NGUYỄN DU QUA CẦU DỰ NHƯỢNG
VÀ QUA QUÊ CŨ KINH KHA
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
Trên đường đi sứ, Nguyễn Du đi qua Tấn Dương trong khoảng thời gian 21-9 đến 4-10 năm Quí Dậu (1813) ; nơi đây Nguyễn Du qua cầu Dự Nhượng và viết hai bài thơ : Dự Nhượng kiều chủy thủ hành (bài hành về chiếc gươm ngắn của Dự Nhượng) và bài Dự Nhượng kiều (Cầu Dự Nhượng). Với Kinh Kha Nguyễn Du viết một bài Kinh Kha cố lý (Làng cũ Kinh Kha) nhân khi đi ngang qua sông Dịch. Điều đó nói lên tấm lòng trân trọng của Nguyễn Du đối với hai tráng sĩ này.
Kinh thành Tấn Dương do Triệu Giản Tử xây dựng năm 500 trước Công nguyên. Từ đời nhà Tần được đổi tên là Thái Nguyên, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, thành phố có 4,2 triệu dân. Có nhiều vị vua ở nơi này nên nó còn được gọi là Long Thành. Tấn Dương là một trong 9 cố đô Trung Quốc ( Cửu triều cố đô), một trong những thành phố có nhiều di sản văn hóa nhất Trung Quốc. Thành phố nằm ở Bắc Tấn Trung, dựa lưng vào Nhị Long Sơn, có sông Phần chảy qua thành phố từ phía Bắc.
Trong Kiều có câu : Thưa rằng lượng cả bao dung, Tấn Dương được thấy mây rồng có phen. Điển tích Tấn Dương chỉ việc năm 617 khi Đường Cao Tổ Lý Uyên cùng con là Lý Thế Dân khởi binh ở Tấn Dương chống lại nhà Tùy lập nên nhà Đường, có đám mây ngũ sắc điềm báo hiện thiên tử xuất hiện. Câu này Kiều ví Từ Hải như Lý Uyên khởi binh.
Dự Nhượng người nước Tấn, làm bề tôi cho Trí Bá, được Trí Bá yêu quý tôn trọng. Trí Bá bị Triệu Vô Tuất (Triệu Tương Tử giết) sơn xương sọ làm chậu tiểu. Toàn gia bị giết, Dự Nhượng hóa trang làm thích khách giết Triệu Vô Tuất nhưng hai lần đều thất bại, lần thứ nhất được tha, lần cuối cùng bị giết, ông xin ân huệ cuối cùng được đánh roi vào áo bào Triệu Vô Tuất trước khi chết.
Trí Bá, một trong sáu quan khanh của nước Tấn thời Tấn Xuất Công thuộc sáu họ đại quí tộc : Phạm, Trung Hàng, Hàn, Ngụy, Trí, Triệu. Nước Tấn thời gian này đã suy nhược, Trí Bá muốn cướp ngôi vua, tìm cách chia rẻ, rồi tiêu diệt năm nhà quí tộc kia. Đầu tiên dùng ba họ Hàn, Triệu, Ngụy diệt họ Phạm và họ Trung Hàng, lấy đất đai hai họ này chia nhau, rồi chuyên quyền lấn đất đai nhà Tấn. Tấn Xuất Công ngầm mời hai nước Tề, Lỗ giúp sức đánh lại, thì bị bốn nhà hợp quân đánh úp. Tấn Xuất Công chạy sang Tề. Trí Bá lập cháu nội Xuất Công lên ngôi tức Tấn Ai Công, rồi nắm hết quyền bính trong tay và tiến hành diệt nốt ba họ Hàn, Triệu, Ngụy để cướp ngôi nhà Tấn không còn ai ngăn cản. Hai họ Hàn, Ngụy bị Trí Bá ép phải hội quân đánh Triệu. Quan Khanh họ Triệu là Triệu Vô Tuất (Tương Tử) phải bỏ chạy về thành Tấn Dương. Trí Bá vây thành Tấn Dương và tháo nước sông Phần chảy vào thành để diệt Triệu Tương Tử. Tương Tử cho Trương Mạnh Đàm đến thuyết phục Hàn, Ngụy cùng hợp lực diệt Trí Bá. Trí Bá chết Triệu giết cả họ Trí Bá rồi đem xương sọ Trí Bá sơn làm chậu đựng nước tiểu để trả mối thù từng bị Trí Bá ép uống rượu say không được, ném chén vào mặt, máu chảy đầm đìa và khi vây thành Tấn Dương phá đê Phần thủy dìm thành Tấn Dương trong nước lụt.
