Jan 10, 2025

Biên khảo

Nguyễn Du qua Hàm Đan đọc bia Liêm Pha
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 10:02:46 AM, Jul 13, 2016 * Số lần xem: 1356
Hình ảnh
#1

NGUYỄN DU QUA HÀM ĐAN

ĐỌC BIA LIÊM PHA

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH

                Nguyễn Du qua sông Hoàng Hà đến Hàm Đan, Hà Bắc trên đường đi sứ trong khoảng thời gian 21-9 đến 4-10 năm Quý Dậu (1813 ). Hàm Đan xưa là kinh đô nước Triệu thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nơi đây có các anh hùng lịch sử Trung Quốc :  Liêm Pha, Lạn Tương Như, Triệu Xa, Lý Mục. Chuyện thời Xuân Thu Chiến Quốc Trung Quốc, với những kinh nghiệm trị nước, là những bài học cha ông ta ngày xưa thường nhắc đến, không chỉ ảnh hưởng các nước Đông Á, mà còn được Voltaire, tư tưởng gia hàng đầu Cách Mạng 1789 Pháp nghiên cứu. Ta thử tìm hiểu tư tưởng thi hào Nguyễn Du khi đọc Bia Liêm Pha.

                Hàm Đan, nơi đây Phạm Tuy mưu sĩ nhà Tần Chiêu Vương, dùng tướng Vương Hạt không đánh bại nỗi Liêm Pha, lập mưu phản gián cho vua Triệu thay thế Liêm Pha bằng tướng Triệu Quát.  Vua Triệu mắc mưu thay Liêm Pha bằng Triệu Quát. Liêm Pha trao quyền cho Triệu Quát trở về, rồi lìa xứ. Nhà Tần thay Vương Hạt bằng Võ An Quân Bạch Khởi. Bạch Khởi một tướng tài ba nhà Tần chiến thắng trận Trường Bình (262-260 TCN) giết quân Triệu Quát vô số, kiểm điểm hàng quân Triệu ước hơn hai mươi vạn. Bạch Khởi thấy số quân Triệu đông quá, sợ nổi lên làm loạn, truyền đem giết hết, đầu quân Triệu chất thành núi, gọi là núi Đầu Lâu. Bốn trăm ngàn quân Triệu tiêu vong trong trận này. Nguyễn Du qua Hàm Đan đọc bia Liêm Pha, viết những dòng tư tưởng xúc cảm về cuộc chiến tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Quốc; về trách nhiệm nhà vua, nhà lãnh đạo chính trị không biết dùng người, cách chức những người tài năng là tường thành bảo vệ đất nước mình, dùng người non kém, thiếu kinh nghiệm cầm quân, trị nước để đi đến chổ bại vong, bốn trăm ngàn quân bị giết, vài năm sau  nước Triệu bị diệt,  vua tôi đều bị giết, lăng miếu nước Triệu bị tàn phá. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, mở một chân trời khác, Nguyễn Du không chỉ thương khóc một nàng Kiều, hồng nhan bạc mệnh, mà qua những bài thơ như Đọc Bia Liêm Pha, Nguyễn Du đã đạt đến tầm cao tư tưởng như thi hào Homère, suy nghĩ về thân phận con người trước sự tàn bạo của chiến tranh, trách nhiệm người lãnh đạo.

                Hàm Đan xưa là kinh đô, ngày nay kể cả ngoại vi là 8 500 000 dân, thời Nguyễn Du đi qua chỉ còn là một thị trấn thuộc tỉnh Hà Bắc. Nguyễn Du tức cảnh : Một dãi dương liễu rủ trong khói sương chiều. Thắng cảnh Hàm Đan còn ghi trong sách sử xưa. Trên bãi cỏ tốt tươi cao nguyên tiếng người đi săn huýt sáo gọi chim ưng. Núi Vân Hòa nơi có tiếng đàn, tiệc vui cùng các nàng ca kỹ nay giờ nơi đâu ? Vân Hòa là tên núi có hoà nhạc. Sách Chu Lễ, Xuân cung đại ty nhạc : Vân Hoà chi cầm sắt (Đàn cầm sắt núi Vân Hòa). Có lời ca chép trong chương Minh Đường đời Bắc Tề : ‘Cô Trúc chi quán Vân Hòa huyền’, Tiếng sáo cô Trúc, tiếng đàn Vân Hòa, chỉ nơi có hòa nhạc, ca kỹ, nữ nhạc. Trong mơ núi Hồng Lĩnh vắng những cuộc đi săn. Đầu bạc rồi mà dấu chân còn in khắp núi sông. Nam bắc sông Hoàng Hà đều ngập nước lũ mùa thu. Tin tức gửi về quê làm sao đưa đến bên chim nhạn.

