartes chủ trương: “Trong khi tìm kiếm đường thẳng đến chân lý, ta không cần để ý những điều mà chúng ta không nắm được một cách chắc chắn như việc chứng minh bằng đại số và hình học…”. Dựa trên tiêu chí khoa học này, Descartes đã vận dụng nhiều bước suy niệm do ông vạch ra rồi mãi mới chứng minh được rằng: Tôi hiện hữu – Tôi có thực, không hư ảo chút nào…! Và từ đây cả nhân loại đã biết đến câu nói nổi tiếng: “Je pense donc je suis” – Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.
Quả là rắc rối chuyện “có” hay “không có”.
“CÓ” VÀ “KHÔNG” TRONG TRIẾT HỌC TRUNG HOA
Trung Hoa xưa đã có 2 luồng tư tưởng cố gắng lí giải vũ trụ: Luồng tư tưởng thứ nhất tìm thấy trong thiên “Hồng Phạm” của Kinh Thư (khoảng thế kỉ IV tr. CN) giải thích vũ trụ bằng ngũ hành; luồng tư tưởng thứ hai tìm thấy trong “Dịch Truyện” (văn bản khởi nguồn của Kinh Dịch) giải thích bằng âm dương. Riêng thiên Hệ Từ của Kinh Dịch lí giải vũ trụ như sau: “Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái”. Về sau hai luồng tư tưởng này kết hợp lại bởi Tư Mã Đàm. Đến Lão tử: gọi hữu thể đầu tiên là “Đạo”. “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. “Đạo” là cái tự nhiên mà có. “Đạo” chỉ có thể trực giác để biết chứ không thể giải thích, truyền đạt: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. “Đạo” vì thế mà “vô danh”. “Vô danh thiên địa chi thủy” (Cái không tên là nguồn gốc của trời đất) (1). Từ “Đạo”, Lão tử bàn đến “Vô”. Lão tử Đạo Đức Kinh chương 40 viết: “Thiên hạ chi vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” (Mọi vật trong trời đất sinh từ “có”, “có” sinh từ “không”). Đến Trang tử, Nam Hoa kinh cũng nói nhiều đến “Đạo”, đến “vô danh” nhưng chủ yếu là để đề cao việc thuận theo lẽ tự nhiên trong đời sống chứ không có tham vọng bàn đến hữu thể đầu tiên của vạn vật. Nam Hoa kinh kể: Liệt tử hỏi: Trời đất có tận cùng không? có huỷ hoại không? Trang tử đáp: Điều đó không biết được. Trang tử lại kể chuyện nằm mộng hóa bướm, lúc tỉnh dậy cứ suy nghĩ mãi không biết Trang Chu đã nằm mộng thấy mình hóa bướm hay là mình đang là bướm đây và đang nằm mộng hóa Trang Chu. Suy nghĩ của Trang tử và Descartes giống nhau ở chỗ cùng nghi ngờ về sự hiện hữu của mình nhưng Trang tử khác Descartes ở chỗ chỉ dừng ở nghi vấn mà chưa giải quyết triệt để.
Vũ trụ luận của Trung Hoa về sau được bàn thêm bởi nhiều nhà tư tưởng: Hàn Dũ, Lý Ngao, Chu Đôn Di, Thiệu Ung, Trương Tái, Trình Hạo, Trình Di… Cũng như Âm dương gia, một trong “bách gia” thời Tiên Tần, họ cố gắng giải thích vũ trụ theo cách nhìn tạm gọi là “khoa học” của thời này nhưng trước hết đã mặc nhiên chấp nhận “có”, chấp nhận hiện hữu; ngoài ra, nhìn tổng thể thì dù giải thích nguồn gốc tạo vật như thế nào đi nữa, triết học Trung Hoa xưa đều xem tất cả mọi hiện hữu cũng như mọi vận hành của vũ trụ là xuất phát từ “Trời”, và “Trời” liên quan mật thiết đến người (thiên nhân hợp nhất, thiên nhân tương dữ). “Trời” chính là hữu thể, là cái “có” đầu tiên của vạn vật.
Đến tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông phát triển tại Trung Hoa từ thế kỷ V, đời Bồ Đề Đạt Ma (470-543) là Tổ thứ 28 sau Phật Thích Ca và là Sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc(2) thì vấn đề “có” và “không” lại được bàn đến nhiều và sâu sắc hơn.
