Thôi-Hiệu Và Bài Thơ Hoàng-Hạc Lâu
I. Hoàng-Hạc Lâu (黄鹤楼): (hay Lầu Hoàng-Hạc, Lầu Hạc-Vàng) là một trong những kiến-trúc cổ nổi-tiếng của Trung-Hoa. Ngày nay, chính-quyền Trung-Hoa xếp Hoàng-Hạc Lâu không những là một địa-điểm văn-hóa, lịch-sử mà còn là một nơi thu-hút khách du-lịch trong và ngoài nước.
Hoàng-Hạc Lâu thoạt đầu được xây-dựng dọc theo sông Dương-Tử, trên một vùng đá sỏi gọi là Hoàng-Hạc ở núi Xà-Sơn, thành-phố Vũ-Hán, huyện Vũ-Xương, tỉnh Hồ-Bắc vào năm Hoàng-Vũ thứ 2 đời nhà Ngô thời Tam-Quốc (năm 223). (Bà Triệu của ta sinh năm Bính-Ngọ (226). Đến nay, trải qua thời-gian dài gần 18 thế-kỷ, vì chính-biến, binh-loạn, Hoàng-Hạc Lâu đã bị hủy-hoại tất cả 12 lần. Chính-quyền ra-công tu-sửa cho cao hơn. Năm 1920 Hoàng-Hạc Lâu chỉ có 3 tầng. Đến năm 2006 Hoàng-Hạc Lâu lên đến 5 tầng (xem ảnh). Ngày nay Hoàng-Hac Lâu được đánh-giá là một trong bốn đại danh-tháp cổ-xưa còn lại của Trung-Hoa.
Hoàng-Hạc Lâu bắt nguồn từ truyền-thuyết Tiên-Ông Phí-Văn-Vi, thường cưỡi hạc vàng ngao-du đó dây. Một hôm, tiên cưỡi hạc bay ngang qua Vũ-Hán và dừng lại trên Đồi Rắn để ngắm cảnh, một bên là Trường-Giang và bên kia là Ngũ-Hồ. Sau này, người ta đã từ nơi ấy xây lên một ngọn tháp, đặt tên là Hoàng-Hạc Lâu.
Ngày xưa Hoàng-Hạc Lâu là nơi gặp-gỡ của các thi, văn hữu. hay tao-nhân mặc-khách bầu rượu túi thơ. Người ta đến đó vừa để thưởng-ngoạn phong-cảnh hữu-tình, vừa để uống rượu làm thơ, hoặc để ghi lại biết bao tâm-sự mặn-nồng.
Binh-biến đã hủy-hoại các kiến-trúc Hoàng Hạc Lâu. Ngôi lầu cuối-cùng có tên Thanh-Lâu xây năm 1868 và bị hủy-hoại năm 1884. Năm 1957 khi ngôi cầu đầu-tiên vượt sông Dương-Tử được xây-cất, Hoàng-Hạc Lâu được di-dời cách vị-trí cũ 1 km.
Hoàng-Hạc Lâu được tái-thiết năm 1981 bằng vật-liệu hiện-đại, có cả cầu thang máy, và dĩ-nhiên, chỗ vệ-sinh cũng sạch-sẽ, khang-trang, rộng-lớn hơn cho du-khách. Hoàng-Hạc Lâu “mới” khánh-thành năm 1985. Vì vậy, so với ngày xưa, Hoàng-Hạc Lâu mất vẻ “thiên-nhiên” đi nhiều. Cảnh mộc-mạc, lau cỏ hoang-sơ, núi-non trùng-điệp, mây bay giăng-mắc bớt đi nhiều. Nhìn ảnh Hoàng-Hac Lâu chụp năm 1920, và đặt giả-thuyết nếu ít nhất năm 40 tuổi trở lên Thôi-Hiệu mới đến nơi này và sáng-tác bài thơ Hoàng-Hạc Lâu (khoảng năm 740-745), khi ấy Hoàng-Hạc Lâu còn hoang-sơ, trùng-điệp thế nào. Hiện nay, Hoàng-Hạc Lâu thuộc Khu Hoàng-Hac Công-Viên là nơi thu-hút nhiều du-khách mỗi ngày.