TỨC CẢNH HÀM ĐAN

 

Thùy dương một dãi nửa chiều buông,

 

Thắng cảnh Hàm Đan sách sử biên.

 

Cỏ lộng cao nguyên ưng huýt gọi,

 

Vân Hoà đâu đó tiếng ca xoang.

 

Trong mơ Hồng Lĩnh đi săn vắng,

 

Dấu bước bạc đầu dạo núi non.

 

Nam bắc Hoàng Hà thu nước lũ,

 

Gửi nhạn làm sao tin cố hương.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

HÀN ĐAN TỨC SỰ

 

Nhất đái thùy dương bán mộ yên,

 

Hàn Đan thắng tích kiến di biên.

 

Cao nguyên phong thảo hô ưng lộ,

 

Hà xứ Vân Hòa hiệp kỹ diên ?

 

Hồng Lĩnh mộng trung hoang xạ liệp.

 

Bạch đầu túc tích biến sơn xuyên.

 

Hoàng Hà nam bắc giai thu thủy,

 

 

Hương tín hà do đạt nhạn biên ?

 

                Liêm Pha là lương tướng nước Triệu thời Chiến quốc, năm thứ 16 đời Huệ Văn Vương (283 TCN) phá tan quân Tề được phong chức Thượng Khanh.

                Năm 263 TCN đời Hiếu Thành Vương, Quân Tần đánh Triệu ở trận Trường Bình. Triệu sai Liêm Pha làm tướng. Liêm Pha quân ít hơn cố thủ, quân Tần khiêu chiến cũng không đánh. Triệu nghe lời gián điệp của Tần cho Triệu Quát con tướng Triệu Xa thay Liêm Pha, Liêm Pha bỏ sang nước Ngụy rồi sang Sở. Triệu Quát lúc nhỏ học binh pháp, nói việc binh, cho thiên hạ không ai bằng mình. Quát thường cùng cha bàn bạc việc binh. Triệu Xa biết con nói không đúng nhưng bắt bẻ không được. Vợ Triệu Xa hỏi tại sao, Xa đáp: “Việc binh là việc chết người mà Quát nói một cách khinh thường. Nước Triệu không cho Quát làm tướng thì thôi, chứ nếu làm tướng thì người phá vỡ nước Triệu nhất định là Quát.” Mẹ Triệu Quát khi nghe tin con được làm tướng dâng sớ ngăn vua Triệu, nhưng vua không nghe.

                Khi Triệu Quát được phong làm tướng, quân Tần cho tướng Bạch Khởi tước Võ An Quân thay Vương Hạt lên làm đại tướng. Bạch Khởi dùng mưu trong một trận diệt 400 000 quân Triệu, chôn chung một mộ. Triệu Quát là đứa trẻ con miệng hôi sữa bàn việc binh đã làm thảm bại nước Triệu. Trong Nguyễn Du toàn tập, Văn Học xuất bản  1996 tr 469, GSTS Mai Quốc Liên sai lầm khi cho Võ An Quân là Lý Mục.

Đông Châu Liệt Quốc, hồi 98 tr 1139 viết:

                “Vương Hạt ngày nào cũng dẫn quân đến đánh, nhưng trận nào cũng bị quân Triệu đánh lui, không làm sao cướp trại được, bèn sai người về báo với vua Tần. Vua Tần đòi Phạm Chuy đến hỏi kế.

Vua Tần hỏi: -Thừa tướng có kế gì trừ được Liêm Pha chăng ?

Phạm Chuy nói: - Phải dụng kế phản gián mới được. Xin Đại Vương bỏ ra ngàn vàng, tôi sẽ dùng lễ vật ấy trừ bỏ Liêm Pha.

Vua Tần nhận lời. Phạm Chuy sai người môn khách tâm phúc, theo đường tắt, sang Hàm Đan, dùng nghìn vàng đút lót cho kẻ tâm phúc vua Triệu để nói với vua Triệu rằng:

- Hàng võ tướng nước Triệu chưa ai giỏi bằng Mã Phục Quân (Triệu Xa). Nay lại nghe nói con Mã Phục Quân còn giỏi hơn gấp mấy. Nếu cho con Mã Phục Quân làm tướng, nước Tần không ai chống lại.

                Vua Triệu lâu nay nghe tin Liêm Pha cố thủ không đánh, lòng không vui, bỗng có lời nói ấy khiến cho vua Triệu tự nghĩ:

- “Liêm Pha tuy là dũng tướng, song tuổi già sức yếu, sinh ra nhút nhát, chi bằng sai con Mã Phục Quân thế cho Liêm Pha là hơn.”

