|
Bài giới thiệuLợi ích của xông hơi./Xông hơi - massage: Những sai lầm tai hại Webmaster * đăng lúc 11:56:19 AM, Aug 15, 2016 * Số lần xem: 1309
#1 |
Xông hơi và lợi ích của nó
Khi các phòng tập thể dục mở ra càng nhiều, kèm theo các dịch vụ góp phần cải thiện thêm cho sức khỏe, thì các phòng xông hơi xuất hiện với nhiều dáng nhiều vẻ cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì thế, việc tìm hiểu thêm về các loại phòng xông hơi cũng là điều cần thiết trước khi sử dụng nó.
1. Sự khác biệt giữa phòng xông khô (sauna) và xông ướt (hammam)
Một kiểu phòng xông hơi khô (sauna) (Hình minh họa: Getty Images)
Phòng sauna thường dùng đá (sỏi) được đun nóng để tăng nhiệt độ bên trong đến hơn 50 độ C, đôi khi đạt tới gần 75 độ C, cùng với khoảng 10% độ ẩm, cơ thể đổ mồ hôi và tự làm mát. Bộ phận tạo nhiệt của phòng sauna được thiết lập bằng các đá tỏa nhiệt đặt trên những thanh điện trở. Đá tỏa nhiệt đều khắp trong phòng. Ngoài ra, người ta thường cho một lượng nhỏ nước (hay tinh dầu) đổ lên đá để nhanh chóng tăng nhiệt độ và độ ẩm lên một chút, nhưng độ ẩm này sẽ nhanh chóng mất đi
Nhiệt trong phòng xông hơi ướt (hammam) khoảng 45 độ C, nhưng với gần 100% độ ẩm, thì không cho phép cơ thể có khả năng làm mát thông qua sự bay hơi nước. Phòng hammam tạo hơi bằng cách bơm hơi nước nóng vào phòng và cho phép thêm một ít không khí trong lành.
Một phòng sauna truyền thống được làm bằng chất liệu gỗ do nhiệt độ cao và độ ẩm thấp. Trong phòng, băng ghế cũng được thiết kế bằng gỗ bởi vì gỗ không giữ nhiệt nhiều, ngăn ngừa gây bỏng da cho người sử dụng.
Còn phòng hammam xây bằng gạch men hoặc kính cường lực giữ kín không khí, ngăn chặn hơi thoát ra ngoài. Phòng hammam được thiết kế với trần nhà nghiêng để hơi nước không nhỏ giọt trên đầu của người dùng.
2. Lợi ích của phòng xông khô (sauna)
Khi xông hơi khô, bằng cách tăng mạnh nhiệt độ của cơ thể, có thể giết chết các vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm, giúp thanh độc cơ thể, làm trẻ hóa và sáng tế bào da; đồng thời tạo ra “cơn sốt nhân tạo” kích thích và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu, đào thải độc tố, ngăn ngừa mụn.
Ngoài tác dụng giảm căng thẳng, thư giãn, cải thiện trạng thái tinh thần, sauna còn được ưa chuộng nhờ khả năng tiêu mỡ thừa khá hiệu quả. Khi hơi nóng bốc lên, những phần mỡ dư thừa có ở đùi, mông, bụng… sẽ bị đốt cháy thông qua tuyến mồ hôi, làm cho các cơ và phần mỡ khác săn lại, giữ lượng mỡ nhất định cần thiết cho cơ thể để đảm bảo 2 chức năng: cung cấp năng lượng và giữ thân nhiệt ở 37 độ C. Các chuyên gia nghiên cứu đã thấy rằng một lần tắm hơi tiêu tốn lượng calo tương đương với 20-30 phút chạy bộ. Xông hơi khô còn được nhận định như một liệu pháp giảm đau hiệu quả, rất nhiều người bị đau khớp, đau lưng nhưng sau một thời gian tắm hơi cảm giác này giảm hẳn.
3. Lợi ích của phòng xông (hammam)
Một kiểu phòng xông ướt (Hammam) (Hình minh họa: media-cdn.tripadvisor.com)
Xông hơi ướt giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, bài tiết các độc tố trong cơ thể không chỉ nhờ sức nóng và hơi nước bên ngoài mà còn nhờ mồ hôi từ bên trong thoát ra. Nhờ đó, làn da sẽ mịn màng, giảm mụn trứng cá, cơ thể trở nên nhẹ nhõm, thư thái, giảm đau khớp, cơ bắp, giảm căng thẳng mệt mỏi. Giống như phòng sauna, nhiệt độ tăng trong phòng hammam giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một lợi ích quan trọng của phòng xông ướt là khi hít thở trong hơi nước có thể giúp giảm bớt viêm xoang, hen suyễn, dị ứng và viêm phế quản. Điều này không có (hoặc rất ít) ở phòng xông khô.