II. Tiểu-Sử Thôi-Hiệu:
Thôi-Hiệu (崔顥) sinh năm 704, mất năm 754, thời Nhà Đường (618-907), đời vua Đường-Huyền-Tông tức Đường-Minh-Hoàng (Lý-Long-Cơ). Ông là người Biện-Châu (nay thuộc tỉnh Hà-Nam, Trung-Hoa), đỗ Tiến-Sĩ năm Khai-Nguyên thứ 11 (723), làm quan đến chức Tư-Huân Viên Ngoại-Lang.
Sách Ngữ-văn nói rằng: “Đương thời, Thôi-Hiệu rất nổi tiếng. Ngày nay thơ của ông chỉ còn lại hơn 40 bài, trong đó, Hoàng-Hạc Lâu được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường.
Tương-truyền rằng, Lý-Bạch (701- 762) khi ngao-du Hoàng-Hạc Lâu, thấy cảnh đẹp muốn đề thơ nhưng thấy thơ Thôi-Hiệu đã đề trên vách trước đó. Ông đọc xong, vứt bút đi và than rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi-Hiệu đề thi tại thượng đầu
Hai câu thơ trên có nghĩa là: Thấy cảnh đẹp trước mắt mà không thể tả được, bởi vì Thôi-Hiệu đã đề thơ trên đầu rồi.
Xem như thế, ta đủ biết Lý-Bạch rất nể-vì và khâm-phục thi-tài của Thôi-Hiệu. Về tuổi-tác, Lý-Bạch hơn Thôi-Hiệu 3 tuổi. (Sẽ có bài riêng về Lý-Bạch).
III. Bài Thơ Hoàng-Hạc Lâu:
1. Tiếng Hán:
黃鶴樓
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
崔顥
2. Tiếng Hán-Việt:
Hoàng-Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Thôi Hiệu (704-754)
3. Nghĩa Tiếng Việt: Lầu Hoàng-Hạc
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi mất rồi,
Hạc vàng khi bay đi rồi, đã không quay trở lại nữa
Chỉ còn để lại lầu Hoàng-Hạc nơi đây
Ngàn năm mây trắng bay lang-thang trên bầu trời
Mặt sông lúc trời quang-đãng, phản-chiếu cây cối Hán-Dương rất rõ-ràng
Cây cỏ ở Anh-Vũ xanh-tươi
Chiều tối, tự hỏi quê-quán mình nơi đâu?
Đầu sông khói tỏa lên, và có sóng gợn, làm cho lòng người buồn-bã thêm.
Chúng tôi nhân cơ-hội viết bài này để nói qua về Luật Thơ Đường. Lịch-sử cổ-đại Trung-Hoa cho thấy Nhà Đường không những là đỉnh-cao về văn-hóa, nghệ-thuật mà còn cả về kinh-tế, chính-trị nữa. Vào thời Nhà Đường, thơ văn phát-triển mạnh-mẽ. Luật Thơ Đường ra đời, mang một trật-tự và khí-thế mới cho thi-ca. Các sĩ-phu, quan-lại, thi-nhân, sĩ-tử…nếu muốn làm thơ, đều phải thuộc-lòng và áp-dụng Luật Thơ Đường. Thơ Đường gây một ảnh-hưởng lớn rộng chẳng những ở trong nước, mà còn ở nước- ngoài nữa, như Việt-Nam, Nhật-Bản, Triều-Tiên…Đối-lập với Thơ Cổ-Thể, thơ Đường Luật gọi là Thơ Cận-Thể có quy-luất rất khe-khắt. Thơ Đường Luật có một hệ-thống gồm 5 nguyên-tắc phức-tạp như: luật, niêm, vần, đối và bố cục. Về hình-thức, thơ Đường Luật có các loại:
-Thất ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu bảy chữ) được xem là loại căn-bản.
-Thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu bảy chữ), đây là loại biến-thể.
-Ngũ ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu năm chữ),
-Ngũ ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu năm chữ) và các loại ít phổ-biến khác.
Ở đây, chúng tôi chỉ nói về thể thơ Thất Ngôn Bát Cú vần bằng (thông-thường nhất). Đó là thơ Đường đúng luật, gồm có 8 câu, mỗi câu 7 chữ (tổng-cộng có 56 chữ). Điều kỳ-diệu của thơ Thất Ngôn Bát Cú là mặc dù chỉ gồm có 56 chữ, nhưng nói lên tất cả ý-tình tha-thiết của tác-giả. Hai câu đầu 1 và 2 là 2 câu đề (đặt vấn-đề bài thơ đó nói tới). Hai câu tiếp-theo 3 và 4 là hai câu thực (tả hoặc nói thực về vấn-đề đó. Ý-nghĩa của hai câu này phải đối nhau). Hai câu luận sau đó 5 và 6 (bàn-luận về vấn-đề đó. Ý-nghĩa của hai câu này cũng đối nhau). Cuối-cùng là 2 câu kết 7 và 8 (kết-luận vấn-đề). Nếu không làm đúng như vậy, gọi là thất đối.
Ngoài ra, Thơ Thất Ngôn Bát Cú còn đòi-hỏi những quy-luật về Niêm, và Vần.
Như đã nói, thơ Đường đặt ra những quy-luật rất khe-khắt đối với người làm thơ. Nhưng một bài thơ Đường hay đòi-hỏi người làm thơ phải có thực-tài, tinh-thuộc Luật Thơ, và phải biết vài xảo-thuật về nghệ-thuật dùng chữ, biết rung-động trước cảnh-tượng trước mặt.
Nếu gọi B là thanh Bằng (gồm những chữ không dấu hay dầu huyền), T là thanh Trắc (gồm những chữ có dấu sắc, hỏi, ngã và nặng), và những chữ thứ 1, thứ 3, thứ 5 dùng bằng hay trắc đều được chấp-thuận (nhất, tam, ngũ bất luật), thì trong một bài thơ Đường Luật (Thất Ngôn Bát Cú) vần bằng được sắp-đặt như sau.
Thí dụ:
|
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
1 |
|
B |
|
T |
|
B |
B |
2 |
|
T |
|
B |
|
T |
B |
3 |
|
T |
|
B |
|
T |
T |
4 |
|
B |
|
T |
|
B |
B |
5 |
|
B |
|
T |
|
B |
T |
6 |
|
T |
|
B |
|
T |
B |
7 |
|
T |
|
B |
|
T |
T |
8 |
|
B |
|
T |
|
B |
B |
Trong một bài thơ, nếu chữ thứ 2 là “bằng” thì gọi là bài “Luật Bằng”, nếu chữ thứ 2 là “trắc” thì gọi là bài “Luật Trắc”.
Ở chữ thứ 7 các câu 1, 2, 4, 6, 8 các thanh bằng phải vần với nhau (mầu đỏ). Nếu không, gọi là thất vận. Những chữ có vần giống nhau hoàn-toàn gọi là "vần chính" (hoa, ta, nhà…), những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông" (ing, êng…). Hầu hết thơ Đường đều dùng thanh bằng, nhưng cũng đôi khi thanh trắc.
Quy-luật niêm trong một bài thơ thất ngôn bát cú như sau:
- câu 1 niêm với câu 8
- câu 2 niêm với câu 3
- câu 4 niêm với câu 5
- câu 6 niêm với câu 7
Nếu các câu không niêm với nhau, gọi là thất niêm.
Nói chung, nếu bài thơ không theo đúng luật quy-định như trên, gọi là thất luật.