Đông Châu Liệt Quốc. Quyển III. Hồi thứ 84, tr 960 chép chuyện Dự Nhượng báo thù như sau :
« Triệu Vô Tuất tuy đã giết cả tộc họ Trí Bá, nhưng lòng còn giận chưa nguôi, mới đem cái sọ đầu lâu của Trí Bá dùng làm đồ tiểu tiện.
Lúc bấy giờ người gia thần của Trí Bá là Dự Nhượng đang trốn nơi Thạch Thất hay được việc ấy, khóc lớn nói :
- Ta chịu ơn họ Trí, nay họ Trí đã bị diệt, còn bị người ta làm nhục đến nắm xương tàn, như thế ta còn mặt mũi nào tham sống nữa.
Nói xong, Dự Nhượng đổi tên họ, giả kẻ làm công, đắt con dao nhọn lẻn vào nhà họ Triệu, định ám sát Triệu Vô Tuất. Rủi thay ! Dự Nhượng lại bị người nhà Triệu Vô Tuất bắt được, đem nạp cho Triệu Vô Tuất.
Triệu Vô Tuất hỏi :
- Nhà ngươi có thù oán gì với ta, mà giắt dao nhọn đến ám sát ta ?
Dự Nhượng nói :
- Ta là bề tôi họ Trí. Vì họ Trí mà báo thù.
Bọn gia nhân nói với Triệu Vô Tuất :
- Người này phản nghịch xin ngài chém cổ cho rồi.
Triệu Vô Tuất nói :
- Họ Trí đã diệt, thế mà Dự Nhượng vẫn nhớ ơn. Kẻ trung thành như vậy sao nỡ giết. Nói xong truyền tha cho Dự Nhượng, và hỏi :
- Ta tha cho nhà ngươi, nhà ngươi còn thù oán ta nữa chăng ?
Dự Nhượng nói :
- Ngài tha cho tôi là một ơn riêng, tôi không quên, nhưng việc báo thù là nghĩa lớn của tôi, tôi không thể không làm. Bọn gia nhân nói với Triệu Vô Tuất :
-Xin giết kẻ vong ân ấy kẻo sau nầy mang hại. Triệu Vô Tuất nói :
- Ta đã nói, không thể nuốt lời. Vậy cứ tha cho Dự Nhượng, và từ nay phải đề phòng.
Ngay ngày hôm ấy, Triệu Vô Tuất truyền sửa sang thành Tấn Dương, để vào đấy đề phòng việc báo thù của Dự Nhượng.
Còn Dự Nhượng, suốt ngày đêm không lúc nào, không nghĩ cách báo thù, nhưng chưa tìm được kế. Người vợ Dự Nhượng khuyên Dự Nhượng theo làm tôi họ Hàn, Ngụy để cầu phú quí. Dự Nhượng nổi giận bỏ đi, muốn vào Tấn Dương, nhưng lại sợ người ta biết mặt, mới xén râu, cạo chân mày, sơn mình, giả làm người hủi, đi xin ăn ngoài chợ.
Người vợ đi tìm chồng, ra đến chợ nghe tiếng nói mừng rỡ, nhưng khi đến gần, nàng ngơ ngác nhìn Dự Nhượng rồi lẩm bẩm :
- Lạ thật, tiếng nói thì giống chồng ta, cớ sao người lại không phải !