Liền truyền lệnh đòi con Mã Phục Quân là Triệu Quát đến hỏi:

- Nhà ngươi có thể lui được quân Tần chẳng ? Triệu Quát nói:

- Nếu tướng Tần là Bạch Khởi thì tôi còn phải tốn công trù hoạch, chớ như Vương Hạt là một tiểu tướng, khó gì mà không lui đặng. Vua Triệu hỏi:

- Bạch Khởi tài cán thế nào ? Triệu Quát đáp:

- Bạch Khởi trước kia đánh Hàn, Ngụy ở Y Khuyết chém 24 vạn thủ cấp địch quân, lấy 61 thành, sau đánh Sở lấy Yên Dĩnh, định được Vu, Kiềm, tài năng Bạch Khởi bách chiến bách thắng, vì vậy vua Tần phong làm Võ An Quân. Nếu tôi cùng Bạch Khởi giao tranh thì khó định được hơn thua, vì vậy phải tốn công trù hoạch. Còn như Vương Hạt mới ra làm tướng, bản lĩnh có là bao, chẳng qua Liêm Pha tuổi già sức yếu, nên không thắng nổi đó thôi.

                Vua Triệu nghe nói lòng mừng, liền phong cho Triệu Quát làm Đại Tướng, ra thay Liêm Pha.

                Bà mẹ Triệu Quát hay tin, thất kinh, cho gọi Triệu Quát về nói :

                - Cha mày khi sắp mất, có dặn mày chớ nên làm tướng nước Triệu, sao mày không từ chối. Triệu Quát nói:

- Không phải là con không muốn từ chối, song trong triều không có ai giỏi hơn Quát này. Bà mẹ Triệu Quát liền dâng thư can vua Triệu, kể lại lời trối trăn của Triệu Xa lúc lâm chung. Vua Triệu nói:

- Ý ta đã quyết, không thể thay đổi được. Liền hối Triệu Quát kéo quân ra đi.

                Bấy giờ môn hạ của Phạm Chuy đã trở về nước Tần, thuật lại việc vua Triệu bỏ Liêm Pha dùng Triệu Quát làm tướng.

Phạm Chuy nói với vua Tần:

- Nay phải dùng Võ An Quân ra quân mới được.

                Vua Tần liền sai Bạch Khởi làm Đại Tướng, kéo quân đến Kim Môn, cấm không cho binh sĩ thố lộ việc ấy ra ngoài.

                Khi Triệu Quát dẫn quân đến Trường Bình, Liêm Pha liền trao quyền hành cho Triệu Quát, rồi một mình dẫn một đội thân quân hơn mấy trăm người trở về Hàm Đan.

                Triệu Quát truyền lệnh cho quân sĩ chuẩn bị tác chiến, nhất thiết không ai được trái lệnh.

                Bạch Khởi vừa đến Kim Môn, hay tin Triệu Quát bỏ lệnh cố thủ, liền sai một tướng ra khiêu chiến. Triệu Quát dẫn quân ra đánh. Tướng Tần giả thua bỏ chạy. Bạch Khởi lên chổ cao, nhận xét địch tình một lúc rồi nói với Vương Hạt :

- Tôi có cách phá quân Triệu rồi. Vương Hạt biết Bạch Khởi là tay trí dũng, một lòng tin tưởng.

Tối hôm ấy Triệu Quát thắng được trận đầu, lòng phấn khởi, hoa chân múa tay, hạ chiến thư cho quân bắn vào dinh Tần.

                Bạch Khởi viết thư đáp lại ngày mai quyết chiến. Đoạn truyền quân sĩ lui ra mười dậm hạ trại. Triệu Quát tiếp được thư mừng rỡ, sai quân làm thịt trâu ăn mừng, định ý hôm sau bắt sống Vương Hạt để làm trò cười cho chư hầu.

                Bạch Khởi hạ trại xong, họp các tướng sĩ để nghe lệnh: Vương Bí, Vương Lăng dẫn một vạn quân bày trận, giao chiến với Triệu Quát, nhưng không được thắng giặc. Tư Mã Thúc, Tư Mã Ngạnh mỗi người dẫn một vạn quân theo đường tắt, phục sau núi Kim Môn để tuyệt đường lương quân Triệu. Hồ Thương dẫn một vạn quân phục nơi phía tả, chờ quân Triệu kéo đến xông vào đánh, cắt làm hai đoạn. Mông Vụ, Vương Tiễn, mỗi người dẫn một vạn quân phục nơi phía hữu, chờ lệnh tiếp ứng. Bạch Khởi và Vương Hạt cùng kiêm giữ đại dinh.