Thơ Cổ Phong hay Cổ Thể, Cổ Thể Thi là một thể thơ cổ có từ trước đời nhà Đường gồm những thể thơ cổ không theo quy-luật khắt-khe như thơ Đường. Thể thơ này có thể là Thất Ngôn Tứ Tuyệt. Thể “Thơ Mới 7 Chữ” sau này ở nước ta có lẽ thuộc Thất Ngôn Tứ Tuyệt nhưng không hạn-định số câu. Thay vì bài thơ chấm-dứt ở câu thứ 4, nó có thể kéo dài tùy theo ý-muốn của tác-giả. Nếu tác-giả thấy bài thơ chưa diễn-tả hết ý mình, có thể kéo dài thêm. Có tác-giả Việt-Nam đã kéo dài bài thơ của mình tới 30 đoạn (mỗi đoạn có 4 câu). Ngày nay, những người làm Thơ Mới ở nước ta thường theo cách này.
Xét về luật thơ Đường và bài thơ Hoàng-Hạc Lâu của Thôi-Hiệu, chỉ có câu 1 là gây nhiều “tranh-cãi” nhất trong bao nhiêu năm qua. Nhiều người nghĩ là bài thơ phá thể hay lạc vận. Chữ thứ 7 ở câu 1 (Khứ=去) phải là thanh bằng (đúng luật), sao lại trắc? Thực ra, ở thời Thôi-Hiệu, chữ Khứ (去) còn đọc là “khư” hay “khâu”(vần bằng).
Hán Việt Từ Điển - Thiều Chửu, cũng xác-định như vậy:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khu/khâu
Còn chữ thừa (đúng ra phải là thanh trắc) và chữ hạc (đúng ra phải là thanh bằng)?
Chữ du (悠) thứ 7 ở câu thứ 4, vần “u”, không khớp với vần “âu” ở những câu khác. Có thể coi đây là 2 “vần thông”.
Có người cho là Thôi-Hiệu áp-dụng lối thơ Cổ-Phong, phối-hợp với thơ Thất Ngôn Bát Cú khi sáng-tác Hoàng-Hạc Lâu. Dù sao, bài thơ này cũng đã có mặt gần 13 thế-kỷ, một tuyệt tác-phẩm không những đã đóng-góp cho văn-học Trung-Hoa một bông hoa đẹp, mà còn giúp cho di-tích Lầu Hoàng-Hạc thêm nổi-tiếng.
Vì là bài thơ hay về tình lần ý, Hoàng-Hạc Lâu được dịch nhiều ra tiếng nước ngoài, đặc-biệt là tiếng Việt. Chúng tôi sưu-tầm thấy có những bản dịch sau đây, xin giới-thiệu với quý bạn:
IV. Các Bản-Dịch Việt-Ngữ:
1. Bản dịch của Tản-Đàn (1889 - 1939):
Tản-Đà được xem là Nhà Thơ có biệt-tài dịch thơ Đường sang thơ lục bát Việt-Ngữ hay nhất.
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
2. Bản dịch của Ngô-Tất-Tố (1894 –1954):
Là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học và nghiên-cứu có ảnh-hưởng lớn ở Việt-Nam trước 1954.
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dầy
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây
3. Bản dịch của Trần-Trọng-Kim (1883–1953):
Ông là một học giả danh tiếng.
Người đi cưỡi hạc từ xưa
Đất nầy Hoàng-Hạc còn lưa một lầu
Hạc vàng đi mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
Hán-Dương cây bóng lòng sông
Bãi kia Anh-Vũ cỏ trông xanh rì
Chiều hôm lai láng lòng quê
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu
4. Bản dịch của Vũ-Hoàng-Chương (1916 –1976):
Ông là một Giáo-sư Văn-chương, Triết-Học và là một Nhà Thơ rất nổi-tiếng trước 1975.
Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng-Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng môt màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán-Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh-Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
5. Bản dịch của Trần-Trọng-San:
Ông là một Giáo-sư Văn-Chương và Hán-Văn trước 1975.