Dự Nhượng thấy vợ nghe được tiếng nói của mình, liền lấy than nuốt vào cho khan tiếng, rồi lại lén lút đi xin ăn như cũ.
Có người bạn, vốn biết chí báo thù của Dự Nhượng, nay thấy xuất hiện một kẻ ăn xin khác thường, lòng nghi ngờ, gọi tên quả nhiên Dự Nhượng quay lại.
Người bạn hỏi :
- Hiền huynh quyết chí báo thù, cứ theo ý tôi, hiền huynh đến xin làm tôi nhà họ Triệu. Hễ được họ Triệu tin dùng, thì việc trả thù như trở bàn tay, can chi phải làm cái chuyện đó.
Dự Nhượng nói :
- Nếu đã làm tôi họ Triệu, mà hại họ Triệu là bất nghĩa. Đời tôi rất ghét kẻ bất nghĩa, chẳng bao giờ chịu làm như vậy. Từ đây chúng ta từ biệt nhau, chẳng còn thấy mặt nhau nữa.
Dự Nhượng lại sang Tấn Dương ăn xin như trước.
Triệu Vô Tuất sửa sang thành Tấn Dương xong, thấy bờ đê Trí Bá đắp lúc trước còn kiên cố lắm, phá đi sợ tốn công dân chúng. Nên làm một cái cầu bắt ngang trên bờ đê, để dân chúng qua lại khỏi trở ngại.
Cầu làm xong, Triệu Vô Tuất thân hành xem. Dự Nhượng hay được tin ấy, giắt dao nhọn vào mình, giả làm xác chết nằm dưới gầm cầu, để chờ Triệu Vô Tuất đến.
Khi Triệu Vô Tuất đến nơi, con ngựa kéo xe, bỗng hí lên một tiếng, rồi lùi lại, không chịu đi. Ai nấy lấy làm lạ. Triệu Vô Tuất liền xuống xe, sai người xem xét chung quanh, xem có gì làm cho ngựa sợ chăng ? Quân hầu đi sục tìm một lúc rồi trở lại báo :
- Không có gì lạ. Dưới gầm cầu chỉ có một xác chết nằm gục ở đó mà thôi. Triệu Vô Tuất truyền lôi xác chết ra xem. Tuy hình dung đổi khác song Triệu Vô Tuất vẫn nhận ra đó là Dự Nhượng.
Dự Nhượng thấy Triệu Vô Tuất đã biết mình, không còn giả chết nữa, đứng phắt dậy trợn mắt nói :
- Kẻ thù của ta lại đến đây sao ? Triệu Vô Tuất mắng :
- Trước kia nhà ngươi lầm lỗi, ta tha không giết, sao lại không ăn năn sửa lỗi, còn mang lấy hận thù.
Dự Nhượng nói :
-Ngài tha tôi không giết, tôi chẳng quên ơn, nhưng Trí Bá là chủ tôi, người đã chia cơm xẻ áo, đãi tôi địa vị một mưu thần, nghĩa ấy rất trọng, tôi không thể vì ơn ngài mà quên nghĩa lớn.
Triệu Vô Tuất nói :
- Người đã không đổi lòng như thế, thì ta phải giết ngươi mới được. Nói xong truyền kẻ tả hữu đem Dự Nhượng ra chém.
Dự Nhượng nước mắt chảy ròng ròng nói :
- Kẻ đã quyết báo thù thì không bao giờ sợ chết, chỉ hiềm vì nghĩa cả chưa đáp đền. Tôi hai lần báo thù bị thất bại, nay bị ngài giết, vong hồn tôi xuống suối vàng vẫn chưa an. Nếu ngài là kẻ nhân từ, xin ngài cởi áo cho tôi đánh mấy cái vào áo ngài, rồi ngài sẽ giết, tôi mới hả dạ.
