Jan 10, 2025

Biên khảo

Nguyễn Du đi thăm các di tích thời Tam Quốc
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 09:03:42 AM, Apr 29, 2016 * Số lần xem: 1376
Hình ảnh
#1

NGUYỄN DU THĂM DI TÍCH  THỜI TAM  QUỐC

 (HỨA ĐÔ, ĐÀI ĐỒNG TƯỚC, MỘ  CHU DU, MIẾU  KHỔNG MINH, XÍCH BÍCH  Phụ lục thơ  PHAN HUY ÍCH, ĐOÀN NGUYỄN TUẤN,  NGÔ THỜI NHẬM, TÀO THỰC, TÔ ĐÔNG PHA)

TS PHẠM  TRỌNG  CHÁNH

NGUYỄN  DU  ĐẾN  HỨA ĐÔ VIẾT VỀ TÀO THÁO

                Nguyễn Du  trên đường đi sứ năm Quý Dậu (1813)  từ 9-8 từ Hán Khẩu đến tỉnh Hà Nam, ngày 22-8 ra khỏi địa phận An Dương tỉnh Hà Nam. Trong khoảng thời gian này  sứ đoàn đã đi qua Hứa Đô, phía đông huyện Hứa Xương, tỉnh Hà Nam. Năm Kiến An nguyên niên tức năm 196, do Lạc Dương bị  loạn đốt phá điêu tàn, Tào Tháo dời kinh đô nhà Hán từ Lạc Dương đến Hứa Đô. Cảm xúc trước chuyện xưa thời Tam Quốc, Nguyễn Du viết bài Cựu Hứa Đô.

                Nhà Hán (203TCN-220) do Lưu Bang, Hán Cao Tổ, sau khi đánh bại nhà Tần và tiêu diệt Sở Bá Vương Hạng Vũ. Nhà Hán là triều đại, lâu dài nhất trong lịch sử Trung Quốc hơn 400 năm, khiến cho dân Trung Quốc tự nhận mình là dân tộc Hán, chữ viết là Hán tự. Dưới triều đại nhà Hán, Trung Quốc chuyển biến từ chế độ phong kiến, phong đất cho các công thần làm chư hầu (như Tây Phương đương thời)  sang một chế độ  Quân chủ Trung ương Tập quyền, các quan lại được tuyển chọn bằng khoa thi Hiếu Liêm, Mậu Tài, các môn : thơ, phú, chế, biểu, văn sách, ứng đối..  lấy Nhân Trị :  Nho học sách Tứ thư, Ngũ Kinh.. làm nền tảng tư tưởng  trị nước . Triều đình  bổ nhiệm quan chức, từ triều đình  đến các  châu, huyện, tỉnh . Lưu Bang lúc đầu chỉ biết dùng mưu sĩ và khinh bỉ  Nho sĩ. Sau khi thắng Hạng Vũ, ông từng có thái độ vô học : giật chiếc mũ của một Nho sĩ và đái lên trên và tuyên bố : Ta cầm gươm ngồi lưng ngựa mà được cả thiên hạ, ta há cần đến bọn Nho sĩ. Mưu sĩ Trần Bình đã tâu : Bệ hạ ngồi trên lưng ngựa mà được cả thiên hạ, nhưng bệ hạ có thể ngồi trên lưng ngựa mà trị nước được sao ? Hán Cao Tổ tỉnh ngộ, hối lỗi trọng dụng Nho sĩ. Sau khi diệt các công thần, bãi bỏ dần chế độ phong kiến : phong đất, phong vương cho các quan võ. Triều nhà Hán đã cho tổ chức thi cử các khoa Hiếu Liêm và Mậu Tài, triều đình trực tiếp tuyển lựa quan văn để trị nước . Đổng Trọng Thư, Chu Hy là Nho gia được trọng dụng đời Hán đã phát huy tinh túy của Nho Giáo.  Chế độ Trung ương tập quyền này không thể gọi là phong kiến như Tây Phương, mà chỉ có thể gọi là chế độ Quân chủ.  Nhà Tây Hán (202 TCN-9) kinh đô ở Trường An, sau loạn Vương Mãng (10-22), Hoàng thân Lưu Tú  khôi phục, lên ngôi Hán Quang Vũ Đế lại lập ra nhà Đông Hán (23-220) kinh đô ở Lạc Dương rồi từ năm 196 dời về  Hứa Đô.

                Những năm cuối của triều đại 198-280. Triều đình suy yếu, Trung Quốc rơi vào cảnh loạn lạc. Vua tin dùng bọn hoạn quan, khinh rẽ hiền tài, đắm mê tửu sắc, bỏ quên chính sự, triều đình đổ nát, cuộc sống nhân dân lầm than, giặc giả nổi lên khắp nơi. Loạn Khăn Vàng của anh em Trương Giác với mấy vạn quân. Nhiều anh hùng hào kiệt xuất hiện : Ba anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Quan Thừa ở Hạ Phi là Tôn Kiên. Quan Kỵ Đô úy Tào Tháo. Họ giúp triều đình dẹp được loạn. Nhưng nhà vua vẫn tiếp tục con đường cũ, hoạn quan lộng hành. Thứ Sử Tây Lương là Đổng Trác truất vua, lập vua mới, rồi tự phong là Tướng Quốc. Đổng Trác lộng quyền, các quan các nơi phẩn nộ, Kỳ Hương hầu Viên Thiệu hội quân các nơi về đánh, quân đội  tan rả chia thành nhiều mảnh. Viên Thiệu chết, cuộc tranh quyền lực này đi đến thế Tam Quốc chia ba Trung Quốc  : Lưu Bị đất Thục. Tào Tháo nhà Ngụy. Tôn Quyền nhà Ngô.

                Thành Hứa Châu nơi vua nhà Hán đóng đô. Họ Tào cướp cơ đồ nhà Hán ở chốn này. Tào Phi (187—226) bắt vua Hiến Đế nhường ngôi cho mình năm 220, năm thứ 25 đời Kiến An, đổi quốc hiệu  là Ngụy. Nền đài nơi nhận ngôi vua không còn thấy nữa. Chỉ thấy đêm đêm gió mưa réo gào. Từ cổ xưa đến nay được nước đều lấy chính nghĩa. Sao lại lừa vợ góa dối con côi của người ta ? Ý nói  Hoàng Hậu  vợ của vua Linh Đế và vua Hiến Đế là con Linh Đế. Ngụy nhận ngôi của Hán nhường. Tấn lại nhận ngôi của Ngụy nhường . Họ Tào. Tào Tuấn, Ngụy Minh Đế làm vua 13 năm hoang dâm xa xỉ, chết sớm, con Tào Phương còn nhỏ tuổi. Quyền chính trong tay Tào Sảng  và Tư Mã Ý.  Tư Mã Ý đảo chính nắm trọn quyền, đời con Tư Mã Viêm, bắt vua Ngụy nhường ngôi, lập nên nhà Tấn. Trước sau đều đi theo một con đường ấy. Nhà Ngụy mất, nhà Tấn nối đổi thay triều đại, từ ấy đến nay đã mấy ngàn năm rồi ? Trong khoảng thời gian ấy biết bao kẻ dấy lên rồi sụp đổ, mà toà thành cao ngất vẫn chưa từng thay đổi. Ngoài thành núi vẫn xanh như ngày xưa. Lũ gian hùng cướp ngôi có kẻ nào còn đâu ? Tôn miếu nhà Hán đã không còn dấu vết, vườn, lăng nhà Ngụy cũng đổ nát tan tành. Một miếng đất rộng ở trong thành. Giữa trưa người đến họp chợ chen nhau mua bán. Duy có cái việc năm thứ hai mươi lăm đời Kiến An. Thành bia miệng để đời không bao giờ mất. Khiến ta(Nguyễn Du) từ xa đến suy nghĩ hoài. Lưu tiếng thơm, để tiếng thối xưa nay đều có cả. Toà thành cao ngất nổi tiếng đứng giữ đường cái quan. Bọn gian hùng đến đây, ắt phải thấy ớn lạnh trong lòng.

THÀNH  HỨA  ĐÔ CŨ

Thành Hứa Châu kinh đô nhà Hán,

Họ Tào tranh ngôi  Hán  ở đây.

Nền đài nơi nhận trao ngôi,

Thấy ngày đêm gió mưa bay  thét gào.

Từ cổ được nước từ chính nghĩa,

Sao lại lừa vợ góa con côi ?

Trước sau đều một đường thôi,

Ngụy soán  ngôi  Hán, Tấn  ngôi  Ngụy nhường.

Ngụy mất, Tấn đổi thay triều đại,

Từ đến nay đã trải ngàn năm,

Dấy lên sụp đổ bao lần,

Tòa  thành cao ngất  vẫn còn trơ trơ.

Ở thành ngoài, núi  xanh xanh mãi,

Gian hùng xưa,  ngôi  cũ có còn ?

Miếu đường nhà Hán nát tan,

Vườn lăng nhà Ngụy,  cũng hoang phế  rồi !

Một miếng đất  trong nơi  thành rộng,

Còn chợ trưa  người đến họp chen.

Năm hai lăm đời Kiến An,

Thành bia miệng để tiếng vang muôn đời.

Ta từ xa  đến hoài suy nghĩ,

Lưu hương thơm, tiếng thối  xưa  nay !

Tòa  thành cao ngất  còn đây,

Gian hùng  qua đó  sởn gai  lạnh mình.

Thơ Nguyẽn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

CỰU  HỨA  ĐÔ

Hứa  Châu thành, Hán  đế  đô.

Tào thị  vu thử  di Hán đồ.

Thụ thiện đài  cơ dĩ  bất kiến,

Phong vũ  dạ dạ  do hào hô.

