Nov 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

100 Năm Sinh Hoạ Sĩ Tạ Tỵ Và Giấc Mộng Con Năm 2000
Ngô Thế Vinh * đăng lúc 07:59:29 AM, Mar 07, 2023 * Số lần xem: 1137
Hình ảnh
#1

100 năm sinh hoạ sĩ Tạ Tỵ
       và giấc mộng con năm 2000 (1)

Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]

Trái, Tạ Tỵ 31 tuổi, sau 4 năm theo kháng chiến chống Pháp và về thành (Hà Nội, 1952); giữa, Thiếu Tá Tạ Tỵ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà; phải, chân dung Tạ Tỵ năm 2000. Sau 1975, ông đã phải đi tù cải tạo 6 năm, hồi ký Đáy Địa Ngục ghi lại kinh nghiệm ông đã trải qua trong những năm tháng nghiệt ngã tù đày với lao động khổ sai “ăn không đủ no, đói không đủ chết”; [nguồn: album gia đình Tạ Tỵ, photo by Phạm Phú Minh, Đáy Địa Ngục, Nxb Thằng Mõ 1985]
TIỂU SỬ

Tạ Tỵ là bút danh, Tạ Văn Tỵ là tên thật, sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội, nhưng trên giấy khai sinh lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn một năm. Ngay từ khi còn là một sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương / École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm.

Năm 1941, ở tuổi 20, do đoạt một giải thưởng tranh của nhà trường, Tạ Tỵ được đến thăm kinh đô Huế.

Năm 1943, Tạ Tỵ tốt nghiệp khoa Sơn Mài tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nhưng dấu ấn Hội hoạ của ông không phải là những tác phẩm Sơn Mài. Tạ Tỵ luôn luôn đi tìm cái mới, và được xem là người đi tiên phong vào lãnh vực Lập Thể / Cubisme và Trừu Tượng / Abstrait của hội hoạ Việt Nam.

Và cũng năm 1943, sau khi vừa tốt nghiệp, Tạ Tỵ đoạt ngay một giải thưởng với bức tranh “Mùa Hạ” (tân ấn tượng / néo-impressionnisme) được giải thưởng tại phòng Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) “vì có một phương pháp diễn tả theo khuynh hướng mới, tuy chưa hẳn là lập thể, nhưng các hình thể đã được biến cải theo sở thích riêng.” [1]

Năm 1946, trong cuộc triển lãm Hội hoạ Tháng Tám tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, với số lượng tác phẩm đông đảo, Tạ Tỵ đã tham dự với bức tranh sơn mài “Hoa Đăng” (siêu thực / surréalisme) được Hiệp Hội Báo Chí VN trao giải, nhưng tiền thưởng chưa lãnh thì ngay sau đó chiến tranh toàn quốc bùng nổ. [1]

Năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Tạ Tỵ đã cùng với nhiều văn nghệ sĩ yêu nước khác, hăng hái tham gia mặt trận kháng chiến chống Pháp và ông là giáo sư dạy Mỹ thuật đầu tiên trong Liên Khu 3. Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai đoạn này.

Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ năm 1947, giai đoạn theo kháng chiến trong Liên Khu Ba

Năm 1948, trong một hội nghị Văn Hoá Văn Nghệ, Trường Chinh đã mạnh mẽ lên án: “Chủ nghĩa Lập Thể, Siêu Thực, Đa Đa là những cái nấm độc trên cái thân thể mục ruỗng của nền văn hoá đế quốc.” [Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam, 1948].

Tháng Năm 1950, sau bốn năm đi theo kháng chiến, thấy rõ bộ mặt thật của Việt Minh, cùng với cách suy nghĩ không hợp với họ, Tạ Tỵ đã cùng nhiều văn nghệ sĩ khác như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Phạm Duy, Tam Lang Vũ Đình Chí, Hoàng Công Khanh đã dứt khoát từ bỏ khu chiến để trở về Hà Nội.