                Đêm ấy Triệu Quát hay tin quân Tần rút lui mười dậm, liền bưng chén rượu cười lớn nói:

- Quân Tần đã kiếp sợ ta rồi, chỉ một trận là thành công. Liền ra lệnh  canh tư nấu cơm, đầu canh năm kéo quân ra khỏi dinh, áp đến phá trại quân Tần.

                Trời lờ mờ sáng, Triệu Quát vừa kéo đại binh ra khỏi trại được ba dậm, thì gặp đạo quân Tần. Hai bên đối địch một hồi. Tướng Tần là Vương Bí, Vương Lăng giả thua bỏ chạy. Triệu Quát dốc binh đuổi theo. Phùng Đình can:

- Quân Tần hay man trá, ta chớ nên đuổi theo mà lầm kế giặc. Triệu Quát không nghe, kéo quân đuổi đến dinh Tần, xông vào cướp trại nhưng bên trong, Bạch Khởi và Vương Hạt đốc quân chống giữ, không sao cướp trại được.

                Trong lúc đang hổn chiến, bỗng có tin quân Tần lẻn về phía sau chiếm mất dinh trại nơi Kim Môn rồi. Triệu Quát liền giục đạo hậu quân dời dinh tiến đến.

                Nhưng đạo hậu quân chưa đến, đại binh của Triệu Quát đã bị tả đạo quân Tần là Hồ Thương nổi dậy, xông vào đánh làm cho quân Triệu đầu đuôi đứt đoạn. Triệu Quát nổi giận hét:

- Hồ Thương dám vô lễ, đối địch với quân ta sao !

Nói xong ra lệnh quay trở lại đánh Hồ Thương. Nhưng đánh chưa được bao lâu, hữu đạo của quân Tần là Vương Tiễn và Mông Vụ xông ra tiếp ứng. Phùng Đình nói với Triệu Quát :

- Quân ta tuy thất thế, song binh lực hãy còn, xin Nguyên Soái mở đường thoát ra ngoài cũng cố doanh trại, nếu ở đây sẽ không có lối thoát. Triệu Quát không nghe đốc quân tiến tới. nhưng không làm sao tiến được, thế binh lần lần yếu ớt, phần lương thực bị chận, không tiếp tế được, quân sĩ đói khát, rã rời chân tay.

                Bấy giờ Triệu Quát mới hay, Bạch Khởi dùng quân, sợ hãi, muốn dẫn bộ hạ mở đường máu chạy trốn, nhưng Bạch Khởi đã biết trước, tuyển một đội kỵ binh thiện xạ, phục nơi phía đông, đoạn mở đường cho Triệu Quát chạy về phía ấy. Triệu Quát không ngờ, vừa xông ra khỏi vòng vây bị phục quân bắn chết. Phùng Đình thấy vậy ngữa mặt lên trời than:

- Bởi Triệu Quát chẳng nghe lời ta, nên mới mang khốn như vầy. Than rồi rút gươm tự vận. Binh tướng nước Triệu, lớp chết lớp đầu hàng không biết bao nhiêu mà kể. chỉ có Tô Xa sống sót, thoát chạy qua được nước Hàn.

                Giết Triệu Quát xong, Bạch Khởi dựng cờ chiêu an, kiểm điểm hàng quân ước hơn hai mươi vạn. Bạch Khởi thấy số quân Triệu đông quá, sợ nổi lên làm loạn, truyền đem giết hết, đầu quân Triệu chất thành núi, gọi là núi đầu lâu. “

                Tường thành của nước Triệu, là Liêm Pha chống giữ nước Tần, Lý Mục chống giữ Mông Cổ phía bắc. Vua Triệu thiếu suy xét bị mắc lừa lời phản gián, cách chức Liêm Pha, giết Lý Mục, những bậc lão thành, trong hiểu thế nước, ngoài hiểu địch tình. Gặp địch đều thắng trận. Liêm Pha biết quên thù riêng mang roi gai đến tạ tội với Lạng Tương Như. Vì biết rằng một nước có hai con hổ không ai có thể xâm phạm. Lạn Tương Như tài ngoại giao lỗi lạc, hai lần khuất phục được vua Tần, lần thứ nhất mang ngọc họ Hòa đến cho vua Tần để đổi 15 thành, biết vua Tần man trá, nhưng vẫn ung dung lý luận sắc bén mang ngọc họ Hoà về an toàn. Lần thứ hai đưa vua Triệu hội kiến với vua Tần. Vua Tần không dùng uy áp chế được vua Triệu, vua Triệu không bị bắt như vua Sở, cũng không bị làm nhục, và trở về nước an toàn.