Tự cổ  đắc quốc  đương dĩ chính,

Nại hà vụ  quả nhi  khi cô !

Ngụy  thụ Hán thiện, Tấn thụ Ngụy,

Tiền hậu sở xuất như  nhất đồ.

Ngụy vong, Tấn tục canh triều đại.

Tự thử hất  kim kỷ thiên tải.

Kỳ trung hưng phế  tri kỷ nhân,

Nga nga thành  điệp hà tằng cải.

Thành ngoại  thanh sơn tự cựu thì,

Gian hùng  soán thiết  nhân hà tại ?

Hán nhân  tông miếu dĩ vô tung,

Ngụy nhân  viên lăng  diệc đồi bại.

Đãng đãng  thành trung  nhất  phiến thổ,

Đình ngọ  thị  nhân  xu mại mãi.

Duy hữu Kiến An  nhị thập ngũ niên sự,

Nhân khẩu thành bi  chung bất hoại.

Viễn lai sử ngã đa trầm ngâm,

Di xú  lưu phương giai cổ câm (kim)

Đột ngột danh thành  đương đại đạo,

Cự gian đáo thử  ưng  hàn tâm.

                Tào Tháo (1355-220) tự Mạnh Đức, sinh huyện Tiêu, nước Bái, ông là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán. Ông đặt cơ sở cho thế lực quân sự miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy  thời Tam Quốc.

                Gần 2000 năm qua Tào Tháo là một chủ đề gây tranh cải nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc. Do ảnh hưởng của La Quán Trung tác giả Tam Quốc Chí. Tào Tháo trở thành một nhân vật phản diện, một nghịch thần thao túng quyền lực nhà Hán, một tay gian hùng, Tào Tháo là biểu tượng sự dối trá vô liêm sĩ.  Các thi hào Nguyễn Du, Phan Huy Ích  cũng không thoát khỏi ảnh hưởng ấy.

                Trường phái bênh vực Tào Tháo nhìn nhận: Tào Tháo có công dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại Lữ Bố, Viên Thiệu, nhưng thất bại khi xuống phía Nam gặp sự kháng cự của liên minh Tôn – Lưu chấm dứt khả năng thống nhất đất nước Trung Quốc khi ông còn sống. Hành động “Phụng thiên tử để lệnh chư hầu “ của ông khai sáng ra một tiền lệ mới cho những đế vương khai quốc đời sau học theo, điển hình thành công là Đường Cao Tổ Lý Uyên. Ở nước ta vua Lê Thái Tổ, Lê Lợi cũng đã từng mượn danh Trần Cảo con cháu nhà Trần để lập nên một triều đại mới, khi chưa đủ uy tín quần chúng. Được làm vua, thua làm giặc.  Vương triều Tào Ngụy, lúc ông còn sống, vì chưa thành công hoàn toàn đại nghiệp thống nhất nên dưới mắt nho giáo truyền thống Tào Tháo chỉ là một gian tặc, phản nghịch.

                Triều Hán cuối đời Đông Hán đã mục nát, vua không còn ra vua, nghe lời bọn hoạn quan, chơi bời trác táng, xua đuổi người hiền tài, dân chúng đói kém, mất mùa, hạn hán,  giặc giả nổi lên khắp nơi, triều đình không đủ sức đánh dẹp, nếu không có Tào Tháo thì đất nước Trung Quốc cũng rơi vào tay loạn Khăn Vàng, hay vào tay các gian thần như Đổng Trác. Chính thời loạn lạc đã xuất hiện nên Tào Tháo. Hứa Thiệu danh sĩ nhà bình luận danh tiếng đương thời đã đánh giá khi Tào Tháo hỏi ông đánh giá mình như thế nào : ông thẳng thừng viết sẽ là  “Năng thần (quan giỏi)  thời trị, và gian hùng thời loạn.

                Tào Tháo là người thông minh, ham đọc sách, nhất là sách binh thư, có quyền biến hơn người, nhiều mưu mẹo. Di Đồng Tạp ngữ chép: “Tào Tháo tài võ giỏi hơn người khó có thể làm hại, tinh thông sử sách, lại giỏi binh pháp. Bộ Binh Pháp Tôn Tử được lưu truyền đến nay đều là chú giải của Tào Tháo. Tào Tháo có viết binh thư nhưng thất truyền”. Huyền Kiều quan Thái Úy đương thời đã nói với Tào Tháo: “Thiên hạ tất loạn, không có tài cái thế thì không trị được, người dẹp an được thiên hạ tất là ông vậy. “

                Tào Tháo năm 20 tuổi đã đỗ Hiếu Liêm. Được quan Kinh Triệu Doãn tà Tư Mã Phòng (Cha Tư Mã Ý) tiến cử chức Bắc Bộ Úy, coi giữ phía bắc kinh thành Lạc Dương, ông đã nổi tiếng là người nghiêm túc. Sau khi đến nhiệm sở, ông cho đặt roi ngũ sắc trước công đường, hể ai phạm tội đều trừng trị thẳng tay. Chú của đại thần Kiến Thạc, là Kiến Thúc phạm tội vác dáo đi đêm. Ông sai bắt vào phủ đánh roi thẳng thừng, không nể vì. Gia thế Tào Tháo rất lớn nên vụ này ông không bị rắc rối, tiếng tăm ông vang dội từ đó.

                Tào Tháo giữ chức tướng quốc Tế Nam, ông liên tiếp đứng ra tố cáo và trừng trị quan lại phạm pháp, và phá 600 miếu thờ triều đình không cho phép thờ cúng.

                Năm 184 khởi nghĩa Khăn Vàng của Trương Giác. Tào Tháo dẹp loạn thành công được vua Hán Linh Đế phong làm Điển Quân Hiệu Úy.

                 Tào Tháo tổ chức đồn đìền dân sự và quân sự. Chiêu dụ những nông dân lang thang, tập trung lại xây dựng đồn điền. Họ được cấp nông cụ, hạt giống, để tự canh tác, rồi dựa vào số thu hoạch để thu tô. Nhờ áp dụng chính sách này mà những nơi ông cai trị có đủ lương thực để dùng. Ông cử Nhâm Tuấn làm Điền Nông trung lang tướng, chủ quản việc chấn hưng nông nghiệp và Cức Đê làm Đồn Điền đô uý. Đồn điền trở thành quốc sách họ Tào. Quốc sách này trở thành mẫu mực được áp dụng tại Đông Á các đời sau.

                Tào Tháo còn là một nhà thơ xuất sắc: ông và hai con trai là Tào Phi và Tào Thực, đời sau gọi là Tam Tài, cùng nhóm Kiến An thất tử và cùng Thái Diễm hình thành trào lưu mới văn học thời Hán Mạt gọi là Kiến An phong cốt.

                Tào Tháo đã để lại một điển tích văn học tuyệt đẹp là đem ngàn vàng, ngọc chuộc nàng Thái Diễm bị lưu lạc bán sang đất Hồ. Nàng Thái Diễm (177- ?) hay Sái Diễm tự Chiêu Cơ, Văn Cơ có tài văn thơ, đánh đàn, thổi kèn. Cha bà là Tháu Ung (132-192) một nhà văn nhà sử học, danh tiếng làm quan thời Đông Hán. Bị quân Đổng Trác bắt, lưu lạc sang đất Hồ ở 12 năm, lấy người  Hồ  có hai con. Tào Tháo là bạn thân Thái Ung thương xót tài dùng ngàn vàng chuộc nàng về, nhưng hai con bị bắt ở lại. Thái Diễm để lại tác phẩm Bi phẩn thi và Hồ Già thập bát phách. Bài thơ tự sự nổi tiếng nhất tả cảnh nàng bị bắt đi, lưu lạc xứ Hồ và cảnh chia tay hai con trở về. Ngàn vàng âu cũng nên mua lấy tài (Kiều). Ai chuộc tiếng kèn về Hán khuyết. Lòng ta luống thẹn biệt  Hồ môn (Hồ Xuân Hương – Lưu Hương Ký, Họa thơ Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh) là từ điển tích này.

                 Phan Huy Ích  Chánh Sứ sứ đoàn Tây Sơn năm 1790 cũng có ghé qua thành Hứa Châu. Ông viết bài thơ Nghỉ ở thành Hứa Châu nhớ lại sự tích Tào Man, chép trong Tinh Sà Kỷ Hành. Thơ Văn Phan Huy Ích, Dụ Am Ngâm Lục tập III.. Nxb KHXH. Hà Nội 1978. Tr 127.

                Di tích Hứa Đô mờ mịt không nghe thấy gì. Đương thời dựa vào cố quân Hán Hiến Đế để dòm ngó vạc báu. Tào Tháo dựa vào hư danh của Thiên tử để ra mệnh lệnh cho các quan triều đình. Thay thế ngôi vua ngầm truyền lại cho con mình,  thế tử Tào Phi. Sau khi Tào Tháo chết, Tào Phi lên thay và đoạt ngôi nhà Hán rồi xưng đế hiệu : Ngụy Văn Đế. Chức để mộ phần vờ mượn tiếng tướng quân nhà Hán. Theo sử, Tào Tháo vẫn tự xưng mình là tướng nhà Hán, hàm chức và phần mộ Tào Tháo vẫn đề Hán Tướng quân. Thuật ma quỉ của gian hùng làm ô uế sử xanh. Dáng mùa thu của lư tỉnh chiếu lên mây biếc. Câu này có ý sau khi Tào Tháo chết đất Hứa Châu vẫn đẹp. Lư tỉnh theo cổ chế về phép tỉnh điền, chia nhà cửa, ruộng đất theo hình chữ tỉnh. Cứ tám gia đình là một tỉnh, những nhà cửa trong khu vực ấy gọi là lư tỉnh. Ngày nay tại các thành phố cổ Trung Quốc vẫn còn những Hutong, du khách thường được thăm viếng tám gia đình ở đối mặt nhau chung quanh một khoảng sân rộng, ruộng đất chung quanh. Đồng Tước, ngôi đài do Tào Tháo xây dựng ở phía Tây huyện Lâm Chương đã mai một. Nào ai hỏi nghi phần Tào Tháo trên cao nguyên hoang vắng. Tào Tháo cho xây 72 ngôi mộ giả, để đời sau khó phát hiện nấm mộ nào chôn hài cốt mình, vì thế mà gọi là nghi phần (mả ngờ, hay mả gió).