Từ đầu thập niên 1950, trở về với nếp sống văn hoá Hà Nội 36 phố phường với Năm Cửa Ô, Tạ Tỵ đã mạnh mẽ đi tiếp con đường sáng tạo với tự do đi tìm cái mới; ngoài vẽ tranh, vẽ ký / biếm hoạ chân dung (caricatures) các văn nghệ sĩ, ông còn cầm bút sáng tác: truyện, thơ, kịch, bút ký, viết nhận định văn học, trình bày sách báo… chứng tỏ Tạ Tỵ là một tài năng rất đa diện.

Năm 1951, ông mở cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Hội Hoạ Hiện Đại tại Hà Nội, trưng bày 60 bức tranh Lập thể.

Trái, “Đàn bà” còn có tên là “Cô đơn”, phải, “Vàng và Tím” là hai tác phẩm tiêu biểu thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ, 1951 – Tạ Tỵ gọi đó là chiều thứ tư (4ème dimension), chiều động trong kỹ thuật tạo hình. [1]
Năm 1953, Tạ Tỵ nhận được lệnh động viên, ông phải tạm xa Hà Nội và gia đình để vào Nam, gia nhập Khoá 3 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và ra trường với cấp bậc thiếu uý.  Ông phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà tại Tổng Cục Chiến tranh Chính trị cho tới khi giải ngũ, với cấp bậc sau cùng là Trung Tá.

Năm 1956, Tạ Tỵ triển lãm cá nhân lần thứ hai với 50 hoạ phẩm lập thể, tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn, nhưng là lần đầu tiên ở miền Nam, được đánh giá là thành công cả về nghệ thuật cũng như tài chánh.

Trong tập sách mỏng giới thiệu cuộc triển lãm (ngày 8/8/1956), Tạ Tỵ viết: “Mời bạn hãy vào – Cửa vườn tôi đã mở sau 5 năm trời khép kín – vườn của tôi sau khoảng thời gian giam cầm trong suy nghĩ, trong dằn vặt, trong giận hờn để tìm những cánh màu của tâm tư chắp nối lại và thêu dệt bằng tin tưởng, tạo thành một thế giới của hình thể, của sắc màu, qua bức tường vách ngăn của lý trí và rung động…” [5]

“Nhịp Calypso” (1960), tranh lập thể sơn dầu trên canvas, sưu tập của Mặc Đỗ, bức tranh đã phải bỏ lại khi Mặc Đỗ âm thầm di tản khỏi Sài Gòn ngày 29/04/1975.

Tuy là họa sĩ Việt Nam tiên phong và thành công trong Hội Hoạ Lập Thể, nhưng ông vẫn luôn luôn có ý hướng đi tìm cái mới, từ thập niên 1960, Tạ Tỵ đã chuyển hướng sang tranh Trừu Tượng.

Năm 1961, ông triển lãm cá nhân lần thứ hai với 60 bức tranh trừu tượng và lập thể cũng tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn. Đánh dấu một bước thành công sáng tạo mới của Tạ Tỵ.

TẠ TỴ: TẠI SAO LẬP THỂ

Trong một Hồi ký viết ở hải ngoại Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi [Nxb Thằng Mõ 1990], Tạ Tỵ đã giải thích do cơ duyên nào mà anh đi vào Hội Hoạ Lập Thể:

“Tôi bẩm sinh là một con người thích tiến bộ, thích cái gì mới. Khi còn học ở trường Mỹ Thuật, tôi không mấy thích lối vẽ chân phương theo quy luật của nhà trường bắt buộc. Tôi thường đến thư viện mượn sách đọc, lẽ dĩ nhiên, loại sách thuộc về mỹ thuật. Tôi mê các tác phẩm của Van Gogh, Gauguin và Matisse. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu mỹ thuật tạo hình ở mỗi tác giả. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy các nhà danh hoạ trên vẫn phải dựa vào thiên nhiên và sự vật cũng như con người để tạo dựng tác phẩm. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu các hoạ phái khác nhau như Siêu Thực, DaDa và Lập Thể. Tôi thích trường phái Lập Thể qua các tác phẩm của G. Braque hơn là Picasso. Tôi mê chiều thứ tư (4ème  dimension) của hoạ phái này – mà Tạ Tỵ gọi đó là chiều động trong kỹ thuật tạo hình, vì nó làm cho tác phẩm trở nên sống động, chứ không trơ trơ như các hoạ phái khác.” [1]

