Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Những chuyện vui với Bác Hà Thượng Nhân
Ðoàn Thanh Liêm * đăng lúc 02:06:36 PM, Nov 29, 2008 * Số lần xem: 2173
Những chuyện vui với Bác Hà Thượng Nhân


Ðoàn Thanh Liêm

Tôi định cư tại Nam California, nhưng hay có dịp lên San Jose, thăm con gái và cháu ngoại. Và cả mấy anh chị em của má bầy trẻ nữa. Mỗi năm, ít nhất cũng 5-7 lần tôi đi tới miền Thung lũng Hoa vàng rất là thơ mộng này. Ngoài chuyện gia đình, tôi còn hay gặp gỡ trao đổi với các bạn đồng nghiệp xưa trong Luật sư đoàn Saigon trước 1975. Và cũng được nhiều dịp tham gia sinh họat về văn học nghệ thuật, cũng như về chính trị với bà con tại miền Bắc Cali này.

Trong số các huynh trưởng về báo chí, văn nghệ tại San Jose, tôi thường hay gặp gỡ thăm viếng với nhà thơ Hà Thượng Nhân và nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Bác Hà đã tới tuổi chín mươi, còn bác Sơn thì cũng sắp sưả bước vào lớp “cưủ thập” nữa rồi.Cả hai bác đều hơn tôi trên một con giáp, nên tôi quý trọng các bác như người anh lớn trong gia đình mình vậy.
Cách đây 6-7 năm, anh Luật sư Nguyễn Hưũ Thống có tổ chức tại tư gia một buổi Gặp mặt thân tình thật ý nghiã, vơí hai bác Hà và Sơn cùng với LSThống là ba người mà đã khởi sự cầm cây viết trên 50 năm rôì. Mỗi người mỗi vẻ đều đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp văn hoá ở Việt nam trước đây và tại hải ngoại hiện nay.

Riêng với bác Hà, người mà hay được các văn thi hữu âu yếm gọi là “Hà chưởng môn”, ngụ ý coi bác là vị đầu đàn trong làng văn chương thi phú tại địa phương miền Bắc Cali, thì tôi có rất nhiều kỷ niệm vui vui, ngộ nghĩnh với bác. Nay nhân dịp cuối năm, xin cho tôi được ghi lại một số chuyện đáng nhớ giữa bác và tôi là kẻ hậu sinh nhé. Hồi còn ở Việt nam, thì tôi chưa bao giờ có dịp trực tiếp gặp bác, mà chỉ hay đọc thơ văn của bác đăng tải khá thường xuyên trên báo chí, hoặc được nghe một số bạn bè kể chuyện về nhà thơ nổi danh này. Và mãi tới sau khi qua định cư ở Mỹ từ 1996, thì tôi mới có duyên gặp gỡ với bác, mà là gặp rất thường xuyên nữa cơ chứ.

Nhà bác Hà ở gần khu nhà của lũ con cháu tôi, nên rất thuận tiện cho tôi đến thăm viếng và trao đổi chuyện trò tâm sự với bác là một người khá thông thuộc về chuyện “Người và Việc” ở nước ta từ trên 70 năm nay, ngay cả từ thời Pháp thuộc trước năm 1945.Nói chuyện với bác, thì đối với tôi không bao giờ lại có thể cạn đề tài được. Nhất là khi cần phải tìm hiểu về một nhân vật người Việt nào trong thế kỷ XX, dù là thuộc giới văn học hay chính trị, thì thường là bác biết rõ rệt và chính xác về những chuyện liên hệ đến nhân vật đó. Qua nhiều năm tháng trao đổi với bác, tôi có ý kiến là : Riêng về mục “Giai thọai văn học và chính trị ở Việt nam, thì nên có một vài người tìm cách ghi chép và xếp loại những câu chuyện bác kể; xong rồi thì có thể phổ biến xuất bản dưới dạng “lịch sử khẩu thuật” (Spoken History) như người Mỹ hay làm từ mấy chục năm nay. Có thể coi bác là thứ “Tự điển bách khoa sống động” (Encyclopedie vivante, nhu người Pháp thường nói) về tiểu sử các nhân vật ở Việt nam trong hậu bán thế kỷ XX.
Đó là chuyện lớn lao, vì sẽ đóng góp rất hữu ích cho việc tìm hiểu lịch sử hiện đại của Việt nam, đăc biệt là của miền Nam VN trong 20 năm, dưới chế độ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa.