NGHỈ Ở THÀNH HỨA CHÂU NHỚ LẠI SỰ TÍCH TÀO MAN

Di tích Hứa Đô thảy mịt mờ,

Dựa hơi Thiên tử ngó ngôi vua.

Ngôi Tào Thế tử ngầm truyền lại,

Tướng Hán mộ phần mượn chức vờ.

Thuật quỷ gian hùng ô uế sử,

Dáng thu lư tỉnh chiếu mây xưa.

Đồng Tước chốn xưa nhòa dấu vết,

Mộ phần ai hỏi cõi hoang sơ ?

Thơ Phan Huy Ích, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

TÚC HỨA CHÂU THÀNH TRUY ỨC TÀO MAN CỐ SỰ

Hứa đô di tích mịch vô văn,

Khuy đỉnh đương sơ hiệp cố quân.

Thiện đại ám di Tào thế tử,

Mộ hàm hư thác Hán tướng quân.

Gian hùng quỉ thật ô thanh giản,

Lư tỉnh thu dung chiếu bích vân.

Đồng Tước cựu du nhân một tận,

Hoang nguyên thùy phục phỏng nghi phần.

NGUYỄN DU THĂM ĐỒNG TƯỚC ĐÀI

                Nguyễn Du đến thành Nghiệp, bên bờ sông Chương, tức Chương Giang thủy, sông chảy từ tỉnh Hà Bắc  ngang tỉnh Sơn Tây và tỉnh Phúc Kiến. Ở đoạn sông chảy qua huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc tại Nghiệp Quân, Tào Tháo cho xây đài Đồng Tước, và cũng nơi này Tào Tháo cho xây 72 ngôi mộ giả để đánh lừa kẻ thù phá mộ và  trộm đào mộ. Nguyễn Du qua nơi này  cũng trong khoảng tháng 8 năm Quý Dậu (1813). Khi đào đất xây móng  người ta có tìm ra một con chim sẻ bằng đồng, cho nên đặt tên lầu là Đồng Tước Đài.

                Anh hùng một thuở giờ nơi đâu ? Người sau đi qua rồi, người nay lại tới. Chẳng thấy Ngụy Vũ Đế trong thành Nghiệp. Ngụy Vũ Đế tức Tào Tháo (155-220) tự là Minh Đức, người đất Tiểu, nước Bái (nay là huyện Hào tỉnh An Huy) Táo Tháo  làm đến Thừa Tướng, phong Ngụy Vương. Sau khi Tào Tháo chết con là Tào Phi, phế bỏ nhà Hán, lên làm vua truy tôn Tào Tháo là Ngụy Vũ Đế. Chỉ thấy Đài Đồng Tước ở bên sông. Nền đài tuy còn nhưng đã nghiêng lỡ. Gió lạnh réo gào giận  dữ, cỏ thu tàn úa. Hai lầu Ngọc Long và Kim Phụng đều mịt mờ dấu vết. Hai to lầu hai bên có cầu thông với đài Đồng Tước. Huống chi là những ca nhi, vũ nữ ở trong đài. Người ấy (Tào Tháo) lúc thịnh ai mà dám chống lại ? Tào Tháo xem thường nhà vua và lấn lướt các  vương hầu. Chỉ hận mấy tầng đài xây cao sừng sững. Mà nàng Tiểu Kiều đến già vẫn là vợ của Chu Lang. Tiểu Kiều là vợ Chu Du, Đô đốc thống lĩnh quân Ngô. Khổng Minh khích Chu Du đánh Tào Tháo, xuyên tạc bài phú của Tào Thực con Tào Tháo, đọc cho Chu Du nghe, ý nói là Tào Tháo xây đài Đồng Tước để bắt hai chị em Đại Kiều (vợ Tôn Sách) và Tiểu Kiều (vợ Chu Du) đem về nhốt ở đài này . Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều (Kiều- Nguyễn Du).  Chu Du nổi giận quyết đánh Tào Tháo, diệt  tám mươi vạn quân Tào ở trận Xích Bích. Một mai hạn lớn xảy đến. Dâng thức ăn tấu ca nhạc chỉ làm vui lòng hồn ma. Chia hương bán giày, khổ tâm dặn dò cặn kẽ. Tào Tháo lúc sắp chết dặn dò các tỳ thiếp, hằng ngày phải cúng Tào Tháo bằng các món ăn mà Tháo thích lúc còn sống và có các vũ nữ múa hát để hầu trong bữa  cúng để làm vui cho y. Tào Tháo lại chia  các thứ phấn sáp,  giày thêu, khăn lụa cho các tỳ thiếp để họ bán lấy tiền khi túng thiếu. Bậc trượng phu lỗi lạc sao như thế ? Kẻ gian hùng riêng có mưu thâm khác trong lòng. Chẳng phải kêu thương ủy mị như tính khí đàn bà ? (Câu này Nguyễn Du ngược lại với câu Thiên hạ hà nhân khóc tố như, nếu hiểu Tố Như là Nguyễn Du). Nhưng dù muôn khéo nghìn khôn cũng trở thành hư không hết. Từ ngàn xưa đau lòng nước sông Chương. Ta nghĩ người xưa, xót nỗi mình. Bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, thương kiếp phù sinh. Anh hùng đến như thế mà như thế. Huống nữa là những kẻ chỉ có chút công mọn và cái hư danh mỏng manh.  Nghiệp lớn ở đời nếu còn mãi được. Thì toà đài cao ở khoảng đất này chắc chưa bị đổ !

 

ĐỒNG  TƯỚC  ĐÀI

Anh  hùng  một  thuở  còn đâu nhỉ ?

Người  trước  qua  rồi đến  người  nay.

Chẳng  thấy Thành  Nghiệp,  Ngụy    Đế,

Chỉ  thấy  bên  sông,  Đồng  Tước  Đài.

Nền  đài  còn  đó  đài nghiêng  lỡ,

Gió lạnh  gào, thu  cỏ  úa  tà.

Ngọc  Long, Kim  Phụng  mờ mịt  đổ,

Còn  nói  làm chi, gái  múa  ca !

Người  ấy  thịnh  thời  ai  dám  chống,

Xem  thường  Hoàng  đế, lẫn  Vương  tôn.

Hận  mấy  tầng  đài  cao  ngất  bóng,

Tiểu  Kiều  già  vẫn  vợ  Chu  Lang.

Một  buổi  vận  cùng  tai  hạn đến,

Dâng  cơm  tấu  nhạc  vui  hồn  ma.

Chia hương, bán giầy  khổ  tâm dặn,

Trượng phu  lỗi  lạc  ra  thế  a ?

Gian hùng  riêng    mưu  khuynh  đảo,

Chẳng  phải  khóc  than như  nữ  nhi.

Muôn  khéo  nghìn  khôn  thành  mộng  ảo,

Sông  Chương  nghìn  thuở  gửi  sầu  bi.

Ta  nghĩ  người  xưa  xót  nỗi  mình,

Bồi  hồi  cúi  ngẩng, kiếp  phù  sinh,

Anh  hùng  đến  thế    như  thế !

Huống  kẻ  công  danh  quá  mỏng manh.

Trên  đời  nghiệp  lớn  đâu  bền  mãi,

Đài  đây  đâu  phải  đổ  tan  tành.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ĐỒNG  TƯỚC  ĐÀI

Nhất  thế  chi hùng, an  tại tai ?

Cổ  nhân  khứ  hề  kim  nhật  lai.

Bất kiến  Nghiệp  trung  Ngụy   Đế,

Đãn kiến  giang  biên  Đồng Tước  Đài.

Đài    tuy  tại dĩ  khuynh  dĩ,

Âm  phong  nộ  hào  thu  thảo  mĩ,

Ngọc  Long, Kim  Phụng  tận  mang  mang.

  huống  đài  trung  ca    kỹ .

 nhân  thịnh  thời, thùy  cảm  đương ?

Diểu  thị  hoàng  đế, lăng  hầu  vương,

Chỉ  hận tằng  đài  không  luật  ngột,

Tiều  Kiều  chung  lão giá  Chu  Lang.

Nhất  triêu  đại  hạn  hữu thì  chí,

Thượng  thực  tấu ca  đồ  duyệt  quỷ.

Phân  hương mại  lý khổ  đinh  ninh,

Lạc  lạc  trượng  phu    nhĩ  nhĩ ?

Gian  hùng  biệt  tự  hữu    tâm,

Bất  thị  minh  ai, nhi  nữ  khí,

Thiên    vạn  xảo  tận  thành  không,

Chung  cổ  thương  tâm  Chương  Giang  thủy.

Ngã  tư cổ  nhân  thương  ngã  tình,

Bồi  hồi  phủ  ngưỡng  bi  phù  sinh.

Như  thử  anh  hùng  thả  như  thử,

Huống  hồ  thốn  công dữ  bạc  danh.