Triệu Vô Tuất thương tình, cởi áo bào trao cho Dự Nhượng. Dự Nhượng tay cầm roi, nhảy tới vụt vào chiếc áo Triệu Vô Tuất, ba lần, miệng hét :
- Ngày nay ta mới trả thù được cho Trí Bá. Nói xong rút dao đâm cổ tự vẫn. Về sau người ta gọi cây cầu ấy là Dự Nhượng Kiều.
Quân sĩ nhặt áo đem dâng cho Triệu Vô Tuất, Triệu Vô Tuất trông thấy những chổ có vết roi đều có rướm máu. (Ấy bởi lòng thành của Dự Nhượng mà ra) thất kinh nói :
-Ôi Chao ! ta không ngờ hận thù của Dự Nhượng ghê gớm đến thế. »
Nguyễn Du viết : Ngoài thành Tấn Dương nước chảy cuồn cuộn. Đầu Trí Bá bị trát sơn làm chậu đựng nước tiểu. Không có người trả thù cho thật đáng thương. Bề tôi của ông là Dự Nhượng tự gánh vác lấy việc ấy. Sơn thân mình làm người cùi hủi, cạo râu mày. Giữa đường xin ăn, vợ gặp nhận không ra. Trong mình cắp dao găm nấp dưới gầm cầu. Giận, nhìn bụng kẻ thù thấy đâm ngon ăn như đường. Sát khí đằng đằng không ai có thể đến gần được (con ngựa đi qua cũng hí vang không dám chạy qua). Giữa ban ngày mà trời tối, sương tuyết bay. Bị bắt, được tha lại bị bắt, mấy lần lòng không đổi. Đến lúc chết còn xin được đánh ba lần vào áo Tương Tử. Khí lạ cao ngất nghìn tầng mây. Từ đó cầu mang tên là Dự Nhượng. Nghĩa lớn vua tôi thật rõ ràng. Người quốc sĩ và người thường có cách ứng xử khác nhau. Theo Sử Ký : Dự Nhượng có nói với Tương Tử : « Tôi đã làm tôi hai họ Phạm và họ Trung Hàng, hai họ đối xử với tôi như người thường nên tôi báo đáp như người thường. Đến như Trí Bá đối xử với tôi như quốc sĩ cho nên tôi đối đáp theo lối quốc sĩ. »(Sử Ký Tư Mã Thiên. Thích khách truyện). Kẻ làm bề tôi mà hai lòng, thật đáng hổ thẹn đến chết. Bạn Dự Nhượng khuyên nên giả vờ làm tôi Tương Tử, rồi lợi dụng sự yêu mến gần gũi mà ám sát chứ không nên khổ thân sơn mình thành cùi hủi. Dự Nhượng cho như thế là nhị tâm, ăn ở hai lòng. Tôi làm thế này là để hạng làm tôi thờ vua mang hai lòng trong thiên hạ sau này phải hổ thẹn. (Tương dữ quí thiên hạ hậu thế chi vi nhân thần hoài nhị tâm dĩ sự kỳ quân giá dã. Sử Ký). Nghìn xưa nghe chuyện ai cũng ngậm ngùi. Không phải là bọn Kinh Kha, Nhiếp Chính. Kinh Kha là thích khách giúp Thái tử Đan nước Yên giết Tần Thủy Hoàng, nhưng không thành công. Nhiếp Chính là thích khách giúp Nghiêm Trọng Tử nước Tề giết Tể tướng nước Hàn là Hiệp Lũy. Cam chịu cho người nuôi nấng thừa mứa mà xem nhẹ thân mình. Cái mạnh khí huyết của họ không đáng nói. Chỉ mình ông là đấng trượng phu có chí cứng rắn như sắt thép. Đường qua Tam Tấn, (ba nước Triệu, Hàn, Ngụy) toàn gò bãi ; mắt chăm chú nhìn bên cầu dường như thấy bóng ông. Gió Tây lạnh lẽo rét tê người. Ngựa đi nhiều lần hí lên sợ lạc lối. Chiếc gươm ngắn đó chỉ dài bảy tấc, nhưng có tia sáng ngời soi suốt cổ kim. Sau khi đánh được ba lần vào áo Tương Tử. Dự Nhượng rút đoản đao nói « Ta có thể chết để đền ơn Trí Bá. » rồi tự sát, làm cho các chí sĩ nghe tin đều sụt sùi. Dự Nhượng chết trọn đạo với trời đất trong một buổi.