Riêng tôi ở đây, thì chỉ xin kể lại một vài chuyện nho nhỏ, riêng tư giữa bác và tôi thôi Trước hết là chuyện có liên hệ với nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi danh một thời, đó là bài “Mầu tím hoa sim”. Vào năm 1988-89, tôi hay có dịp dẫn anh Hữu Loan đi chơi đây đó ở Saigon và vùng lân cận, đặc biệt là đi thăm khu Đức Hòa Long An hồi xưa, vào khoảng trên 1500 năm trước, thì đã là thủ phủ của vương quốc Óc Eo Phù Nam. Mà Hữu Loan với Hà Thượng Nhân thì là bạn cùng quê, cùng lứa tuổi tại miền Thanh Hóa với nhau. Hai người thân thiết với nhau từ thuở hàn vi trước năm 1945 ở miền quê, nên vẫn xưng “Mày-Tao” mỗi khi chuyện trò với nhau.
Bác Hà có lần kể với tôi : Ông bạn có biết không, vì ông mà Hữu Loan nó mắng chửi tôi đến là nặng lời. Hồi tôi mới đi tù về, hãy còn đau bệnh nhiều, thì Hữu Loan vào thăm và ở tại nhà tôi tháng này qua tháng khác, vì chúng tôi là bạn nối khố bao nhiêu năm với nhau, gọi nhau bằng mày/tao. Có lần Hữu Loan hỏi tôi : Mày có biết ông Luật sư Đòan Thanh Liêm không? Tôi đáp : Tao chưa bao giờ biết đến cái ông này. Thế ông ta bao nhiêu tuổi? Hữu Loan đáp : Ông ta cỡ ngoài 50, vào khoảng 54-55. Tôi nói : Rõ ràng là tao chưa gặp và cũng không nghe ai nói về ông này trước 1975. Hữu Loan quạt tôi luôn: Thế mày có biết Nguyễn Đình Thuần không? Tôi đáp : Dĩ nhiên là tao phải biết ông Thuần, ông ấy là Bộ trưởng là cấp trên của tao mà. Hữu Loan cũng không vừa : A, thế ra là mày chỉ biết đến các quan trên thôi, chứ đâu có thèm chú ý gì đến giới trí thức mà ở ngoài chính quyền. Mày chỉ đi theo giới quan lại, chứ đâu thèm ngó gì đến dân gian… Đấy, ông coi Hữu Loan nó nặng lời với tôi thế đó!! Mà cũng chỉ vì tôi chưa có gặp ông hồi trước 1975, chứ nào tôi có làm điều chi xằng bậy đâu.

Có lần tôi kể với bác Hà rằng : Người thẩm vấn tôi suốt 3 tháng trời liên tục, hồi tôi mới bị bắt vào đầu năm 1990, đó là Đại tá Quang Minh, tức Ngô văn Dần. Ông này hơn tôi 11 tuổi, đã theo cộng sản từ trước 1945, và lúc đó mang quân hàm Đại tá, phụ trách về Phản gián ở phía miền Nam. Bác nói luôn : Ông Dần này thua tôi 4-5 tuổi, là con một gia đình có thế giá trong vùng quê tôi mà. Tôi nói : Ông ta đối xử với tôi phải chăng, chứ không đến nỗi tệ như mấy anh cán bộ công an khác. Bác nói : Dầu sao, với gốc gác gia thế như vậy, anh ta dù có theo cộng sản, thì cũng không thể là người độc ác, tàn bạo như phần đông bọn cán bộ cuồng tín khác được.

Và đây nữa là một chuyện có liên quan đến anh Vũ Ngọc Trân, thân phụ của nhạc sĩ Trường Kỳ. Anh Trân làm việc lâu năm cho một văn phòng luật sư ở Saigon, nên chúng tôi quen biết nhau từ trước 1975. Chúng tôi hay gặp nhau để hàn huyên tâm sự, vì hồi đó đâu còn ai có thể hành nghề được nữa. Có lần vào hồi cuối năm 1989, anh Trân cho tôi mượn cuốn sách “Hồi ký” của Raymond Aron, bản nguyên văn tiếng Pháp nhan đề là : “ Memoires : Cinquante ans de Reflexion politique” (Năm mươi năm suy ngẫm chính trị). Sách in khổ nhỏ, bìa giấy thường (lọai paperback như của Mỹ). Đặc biệt ở trang đầu là lời đề tặng của một người Pháp, mà gặp gỡ một người Việt nam trên chuyến xe lửa Saigon-Hanoi. Và chủ nhân vì có cảm tình với “người bạn đồng hành này”,nên đã ký tặng cuốn sách anh ta mang theo để đọc khi đi du lịch. Là người đã học theo bậc sư phụ Raymond Aron từ lâu năm, mà nay được anh Trân cho mượn cuốn Hồi ký hiếm có này ở Việt nam, nên tôi đã say mê, miệt mài lao vào việc đọc cuốn sách, suốt cả tháng trời.
Vào đầu năm 1990, khi tôi chưa kịp trả lại anh Trân cuốn sách này, thì tôi bị công an đón bắt tôi tại phi trường Đà nẵng và giải giao ngay về lại Saigon. Ở trong tù, mỗi khi nhớ đến cuốn sách, thì tôi cứ ân hận là đã không kịp trả lại cho anh Trân, nên chắc chắn là sách đó sẽ bị thất lạc. Thật tôi đã có lỗi với anh Trân. Đến khi tôi nói chuyện này với bác Hà, thì bác nói ngay : “Cuốn sách đó là của người Pháp cho tôi, lúc cùng gặp nhau trên toa xe lửa từ Saigon ra Hanoi. Anh bạn trẻ này đi du lịch và sau khi chuyện trò với tôi, thì anh ấy có cảm tình và tặng ngay cho tôi cuốn sách anh đang đọc giở. Tôi đọc xong, thì cho anh Trân mượn. Và không ngờ cuốn sách đó đã vào tay ông, do anh Trân cho mượn. Thật là sự trùng hợp hy hữu, ông Luật sư Liêm lại thêm có duyên với tôi, vì cả ông và tôi đều say mê đọc các tác phẩm của vị đại sư Raymond Aron…”