Nhân  gian  huân  nghiệp  nhược  trường  tại,

Thử  địa  cao  đài  ưng  vị  khuynh

                 Sau khi xây xong  Đồng Tước Đài,  Tào Tháo ra lệnh các con làm thơ phú ca tụng vẻ đẹp thắng tích. Tào Thực (192-232)  con thứ ba của Tào Tháo, em của Tào Phi lúc đó mới 10 tuổi đã viết một bài phú tuyệt tác khiến cho Tào Tháo  vui mừng và kinh ngạc. Tào Phi bắt đầu ganh tỵ với em từ đó.  Bài thơ lưu truyền, Khổng Minh lấy câu thơ Liên nhị kiều đông tây hề. Nhược trường không chi đế đồng (hai chiếc cầu nối Đông Tây, nối hai đài Ngọc Long và Kim Phụng) đổi thành:  Lãm Nhị Kiều ư Đông Tây hề. Lạc triêu tịch chi dữ cộng.  Bắt hai nàng Kiều, Đại Kiều vợ của Tôn Sách và Tiểu Kiều vợ Chu Du khi đánh bại Đông Ngô  về giam trong Đài Đồng Tước.. Khổng Minh bảo với Chu Du: Tào Tháo lập Đài Đồng Tước mục đích khi thắng trận sẽ bắt hai người vợ của Tôn Sách và Chu Du về giam nơi này. Chu Du tức giận nhất quyết đánh Tào Tháo trận Xích Bích, Khổng Minh giúp Chu Du dùng hỏa công đốt cháy 80 vạn quân và toàn bộ chiến thuyền Tào Tháo đóng tại Xích Bích trên sông Trường Giang.

                Bài Đồng Tước Đài trở thành một áng văn giai thoại  lịch sử liên hệ đến trận đánh danh tiếng Trung Quốc. Tô Đông Pha đã viết hai bài phú danh tiếng: Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích. Nhiều  sứ thần Việt Nam đi qua nơi này có thơ vịnh cảnh Xích Bích.

                Tào Thực tự Tử Kiến, còn gọi Trần Tư Vương, một nhà thơ danh tiếng trong Văn nhân Trung Quốc thời Kiến An.. Ba cha con Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực làm lãnh tụ trên thi đàn: Tháo có giọng trầm hùng, Phi thì sầu nhã. Thực đa tài hơn cả, thơ vừa diễm lệ, lâm ly, cao kỳ.   Tạ Linh Vận (385-433) đời Đông Tấn ca ngợi “Văn chương trong thiên hạ có cả thảy một thạch (10 đấu), riêng Tử Kiến (Tào Thực) chiếm hết  tám.”

                Tào Thực thương một người con gái đẹp tên Chân Thị, vốn là dâu Viên Thiệu, bắt được trong trận đánh Viên Thiệu,  nhưng Tào Tháo lại cưới cho Tào Phi. Tào Thực nằm mộng thấy gặp lại Chân Thị bên bờ sông Lạc Thy nàng tặng cho chiếc áo gối, khi thức giấc Tào Thực viết Cảm Chân phú tả thiên tình sử cuả mình.

                Năm 220 Tào Tháo mất, Tào Phi kế thừa địa vị cha, ép vua Hán Hiến Đế (189-220) nhường ngôi, và tự xưng Hoàng đế nhà Ngụy. Tào Phi và con là Tào Tuấn (205-239) kiếm đủ cách bức hại Tào Thực. Một lần giữa triều Tào Phi buộc tội Tào Thực, ép phải làm bài thơ về anh em, nhưng không được nói hai tiếng anh em, phải làm trong bảy bước nếu không bị chém đầu:

Tào Thực vừa rơi nước mắt vừa đọc:

Chữ đậu nhiên đậu cơ

Đậu tại phù trung khấp.

Bổn thị đồng càn sinh,

Tương tiễn hà thái cấp.

dịch:

Nấu đậu bằng dây đậu,

Đậu ở trong nồi khóc,

Rằng cùng một gốc sinh,

Đốt nhau sao mà gấp.

                Tào Thực được tha, tuy được mang tước Vương (Đông A Vương, Trần Tư Vương), nhưng trong 10 năm, bị thuyên chuyển 6 lần, và cuộc sống gần như bị giam lỏng. Các tay chân như Đinh Nghi,  Đinh Dực bị giết. Ông chạy ngược, chạy xuôi, lo âu  tiều tụy, không có một ngày yên tỉnh, nghỉ ngơi, thơ văn ông viết với nỗi buồn u uất, ông chết trong uất hận năm 40 tuổi. Ông để lại Trần Tư Vương tập gồm khoảng 80 bài thơ và 40 bài phú, tản văn.

                Buổi đầu thơ Tào Thực là những bài văn tiến thủ  lập công: Đông Chinh phu (bài phú đánh Ngô Tôn Quyền), Chinh Thục Luận (Đánh Thục) Về sau khi bị anh và cháu chèn ép, ông viết u uất, bi thương : Bàn về con chim sẽ vàng ngoài đồng, Bài phú về con chim cắt, Tự than thân, Tặng Bạch Mã Vương Bưu. Hay tả nỗi khổ dân chúng: Khuê tình ( Tâm tình phòng khuê), Khí phụ thán( người vợ bị ruồng bỏ),Thất ai thi (Bảy nỗi buồn đau).

BÀI  PHÚ  ĐÀI  ĐỒNG TƯỚC (TÀO THỰC)

Nơi đức sáng chừ  Vua rạng rỡ,

Lên lầu đài lòng xuân hớn hở.

Xem công  Thái phủ chừ chăm dân,

Quan đức trọng  thấm nhuần dinh sở.

 

Đài nguy nga giữa không trung bát ngát,

Dựng lên giữa lưng trời xanh ngắt.

Cảnh đẹp nào kém   tiên bồng,

Thành Tây liền nhau lầu với gác.

 

Dòng Chương thủy chảy dài thông suốt,

Quả tươi ngon, vườn xanh tốt.

Hai bên tả hữu chừ hai đài,

Ngọc Long, Kim Phụng tiếp bước.

 

Hai cầu  chừ đông tây nhịp  nối .

Như cầu vòng không gian sáng chói.

Hoàng đô  chừ nhìn xuống cõi trần,

Mây chiều, ráng đỏ bay trôi nổi.

 

Mừng vui anh tài chừ qui tụ,

Ứng mộng  Văn Vương chuyện cũ.

Gió xuân đầm ấm chừ đưa hương,

Trăm chim  hát vang từng đàn lũ.

 

Phúc nhà dài lâu chất chở,

Cao đẹp chừ trời mây muôn thuở.

Khắp cùng vũ trụ nhiệm mầu,

Thượng kinh về chầu đủ  cả.

 

Tề Hoàn, Tấn Văn chừ  hưng thịnh,

Phò thánh minh công lao sánh trọng.

Vững biết bao!  đẹp biết bao!

Ơn sâu, đức vọng !

 

Giúp hoàng gia chừ  trị nước,

Bốn phương an  lạc,

Phép trời khuôn đất chừ đo lường,

Tỏa sáng hòa cùng nhật nguyệt.

 

Mãi mãi chừ truyền xa tôn quý,

Với chúa xuân  vô cùng thọ hỷ.

Theo long kỳ chừ buổi ngao du,

Theo xe loan trở về cung kỷ.

 

Ơn giáo hóa chừ  tràn  bốn biển,

Vui mừng thay điều lành hiển hiện.

Đài này chừ  đứng mãi hiên ngang,

Điểm tô cổ kim danh tiếng.

 Phú Táo Thực, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

 

ĐỒNG  TƯỚC  ĐÀI  PHÚ (TÀO THỰC)

Tòng minh hậu dĩ  hì du hề,

Đăng tằng đài, dĩ  ngu tình.

Kiến Thái phủ dư quảng khai hề,

Quan Thánh đức chi sở dinh.

Phù song khuyết hồ thái thanh,

Lập trung thiên chi hoa quan hề,

Liên phi các hồ Tây thành,

Lâm Chương thủy chi trường lưu hề.

Vọng viên quả chi tư vinh.

Lập song đài ư tả hữu hề.

Hữu Ngọc Long dữ Kim Phụng,

Liên nhị kiều ư đông tây hề.

Nhược trường không chi đế đồng.

Phủ hoàng đô chi hoành lệ hề,

Khám vân hà chi phù động.

Hán quần tài chi lai tuy hề,

Hiệp phi hùng chi cát mộng.

Ngưỡng xuân phong chi hòa mục hề,

Thính bách điểu chi bi minh.

Vân thiên tuyên kỳ ký lập hề,

Gia nguyện đắc hồ song sinh.

Dương nhân hóa vu vũ trụ hề,

Tận túc cung vu thượng kinh.

Duy Hoàn, Văn Chỉ duy thịnh hề,

Khởi túc phương hồ thánh minh.

Hưu hỹ ! mỹ hỹ !

Huệ trạch viễn dương.

Dực tối ngã hoàng gia hề,

Ninh bỉ tứ phương.

Đồng thiên địa chi quy lượng hề,

Tề nhật nguyệt chi huy quang.

Vĩnh quý tôn nhi vô cực hề,

Hồi loan giá nhi chu dương.

Tư hóa cập hồ tứ hải hề,

Gia vật phụ nhi dân khang.

Nguyện tư đài chi vĩnh cô hề,

Lạc chung cổ nhi vi hương.