Đông Châu Liệt Quốc, Hồi 96 trang 1111 chép:

”Khi về triều nghĩ cái công của Lạn Tương Như, vua Triệu nói với các quan:

- Ta được Lạn Tương Như chẳng khác nào được ngồi trên tảng núi, chẳng lo gì sóng gió. Nay ta phong cho Lạn Tương Như chức Thượng tướng tưởng cũng chưa xứng đáng. Liêm Pha thấy vậy bất bình, về dinh hằn học :

-‘ Ta có công to, đánh thành, cướp đất, còn Lạn Tương Như chỉ lấy chút công chót lưỡi mà  thứ vị lại ở trên ta. Vả lại hắn ta là một tên xá nhân của kẻ hoạn quan, xuất thân hèn mọn, ta đời nào chịu đứng dưới hắn. Nếu ta trông thấy mặt hắn ta giết ngay.’

                Lạn Tương Như nghe những lời nói ấy, mỗi khi gặp buổi chầu đều cáo bệnh không đến, không chịu cùng Liêm Pha gặp mặt. Bọn xá nhân đều cho Lạn Tương Như là nhát, nhìn nhau mỉm miệng chê cười.

                Bỗng một hôm, Lạn Tương Như ra đường, gặp Liêm Pha từ xa đi tới, trước sau có quân sĩ ồ ạt theo hầu. Lạn Tương Như trông thấy đạo tiền đội Liêm Pha liền bảo tên đánh xe tránh vào ngỏ hẽm, chờ cho Liêm Pha qua khỏi mới đi. Bọn xá nhân thấy thế tức giận xúm nhau nói với Lạn Tương Như:

- Chúng tôi bỏ làng xóm, xa thân thích, đến đây hầu hạ ngài; coi ngài là bậc trượng phu. Ngày nay, ngày cùng Liêm tướng quân đồng phò một vua, ngôi thứ lại ở trên, thế mà bị Liêm tướng quân nói một câu hăm dọa, chẳng dám đến triều, lại tránh mặt cả ngoài đường nữa. Tại sao ngài lại sợ Liêm tướng quân quá vậy ? Chúng tôi xấu hổ thay cho ngài, mà không muốn theo phò ngài nữa.

                Lạn Tương Như buồn bã nói:

- Ta tránh Liêm tướng quân vì một duyên cớ khác, chứ đâu phải kiếp sợ. Các người chưa hiểu đó thôi. Bọn xá nhân hỏi :

- Xin ngài cho biết duyên cớ gì lại làm cho ngài có thể chịu nhục như vậy ? Lạn Tương Như nói:

- Các người xem Liêm tướng quân, uy lực có bằng vua Tần không ? Bọn xá nhân đáp:

- Không bằng. Lạn Tương Như nói :

- Lấy cái uy lực của vua Tần trong thiên hạ không ai dám chống, thế mà ta dám đương nhiên mắng vào mặt vua Tần, làm nhục cả quần thần nước Tần nữa. Ta dẫu hèn, há sợ Liêm Pha hay sao ? Tuy nhiên ta nghĩ lại, sở dĩ nước Tần sợ nước Triệu không dám đánh là vì nước Triệu có ta và Liêm Pha. Nếu ta cùng Liêm Pha xung đột, hại lẫn nhau, ắt Tần sẽ thừa cơ đánh Triệu. Vì vậy ta xem nước là trọng, mà thù riêng là khinh. Bọn xá nhân nghe nói đều kính phục.

                Cách đó mấy hôm, bọn xá nhân họ Lạn và bọn xá nhân họ Liêm gặp nhau trong quán rượu. Hai bên tranh chỗ ngồi. Xá nhân họ Lạn nói :

- Chủ ta vì nước phải nhường cho Liêm tướng quân, chúng ta cũng nên vì ý chủ mà nhường cho khách họ Liêm vậy. Liêm Pha từ đấy càng thêm kiêu ngạo, trái lại Lạn Tương Như lại càng nhường nhịn, nhờ vậy hai bên không xích mích nhau.

                Chẳng bao lâu có người Hà Đông tên Ngu Khanh đến chơi nước Triệu, nghe bọn xá nhân nói lại bèn vào yết kiến vua Triệu nói:

- Trọng thần của Đại vương ngày nay có phải là Liêm Pha và Lạn Tương Như chăng ? Vua Triệu đáp phải. Ngu Khanh nói :

- Tôi nghe các người bầy tôi ngày trước, đều một lòng yêu mến lẫn nhau, hiến thân cho nước. Nay Đại Vương có hai vị trọng thần mà để cho họ thù ghét nhau thực không có phúc cho nước Triệu. Vua Triệu ngạc nhiên hỏi :

- Có gì xảy ra giữa Liêm Pha và Lạn Tương Như sao ? Ngu Khanh đem lời nói của bọn xá nhân kể lại và nói tiếp:

-Họ Lạn càng nhường, họ Liêm càng làm cao. Ở triều có việc không cùng bàn, hoạn nạn tất sẽ không cùng giúp nhau. Như thế Đại vương làm sao trông cậy vào họ đưọc. Tôi xin vì Đại vương tìm cách nối lại mối tình giữa hai kẻ ấy. Vua Triệu khen phài, nhờ Ngu Khanh đến giàn xếp. Ngu Khanh đến yết kiến Liêm Pha, trước tiên ca tụng công lớn của Liêm Pha. Liêm Pha mừng lắm. Ngu Khanh nói:

-  Kể công thì không ai bằng tướng quân, nhưng nói đến đức thì không ai bằng Lạn Tương Như. Liêm Pha cao mặt nói:

- Lạn Tương Như là kẻ hèn mạt, lấy chót lưỡi lập nên công, có gì mà gọi rằng đức ? Ngu Khanh nói:

- Lạn Tương Như đâu phải là kẻ hèn nhát. Nếu hèn nhát đâu dám đương nhiên mắng vua Tần trước mặt công chúng. Chẳng qua Lạn Tương Như nghĩ đến việc lớn mà nhường nhịn cho tướng quân đó. Nói xong thuật lại mọi lời của Lạn Tương Như nói với bọn xá nhân, và nói tiếp:

- Tướng quân không đặt mình ở nước Triệu mà thôi, nếu muốn đặt mình ở nước Triệu mà hai vị đại thần một người nhường, một người kiêu, tôi e tiếng tốt không về tướng quân đó. Liêm Pha hổ thẹn nói:

- Nếu tiên sinh không nói, tôi không bao giờ thấy được điều lỗi của tôi. Tôi thực kém Lạn Tương Như nhiều lắm !

                Nói xong Liêm Pha tự trần vai áo, cầm roi đến tận cửa nhà họ Lạn tạ tội :

- Bỉ nhân hẹp hòi, không hiểu đức khoan hồng của Tướng quốc rộng rãi đến thế. Bỉ nhân này dầu chết cũng chưa đáng tội. Nói xong quì mãi ở giữa sân. Lạn Tương Như chạy đến đỡ dậy nói:

-  Hai ta sánh vai chung phò xã tắc. Tướng quân hiểu lòng nhau thế đã là một ân huệ đối với tôi rồi, xin chớ tị hiềm như thế. Liêm Pha nói :

- Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lại lấy làm hổ thẹn. Liêm Pha nói :

- Từ nay đôi ta nguyện kết tình sinh tử, dù chết cũng không đổi lòng. Hai người thề nguyền xong mở tiệc uống rượu cho đến sáng. Vua Triệu nghĩ công Ngu Khanh ban cho trăm nén vàng và phong làm Thượng Khanh. » 

                Nguyễn Du viết tiếp : Một nước có hai con hổ không kẻ nào có thể xâm phạm được. Trên hai mươi năm ai tranh nổi chức nguyên soái với Liêm Pha. Thời còn tướng quân, nước Triệu được coi trọng. Thời tướng quân mất đi, nước Triệu bị coi khinh. Đáng giận kẻ gièm pha kiếm đều thêu dệt.  Sao lại bịa chuyện một bữa ăn ba lần són phân.

Đông Châu Liệt Quốc, Hồi thứ 105 tr 1205 chép:

                “Vua Tần muốn đánh Triệu trước, sai Hoàng Xỉ đem mười vạn quân kéo sang biên giới. Vua Triệu sợ hãi họp quần thần thương nghị. Mọi người đều nói:

-Chỉ có Liêm Pha mới lui được quân Tần. Trong số quần thần có Quách Khai vốn ghen ghét Liêm Pha, trước đây lại ăn của lót nước Tần để báo tin tức, nghe nói vội quì tâu:

- Liêm tướng quân dẫu từng trải việc quân, nhưng tuổi hơn bảy mươi, gân lực đã suy, Đại vương nên dùng người khác.

                Bây giờ Liêm Pha đang ở nước Ngụy. Vua Triệu chưa biết định liệu thế nào, liền sai Đường Cửu đem một bộ áo giáp và một con ngựa tốt sang nước Ngụy xem hễ Liêm Pha già yếu thì thôi, bằng còn mạnh khỏe thì rước về dùng.

                Đường Cửu vâng lời lãnh áo giáp và ngựa tốt ra đi. Quách Khai bèn đút tiền cho Đường Cửu bảo dẫu Liêm Pha còn mạnh khỏe cũng chớ nên gọi về.

                Đường Cửu theo lời sang nước Ngụy vào yết kiến Liêm Pha thuật lại lời vua Triệu. Liêm Pha hỏi: -Quân Tần sang đánh Triệu ư ?