BÀI HÀNH VỀ CHIẾC GƯƠM NGẮN CỦA DỰ NHƯỢNG
Ngoài thành Tấn Dương nước xuôi dòng,
Trí Bá đầu sơn làm chậu xí,
Không người trả thù đáng thương tâm,
Bề tôi Dự Nhượng dành việc ấy.
Sơn thân làm hủi, cạo râu mày,
Giữa đường xin ăn vợ chẳng hay,
Mình dấu dao găm, dưới cầu nấp.
Nhìn bụng kẻ thù ngon ngọt thay,
Sát khí đằng đằng không cầm được.
Ban ngày mờ tối, tuyết sương bay,
Bị bắt, tha, bắt, dạ không đổi.
Sắp chết đánh áo ba lần, trả thù này,
Khí lạ chất ngất chín tầng mây.
Từ đó cầu mang tên Dự Nhượng,
Nghĩa lớn vua tôi rõ ràng thay !
Quốc sĩ, người thường ứng xử khác.
Bề tôi hai lòng thẹn đến chết.
Nghìn xưa nghe chuyện mà ngậm ngùi,
Không phải Kinh Kha hay Nhiếp Chính,
Được người nuôi nấng nhẹ thân mình.
Cái mạnh huyết khí không đáng nói,
Trượng phu chí thép riêng ông thôi.
Đường qua Tam Tấn đầy gò bãi,
Mắt dõi bên cầu ngỡ bóng ông,
Gió Tây lạnh lẽo rét tê tái.
Ngựa đi hí vang sợ lạc lối.
Đoản kiếm ngày xưa dài bảy tấc,
Tia sáng rạng ngời rọi cổ kim.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
DỰ NHƯỢNG KIỀU CHỦY THỦ HÀNH
Tấn Dương thành ngoại thao thao thủy,
Trí Bá tất đầu vi niệu khí.
Vô nhân báo cừu thành khả bi,
Kỳ thần Dự Nhượng thân đương chí.
Tất thân vi lại dịch tu mi.
Đương đạo khuất thực, thê bất tri.
Thân hiệp chủy thủ phục kiều hạ,
Nộ thị cừu phúc cam như di.
Sát khí lẫm lẫm bất khả cận,
Bạch nhật vô quang sương tuyết phi.
Tái hoạch tái xả tâm bất di.
Lăng lăng kỳ khí thiên tiêu thượng,
Tự thử kiều danh canh Dự Nhượng.
Quần thần đại nghĩa tối phân minh,
Quốc sĩ chúng nhân các dị thượng.
« Quí sát nhân thần hoài nhị tâm. »
Thiên cổ văn chi sắc trù trướng,
Bất thị Kinh Kha, Nhiếp Chính đồ,
Cam nhân hoạn dưỡng khinh kỳ khu.
Huyết khí chi dũng bất túc đạo,
Quân độc tranh tranh thiết trượng phu.
Lộ kinh Tam Tấn giai khâu thổ,
Chú mục kiều biên như hữu đổ.
Tây phong thê thê hàn bức nhân,
Chinh mã tần tần kinh thất lộ.
Chủy thủ đương thời thất thốn trường,
Độc hữu vạn trượng quang mang cắng kim cổ.
Bài Cầu Dự Nhượng, Nguyễn Du viết : Dự Nhượng dấu mình để đâm Tương Tử. Chổ này vì thế đặt tên là cầu Dự Nhượng. Dự Nhượng bị giết rồi, nước Triệu cũng bị diệt vong. Cỏ thu bên cầu luông xơ xác. Lời bàn đúng đắn về nghĩa vua tôi đáng để muôn đời. Làm trọn đạo trời đất trong một sớm mai ; gió lạnh gay gắt trời đông nhợt nhạt. Kẻ gian hùng qua chốn nay ắt phải mất hồn.