NGUYỄN DU THĂM MỘ CHU DU VIẾT VỀ TRẬN XÍCH BÍCH            

                Chu Lang tức Chu Du,  tự Công Cẩn  làm đô đốc quân Đông Ngô, làm tướng lúc mới 24 tuổi nên được gọi là Chu Lang. Đánh bại quân Tào Tháo ở trận Xích Bích nhưng Chu Lang đã bị Khổng Minh khích, thổ huyết chết lúc 36 tuổi. Tào Tháo  đem tám mươi vạn quân xuống đánh Đông Ngô. Chu Du liên kết với Khổng Minh quân sư của Lưu Bị, dùng hỏa công, và  dùng mưu khiến Tào Tháo dùng xích sắt kết các chiến thuyền tại Xích Bích trên sông Trường Giang đã tiêu diệt toàn bộ quân Tào Tháo. Chiến công như thế làm trượng phu cũng thỏa chí bình sinh. Chu Du là bạn cùng tuổi vừa là anh em bạn rể với Tôn Sách.. Chu Du giỏi quân pháp, lắm mưu kế, nhưng mọi mưu kế của Chu Du đều bị Khổng Minh đoán biết rồi chọc tức Chu Du ba lần khiến Chu Du tức giận thổ ra máu rồi chết. Cung điện nhà Ngô thành đống gạch vụn,  cơ nghiệp đế vương tan tành. Ngôi mộ cổ gai góc mọc đầy, còn nức tiếng anh hùng.  Xương cốt hai nàng Kiều chôn vùi nơi nào. Đại Kiều và Tiểu Kiều là hai chị em ruột. Đại Kiều là vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều là vợ Chu Du. Mắt thấy một nửa đài Đồng Tước đã nghiêng đổ.

MỘ  CHU  LANG

Trăm vạn quân Tào đốt sạch không,

Trượng phu chí lớn thỏa bình sinh.

Đồng niên bạn rể cùng Tôn Sách,

Tri kỷ một đời có Khổng Minh.

Ngói vỡ Ngô cung tàn đế nghiệp,

Còn đây cổ mộ tiếng anh hùng.

Xương cốt hai Kiều đâu đó nhỉ ?

Đồng Tước đài nghiêng rõ mắt trông.

 Thơ Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

CHU  LANG  MỘ

Thiêu tận Tào gia bách vạn binh,

Trượng phu sai túc úy bình sinh.

Đồng niên giao nghị liên Tôn Sách.

Nhất thế tri âm đắc Khổng Minh.

Ngõa lịch Ngô cung hoang đế nghiệp,

Kinh trăn cổ mộ thượng hùng danh.

Nhị Kiều hương cốt tàn hà sở ?

Nhãn kiến Đồng đài bán dĩ khuynh.

NGÔ THÌ  NHẬM THĂM  MIẾU THỜ  CHƯ CÁT VŨ HẦU 

                Ngô Thì Nhậm  làm Chánh Sứ năm 1792, sang báo tang vua Quang Trung mất và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh, có qua thăm miếu thờ Gia Cát Vũ Hầu.

                Miếu thờ Khổng Minh ở ngọn núi Hồi Nhạn trên dãy Hành Sơn, trên hữu ngạn sông Tương, thuộc huyện Hành Dương, phủ Hành Châu tỉnh Hồ Nam. Chư Cát tức Gia Cát Lượng (181-234) tự Khổng Minh, ở ẩn ở Ngọa Long Cương đất Nam Dương, Bàng Đức . Tư Mã Huy bàn luận với  với Lưu Bị :  « Bọn nho sinh đời nay chỉ là phường tục sĩ, hạng tuấn chỉ có hai người là Ngọa Long Gia Cát Lượng và Phượng Sồ Bàng Thống, được một trong hai người đó là có thể định được thiên hạ .»  Lưu B ịnăm đó 47 tuổi, ba lần thân hành đến cầu Khổng Minh năm đó 27 tuổi   làm quân sư. Giỏi mưu lược, Khổng Minh giúp Lưu Bị gây dựng cơ nghiệp nhà Thục Hán, làm thừa tướng, phong tước Vũ Hương Hầu gọi tắt là Vũ Hầu.

                Rồng người thác đi lại hiện ra rồng thần. Chân núi đá dựng tựa bờ sông, vẫn ngóng về miền Hán Trung. Cơ mưu Bắc Phạt thâm trầm, dường như muốn xua cả bầy nhạn ra trận. Bắc phạt chỉ việc đánh nước Ngụy. Khổng Minh sáu lần tiến quân lên phía bắc để đánh Ngụy « Lục xuất Kỳ Sơn »  mong khôi phục cõi Trung Nguyên nhà Hán, nhưng bị vua Lưu Thiện nghe lời nịnh thần gọi về làm hỏng kế hoạch. Chim nhạn bay từng đàn  có hàng lối chỉnh tề như ra trận. Mùa thu chim nhạn bay về phương nam đến núi Hồi Nhạn thì ở lại đó đợi mùa xuân bay trở về phương bắc. Tác giả trông thấy cả đàn chim, nhân tưởng đến cơ mưu bắt phạt Khổng Minh như muốn xua cả bầy nhạn ra trận. Nổi giận cuộc Đông Chinh còn sót lại, cũng rắp bắt cơn gió heo may trên sông phải nổi lên. Lưu Bị muốn đánh Đông Ngô để phục thù cho Quan Vũ bị Ngô giết, còn để lại mối hận cho Khổng Minh. Lưu Bị đánh Đông Ngô, Gia Cát Lượng can không được, Lưu Bị bị thua trận ở Hào Đình, thất bại ở Tỷ Quy. Trước khi chết ủy thác  việc nước cho Khổng Minh.. Cái thế chân vạc xưa đã khôn tranh sức với trời xanh. Khổng Minh từng lừa được cha con Tư Mã Ý, tướng Tào Ngụy ở Hồ Lô Cốc, dùng hỏa công toan đốt chết, nhưng bổng nhiên trời đổ cơn mưa, cha con Tư Mã Ý chạy thoát. Khổng Minh than : không thể tranh được với trời.. Chân vạc là thế cục chia ba Thục Ngụy Ngô thời Tam Quốc. Ngôi miếu ngất từng mây này, còn lòng nào nghĩ đến. Trông bóng cây tùng bách, phản phất như ngày vua Thục dừng xe tới thăm cầu Quân sư. Làn nước thu xanh đất Hành Dương, soi sáng mãi tấm lòng cô trung.

MIẾU THỜ CHƯ CÁT VŨ HẦU

Nhân Long đã khuất, hiện thần long,

Núi đá bờ sông ngóng Hán Trung.

Bắt phạt thâm trầm xua nhạn trận,

Đông Chinh sót lại gió trên sông.

Chân vạc khôn tranh cùng tạo hóa,

Miếu tùng bát ngát vọng trời xanh.

Tùng bách như ngày vua Thục đến,

Hành Dương soi sáng  tấm lòng trung.

 Thơ Ngô Thì Nhậm, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

CHƯ CÁT VŨ HẦU MIẾU

Nhân long hóa khứ hiện thần long,

Tiểu thạch lâm lưu miện Hán Trung.

Bắc hướng trầm cơ khu nhạn trận,

Đông thôn di nộ dịch đồn phong.

Đỉnh phân vô lực tranh thương hiệu,

Miếu tự hà tâm ỷ bích không.

Tùng bách y hy khuynh cái nhật,

Hành Dương thu thủy chiếu cô trung.

 

ĐOÀN NGUYỄN TUẤN, PHAN HUY ÍCH TRƯỚC CẢNH XÍCH BÍCH

                Đoàn Nguyễn Tuấn đi sứ năm 1789-1790 thời Tây Sơn, trong sứ đoàn đông nhất trong lịch sử 158 người có cả Phạm Công Trị giả làm vua Quang Trung,, có cả một ban hát bô 10 người, và đồ cống còn có hai con voi đực. Ngang qua  Trường Giang Đoàn Nguyễn Thuấn có làm bài thơ Xích Bích hoài cổ , chép trong Hải Ông thi tập :  Cảnh đêm trên Trường Giang một màu biếc xanh man mác. Nơi đây, từng xảy ra trận chiến thời Tam Quốc. Cơ đồ chia ba chân vạc ( Ngụy, Ngô, Thục) đã sập, mà núi non vẫn còn sừng sững. Thuyền bè theo kế liên hoàn đã hết, nhưng sông nước vẫn chảy hoài. Tào Tháo đem nhiều thuyền đóng rãi rác trên sông Trường Giang : Chu Du được kế của Gia Cát Lượng cho người sang thuyết Tào Tháo, xích tất cả các thuyền lại làm thành thế liên hoàn để lừa, Tào trúng kế theo trận hỏa công sắp diễn ra giữa Ngô và Ngụy. Lửa thuở Chu Lang còn soi sáng bờ bãi. Trận hỏa công dữ dội của Chu Du đốt sạch quân Tào trên sông Trường Giang. Đoàn Nguyễn Tuấn thấy qua đó ánh lửa bên sông liên tưởng đến sự việc trên. Gió sót của Gia Cát Lượng cầu  phong  vẫn thổi tận bãi xa. Để giúp kế hỏa công của Chu Du. Gia Cát Lượng tính độ số của khí tượng và biết được đúng lúc gió Đông nổi lên giữa mùa rét, bèn lập đàn cầu phong trước lúc gió nổi. Riêng có người khách bị xua đuổi thời Hy Ninh, còn để vần trúc mai tao nhã trên đình nhỏ dưới trời thu. Hy Ninh là niên hiệu Tống Thần Tông. Tân Pháp của Vương An Thạch bị nhiều người chống lại. Vương phải dùng bạo lực chính trị bãi truất, tướt bớt vây cánh quyền lực họ. Tô Đông Pha văn hào đời Tống viết thơ chống lại, bị truất ra ở Hoàng Châu. Ông làm hai bài thơ Tiền Hậu Xích Bích để lại danh tiếng đời.

 ĐOÀN NGUYỄN TUẤN

TRƯỚC CẢNH XÍCH BÍCH NHỚ  XƯA

Trường Giang đêm biếc sắc xanh xanh,

Tam Quốc nơi đây trận chiến tranh.