TẠ TỴ: TẠI SAO TRỪU TƯỢNG

Trả lời Nguiễn Ngu Í Bách Khoa [Báo Bách Khoa, số 131, ngày 15-6-1962]:   

Hội hoạ Việt Nam hiện có nhiều xu hướng từ Ấn tượng tới Trừu tượng, nhưng tất cả đang ở giai đoạn tìm tòi và khai thác. Riêng tôi, từ 18 năm nay đã chọn con đường Hội hoạ mới. Tôi đã đi qua trường phái  Ấn tượng, Tân Ấn tượng, Lập thể, Siêu thực và trong 6 năm gần đây tôi vẽ tranh Trừu tượng

Sự nhầm lẫn và cũng là điều tai hại cho Nghệ thuật Hội hoạ là mỗi người yêu hội hoạ khi đặt chân vào phòng Triển lãm Hội hoạ Mới, hoặc đứng trước hoạ phẩm Trừu tượng, đều cố tìm xem hoạ sĩ vẽ cái gì, “nói” gì ở trong kích thước đó? Sự băn khoăn thắc mắc này nhiều khi gây khó chịu đến độ trầm trọng nếu người thưởng ngoạn không kiên tâm tìm hiểu.   

Nhưng đứng trước một hoạ phẩm Trừu tượng dù cho người thưởng ngoạn  

có kiên tâm, thiện chí đến đâu, nếu không biết qua về kỹ thuật Tạo Hình do  

kinh nghiệm hoặc sách vở, báo chí chuyên môn về Hội hoạ, cũng đành lắc 

đầu chán nản trước bức trường thành cao vút ngăn đôi thông cảm. Sự kiện 

ấy có, vì chúng ta quen nhìn Hội họa với quan niệm thưởng ngoạn cũ. Hôm 

nay quan niệm về cái đẹp đã đổi khác, lẽ dĩ nhiên cái nhìn cũng phải thay

đổi. Hôm nay đứng trước một hoạ phẩm trừu tượng, người thưởng ngoạn 

không nên và không bao giờ nên tìm hiểu hoạ sĩ đã vẽ gì trong kích thước 

đó, mà chỉ nên tìm hiểu mình đã nghĩ gì về tác phẩm trước mắt mình? Cảm

giác đầu tiên nào đã đột nhập vào trí não mình để bắt nguồn cho rung động.

 Những màu sắc và hình thể kia có phải là những dấu hiệu của riêng mình đã  

in vào tiềm thức? Người hoạ sĩ không có lý do để hiện diện trong tác phẩm

thuộc loại Trừu tượng, trừ cái tên ký ở góc tranh. Cái tên này cũng chỉ được

dùng như một thứ nhãn hiệu, vì trong lúc sáng tạo, chính hoạ sĩ cũng là kẻ

thưởng ngoạn có “quyền ưu tiên” vì họ có kỹ thuật, thế thôi. Trong Nghệ 

thuật Hội hoạ hiện tại, không ai có quyền bắt ai lệ thuộc vào ý nghĩ, vào kỹ 

thuật tạo hình do cá nhân đảm nhiệm. Mỗi người tự tìm lấy sự say mê của 

mình trong từng kích thước nhất định.” [2]

Nguyễn Ngu Í phỏng vấn Tạ Tỵ trên báo Bách Khoa số 131, ngày 15-6-1962, từ trái, bìa và hai trang báo Bách Khoa số 131; phải, chân dung nhà văn nhà báo Nguiễn Ngu Í, người thực hiện đợt phỏng vấn về Quan Niệm Hội Hoạ của khoảng 40 hoạ sĩ Việt Nam

 

Năm 1966, dự định trưng bày lần thứ ba tại Sài Gòn 50 hoạ phẩm Trừu tượng mới nhất nhưng không thành. Năm 1971, Tạ Tỵ lại dự định tổ chức phòng triển lãm tranh gồm 50 chân dung văn nghệ sĩ miền Nam nhưng rồi cũng dở dang do tình hình chiến sự sôi động lúc đó.

