Lời Nói Đầu
Đây là Lời Bình Ngắn, đứng riêng rẽ, nhắm vào một câu, một đoạn, một ý thơ riêng biệt. Đôi khi cũng bàn đến một điểm nhỏ (rất nhỏ) liên quan đến Thơ nói chung. Lời Bình Ngắn cũng có khi được trích từ một bài bình thơ hoặc một bài tiểu luận bàn về Lý Thuyết Thơ. Mục đích của việc “cắt nhỏ” như vậy là để “vừa miếng” cho những người mới làm quen với thơ, đang bước đầu tìm hiểu cách thưởng thức một bài thơ, đang tìm cách trả lời câu hỏi “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ hay?” Và “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ dở?” Một đôi khi cũng có Lời Bình Ngắn hơi “dài”. Lý do: người viết muốn bàn sâu về một điểm đặc biệt nào đó của lý thuyết thơ hay một tiêu chí quan trọng để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Xin nhắc các bạn trẻ - đối tượng chính của những bài viết như thế này – nên luôn để mắt vào Cái Đẹp Tổng Thể Của Bài Thơ. Có những câu thơ đứng riêng một góc trời thì rất hay, rất tuyệt. Nhưng khi đưa vào bài thơ thì lại không hợp, có khi còn trở thành vật cản đối với dòng chảy của tứ thơ. Nhận biết được một câu thơ, đoạn thơ hay là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phải đặt câu thơ , đoạn thơ đó vào khung cảnh bài thơ, cân nhắc, xem xét những tiêu chí khác - đặc biệt là dòng chảy của tứ thơ, hơi thơ và hồn thơ - để sau cùng đi đến kết luận chung cuộc, có tính tổng hợp về giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Bài Học Đầu Cho Con
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...
(Đỗ Trung Quân)
Ngay ở đoạn đầu tác giả cho đứa bé hỏi mẹ 2 câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: quê hương.
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
và:
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích rất hay, rất tuyệt. Dựa vào ngôn ngữ từ 2 câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé. Nhưng để ý đến cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con” có nghĩa là đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một bậc. Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi “nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác. Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý trí bước vào đạo diễn một kịch bản “ba xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào. Chắc người đọc có thể thấy ngay là cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero. (1)
Chú thích
1/ Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có 2 câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài thơ gốc nhiều. Tiếc rằng đoạn cuối “bị biên tập” nên có cái giọng xấc xược, bố láo làm bực mình rất đông người Việt hải ngoại.
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com