Liêm Pha nói: - Tôi rời khỏi nước Triệu đã vài năm, không một kẻ hỏi han, nay bỗng nhiên vua Triệu sai đem áo giáp và ngựa tốt đến tất có việc dùng tôi. Đường Cửu hỏi:

- Tướng quân không giận vua Triệu sao ? Liêm Pha đáp:

- Tôi ngày đêm tưởng nhớ đến Triệu, lẽ nào lại giận vua Triệu. Nói rồi giữ Đường Cửu lại cùng ăn uống với mình. Trước mặt Đường Cửu, Liêm Pha cố sức ăn uống thật nhiều, ăn một bữa hết một đấu gạo và mười cân thịt. Ăn xong lại mặc áo giáp lên ngựa cỡi chạy như bay. Đoạn hỏi Đường Cửu :

- Tôi so với tuổi trẻ không kém bao nhiêu, phiền ngài về tâu với vua Triệu, sức tôi còn có thể giúp ích cho nước Triệu được.

                Đường Cửu thấy Liêm Pha tinh thần còn cường tráng lắm, nhưng đã trót nhận của hối lộ với Quách Khai, đành trở về tâu dối với vua Triệu:

-- Liêm tướng quân dẫu tuổi đã già, song ăn uống và cỡi ngựa còn mạnh lắm. Chỉ có một điều thỉnh thoảng lại són phân ra. Vua Triệu than:

- Khi chiến chinh mà són phân như thế thì làm sao được Liêm Pha quả đã già rồi .

(Về sau vua Sở thấy Triệu bỏ rơi Liêm Pha ở Ngụy, sai người rước về dùng. Nhưng Liêm Pha thấy quân Sở không bằng Triệu, uất ức mà chết.)

                Nguyễn Du viết:  Sau khi người đầu bạc ra đi không trở lại nữa. Việc Hàm Đan như thế nào có thể biết được rồi. Triệu mất, Tần rồi đã ba nghìn năm. Tên tuổi của tướng quân vẫn còn truyền để lại. Ta chùi bia xưa để đọc, than thở mãi, Tưởng như thấy hùng khí tướng quân vẫn bừng bừng như lúc sống. Người thời nay không ít kẻ ăn nhiều thịt (như tướng quân), Cơ hồ khiến cho không còn con gia súc nào trong nhà. Gặp thời thanh bình không có chiến tranh, Đều nhất loạt nói năng chẳng kể Liêm Pha, Lý Mục.

                Lý Mục cũng là một tướng giỏi của nước Triệu, phòng thủ đánh quân Hung Nô, đánh tan quân Tần được phong làm Vũ An Quân, trùng tước với Bạch Khởi nước Tần. Năm thứ bảy đời vua Triệu Thiên (235-238 TCN) Tần đánh Triệu, lại bày kế phản gián, nói Lý Mục  mưu phản, vua Triệu thay Lý Mục, Lý Mục không vâng mệnh, bị bắt và bị giết. Ba tháng sau nước Tần diệt Triệu.

                Nước Triệu bị diệt không vì thiếu những danh tướng mà vì tên gian thần Quách Khai, ăn hối lộ nước Tần. Gian thần Quách Khai khi nhận tiền vàng đút lót của nhà Tần, nào có nghĩ chuyện nước Triệu bị diệt, bốn trăm ngàn người chết chung một mộ táng. Khi nước mất thì nhà cũng tang hoang, nhà  Tần cho Quách Khai vàng rồi lấy lại mấy hồi, Hồ Tôn Hiến mang bao ngọc vàng thể nữ đến cho  Thúy Kiều, kết cuộc nàng có hưởng được gì mà còn mất tất cả, lại bị gả bán cho một tù trưởng phải trầm mình xuống sông Tiền Đường. Mồi ngon tiền vàng làm mờ mắt những người suy nghĩ nông cạn. Liêm Pha lầm lỡ khi tức giận Lạn Tương Như, nhưng nghĩ đến việc chung nước Triệu, mang roi cởi áo đến  quỳ trước sân nhà họ Lạn xin tạ tội. Quách Khai cũng có thù riêng với Liêm Pha, Lý Mục chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư của mình dèm pha, bậc công thần phải bỏ nước mà đi, người bị giết. Nước Triệu đến đời con cháu mất nước, thiếu sáng suốt, dùng kẻ du nịnh, ngược đãi kẻ hiền tài. Kết quả nước Triệu bị diệt, hiền tài, quân dân bị giết.  Trung Quốc thời Chiến Quốc chỉ khoảng 20 triệu dân, bảy nước đánh nhau, nhà Tần giết 400 000 người trận Trường Bình nước Triệu, thật kiếp đảm. Đọc lịch sử Trung Quốc không chỉ một trận này mà còn nhiều trận khác, Bạch Khởi diệt Ngụy chém 240 000 thủ cấp, trận Hạng Võ diệt 200 000 quân nhà Tần. Trận An Lộc Sơn nhà Đường thời Đường Minh Hoàng đưa dân Trung Quốc từ 60 triệu còn 19 triệu người. Thời xưa giết người bằng gươm dao thôi mà tang thương như thế. Bản chất tàn bạo nhà Tần hơn hai ngàn năm qua cũng không đổi. Hơn hai nghìn năm qua khoa học kỹ thuật giết người càng tân tiến, nhưng đạo đức con người không tiến bộ hơn bao nhiêu. Hai trận Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế Chiến, hàng chục triệu người chết, 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc Xã giết. 35 triệu người trong Cách Mạng Văn Hóa chỉ mới xãy ra những năm 1960, ba triệu người ở Cam Bốt chỉ mới những năm 1970..