CẦU DỰ NHƯỢNG
Dự Nhượng dấu mình đâm Tương Tử,
Nơi đó thành tên Dự Nhượng cầu.
Dự Nhượng bị giết Triệu cũng diệt,
Bên cầu phất phơ, trơ cỏ thu.
Lời bàn quân thần lưu muôn thuở,
Tín đạo đất trời một sớm chiều.
Gió lạnh căm căm vầng nhật bạc,
Gian hùng qua đó phách hồn tiêu.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
DỰ NHƯỢNG KIỀU
Dự Nhượng nặc thân thích Tương Tử,
Thử địa nhân danh Dự Nhượng Kiều.
Dự Nhượng ký sát Triệu diệc diệt,
Kiều biên thu thảo không tiêu tiêu.
Quân thần chính luận kham kim cổ,
Thiên địa toàn kibnh tận nhất triêu.
Lẫm liệt hàn phong đông nhật bạc,
Gian hùng quá thử thượng hồn tiêu.
Đi qua sông Dịch, chảy qua Duy Thành, Dịch huyện tỉnh Hà Bắc khoảng cuối tháng 9 năm Quý Dậu (1813) quê hương Kinh Kha, Nguyễn Du viết : Bóng nắng xuyên ngang mặt trời bầu trời mênh mang. Gió thổi hắt hiu nước sông Dịch lạnh. Tiếng ca khảng khái, tiếng thép rít. Vào ải Tần cầm dao nhọn. Thù sâu cả sáu nước gửi vào một tay. Khi Kinh Kha cầm địa đồ dâng lên vua Tần, vua Tần mở địa đồ Kinh Kha cầm đoản kiếm chỉa vào người vua Tần trúng vạt áo, vua Tần sợ hãi đứng dậy chạy quanh cột. Khắp trên cung điện đột nhiên kinh động. Quan tả hữu dùng tay không bắt lại. Vì phép nước các quan vào chầu vua không được cầm vũ khí vào chầu, các quan dùng tay không đánh lại Kinh Kha. Dưới thềm Tần Vũ Dương đứng đờ ra như người chết rồi. Thần dũng hiên ngang chỉ có một mình Kinh Kha. Dẫu chẳng giết được Hoàng Đế nhà Tần. Kinh Kha và Tần Vũ Dương cuối cùng bị quân hộ vệ giết chết. Tính lại xưa nay cũng không có người sánh kịp. Lạ thay vốn dấu kỷ hành tung giữa chợ Không từng có duyên nợ từ kiếp trước với thái tử Yên Đan. Liều thân chỉ vì có người biết đến mình. Luống được Điền Quang nhẹ nhàng đâm cổ chết. Điền Quang người được thầy học của Thái tử Đan là Cúc Võ tiến cử là « người trí sâu mà dũng cảm thâm trầm » để Thái tử Đan bàn mưu kế thích khách. Điền Quang tiến cử Kinh Kha. Thái tử Đan dặn Điền Quang, không tiết lộ kế hoạch dùng thích khách sau khi Kinh Kha chấp nhận đến gặp Thái tử Đan. Điền Quang tự đâm cổ chết để khích lệ Kinh Kha và tỏ rằng mình giữ chữ tín của người nghĩa hiệp, không để Thái tử ngờ mình tiết lộ sự việc. Khá thương Phàn Ô Kỳ chẳng có tội tình gì.. Phàn Ô Kỳ là tướng nhà Tần, có lỗi với Tần Vương Chính, trốn sang nước Yên, được Thái tử Đan trọng đãi. Kinh Kha muốn Tần Vương tin là Yên thật bụng, nên đến gặp Phàn Ư Kỳ, xin cái đầu của tướng quân để nộp