Và gần như theo chu kỳ, cứ mỗi 5 năm, Tạ Tỵ mới triển lãm một lần: 1951, 1956, 1961, 1966, 1971… Khi trao đổi với nhà văn Nguiễn Ngu Í, hoạ sĩ Tạ Tỵ giải thích:

“Sở dĩ tôi phải để một thời gian lâu như thế như anh biết những thì giờ tốt đẹp nhất trong một ngày để sáng tác tôi không được sử dụng, tôi chỉ còn làm việc quanh năm với ánh đèn, với muỗi [Tạ Tỵ vẫn còn làm việc toàn thời gian trong quân ngũ quân lực VNCH – ghi chú của người viết]; vả lại muốn mỗi phòng triển lãm của tôi ít nhất phải ghi lại trong tâm người thưởng ngoạn một chút kỷ niệm về sự cố gắng của cá nhân trong phạm vi Nghệ thuật. Muốn thâu được kết quả ấy, yếu tố thời gian là yếu tố quyết định.” [2]

Vào đầu thập niên 1960, Tạ Tỵ vẽ một loạt chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam với một phong cách rất độc đáo, anh nhạy bén bắt được cái thần ở từng khuôn mặt, và đây là một lãnh vực tài hoa khác của Tạ Tỵ mà chưa ai sánh được.

Chân dung văn nghệ sĩ qua nét vẽ Tạ Tỵ, từ trái trên Mặc Đỗ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền; từ trái dưới Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu [nguồn: từ album gia đình Tạ Tỵ]. Đây cũng là sáu chân dung có trong Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá của Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Press xuất bản 2017
Tác phẩm của Tạ Tỵ còn được trưng bày tại các bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New YorkParis.

Bức tranh “Đàn bà” còn có tên là “Cô đơn” (1951) được nhà Sotheby’s đấu giá hồi tháng 4 năm 2000, và bán được với giá khá cao 19.550 Singapore dollars. Trong catalogue của Sotheby’s đã nhận xét bức tranh: “Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ. Tác giả sử dụng tài tình những màu sắc mạnh mẽ, đặt nhân vật ngay vào ngay trung tâm bức tranh, những hình thể kỷ hà, chẳng hạn như việc xử lý mái tóc không tuân theo luật đăng đối, đường nét mạnh bạo của chiếc cổ và sự sắp xếp của khăn quàng thành những mặt cắt của một hình kim cương… tất cả bố cục này tạo thành một bức tranh Lập Thể độc đáo.”

Bức Mùa hè đỏ lửa (1972, 350 x 170 cm), tranh sơn dầu, phong cách trừu tượng, được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Sài Gòn từ năm 1998. Khi Tạ Tỵ trở về Việt Nam 2003, bức tranh được đổi tên Cất Cánh. Đây là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của nhà bảo tàng này.

Từ phải, Tạ Tỵ, Phạm Đình Chương, Nguyễn Sĩ Tế, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo trong một buổi họp mặt trước 1975 ở Sài Gòn. [nguồn: album gia đình Tạ Tỵ]
TẠ TỴ: TẠI SAO VIẾT

Trả lời câu hỏi ấy trên tạp chí Hợp Lưu (số 32, Xuân Đinh Sửu 1997, trang 216), khi Tạ Tỵ đã ở tuổi 76, ông tâm sự:

Tôi sinh ra đời, hình như định mệnh đã an bài, bởi vậy tất cả những gì tôi làm ra đều có bàn tay của định mệnh dính vào. Lúc còn trẻ tôi yêu tất cả những thứ gì thuộc về văn chương nghệ thuật, nhưng tôi mê kéo vĩ cầm hơn cả. Vào năm 1936-37 gì đó, tôi được nghe tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Anh chơi bản Danse Macabre với tiếng dương cầm phụ họa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu. Tất cả nhà hát đều yên lặng để thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời của hai nhạc sĩ trứ danh nhất của đất Thăng Long thời đó. Tôi về nhà xin Mẹ tiền mua cây đàn và quyển Mazas, là cuốn sách học kéo violon vỡ lòng. Tôi học kéo đàn song song với học vẽ ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Vì mê học nhạc nên tôi quen với cố nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt. Sau mấy năm học thấy không có tiến bộ, tôi bỏ đàn, chuyên về vẽ…