Chân vạc đổ rồi non vẫn đứng,

Thuyền liên  hoàn hết nước trôi nhanh.

Lửa thuở Chu Lang còn sáng bãi,

Gió tàn  Gia Cát thổi bờ quanh.

Riêng khách Hy Ninh lưu đất trích,

Còn thơ mai trúc dưới thu đình.

Thơ Đoàn NguyễnTuấn, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

XÍCH BÍCH HOÀI CỔ

Trường  Giang dạ sắc bích du du,

Tam Quốc can qua thử địa đầu.

Phân đỉnh đồ khuynh sơn tự trĩ.

Liên hoàn thuyền tận thủy không lưu.

Chu Lang dư hỏa minh tràng ngạn,

Gia Cát di phong phất viễn châu.

Độc hữu Hy Ninh thiên trực khách,

Trúc mai nhã vận tiểu đình thu.

Đoàn Nguyễn Tuấn. Hải Ông thi tập. nxbKHXH. Hà Nội 1982 tr 241.

                Phan Huy Ích, Chánh Sứ sứ đoàn 1790 thời Tây Sơn cũng có bài thơ Dạ Độ Xích Bích Giang Khẩu. Đêm qua cửa sông Xích Bích. Tại đình Pha Tiên được tiếp rước sứ đoàn, có ca múa, ánh đèn sáng rực cả trăng sao, ông làm thơ.

                Cồn cát dài dằng dặc, lau lách thưa thớt. Điệu hò mái đẩy dưới trăng, thi tứ man mác. Chiến địa Tôn Quyền và Tào Tháo trong khói lạnh. Ải sông miền Kinh Sở đầu kỳ nước lũ dâng.Sóng trắng cuộn ngang trời, cánh buồm gió căng phồng. Đèn đỏ bên kia sông, cái thủy đình trống trải. Ai sẽ nối tiếp sau chuyến đi chơi của Tô Đông Pha. Cạnh bãi phía trước ghềnh, trơ chiếc thuyền chài ban đêm le lói ánh  đèn.

ĐÊM QUA CỬA SÔNG XÍCH BÍCH

Cồn cát mênh mông lau lách thưa,

Ca chèo dưới nguyệt dục hồn thơ.

Chiến địa Tôn Tào sương khói lạnh,

Ải sông Kinh Sở sóng dâng bờ.

Buồm căng gió mạnh đè lên sóng,

Đình cách sông dài  rực  lửa khuya,

Nối gót Pha Tiên chơi mấy kẻ,

Trước ghềnh le lói lửa chài đưa.

Thơ Phan Huy Ích, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

DẠ ĐỘ XÍCH BÍCH GIANG KHẨU

Sa chữ miên diên địch vĩ  sơ,

Trạo ca thừa nguyệt tứ mang như.

Tào Tôn chiến địa hàn yên lý,

Kinh Sở giang quan thịnh lạo sơ.

Bạch lãng phù không phong phạm kính,

Hồng đăng cách ngạn thủy đình hư.

Pha tiên du hậu tương thùy tục,

Cô đỉnh tiền than hiện dạ ngư.

TÔ ĐÔNG PHA : HAI BÀI PHÚ XÍCH BÍCH

                Hai  bài phú, Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích được xem  như những áng văn thơ tuyệt tác trong thi ca Trung Quốc. Được các nhà thơ Việt Nam ca tụng, học Việt Văn ai cũng nhớ thơ  Nguyễn Công Trứ trong bài Kẻ Sĩ  viết:  Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất. Để ông Tô riêng một thú thanh tao.

                Tô Đông Pha (1036-1101) tự là Tử Chiêm, người tỉnh Tứ Xuyên. Đỗ Tiến Sĩ đời vua Tống Nhân Tông (1010-1063) năm 21 tuổi. Văn hào Âu Dương Tu làm Chủ khảo xem bài Hình thưởng trung hậu chi chí luận, biết là bậc đại tài đã lấy đỗ Tiến Sĩ  thứ hai (Bảng Nhãn) thụ chức Quốc sử Bí thư lang. Ông làm thơ công kích Tân Pháp của Tể Tướng Vương An Thạch nên bị  cách chức đày ra Hoàng Châu. Lúc ông mới đến tạm trú trong chùa Huệ Thiền, sau được mời ra đình Lâm Cao cho tỉnh mịch. Ông làm nhà ở Đông Pha lấy hiệu là Tô Đông Pha cư sĩ, cách đó  430 m ông còn làm nhà Tuyết Đường, lợp cỏ vách đất, trang trí toàn cảnh tuyết đề Đông Pha Tuyết Đường, cảnh này ngày nay du khách có thể đến thăm ở phía nam huyện Hoàng Cương, Hồ Bắc. Mùa thu năm Nhâm Tuất (1082) ông cùng bạn là Dương Thế Xương hiệu Miên Trúc đạo sĩ thả thuyền chơi trên sông Xích Bích, bàn luận với bạn rồi ngẫu hứng làm bài phú này. Ba tháng sau tiết mùa đông ông lại đi chơi khúc sông này lần nữa cùng Miên Trúc đạo sĩ và Hoàng Vô Trực, ông làm bài Hậu Xích Bích.

                Vua Triết Tông (1086-1099) xem hai bài phú khen là kỳ tài, vời Tô về triều, phong chức Hàn Lâm Học sĩ, rồi thăng lên Binh Bộ Thượng thư. Hai thi phẩm kiệt tác, Lý Phan Long thi nhân đời Minh phải khen rằng: “Anh hùng như Tào Tháo, sự nghiệp như Chu Du nay còn đâu ? Chỉ có vầng trăng đẹp, dòng nước trong và câu thơ bất hủ của Tô Đông Pha muôn đời còn mãi.”

                Người đời sau dựng tượng Tô Đông Pha bằng đá trắng dưới chân núi Xích Bích, và ngôi đình Pha Tiên với bức hoành phi: Vạn cổ phong lưu, kỷ niệm một thiên tài thi ca. Sông Xích Bích chổ Tô Đông Pha cùng bạn đi chơi ngày trước nay đã bồi thành đất liền, sông Trường Giang có những lần đổi dòng, nên cách sông Trường Giang ngày nay rất xa.

TIỀN XÍCH BÍCH

Rằm tháng bảy mùa thu nhâm Tuất, Tô Tử cùng với khách, bơi thuyền dưới chân núi Xích Bích.

Hây hây gió mát, sóng lặng như tờ, cầm chén rượu lên mời khách, bài Minh nguyệt đọc thơ và hát một chương Yểu điệu.

Một thoáng trăng mọc núi Đông Sơn, tà tà giữa hai sao Ngưu Đẩu, sương tỏa trắng mặt sông, nước trong nối trời.

 Con thuyền thảnh thơi, vượt lên mặt nước chơi vơi muôn trùng, nhẹ nhàng như cỡi gió lên không, mà không biết là cùng đi đâu ?

Sung sướng như người mọc cánh lên tiên,  vì thế  rượu ngon vui lòng người, gõ mạn thuyền mà hát ca chơi.

“Chèo quế thuyền lan,

Theo vầng trăng tỏ vượt làn nước trong.

Nhớ ai canh cánh bên lòng,

Nhớ mỹ nhân chừ ngóng trông bên trời.”

Trong bọn khách có người thổi sáo, bèn đem ca họa lại mấy câu, não nùng tiếng sáo thảm sầu khóc than.

Dư âm vẫn còn lanh lãnh, nhỏ như là chưa dứt đường tơ,  giao long hang tối cũng múa may, người trinh phụ ở thuyền ai sụt sùi.

Tô Tử buồn rầu sắc mặt, thu vạt áo ngồi ngay ngắn hỏi rằng :

Làm sao có tiếng não nùng ?

Khách rằng :

“Trăng sáng trong thay, cánh quạ nam bay” . Đó có phải là thơ Tào Mạnh Đức. Từ phía Tây Hạ Khẩu trông sang, phía đông nhìn thấy Vũ Xương, núi sông uốn khúc mơ màng vây quanh.

Đó chẳng phải nơi Tào Mạnh Đức. Khốn đốn khi đánh với Chu Lang. Khi Tào công phá Kinh Châu, xuống  Giang Lăng thuận đường sang đông trình.

Thuyền bè muôn dặm ruổi rong, Cờ tán rợp trời, một chén rượu bên sông, cầm ngang ngọn dáo  ngâm cùng câu thơ.

Đó là thực anh hùng một cõi, một đời nay giờ ở nơi đâu ?

Huống chi tôi bác cùng nhau, cũng cùng kiếm cũi giăng câu nơi này ?

Kết bạn với cùng tôm cá, chơi đùa cùng với đám hươu nai, bơi con thuyền nhỏ rong chơi, tay mời chén rượu thảnh thơi chung cùng.

Thân phù du gửi trong trời đất, nhỏ nhặt như hạt thóc biển xanh,

Thương cho sống được bao năm, mà khen sông lớn dài nhanh vô cùng.

Vậy muốn dắt tiên bay vui sướng, ôm lấy vầng trăng tỏ muôn đời.

Tôi không làm được vậy thôi, nên sinh rầu rỉ trong lời oán thương.

Tô Tử nói:

Vậy thế mà bác biết: Nước và trăng.

Nước kia chảy mãi vô cùng, trăng kia tròn khuyết chưa từng hư hao !

Bởi vì ta ở nơi biến đổi, mà đất trời trong chớp mắt không.

Nếu ta ở cõi vĩnh hằng, thì muôn sự vật sẽ không hao mòn.

Có cần chi phải khen đâu nhỉ ? Trong trời đất vật nào chủ nấy. Ta lấy chi không phải của ta ?

Gió trên sông, trăng sáng núi xa, nghe tiếng, mắt vui trông thấy !