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán-Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh-Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy;
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
6. Bản dịch của Trần Minh Ngọc:
Người xưa cưỡi hạc bay đi
Nơi đây còn lại khắc ghi Hạc lầu
Hạc vàng không trở lại đâu
Ngàn năm mây trắng trên đầu vẫn trôi
Hán Dương soi bóng cây, trời
Cỏ thơm Anh Vũ non tươi một màu
Làng quê chiều vắng - nơi đâu?
Trên sông khói sóng gieo sầu lòng ai.
7. Bản dịch của Nguyễn-Minh-Thanh:
Cưỡi hạc người xưa bóng mờ mịt / mịt mờ (đúng vận Thơ Đường)
Nay lầu Hoàng-Hạc đứng trơ vơ
Hạc vàng một thoáng mù tăm tích
Mây trắng ngàn năm mãi lửng lơ
Sông biếc Hán-Dương cây lộng bóng
Cỏ thơm Anh-Vũ bãi ươm mơ
Chiều về quê quán phương nào nhỉ?
Khói sóng ơ hờ… ai ngẩn ngơ…
8. Bản dịch của Hà-Thượng-Nhân (1920 - 2011):
Là bút-hiệu của Nhà Thơ Phạm-Xuân-Ninh tên thật là Hoàng-Sĩ-Trinh.
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất
Lầu Hạc lầu trơ một chốn này
Hoàng Hạc một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng ngẩn ngơ bay
Hán Dương sông tạnh cây xan xát
Anh vũ xanh non lớp cỏ dầy
Chiều xuống biết đâu là cố quận
Buồn chưa sóng nước khói dâng đầy
9. Bản dịch của Nhất-Uyên:
Người xưa cỡi hạc vàng đã khuất
Để lầu Hoàng Hạc chốn này trơ.
Hạc vàng một biệt không về nữa,
Mây trắng ngàn năm vẫn lửng lơ.
Hán Dương rừng tỏa hồng cây nắng
Anh Vũ cỏ thơm xanh bến mơ.
Chiều tối quê hương đâu đó nhỉ?
Trên sông khói sóng khách sầu thơ.
10. Bản dịch của Trần-Vấn-Lệ:
Buồn trông khói tỏa sông dài
Quê hương chẳng biết hỏi ai bây giờ
Cỏ thơm Anh Vũ mịt mờ
Cây xanh bến Hán không ngờ cứ xanh!
Mây trời vá áo thiên thanh
Mà đâu bóng hạc không đành bay qua?
Đây Lầu Hoàng Hạc lầu ma
Người xưa cưỡi hạc chơi xa, quên về?
11. Bản dịch của Viêt Bằng:
Hạc vàng vỗ cánh về đâu?
Còn đây Hoàng Hạc bên lầu vắng ai
Hạc vàng khuất bóng không hay
Ngàn năm mây trắng vẫn bay hững hờ
Hán Dương cây cứ xanh bờ
Cỏ thơm Anh Vũ mờ mờ bãi xa
Chiều lên chạnh nhớ quê nhà
Dòng sông khói sóng riêng ta vẫn buồn
12. Bản dịch của Sương Mai:
Người xưa cưỡi hạc về đâu
Chơ vơ Hoàng Hạc gác lầu trống không
Hạc vàng đã biệt non song
Ngang trời mây trắng phiêu bồng bay bay
Hán Dương soi bóng hàng cây
Bên bờ Anh Vũ xanh đầy cỏ thơm
Chiều rơi, quê nhớ chưa mòn
Trên sông khói sóng nghe lòng buồn thêm
13. Bản dịch của Nguyễn-Đăng-Tuấn:
người xưa cưỡi hạc vàng bay
đất trơ lầu hạc vàng lay bốn bề
hạc vàng bay mất không về
mây trôi trắng buốt, trăng ghê, đời đời
Hán Dương bến dọi cây ngời
cỏ xanh Anh Vũ mọc cời hoang vu
ngày tan quê khuất bóng mù
mù sương khói lượn sông, ừ quắt quay.