Còn một trở ngại to lớn nữa là người họa sĩ chỉ vẽ tấm tranh duy nhất, nếu bán đi, người họa sĩ không còn gì ngoài tấm ảnh chụp giữ làm kỷ niệm. Vì nhìn thấy cái thế “yếu” của hội họa, vả lại, cuộc sống trong chiến tranh có rất nhiều sự việc tác động mạnh và sâu đậm trong tâm cảm mà hội họa bất lực, không thể nói bằng màu sắc được. Do đó, tôi phải nhờ tới văn chương cũng như thi ca để bày tỏ lập trường, cùng thái độ sống trước tập thể, trước xã hội.

Biết bao nhiêu đổ vỡ, tang thương do chiến tranh gây ra. Biết bao nhiêu tuổi trẻ đã lên đường và cũng có bao nhiêu vòng khăn tang đã quấn ngang đầu, bao nhiêu tiếng khóc than vật vã, với đôi tay bé nhỏ xanh xao của người góa phụ, ôm lấy chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ với vòng hoa cườm có hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, nhưng tôi được biết, trong chiếc quan tài đó chỉ có chiếc bọc nylon ôm gọn thây người chiến sĩ đã nát bấy vì pháo địch, chỉ còn lại một đống thịt xương bầy nhầy với chiếc thẻ bài lẫn lộn trong vũng máu đông đặc vì được cất kỹ trong ô kéo của căn phòng chứa xác cực lạnh. Ngay cạnh đó, một đứa nhỏ chừng ba tuổi gầy ốm đứng nhìn ngơ ngác!

Còn biết bao nhiêu cuộc tình tan tác như những chiếc bong bóng thổi bằng bọt xà bông. Đại lộ kinh hoàng còn đó. Xác những chiếc xe tăng của Trung Cộng, của Liên Xô, của Mỹ còn nằm rải rác dọc theo đường số 1 như những con quái vật thời tiền sử và còn nhiều, nhiều nữa những dấu ấn của chiến tranh cần phải nói ra, nhưng hội họa quả tình bất lực trước vấn đề này. Chỉ có văn chương mới đủ sức khai quật những oan khuất chìm ở đáy sâu tâm cảm.[1]

VĂN HỌC:

– Đã cộng tác với các tạp chí văn học tại miền Bắc và miền Nam từ năm 1950 đến 30-4-1975: Thế Kỷ, Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Sáng Tạo, Văn, Văn Học, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Bách Khoa và Tin Văn, và sau 1975: Thế Kỷ 21 tại Hoa Kỳ.