Không ai cấm, không bao giờ hết. Đó là kho tạo hóa vô cùng, của tôi với bác vui chung.

Khách nghe vậy, cười mừng rót rượu, cho đến khi đồ nhấm cạn dần.

Chỉ còn mâm bát ngỗn ngang, cùng nhau lại gối ngủ trong khoan thuyền.

Cho đến lúc vầng dương sáng bạch, tự lúc nào chẳng biết chẳng hay.

Phú Tô Đông Pha, bản dịch  Nhất Uyên .

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

TIỀN  XÍCH  BÍCH

                Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng. Tô Tử dữ khách phiếm chu du Xích Bích chi hạ. Thanh phong từ lai, thủy ba bất hưng.  Cử tửu chúc khách, tụng Minh Nguyệt chí chi, ca Yểu điệu chi chương ; Thiếu yên nguyệt xuất ư Đông sơn chi thượng, bồi hồi ư Đẩu  Ngưu chi gian, bạch lộ hoành giang, thủy quan tiếp thiên. Túng nhất vi chi sở như. Lăng vạn khoảnh chi mang nhiên.

                Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chi ; phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hóa như đăng tiên. Ư th ẩm tửu lạc thâm, khấu huyền nhi ca chi. Ca viết :

Quế trạo lan tưng,

Kích không minh hề tố lưu quang.

Diểu diểu h ư hoài,

Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương.

                Khách hữu xúy đổng tiêu giá, ý ca nhi họa chi, kỳ thanh ô nhiên, như oán như mộ, như khấp như tố, dư âm niếu niếu bất tuyệt như lũ. Vũ u hác chi tiềm giao, khấp cô chu chi ly phụ.

                Tô Tử sâu nhiên chính khâm. Nguy tọa nhi vấn khách viết :

« Nguyệt minh thinh hi, ô thước nam phi.” Thứ phi Tào Mạnh Đức thi hồ ?

Tây vọng Hạ Khẩu, Đông vọng Vũ Xương. Sơn xuyên tương liễu. Uất hồ thương thương.

Thứ phi Mạnh Đức chi khốn, Chu Lang dã hồ ? Phương kỳ phó Kinh Châu, hạ Giang Lăng; Thuận lưu như đông dã,  trục lộ thiên lý. Tinh kỳ tế không. Sắc tửu lâm giang. Hoành sáo phú thi, cổ nhất thể chi hùng dã. Nhi kim an tại tai ?

Huấn hồ ngô dữ tử. Ngư tiều ư giang chư chi thượng, Lữ ngư hà nhi hữu mi lộc. Giá nhất diệp chi thiên chú, Cứ bảo tôn dĩ tương chúc, Ký phù dư ư thiên địa, diếu thương hải chi nhất túc.

Ai ngô sinh chi tu du, tiện Trường Giang chi vô cùng. Hiệp phi tiên dĩ ngao du ; Bão minh nguyệt nhi trường chung. Tri bất khả hồ sâu đăc, thác di hưởng ư ba phong.

Tô viết :  - Khách diệt tri phù thủy dữ nguyệt hồ ? Tệ giả như tử nhi vị thường vãng dã. Doanh hư giả như bi nhi tốt mạc tiêu dã. Cái tướng tự kỳ biến giả nhi quan chi. Tắt vật dữ ngã giai vô tận dã, nhị hựu hà tiến hồ ?

Thả phù thiên địa chi gian, vật các hữu chú. Cấu phi ngô chi sở hữu, tuy nhất hào phi mạc thủ.

Duy giang thượng chi thanh phong. dữ sơn gian chi minh nguyệt. Nhĩ đắc chi vi thanh, Mục ngộ chi nhi thành sắc. Thủ chi vô câm, dụng chi bất kiệt.

Thi tạo vật giá chi vô tận tằng dã. Nhi ngô dữ tử, chi sơ cộng thích.

Khách hỉ nhị tiếu, tẩy trán cánh chước. Hạo hạnh ký tân. Bôi bàng lang tạ.

Tương dữ châm tạ hồ chu trung, Bất tri đông phong chi ký bạch.

Chú Thích:

 Chương Yểu điệu, thơ Minh Nguyệt trong Kinh Thi. Thơ ấy chê người quyền thế, không ưa người hiền và chỉ ưa gái đẹp.

Quân tử:  trong bài này chỉ người làm quan trong triều, ý nhớ bạn.

Ba tháng sau, tiết đông, Tô Đông Pha lại đi chơi với bạn Miên Trúc đạo sĩ và Hoàng Vô Trực,  khúc sông này lần nữa viết bài Hậu Xích Bích.

HẬU XÍCH BÍCH

Năm ấy tháng mười trăng tròn, ra đi từ Tuyết Đường, về đình Lâm Cao.

Hai khách theo sau, qua dốc Hoàng Nê, sương móc đã xuống, lá cây rụng tàn.

Bóng người dưới đất, ngẫng lên sáng trăng.

Nhìn nhau vui vẻ, vừa đi vừa hát, kẻ hát người hát theo  cùng.

Rồi chợt than rằng :

« Có khách không có rượu, có rượu không có mồi.

Trăng thanh gió mát, đêm đẹp biết sao chơi ? »

Khách nói :

« Buổi chiều hôm nay, đánh được mẻ cá,

miệng lớn vẩy nhỏ, như cá lô Tùng Giang.

Biết làm sao có rượu. »

Về bàn với vợ.

Vợ rằng :

« Em có đấu rượu, cất giữ từ lâu,

Đợi khi bất thần, chàng cần dùng đến. »

Rồi mang rượu cá, lại cùng đi chơi, dưới núi Xích Bích.

Tiếng nước sông chảy, cách bờ nghìn sãi.

Núi cao trăng nhỏ, nước cạn đá lộ.

Mới mấy tháng qua, mà sông núi ta, chẳng còn như cũ.

Ta vén tay áo, mà trèo lên cao, bước đá lởm chởm, cỏ rậm mơn mởn.

Ngồi đá hổ báo, vin nhánh cây rồng, với tổ chim cắt, ở chổ chênh vênh.

Nhìn xuống dưới nước, Bằng Di tối om.

Chừng hai bạn khách, không thể trèo theo,

Cất tiếng gọi to, cỏ cây rung động,

Núi hang vang vọng, gió nổi nước tung,

Ta cũng nao núng, trong lòng mà buồn, im lặng mà sợ, ghê rợn không thể, ở lại lâu nữa.

Trở ra lên thuyền, buông ra giữa dòng,

Mà mong đến chổ, dừng chèo nghỉ chân.

Gần lúc nửa đêm, bốn bề vắng vẻ,

Chợt một cánh hạc, bay qua ngang sông, từ phía đông lại.

Cánh xòe bánh xe, xiêm đen áo trắng,  vụt nhiên kêu lên,

Lướt qua thuyền ta, hướng tây mà về.

Tiễn khách ra về, ta cũng đi ngủ.

Mơ thấy đạo sĩ, phơi phới áo lông,

Qua dưới Lâm Cao, vái chào ta hỏi :

« Đi chơi Xích Bích, ông có vui không ? »

Ta hỏi tên họ, cúi đầu lặng thinh, mà không trả lời.

« Hỡi ơi !  ha ha !

Ta đã biết rồi !

Lúc nửa đêm qua, bay ngang thuyền ta,

Có phải chăng là, nhà ngươi đấy chứ ? »

Đạo sĩ mĩm cười, ta cũng giật mình.

Tỉnh dậy mở cửa, trông ra ngoài sân, chẳng thấy đâu cả.

Thơ Tô Đông Pha, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

HẬU XÍCH BÍCH

                Thi tuế thập nguyệt chi vọng, bộ tự Tuyết Đường, tương quy ư Lâm Cao, nhị khách tòng dư, quá Hoàng Nê chi phán.

                Sương lộ kí hàng, mộc diệp tận thoát, nhân ảnh tại địa, ngưỡng kiến minh nguyệt.

                Cố nhi nhạc chi, hành ca tương đáp.

Dĩ nhi thán viết: 

“Hữu khách vô tửu, hữu tửu vô hào, nguyệt bạch phong thanh, như thử lương dạ hà ? “

Khách viết:

“Kim gíá bạc mộ, cử võng đắc ngư, cự khấu tế lân, trang như Tùng Giang chi cái.  Cố an sở đắc chi hồ ? Qui nhi mưu chư phụ.

Phụ viết:

“Ngã hữu đấu tửu, tàng chi cữu hĩ, dĩ đãi dư bất thì chi nhu !

Ư thị huề tửu dữ ngư, phúc du ư Xích Bích chiu hạ.

Giang lưu hữu thanh, đoạn ngạn thiên xích. Sơn cao nguyệt tiểu, thủy lạc thạch xuất.

Tằng nhật nguyệt chi ki hà nhi giang sơn bất khả phức thức hỉ ?

Dư nãi nhiếp y nhi thượng, lý sàm nham, phi mông nhung. Cứ hổ báo, đăng cầu long, phản tê cốt  nhi nguy sào. Phủ phùng chi di  u  cung.

Cái nhi khách bất năng tòng yên, hoạch nhiên trường khiếu.

Thảo mộc chấn động, san minh cốc ứng, phong khởi thủy dũng.

Dư diệc tiểu nhiên, nhi bi túc nhiên nhi khủng,  lẫm hồ kỳ bất khả lưu dã.

Phán nhi đăng chu, phóng hồ trung lưu, thính kỳ sở nhi chi hưu yên.

Thì dạ tương bán, tứ cố tịch liêu. Thính hữu cô hạc, hoành giang đông lai. Sí nhi sa luân.

Huyền thường cáo y, kiết nhiên trường minh, lược dư chu nhi tây dã.

Tu du khách khứ, dư diệc tựu thụy.