                Đời nay có những Quách Khai, nhận hối lộ để hãng xưỡng thép nước ngoài thải ra chất độc, hàng trăm cây số bờ biển cá chết. Những Quách Khai đời nay đang đào những ngôi mộ lớn chôn cả dân tộc Việt Nam. Nghìn năm sau ai sẽ là người đi qua, chùi bia những anh hùng khí khái như Liêm Pha khóc thương cho dân tộc Việt ?

Paris 12-7-2016

PHẠM TRỌNG CHÁNH

Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V. Sorbonne.

 

               

 

 

 

 

 

 

 

               

 

 

               

 

 

 

               

 

 

 

BIA LIÊM PHA

 

Liêm Pha lìa xứ, Võ An tướng,

 

 

Bốn chục vạn quân một huyệt táng.

 

 

Trẻ con hôi sữa bàn việc binh,

 

 

Một nước trường thành tự bỏ lún.

 

 

Trọng trách cõi bờ bậc lão thành,

 

 

Trong hiểu thế nước, ngoài địch tình.

 

 

Sở dĩ gặp địch đều thắng trận,

 

 

Vì quên thù riêng mang roi gai.

 

 

Một nước hai hổ ai xâm phạm.

 

 

Ai tranh được nổi hai mươi năm.

 

 

Tướng quân còn đó Triệu coi trọng,

 

 

Tướng quân mất đi Triệu coi khinh.

 

 

Đáng giận kẻ dèm pha thêu dệt,

 

 

Bịa chuyện bữa ăn són ba lần.

 

 

Khi người đầu bạc không trở lại.

 

 

Thấy trước Hàm Đan số phận dành.

 

Triệu mất, Tần tan ba ngàn năm,

 

Đến nay tướng quân còn vang danh.

 

 

Ta chùi bia xưa đọc than thở,

 

 

Tráng khí trước mắt thấy rành rành.

 

 

Đời nay lăm kẻ ăn nhiều thịt,

 

 

Trong nhà luống chẳng còn gân sức.

 

 

Gặp thời thanh bình chẳng chiến tranh,

 

 

Huênh hoang coi thường Liêm Pha, Lý Mục.

 

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

 

LIÊM PHA BI

Liêm Pha vong khứ, Võ An tướng,

Tứ thập vạn nhân đồng huyệt táng.

 

Nhũ xú tiểu nhi dị ngôn binh,

 

 

Nhất quốc trường thành đồ tự táng.

 

 

Ký khổn trọng nhậm tu lão thành,

 

 

Nội thẩm quốc thế ngoại địch tình.Sở dĩ lâm địch năng chế thắng,

 

 

Đoan tại quyên cừu tri phụ khinh.

 

 

Nhất quốc lưỡng hổ bất khả phạm,

 

 

Nhị thập dư niên thùy dữ tranh.

 

 

Tướng quân tại thời, Triệu dĩ trọng,

 

 

Tướng quân khứ thời, linh Triệu khinh.

 

 

Sở hận sàm nhân chức thê phỉ,

 

 

Hà tu nhất thực tam di thỉ.

 

Bạch đầu khứ hậu bất trùng lai.

 

Hàm Đan chi sự khả tri hĩ.

 

Triệu vong Tần kế tam thiên niên.

 

Tướng quân danh tự chí kim truyền.

 

Ma sa cổ kiệt tam thái tức,

 

Bột bột tráng khí tưởng kiến kỳ sinh tiền.

 

Kim nhân bất thiểu thực đa nhục,

 

Cơ linh gia dưỡng vô di súc.

 

Thanh bình thời tiết vô chiến tranh,

Nhất khẩu hùng đàm bất sổ Liêm Pha dữ Lý Mục.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.