Những Tác Phẩm Đã Xuất Bản Tại Miền Nam trước 1975

  1. Những Viên Sỏi, tập truyện, Nam Chi Tùng Thư, 1962
  2. Yêu Và Thù, tập truyện, Phạm Quang Khai, 1970
  3. Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, nhận định văn học, Nam Chi Tùng Thư 1970.
  4. Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, văn sử học, 1971
  5. Cho Cuộc Đời, thơ, Khai Phóng, 1971
  6. Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, nhận định văn học, Lá Bối, 1972, Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, 1991
  7. Bao Giờ, tập truyện, Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản, 1972
  8. Ý Nghĩ, tạp văn, Khai Phóng, 1974.
Những Tác Phẩm Tạ Tỵ đã Xuất Bản Tại Miền Nam trước 1975, trên từ trái, Những viên sỏi, tập truyện, Nam Chi Tùng Thư, 1962. Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, văn sử học, 1971. Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, nhận định văn học, Lá Bối, 1972. Bao Giờ, tập truyện, Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản 1972. Riêng tác phẩm Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn, đã được nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam tái bản tại Hà Nội năm 1996, nhưng họ đã tuỳ tiện biên tập, cắt bỏ khuôn mặt văn nghệ Mai Thảo ra khỏi cuốn sách, thay vào Trịnh Công Sơn, mà không hề có phép của Tạ Tỵ. [tư liệu của Thành Tôn]
Những Tác Phẩm Xuất Bản Tại Hoa Kỳ
  1. Đáy Địa Ngục, hồi ký cải tạo, Cơ Sở Thằng Mõ, 1985
  2. Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi, hồi ký, Thằng Mõ, 1990
  3. Xóm Nhà Tôi, tập truyện viết trong những ngày tháng lưu vong nơi đất khách, Nxb Xuân Thu, 1992
  4. Mây Bay, thi phẩm, Miền Nam xuất bản, 1996
Những cuốn sách của Tạ Tỵ xuất bản ở hải ngoại, từ trái, Đáy Địa Ngục, Xóm Nhà Tôi, Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi. [tư liệu Thành Tôn]
từ trái, Một Chuyến Ngao Du, truyện, nhà xuất bản Xuân Thu, California 2000, với thủ bút đề tặng của tác giả. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Thơ Tạ Tỵ

Thương về năm cửa Ô xưa

Tôi đứng bên này vỹ tuyến

Thương về năm cửa Ô xưa

Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối

Đê cao hun hút chợ Dừa

Cầu Rền mưa dầm lầy lội

Gió về đã buốt lòng chưa?

Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ

Nhị Hà lấp lánh sao thưa

Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ

Nhớ nhung biết mấy cho vừa…

Cửa Ô ơi, cửa Ô

Năm ngả đường đất nước

Trôi từ vạn nẻo sông hồ

Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội

Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!…

Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp

Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người

Tê tái tiếng cười

Từng cánh hoa đời khép lại

Thương về năm cửa Ô xưa!

Tạ Tỵ được giải ngũ vào tháng 6 năm 1974 theo quy chế sau 21 năm công vụ, ở tuổi 53, vẫn còn khoẻ mạnh, đang ở cái tuổi chín muồi của sáng tạo. Anh rất vui với ý nghĩ rằng từ nay sẽ có thời gian để phụng sự nghệ thuật. Nhưng rồi ngày 30/4/1975 đổ ập đến, tất cả mọi dự án về nghệ thuật đều tan biến. Đã thế, cho dù đã giải ngũ, anh vẫn bị bắt đi tù cải tạo. Cùng với bao nhiêu đồng đội và  thế hệ văn nghệ sĩ miền Nam, anh đã bị đày ải trong những nhà tù từ Nam ra Bắc, rồi nhà tù lớn là một đất nước Việt Nam CS, tổng cộng 6 năm (1975-1981), nhưng may mắn sống sót, trong khi đó nhiều đồng đội cùng với các nhà văn nhà báo miền Nam bạn anh thì đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường.

Vào đầu năm 1981, Tạ Tỵ được tha về với tấm thân tàn ma dại, tóc bạc răng long. Và nơi chương cuối cuốn hồi ký Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi, xuất bản tại Hoa Kỳ (1990), Tạ Tỵ viết: “Trước khi đi tù cải tạo tôi cân được 62 kg, khi ra tù chỉ còn đúng 35 kg. Tôi gầy như bộ xương biết đi. Răng rụng gần hết, còn vài cái kể như vô dụng trong vấn đề ăn uống. Trong tờ “Giấy Ra Trại”, Cộng sản ghi lý do: “Quá già yếu, không còn đủ sức lao động”! Họ tha và tin rằng, thế nào tôi cũng chết, có thể trên đường về, và có thể gặp vợ con rồi xuống đất !” Nhưng rồi Tạ Tỵ vẫn sống sót. [1]