Mộng nhất đạo sĩ, vũ y biên tiên, quá Lâm Cao chi hạ, ấp dư nhi ngôn viết :

« Xích Bích chi du nhạc hồ ?  »

Văn kỳ tính danh, phủ nhi bất đáp.

« Ô hô y  hi !  ngã tri  chi hĩ. Đoàn tích chi dạ, phi minh nhi quá ngã giá, phi dư dã dạ ?

Đạo sĩ cố tiếu, dư diệc kinh ngộ. Khai hộ thị chi, bất kiến kỳ xử.

Chú thích :

Hoàng Nê : ở Hoàng Cương, bến sông Hoàng Giang, nay còn bến đò Hoàng Nê.

Tùng Giang chi lư : Cá lô sông Tùng ở tỉnh Giang Tô, mồm to vẩy nhỏ, có con dài đến 2m. Mùa  xuân vào sông, mùa thu về biển, cá béo sản phẩm huyện Tùng Giang.

Bằng Di: Thủy thần chốn thủy cung.

Vũ y : áo bằng lông chim. Đời Chiến Quốc, Yên Chiêu Vương mơ thấy người mặc xiêm áo bằng lông chium, xưng là Vũ nhân, đến cùng vua giảng thuyết về tiên thuật. Nên đời sau gọi đạo sĩ  là vũ nhân.

                Ngô Thì Nhiệm còn viết bài thơ  Vãn Du Pha Tiên đình, chép trong Thơ Văn Ngô Thì Nhậm . nxb Văn Học. 1986 tr 176.Trước thường ca ngợi ông tiên Đông Pha, người khách chơi thuyền năm Nhâm Tuất, nay mừng được thăm ngôi đình cổ tích ở ngoại thành Hoàng Cương. Trăng trong gió mát dành kho tạo hóa.  Thuyền con đấu rượu tưởng nhớ dấu thơm.  Dung mạo người đạo đức, nghìn thu còn in trên vách núi lạnh. Di tác hai bài phú, cũng được ghi vào tấm bình phong trong gác vẽ. Kiểm điểm lại nơi phẩm đề năm ấy.  Chỉ thấy một làn khói sóng lẫn với màu trời xanh.

BUỔI CHIỀU CHƠI ĐÌNH PHA TIÊN

Chuyện năm Nhâm Tuất say lòng khách,

Dấu cũ Hoàng Cương nay thấy đây.

Gió mát trăng thanh kho tạo hóa,

Thuyền con rượu đấu, ngỡ còn say.

Ngàn năm tạc bóng sườn non lạnh,

Hai phú còn ghi họa các này.

Tìm lại chốn xưa đề phú ấy,

Chỉ thấy khói sương lẫn bóng mây.

Thơ Ngô Thì Nhậm, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

VÃN DU PHA TIÊN ĐÌNH

Diễm đàm Nhâm tuất dạ du khách,

Hỷ đổ Hoàng Cương cổ tích đình.

Minh nguyệt thanh phong tàng tạo hóa,

Biên chu đẩu tửu ức phương hinh.

Thiên thu đạo mạo hàn sơn bích,

Nhị phú di văn họa các bình.

Điểm kiểm đương niên đề phẩm xứ,

Yên ba nhất sắc hổn thanh minh.

                Phan Huy Ích, Chánh Sứ sứ đoàn năm 1790 thời Tây Sơn cũng có bài thơ Vãn Du Pha Tiên Đình. Trong Tinh Sà Kỷ Hành. Thơ Văn Phan Huy Ích tập I I. nxbKHXH. 1978 tr 99

                Nguyên dẫn: Đình ở trên núi Xích Tỵ, phía ngoại thành huyện Hoàng Cương. Ngôi đình xây dựng dựa vào núi, rường cột hoa lệ, bức bình phong bằng gỗ khắc hai bài Tiền Hậu Xích Bích Phú. Vách đá có khắc hình Tô Đông Pha. Hai bên khắc cây mai cây trúc, bài đề vịnh mai trúc của ông.

                Đứng trên  gác trên núi dựa bên thành, nhìn xuống bãi nổi quanh co. Mọi người nói ngôi đình Xích Tỵ là của Pha Tiên (Tô Đông Pha). Bức tượng trang nghiêm tao nhã còn lưu ở vách núi cao. Bài phú cổ sáng rực vẫn soi trên bình phong vuông. Nếu không vì cầm bút mà cười hoa cúc vàng, thì làm sao có thuyền chỡ rượu linh lục. Linh lục là một thứ rượu thơm ngon, nhắc lại câu chuyện thơ giữa  Tể Tướng Vương An Thạch và Tô Đông Pha. Khi Vương đi Hoàng Châu trở về có làm hai câu thơ: Tây phong tạc dạ quá viên lâm, Suy lạc hoàng hoa mãn địa câm. (Đêm qua gió Tây qua rừng cây, Mặt đất cúc  vàng rơi rụng đầy); Tô Đông Pha  đến chơi, đọc xong liền viết tiếp hai câu hàm ý chỉ trích: Hoàng hoa bất cộng mai hoa lạc, Thuyết dữ thi thân tử tế ngâm ( Cúc vàng không giống hoa mai rụng, Khuyên nhà thơ hãy nghĩ mà xem). Vương An Thạch thấy vậy cho Tô Đông Pha kiến thức còn hẹp nên đầy Tô đến đất Hoàng Châu để xem hoa cúc có rụng đầy đất không ? Trên đường tới nơi đi đày,  Tô chỡ theo thuyền rượu thơm linh lục và thức nhắm ngon. Nhớ lại nơi ngâm  vịnh trong đêm mùa thu ở Xích Bích của Tô, tưởng người vẫn say tỉnh với gió trăng, sông núi.

BUỔII CHIỀU CHƠI Ở ĐÌNH PHA TIÊN

Gác núi  bên thành nhìn bãi cồn,

Ngôi đình Xích Tỵ của Pha Ông.

Nghiêm trang tượng đứng vách tường núi,

Rực sáng phú xưa rọi bức phong.

Chẳng viết cúc vàng cười chẳng nở,

Sao có thuyền linh  rượu thơm ngon.

Nhớ lại mùa thu nơi ngắm cảnh,

Tưởng người say tỉnh gió  trăng sông.

Thơ Phan Huy Ích. Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

VÃN DU PHA TIÊN ĐÌNH

Bạng thành sơn các hám hồi đinh,

Tuân đạo Pha Tiên Xích Tỵ đình.

Nghiêm nhã di dung lưu tiễu bích,

Côn hoa cổ phú diệu phương bình.

Bất duyên phấn bút trào kim cúc,

An đắc phù chu tái lục linh.

Miên tưởng thu tiêu ngâm thưởng địa,

Giang phong sơn nguyệt túy hoàn tinh.

                Phan Huy Ích còn viết bài Đình Hạ ngẫu cảm. Nguyên dẫn:  Năm Tân Sửu (1781) niên hiệu Cảnh Hưng, tôi cùng bạn đồng liêu trong phủ thích hào hoa, nên nuôi nàng hầu, đặt ca viện, cùng thưởng ngoạn. Bèn mô phỏng bài ca nôm đề tranh Xích Bích, do cố nhạc phụ tôi (Ngô Thì Sĩ) biên soạn để phổ vào bản nhạc cho ca nữ biểu diễn. Từ năm Nhâm Dần (1782) trở về sau, nhân việc nước xảy ra biến cố, nên âm nhạc cũng bị thôi từ lâu. Nay đến nơi Xích Bích của Tô Đông Pha, hồi tưởng  việc đã qua cảm khái làm bài thơ này.

                Từng hâm mộ tính hào hoa phóng khoáng của ông già Xích Bích. Thú chơi thanh nhã được phổ vào những lời gấm vóc. Gõ thuyền giọng sãng khoái hát bài thanh tao. Rửa chén, tay khéo léo múa điệu cao hứng. Cuộc đời biến đổi mười năm làm tiêu tan ban nhạc giáo phường. Đi sứ qua muôn dậm hỏi thăm dấu tiên. Ở đình núi ngắm mây chiều mùa thu. Bỗng nhớ kiếp phù sinh như móng chim hồng nhạn trên tuyết.

DƯỚI ĐÌNH NGẨU HỨNG

Hâm mộ hào hoa Xích Bích ông,

Vui chơi từng phổ những lời thanh.

Gõ thuyền sãng khoái vần tao nhã,

Rữa chén tay khua điệu hứng vần.

Biến đổi mười năm không hát nữa,

Sứ trình muôn  dậm hỏi tiên ông.

Đình núi ngắm thu mây ráng nổi,

Móng hồng trên tuyết, kiếp phù sinh.

Thơ Phan Huy Ích, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âml Hán Việt:

HẠ ĐÌNH NGẨU CẢM

Hào khoáng tằng hy Xích Bích ông,

Thanh du phổ nhập ỷ la tùng.

Khẩu huyền dật vận ca hầu sảng,

Tẩy trãn cao hoài vũ tụ công.

Thế biến thập niên huy nhạc giáo,

Sứ hoa vạn lý phỏng tiên tung.

Sơn đình diếu đáo thu vân mộ,

Hốt ký phù sinh tuyết thượng hồng.

                Qua lời dẫn của Phan Huy Ích, ta biết được thêm trong đời sống các cụ ngày xưa những năm thanh bình, các cụ cũng họp nhau, bạn đồng liêu lập ban  đàn ca tài tử, lập phòng trà : lập ca viện, nuôi ca kỹ, mô phỏng các bài thơ nôm dịch thơ Tiền, Hậu Xích Bích, phổ thành nhạc, cho ca nữ hát « ca ra bộ ».

Paris 26-4-2016

PHẠM TRỌNG CHÁNH

* Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.