cho vua Tần, thực hiện kế hoạch thích khách. Kỳ khẳng khái tự đâm cổ chết để Kinh Kha đem đầu sang nộp cho vua Tần. Phàn đem đầu cho mượn không hẹn kỳ trả lại. Một sớm ba liệt sĩ chết oan. Mà ngôi Thiên tử ở Hàm Dương cuối cùng vẫn còn cao ngất ngưỡng. Đất Yên nhìn khắp toàn đất bụi. Nắng thu gió thu đầy trên đường cái quan. Trong chợ không còn nghe thấy tiếng ca nữa. Sông Dịch từ ngàn xưa đến nay vẫn chảy hoài. Nơi làng cũ của Kinh Kha cây chỉ, cây gai mọc ngang, mọc dọc. Chỉ có chiếc bia tàn chưa đổ. Chớ bảo rằng mũi dao nhọn kia chẳng có ích gì. Nó mở đầu cho việc chặt cây làm giáo, làm cán cờ khởi nghĩa (của Hạng Võ và Lưu Bang)
KINH KHA CỐ LÝ
Cầu vòng ngang trời chừ mênh mang,
Sông Dịch tiêu điều gió lạnh tràn.
Tiếng ca khẳng khái, kiếm thép réo,
Kinh Kha từ đó vào Tần Quan.
Vào ải Tần chừ mang dao nhọn,
Sáu nước thù sâu một tay nặng.
Trên điện bổng dưng nổi kinh hoàng,
Tả hữu tay không, vua chạy quẩn,
Dưới thềm Vũ Dương đứng chết trân.
Thần dũng hiên ngang một mình ông.
Dẫu chẳng giết được Tần Hoàng Đế,
Tính lại xưa nay ai sánh bằng.
Lạ thay hành tung dấu giữa chợ.
Kiếp trước Yên Đan có duyên nợ,
Liều thân chỉ vì kẻ biết mình,
Huống được Điền Quang tự đâm cổ.
Khá thương Phàn Kỳ chẳng tội chi.
Đem đầu cho mượn chẳng hoàn gì.
Một sớm chết oan ba liệt sĩ.
Hàm Dương, Thiên tử vẫn uy nghi.
Đất Yên nhìn lại còn tro bụi.
Nắng thu, gió thu đường rong ruổi.
Trong chợ chẳng còn nghe tiếng ca.
Ngàn năm vẫn xuôi dòng Dịch Thủy.
Làng cũ cỏ gai mọc dọc ngang,
Chỉ còn chưa đổ chiếc bia tàn.
Bảo rằng dao nhọn chẳng có ích.
Mở buổi chặt cây cờ vùng lên.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
KINH KHA CỐ LÝ
Bạch hồng quán nhật thiên man man,
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn.
Ca thanh khẳng khái kim thanh liệt,
Kinh Kha tòng thử nhập Tần quan.
Nhập Tần quan hề, trì chủy thủ,
Lục quốc thâm cừu nhất dẫn thủ,
Điện thượng thốt nhiên nhất chấn kinh,
Tả hữu thủ bác, vương hoàn trụ.
Giai hạ Vũ Dương như tử nhân,
Thần dũng nghị nhiên duy độc quân.
Đồ đắc Điền Quang khinh nhất vẫn.
Khả liên vô cô Phàn Ô Kỳ,
Dĩ đầu tá nhân vô hoàn thì.
Nhất triêu uổng sát tam liệt sĩ,
Hàm Dương thiên tử chung nguy nguy.
Yên giao nhất vọng giai trần thổ,
Thu nhật thu phong mãn quan lộ.
Thị thượng ca thanh bất phục văn.
DịchThủy ba lưu tư kim cổ,
Cố lý chỉ cức tung phục hoàng,
Chỉ hữu tàn bi do vị khuynh.
Mạc đạo chủy thủ cánh vô tế.
Yết can trảm mộc vị tiên thanh.