Tạ Tỵ là bạn thân thiết với Lê Ngộ Châu từ hồi báo Bách Khoa, nên hai người vẫn gặp nhau luôn. “Khi mới được tha về, Lê Ngộ Châu bảo tôi phải đi chụp gấp tấm ảnh làm kỷ niệm, kẻo sau này, nhờ dinh dưỡng cậu khác đi làm sao có được cái hình hài này? Tôi nghe lời, hôm sau đến tiệm hình chụp một tấm. Mấy bữa sau, khi nhìn mình qua tấm ảnh, chính tôi cũng không nhận ra! Sao tiều tụy như vậy được? Anh chị Châu làm bữa cơm thịnh soạn mời tôi, gọi là bữa cơm “Mừng Người Về Từ Cõi Chết.” [1]

Sau một thời gian ra tù, được sự chăm sóc tích cực của gia đình, sức khoẻ của anh dần hồi phục. Tạ Tỵ vẫn nuôi ý chí đi tìm tự do. Chuyến vượt biên đầu tiên, vào đầu năm 1982, mới xuống tới Bạc Liêu bị đổ bể may kịp quay về mà không bị bắt lại vào tù. Phải đến giữa năm 1982, cũng là lần vượt biên thứ hai, Tạ Ty cùng gia đình đã xuống được một chiếc ghe mong manh chật ních người, ra khơi ngày 12/6/1982, lênh đênh trên biển đúng bảy ngày, đến ngày 19/6/1982 được tàu dầu Anh quốc vớt đưa vào đảo Pulau Bidong, Malaysia. Từ đó Tạ Tỵ bắt đầu cuộc đời tỵ nạn ở tuổi 61.[1]

ĐÁY ĐỊA NGỤC: HỒI KÝ VIẾT TRÊN ĐẢO

Ngay từ ngày đặt chân lên đảo, Tạ Tỵ đã cầm bút ghi lại kinh nghiệm những năm tù đày kinh hoàng mà anh và các đồng đội vừa trải qua. Cuốn Hồi ký Đáy Địa Ngục, dày 678 trang được khởi viết ngày 25/9/1982 và viết xong ngày 15/12/1982 tại trại Tỵ Nạn chuyển tiếp Sungai Besi, Malaysia, được Nxb Thằng Mõ, California xuất bản năm 1985 và tái bản một năm sau đó. Ngay trang mở đầu cuốn Hồi ký, Tạ Tỵ viết:

Cuốn “Đáy Địa Ngục” được thực hiện trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, giữa những tiếng ồn ào, sinh động của một trại Tỵ Nạn trên vùng đất Mã Lai… Khoảng thời gian, từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam, tính đến hôm nay, mới gần 8 năm. Quả thực không lâu so với cuộc luân hành miên viễn của thời gian, nhưng đích thực, đó là một chuỗi đau thương đan kết bằng máu và nước mắt của mỗi con người Việt Nam đã và đang sống trong một bối cảnh vô cùng khốn khổ trực diện với một chế độ mình không ưa thích, không muốn phục vụ, vẫn phải làm như nhiệt tình, thành khẩn!

Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam là một nhà tù lớn, bên trong nó, có rất nhiều nhà tù nhỏ, được quây kín sau dãy Trường Sơn trùng điệp, sau những lũy tre dày đặc, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Không một ký giả nào thuộc Thế Giới Tự Do, kể cả các ký giả thuộc các nước Cộng sản anh em, được “tham quan” những vùng đất cấm đó. Đối với Cộng sản, cái gì cũng được giữ bí mật tối đa, cái gì cũng được che giấu bằng dối trá, lừa bịp!

Tôi đã trải qua 8 trại Tập Trung Cải Tạo, từ Nam ra Bắc. Tôi đã sống và đã chứng kiến bao nhiêu trạng thái bi thương…

Người tù chính trị Việt Nam sau ngày 30-4-1975, quả thực, một vết nhơ trên “tấm thảm lương tri nhân loại”. Họ được đối xử như những con vật, đôi khi không bằng con vật. Họ luôn luôn sống trong lo âu, hồi hộp, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến với họ, buổi sớm mai khi thức dậy, sau một đêm trằn trọc với ác mộng và muỗi rệp! Họ “ăn không đủ no, đói không đủ chết”, nên lúc nào miếng ăn cũng ám ảnh, giày vò họ, làm khổ sở, ngày này qua ngày khác, mùa nắng cũng như mùa mưa, mùa hạ cũng như mùa đông, không mùa nào họ có thể tìm thấy chút gì để tạo nên nguồn hy vọng. Nếu ai đã trải qua một lần trong bất cứ Trại Tập Trung Cải Tạo nào của Cộng sản Việt Nam, người đó có quyền coi thường mọi nhà tù trên Thế Giới!