14. Bản dịch của ViVi
Cưỡi hạc người xưa lướt gió mây
Cho lầu Hoàng Hạc đứng trơ đây
Chim vàng một thoát không về lại
Mây trắng ngàn năm lặng lẽ bay
Bền Hán dòng êm cây rợp bóng
Châu Anh biêng biếc cỏ thơm vây
Quê nhà khuất bóng khi chiều sẩm
Sóng khói sông lùa nhớ lắt lay
15. Bản dich của Hà-Việt-Hùng:
Người viết bài này cũng xin mạo-muội góp vài bài dịch như sau:
1.
Người xưa cưỡi hạc về trời
Chỉ còn Hoàng-Hạc, hỡi ơi mây-mù
Chim bay, bay khuất thiên-thu
Một vầng mây trắng vi-vu trên trời
Hán-Dương lộng bóng nơi-nơi
Cỏ thơm Anh-Vũ xanh tươi một mầu
Trời chiều, quê-quán nơi đâu
Đầu sông mây cuốn, lòng đau-đớn lòng.
2.
Tiên ông cưỡi hạc về đâu
Để buồn lầu vắng chơ mầu cỏ cây
Trời cao, mây trắng nơi này
Miên-man gió thổi, chim bay không về
Hán-Dương xanh biếc tình quê
Cỏ hoa Anh-Vũ tái-tê lòng này
Nơi đâu quê-quán chẳng hay
Mây bay đầu sóng lòng quay-quắt buồn.
3.
Xưa, người cưỡi hạc bỏ đi
Lầu vàng hiu-quạnh những khi vắng người
Hạc vàng vỗ cánh tung trời
Theo mây bay mãi trắng ngời nước non
Hán-Dương soi bóng xanh-dờn
Cỏ non Anh-Vũ mỏi-mòn thời-gian
Chiều rồi, đâu hỡi quan-san
Mây che sông núi ngỡ-ngàng lòng ta.
4.
Tiên-ông cưỡi hạc về nơi đâu
Bỏ lại lầu không đứng dãi-dầu
Hoàng-hạc bay đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng lướt trên đầu
Hán-Dương in bóng cây xanh-biếc
Anh-Vũ cỏ thơm- ngát một mầu
Chiều tối, quê-nhà đâu thế nhỉ?
Đầu sông khói sóng phủ cơn sầu.
IV. Nhận Xét:
Qua những bản dịch trên, có 8 bài theo thể Thất Ngôn Bát Cú, còn 10 bài theo thể Lục Bát. Về câu thứ 1 (Người xưa cưỡi hạc bay đi mất), có 2 bản dịch giống nhau. Đó là bàn dịch của Trần-Trọng-San và của Hà-Thượng-Nhân.
Bản dịch của Ngô-Tất-Tố có 2 câu 7 và 8 khác nhau.
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người
Bản dịch này vần “ay”, nên chúng tôi đã chọn câu có vần “ây” ( thông vận), thay vì vần “ươi”.
Chúng tôi nghe nói có bản dịch Hoàng-Hạc Lâu của Nguyễn-Du và của Mao-Trạch-Đông, và một ca-khúc của Cung-Tiến phổ thơ Vũ-Hoàng-Chương về ngôi lầu này, nhưng rất tiếc chưa được biết qua. Bạn đọc nào đã dịch hay biết có bản dịch nào hay, xin vui-lòng gửi về Làng Huệ, chúng ta cùng thưởng-thức.
VI. Tài liệu tham-khảo:
- Wikipedia.
- Sách vở, tạp-chí và các websites liên-quan.
- Hình Ảnh Trôi Đi (Tập Thơ), Việt-Bằng.
- Tô-Thùy-Yên, Giai-Phẩm Xuân Người Việt (Kỷ Sửu – 2009)
Hà-Việt-Hùng