Sát thân chỉ vị thụ nhân tri
Túng nhiên bất sát Tần Hoàng Đế,
Dã toán cổ kim vô tỉ luân.
Quái để hành tung nguyên thị ẩn,
Tằng dữ Yên Đan vô túc phận.
Sách Đông Châu Liệt Quốc quyển 3, tr 1214; chép chuyện Thái Tử Đan tiếp đãi thừa mứa Kinh Kha. Điều đó đã làm Nguyễn Du so sánh với Dự Nhượng, cho rằng Kinh Kha chỉ vì được sự tiếp đãi ấy mà xem nhẹ thân mình, khác với chí hướng báo thù của Dự Nhượng.
“ Thái tử Đan tôn Kinh Kha lên làm Thượng Khanh, xây một biệt thự đối diện với biệt thự Phàn Ô Kỳ, gọi là Kinh Quán để Kinh Kha ở.
Thái tử Đan ngày ngày đến thăm, cung phụng đúng mức, hiến đủ thứ ngựa xe và gái đẹp.
Một hôm Kinh Kha cùng Thái tử Đan đi chơi ở Đông Cung, thấy dưới ao có con rùa lớn nổi lên. Kinh Kha nhặt viên ngói để ném rùa, Thái tử Đan liền lấy thoi vàng đưa Kinh Kha thay viên ngói. Lại một hôm hai người cùng thi cưỡi ngựa, Thái tử Đan có con ngựa quí đi ngàn dậm. Kinh Kha bỗng nói:
-Gan ngựa ăn ngon lắm. Thái tử Đan lập tức giết ngựa lấy gan cho Kinh Kha ăn. Thái tử Đan lại giới thiệu Phàn Ô Kỳ với Kinh Kha. Và một hôm mở tiệc đãi Kinh Kha ở Hoa Dương Đài. Có cho mỹ nhân đén hầu hạ, Lại khiến gảy đàn cầm giúp vui. Kinh Kha thấy hai bàn tay của mỹ nhân trắng muốt., thoan thoát chạy trên những đường tơ. Khiến Kinh Kha buộc miệng khen:
-Thật là tay tiên. Đẹp làm sao !
Lúc tan tiệc nội thị dâng Kinh Kha một hộp ngọc. Kinh Kha mở ra xem, thì đó là hai bàn tay của mỹ nữ, mà Thái tử Đan sai chặt đem biếu Kinh Kha.
Kinh Kha than,
-Thái tử Đan đãi ta như thế ấy, dẫu chết cũng chưa trả được ơn sâu .”
Chúng ta ngày nay đọc đoạn văn ấy, chúng ta không thấy xúc động như Kinh Kha, mà nổi giận, tại sao Thái tử Đan tàn bạo đến thế. Thái tử Đan tàn bạo có kém chi Tần Thủy Hoàng. Thủy Hoàng sai bỏ con của Lao Ái và mẹ là Triệu Cơ vào bao rồi đập chết, còn có lý do. Thái tử Đan chỉ vì muốn Kinh Kha trả thù cho mình, vì một lời khen bàn tay đẹp mà giết mỹ nhân vô cớ, thật tàn bạo ? Sao Thái tử Đan không tặng Kinh Kha mỹ nữ, mà chặt tay mỹ nữ như con ngựa, con heo, thì đâu là lòng nhân ?
Ta hiểu Nguyễn Du chê bai Kinh Kha, không bằng Dự Nhượng. Dự Nhượng hy sinh thân mình báo thù cho chủ, còn Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng, muốn diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ, mà hành động vì sự kích động của Điền Quang, của Thái tử Đan. Hành động của Kinh Kha không có Trí mà chỉ vì Danh. Không có lòng Nhân mà chỉ có Bạo lực đối với Bạo lực. Cái Dũng của Kinh Kha chỉ là cái dũng của kẻ bị mồi ngon thừa mứa, cám dỗ mà hành động.
Paris 30-5-2016
PHẠM TRỌNG CHÁNH
*Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V