Thế vậy đó, trong suốt mười năm nay bác Hà và tôi hay gặp gỡ và chuyện trò rất tâm đắc, về đủ mọi thứ chuyện này chuyện nọ. Phải nói là tôi rất quý trọng bác vì tính tình bao dung, phóng khóang, luôn giữ được sự chừng mực, khiêm tốn, nhã nhặn. Bác hay tâm sự với tôi : “Quả đúng như cổ nhân thường nói “ Hậu sinh Khả úy”, tôi đi dậy học đã trên 60 năm, mà nhiều học trò của tôi đã rất thành đạt về nhiều phương diện, cả về tài năng, cả về đức độ…”
Tôi cũng có quen biết mấy người bạn mà đã từng theo học với thầy giáo Phạm Xuân Ninh (tên thật cuả nhà thơ Hà Thượng Nhân) từ trên 50 năm trước ở ngoài Bắc, và ai nấy đều quý mến bác. Cụ thể như tại miền Nam California, thì có anh Nguyễn văn Nhuệ, cựu nghị sĩ trước 1975, anh Đinh Hồng Phong là thân phụ của giáo sư Đinh Việt, một luật gia nổi tiếng đã từng là Phụ tá Tổng tưởng Tư pháp Hoa Kỳ.
Tại Philadelphia, thì có anh Vũ Quý Thế từng làm việc cho Sở Xã hội Tiểu bang Pennsylvania…Còn rất nhiều bạn khác, tuy không học với bác, nhưng đã từng làm việc chung với bác như nhà biên khảo Minh Võ Vũ Đức Minh, nhà văn Trần Phong Vũ, nhà báo Vũ Thụy Hoàng v.v…, tất cả đều quý trọng bác Hà, và chính bác cũng luôn giữ được mối thâm tình, đằm thắm với mọi người mà đã có thời cùng chia sẻ công việc với bác hồi trước 1975.

Thế hệ đàn anh chúng ta mà có được những người trầm tĩnh, khôn ngoan chung thủy như bác Hà Thượng Nhân, thì tôi nghĩ chúng ta không đến nỗi bị quan, yếm thế quá mức đâu. Riêng cá nhân tôi, thì tôi học hỏi được ở bác rất nhiều, cả về kiến thức và cả về đức độ của người sĩ phu quân tử theo truyền thống của cha ông chúng ta. Tôi khỏi phải nói về tài năng thơ phú cuả nhà thơ, bởi vì đã có quá nhiều người trong giới văn học viết về sự nghiệp văn chương cuả bác rôì. Bài này chỉ là vài nét chấm phá về một con người phúc hậu, ung dung tử tế giữa cái thời loạn lạc nhiễu nhương ở nước ta từ nấy chục năm qua.
Bác đã tới tuổi 90 mà vẫn còn minh mẫn, tinh tường. Tôi xin cầu chúc bác sống thêm nhiều năm nữa, để còn tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước, bằng chính cái lối sống an nhiên, thư thái của bác như từ xưa đến ngày nay. Rõ ràng là bác đã nêu một tấm gương tốt đẹp cho lớp hậu sinh như tôi noi theo, như người xưa thường nói : “Dĩ thân nhi giáo” vậy. Xin cảm ơn bác rất nhiều./

California, Mùa Thu Mậu Tý 2008
Đòan Thanh Liêm

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.