… “Nhưng trang sử đã lật. Cái gì qua, phải qua. Nó là bài học vô cùng quý giá, miễn rằng bài học này đừng bao giờ ôn / lặp lại trong ngày mai.” [1] [hết trích dẫn]

 Tạ Tỵ đã đặt chân tới Mỹ với tập bản thảo hồi ký Đáy Địa Ngục vừa được viết xong.

Tạ Tỵ và các thân hữu ở Little Saigon, hàng ngồi từ phải: Tạ Tỵ, Ngô Bảo; hàng đứng từ trái: Thanh Chương, Phan Diên, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Văn Định. [photo by Phạm Phú Minh, do Phạm Quốc Bảo nhận diện]
RA MẮT TUYỂN TẬP VĂN – THƠ – HOẠ TẠ TỴ 2001

Trong khoảng thời gian 21 năm sống tại California Hoa Kỳ, khi thì San Diego, khi thành phố Garden Grove, Tạ Tỵ tiếp tục sáng tác vẽ và viết; ông hoàn tất được một số tranh với phong cách trừu tượng và một số tác phẩm viết và xuất bản ở hải ngoại.

Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ của Tạ Tỵ là cuốn sách cuối cùng được xuất bản và ra mắt tại Hoa Kỳ. Sách gồm bốn tập truyện: Những Viên Sỏi, Yêu và Thù, Bao Giờ, Xóm Cũ, và một tập thơ Mây Bay, đặc biệt có 12 phụ bản màu: gồm 6 bức tranh Sơn Dầu Trừu Tượng, tất cả được vẽ tại Hoa Kỳ và 6 Ký hoạ Bột màu / Gouache các Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ.

Buổi ra mắt sách Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ Tạ Tỵ (2001) tại quán cà phê Factory rất đặc biệt và cực kỳ đơn giản của “lão ông Tạ Tỵ” ở tuổi 80 Quận Cam, Thủ đô Tỵ nạn, hay còn có tên gọi là Little Saigon. Hình ảnh một Tạ Tỵ với mái tóc bạc phơ, ngồi ký từng cuốn sách với vây quanh là đông đảo lớp người trẻ, xúm lại vui vẻ trò chuyện với bác Tạ Tỵ. [photo by Phạm Phú Minh]
Ký hoạ chân dung Văn Nghệ Sĩ của Tạ Tỵ; trái, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Gouache 19” x 24”; phải, nhà văn, nhà báo, học giả Hồ Hữu Tường, Gouache 19” x 24”. Sau 1975, cả hai bị Cộng sản bắt đi tù cải tạo, và khi vừa ra tù chỉ vài ngày sau đó thì chết, Vũ Hoàng Chương (6/9/1976) và Hồ Hữu Tường (26/6/1980). [nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001]
Những bức tranh sơn dầu rất đẹp được vẽ tại hải ngoại theo phong cách trừu tượng của Tạ Tỵ, với bút pháp và màu sắc thật mạnh mẽ; trái, Trôi giạt, trừu tượng, sơn dầu 48” x 72” (1984); phải, Cơn Giận của Thượng Đế, trừu tượng, sơn dầu 48” x 72” (1985) [nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001]
Trái, Ngày Hạ, trừu tượng sơn dầu 48” x 72” (1986); phải, Tạ Tỵ đứng trước bức tranh Những Mảnh Đời Tỵ Nạn, sơn dầu 48” x 60” (1995); có thể coi như bức tranh trừu tượng cuối đời của Tạ Tỵ. [nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001]
                                                                                                Xem tiếp phần 2

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.