Ngoài ra, nhờ hơi nước ở phòng xông hơi, bạn cũng có thể hấp tóc tại chỗ, sức nóng của hơi nước trong phòng sẽ làm giãn nở các thớ tóc, để khi bước ra khỏi phòng không chỉ cơ thể thư giãn mà bạn còn có mái tóc suôn mượt.
4. Lưu ý khi đi xông hơi
Sau khi xông hơi, tuyệt đối không được tắm lại dù là nước ấm hay nước lạnh. Bởi các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước, việc tắm lại làm các lỗ chân lông co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, khiến đau nhức cơ thể và có thể bị cảm nhiễm, đặc biệt là tạng phổi, và tiêu hóa kém…
Không nên xông hơi khi mới vừa ăn no xong, khi đang bị rối loạn tim mạch, đang bị sốt cao hay đang mắc các bệnh ngoài da.
Khi xông nên hít hơi vào từ từ bằng đường mũi, rồi thở ra từ từ bằng đường miệng; sau khi xông, uống một tách trà gừng nóng có pha ít đường sẽ cảm thấy sảng khoái hơn
*****************
Những lúc cơ thể mỏi mệt, uể oải, đầu óc căng thẳng, người ta thường hay đi xông hơi - massage để thư giãn. Nhiều người cứ nghĩ xông hơi - massage kiểu gì cũng tốt mà không biết nó cũng có những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe!
Lợi ích của xông hơi - massage
Theo bác sĩ Lê Thúy Tươi (Viện Y dược học dân tộc TPHCM) thì: "Y học cổ truyền (YHCT) coi trọng xông hơi như một biện pháp trị "cảm phong hàn" hữu hiệu.
Xông hơi giúp đuổi tà khí xâm nhập vào các đường kinh lạc gây đau nhức cơ thể. Hơi nóng từ xông hơi sẽ giúp làm giãn các mạch máu dưới da, giúp máu đến nuôi da nhiều hơn.
Xông hơi còn sưởi ấm cơ thể, tinh dầu của lá xông sát trùng đường hô hấp trên, giúp cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, hết nghẹt mũi...
Xông hơi ướt (steambath) và xông hơi khô (sauna), mỗi cách xông mang lại một lợi ích khác nhau. Xông hơi khô thường dùng đá (sỏi) được đun nóng để làm tăng nhiệt độ phòng (khoảng 60 độ C), giúp mồ hôi vã ra thật nhiều. Còn xông hơi ướt giúp bài tiết mồ hôi, hơi nước còn làm ẩm da, các độc tố thải qua các lỗ chân lông nhờ đó giúp da mịn màng, người đang bị cảm sẽ thấy nhẹ nhàng hơn sau khi xông.
Xông hơi còn giúp cơ thể phân hủy một lượng mỡ nhất định để điều nhiệt. Nếu bạn có một thực đơn ăn kiêng vừa phải cùng với xông hơi thì bạn vẫn có thể giảm béo nhẹ nhàng mà không bị nhăn da.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, lượng acid lactic ứ đọng trong các cơ, xông hơi ướt giúp giảm sự mệt mỏi, đau nhức tan biến. Xông hơi ướt cục bộ còn có thể tiến hành với những trường hợp bị viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, mụn trứng cá.
Cách làm đơn giản: chuẩn bị một tô nước sôi, một tờ giấy cứng cuộn lại thành hình phễu, nhỏ vào tô nước sôi chừng mươi giọt tinh dầu, đặt hình phễu lên là bạn đã có một "máy xông" mũi, họng. Mũi thông, cảm giác nghẹt mũi sẽ giảm, họng được sát trùng dưới dạng hơi, giúp giảm hoặc hết ho.
Để xông cho các lỗ chân lông ở vùng mặt giãn rộng ra, giúp bài tiết hết các chất bã ứ đọng thì cũng làm như trên. Những bạn trẻ bị mụn trứng cá có thể dùng 30g bạch truật (có bán ở các hiệu thuốc đông y) nấu lên rồi xông vùng mặt, những bít tắc ở lỗ chân lông sẽ được đẩy dần ra giúp da mặt trở nên mịn màng, sáng láng. Nếu bị ngứa ngáy hoặc viêm xoang mũi dị ứng có thể dùng cây cứt lợn để xông...".
Còn theo lương y Huỳnh Văn Quang, TPHCM: "Xông hơi - massage được xem là phương pháp đơn giản nhất, mà có hiệu quả để phòng và chữa bệnh trong y học dân gian, được áp dụng từ trẻ sơ sinh cho đến người già, cả nam lẫn nữ.
