Nguyễn Mạnh Trinh
Có lẽ, Trần Vấn Lệ là một trong những người làm thơ có sức sáng tác sung mãn nhất trong hàng ngũ những người làm thơ . Làm thơ , tạo cho mình một sắc thái riêng đã khó, mà, làm thơ để khác với chính mình, để vượt qua chính mình lại khó hơn. Nhất là ở trường hợp Trần Vấn Lệ, đã in trên 10 tập thơ …
Đọc tất cả những tập thơ đã xuất bản của Trần Vấn Lệ, tôi thấy được nỗ lực ấy. Có nhiều sự khác biệt giữa tập đầu và tập cuối, cả về ý tưởng lẫn ngôn ngữ, cả về hình thức lẫn nội dung.
Nhưng có một điều chung mang, là, những cảm nhận từ đời sống. Có lúc, thơ là lời tâm sự. Nhưng, có khi, lại là những chất chứa nỗi niềm, những phẫn hận của một đời lưu lạc ít vui nhiều buồn. thơ Trần Vấn Lệ, có cái tha thiết của một người coi thi ca là lẽ sống. Đọc thơ ông, tôi có cảm giác thơ là cây gậy chống để sau cơn vấp ngã, gượng đứng dậy và tiếp tục đi trên những đoạn dốc nhân sinh.
Tôi thấy được nhịp thơ mạnh mẽ dài hơi của thi ca ông. Ngôn ngữ cứ liên miên bất tuyệt nối tiếp nhau, như dòng nước, cuồn cuộn chảy. thơ không phải chỉ đơn thuần gợi cảm giác, mà, có khi là những đoạn tản văn có ý hướng muốn kể chuyện hoặc mô tả sự kiện. Với những câu bảy chữ hoặc tám chữ, ngôn ngữ đã được chọn lọc và xếp đặt để có một âm điệu rất gần với nhạc điệu và có thể chuyên chở được ý tưởng. Có lần, nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc bài thơ "Đi Chùa Hương” của Trần Vấn Lệ, anh đã thú thực với tôi là hoàn tất công việc rất nhanh vì anh đọc từng câu thơ mà nốt nhạc hiện ra ngay trong đầu bởi âm điệu của thơ và nhạc như là một.
Với tôi, đọc thơ anh, tôi thấy được sự tha thiết trong ngôn ngữ. Có thể đó, là những lời chân tình đối thoại với người hay độc thoại cho mình.
Nổi niềm, chất chứa từ cuộc sống, của những kỷ niệm luôn cất giữ nâng niu, và của cả một khung trời quá khứ lúc nào cũng canh cánh trong tâm.
Trần Vấn Lệ nặng lòng với kỷ niệm và với những nơi chốn, những thành phố đã ở, là những nỗi nhớ cứ mãi dằn vặt trong tâm. Nhất là với Đà lạt, thành phố sương mù:
“Qua một cơn dâu biển, chúng ta còn lại gì? Những bài thơ lưu luyến? Những tàn phai chia ly?
Nhìn các em ngồi đó, một góc sân trường xưa, thương qua thời nắng gió, nhớ quá chiều nắng mưa..
Đà Lạt, các em ở. Đà Lạt thầy bỏ đi. Các em thì vẫn nhỏ như vầng trăng núi kia
Thầy thì như sương khói loang thoáng cuối chân mây, ngang chân mây đồng nội, cỏ úa tàn hương bay..
Qua một cơn dâu biển, mờ mờ biển với dâu, nếu có gì ẩn hiện chẳng là gì của nhau!
Cuối câu thơ phải chấm một dấu than nghẹn ngào, là em ơi buồn lắm, bây giờ và muôn sau
Những bài thơ lưu luyến, đọc chơi rồi quên thôi. Chúng ta về sông biển không đâu là một nơi
Đà Lạt các em ở, xanh biếc nhé bầu trời ngước lên nhìn nỗi nhớ Thầy là áng mây trôi
Những con đường thăm thẳm xé rách từng trang thơ . Những tình sâu nghĩa nặng lắng xuống giùm giọt mưa!”
Những bài thơ như thế rất nhiều trong thơ Trần Vấn Lệ. Có thể là những câu ngũ ngôn không xuống hàng, hay bảy chữ tám chữ một câu dài liên tiếp như một đoạn thơ , cái âm điệu ấy cứ nối tiếp nhau, tao một cảm giác rung động, trầm buồn nhưng không đơn điệu. Có điều, nếu đọc nhiều bài, có sự trùng ý hoặc trùng lời. Điều đó cũng khó tránh, với một người làm thơ nhiều và có vẻ dễ dàng như tác giả “Con trao trảo bờ ao bay đi buồn lẳng lặng” hay ”Chữ gì mang không nổi chữ gì gió thổi không bay”...
Như một cách thế sống, làm thơ . Cuộc đời và thơ Trần Vấn Lệ hình như quấn quít bên nhau không một giây phút chia lìa:
“ Tôi xem chữ nghĩa như con cái: có đứa buồn hiu có đứa vui, quanh quẩn bên tôi chiều với sớm, líu lo như thể lũ chân trời
Tôi xem chữ nghĩa như cơm cháo, khi đói thì ăn no để dành, dư ném cho chim nhìn chúng hót thấy đời hẹp bớt chút mông mênh
Tôi xem chữ nghĩa như bè bạn, kết thả trôi sông chở cả trời nếu có lúc bơi giòng nước ngược, buồn buồn nhớ lại lúc miền xuôi
Tôi xem chữ nghĩa như chăn gối, khi lạnh thì ôm, nóng bỏ ra, nhưng chẳng lúc nào không ở cạnh, trăm năm thương mãi chữ Chan Hòa!
Chữ nghĩa và tôi nặng cái tình, như là khi thấy lệ long lanh giọt sương trên lá khi chiều xuống, nhớ quá Quê Hương khóc đoạn đành
Chữ nghĩa theo tôi thời ấu thơ , chữ a, chữ ă, chữ o, ô.. Chữ nào cũng ngộ như ông Phật đưa một bàn tay chỉ học trò.
Chữ nghĩa và tôi đến xứ người, ngậm ngùi tan nát giống như tôi.. sót vài ba chữ ngồi hiên quán gặp bạn nâng ly một tiếng cười
Chữ nghĩa và Tôi sẽ xuống mồ mai này cỏ mọc sắc xanh lơ ai đi ngang để cành hoa xuống là cũng cho đời một chút thơ .”
Đọc xong những tập thơ , tôi cứ ngờ ngợ về cái phân định giữa thơ và tản văn. Có biên giới hay không trong thơ Trần Vấn Lệ. Tôi tự hỏi? Những câu năm chữ, bảy chữ, hoặc tám chữ nối liền nhau không xuống hàng với những câu thơ mỗi hàng mỗi câu có gì khác nhau. Có làm thay đổi được ngữ nghĩa cũng như vần điệu không?...
Nhưng, hỏi hay không thì tôi cũng cảm được cái tha thiết của người thi sĩ. Lúc nào buồn, tôi giở những trang thơ đọc. Và sẽ thấy bao la biết bao biển trời chữ nghĩa. thơ sẽ muôn đời ở cạnh bên ta, chứ không phải khi vui nó đậu khi buồn nó bay
…
Nguyễn Mạnh Trinh
|