“Có” trong tư tưởng nhà Phật là “vô thường” luôn luôn biến dịch giống như chiếc bánh xe luôn quay hoặc như một dòng suối triền miên tuôn chảy, dù trong một khoảnh khắc thật ngắn vẫn chuyển tiếp đến sự kế tục. Vô thường chính là vạn vật biến dịch, nó phát sinh từ cái khác rồi lại chuyển biến thành cái khác nữa; không những vô thường trong từng năm, tháng, ngày, giờ mà còn vô thường trong từng sát-na sanh diệt luân hồi và đau khổ triền miên.
“Không” chính là Niết-bàn, là đối xứng của vô thường. Niết-bàn là thường hằng, bất biến, lạc, ngã, tịnh. Trung Quán tông (sa. mādhyamika) cho rằng Niết-bàn là sự “chấm dứt cái biến dịch thiên hình vạn trạng ”, cái chấm dứt đó là sự vắng bóng của mọi ràng buộc thế gian.
“CÓ” – “KHÔNG” TRONG TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM:
BÀI KỆ CỦA ĐẠO HẠNH THIỀN SƯ
Đạo Hạnh Thiền sư tức Từ Đạo Hạnh (1072-1116) là Thiền sư đời Lý. Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên và nhiều bộ sử như Đại Việt sử lược, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí… đều có chép chuyện Từ Đạo Hạnh. Về sau Phan Kế Bính đã đúc kết lại mà viết truyện Từ Đạo Hạnh trong Nam Hải Dị Nhân liệt truyện với nhiều chi tiết linh dị kèm bài kệ:
Tác hữu trần sa hữu;
Vi không nhất thiết không.
Hữu vô như thủy nguyệt.
Vật trước hữu không không. (3)
Bài kệ được Phan Kế Bính dịch thơ:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì?
Bài dịch thơ thật hay nhưng vì dịch thuật là sáng tác mới nên đã thoát đi nhiều ý . Hãy xem từng câu chữ của nguyên tác: Cho là “có” thì hạt cát, hạt bụi cũng là “có”. Quyết là không thì tất cả đều “không”. “Có”-“không” như bóng trăng dưới nước. Chớ cho rằng cái “không” là có.
Quả là như vậy bởi Phật cho rằng cái “hữu” là “không” (Sắc tức thị không) và cái “không” lại cũng là “không” nốt cho nên nếu cố chấp ở cái “không” hiện hữu là đã rơi vào một sai lầm mới. Triết lí nhà Phật chủ trương “không-không” (néant) tĩnh tại và an lạc.
Một bài kệ đã gom được hết ý cơ bản của Thiền tông.
——————————————-
CHÚ THÍCH:
(1) Chương I của Lão tử Đạo Đức kinh: “Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy; hữu danh vạn vật chi mẫu…” nghĩa là Đạo mà truyền đạt được không phải là đạo thường hằng. Danh mà gọi tên được không phải là tên thường hằng. “Không tên” là nguồn của trời đất; “có tên” là mẹ của vạn vật….
(2) Thiền tông phát huy lối truyền dạy bí truyền của Phật Thích Ca: Đơn truyền Tâm ấn. Phật chân truyền đạo cho đệ tử. Đệ tử này lại truyền cho đệ tử khác… cứ thế cho đến Bồ Đề Đạt Ma là đệ tử thứ 28. Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa và trở thành Sơ tổ Thiền tông; vậy nhưng theo Phùng Hữu Lan – Trung Quốc triết học sử đại cương; Chương XXI – thì do Sử Kí Tư Mã Thiên chép truyện Lão Tử có câu: “…Lão Tử ở nhà Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi… về sau không ai biết chết như thế nào …” nên bọn Đạo gia hăng hái vẽ vời truyền thuyết cho rằng Lão tử đi qua phương tây, tới Ấn Độ, dạy cho Phật và những người Thiên Trúc khác…đệ tử gồm tất cả được chín mươi hai người. Họ lại suy ra rằng giáo lí trong kinh điển Phật gia chỉ là dị bản hải ngoại của sách Lão tử Đạo Đức kinh.
(3) Bài kệ có tên là 有空 HỮU-KHÔNG. Có lẽ đây chỉ là tên do người chép sử, chép truyện đời sau đặt chứ thực sự kệ của Thiền tông là lời ứng khẩu của Thiền sư về Đạo pháp, không có đầu đề.