Quan điểm của YHCT trong phòng và chữa bệnh bằng xông hơi - massage như sau: trong YHCT từ "án ma" (có nghĩa là massage, xoa bóp) được hiểu là phép thôi nã, day, ấn huyệt trên cơ thể. Massage là phương pháp dùng nhiều thủ thuật và động tác khác nhau như: xoa, ấn, day, bấm, nắn trên bề mặt cơ thể giúp phòng và trị bệnh. Massage là 1 trong 8 phép trị của cốt khoa theo YH phương Đông.
Massage có tác dụng làm giãn nở các mao mạch và tiểu động mạch; làm sạch các lớp sừng hóa trên bề mặt da; điều hòa chức năng bài tiết mồ hôi, tuyến nhờn; làm tăng sự lưu thông máu; tăng cường dinh dưỡng cho da, giúp da được mịn màng, hồng hào hơn. Massage còn giúp tăng khả năng hoạt động và khắc phục tình trạng mệt mỏi của thần kinh cơ, massage mang lại lợi ích đích thực cho sinh lý cơ thể...
Chẳng hạn để trị đau mỏi vai do làm việc nhiều thì massage, day, ấn các huyệt: đại chùy, đào đạo, phong môn, phong trì rất có hiệu quả; nếu đau đầu thì massage, day, ấn hai huyệt ở thái dương cùng các huyệt phong phủ, phong trì, bách hội (chính giữa đỉnh đầu); bị rối loạn tiêu hóa thì massage, day, ấn vào hai huyệt tỳ du và vị du; khó ngủ thì massage, day, ấn hai huyệt tâm du và thận du...
Còn xông hơi là dùng hơi nóng có pha tinh dầu, hương liệu hoặc nấu với cây cỏ có tinh dầu thơm, để trong phòng kín hay trùm tấm vải dày rồi cho hơi lan tỏa khắp cơ thể. Xông hơi trị cảm rất tốt. Có thể tự làm một nồi xông ở nhà với các lá cây như: lá sả, củ sả, bạc hà, lá tràm, lá chanh, tía tô, kinh giới...".
Những sai lầm tai hại
Tại các điểm xông hơi - massage, hầu như ai cũng thực hiện sai, mà điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đó là xông hơi (khô hoặc ướt) trước rồi sau đó tắm lại ngay (bằng nước nóng, hoặc nước lạnh) trước khi lên bàn để được massage!
Theo lương y Huỳnh Văn Quang: "Sau khi xông hơi, tuyệt đối không được tắm lại dù là nước ấm hay nước lạnh. Bởi các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước, việc tắm lại làm các lỗ chân lông co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, khiến đau nhức cơ thể và có thể bị cảm nhiễm, đặc biệt là tạng phổi, và tiêu hóa kém...
Cần phải tắm vệ sinh cơ thể trước, sau đó mới xông hơi nóng rồi lau lại bằng khăn khô sạch trước khi lên bàn massage thì mới đúng. Nếu xông hơi nóng thì ít cũng phải 6 tiếng sau mới được tắm".
Cái sai thường gặp nữa (chủ yếu ở các quý ông) là sau khi ăn nhậu no say, thường "khoái" đi xông hơi - massage! Theo lương y Huỳnh Văn Quang, không được xông hơi - massage khi mới vừa ăn no xong, vì không có lợi cho sức khỏe, nhất là tim mạch! Ngoài ra, không nên xông hơi - massage khi đang bị rối loạn tim mạch, đang bị sốt cao hay đang mắc các bệnh ngoài da, đang bị bệnh chàm; phụ nữ đang có nguyệt sự, đang có thai...
Điểm cần lưu ý nữa là không được xông hơi liên tục trong tuần. Theo YHCT, nếu xông liên tục như thế cơ thể sẽ bị mất nhiều dương khí (năng lượng), bên cạnh đó còn có thể bị ảnh hưởng đến tim mạch. Nếu nhu cầu cần thiết lắm thì bình quân cách 3 ngày mới xông một lần. Nếu xông liên tục sẽ làm cho cơ thể mệt hơn.
Bác sĩ Lê Thúy Tươi cho rằng, nhiều chị em phụ nữ lạm dụng việc xông hơi khô thường xuyên để giảm béo là điều không nên vì việc làm cho cơ thể bị mất nước nhanh và nhiều là điều không tốt.
Ngoài ra, còn có những điểm cần lưu ý: khi xông nên hít hơi vào từ từ bằng đường mũi, rồi thở ra từ từ bằng đường miệng; sau khi xông, uống một tách trà gừng nóng có pha ít đường sẽ cảm thấy sảng khoái..
Ở phần massage, theo lương y Huỳnh Văn Quang, một điểm cần phải hết sức lưu ý là trong lúc massage không nên để các kỹ thuật viên massage đứng lên trên và dùng gót hay các đầu ngón chân để đạp, ấn toàn lực trên các đốt sống lưng, thắt lưng, cổ vì có thể làm sai khớp, trượt khớp rất nguy hiểm!
Theo Thanh Tùng
Thanh niên
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|